(LLCT&TT) Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để không gian mạng, trong đó có Internet để lan truyền các thông tin xấu, độc, sai sự thật nhằm bóp méo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Thực tiễn cũng đồng thời đặt ra yêu cầu đối với Đoàn Thanh niên trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng và công tác thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận đúng đắn trên không gian mạng.
1. Một số âm mưu, thủ đoạn lan truyền thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng
Với sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống không gian mạng ngày nay đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Khoản 3, Điều 2, Luật An ninh mạng năm 2018 của nước ta xác định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”(1).
Có thể nói, hệ thống không gian mạng có đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song cũng đem lại thách thức đối với Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), không gian mạng ngày càng được nâng cấp và mang tính tự động hóa cao. Đây là nơi các thế lực thù địch, chống đối tận dụng ưu thế vượt trội của không gian mạng, của “thế giới phẳng” để tuyên truyền các luận điểm sai trái, thù địch, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mạng Internet, cụ thể hơn là hàng ngàn website và các trang mạng xã hội đã bị các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền các ấn phẩm truyền thông như hình ảnh, radio, video, bài viết,… với nội dung phản động.
Bên cạnh đó, mạng xã hội với đặc điểm là người dùng tự tạo và chia sẻ nội dung (user-generated content - viết tắt là UGC) và web 2.0 giúp các tài khoản tương tác với nhau, dẫn đến các thông tin xấu, độc có thể được lan truyền theo cấp số nhân. Ngoài ra, những công ty công nghệ xuyên biên giới như Meta, Google không đặt máy chủ tại các nước sở tại, trong đó có Việt Nam đã gây ra không ít khó khăn đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý thông tin trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng hai mạng xã hội xuyên biên giới phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook, Youtube, báo chí, đài phát thanh đặt ở ngoài nước, lợi dụng những bối cảnh đặc biệt như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, bầu cử để bình luận, xuyên tạc, công kích, chống đối Đảng và Nhà nước. Trong thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đã bịa đặt nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật về tình hình dịch bệnh trong nước và hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân covid-19 ở các tâm dịch trên cả nước nhằm gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh của các bộ, ngành, địa phương. Các thế lực chống đối này thậm chí còn lấy hình ảnh, video từ nước ngoài, không rõ không gian, thời gian để xuyên tạc về thực tiễn chống dịch ở nước ta.
Các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội kêu gọi biểu tình, kích động bạo lực, làm mất trật tự an ninh, an toàn xã hội bằng việc sử dụng hàng loạt tài khoản giả mạo, liên tục đăng tải bài viết bịa đặt, kích động để thu hút sự chú ý, gây xôn xao dư luận. Biểu hiện của thủ đoạn này là kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội bằng việc kêu gọi các tài khoản để các hashtag phản đối các luật, dự thảo luật như trường hợp Luật An ninh mạng năm 2018 nhằm tạo ra hiệu ứng đám đông. Người dùng mạng xã hội sẽ thường xuyên nhìn thấy các bài viết phản đối và nếu lập trường tư tưởng không vững vàng sẽ dễ bị lung lay và tác động theo chiều hướng tiêu cực(2).
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” ở lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong đó có việc tuyên truyền, phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đả kích bản sắc văn hóa dân tộc,… gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, giảm sút niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn này đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Đoàn Thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đấu tranh ngăn chặn, phản bác, phê phán các quan điểm sai, trái thù địch trên không gian mạng.
2. Đoàn Thanh niên - lực lượng trẻ, năng động và phản ứng nhanh trong phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành bởi Bộ Chính trị khóa XII, ngày 22/10/2018 khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, do đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có lực lượng đoàn viên, thanh niên(3).Tính đến nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có khoảng 7,03 triệu đoàn viên(4). Đây là lực lượng trẻ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường trong nước và quốc tế. Hơn nữa, theo Unicef, hơn một phần ba người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên độ tuổi từ 15-24(5). Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác thường xuyên hiện nay, được thể hiện ở một số khía cạnh như sau
Thứ nhất, Đoàn Thanh niên góp phần đoàn kết, tập hợp, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, phê phán và phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đoàn viên, thanh niên, khi phát hiện các dấu hiệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch thì không chỉ tự giác ngăn chặn, lên án chúng mà còn là người giải thích, khuyên bảo và vận động gia đình, bạn bè, người thân xung quanh biết đấu tranh, lên án những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật từ các thế lực chống phá Nhà nước, bảo vệ bản thân không rơi vào bẫy của các thế lực chống đối và vi phạm các quy định của pháp luật trên không gian mạng. Với mạng lưới xã hội của mỗi cá nhân, mỗi một nỗ lực của đoàn viên, thanh niên góp phần không nhỏ làm nên một bức tranh tổng thể trong đoàn kết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Như đã nói, với những đặc điểm tương tác và lan truyền theo cấp số nhân trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi một chia sẻ, cảnh báo và kêu gọi của đoàn viên, thanh niên, của các kênh truyền thông xã hội thuộc các tổ chức Đoàn sẽ giúp định hướng dư luận đúng đắn, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và ngăn chặn những thông tin xấu, độc lan truyền rộng rãi.
Thứ hai, đoàn viên, thanh niên giúp nhận diện, phát hiện những quan điểm, sai trái thù địch trên không gian mạng. Đoàn viên, thanh niên là đối tượng sử dụng mạng xã hội đông đảo và nhạy bén với các công nghệ mới. Chính vì vậy, năng lực truyền thông của thanh niên hiện nay có thể nói là ở mức độ tương đối cao. Đoàn viên, thanh niên không còn là những người “tiêu dùng thông tin” một cách thụ động mà ngày càng có tư duy phản biện sắc bén đối với các quan điểm trên mạng xã hội. Nhiều đoàn viên, thanh niên phát hiện ra các sản phẩm bị cắt ghép sai sự thật một cách tinh vi bằng thủ thuật photoshop hay cắt ghép video, lồng giọng và gương mặt bằng công nghệ thông minh, kiểm chứng các thông tin, lời đồn chưa rõ nguồn gốc và chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng về các sai phạm. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên đã chủ động báo cáo những nội dung xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội tới những nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Youtube để chúng không bị lan truyền và tiếp cận tới đông đảo người dùng, đặc biệt là trong các hội nhóm, nơi rất khó để các cơ quan chức năng kiểm soát về nội dung và bình luận.
Thứ ba, ở cấp độ tổ chức, Đoàn Thanh niên ngày càng đẩy mạnh công tác truyền thông qua website và truyền thông xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo về nội dung, cách thức, truyền tải thông điệp. Với sự phát triển Internet, mạng xã hội và website ngày càng bùng nổ và cải tiến liên tục, trở thành những kênh thông tin, giáo dục, giải trí không thể thiếu đối với người dân, trong đó có đoàn viên, thanh niên. Nhận thức được xu hướng này, các cấp Đoàn đã và đang tích cực xây dựng và phát triển các kênh truyền thông, phong phú từ hình thức tới nội dung nhằm giáo dục, định hướng tư tưởng cho thanh niên một cách hiệu quả. Những sản phẩm truyền thông trên website và mạng xã hội không chỉ có bài viết đơn thuần mà được lồng ghép với hình ảnh, video, infographics và podcast - một dạng phát thanh trên môi trường Internet nhằm phát triển đa phương tiện. Các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Đoàn, lịch sử, biển đảo,… được truyền thông rộng rãi, thường xuyên trên mạng xã hội bên cạnh việc phổ biến đơn thuần các quyết định về cuộc thi như trước đây đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo thanh niên, đoàn viên. Chẳng hạn như Fanpage Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những kênh thông tin được đầu tư chỉn chu về mặt nội dung, thường xuyên cập nhật tin tức về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, hoạt động của Đoàn trường, tình nguyện, tọa đàm khoa học về các chủ để liên quan và lên án, phản bác, cảnh báo thanh niên, đoàn viên trước những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Fanpage đang ngày càng phát triển và đạt được sự tương tác cao ở mỗi bài viết.
3. Giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cho Đoàn Thanh niên
Thứ nhất, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên, thanh niên. Công tác giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng. Đoàn Thanh niên phải tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị nhằm giúp đoàn viên, thanh niên dễ tiếp cận như: xây dựng các sản phẩm như video clip, phim ngắn, tranh minh họa… Nội dung cần có kế hoạch và thời gian đăng tải phù hợp trên webstie, mạng xã hội của Đoàn, Đội để tiếp cận được đông đảo đoàn viên, thanh niên và đạt được sự tương tác cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, TikTok đang trở thành nền tảng vượt trên cả những “ông lớn” công nghệ như Facebook và Youtube với đặc trưng là video ngắn nhưng súc tích, cô đọng. Vì vậy, Đoàn Thanh niên các cấp cần nhanh chóng phát triển mạnh mẽ hơn nội dung trên nền tảng này để việc truyền thông đến đúng đối tượng và thực sự mang lại hiệu quả truyền thông.
Thứ hai, các tổ chức Đoàn cần xây dựng lực lượng nòng cốt là những đoàn viên, thanh niên năng động, sáng tạo và đặc biệt là có khả năng sử dụng công nghệ thành thạo để nhận diện, phòng tránh các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật trên không gian mạng. Cụ thể, lực lượng nòng cốt được đào tạo các kỹ năng như viết tin bài, thiết kế sản phẩm truyền thông từ hình ảnh, video hay podcast để duy trì chất lượng của bài viết, phát triển đa phương tiện và thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thông về hoạt động Đoàn, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, nghị quyết, biển đảo, lan tỏa những giá trị tích cực góp phần hình thành dư luận xã hội đúng đắn. Bên cạnh đó, cần đầu tư và đào tạo một lực lượng thành thạo công nghệ thông tin để bảo vệ chính hệ thống mạng của Đoàn Thanh niên các cấp, đồng thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý các thông tin xấu, độc, các thủ đoạn tinh vi nhằm chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội.
Thứ ba, Đoàn Thanh niên các cấp cần chú trọng công tác đăng tải, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực tới người dân, trong đó có đoàn viên thanh niên. Không gian mạng là môi trường thích hợp để những thông tin tích cực, những hình ảnh đẹp được tuyên truyền, lan tỏa, truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, hiệu quả, rộng khắp. Với yêu cầu là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, việc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, phòng ngừa chủ động tiến công nhằm phá tan mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ quan trọng(6).Vì vậy, cần đẩy mạnh biên tập và đăng tải các thông tin tích cực như những thành quả, kết quả nổi bật hoặc những hình ảnh đẹp của Đảng và Nhà nước ta; gương sáng thanh niên; người tốt, việc tốt; hoạt động từ thiện, xã hội, đền ơn, đáp nghĩa; công tác dân vận, tuyên truyền chính sách, pháp luật tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, v.v..
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời sớm tuyên truyền, định hướng dư luận đúng đắn. Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng giúp việc phát hiện, đánh giá mức độ, tìm ra âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác, đồng thời tìm ra cách thức để ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin xấu, độc kịp thời, hiệu quả nhất(7). Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ giúp thống nhất về thông điệp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới đông đảo công chúng và đẩy lùi các tin xấu, độc./.
____________________________
(1) Luật An ninh mạng, số 24/2018/QH14.
(4) Website Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Giới thiệu về đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Bình luận