Hiệu quả tu từ của phương tiện ẩn dụ bổ sung trong Thơ Mới 1930 – 1945

Thông tin – Tư liệu Thứ năm, 04-03-2021 22:50

Đặc trưng thơ ca là tác động tới trí tưởng tượng của con người thông qua hình tượng nghệ thuật. Những hình  tượng nghệ thuật đó được tạo nên nhờ vốn sống và trí tưởng tượng vô cùng nhạy cảm tinh tế của thi sĩ thông qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Các thi sĩ Thơ Mới cũng đã bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ tạo nên những hình ảnh thi ca không chỉ tái hiện một cách trung thực, sinh động  những hình ảnh có thực trong thực tế khách quan, những cái hữu hình, mà còn tái hiện được cả những cái vô hình, những cái mong manh mơ hồ nhất trong thiên nhiên, trong cuộc sống và trong tâm hồn con người, mang lại những cảm xúc thẩm mĩ tinh tế cho người đọc. Một trong những biểu hiện của nghệ thuật sử dụng ngôn từ  của các thi sĩ Thơ Mới là nghệ thuật sử dụng phương tiện tu từ ẩn dụ bổ sung.

ẩn dụ bổ sung là một phương tiện tu từ  không phải là mới, nó đã được sử dụng trong thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển, nhưng phải đợi đến giai đoạn 1930 - 1945 mới được sử dụng thành trào lưu, khởi nguồn từ Baudelaire - một nhà thơ tiêu biểu của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Pháp thời kỳ hậu lãng mạn, được coi là "sự tương giao giữa các giác quan", nói theo cách của Phùng Văn Tửu là "mối tương quan huyền bí tạo nên sự thống nhất âm u và sâu xa" của vũ trụ, vượt ra ngoài sự cảm nhận hời hợt của các giác quan thông thường và trở thành "thi pháp quan trọng của thơ tượng trưng và thơ hiện đại" nhờ "sự chuyển kênh mau lẹ và táo bạo trong tư duy thơ".

Sức sáng tạo trong biểu đạt của ẩn dụ bổ sung không chỉ là "sự tổng hoà các giác quan" là "siêu cảm giác" khi nhận thức thế  giới, mà còn là bình giá năng lực của cảm giác, thể hiện tình cảm, trí tuệ sáng tạo của con người sử dụng để xây dựng những hình ảnh thơ, tạo nên tác động trực tiếp vào thế giới tinh thần của con người, kích thích liên tưởng, tưởng tượng, tái hiện trong tâm trí người đọc những cảm nhận bằng thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác... làm cho hình ảnh thơ vừa có vẻ đẹp lung linh huyền ảo, vừa sống động chân thực. Gía trị đặc biệt này của ẩn dụ bổ sung có thể thấy ở rất nhiều câu thơ, bài thơ của những tác giả trong phong trào Thơ Mới, mà thí dụ sau đây mới chỉ là một trong số đó:

Khói dịu hương êm tản mác đầy,

Tơ chùng, điệu thấp, bốn phương say

Mùa xuân lẳng lặng về không tiếng,

Duyên khép tình e ngậm dấu giầy.

(Dịu nhẹ - Vũ Hoàng Chương)

Thơ Mới sử dụng ẩn dụ bổ sung thông qua liên tưởng và tưởng tượng trên những nét tương đồng giữa thế giới âm thanh và hình ảnh, giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình, làm cho những cái vô hình bỗng hiện hình qua phương tiện ngôn ngữ, giúp thi sĩ tái hiện được hiện thực cuộc sống, tâm hồn con người theo cách nhìn riêng, cách chiếm lĩnh hiện thực riêng, tạo nên những giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cho sáng tạo văn chương.

Thí dụ:

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.

(Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ)

Thế giới màu sắc, âm thanh được tái hiện trong Thơ Mới thật đa dạng, phong phú. Đó không chỉ là những màu sắc, âm thanh nhìn thấy, nghe thấy, mà còn là những sắc màu hư ảo, âm thanh mong manh tồn tại trong thế giới tinh thần. Cái sắc màu hư ảo, âm thanh mong manh ấy, những loại hình nghệ thuật khác khó mà tái hiện được, nhưng Thơ Mới lại có khả năng tái hiện sinh động, và gợi lên một cách trực quan bằng những ẩn dụ bổ sung.

Thí dụ:

Gió nhẹ, mây hờ, sương hơi hơi,

Mưa thưa, nắng mỏng, nhạc khoan lời,

Dây đàn chầm chậm hôn trên phím

Muôn vạn cung "Hồ" lả lướt rơi

(Dịu nhẹ - Vũ Hoàng Chương)

Với ẩn dụ bổ sung, nhà thơ không những có thể miêu tả hiện thực cuộc sống đa dạng phong phú, mang tính tạo hình, mà còn có thể đi sâu vào thế giới bên trong của hiện thực, mở ra chân trời tưởng tượng về thế giới tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của con người. Có những khi ẩn dụ bổ sung chỉ được nhà thơ dùng để miêu tả một suy nghĩ, một cảm xúc của con người trước cuộc sống, nhưng cũng có thể tạo nên những bức tranh sinh động, có sức gợi sâu xa, khiến người đọc không chỉ là người chiêm ngưỡng, cảm thụ, mà trở thành người đồng sáng tạo với thi nhân:

Tiếng hát trong như tiếng ngọc tuyền

Êm như hơi gió thoảng cung tiên

Cao như thông vút, buồn như liễu

Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

(Tiếng gọi bên sông - Thế Lữ)

Hay tạo nên những rung động tinh tế, sâu sắc và phong phú, đem lại những cảm xúc, cảm hứng thẩm mỹ mới mẻ:

Này lắng nghe em khúc nhạc thơm

Say người như như rượu tối tân hôn...

Hãy tự buông cho khúc nhạc hường

Dẫn vào thế giới của Du Dương

Ngừng hơi thở lại xem trong ấy

Hiển hiện hoa và phảng phất hương

(Huyền diệu - Xuân Diệu)

Cả bài thơ là một tập ẩn dụ bổ sung. Chỉ mấy câu thơ trên cũng đã bộc lộ nghệ thuật sử dụng ẩn  dụ bổ sung rất tài tình, thể hiện những cảm nhận tinh tế những hình ảnh rực rỡ lung linh, những hương vị mờ tỏ, những nét nhạc trầm bổng du dương... Tất cả đều rất mới, có sức gợi hình, gợi cảm đến vô cùng.

Là đề tài muôn thuở của văn chương, thiên nhiên chưa hề vắng bóng trong thơ ca của bất cứ thời đại nào. Baudelaire đã từng nói: "Nghệ thuật là gì theo quan niệm hiện đại? Chính là sự sáng tạo ra ma thuật đồng thời chứa đựng khách thể và chủ thể, thế giới bên ngoài nghệ sĩ và chính bản thân nghệ sĩ" (Dẫn theo L.J.Austin - Vũ trụ thơ ca của Baudelaire. 1956). Trong Thơ Mới  cũng vậy, thiên nhiên luôn hiện lên trong mối quan hệ với con người, khúc xạ tâm hồn con người. Khi miêu tả thiên nhiên, thi sĩ Thơ Mới không chỉ tái hiện vẻ đẹp của tạo hoá, mà còn bộc lộ và hiện diện của mình qua cảnh quan thiên nhiên. ở lĩnh vực này, ẩn dụ bổ sung cũng đóng góp đắc lực cho nghệ thuật biểu hiện của nhà thơ:

Hôm nay trời nhẹ, mây cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...

Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn

Sương trinh rơi kín tự nguồn yêu thương.

(Chiều - Xuân Diệu)

Với tư cách một nhà Thơ Mới mới nhất trong những nhà Thơ Mới, Xuân Diệu luôn đi tiên phong trong nghệ thuật sử dụng ẩn dụ bổ sung. Do chịu ảnh hưởng của Baudelaire, hầu như bài thơ nào trong số những bài Thơ Mới hay nhất của Xuân Diệu cũng có rất nhiều ẩn dụ bổ sung. Từ những cảm hứng về tình yêu, đến những cảm hứng về thiên nhiên, về cuộc sống, bao giờ trái tim thi sĩ cũng muốn cảm nhận một cách đầy đủ, trọn vẹn. Đó là những bước khởi đầu để sau này nhà thơ tiếp tục say sưa đi tìm những nguồn thi hứng mới mẻ:

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ

Gió nhịp theo đêm không vội vàng

Khí  trời quanh tôi làm bằng tơ

Khí  trời quanh tôi làm bằng thơ

(Nhị Hồ - Xuân Diệu)

"Đây mùa thu tới" cũng là cả một tổ hợp những ẩn dụ bổ sung, đã giúp nhà thơ miêu tả từng bước đi của mùa thu qua từng sắc lá đang phai nhạt, từng cánh hoa đang rụng rơi, từng nhánh cành đang gầy guộc, cả ánh trăng cũng ngẩn ngơ, dáng núi nhạt nhoà, dòng sông cũng vắng vẻ, và bầu trời u ất hơn, khí trời lạnh lẽo hơn, lòng người buồn bã hơn...

Nhà thơ đã thu cả cuộc đổi mùa của thế gian, không gian rộng lớn vào một góc vườn nhỏ, một chiếc lá đang phai, một làn sương mỏng đến mờ ảo, và những hình ảnh đã quá quen thuộc, với bất cứ ai cũng hơn một lần đã thấy, nhưng cũng trở thành mới lạ trong những cảm nhận mới lạ, và cách diễn đạt thật mới lạ của ẩn dụ bổ sung:

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mong manh

để rồi để lại những dấu ấn riêng, rất sâu đậm, rất Xuân Diệu lên cả bài thơ, tứ thơ và trong từng chi tiết nhỏ nhất của bài thơ. Đó là cảm nhận riêng của Xuân Diệu để nhận ra thu trong rất nhiều dáng vẻ của thiên nhiên: dáng liễu đìu hiu, hàng cây nhuốm lá vàng, những chiếc lá run rẩy, đôi cành khô gầy, làn sương mỏng ngang sườn núi mờ xa... Thế là thu đã tới.

Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nhưng không đơn thuần mô tả lại thiên nhiên. Nhà thơ phải xúc cảm và sáng tạo lại thiên nhiên bằng những cảm nhận tinh tế, nhạy bén, bằng những rung động tinh vi của nội tâm sâu kín, bằng tài năng sử dụng ngôn từ của người nghệ sĩ. Nói như Arixtote: "Nhiệm vụ của nhà thơ không phải nói về sự việc thực sự đã xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra như quy luật xác suất hay quy luật tự nhiên..."(Nghệ thuật  thơ ca. Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr. 45). Baudelaire cũng cho rằng cái đẹp về cơ bản là nhân tạo. Vì vậy, ông thích hoa hồng giả, thích người phụ nữ phải biết "hoá trang phấn son" để tự nâng mình lên. Ông muốn trong sự sáng tạo cái đẹp phải có sự "gia công nghệ thuật" để tạo nên dáng dấp câu thơ và xây dựng những kết cấu âm thanh...

Những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới đã làm được như thế. Họ yêu và khao khát được yêu, được tỏ bày,  đó chính là cảm hứng xuyên suốt trong phong trào Thơ Mới. Cùng với sự bày tỏ lòng yêu  là con người trong cái tôi bản ngã, cái tôi cá thể và riêng biệt nhất với những cảm xúc riêng tư sâu kín, phong phú và mãnh liệt. Thơ Mới bao giờ cũng viết về cái tôi, là của tôi. Tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của các nhà Thơ Mới cộng với trí tưởng tượng phong phú, bay bổng giờ đây không bị kìm nén, bó buộc, mà vỡ oà vang vọng một cách tự do nhất, qua nghệ thuật sử dụng các phương tiện tu  từ, trong đó có phương tiện tu từ ẩn dụ bổ sung, đã sáng tạo ra một không gian mới, một cách cảm thụ mới, một cách  biểu hiện mới về thiên nhiên, về cuộc sống và con người.

Thí dụ:

Sao anh không về thăm thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)

Thiên nhiên qua lăng kính lạ lùng của tình yêu tuyệt vọng trong trạng thái đau thương vì bệnh trầm trọng thường ánh lên trong tâm hồn Hàn Mạc Tử những cảnh sắc rực rỡ, lộng lẫy, thanh khiết đến vô cùng. Thiên nhiên càng đẹp lại càng ám ảnh, càng tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng lại càng yêu tha thiết. Cho nên, mỗi lời thơ Hàn Mạc Tử như một lời tỏ bày da diết của một tấm tình đam mê tuyệt vọng đối với thiên nhiên, đối với cuộc đời.

Trạng thái đau thương bên trong đã chuyển hoá thành sáng tạo. Cảm xúc tuyệt vọng là dạng thức hưng phấn đến cực điểm, đẩy thi hứng lên đỉnh điểm của cao trào, thi pháp sáng tạo thăng hoa, tạo nên những câu thơ, những hình ảnh thơ đẹp lạ lùng, rung lên trong hồn ta những cảm xúc bất ngờ, trong sáng. Mà thật lạ, cảm xúc đẹp và mãnh liệt đó có khi được Hàn Mạc Tử rung lên từ một phương tiện tu từ được dùng đắc địa.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây.

(Mùa xuân chín)

"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi"! ẩn dụ bổ sung được dùng ở đây không chỉ hình ảnh hoá âm thanh, làm cho âm thanh hiện hình có đường nét, có hình khối, mà còn vận động linh hoạt, thanh thoát. Trên cái nền của khung cảnh thiên nhiên, tình tứ, tiếng ca vút bay lên uốn lượn trong không gian những âm thanh réo rắt, mềm mại. Đó thực sự là hình ảnh đẹp, mới, lạ, bất ngờ và có sức gợi đến vô cùng.

Với khả năng kết hợp linh hoạt, tạo nên những giá trị tu từ to lớn, ẩn dụ bổ sung thực sự trở thành phương tiện tu từ có ưu thế đặc biệt trong tái hiện hiện thực bằng âm thanh, bằng hình ảnh, biểu hiện đời sống nội tâm phong phú của con người và nâng cao nhận thức, tư duy nghệ thuật, vừa mang tính hiện đại, đại chúng, dễ chấp nhận. Đồng thời ẩn dụ bổ sung còn giúp các thi sĩ Thơ Mới, đặc biệt là Xuân Diệu, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Đoàn Phú Tứ...vượt lên những khuôn thước cũ, bằng tài năng sáng tạo của mình, tạo nên nguồn sinh lực cho Thơ Mới cả về ý lẫn lời, cả lối cảm xúc, cách tư duy và ngôn ngữ thi ca. Có thể nói ẩn dụ bổ sung là một trong những cách tân lớn của Thơ Mới về ngôn ngữ, đã mở rộng sức thể hiện cho một phong trào thơ ca dân tộc, đưa Thơ Mới đến đỉnh cao trên thi đàn hiện đại.

Trong sự phát triển của văn học lãng mạn, ẩn dụ bổ sung đã được dùng rộng rãi và xuất hiện liên tục không chỉ ở Thơ Mới mà trong nhiều thể loại, ở nhiều tác giả với tư cách là một phương tiện tu từ có gía trị biểu đạt xuất sắc của cả một giai đoạn văn học, và sau này vẫn tiếp tục khẳng định giá trị của mình.

_______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4)/2005

ThS Đỗ Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4)/2005