Hành trình từ Chỉ thị 06 đến Chỉ thị 05 về học và làm theo Bác
(TG) - Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, lúc nào chúng ta thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác một cách đúng đắn, thực chất thì chúng ta thành công. Điều này đúng ngay cả trong việc thực hiện các chỉ thị - từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Cụm các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam, ngày 26/3/2019. (Ảnh minh họa).
SỰ RA ĐỜI CỦA CHỈ THỊ 06
Tháng 12/2005, tôi được điều chuyển từ Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng sang làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Về Vụ, tôi tiếp cận ngay công việc trọng tâm lúc đó là chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị và các tài liệu phục vụ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một chủ trương lớn của Đảng do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đề xuất và được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX, tháng 8/2005. Kết luận của Hội nghị Trung ương (Kết luận số 39-KL/TW ngày 30/8/2005) nêu rõ: “Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về chủ đề này ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Đồng chí Trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi cùng anh em trong Vụ chuẩn bị nội dung Chỉ thị và tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Cuộc vận động). Tiếp tục các công việc Vụ đã làm, tôi cùng anh em triển khai các công việc tiếp theo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Doãn Hợp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Chúng tôi dự thảo văn bản Chỉ thị và hai tài liệu là: Chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay” và tài liệu đọc “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để thực hiện công việc này, Vụ Nghiên cứu, giáo dục Lý luận chính trị có sự giúp đỡ của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trực tiếp là GS. Song Thành.
Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 12 khóa IX, đầu năm 2006, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức làm điểm Cuộc vận động tại 3 tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương và 3 đảng ủy ở Trung ương là Đảng ủy Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương và Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại các nơi làm điểm, Cuộc vận động được thực hiện ở tất cả các cấp từ dưới lên, bắt đầu từ chi bộ, đảng bộ cơ sở (xã, phường) đến cấp huyện và cấp tỉnh. Tài liệu gồm Báo cáo chuyên đề và cuốn sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đang ở dạng dự thảo, nhưng được in và cấp đến tận cơ sở, phục vụ làm điểm.
Tại các nơi làm điểm, cán bộ, đảng viên tham gia rất tích cực, sôi nổi và hồ hởi. Tôi nhớ mãi câu chuyện do đồng chí Khuất Hữu Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, lúc đó là Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương kể, khi đem cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về nhà, vợ đồng chí đọc thấy rất hay, nói chưa bao giờ được đọc các câu chuyện về Bác Hồ sinh động đến vậy. Chị mang cho mọi người trong tổ hưu cùng đọc. Đồng chí Khuất Hữu Sơn xin chúng tôi cho thêm một quyển nữa vì quyển kia đang chuyền tay nhau đọc, hiện chưa biết ở đâu!
Sau đợt làm điểm, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương xây dựng báo cáo kết quả triển khai làm điểm, trình Bộ Chính trị khóa X.
Sau Đại hội X, tại phiên họp ngày 8/6/2006, Bộ Chính trị thảo luận Tờ trình của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về dự thảo Chỉ thị. Tôi được theo đồng chí Lê Doãn Hợp, thay mặt Lãnh đạo Ban dự họp Bộ Chính trị thảo luận về Tờ trình của Ban. Các ý kiến tại cuộc họp đều đồng tình phải tổ chức một cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; thời gian tiến hành cuộc vận động kéo dài đến hết nhiệm kỳ khóa X.
Ngày 7/11/2006, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06). Thời điểm phát động Cuộc vận động vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng 3/2/2007. Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, giao Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương làm Thường trực Ban Chỉ đạo. Tôi được giao làm Tổng Thư ký của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Sau Lễ phát động là các công việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 ở Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai và tập huấn cho cấp ủy và báo cáo viên các ngành, địa phương trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức trong một ngày tại Hội trường lớn của Học viện, với khoảng 900 đại biểu.
Tài liệu dành cho việc triển khai Cuộc vận động được in tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Lúc đầu là khoảng 25 vạn bản, sau nối bản đến trên một triệu bản, chưa kể các nhà xuất bản khác cũng như các địa phương tự in và phát hành với số lượng khá lớn. Theo các đồng chí ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, chưa bao giờ có tài liệu học tập chính trị có số lượng in và phát hành nhiều đến vậy.
Để thúc đẩy việc triển khai Cuộc vận động, từ kinh nghiệm tổ chức Hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh các năm 2004-2005, tôi đề nghị Lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được đồng ý. Nội dung thi là kể các câu chuyện có thật về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo cuốn “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuốn “117 mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng chuẩn bị và xuất bản. Hội thi được tổ chức qua 5 cấp: cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, hội thi khu vực (cả nước chia làm 4 khu vực) và chung khảo toàn quốc. Tổng hợp kết quả, cả nước đã tổ chức 19.097 hội thi với sự tham dự của 234.858 lượt “người kể chuyện” thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tôi có ấn tượng mãi về Hội thi làm điểm của Hà Nội tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Đồng chí Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm báo cáo viên, rất nhiệt tình, sôi nổi được người nghe vỗ tay hoan nghênh nhiều lần. Hội thi bắt đầu từ giữa năm 2008 và Hội thi chung khảo toàn quốc được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 17 và 18/10/2008 với 1.200 người dự. Đêm bế mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngày 25/1/2009, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện, phương hướng triển khai năm 2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và trực tiếp trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động được lựa chọn từ các ngành, địa phương.
Trước Đại hội XI, ngày 12/12/2010 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị. Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động trình bày tại Hội nghị sau này được lưu hành là tài liệu chính thức của Đại hội XI. Tại Hội nghị, Bộ Chính trị đã tổ chức trao 59 Huân chương Lao động hạng Ba; 1.012 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong toàn quốc có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động. Các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội nghị đều khẳng định kết quả to lớn của Cuộc vận động, nhờ đó, lần đầu tiên trong toàn Đảng, toàn dân, mọi người được tuyên truyền sâu rộng, bài bản, chính thống bằng những hình thức rất sinh động về đạo đức, vai trò của đạo đức và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các kiến nghị tập trung đề nghị mở rộng nội dung, bao gồm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên.
ĐƯA VIỆC HỌC VÀ LÀM THEO BÁC TRỞ THÀNH THƯỜNG XUYÊN
Tháng 6/2010, tôi đến tuổi nghỉ hưu, nhưng được giữ lại giúp Lãnh đạo Ban trong thực hiện các công việc còn lại của Cuộc vận động. Tôi tập hợp tất cả các tư liệu của Cuộc vận động để in thành một cuốn sách dày gần 1.000 trang gửi đến tất cả các ngành, địa phương làm tư liệu; cùng Vụ Lý luận chính trị chuẩn bị Tờ trình Bộ Chính trị khóa XI.
Ngay sau Đại hội XI, đầu năm 2011, tôi được đi cùng đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị Bộ Chính trị khóa XI thảo luận Tờ trình của Ban về ban hành chỉ thị mới. Tôi nhớ hôm ấy, Bộ Chính trị dự kiến thảo luận 2 vấn đề, một là dự thảo Chỉ thị và hai là thảo luận Tờ trình của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng. Nhưng Hội nghị bàn về nội dung thứ nhất rất kỹ và sôi nổi, nên đến giữa giờ nghỉ giải lao, Văn phòng Trung ương báo cho các đồng chí trong Bộ Xây dựng rằng nội dung bàn về vấn đề của Bộ hoãn đến chiều, để dành cả buổi sáng thảo luận về việc ban hành chỉ thị mới. Sau thảo luận, Bộ Chính trị có sự thống nhất rất cao là cần phải tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng không phải là cuộc vận động, mà phải trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị. Không thành lập Ban chỉ đạo như tiến hành Cuộc vận động, mà giao Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, điều hành; thành lập Tổ giúp việc chuyên trách đặt tại Ban Tuyên giáo Trung ương. Là nhiệm vụ thường xuyên, nên nội dung học tập bao gồm cả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 14/5/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03). Để triển khai thực hiện Chỉ thị, ngày 1/7/2011, Ban Bí thư khóa XI ban hành Kế hoạch 03-KH/TW, xác định những công việc chủ yếu triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn khóa.
Về nội dung, Chỉ thị 03 chỉ rõ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bao gồm cả tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch thực hiện, Ban Bí thư xác định chủ đề của từng năm. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu chuyên đề để đọc tại các buổi sinh hoạt chi bộ. Về hình thức, cách triển khai thực hiện Chỉ thị 03 vẫn là tổ chức học tập trong tổ chức đảng, đơn vị, đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương với các chủ đề cụ thể hằng tháng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, Ban Bí thư tăng cường kiểm tra, tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 03, gắn với việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được phân công làm trưởng Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 03 ở các địa phương, ngành. Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 được tổ chức trực tuyến sáng 6/5/2016. Báo cáo chính và tham luận đều khẳng định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 đã được làm một cách bài bản, phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không ít cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thực sự gương mẫu nói đi đôi với làm, nêu gương làm trước. Thực tế tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, ở cả lãnh đạo cấp Trung ương, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XI về xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, đã tác động mạnh đến hiệu quả thực hiện Chỉ thị 03…
Trước Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị 03, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chuẩn bị dự thảo Chỉ thị mới trình Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ phận giúp việc đi cùng đồng chí Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực dự phiên họp Bộ Chính trị thảo luận về vấn đề này. Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05). Sau đó, ngày 25/7/2016, Ban Bí thư khóa XII ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW xác định chủ đề thực hiện Chỉ thị 05 trong từng năm. Điểm mới chính là gắn trọng tâm thực hiện Chỉ thị 05 với công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hằng năm, Ban Bí thư có tiến hành các đợt kiểm tra việc thực hiện, sơ kết đánh giá. Các hội nghị triển khai và sơ kết đa phần là thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Theo quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung giúp việc cho Ban Bí thư, trực tiếp là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nằm trong chức năng, nhiệm vụ của Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
MỘT VÀI CẢM NHẬN
Trải qua 15 năm triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là người tham gia và chứng kiến sự ra đời, trực tiếp tham gia thực hiện liên tục 3 chỉ thị về học tập và làm theo Bác (Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, Chỉ thị 05), tôi khẳng định sự cần thiết, tất yếu khách quan của việc học tập này.
Nhìn lại lịch sử Đảng 90 năm qua cho thấy vai trò quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong quá trình thành lập Đảng và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là vai trò của việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong cuốn “Đường Kách mệnh” xuất bản từ năm 1927. Sau khi giành lại nền độc lập, trở thành Đảng cầm quyền là học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản tháng 10/1947. Sau khi Người qua đời, toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo Di chúc với khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; trong công cuộc đổi mới là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, lúc nào chúng ta thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác một cách đúng đắn, thực chất thì chúng ta thành công. Điều này đúng ngay cả trong việc thực hiện các chỉ thị - từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03 đến Chỉ thị 05. Kết quả rõ rệt trong phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội từ Đại hội XII đến nay đã tác động tích cực đến thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng./.
PGS. TS. Ngô Văn Thạo
Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị,
Ban Tuyên giáo Trung ương
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận