(LLCT&TT) Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là hành trình tìm đường, nhận đường và dẫn đường của một con người vĩ đại. Trong đó, tìm đường và nhận ra con đường chính là tiền đề cơ bản, quan trọng để thực hành việc dẫn đường cho cả một dân tộc. Từ quyết định ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 cho đến những hoạt động tích cực, phong phú ở nhiều nước phương Tây của Người trong giai đoạn từ 1911 đến 1920 vừa đặt nền móng cho những hoạt động rất sôi nổi, mang tính bước ngoặt ở các giai đoạn sau vừa chứng tỏ tầm nhìn và bản lĩnh của một lãnh tụ kiệt xuất.
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, được thế giới biết đến là một nhà chính trị xuất sắc, trưởng thành từ những thử thách khắc nghiệt của lịch sử và đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong sự nghiệp, cuộc đời của con người vĩ đại ấy có những sự kiện đã trở thành “bước ngoặt”, có dấu ấn sâu sắc và quyết định chiều hướng phát triển của lịch sử dân tộc, trong đó không thể không kể đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 và sự kiện Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam năm 1920. Những sự kiện kể trên là minh chứng tiêu biểu cho trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị của một nhân cách lớn, biểu hiện ở bốn nội dung sau:
Trước tiên, tầm nhìn và bản lĩnh Hồ Chí Minh thể hiện ở việc lựa chọn hướng đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học nguồn gốc nông dân, khi Nguyễn Tất Thành chào đời, khói lửa của phong trào Cần Vương ngùn ngụt ngày nào đã dần lắng lại. Những cuộc đàm đạo văn chương, về “quốc gia hữu sự” của thân phụ với các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Bùi Danh Trứ…; cảnh người dân bị sưu cao thuế nặng; cảnh người làng Sen bị bắt đi phu Cửa Rào trong tiếng khóc than oai oán… đã nhen lên trong tâm khảm Nguyễn Tất Thành cùng những người dân Việt Nam lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước.
Ở quê hương Nghệ An lúc bấy giờ, có nhiều trí thức phong kiến trước Nguyễn Tất Thành đã nuôi chí lớn, tìm đường ra nước ngoài du học và hoạt động yêu nước. Cách Kim Liên chưa đầy 20km, ông Đặng Thúc Hứa từng sang Lào, Nhật Bản và Thái Lan hoạt động yêu nước, được mệnh danh là “Cố Đi” vì đi nhiều, vận động yêu nước nhiều, luôn tràn trề bầu máu nóng. Ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên có Nguyễn Trường Tộ năm 30 tuổi được Giám mục Gauthier (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Gia Hậu) đưa sang Hương Cảng, Singapore, Ý và học tập ở Pháp gần 2 năm; về nước, ông nổi tiếng trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự, ngoại giao. Ông từng gửi hàng chục bản điều trần, đề nghị canh tân đất nước lên triều đình nhà Nguyễn nhưng bị từ chối. Do “thân phận hèn mọn mà dám nói việc cao xa”, “ở trong vòng của quân địch mà lại ôm chí khác”, “bị nghi kị mà vẫn hiến dâng ý kiến”, nên:
“Nhất thất túc, thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu, thị bách niên cơ”
Tạm dịch:
“Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm”.
Trong những chí sĩ yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có một nhân vật nổi tiếng khác là Phan Bội Châu, bạn tâm giao của cụ Nguyễn Sinh Sắc - nhà cách mạng, nhà văn hóa nổi tiếng, lãnh tụ của phong trào Đông Du. Sau này, Nguyễn Ái Quốc từng ca ngợi cụ Phan là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”(1). Tuy nhiên, sau bao nỗ lực, tâm huyết, với 3 lần thay đổi chính kiến, chính cụ Phan cũng phải tự nhận “trăm lần thất bại mà không một thành công”. Thất bại của phong trào Đông Du đã giúp Nguyễn Ái Quốc rút ra một bài học sâu sắc về phân biệt bạn - thù. Câu nói của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838-1868) trước khi bị hành hình “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” một mặt cho thấy tấm lòng yêu nước bất khuất của nhân dân Việt Nam; mặt khác, nó phản ánh một tư duy hạn chế còn khá phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ: cứ Tây thì là kẻ địch, cứ Nam thì là bạn. Chủ trương dựa vào Nhật để đánh Pháp của Phan Bội Châu là biểu hiện rõ nét của tư duy đó.
Ông cho rằng Nhật là “máu đỏ da vàng”, “đồng châu, đồng chủng, đồng văn” với Việt Nam nên sẽ giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Sự thật chứng minh là, Nhật đã bắt tay với Pháp để trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các lưu học sinh Việt Nam khỏi Nhật. Sự thất bại của phong trào Đông Du là điều không tránh khỏi. Thất bại đó chứng minh rằng, không nhất thiết cứ Nam mới là bạn và cứ Tây mới là kẻ thù. Nhận thức sâu sắc điều này, Nguyễn Ái Quốc trên bước đường hoạt động cách mạng đã rất tài tình khi luôn tranh thủ, biến sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp thành một động lực to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thất bại của phong trào còn gợi mở cho Người một hướng đi mới trong hành trình cứu nước - hướng đi Tây Du.
Có thể thấy, Nguyễn Tất Thành rất kính trọng và ngưỡng mộ lòng yêu nước của các bậc tiền bối nhưng Người kiên quyết không đi theo những lựa chọn của họ vì nhận ra những hạn chế tiềm ẩn trong đó. Chính Người từng nhận xét con đường của Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, con đường của Phan Châu Trinh chẳng khác gì “cầu xin giặc rủ lòng thương”, còn cách thức của Hoàng Hoa Thám thì phù hợp hơn cả nhưng cụ lại “mang nặng cốt cách phong kiến”. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Cuối cùng, Người đã đưa ra một quyết định lịch sử: phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào. Lựa chọn này được đưa ra vào đầu thế kỷ XX - khi mà phương Đông và phương Tây vẫn là hai phương trời hoàn toàn cách biệt, đặc biệt đối với xã hội phương Đông còn trì trệ, lạc hậu thì những gì thuộc về phương Tây đều hoàn toàn xa lạ. Quyết định mới mẻ, khác hoàn toàn với các bậc tiền bối, không đi theo “đường mòn lối cũ” này chứng tỏ tầm nhìn và bản lĩnh đáng nể phục của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Nói về hướng đi này, hơn 10 năm sau, năm 1923, Người đã trả lời nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđenxtan: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái”(2)... Chính điều đó đã thôi thúc trong Người mong muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu thật kỹ những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu ấy... Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ Aana Luy Xơtơrông, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(3). Thế là trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.
Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó Người đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”(4).
Thứ hai, tầm nhìn và bản lĩnh Hồ Chí Minh thể hiện ở mục đích của chuyến đi.
Quyết định năm 1911 đến nay đã được lịch sử chứng minh là đúng đắn, sáng suốt. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, việc một số người Việt Nam lúc đó sang phương Tây, sang nước Pháp (kể cả chuyến đi của Nguyễn Tất Thành), tự nó, chưa hoàn toàn được coi là sự lựa chọn mang tính khoa học và cách mạng. Khi mới sang Pháp, Nguyễn Tất Thành có viết thư gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa để xin được vào học ở trường thuộc địa với hai lí do, một là, học ở đây không mất học phí, và hai là, đáp ứng khao khát được học hỏi. Các thế lực phản động đã vin vào sự kiện này để nói rằng: Nguyễn Tất Thành đi học để “vinh thân phì gia”. Trong suy nghĩ của nhiều người và cũng đúng sự thật là lúc đó, Nguyễn Tất Thành là một “cậu ấm”, “con quan”. Nếu Nguyễn Tất Thành học với lý tưởng ra làm công chức, làm quan để có cuộc sống vật chất đủ đầy thì Nguyễn Tất Thành đã chịu làm “tờ thú” với khâm sứ Trung Kỳ lúc anh tham gia cuộc đấu tranh của nông dân Thừa Thiên - Huế từ năm 1908, sẽ được tiếp tục học và thi tốt nghiệp năm sau đó. Nguyễn Tất Thành biết rất rõ mục đích của trường Thuộc địa Paris là đào tạo ra các ông quan cai trị cho các xứ thuộc địa, tiêu chuẩn hàng đầu phải là con quan từ Nhị phẩm trở lên và trung thành tuyệt đối với mẫu quốc Pháp mới được tuyển vào trường này. Thầy học của Nguyễn Tất Thành là cụ Lê Văn Miến, một trong ba người Việt Nam đầu tiên sang Paris học trường Thuộc địa. Ông Hoàng Trọng Phu, ông Thân Trọng Huề học trường này trở về làm quan rất to, riêng cụ Lê Văn Miến, học xong lại xin học tiếp trường mỹ thuật Paris rồi về dạy học và vẽ tranh sơn dầu. Rõ ràng, Nguyễn Tất Thành không đủ tiêu chuẩn và cũng không vào trường học để đạt mục đích đó. Đây có thể coi như là một “thông báo” về nước của Nguyễn Tất Thành, rằng con trai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có mặt tại nước Pháp - “mẫu quốc của dân An Nam”. Hay sau này khi Nguyễn Ái Quốc đại diện nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xay bản Yêu sách 8 điểm nhưng không được chấp nhận. Các thế lực chống phá cũng cho rằng: giả sử Uyn-xơn chấp nhận Nguyễn Ái Quốc năm 1919 thì đã không có Nguyễn Ái Quốc đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo Lênin năm 1920. Rất nhiều hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc sau này đã bác bỏ, đập tan luận điệu đó.
Đương thời, có nhiều trí thức Việt Nam cũng sang Pháp, có người chỉ lo học hành, kiếm sống, làm giàu, có vợ đẹp con khôn; có người vừa học chữ, vừa tìm đường cứu nước, giúp dân. Luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường và Phó bảng Phan Châu Trinh tiêu biểu cho nhóm thứ hai. Tuy nhiên, sống và hoạt động ở Pháp nhiều năm, từng tiếp xúc với các lực lượng cánh tả Pháp, vậy mà các ông vẫn không tìm được con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, không đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin như Nguyễn Ái Quốc sau đó. Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp thì chỉ tính riêng năm 1913 đã có 7 người Việt Nam vào Đảng Xã hội Pháp, năm 1919 có 80 người Việt Nam tham gia đảng này, nhưng đến năm 1920 thì chỉ còn 20 người, duy nhất Nguyễn Ái Quốc (vào Đảng Xã hội Pháp năm 1918) trở thành người cộng sản(5).
Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động khắp các châu lục. Với bản tính thông minh, mẫn tiệp, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ… Hơn 10 năm vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc càng nhận thức rõ: chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở cả thuộc địa và ở ngay chính quốc. Theo Người: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ Ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(6). Người khẳng định, muốn giải phóng dân tộc phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(7). Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc, của nhân loại. Điều này, rất khác với quan điểm của Phan Bội Châu, của Phan Châu Trinh; vượt qua những giáo lý Khổng, Mạnh hẹp hòi, duy tâm; vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước cũ của các sĩ phu phong kiến và các nhà cách mạng có xu hướng dân chủ tư sản, tiểu tư sản đương thời.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin. Người bắt gặp, đón nhận Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin không hề là sự may mắn ngẫu nhiên mà là một tất yếu khách quan mang tính tự giác. Chính Phan Châu Trinh, năm 1922, trong một bức thư đề ngày 18 tháng 2 gửi từ Mác-xây cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu… Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê. Cuối thư, Cụ ví Nguyễn Ái Quốc như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông… không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ (ý nói chủ nghĩa Mác - Lênin) sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sỹ nước ta.
Thứ ba, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với tư cách của một người vô sản.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học nguồn gốc nông dân, Nguyễn Tất Thành (cũng như mọi thành viên trong gia đình) đều sống rất gần dân, là tấm gương sáng về lao động. Cụ Nguyễn Sinh Sắc thường dạy con: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Nung nấu quyết tâm đi tìm đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn trở ngại, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định của mình. Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm được một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng… Trong những ngày đó, Người thường xuyên đến bến cảng Nhà Rồng và hình ảnh những chiếc tàu neo bến gợi trong lòng Người bao suy nghĩ. Trước khi lên tàu, Người có ý định rủ một người bạn cùng đi. Khi được hỏi lấy tiền đâu mà đi, Người đã giơ hai bàn tay lên và nói: “Đây! Tiền đây”. Có lẽ hành trang lớn nhất của Nguyễn Tất Thành khi rời bến cảng Nhà Rồng chỉ gói gọn trong hình ảnh hai bàn tay lao động và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết!
Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Nhà Rồng, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Người ra đi với tư cách của một người vô sản chứ không phải một vị con quan, cũng không phải tư cách một nhà trí thức; và để có tiền nuôi sống bản thân và làm cách mạng, Người sẵn sàng làm tất cả mọi nghề, dù vất vả, nặng nhọc: phụ bếp, quét tuyết, đốt lò, thợ sơn, thợ ảnh, vẽ tranh, làm báo,… Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã phần nào giúp ta hình dung lại những khó khăn, thiếu thốn vật chất mà Người đã từng trải qua:
“… Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”
Chính vì ra đi với tư cách của một người vô sản nên Người mới thấu hiểu và cảm thông sâu sắc nỗi vất vả, cực nhọc của người dân lao động Việt Nam cũng như giai cấp vô sản trên toàn thế giới, mới từ lập trường yêu nước để đến với lập trường cộng sản. Khi ra đi tìm đường cứu nước, thiếu thốn trăm bề, phải lao động vất vả là điều đương nhiên. Nhưng sau này, khi đứng ở đỉnh cao của quyền lực, trở thành Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, Người vẫn duy trì thói quen sinh hoạt, làm việc khoa học, kết hợp nhuần nhuyễn lao động trí óc và lao động chân tay, không yêu cầu ai phải phục vụ mình: Người tự đánh máy các bài nói, bài viết của mình; tự đi xuống nhà bếp ăn cơm (mà không bắt ai phải bưng bê, phục vụ); hết giờ làm việc vẫn cuốc đất, tưới cây, cho cá ăn... Hồ Chí Minh thực sự là một con người của nhân dân lao động Việt Nam, của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thứ tư, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi đời còn rất trẻ.
Xã hội phương Đông gắn liền với văn minh lúa nước và nền sản xuất tiểu nông, manh mún, dựa nhiều vào kinh nghiệm nên thường đề cao người già hơn là người trẻ. Quan niệm “sống lâu lên lão làng”, “khôn đâu đến trẻ”, “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, “muốn may thì phải tìm kim/ muốn hay thì phải đi tìm người xưa” là rất phổ biến. Bởi vậy, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành ở độ tuổi đôi mươi không tránh khỏi việc bị đánh giá đó là quyết định nông nổi, bồng bột, nhất thời của tuổi trẻ theo kiểu “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”. Bản thân Nguyễn Tất Thành ở thời điểm đó cũng không thể biết chắc là chuyến đi của mình có thành công hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là chuyến đi sẽ làm Người hiểu rõ hơn về kẻ thù của đất nước, dân tộc mình, hiểu hơn về châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị - đây là điều kiện tiên quyết để có thể chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bởi “muốn bắt được cọp thì phải vào hang cọp”, muốn đánh được kẻ thù thì phải hiểu kẻ thù. Sau này Người nhiều lần nhắc lại câu nói trong Binh pháp Tôn Tử “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng” là với ý nghĩa đó! Con đường phía trước chắc chắn sẽ có vô vàn khó khăn nhưng chỉ có cách đương đầu, đối diện thì mới tôi rèn được bản lĩnh, giống như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Lựa chọn đó cũng là sự phủ định dứt khoát với những con đường cứu nước trước đó đã bị lịch sử chứng minh là không phù hợp. Ở độ tuổi đôi mươi, Nguyễn Tất Thành chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng quyết định này được đưa ra với một sự mẫn cảm chính trị tuyệt vời. Có thể nói, đây là một quyết định táo bạo của tuổi trẻ nhưng không phải là quyết định nhất thời, xốc nổi mà là kết quả của sự suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng, sàng lọc các con đường, khuynh hướng để tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Nói chính xác, đó là quyết định đúng đắn và sáng suốt, có tính cách mạng và khoa học, thể hiện bản lĩnh của một người trẻ!
Quyết định này đã chứng minh rõ những ưu điểm của thanh niên, của tuổi trẻ - giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời của con người, khi mà con người dồi dào sức khỏe thể chất và tinh thần nhất, đặc biệt là độ tuổi có nhiều ước mơ, hoài bão, khát vọng, giàu nghị lực và bản lĩnh dấn thân, dám đương đầu với thử thách. Từ kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh sau này trên cương vị của một nhà lãnh đạo cũng luôn trao trọn niềm tin của mình cho thế hệ trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(8), “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên”(9). Bên cạnh việc khơi dậy, phát huy những ưu điểm của thanh niên, Người cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cố hữu của họ, đặc biệt là sự thiếu từng trải trong cuộc sống và đề xuất những giải pháp khắc phục, giúp họ ngày càng vững vàng và trưởng thành, như: tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thực tế, kết hợp giữa cán bộ già và cán bộ trẻ trong công tác cán bộ… Chính phủ cách mạng non trẻ do Người thành lập sau năm 1945 nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều người “tuổi trẻ tài cao” mà có thể đảm đương được nhiều trọng trách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao giông bão. Có thể thấy, sự nhìn nhận toàn diện, tiến bộ về thanh niên của Hồ Chí Minh đã khắc phục được cách nhìn phiến diện, tiêu cực trong văn hóa truyền thống. Và một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cách nhìn đó là chính những trải nghiệm thời trai trẻ của Người.
Trong cuộc đời 79 mùa xuân của nhà chính trị thiên tài Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 1911 đến năm 1920 chỉ là một phần nhỏ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giai đoạn này xuất phát từ sự kiện năm 1911 với hướng đi là sang phương Tây, mục đích chuyến đi là tìm đường giải phóng dân tộc, ra đi với tư cách của một người vô sản và đưa ra quyết định khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm; và kết thúc là lựa chọn tin theo Lênin, đi theo Quốc tế Cộng sản. Giai đoạn ấy đã giúp chúng ta khắc họa rõ nét tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh. Đúng như đánh giá của rất nhiều học giả: Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do, từ một đất nước ít ai biết đến trở thành người chiến sĩ tiêu biểu cho cả loài người tiến bộ yêu mến và khâm phục. Thời gian càng lùi xa, giá trị của tư tưởng, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh càng trở nên vĩnh hằng, bất diệt với dân tộc và nhân loại!./.
______________________
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.2, tr.185.
(2), (3) Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.1, tr.17,30.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.588.
(5) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh (Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nxb. Nghệ Tĩnh, 1990, tr.146
(6) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.563.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.3, tr.596.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.194.
(9) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.216.
Bình luận