Những lời dạy của Bác Hồ là cơ sở để nhìn nhận trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo

Báo chí truyền thông Thứ hai, 14-12-2020 16:27

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa là một mặt trận. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Trong điện gửi Hội nhà báo á Phi, Bác Hồ viết: Đối với những người viết báo chúng ta cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng. Với các nhà báo trong nước, Bác dạy “Ngòi bút của các bạn là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.

Chủ đề trung tâm của báo chí ta, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí. Bác nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen thì người ta có thể viết tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”.

Bác lại nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”.

Chân lý là cái gì có lợi của Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.

Bác Hồ dặn dò: “Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Xuất phát từ vai trò và tác động của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Và gặp dịp là Người nhắc nhở các nhà báo phải tu dưỡng rèn luyện, tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo (1959) Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan  trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tốt chính trị, đứng vững lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội (1962) Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Báo cũng là một ngành kinh tế và một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Nhưng Bác luôn luôn dạy báo chí không chỉ là vì kinh tế mà xa rời mục đích tôn chỉ của mình.

Nhưng lời dạy bảo của Bác Hồ càng mang tính thời sự nóng hổi và ý nghĩa giáo dục sâu sắc hơn lúc nào hết. Loại hình báo chí, công nghệ tin học, phương thức biểu đạt, truyền tải thông tin thay đổi và rồi đây sẽ còn tiếp tục đổi thay đến mức chóng mặt. Song bản chất của báo chí nói chung và những nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng thì vẫn giữ nguyên giá trị của chúng./.

 ____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 1+2.2005

Hồng Dương