Đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực: Quan niệm, triển vọng và giải pháp thúc đẩy
1. Quan niệm về đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực
Đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực là mô hình đào tạo gắn việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá với các chuẩn đầu ra rõ ràng về kiến thức và kỹ năng. Nó là sự cụ thể hoá và phát huy cao độ mô hình đào tạo theo chuẩn đầu ra, trong đó vai trò trung tâm của người học được phát huy một cách thực chất. Mô hình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực được xây dựng với nhận thức rằng, đào tạo báo chí - truyền thông là đào tạo nghề mang tính thực hành. Hay nói cách khác, mục tiêu của đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực là tạo ra những người hành nghề, chứ không phải những nhà nghiên cứu báo chí - truyền thông.
Đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực là mô hình đào tạo có tính linh hoạt, cho phép sinh viên làm chủ tiến độ học tập tuỳ theo khả năng tiếp nhận của bản thân. Sinh viên có khả năng tiếp thu nhanh có thể rút ngắn quá trình đào tạo khi chứng minh bản thân đã đạt được các năng lực theo yêu cầu. Chương trình đào tạo được xây dựng theo các mô-đun hướng tới hình thành, rèn luyện hoặc nâng cao những năng lực xác định. Trên phương diện này, chương trình đào tạo theo phương thức tín chỉ là nền tảng thuận lợi để triển khai mô hình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực.
Trước hết, chương trình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực là chương trình mang tính ứng dụng, thực hành hơn là tính lý luận, học thuật. Mô hình này xác định đào tạo báo chí - truyền thông là đào tạo nghề gắn với một hệ thống các năng lực cụ thể. Chính vì vậy, quá trình xây dựng chương trình đào tạo luôn có sự tham vấn các chuyên gia hành nghề, người sử dụng lao động để bảo đảm rằng, các chuẩn đầu ra được xây dựng trên nền tảng thực tế, xuất phát từ yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động. Quá trình tham vấn các bên liên quan giúp cơ sở đào tạo lập ra một danh sách các kiến thức và kỹ năng thiết yếu mà sinh viên tốt nghiệp cần đạt được để có thể hoàn thành các nhiệm vụ trong công việc thực tế.
Đào tạo ở bậc đại học là đào tạo nghề, mang tính ứng dụng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y học, sư phạm và báo chí - truyền thông. Các chương trình đào tạo ở bậc cử nhân giúp sinh viên tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nhờ vậy, tìm được việc làm đúng chương trình đào tạo. Ở bậc thạc sĩ, chương trình đào tạo có thể mang định hướng ứng dụng hoặc nghiên cứu. Chương trình ứng dụng dành cho những người hành nghề còn chương trình nghiên cứu dành cho những người muốn học lên cao hơn. Ở bậc tiến sĩ, chương trình đào tạo báo chí - truyền thông mang tính chất nghiên cứu, lý luận rõ nét. Ở cấp độ này, chương trình hướng tới đào tạo giảng viên, nhà nghiên cứu báo chí - truyền thông.
Tiếp đó, mô hình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực đề cao sự hài lòng của sinh viên. Các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông hiện đại coi trọng hành trình và trải nghiệm học tập của sinh viên, giúp sinh viên đạt được các chuẩn năng lực đã xác định. Chính vì vậy, dạy học là quá trình hướng dẫn, tư vấn, định hướng để sinh viên nhận biết điểm mạnh, hạn chế của bản thân đồng thời điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp với môn học. Sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong suốt quá trình học tập giúp sinh viên biết mình đang ở đâu, cần đi đến đâu và đi đến đó như thế nào.
Trong mô hình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực, giảng viên chuyển từ vai trò người truyền thụ kiến thức sang người hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy giống như một huấn luyện viên. Sinh viên là trung tâm của quá trình học tập. Vai trò trung tâm của sinh viên được thể hiện ở tất cả các khâu của quá trình học tập từ chuẩn bị bài, nghiên cứu tài liệu, thảo luận nhóm đến hoàn thành các bài tập. Thay vì được dạy, sinh viên tự học, học qua thực hành (learning by doing) và học bằng cách dạy người khác (learning by teaching others).
Bên cạnh đó, quá trình giáo dục chuyển trọng tâm từ thành tích học tập sang trải nghiệm học tập. Sinh viên có cảm thấy hứng thú với việc học tập hay không; sinh viên có hài lòng với môi trường học tập hay không; phản hồi của giảng viên đã chú ý đến khả năng tiếp nhận của sinh viên và giúp sinh viên tiến bộ hơn hay chưa… là những trải nghiệm học tập quan trọng. Việc quan tâm đến trải nghiệm của người học không có nghĩa là nuông chiều sinh viên. Về bản chất, đó là việc dành đầy đủ sự chú ý, quan tâm đến các sinh viên khác nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Trong mô hình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực, phương thức kiểm tra đánh giá được công khai ngay từ đầu và gắn liền với các chuẩn đầu ra. Phương thức kiểm tra đánh giá được làm rõ trong sổ tay hoặc đề cương môn học, giúp sinh viên trả lời các câu hỏi: Hình thức kiểm tra đánh giá là gì? Các yêu cầu cụ thể là gì? Bài làm sẽ được đánh giá theo những tiêu chí và chấm theo thang điểm nào? Hình thức kiểm tra đánh giá thống nhất với mục tiêu, chuẩn đầu ra môn học. Hình thức kiểm tra đánh giá thường đa dạng, tương ứng với các chuẩn đầu ra khác nhau đồng thời mang tính phân hóa trình độ của sinh viên.
Nếu như mô hình đào tạo truyền thống chủ yếu hướng tới việc xác định sinh viên đỗ hay trượt thì mô hình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực quan tâm đến việc sinh viên có thể sử dụng các kiến thức, kỹ năng được trang bị ở nhà trường trong thực tế như thế nào. Nếu sinh viên không chuyển hóa được kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn thì việc sinh viên đạt điểm cao hoặc bằng cấp giỏi cũng không có ý nghĩa. Các nhà sử dụng lao động thường đánh giá năng lực của sinh viên trong thực tế hơn là coi bằng cấp tốt nghiệp như chỉ báo duy nhất, tuyệt đối về năng lực của sinh viên.
Bài 1. Video và bài thuyết trình không gian thương hiệu (Bài tập nhóm) (30%)
Sinh viên sẽ nghiên cứu và sản xuất video về một không gian thương hiệu. Sau đó, sinh viên sẽ thuyết trình về không gian thương hiệu này, giải thích kết cấu không gian, thiết kế, hành vi của nhân viên, tài liệu quảng bá tác động như thế nào đến cảm nhận, hành vi của công chúng khi bước vào không gian đó.
Bài 2. Bộ nhận diện thương hiệu (Bài tập cá nhân) (50%).
Sinh viên sẽ thiết kế một bộ nhận diện thương hiệu, gồm hai phần: Hướng dẫn nhận diện thương hiệu và ví dụ sử dụng trong thực tế. Phần hướng dẫn nhận diện cần có câu chuyện thương hiệu, thiết kế logo, quy tắc sử dụng logo, bảng màu, hướng dẫn sử dụng phông chữ thương hiệu…
Bài 3. Bài viết phân tích (Bài tập cá nhân) (20%).
Sinh viên sẽ viết một bài luận dài 1.000 từ về một thương hiệu theo hình thức nghiên cứu trường hợp. Nghiên cứu trường hợp cần phân tích vị trí của thương hiệu trong thị trường, mối quan hệ của thương hiệu với công chúng mục tiêu, thế mạnh, hạn chế, thành công hoặc thất bại của thương hiệu trong việc tạo dựng bản sắc hoặc giá trị của mình.
Bảng 1. Hình thức đánh giá cuối kỳ môn Quản trị thương hiệu trong Chương trình Cử nhân Quảng cáo, PR và Thương hiệu của Đại học Middlesex
2. Triển vọng đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực
Đào tạo theo định hướng phát triển năng lực là xu thế tất yếu và dần được ứng dụng trong các lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp mang tính thực hành như bác sĩ, giáo viên, nhà báo và nhà truyền thông ở một số trường đại học trên thế giới. Xu thế này được triển khai đến mức độ nào phụ thuộc vào nhận thức, trình độ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và hệ thống học liệu của cơ sở đào tạo. Động lực của mô hình này nằm ở đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với các cơ sở giáo dục trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện chủ yếu qua tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Chất lượng đào tạo là khái niệm động và được thể hiện trên nhiều phương diện, chiều cạnh khác nhau. Chất lượng đào tạo thường được hiểu là mức độ cơ sở giáo dục đạt được mục tiêu đào tạo đã tuyên bố. cơ sở giáo dục cần đào tạo ra sinh viên có các năng lực như đã xác định trong mục tiêu đào tạo. xét cho đến cùng, chất lượng đào tạo phải gắn liền với cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Với những năng lực được trang bị trong nhà trường, sinh viên cần tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chương trình đào tạo luôn là chỉ số quan trọng hàng đầu của chất lượng đào tạo.
Muốn vậy, cơ sở giáo dục cần đào tạo sinh viên có các kỹ năng, kiến thức mà thị trường lao động cần. Chương trình đào tạo càng bám sát thực tế bao nhiêu thì cơ hội việc làm của sinh viên càng cao bấy nhiêu. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như nhu cầu lao động của thị trường, năng lực đáp ứng của sinh viên, các mối quan hệ xã hội của sinh viên… Trong đó, năng lực đáp ứng của sinh viên đối với các yêu cầu của thị trường lao động là yếu tố cốt lõi. Sinh viên phải có khả năng thích ứng trong môi trường làm việc, hoàn thành các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Cơ sở đào tạo báo chí cần có phương pháp giảng dạy phù hợp để hình thành, phát triển các năng lực đồng thời có phương pháp kiểm tra đánh giá để xác định sinh viên đã làm chủ các năng lực này ở mức độ nào. Đối với nhà báo, các nhiệm vụ cụ thể trong thực tế nghề nghiệp bao gồm thu thập, xử lý, trình bày thông tin; tiếp cận, phân tích, phân loại công chúng; sáng tạo nội dung theo các thể loại và cho các loại hình báo chí khác nhau… Các nhiệm vụ này đòi hỏi những năng lực tương ứng cấu thành từ các kiến thức và kỹ năng cụ thể. Bên cạnh hệ thống kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên báo chí còn cần có các kỹ năng xã hội như kỹ năng thiết lập quan hệ, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng giải tỏa căng thẳng…
Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin cho phép triển khai phương thức đào tạo linh hoạt, thuận tiện hơn cho người học. Học tập trực tuyến (elearning), học tập kết hợp (blended learning), học tập qua các khóa học trực tuyến mở (massive open online course) đang trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều trường đại học trên thế giới. Công nghệ thông tin phá vỡ giới hạn của phòng học truyền thống và mở ra không gian học tập mới thông qua việc ứng dụng các công nghệ trực tuyến, công nghệ ảo… Các mô hình đào tạo trực tuyến linh hoạt này cho thấy, đào tạo theo định hướng phát triển năng lực là cần thiết và đúng hướng.
Công nghệ thông tin giúp cho sự kết nối và tương tác giữa giảng viên và sinh viên thuận lợi hơn. Công nghệ cũng giúp cho quá trình tổ chức, quản lý lớp học và theo dõi tiến độ học tập của sinh viên chặt chẽ và mang tính đối tượng hóa cao hơn. Học tập đối tượng hóa với vai trò thúc đẩy của công nghệ (technology-enhanced personalized learning) đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình học tập này chú trọng bồi dưỡng, phát triển các năng lực theo đặc điểm riêng của từng sinh viên. Hành trình và trải nghiệm học tập của mỗi sinh viên vì thế có thể khác nhau nhưng đều hướng tới các chuẩn năng lực chung.
Để mô hình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực trở thành hiện thực, hệ thống học liệu và công nghệ hỗ trợ đào tạo cần được không ngừng hoàn thiện. Tại một số trường đại học trên thế giới như Đại học WGU (Mỹ), mô hình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực trở thành hiện thực vì nhà trường xây dựng hệ thống học liệu hiện đại mà sinh viên có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi thông qua máy tính có kết nối Internet. Hệ thống học liệu này chính là “giảng viên” thứ hai của sinh viên, giúp sinh viên phát triển năng lực tự học. Hệ thống học liệu càng hoàn thiện thì mức độ linh hoạt của chương trình đào tạo càng cao.
3. Giải pháp thúc đẩy chương trình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực
Đào tạo theo định hướng phát triển năng lực mặc dù chưa phổ biến nhưng sẽ là xu hướng của tương lai, đặc biệt là trong những ngành nghề mang tính thực hành như báo chí - truyền thông. Mô hình đào tạo này là sự phát triển ở mức độ cao hơn của mô hình đào tạo theo chuẩn đầu ra với sự nhấn mạnh vào các năng lực thiết yếu mà nghề nghiệp yêu cầu. Nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Monash (Australia), Đại học Middlesex (Vương quốc Anh), Đại học WGU (Mỹ) đã áp dụng mô hình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực trong các chương trình báo chí - truyền thông.
Việc xây dựng và triển khai mô hình đào tạo báo chí - truyền thông theo định hướng phát triển năng lực gắn liền với việc xây dựng khung quy chuẩn năng lực báo chí - truyền thông. Khung năng lực này là cơ sở để bảo đảm rằng, chương trình đào tạo gắn với những chuẩn đầu ra khoa học, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp. Khung năng lực này có thể được xây dựng ở ba cấp độ: khung năng lực chương trình; khung năng lực của cơ sở đào tạo và khung năng lực quốc gia. Ví dụ, chương trình báo chí - truyền thông của Đại học Monash gồm 9 chuẩn đầu ra bao gồm chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xã hội. Các chuẩn đầu ra này áp dụng chung cho các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông của Đại học Monash.
1. Xác định, nghiên cứu và phân tích những vấn đề báo chí - truyền thông lớn của thời đại và phát triển những giải pháp hiệu quả, sáng tạo cho những vấn đề này;
2. Phát triển kiến thức sâu về các bộ môn báo chí - truyền thông chuyên ngành;
3. Làm việc độc lập và làm việc nhóm nhằm thích ứng với các năng lực và quan điểm đa dạng;
4. Thể hiện năng lực tư duy và kỹ năng thao tác trong các hoạt động báo chí - truyền thông cụ thể;
5. Hiểu được các nguyên tắc để đưa ra những đánh giá phản biện và đạo đức về các hoạt động báo chí - truyền thông;
6. Vận dụng kiến thức báo chí - truyền thông trong các bối cảnh nghề nghiệp khác nhau;
7. Thể hiện năng lực thấu hiểu văn hóa và trách nhiệm xã hội với tư cách là công dân toàn cầu;
8. Truyền thông hiệu quả với các nhóm công chúng khác nhau và theo các loại hình khác nhau.
Bảng 2. chuẩn đầu ra chương trình báo chí - truyền thông, Đại học Monash
Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, Cơ quan Bảo đảm chất lượng (QAA) đưa ra khung năng lực chuẩn cho các chương trình truyền thông, báo chí, phim và nghiên cứu văn hoá. Khung này xác định các chuẩn kiến thức, hiểu biết và kỹ năng mà sinh viên các chương trình này cần đạt được khi tốt nghiệp. Tất cả các trường đại học phải tham chiếu khung năng lực này khi xây dựng chương trình đào tạo báo chí - truyền thông. Ba chuẩn đầu ra quan trọng mà khung quy chuẩn này đưa ra bao gồm: Kiến thức đầy đủ về truyền thông, báo chí, phim và các hình thức biểu đạt văn hoá trong chương trình đào tạo; Hiểu biết các quan niệm, lý thuyết và cách tiếp cận khác nhau liên quan đến chương trình đào tạo và có khả năng vận dụng chúng và Các kỹ năng phân tích, nghiên cứu, sản xuất và truyền thông phù hợp với các nhiệm vụ học tập trong chương trình cũng như các kỹ năng chung và kỹ năng sáng tạo.
Khung quy chuẩn năng lực báo chí - truyền thông là văn bản có tính chất quản lý, hướng dẫn, xác định các nguyên tắc, tiêu chuẩn ngưỡng đối với việc xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông. Khung quy chuẩn đồng thời xác định hệ thống kiến thức, kỹ năng cốt lõi cấu thành năng lực báo chí - truyền thông để làm cơ sở cho việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Khung quy chuẩn năng lực báo chí - truyền thông có thể bao gồm các phần như: (1) Mục tiêu, bản chất của đào tạo báo chí - truyền thông; (2) Nguyên tắc, tiêu chuẩn đối với đào tạo báo chí - truyền thông; (3) Kiến thức và kỹ năng cốt lõi của báo chí - truyền thông; (4) Kiến thức và kỹ năng đặc thù của các chương trình báo chí - truyền thông theo chuyên ngành và (5) Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Hiện nay, Việt Nam chưa có khung quy chuẩn năng lực báo chí - truyền thông ở cấp độ quốc gia. Các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông lớn trong cả nước như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chưa có khung quy chuẩn năng lực để áp dụng cho việc xây dựng, triển khai và phê duyệt các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông được thiết kế nhằm phát triển các năng lực được cấu thành từ chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và năng lực tự chủ và trách nhiệm.
1. Chuẩn kiến thức
- Kiến thức đại cương
- Kiến thức cơ sở ngành
- Kiến thức ngành
- Kiến thức chuyên ngành
2. Chuẩn kỹ năng
- Kỹ năng chung
- Kỹ năng chuyên biệt
3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm (Kỹ năng mềm)
- Năng lực làm việc độc lập và làm việc nhóm
- Năng lực lãnh đạo, dẫn dắt
- Năng lực thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau
- Năng lực tự học, tự nghiên cứu
- Năng lực lập kế hoạch…
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 01.2021
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 6 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận