Bản chất tiên tiến, cách mạng của giai cấp công nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, GCCN có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng GCCN, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng thành công CNXH và chủ nghĩa cộng sản. GCCN là sản phẩm, là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, gắn với phương thức lao động công nghiệp có tính chất xã hội hóa ngày càng cao, là lực lượng sản xuất hàng đầu của xã hội; trong xã hội tư bản chủ nghĩa, họ không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất nên phải bán sức lao động và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư. GCCN chịu sự tác động của mọi yếu tố, nhất là những biến đổi lớn lao về công cụ lao động làm thay đổi quá trình lao động của họ do sự tác động của các cuộc CMCN trong lịch sử và hiện nay là cuộc CMCN lần thứ tư.
CMCN lần thứ tư được bắt đầu từ đầu thế kỷ XXI, trên nền tảng của CMCN lần thứ ba, với đặc trưng “là sự cải tiến công nghệ một cách nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động và kết nối internet (“internet vạn vật”), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, phương tiện tự điều khiển, công nghệ in 3D, nano và công nghệ sinh học, công nghệ điện toán”(1). Trên cơ sở ảnh hưởng bởi các cuộc CMCN trước đây, CMCN lần thứ tư có tác động mạnh mẽ đến GCCN một cách toàn diện, làm cho giai cấp này có những biểu hiện mới về số lượng, cơ cấu, chất lượng; theo đó, góp phần củng cố bản chất tiên tiến, cách mạng, những yếu tố cốt lõi quy định sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN.
1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư củng cố bản chất tiên tiến của giai cấp công nhân
Bản chất tiên tiến của GCCN trước hết do điều kiện kinh tế quy định. Là giai cấp được sinh ra từ nền sản xuất đại công nghiệp, là sản phẩm và là chủ thể của nền sản xuất đại công nghiệp với sự phân công lao động cao và tính chất xã hội hóa của nền sản xuất đại công nghiệp ngày càng phát triển. Nền sản xuất công nghiệp ấy, cùng những yếu tố cấu thành như máy móc, cách thức tổ chức quản lý sản xuất, trình độ cao của lao động và hợp tác lao động công nghiệp... được C.Mác coi là “những nhà cách mạng” khiến xã hội hiện tại không thể duy trì trạng thái cũ(2). Tính chất xã hội hóa của nền sản xuất công nghiệp là yếu tố sâu xa, khẳng định sứ mệnh lịch sử của GCCN đối với quá trình phát triển văn minh nhân loại. Theo đó, GCCN có trình độ sản xuất hiện đại nhất, tiên tiến nhất, được trang bị và đổi mới, phát triển không ngừng về tri thức và kỹ năng.
Cũng như các cuộc cách mạng trong lịch sử, CMCN lần thứ tư tiếp tục củng cố những điều kiện cho tính chất tiên tiến của GCCN, cụ thể:
Thứ nhất, CMCN lần thứ tư góp phần gia tăng số lượng công nhân trên thế giới.
Quy mô và sự phát triển liên tục của GCCN cũng là một minh chứng khẳng định vị trí ngày càng vững chắc mà GCCN nắm giữ trong sự phát triển năng động của hệ thống tư bản. Trên thực tế, số lượng người lao động, số lượng công nhân (lao động bằng phương thức công nghiệp) đều gia tăng qua các cuộc CMCN. Điều này được chứng minh thông qua các báo cáo số lượng lao động của các tổ chức quốc tế lớn (Ngân hàng thế giới - WB, Tổ chức Lao động quốc tế ILO) hoặc các nghiên cứu khoa học uy tín. Dù các số liệu có thể khác nhau đôi chút, nhưng bức tranh toàn cảnh là sự tăng lên mạnh mẽ của lao động nói chung trong đó có công nhân(3).
Theo ILO, thế giới hiện nay có khoảng 3,3 tỷ lao động, trong đó, công nhân là lực lượng lao động được trả công và lao động theo phương thức công nghiệp có khoảng 2 tỷ (chiếm trên 60% số lao động toàn cầu)(4). Thực tế, lịch sử phát triển của các cuộc CMCN cũng cho thấy, việc ứng dụng công nghệ ngày càng tạo ra số lượng việc làm mới nhiều hơn số việc làm bị mất đi(5): Một kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, trong giai đoạn năm 1850 - 2015, việc ứng dụng máy móc và công nghệ đã làm mất đi 3.508 việc làm, nhưng lại tạo ra 19.263 việc làm mới(6) (ví dụ, từ năm 1980 đến năm 2015, máy tính cá nhân (PC) đã làm mất đi hơn 3 triệu việc làm ở Mỹ, nhưng nó cũng tạo thêm 19,2 triệu việc làm mới). Theo Báo cáo Tương lai nghề nghiệp 2018 (The Future of Jobs 2018) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), khoảng 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế nhưng sẽ có khoảng 133 triệu việc làm được tạo ra vào năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi(7).
Số việc làm mới được tạo ra đồng nghĩa với việc số lượng lao động, số lượng công nhân tăng dưới sự tác động của CMCN, và sẽ tập trung tăng ở lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao. Nhìn chung, CMCN lần thứ tư làm thay đổi loại hình việc làm chứ không làm giảm số lượng việc làm; Vì vậy, không làm giảm số lượng người lao động, trong đó có công nhân.
Thực tế, xu hướng ngày càng phát triển về số lượng GCCN do sự phát triển của các cuộc CMCN trong đó có CMCN lần thứ tư đã phủ nhận luận điểm cho rằng, công nghệ ngày càng thay thế sức lao động của con người, nên số lượng công nhân sẽ giảm, từ đó sẽ dẫn đến phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN. Chẳng hạn Alvin Toffler trong “Làn sóng thứ ba” cho rằng: “Hiện nay số phần trăm công nhân làm việc ở các ngành sản xuất trong các quốc gia tiên tiến đã và đang giảm trong 20 năm qua... do sự co lại về sản xuất trong thế giới công nghiệp”(8). Hoặc như quan điểm của Lưu Bảo Quốc trong “Từ phần tử trí thức của giai cấp đến giai cấp của phần tử trí thức” đã nhận định: Kinh tế tri thức làm “không có người ở nhà máy”, dùng máy tính và người máy để điều khiển lao động..., nên dẫn đến sự thu hẹp của giai cấp vô sản công nghiệp, từ đó “giai cấp công nhân trong thời đại kinh tế công nghiệp cũng mất đi vai trò quan trọng trong xã hội”(9).
Sự phát triển về số lượng của GCCN là một tất yếu khách quan, tạo ra một lực lượng to lớn sẽ thực hiện một cuộc cách mạng khác tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử: “Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu cầu lợi ích cho khối đại đa số”(10).
Thứ hai, CMCN lần thứ tư góp phần nâng cao trình độ của người công nhân.
Những tiến bộ của khoa học và công nghệ bởi CMCN lần thứ tư đồng nghĩa với việc lao động theo phương thức công nghiệp có phạm vi hoạt động phức tạp hơn. Các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ ngày càng phát triển, đòi hỏi những người công nhân tham gia quá trình đó phải có trình độ cao hơn những kỹ năng cơ bản.
Với việc ứng dụng công nghệ ngày càng mạnh mẽ vào các hoạt động kinh tế, dẫn đến một bộ phận không nhỏ lao động giản đơn bị công nghệ thay thế, đòi hỏi công nhân phải tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng, trình độ để có thể tiếp tục được tham gia vào quá trình sản xuất. Đồng thời, với những công việc mới được tạo ra bởi cuộc CMCN lần thứ tư, công nhân cũng cần phải được đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng để thích nghi với những công nghệ mới. Nâng cao năng lực của công nhân trở thành xu hướng trong CMCN lần thứ tư.
