Sự độc đáo trong nghệ thuật viết báo của Bác Hồ

Diễn đàn nghề nghiệp Thứ hai, 15-03-2021 18:37

       Sinh thời, Hồ Chủ tịch là người thường xuyên viết báo. Các bài viết của Người không chỉ đề cập đến những vấn đề mang tầm cỡ quốc tế mà còn đề cập đến cả những vấn đề mang tính thường nhật. Từ những bài viết về tình hình thế giới, ca ngợi Cách mạng tháng Mười, về thắng lợi quân sự của quân dân ta trong kháng chiến cũng như về thành tựu xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, đến những bài viết về những tấm gương chiến đấu, lao động giỏi, học tập tốt, những chi bộ tốt, và cả những bài viết đả kích tổng thống, các tướng lĩnh Mỹ, nguỵ… tất cả đều chứa đựng những nội dung tư tưởng hết sức sâu sắc. Nếu những bài viết về những đề tài trong nước có sức cổ vũ, động viên rất lớn đối với quân và dân cả nước, thì những bài viết đả kích kẻ địch lại mang tính chiến đấu sắc bén, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Qua các bài báo của Hồ Chủ tịch, chúng ta có thể nhận thấy một trong những lý do làm nên chất lượng các bài viết của Người là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ một cách độc đáo, dựa trên những đặc điểm của tiếng Việt. Điều này thể hiện ngay ở việc đặt tiêu đề, việc sử dụng các hình thức ngôn ngữ phong phú, mang đậm phong cách dân tộc và đây cũng chính là cái làm nên nét phong cách Hồ Chí Minh.

     1. Đặt tiêu đề ngắn gọn, dễ hiểu

     Tiêu đề bài báo là một phần của bài báo, là "cánh cửa" dẫn người đọc vào vấn đề mà bài báo đã đặt ra. Đầu đề bài báo một mặt phải bám sát nội dung, phản ánh đúng chủ đề chính, mặt khác còn phải hấp dẫn, có sức cuốn hút, bắt mắt người đọc. Một trong những yêu cầu đầu tiên đối với đầu đề bài báo là càng ngắn gọn, súc tích càng tốt. Các bài báo của Bác Hồ hầu hết được đặt bằng một cấu trúc rất ngắn gọn. Chẳng hạn, "Đáng khen" là một tiêu đề Bác đặt cho một loạt gồm 4 bài liên tiếp trong một thời gian ngắn, đăng trên báo Nhân Dân(*) và đều ký tên là Chiến Sĩ: bài viết về xã Hồng Hà ở Hà Tây không còn tệ nạn nấu rượu lậu (số ra ngày 17.1.1967); bài viết về phong trào "báo công, bình công, ghi công 5 tấn" của tỉnh Thái Bình (số ra ngày 7.2.1967); bài viết về gia đình đ.c Kháng ở xã Đông Xuân, Đông Quan,Thái Bình nuôi lợn giỏi (số ra ngày 9.3.1967); và bài viết về gương những thanh niên ở Kiến Bái, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm mà vẫn vui vẻ, "rôm rả" (số ra ngày 16.3.1967). Ngoài ra có thể kể ra rất nhiều bài báo đã được Bác đặt với cấu trúc ngắn gọn như vậy: "Chuyện ngược đời" (3.4.1961. Ký tên: T.L), "Đốp! Đốp!" (1.2.1962. Ký tên: T.L), "Angiêri anh dũng" (6.5.1958. Ký tên: Trần Lực), "Cu-Ba anh dũng" (4.4.1962. Ký tên: T.L), "Một thắng lợi vẻ vang" (3.10.1960. Ký tên: T.L), "Một thắng lợi mới" (8.11.1962. Ký tên: T. L), "Chi bộ tốt" (20.11.1963. Ký tên: T. L), "Những chi bộ tốt" (31.10.1963. Ký tên: T. L), "Tết trồng cây" (28.11.1959. Ký tên: Trần Lực), "Đạo đức Mỹ" (20.1.1962. Ký tên: T.L), v.v..

Thường khi đơn giản ngắn gọn nhưng chưa hẳn đã dễ hiểu. Bác thì khác, các đầu đề, tên bài Bác đặt không chỉ đơn giản, ngắn gọn mà còn dễ hiểu. Dễ hiểu là ở chỗ, mọi người dân ai nghe, ai đọc thấy cũng hiểu ngay vì đó là lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ, nó mộc mạc như chính cuộc sống của họ vậy. Ví dụ: "Thật là vẻ vang" (17.9.1965. Ký tên: Chiến Sĩ), "Phải ra sức chống hạn" (4.12.1959. Ký tên: Trần Lực), "Phong trào Đại Phong" (15.10.1961. Ký tên: T.L), "Càng già càng giỏi" (22.10.1965. Ký tên: Chiến Sĩ), "Mỹ xúi quẩy thật" (27.10.1962. Ký tên: T. L), "Đế quốc Mỹ tội ác tầy trời" (10.5.1962. Ký tên: T.L), "Đế quốc Mỹ cút đi" (12.3.1965. Ký tên: Chiến Sĩ), "Kẻ cướp nói chuyện "hoà bình"" (26.12.1965), "Mỹ nhất định thua" (1.2.1966. Ký tên: Chiến Sĩ), "Miền Nam tất thắng" (23.12.1963. Ký tên: Chiến Sỹ), v.v.. Với tên gọi những bài có hình thức như vậy, ta không còn phải bàn luận nhiều về nội dung ngữ nghĩa của chúng.

        2. Chơi chữ qua âm thanh trong các tiêu đề

        Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và có rất nhiều từ đồng nghĩa và đồng âm. Chẳng hạn, hiện tượng đồng âm có thể xảy ra ngẫu nhiên giữa từ thuần Việt với từ nước ngoài khi phiên âm sang tiếng Việt. Bác đã khai thác triệt để những đặc điểm này của tiếng Việt để tạo ra những tổ hợp gây ấn tượng trong việc đặt tên bài và đem lại những hiệu quả rất lý thú ngay từ những tên gọi đó.

Tên gọi một số bài như "Làm thế nào cho lạc thêm vui" (14.3.1962. Ký tên: T.L), "Trong trần ai, ai cũng ghét Ai" (20.1.1961. Ký tên: T.L), "Mỹ mà không đẹp" (29.5.1964. Ký tên: Chiến Sỹ),v.v. có một hình thức chơi chữ rất độc đáo qua hiện tượng vừa có đồng nghĩa, vừa là đồng âm. Chẳng hạn,  ở tiêu đề "Trong trần ai, ai cũng ghét Ai" có 3 chữ "ai" đồng âm: "ai1" trong từ "trần ai" chỉ cõi đời, thế gian, thiên hạ, "ai2" là đại từ phiếm chỉ tất cả mọi người và "ai3" là phiên âm tiếng đầu tiên trong tên của tổng thống Hoa Kỳ (Aixenhao). tiêu đề "Làm thế nào cho lạc thêm vui" có từ "lạc" (thuần Việt) có nghĩa là cây lạc, củ lạc và lại vừa có nghĩa là vui (theo âm Hán Việt). Như vậy, làm cho lạc thêm vui là làm cho lạc nhiều thêm và làm cho lạc thêm lạc, cũng tức là làm cho vui thêm vui.

Các tổng thống Mỹ từ Aixenhao đến Nícxơn, những ông trùm hiếu chiến ở Nhà Trắng là những kẻ thay nhau vạch ra chính sách xâm lược nước ta. Trong một loạt bài viết của mình, tên gọi của chúng đã được Bác nhắc đến qua cách chuyển phiên âm rất độc đáo, rất Việt Nam nhưng cũng mang tính châm biếm sâu sắc, đó là tổng Ai (Eisenhower), tổng Ken (Kennedy), tổng Giôn (Johnson), tổng Níc (Nixon). Bên cạnh đám tổng thống diều hâu kia là lũ tướng tá tay chân với những cái tên mà theo cách gọi của tiếng Việt gợi nên đầy màu sắc châm biếm, khôi hài như: tướng "Tay lo" (Taylor) rồi "chân cũng lo"; tướng "Hắc-ín" (Harkin); tướng "Lốt"- "Ca-bốt Lốt"- "Cá-bỏ-lọt" (Cabolodge); "Oét mo len"- "Vét mò lên" - "Vét mỡ lợn" (Westmoreland); Mắc na ma ra - Mặt nạ ra - Mặt nạ ma ra" (Macnamara)…

     3. Tạo thế đối lập ngay trên tiêu đề

    Phép đối là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật câu đối trong truyền thống văn chương. Nó là tạo ra sự tương phản về ý, về nội dung sự tình và sự đối ứng về hình thức. Một số tên bài viết của Bác có cấu trúc đối hoàn chỉnh, làm toát lên bối cảnh và niềm tin vào thế và lực của ta, do đó có sức động viên rất lớn đối với quân dân cả nước, ví dụ: "Chiến đối với đấu giỏi. Thắng lợi to" (1.9.1966. Ký tên: La Lập), "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua" (23.8.1965. Ký tên: Chiến Sĩ)…

Lại có những bài viết của Bác đã được xây dựng theo nguyên tắc đối xuất phát từ sự đối lập trong nội dung đề tài: ta địch. "Ta" và "địch" là sự đối kháng giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa yêu hoà bình và hiếu chiến, giữa văn minh và bạo tàn, giữa ý chí quật cường và sắt thép đạn bom, chẳng hạn: "Ta thắng lớn, Mỹ thua to", "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua"... Có khi trong tiêu đề chỉ đối ý nhưng sự đối này được tạo ra từ hiệu quả của một lối chơi chữ khác. Ví dụ tên bài "Đại bợm Giôn xơn miệng nói "hoà bình", tay vung "binh hoả"" (14.4.1965, Ký tên: Chiến Sĩ) và bài "Hoà bình kiểu Mỹ tức là binh hoạ" (29.6.1963. Ký tên: Chiến Sỹ). ở đây, chữ "hoà bình" đã được chuyển qua dạng nói lái và đọc trại thành "binh hoả", "binh hoạ" trở thành một từ mang ý nghĩa đối lập, tương phản. Hay bài "Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười" (4.1.1966. Ký tên: Chiến Sĩ) là sự đối lập giữa quân và tướng Mỹ, giữa bọn chết nhăn răng với kẻ nhăn răng cười.

      4. Dùng thành ngữ, tục ngữ đắc địa

      Khi nói về vai trò của Cách mạng tháng Mười và công lao của nhân dân Liên xô đối với cách mạng nước ta, Bác căn dặn chúng ta phải "Uống nước nhớ nguồn" ("Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc"; 1.11.67). Và cách mạng Cu - Ba đã thức tỉnh nhân dân các nước bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột, muốn thoát khỏi "Kiếp ngựa trâu" thì phải làm cách mạng ("Cu - Ba anh dũng"; 4.4.1962. Ký tên: T.L).

Từ sự phê phán chế độ phong kiến, tư bản bóc lột dân nghèo, "ngồi mát ăn bát vàng", Bác dạy cán bộ, đảng viên phải biết "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; tư tưởng và hành động phải nhất trí, nếu không đi liền nhau thì khác nào một mớ cắt rời, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; đạo đức cách mạng do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" ("Đạo đức cách mạng"- In trên tạp chí Học Tập, số tháng 12 - 1958. Ký tên: Trần Lực).

Trong việc phòng chống thiên tai - giặc trời, Bác nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải luôn chủ động, lo chuẩn bị trước chứ không phải thụ động, tuyệt đối không nên chờ "nước đến chân mới nhảy" ("Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt"; 28.7.1965).

Còn với đế quốc Mỹ - giặc ngoại xâm, chúng là kẻ "vừa ăn cướp, vừa la làng" ("Sách trắng" của Mỹ"; 8.3.1965), cho nên các tổng thống như Ken nơ đi, Giôn xơn, Níc xơn trước sau chỉ là những tên bợm "treo đầu dê, bán thịt chó", "chó sói học nói giọng cừu", "khẩu Phật tâm xà; miệng là bồ tát, bụng là xa tăng" ("Hoà bình kiểu Mỹ tức là binh hoạ"; 29.6.1963. Ký tên: Chiến Sỹ). Còn bè lũ Thiệu-Kỳ, tay sai của Mỹ là loại "mặt người bụng thú", những kẻ "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi giày mả tổ" ("Lại chuyện chó Mỹ"; 20.1.1966. Ký tên: Chiến Sĩ).  

Bản chất hiếu chiến của đế quốc Mỹ và tay sai không bao giờ thay đổi, dù cậy nhiều súng đạn nhưng trước sức mạnh của ta, chúng ở vào thế "thúng không úp được voi" ("Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười"; 4.1.1966. Ký tên: Chiến Sĩ). Với bản chất ngoan cố, "chết thì chết, nết không chừa", chúng như "chó dại cắn càn" ("Mỹ xúi quẩy thật"; 27.10.1962), song dù đến đâu chúng cũng sẽ sa lưới "thiên la địa võng" của nhân dân ta ("Tình hình thế giới"; 4.6.1961. Ký tên: T.L).

      5. Dùng ca dao, dân ca để khái quát vấn đề

       Là một người luôn gần gũi với quần chúng, Bác viết báo là để quần chúng đọc, và cũng là để phục vụ sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Một trong những điều làm nên tính quần chúng trong các bài viết của Bác là việc sử dụng một cách sáng tạo và có hiệu quả ngôn ngữ dân tộc. Bác thường dùng những cách nói, cách viết của quần chúng dưới dạng những khúc hát dân gian, mộc mạc, giản dị, có vần điệu dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ. Đó là những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, những câu vè, câu ví, những khúc đồng dao hay những kiểu chơi chữ, lảy Kiều, v.v.. để thay cho sự đánh giá, bình luận, nhận định hay tổng kết. Chẳng hạn, trong bài "Phải ra sức chống hạn", Bác dùng ba câu ca dao khái quát vấn đề:   

"Dù cho hạn hán khắp nơi,

Người mà quyết chí, thì trời phải thua,

Không mưa mà vẫn được mùa". 

Hoặc ở bài "Đáng khen" có những câu rất mộc mạc đời thường như:

"Cán bộ xung trước,

Làng nước theo sau

Việc khó đến đâu

 Cũng làm được hết".       

Khi nói, viết về một địa phương, Bác dùng nhiều từ ngữ của địa phương đó. Chẳng hạn, trong bài "Làm thế nào cho lạc thêm vui" (14.3.1962. Ký tên: T.L), Bác mở đầu bằng việc đánh giá thực trạng dưới dạng một khúc đồng dao xứ Nghệ:

"Dân Nghệ nhà choa,

Mỗi năm ăn quà,

Hết chín nghìn bẩy (9.720) tấn gang !"

Cuối cùng Bác đưa ra lời nhắn nhủ:

"Làm thế nào cho lạc thêm Vui?

Đổi lấy máy móc, thì bầy tui quyết làm!"

Thậm chí, khi viết về những vấn đề nghiêm túc, khô khan, Bác cũng vẫn có thể dùng cách nói mộc mạc nhất để đồng bào ta ai đọc cũng hiểu. Chẳng hạn, mở đầu bài viết "Mừng Đảng ta 34 tuổi" (3.2.1964. Ký tên: T. L) là một câu thơ gồm sự so sánh về công lao của Đảng và một cách nói rất khẩu ngữ của quần chúng nhân dân: 

"Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao,

Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình!"                                       

Trong bài "Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười" (Bài viết cho báo Sự Thật, in trên báo Nhân Dân, 7.11.1959), sau khi nêu lên thành tựu to lớn cũng như sự giúp đỡ của Liên xô đối với nhân dân ta, Bác căn dặn:

 "Chúng ta vui sướng hôm nay,

Càng nên nhớ lại những ngày gian lao".

Mở đầu bài viết "Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây" (1.1.1965. Ký tên: T.L) nhằm kêu gọi và cổ vũ mọi người hưởng ứng tết trồng cây, là một câu thơ: 

"Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

"Sẵn sàng giúp đỡ" (27.9.1962) là bài viết của Bác về tình cảm và tinh thần tương trợ quốc tế của nhân dân ta. ở cuối bài, Bác khái quát tinh thần và tình cảm ấy như một chân lý:

"Trăm năm trong cõi người ta

Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam".

Trong bài "Càng già càng giỏi" (22.10.1965. Ký tên: Chiến Sĩ), sau khi nêu tấm gương các cụ già ở nhiều địa phương, Bác tặng chung các cụ câu thơ:

Tuổi cao, chí khí càng cao

Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!

Trước hiện tượng những đôi nam nữ cưới nhau xa hoa tốn kém trong lúc cả nước đang khó khăn, Bác chất vấn và cũng là phê bình khéo:

Cô cán bộ, cậu sinh viên,

Xa hoa lãng phí, không phiền lòng ru?

Với những đám cưới giản tiện, tiết kiệm, Bác khen:

Việc công trước, việc tư sau,

Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình

Cuối cùng Bác nhắc nhở chung:

"Một lòng bảo vệ nước nhà,

Thanh niên như thế, mới là thanh niên!"

            "Lễ cưới" (25.3.1965. Ký tên: Chiến Sĩ)

Song với những bài viết về kẻ địch thì lại thể hiện tính chiến đấu rất sâu sắc. Xuất phát từ quan điểm viết cho quần chúng nhân dân, cho mọi người đọc nên Bác vẫn sử dụng cách nói của nhân dân, lối thể hiện của truyền thống ngôn ngữ dân tộc; từ cách xưng hô đến cách thể hiện ý chí quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân ta, như câu:  

"Bay cậy bay nhiều máy bay,

Chúng tao thề đánh chúng mày tan xương!"

         (Trong bài "Chiến đấu giỏi. Thắng lợi to"; 1.9.1966. Ký tên: La Lập)

"Mất tiền rồi lại thua thâm,

Để cho thiên hạ nhân dân chê cười!"                                                   

          (Bài "Đốp! Đốp!"; 1.2.1962)

Trong bài báo "Trong trần ai, ai cũng ghét Ai" (20.1.1961. Ký tên: T.L), Bác đã dùng hình thức lẩy Kiều để kết tội vị tổng thống này (Ai xen hao) sau 8 năm ngồi trong Nhà Trắng: "Nghĩ mình công ít tội nhiều…". Tội ác tầy trời của Ai xen hao đối với nhân dân Việt Nam đã được Bác phỏng theo cách viết Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi tố cáo tội ác của giặc Minh trước kia: "Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội; múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù!". Giôn - vị tổng thống kế tiếp Ai cũng chỉ là chó này thay bằng chó khác và cũng vẫn chỉ là: 

"Chó sói dù đội lốt cừu non,

Sự thật đã vạch mặt Tổng Giôn Huê Kỳ"

          ("Lại chuyện chó Mỹ"; 20.1.1966. Ký tên: Chiến Sĩ).

     6. Thẳng thắn tự phê bình, cải chính trên báo

      Nhân nói về hình thức đặt tên các bài báo của Bác, chúng tôi thấy trong số các bài thống kê được, có một bài mà ở đó, ngoài nội dung chủ đề chính còn có một nội dung khác thuộc về tôn chỉ, đạo đức, trách nhiệm và văn minh của người làm báo. Đó là bài "Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu" (In trên báo Nhân Dân, số 2946, ngày 17.4.1962. Ký tên: T.L) Dưới đây là toàn bộ phần cuối của bài báo:

"Xin lỗi - Trong báo Nhân Dân (14-3-1962), dưới đầu đề "Làm thế nào cho lạc thêm vui" đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc".

Với không chỉ các nhà báo, chúng tôi nghĩ rằng việc dẫn ra đây đoạn văn này là đủ mà không cần phải bình luận gì thêm./.

(*) Tất cả các bài báo của Bác được nhắc đến trong bài viết này đều đăng trên báo Nhân Dân; ở đây chúng tôi chỉ ghi chú ngày tháng và bút danh của Bác.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005

TS Phạm Văn Thấu