Danh nhân tuổi Dậu Trương Vĩnh Ký

Lịch sử Báo chí truyền thông Thứ ba, 22-12-2020 18:58

Trước tên Chánh ký sau đổi thành Vĩnh Ký, tục gọi là Petrus Ký, sanh năm Đinh Dậu (1837) tại thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Mồ côi cha từ thủa ấu niên, được mẹ hết lòng nuôi dạy. Ông hiếu học và rất thông minh. Ngày từ bé đã thông chữ Hán và được một linh mục người Pháp đưa đến Cái Nhum học tiếng La Tinh. Năm 11 tuổi được đưa sang Campuchia theo học trường Pinhalu. Tại đây ông có tiếp xúc với các bạn đồng học người Lào, người Xiêm và người Miến Điện. Ông chú ý tìm tòi những nét tương đồng và dị biệt giữa các ngôn ngữ ở bán đảo Đông Dương. Điều này giải thích tại sao khi học thành tài, ông vẫn dành thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu các mẹo luật văn phạm của bao nhiêu ngôn ngữ phức tạp.

Năm 1851, bấy giờ chỉ mới 14 tuổi, được nhà trường cấp học bổng  sang du học ở Malaysia. Tại đảo Penang, ông tiếp tục học các tiếng La tinh, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nhật, ấn Độ... Ông thông thạo 15 thứ ngôn ngữ phương Tây và 11 thứ ngôn ngữ phương Đông. Vì thế, người đương thời liệt ông vào hàng 18 nhà bác học trên thế giới. Ông trở thành Hội viên Hội nhân chủng học và Khoa học miền Tây nước Pháp.

Năm 1861, ông trở về nước rồi lập gia đình vào năm 21 tuổi. Năm 1863, ông được chọn làm thông dịch viên trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Khi về nước được bổ làm giáo viên rồi làm Đốc học, dạy tại trường Thông ngôn và trường Cai Trị ở Sài Gòn. Từ giữa tháng 8.1869, ông được người Pháp giao quyền trong coi bài vở tờ Gia Định báo; đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta. Vào dịp này, ông đã cùng các cây bút hữu danh khác như Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của), Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Đường đã dùng tờ báo này để truyền bá chữ Quốc ngữ, trau dồi văn chương nước nhà và giới thiệu tư tưởng học thuật Âu - Tây và á Đông cho người trong nước. Ông còn dùng tờ Gia định báo để cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ Quốc ngữ và khuyến khích mọi người học chữ Quốc ngữ.

Ông cũng là người đầu tiên có sáng kiến thành lập ra nền báo chí Việt Nam. Ngoài công việc làm báo, ông còn chuyên tâm vào việc dịch thuật và biên soạn nhiều sách có giá trị. Đáng kể nhất là ông soạn ra quyển tự vị để chỉ rõ nghĩa và cách viết chữ Quốc ngữ còn đang trong tình trạng phôi thai. Đây là một tài liệu rất quý được xem là cơ sở vững chắc để các nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ tra cứu khi viết lách. Nó còn giữ một vai trò quan trọng trong văn học sử nước nhà. Ngoài ra, ông còn biên soạn hai quyển từ điển Pháp - Việt và Việt - Pháp thuộc loại sớm nhất ở nước ta.

Năm 1886, ông cộng tác với Paul Bert và có lúc ra kinh đô dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh. Được ít lâu ông chán nản, rút lui khỏi chính trường, sống cuộc đời đạm bạc, chỉ chuyên tâm nghiên cứu môn khoa học nhân văn và ngôn ngữ học.

Năm 1898, ông mất, thọ 61 tuổi, để lại cho đời sau hơn 100 bộ sách giá trị.

Những tác phẩm chính như: Chuyện đời xưa, Sử ký An Nam, Sử ký Trung Quốc, Giáo trình địa lý Nam bộ, Tự điển danh nhân An Nam, sách dạy chữ Quốc ngữ, Đại Nam Quốc sử diễn ca (dịch), Lục Văn Tiên truyện (dịch), Lục Súc Thanh Công (dịch), Kim Vân Kiều (dịch), Đại Học và Trung Dung (dịch), Minh Tâm Bửu Giám (dịch)....

ông Trương Vĩnh Ký là một người Việt Nam nổi tiếng thông minh, hiếu học và siêng năng, biết đem sở trường của mình ra phục vụ đương thời và hậu thế./.

Bài đăng Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005

Nguyễn Nhân Thống