Hệ thống các kỹ năng được chú trọng, như: kỹ năng cứng (trước hết là các kỹ năng số nhằm đáp ứng tiêu chuẩn năng lực công nghệ thông tin cao hơn trong tương lai để thích ứng với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT, S.M.A.C) và kỹ năng mềm (kỹ năng học tập suốt đời, tư duy phân tích và đổi mới, chiến lược học tập và học tập tích cực, sáng tạo, tính độc đáo và sáng kiến, thiết kế và lập trình công nghệ, tư duy phân tích và phản biện, khả năng giải quyết vấn đề phức tạp, lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội, trí tuệ cảm xúc, lý luận, giải quyết vấn đề và ý tưởng, phân tích và đánh giá mang tính hệ thống(11). Diễn đàn kinh tế thế giới cũng dự báo rằng, đến năm 2022, sẽ có khoảng 54% lao động được đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng để thích ứng với CMCN lần thứ tư(12).
Từ những xu hướng trên, bộ phận công nhân có trình độ cao ngày càng tăng: công nhân “cổ trắng” (white - collar worker), công nhân “cổ vàng” (gold - collar worker)(13) - những lao động gián tiếp; công nhân trí thức (Knowledge worker)(14), lao động với năng suất lao động cao, như: các chuyên gia công nghệ (các chuyên gia lập trình và thiết kế web, kỹ sư, nhà thiết kế...). Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ lao động trí thức(15).
Như vậy, nội bộ GCCN có sự thay đổi giai tầng dẫn đến việc xuất hiện các quan điểm có liên quan đến GCCN như “Thuyết tiêu vong”, “Thuyết tan rã”, “Thuyết giai tầng trung gian”... gây hoài nghi đối với lý luận giai cấp của C.Mác và Ph.Ănghen(16).
Theo đó, một số học giả cho rằng: GCCN trong quan niệm của các nhà kinh điển mác xít chủ yếu là lao động chân tay và đã bị “giai cấp trung lưu mới” hay “giai cấp mới” thay thế, từ đó, GCCN không còn sứ mệnh lịch sử nữa. Các nhà tư tưởng như Andre Gorz, Luxembourg Hoffman đã tuyên bố rằng, GCCN truyền thống đã không tồn tại, nên hiện nay phải tìm kiếm lại chủ thể, xem xét lại “ai sẽ là người đảm nhận giải phóng xã hội”(17). Tác giả Lưu Quốc Bảo cho rằng: trong nền kinh tế trí thức, phần tử trí thức nắm vững công cụ sản xuất là máy tính (điều khiển nó, sắp xếp, ứng dụng những ký hiệu tin tức, tác động gián tiếp lên đối tượng lao động, gián tiếp tham gia sản xuất vật chất, do đó phần tử trí thức là đại biểu của lực lượng sản xuất tiên tiến, là người lao động chủ yếu của xã hội...(18).
Những quan điểm trên thực ra đã bỏ qua sự biện chứng của C.Mác, Ph.Ănghen trong quá trình nhận thức về GCCN. Các nhà kinh điển mác xít đã khẳng định: GCCN không phải chỉ là những người lao động chân tay, bộ phận lao động trực tiếp, mà còn bao gồm lao động trí óc, lao động gián tiếp, là “tất cả những người tham gia bằng cách này hay cách khác vào việc sản xuất ra hàng hoá...”(19).
Hơn nữa, những “phần tử trí thức” được tác giả Lưu Quốc Bảo đề cập đến không phải là bộ phận giai tầng nào khác, mà về bản chất chính là bộ phận thuộc về GCCN - công nhân trí thức, vì họ nắm vững công cụ sản xuất là máy tính: điều khiển nó, sắp xếp, ứng dụng những ký hiệu tin tức, tác động gián tiếp lên đối tượng lao động, gián tiếp tham gia sản xuất vật chất... Cuộc CMCN lần thứ tư tiếp tục sản sinh ra những công nhân trí thức, đồng thời cũng là những người làm chủ công nghệ mới thông qua việc sáng chế, điều khiển nó, nhằm phục vụ quá trình sản xuất rất đa dạng, mới mẻ và các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp và hoạt động theo lối công nghiệp trong xã hội mới.
Điểm chung ở họ - những người công nhân, dù là công nhân lao động chân tay hay lao động trí óc, lao động trực tiếp hay gián tiếp thì đều tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa (hàng hóa vật phẩm và hàng hóa dịch vụ, hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình), tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng lao động toàn cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những công nhân ấy đều là biểu hiện của bộ phận thuộc GCCN mang tính toàn thể. Trong sự phân tầng ấy, công nhân trí thức đang là lực lượng chủ đạo của GCCN, giống như C.Mác đã coi bộ phận công nhân hiện đại gắn với nền đại công nghiệp ở thế kỷ XVIII, XIX là hạt nhân, nòng cốt của GCCN thời kỳ đó.
Như vậy, CMCN lần thứ tư đang góp phần phát triển GCCN cả về số lượng và chất lượng, nhấn mạnh bản chất tiên tiến của lực lượng xã hội này, trước hết là xét trên phương diện kinh tế - kỹ thuật. Thực tiễn này cũng đã góp phần phản bác những luận điệu phủ nhận sự thật GCCN đang phát triển mạnh mẽ, phủ nhận vai trò và sứ mệnh lịch sử của GCCN đã và đang được các điều kiện khách quan quy định một cách tất yếu.
2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần nâng cao khả năng thống nhất, đoàn kết của giai cấp công nhân
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã khẳng định: “sự phát triển của công nghiệp không những đã làm tăng thêm số người vô sản, mà còn tập hợp họ lại thành những khối quần chúng lớn hơn”(20). Sự phát triển của các cuộc CMCN, trong đó có CMCN lần thứ tư đã và đang minh chứng cho tính đúng đắn của luận điểm này.
Thứ nhất, tính thống nhất trước hết được dựa trên cơ sở của sự liên kết ngày càng mạnh mẽ trong quá trình lao động. Thực vậy, khi lao động theo phương thức công nghiệp với đặc trưng là tính chất xã hội hoá ngày càng phát triển thì sự phân công lao động cũng ngày càng sâu sắc, từ đó càng tăng cường sự liên kết trong quy trình lao động: giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua các cuộc CMCN trước đây. Trên cơ sở những thành tựu trước đó, việc hợp tác kinh tế càng được phát triển mạnh mẽ với sự hình thành và phát triển của các tập đoàn xuyên quốc gia, làm thay đổi bản chất của phân công lao động quốc tế từ chiều dọc sang chiều ngang: lao động của các quốc gia có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất một sản phẩm cụ thể của bất cứ tập đoàn kinh tế nào, tức là tham gia vào chuỗi giá trị với một hoạt động cụ thể. Từ đó, việc sản xuất và trao đổi theo các chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVCs) đã trở thành phổ biến trong liên kết quốc tế, cùng với đó là các hình thức liên kết phong phú khác như mạng sản xuất, xuất khẩu lao động tại chỗ, làm việc theo nhóm chuyên gia...
Trên nền tảng đó, CMCN lần thứ tư càng phát huy, kết nối toàn cầu trong sản xuất và dịch vụ. Báo cáo Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu năm 2019 của WTO và WEF cho rằng: Ở lĩnh vực nào mà sự ứng dụng công nghệ và trí thức càng cao thì càng phát triển phức tạp chuỗi giá trị toàn cầu(21). Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu lúc này chuyển thành chuỗi cung ứng 4.0, với việc tổ chức lại các chuỗi cung ứng từ việc thiết kế, lập kế hoạch, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, vận chuyển... bằng việc sử dụng thành tựu về công nghệ của 4.0 (IoT, big data, in 3D, robot, cảm biến thông minh, IA, điện toán đám mây...); từ đó, cũng tác động trực tiếp đến phân công và liên kết GCCN toàn cầu.
Thứ hai, tính thống nhất từ một số tác động tiêu cực của CMCN lần thứ tư. Một trong những tác động tiêu cực đó là sự bất bình đẳng xã hội. Đó là khoảng cách thu nhập trong công nhân và bất bình đẳng về giới ngày càng gia tăng trong cuộc cách mạng này. Trong cuốn “The Fourth Industrial Revolution” (năm 2016), tác giả Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhận định: “Với sự phát triển của CMCN lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới xuất hiện..., có thể làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt với các phân đoạn tay nghề thấp/lương thấp và tay nghề cao/lương cao..., sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội, trừ khi chúng ta chuẩn bị cho những thay đổi này từ ngày hôm nay”(22). Hơn nữa, để thích nghi với những thay đổi của công nghệ, công nhân luôn phải nỗ lực về sức lực, thời gian, không có sự cân bằng giữa lao động và các hoạt động tái tạo sức lao động, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực về tâm lý (hiện tượng “karoshi” ở Nhật Bản).
Như vậy, liên kết ngày càng mạnh mẽ từ tính xã hội hoá ngày càng cao trong lực lượng sản xuất, cùng với những bất ổn xã hội và sự bóc lột từ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo nên bởi CMCN như những điều kiện khách quan tiếp tục quy định và củng cố tính thống nhất, tính chiến đấu của GCCN trong bối cảnh mới. Cũng vì lẽ đó, hiện nay chúng ta đang chứng kiến những hành động mạnh mẽ có tính chất chiến đấu của công nhân, lao động ở một số nước tư bản nhằm chống lại sự bất bình đẳng xã hội (Cuộc “đình công nữ quyền” của 5 triệu công nhân ở Tây Ban Nha năm 2018; biểu tình của công nhân ở Pháp, Anh, Đức đòi quyền bình đẳng và phúc lợi xã hội...) cho thấy các phương thức tổ chức và đấu tranh truyền thống của giai cấp công nhân sẽ phát triển trở lại, ở những hình thức mới và cấp độ cao hơn(23). Mặc dù đây chưa phải là biểu hiện của tính thống nhất cao nhất - khi giai cấp nhận thức được về lợi ích cùng chung ý thức hệ, “ý thức về điều kiện giải phóng” bởi vai trò của các tổ chức cách mạng chưa thực sự mạnh mẽ để tập hợp công nhân, nhưng đây cũng là những dấu hiệu của “một cuộc đấu tranh phía trước”.
Tính thống nhất (về lợi ích kinh tế và chính trị) là nền tảng cho tinh thần đoàn kết của GCCN ở nhiều cấp độ. Vì vậy, những tác động của CMCN lần thứ tư một lần nữa khẳng định luận điểm của C.Mác: “Sự tiến bộ của công nghiệp mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do cạnh tranh giữa họ gây nên”(24). Những điều kiện khách quan từ cuộc cách mạng đó cùng với những nỗ lực của các đảng cộng sản; phong trào công nhân; phong trào đấu tranh vì dân chủ, tiến bộ, hoà bình; các mục tiêu và hành động của quốc tế phát triển vì con người, vì mục tiêu phát triển bền vững, thống nhất với mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân... đã, đang và sẽ là những cộng lực thống nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết tổng hợp. Điều này đã góp phần phủ nhận luận điệu cho rằng “những người vô sản trên thế giới ngày càng bị phân tán”(25) nhằm phủ định sức mạnh thống nhất, đoàn kết của GCCN.
Ở các nước phát triển theo con đường XHCN, GCCN “là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản...; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”(26); “Công nhân sản xuất là lực lượng chủ thể phát huy tác dụng duy trì, chống đỡ trong GCCN, là lực lượng trung kiên sáng tạo ra của cải của xã hội, là lực lượng cốt cán sáng tạo ra động cơ phát triển, là lực lượng hữu sinh thực thi chiến lược xây dựng cường quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”(27). CMCN lần thứ tư là một điều kiện khách quan, mang lại những thuận lợi cho quá trình phát triển GCCN về lượng và chất, góp phần tăng thêm sức mạnh cho việc thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN trong bối cảnh mới.
Nhìn một cách tổng thể, sự tác động của CMCN lần thứ tư đến GCCN như một bức tranh biện chứng ở nhiều tầng nấc giữa các yếu tố tham gia quá trình sản xuất, nổi bật là giữa người lao động và công cụ lao động. CMCN lần thứ tư là một yếu tố tác động mạnh mẽ đến bản chất vốn luôn “động” của công cụ lao động hiện đại, làm biến đổi chủ thể lao động một cách biện chứng dưới nhiều khía cạnh. Đó là xu hướng vừa tăng lên về số lượng ở những ngành nghề, công việc mới, vừa giảm về số lượng công nhân ở những ngành, công việc bị máy móc thay thế, nhưng xu hướng tăng lên là chủ đạo và tăng về lao động trí óc, công nhân tri thức. Xu hướng này tiếp tục chứng minh cho một logic lịch sử: Logic của các cuộc CMCN là một quá trình liên tục giải phóng con người thoát khỏi “nỗi cực nhọc cổ truyền của lao động” đã được chứng minh rất rõ qua ba cuộc CMCN trước đó. Sự biện chứng còn thể hiện ở chỗ, CMCN lần thứ tư vừa thúc đẩy tính liên kết, tập trung, vừa tạo ra sự phân hoá tầng lớp trong giai cấp và xu hướng tập trung là chủ đạo, sự phân hóa chỉ là biểu hiện tạm thời và càng làm tăng thêm tính thống nhất.
Bởi vậy, thực tiễn luôn đòi hỏi sự nhìn nhận biện chứng về GCCN, thấy được những biến đổi đều xoay quanh trục bản chất tiến bộ, cách mạng đã được định hình. Từ đó cũng thấy rằng, những quan điểm phủ nhận vai trò, sứ mệnh của GCCN trong bối cảnh phát triển của công nghệ mới chỉ là những cái nhìn bề nổi, hình thức, hiện tượng, đòi hỏi mỗi quốc gia, tổ chức có nhận thức và chính sách phù hợp với bản chất và xu thế khách quan. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu về những tác động của CMCN lần thứ tư đến GCCN không chỉ góp phần bảo vệ quan điểm của lý luận Mác - Lênin, chống lại những luận điệu sai trái, mà còn là cơ sở lý luận vận dụng vào phát triển GCCN, trong đó, có GCCN Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, để xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã một lần nữa đặt ra yêu cầu “nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(28), góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045./.
________________________________________________
(1) Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Hàm ý đối với thị trường lao động, https://www.ilo.org.
(2) Xem Nguyễn An Ninh: Thực hiện nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, https://www.tapchicongsan.org.vn.
(3) Xem Nguyễn An Ninh: Những nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn.
(4) Xem ILO: World Employment and Social Outlook Trends 2020, executive summart, p.3.
(5), (6) Xem McKinsey Global Institute: Jobs lost, jobs gained: Workforce transition in a time of automation, p.4, p.5.
(7) Xem World Economic Forum: The Future of Jobs 2018, p.8.
(8) Alvin Toffler (2022), Làn sóng thứ ba, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr.159.
(9),(18) Nguyễn Quốc Phẩm: Phê phán sự phủ nhận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1.2008, tr.49,49.
(10), (20), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.4, tr.611, 607, 613.
(11) World Economic Forum: The Future of Jobs Report 2018, p.12.
(12) World Economic Forum: Globalization 4.0 Shaping a New Global Architecture in the Age of the Fourth Industrial Revolution.
(13) JÓZSEFHAJDÚ: Colours of the collar in the labour market, page.264, http://acta.bibl.u-szeged.hu.
(14) Anna Bagieska: Modeling knowlede workers cometences, p.55.
(15) https://www.forbes.com.
(16), (17), (27) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Các học giả Trung Quốc bàn về giai cấp công nhân Trung Quốc thời đại mới, Hà Nội, tr.26, 28, 352.
(19) C.Mác và Ph.Ănghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.26, p.1, tr.196.
(21) Xem WTO: Global value chain development Report 2019, p.1.
(22) Klaus Schwab: The Fourth Industrial Revolution.
(23) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Một số nghiên cứu về giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, Hà Nội, tr.28
(25) C.Wright Mills: The Power Elite.
(26) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(28) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.1, tr.166.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 2.6.2022
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận