Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
1. Khái niệm Quản lý hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số trên các sản phẩm báo ảnh
- Phụ nữ dân tộc thiểu số:
Ở Việt Nam, thuật ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) dùng để chỉ các dân tộc có dân số ít hơn so với dân tộc đa số (dân tộc Kinh). Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với tổng số khoảng 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước (1). Các dân tộc thiểu số cư trú trải rộng cả nước, tập trung nhiều ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của đất nước. Điều 5, Hiến pháp 2013 khẳng định tất cả các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm và bị pháp luật xử lý(2).
Phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam là những phụ nữ thuộc 53 dân tộc thiểu số nói trên. Họ vừa mang những đặc điểm chung của phụ nữ Việt Nam, vừa có những nét riêng gắn với văn hóa dân tộc mình. Phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng: vừa lao động sản xuất, gìn giữ truyền thống văn hóa, vừa nuôi dạy thế hệ sau. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, nhiều phụ nữ DTTS còn gặp khó khăn, thua thiệt về cơ hội phát triển kinh tế, giáo dục, tiếp cận dịch vụ y tế... do sinh sống ở vùng còn nhiều hạn chế về điều kiện kinh tế -xã hội. Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, như chính sách giáo dục, y tế, giảm nghèo, bình đẳng giới… nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo quyền của phụ nữ DTTS.
Trong lĩnh vực truyền thông, hình ảnh người phụ nữ DTTS được phản ánh thường gắn liền với bối cảnh sinh hoạt cộng đồng, trang phục truyền thống, lao động sản xuất hoặc những câu chuyện về vượt khó vươn lên. Việc khắc họa hình ảnh phụ nữ DTTS trên báo chí có tác động không nhỏ đến nhận thức của xã hội về nhóm đối tượng này. Một mặt, truyền thông tích cực, chính xác sẽ giúp tôn vinh đóng góp, phản ánh trung thực cuộc sống của phụ nữ DTTS, qua đó thúc đẩy sự quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng. Mặt khác, nếu hình ảnh bị khắc họa sai lệch, phiến diện (chẳng hạn chỉ nhấn mạnh đến những mặt lạc hậu, khổ cực), có thể dẫn đến định kiến hoặc cái nhìn thiếu công bằng đối với phụ nữ DTTS. Do vậy, việc nghiên cứu và quản lý tốt hình ảnh người phụ nữ DTTS trên báo chí là cần thiết để đảm bảo tính khách quan, nhân văn trong dòng thông tin về nhóm xã hội này.
- Sản phẩm báo ảnh
Theo Từ điển tiếng Việt, sản phẩm có nghĩa là “cái do con người lao động tạo ra”(3). Như vậy, nói đến sản phẩm tức là đề cập đến một vật, một việc đã trải qua một quá trình biến đổi, vận động hoặc lao động nhất định để trở thành một thứ hoàn chỉnh. Trong lĩnh vực báo chí, người ta thường dùng khái niệm sản phẩm báo chí để chỉ những tác phẩm báo chí đã được hoàn thiện của các kênh truyền thông đại chúng, sau đó chuyển đi in (đối với báo in), phát sóng (đối với truyền hình và phát thanh), đưa lên mạng Internet (đối với báo điện tử). Điều đó có nghĩa sản phẩm báo chí đã được xã hội hóa thông tin, chỉ tồn tại có ý nghĩa trong mối quan hệ nhà báo - sản phẩm báo chí - công chúng. Đó là cách hiểu theo nghĩa hẹp, với nghĩa sản phẩm đơn lẻ.
Theo Luật Báo chí 2016, “Sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”(4).
Theo nhận định của tác giả, sản phẩm báo chí là những ấn phẩm hoàn chỉnh thuộc báo in, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình hoặc các trang thông tin, báo mạng điện tử chứa đựng nhiều loại tác phẩm nhằm chuyển tải thông tin đến công chúng. Các loại sản phẩm báo chí hiện nay ngày càng đa dạng và phong phú. Theo đó, thực tế việc sản xuất các sản phẩm báo chí hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu phải được tiếp cận toàn diện và đầy đủ hơn về vấn đề này.
Như vậy, có thể hiểu: Sản phẩm báo ảnh là một loại sản phẩm báo chí trong đó thông tin được truyền tải chủ yếu bằng hình ảnh (ảnh chụp), thường kèm theo chú thích hoặc bài viết ngắn. Đây là các tờ báo ảnh, tạp chí ảnh in trên giấy, các chuyên trang ảnh trên báo điện tử, hoặc các phóng sự ảnh, chùm ảnh thời sự được xuất bản định kỳ. Khác với báo in thông thường (chủ yếu bằng ngôn ngữ viết) hay báo hình (sử dụng ngôn ngữ hình ảnh kết hợp âm thanh) và báo nói (sử dụng ngôn ngữ âm thanh), báo ảnh tập trung vào ngôn ngữ hình ảnh để chuyển tải thông tin một cách trực quan, sinh động nhất đến công chúng.
Trong thời đại công nghệ số, sản phẩm báo ảnh không chỉ giới hạn ở ấn phẩm in. Nhiều báo điện tử có chuyên trang ảnh hoặc phóng sự ảnh multimedia thu hút người xem trực tuyến. Dù ở hình thức nào, sản phẩm báo ảnh đều đòi hỏi quy trình sản xuất công phu: từ khâu lên ý tưởng, bố cục câu chuyện bằng ảnh, chụp ảnh thực tế, biên tập chọn ảnh, viết chú thích/bài đi kèm, đến khâu trình bày dàn trang (đối với bản in) hoặc thiết kế hiển thị (đối với bản điện tử). Chất lượng của sản phẩm báo ảnh được đánh giá qua tính thông tin và nghệ thuật của ảnh, cách sắp xếp ảnh để truyền tải mạch nội dung, cũng như chất lượng in ấn/trình chiếu.
- Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh
Từ các khái niệm trên, có thể hiểu quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh là tổng thể các hoạt động quản lý nhằm định hướng, điều phối và kiểm soát việc xây dựng và sử dụng hình ảnh người phụ nữ DTTS trong các sản phẩm báo ảnh, đảm bảo những hình ảnh này phù hợp với tôn chỉ mục đích, tuân thủ quy định và mang lại hiệu quả truyền thông tích cực. Nói cách khác, đây là quá trình mà chủ thể quản lý tại cơ quan báo chí tác động lên toàn bộ chu trình sản xuất ảnh liên quan đến phụ nữ DTTS -từ khâu lên kế hoạch đề tài, thu thập hình ảnh, biên tập nội dung, trình bày hình thức cho đến khâu phát hành, lưu trữ -nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Từ khái niệm trên có thể thấy, mục tiêu của quản lý hình ảnh phụ nữ DTTS trên báo ảnh thường bao gồm: (1) Đảm bảo tính trung thực, chính xác: hình ảnh phản ánh đúng thực tế đời sống của phụ nữ DTTS, không dàn dựng sai sự thật hay định kiến; (2) Đảm bảo tính điển hình và nhân văn: lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu, tôn trọng nhân phẩm người được chụp, tránh khai thác những góc nhìn làm méo mó hình tượng cộng đồng DTTS; (3) Tuân thủ pháp luật và đạo đức: không vi phạm các quy định về quyền nhân thân đối với hình ảnh, không vi phạm các điều cấm trong luật (như kỳ thị, xúc phạm dân tộc), tuân thủ quy tắc đạo đức nghề báo; (4) Hiệu quả truyền thông: hình ảnh được quản lý và sử dụng sao cho thu hút sự quan tâm của công chúng đối với vấn đề phụ nữ DTTS, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và huy động hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này.
Việc truyền thông hình ảnh phụ nữ DTTS trên báo chí cần đáp ứng các yêu cầu nhất định về nội dung và hình thức, đồng thời phải xây dựng được tiêu chí đánh giá chất lượng rõ ràng. Quản lý chặt chẽ sẽ giúp khắc phục những hạn chế trong việc phản ánh hình ảnh phụ nữ DTTS, phát huy ưu điểm và nâng cao chất lượng thông tin, từ đó thu hút sự quan tâm nhiều hơn của xã hội đối với nhóm phụ nữ này. Ngược lại, nếu thiếu quản lý hoặc quản lý kém, hình ảnh về phụ nữ DTTS trên báo ảnh có thể rơi vào tình trạng rập khuôn, một chiều (chẳng hạn chỉ đăng những hình ảnh phụ nữ DTTS trong cảnh nghèo khó, lạc hậu) hoặc bị lợi dụng khai thác vì mục đích giật gân, thương mại, dẫn đến định kiến và hiểu lầm đáng tiếc trong công chúng.
2. Thực trạng quản lý hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam diện khảo sát
Để đánh giá thực trạng quản lý hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam, tác giả tiến hành khảo sát đối với các tác phẩm báo chí có hình ảnh về người phụ nữ DTTS trên 02 tờ báo ảnh thuộc TTXVN là Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (dantocmiennui.baotintuc.vn) và Báo ảnh Việt Nam (vietnam.vnanet.vn), xuất bản từ tháng 01/2024-12/2024. Theo đó, trong thời gian khảo sát có 181 sản phẩm được xuất bản, trong đó: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi có 105 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 58%; Báo ảnh Việt Nam có 76 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 42%. Tỷ lệ các sản phẩm trên 02 báo ảnh diện khảo sát như sau:

Biểu đồ 2.1. Tỷ lệ sản phẩm có hình ảnh phụ nữ DTTS trên Báo ảnh Miền núi và Dân tộc và Báo ảnh Việt Nam. Nguồn: khảo sát của tác giả
Từ Biểu đồ 2.1, sự chênh lệch tỷ lệ cho thấy Báo ảnh Dân tộc và Miền núi có xu hướng ưu tiên cao hơn trong việc khai thác, phản ánh hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số. Điều này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích chuyên biệt của báo: phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phản ánh đời sống văn hóa, xã hội và con người ở các vùng đặc thù. Dù không phải là chuyên trang về dân tộc thiểu số, Báo ảnh Việt Nam vẫn dành tỷ lệ tương đối lớn (42%) cho đề tài này. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy đề tài phụ nữ DTTS đã vượt ra khỏi phạm vi tuyên truyền chuyên biệt, trở thành mối quan tâm trong bức tranh truyền thông đa dạng của Việt Nam. Việc cơ quan báo chí đối ngoại như Báo ảnh Việt Nam tham gia tích cực vào khai thác đề tài này góp phần lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, bảo tồn văn hóa dân tộc đến công chúng cả nước và quốc tế.
* Về quản lý nội dung hình ảnh
Qua khảo sát 181 tác phẩm báo ảnh trên Báo ảnh Dân tộc và Miền Núi, Báo ảnh Việt Nam, có thể thấy nội dung hình ảnh về người phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh này tập trung vào 4 nhóm chủ đề sau:
Chủ đề 1: Hình ảnh tôn vinh bản sắc văn hóa và vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Chủ đề 2: Hình ảnh người phụ nữ DTTS trong lao động, sinh hoạt và bảo tồn không gian văn hóa cộng đồng.
Chủ đề 3, Hình ảnh phản ánh vị thế xã hội và vai trò chuyển biến của người phụ nữ DTTS trong thời đại hội nhập.
Chủ đề 4, Hình ảnh khắc họa khó khăn, thách thức và hành trình vượt lên của người phụ nữ DTTS trong bối cảnh giao thoa truyền thống - hiện đại.
Số lượng và tỷ lệ từng nhóm chủ đề hình ảnh trên 02 báo ảnh diện khảo sát như sau:

Từ bảng số liệu 2.1. cho thấy các tác phẩm báo ảnh đã thể hiện một sự phân bố tương đối đều giữa bốn chủ đề, với trọng tâm nghiêng về chủ đề 1 và chủ đề 2, trong khi nhóm chủ đề 3 và 4 chiếm tỷ trọng thấp hơn. Cụ thể:
Chủ đề 1: Hình ảnh tôn vinh bản sắc văn hóa và vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ dân tộc thiểu số với 57 tác phẩm, chiếm 31.5% tổng số tác phẩm, cho thấy cả 02 báo ảnh thuộc TTXVN vẫn dành ưu tiên lớn cho việc khẳng định bản sắc văn hóa và nét đẹp truyền thống của phụ nữ DTTS, thông qua trang phục, lễ hội, phong tục tập quán. Đặc biệt, Báo ảnh Việt Nam có tỷ lệ cao hơn (32.9%) so với Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (30.5%), phản ánh xu hướng truyền thông hướng đến quảng bá văn hóa dân tộc ra bên ngoài, có thể phục vụ mục đích đối ngoại hoặc du lịch. Các tác phẩm thường tập trung vào yếu tố bản địa, vùng miền và thường chụp người phụ nữ dân tộc trong trang phục truyền thống, hoạt động trong không gian truyền thống như dệt vải, tham gia lễ hội, biểu diễn cồng chiêng, múa hát dân gian…Không gian chụp ảnh thường lồng ghép lễ hội bản làng, các sự kiện văn hóa vùng cao, tạo chiều sâu lịch sử và văn hóa cho bức ảnh.
Ví dụ: Tác phẩm “Chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y” do chính tác giả bài báo (Lê Hương Hiền) thực hiện đăng trên dantocmiennui.baotintuc.vn ngày 14/12/2024 khắc họa hình ảnh người phụ nữ Dao Thanh Y thông qua bộ trang phục truyền thống độc đáo, phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa và giá trị thẩm mỹ của dân tộc. Bài viết cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Dao Thanh Y trong việc gìn giữ và truyền dạy nghề may, thêu trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt trước khi về nhà chồng, con gái Dao Thanh Y đều có thể tự may, thêu trang phục truyền thống cho mình. Tác phẩm không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của trang phục mà còn tôn vinh người phụ nữ Dao Thanh Y như một biểu tượng văn hóa sống động, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại.

Chủ đề 2: Hình ảnh người phụ nữ DTTS trong lao động, sinh hoạt và bảo tồn không gian văn hóa cộng đồng. Với 62 tác phẩm - đây là chủ đề có tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ khảo sát (34.3%), đặc biệt chiếm 36.2% trên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi. Hình ảnh người phụ nữ DTTS gắn bó với lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật, và gìn giữ không gian văn hóa truyền thống phản ánh rõ vai trò trung tâm của họ trong cộng đồng. Việc nhấn mạnh yếu tố này trên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi và cả Báo ảnh Việt Nam cho thấy báo chí thiên về góc nhìn cộng đồng, tính bản địa và yếu tố phát triển bền vững.
Ví dụ, trong tác phẩm “Độc đáo nghề vẽ tranh kính của người Khmer” trên Báo ảnh Việt Nam vietnam.vnanet.vn/ ngày 17/5/2024, hình ảnh người phụ nữ Khmer được thể hiện nổi bật qua vai trò là những nghệ nhân tài hoa, cần mẫn trong việc duy trì và phát triển nghề vẽ tranh kính truyền thống. Ngoài vai trò là nghệ nhân, phụ nữ Khmer còn là những người giữ gìn và truyền dạy nghề vẽ tranh kính cho thế hệ trẻ. Họ mở các lớp học để truyền nghề, nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Chủ đề 3: Hình ảnh phản ánh vị thế xã hội và vai trò chuyển biến của người phụ nữ DTTS trong thời đại hội nhập. Dù có ý nghĩa quan trọng, chủ đề này chỉ chiếm gần 1/5 tổng số tác phẩm, cho thấy báo ảnh chưa thực sự chú trọng phản ánh sự chuyển mình, vai trò lãnh đạo, khởi nghiệp hay tham chính của phụ nữ DTTS trong thời kỳ hội nhập. Tỷ lệ trên cả hai Báo khá tương đồng (19% và 21.1%), cho thấy đây là khoảng trống thông tin chung, cần thúc đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để làm rõ sự hiện diện của phụ nữ DTTS trong không gian công cộng và chính sách.
Với chủ đề này, tác giả bài báo (Lê Hương Hiền) cũng đã thực hiện tác phẩm “Chị Vi Thị Phương với mô hình trồng chè “7 không” đăng trên Báo ảnh Dân tộc và Miền Núi dantocmiennui.baotintuc.vn ngày 30/1/2024 kể về chị Vi Thị Phương người dân tộc Nùng, quê xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên một điển hình tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang rất được chú trọng tại địa phương. Chị Phương đã xây dựng thành công mô hình trồng chè theo tiêu chí “7 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không chất bảo quản, không chất tạo màu và không chất tạo mùi. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu thị trường về nông sản sạch, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chị Phương còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hộ dân trong vùng áp dụng phương pháp canh tác bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Chủ đề 4: Hình ảnh khắc họa những khó khăn, thách thức và hành trình vượt lên của người phụ nữ DTTS trong bối cảnh giao thoa truyền thống - hiện đại. Đây là chủ đề ít được đề cập nhất, dù trong thực tế đây là khía cạnh rất quan trọng, phản ánh các vấn đề về bất bình đẳng giới, tiếp cận dịch vụ xã hội, khoảng cách phát triển vùng miền. Việc chỉ có 26/181 (chiếm 14.3%) tác phẩm khai thác chủ đề này cho thấy một sự thiếu vắng góc nhìn phản biện, chiều sâu nhân văn trong báo chí ảnh, điều này cần được khuyến nghị cải thiện.
Ví dụ, trong bài viết “Thay đổi nhận thức thanh niên dân tộc thiểu số về vấn nạn tảo hôn” đăng trên vietnam.vnanet.vn ngày 8/4/2024 đã cho thấy phụ nữ đặc biệt là trẻ em gái DTTS vẫn đang phải đối mặt với nhiều hủ tục lạc hậu đặc biệt là tảo hôn và kết hôn cận huyết. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang tồn tại dai dẳng trong một số cộng đồng dân tộc thiểu số để lại những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội.
- Về quản lý hình thức hình ảnh
Màu sắc: Qua khảo sát trên Báo ảnh Việt Nam và Báo ảnh Dân tộc và Miền NÚI, có thể nhận thấy màu sắc trong ảnh được xử lý có chủ đích, nhằm nhấn mạnh nhân vật chính và tạo ra hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ. Trong nhiều bức ảnh, màu sắc rực rỡ của trang phục truyền thống như váy thêu họa tiết sặc sỡ của phụ nữ Mông, khăn đội đầu đỏ tươi của phụ nữ Dao, hay áo chàm của phụ nữ Tày được đặt nổi bật trong những bối cảnh tương phản tự nhiên: nền tường gỗ trầm tối, ruộng bậc thang loang loáng nước, hay ánh chiều loang lổ qua nếp nhà sàn. Một ví dụ điển hình là bức ảnh người phụ nữ H’Mông nhuộm vải chàm bên cạnh chảo nước sôi sủi bọt, ánh đỏ cam của hơi nước và ánh nắng rọi xiên qua lớp khói đã được xử lý hài hòa để tôn lên nét quyết liệt, cần mẫn nhưng đầy chất thơ của nhân vật.
Bố cục: Cách bố cục trong ảnh báo chí thuộc TTXVN không đơn thuần tuân theo công thức kỹ thuật, mà còn cho thấy sự linh hoạt và nhạy bén trong việc kể chuyện bằng hình ảnh. Các quy tắc như 1/3, tập trung vào ánh mắt, tạo khung hình tự nhiên bằng các yếu tố có sẵn trong môi trường sống (khung cửa, gánh nước, lối mòn) được áp dụng khéo léo. Trong các ảnh chân dung hoặc nửa thân, nhân vật thường không đặt giữa một cách máy móc mà được cân bằng bằng những yếu tố bối cảnh như khung cảnh núi non, lớp học ghép tranh tre, hay khung cửi dệt thổ cẩm. Điều này không chỉ tạo ra sự mềm mại, duyên dáng cho bố cục mà còn phản ánh đúng mối liên hệ giữa người phụ nữ dân tộc và không gian sống của họ
Ống kính: Việc lựa chọn ống kính đóng vai trò quyết định trong việc lột tả chi tiết và tạo chiều sâu cho các tác phẩm ảnh báo chí. Khảo sát cho thấy phóng viên TTXVN sử dụng đa dạng ống kính để khai thác tối đa các khía cạnh của nhân vật. Với Lens Fixed (ống tiêu cự cố định), ảnh đạt độ sắc nét cao, thích hợp để ghi lại chi tiết trên khuôn mặt, ánh mắt, hoặc hoa văn trang phục những yếu tố mang dấu ấn văn hóa sâu sắc. Lens Kit và ống kính góc rộng thường được áp dụng trong các tác phẩm ghi nhận toàn cảnh lao động tập thể như phụ nữ Dao Thanh Y đan lát bên bếp lửa từ đó tái hiện cả hành vi và bối cảnh xã hội (trong tác phẩm “Chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y” đăng trên dantocmiennui.baotintuc.vn ngày 14/12/2024). Ống kính macro giúp phóng viên khai thác những chi tiết “nói được nhiều hơn lời”, như mũi kim trên tay người thợ thêu, giọt mồ hôi lăn trên trán khi hái chè, hay hạt bụi bám trên đôi guốc mòn.
Ánh sáng: Ánh sáng không chỉ là yếu tố kỹ thuật mà còn là yếu tố truyền cảm trong ảnh báo chí, đặc biệt trong ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số. Các phóng viên ảnh TTXVN đã cho thấy sự làm chủ ánh sáng trong nhiều bối cảnh khắc nghiệt, từ rừng sâu núi cao, ánh sáng khuyết thiếu, cho tới cảnh hoàng hôn với nhiều dải chuyển màu. Ánh sáng thuận dịu nhẹ, đều, được sử dụng trong ảnh chân dung hoặc ghi lại hoạt động sinh hoạt hàng ngày như nấu cơm, dạy con học chữ; ánh sáng ngược thường xuất hiện trong ảnh có yếu tố tâm trạng, tạo viền sáng ấm áp xung quanh nhân vật, ví dụ như khi người phụ nữ Dao Thanh Y nhóm bếp vào lúc chiều muộn (trong tác phẩm “Chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y” đã đề cập ở trên). Ánh sáng chếch được sử dụng linh hoạt trong ảnh dệt thổ cẩm hoặc quay tơ tạo nên khối hình rõ ràng, ánh sáng rọi từ một phía làm nổi bật từng đường nét khuôn mặt, đôi tay lao động, đường dệt len lỏi qua trục quay. Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên theo thời điểm trong ngày là minh chứng cho khả năng quan sát và cảm xúc nghề nghiệp tinh tế của phóng viên ảnh.
Có thể khẳng định rằng, việc quản lý chất lượng kỹ thuật hình ảnh về người phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN được triển khai bài bản, chuyên nghiệp và có chiều sâu. Từ cách xử lý màu sắc, bố cục, ánh sáng đến việc lựa chọn ống kính tất cả đều được thực hiện không chỉ vì tiêu chuẩn kỹ thuật, mà còn phục vụ mục tiêu cao hơn là lan tỏa hình ảnh đẹp, tích cực và nhân văn về người phụ nữ các dân tộc trong đời sống đương đại.
Quản lý phong cách và thẩm mỹ: Dưới góc nhìn lý thuyết về quản lý phong cách và thẩm mỹ trong báo ảnh, việc xây dựng bản sắc hình ảnh nhất quán là yếu tố then chốt để định hình thương hiệu và truyền tải thông điệp hiệu quả. Đối với Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt qua khảo sát các sản phẩm báo ảnh về phụ nữ DTTS trên Báo ảnh Việt Nam và Báo ảnh Dân tộc & Miền núi, phong cách thể hiện đã được định hướng rõ ràng, kết hợp giữa tính báo chí và giá trị nghệ thuật.
TTXVN ưu tiên phong cách nhiếp ảnh chân thực, tránh các hình ảnh dàn dựng hoặc mang tính sân khấu. Các bức ảnh thường ghi lại những khoảnh khắc đời thường của phụ nữ DTTS trong lao động, sinh hoạt, học tập, thể hiện sự mộc mạc và chân thành. Điều này không chỉ phản ánh đúng thực tế mà còn tạo nên sự đồng cảm và kết nối với người xem.
Trong các bài báo ảnh, các phóng viên ảnh cũng chú trọng đến sự hài hòa giữa hình ảnh và nội dung chữ viết. Các bức ảnh được sắp xếp theo trình tự logic, dẫn dắt người đọc qua câu chuyện một cách mạch lạc. Phần chú thích ảnh ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin, giúp người xem hiểu rõ bối cảnh và ý nghĩa của từng hình ảnh (ví dụ như Hình 2.1. ở trên). Các bộ ảnh về phụ nữ DTTS thường bao gồm đa dạng các loại hình ảnh: từ cảnh toàn cảnh, cận cảnh, chân dung đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Sự đa dạng này không chỉ làm phong phú nội dung mà còn tạo nên nhịp điệu sinh động, giữ chân người xem và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Phóng viên ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn những bức ảnh có góc chụp đẹp, ánh sáng tốt và sức truyền cảm mạnh mẽ. Họ đảm bảo rằng mỗi bức ảnh không chỉ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phù hợp với định hướng nội dung và phong cách tổng thể của TTXVN.
Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, quản lý hình thức cũng bao gồm quản lý về bản quyền hình ảnh. Các ảnh báo đăng trên cả 02 báo ảnh đều được gắn tên phóng viên ảnh, tên báo và/hoặc biểu tượng bản quyền TTXVN. Việc đặt logo và ghi rõ nguồn ảnh thường ở góc ảnh hoặc dưới ảnh không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi tác giả mà còn tạo sự tin cậy, minh bạch đối với người đọc và các đối tác truyền thông.
Nhìn chung, thông qua quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN đã góp phần giúp cộng đồng nhận thức rõ các vấn đề mà họ đang phải đối mặt như bất bình đẳng giới, bạo hành, tảo hôn, nghèo đói, từ đó tích cực, nỗ lực hơn để bảo vệ phụ nữ. Thông qua các bài viết truyền thông về hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số trên các ấn phẩm báo ảnh của TTXVN, xã hội cũng đã có sự thay đổi về cách nhìn, thái độ và đã có sự ghi nhận với những đóng góp to lớn của họ trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, thông qua hình ảnh phụ nữ dân tộc thiểu số trên các ấn phẩm báo ảnh của TTXVN, bản thân người phụ nữ cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đối tượng có hoàn cảnh giống mình để có giải pháp khắc phục các khó khăn trong cuộc sống.
Việc quản lý trình bày hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số trên các sản phẩm báo ảnh TTXVN cũng cho thấy công tác quản lý đã định hướng rõ ràng, nhất quán và đang từng bước hiện đại hóa. Sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, giữa tính chính trị và mỹ thuật, giúp các sản phẩm ảnh vừa truyền tải thông điệp sâu sắc vừa đạt hiệu ứng truyền thông tích cực đối với công chúng. Đây là yếu tố cần tiếp tục được phát huy trong chiến lược truyền thông về phụ nữ DTTS thời gian tới.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc quản lý hình ảnh phụ nữ dân tộc thiểu số trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới một số hạn chế, tồn tại. Khó khăn nhất khi khai thác đề tài về phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng trên các ấn phẩm báo ảnh là làm sao thay đổi định kiến về giới một cách sâu sắc. Các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay đều có sự lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nữ giới nhằm định hướng, thay đổi hành vi, thái độ của cả nam giới và nữ giới, dần xóa bỏ khoảng cách giới.
Tuy nhiên, báo chí hiện nay khai thác về đề tài phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn một số vấn đề cần phải bàn. Vẫn còn không ít sản phẩm báo chí truyền thông vô hình trung đang góp phần củng cố những giá trị cổ hủ, lạc hậu vô tình chung làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ. Một số các sản phẩm báo chí đôi khi vô tình đưa thông tin, hình ảnh thiên lệch về giới hay củng cố các quan niệm sai lầm về định kiến giới. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu đồng đều trong chất lượng trình bày giữa các bài cùng chuyên mục; một số ảnh vẫn chưa được xử lý hậu kỳ tối ưu, dẫn tới bố cục lặp lại hoặc màu sắc chưa đủ chiều sâu. Bên cạnh đó, việc chưa áp dụng rộng rãi các công cụ tương tác như ảnh 360 độ, ảnh động (GIF), infographic ảnh động... khiến sản phẩm ảnh chưa tận dụng hết tiềm năng công nghệ hiện nay.
3. Giải pháp nhằm quản lý tốt hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam trong thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thức và năng lực của chủ thể quản lý trong việc tăng cường quản lý hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam
Nâng cao nhận thức của chủ thể quản lý là điều kiện tiên quyết để tăng cường hiệu quả quản lý hình ảnh phụ nữ DTTS trên báo ảnh tại Thông tấn xã. Trong bối cảnh báo chí không chỉ phản ánh thực tiễn mà còn định hình tư duy xã hội, hình ảnh phụ nữ DTTS cần được nhìn nhận như những chủ thể văn hóa và tác nhân phát triển chứ không đơn thuần là đối tượng mô tả truyền thống.
Trước hết, lãnh đạo TTXVN và các tòa soạn trực thuộc cần xác lập một quan điểm rõ ràng và thống nhất rằng: quản lý hình ảnh phụ nữ DTTS không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là một phần trong chiến lược thông tin phục vụ mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ bản sắc dân tộc và thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tế, chính sách truyền thông tích cực đã giúp nhiều phụ nữ DTTS vượt qua khó khăn, gỡ bỏ định kiến xã hội, tự tin khẳng định bản thân. Điều đó có nghĩa là, nếu người làm báo thay đổi tư duy về vai trò của phụ nữ DTTS, từ đối tượng cần “mô tả” sang chủ thể cần “trao quyền hình ảnh” thì các sản phẩm báo ảnh sẽ chuyển từ việc tái hiện thụ động sang lan tỏa tích cực. Việc quán triệt nhận thức này cần được thực hiện đồng bộ trong các cuộc họp giao ban định kỳ, hội nghị chuyên đề, cũng như lồng ghép trong đánh giá thi đua nội bộ, để từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên đều thấm nhuần sứ mệnh xã hội của ảnh báo chí về phụ nữ DTTS.
TTXVN và các tòa soạn trực thuộc cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử nội bộ đối với hình ảnh phụ nữ DTTS. Bộ quy tắc này không chỉ bao gồm yêu cầu kỹ thuật (bố cục, ánh sáng, tính xác thực) mà còn quy định rõ tiêu chí nhân văn, bình đẳng, tôn trọng đặc thù văn hóa. Đặc biệt, việc thiết lập một khâu quản lý, duyệt chuyên môn riêng về giới và dân tộc trong chu trình biên tập ảnh là rất cần thiết. Khâu này đóng vai trò như một “bộ lọc cuối” để loại bỏ những tác phẩm chưa đạt chuẩn về thông điệp văn hóa và đạo đức truyền thông.
Bên cạnh nhận thức, năng lực chuyên môn của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cán bộ quản lý đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa những định hướng đúng đắn. Ngoài kỹ năng nhiếp ảnh, người làm báo cần được trang bị kiến thức liên ngành như văn hóa dân tộc, xã hội học về giới, truyền thông số và đạo đức nghề nghiệp. TTXVN nên tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật kỹ thuật mới như kiểm duyệt ảnh bằng AI, phân tích metadata hay xử lý nội dung trên các nền tảng số. Đồng thời, cần thiết lập bộ công cụ quản lý ảnh chuyên biệt, hướng dẫn xử lý các tình huống nhạy cảm và xây dựng kho dữ liệu ảnh có thuyết minh khoa học để hỗ trợ biên tập viên. Mạng lưới chuyên gia cố vấn và cộng tác viên bản địa cũng là nguồn tham vấn quan trọng giúp gia tăng tính chính xác và độ tin cậy trong kiểm định nội dung, từ đó bảo đảm chất lượng và giá trị văn hóa - xã hội của các sản phẩm báo ảnh về phụ nữ DTTS.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức hình ảnh về người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam
Về nội dung, các báo ảnh thuộc TTXVN cần chuyển từ cách tiếp cận bề nổi sang chiều sâu xã hội - văn hóa. Thay vì chỉ khai thác hình ảnh phụ nữ DTTS trong không gian truyền thống như lễ hội, thêu dệt hay lao động nông nghiệp, cần tập trung vào các câu chuyện có tính thời đại, như hành trình khởi nghiệp, vai trò trong giáo dục, y tế, tham gia quản lý xã hội hay sáng tạo nội dung số. Những chân dung như nữ doanh nhân người Thái thành đạt, bác sĩ người Mường ở vùng sâu, giáo viên người H’Mông dạy học trong điều kiện khó khăn… sẽ giúp truyền tải hình ảnh phụ nữ DTTS như những chủ thể phát triển, mạnh mẽ và có tiếng nói. Đặc biệt, các đề tài về kết nối thế hệ, bảo tồn, chuyển hóa văn hóa giữa già và trẻ, giữa nông thôn và đô thị cũng là hướng đi mới giàu tiềm năng. Để việc thể hiện được hệ thống và tránh ngẫu hứng, nên xây dựng các chiến dịch ảnh theo chủ đề thường niên như “Phụ nữ DTTS trong chuyển đổi số”, “Chân dung nữ trí thức vùng cao”, hoặc “Người gìn giữ văn hóa bản làng”.
Bên cạnh đó, phóng sự ảnh cần được khai thác mạnh mẽ như một hình thức thể hiện ưu việt. Khác với ảnh đơn lẻ, phóng sự ảnh có thể tái hiện hành trình nhân vật, kết hợp các bức ảnh với lời dẫn, trích phỏng vấn và thông tin thực tế để kể một câu chuyện đầy đủ, truyền cảm hứng và phản ánh được chiều sâu xã hội. Việc lựa chọn nhân vật trung tâm có thật, có câu chuyện riêng sẽ giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách gần gũi, nhân văn hơn, đồng thời tạo cơ hội để lan tỏa giá trị tích cực và định hình lại hình ảnh người phụ nữ DTTS trong đời sống hiện đại.
Về hình thức thể hiện, báo ảnh hiện đại không thể chỉ dừng ở kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống. Việc ứng dụng các công nghệ mới như flycam, ảnh 360 độ, hoặc kết hợp hình ảnh với âm thanh, lời tự sự, infographic hay e-magazine sẽ giúp nâng cao trải nghiệm thị giác và cảm xúc của người đọc. Đặc biệt, phương pháp “photovoice” trao máy ảnh cho phụ nữ DTTS để họ tự kể câu chuyện cuộc đời mình là cách tiếp cận mang tính trao quyền, phản ánh trung thực từ góc nhìn chủ thể. Ngoài ra, chú thích ảnh cũng cần được đầu tư, thay vì chỉ mô tả sự vật, nên dẫn dắt người xem bằng cảm xúc, thông điệp hoặc bối cảnh cụ thể, qua đó tạo được chiều sâu và tính nhân văn trong tiếp nhận hình ảnh.
Về mặt trình bày, cả báo in lẫn báo điện tử cần bắt nhịp với xu hướng thiết kế hiện đại, tối giản, tôn trọng không gian ảnh và thuận tiện cho trải nghiệm người dùng. Đối với báo điện tử, cần tối ưu giao diện xem ảnh, cho phép phóng to, cuộn ngang, hoặc trình bày dưới dạng kể chuyện đa phương tiện - kết hợp ảnh, âm thanh, phụ đề song ngữ (tiếng Việt và ngôn ngữ DTTS) để tăng mức độ tương tác và cảm xúc. Việc sử dụng màu nền, bố cục, hiệu ứng và âm thanh phù hợp với chủ đề văn hóa dân tộc cũng sẽ góp phần tạo nên một sản phẩm báo ảnh vừa chuyên nghiệp vừa giàu tính nghệ thuật.
Ba là, cải tiến phương thức và quy trình quản lý
Cải tiến phương thức và quy trình quản lý là giải pháp then chốt, giúp hiện thực hóa hiệu quả các đổi mới về nội dung và hình thức trong quản lý hình ảnh phụ nữ dân tộc thiểu số tại TTXVN. Theo đó, TTXVN cần chuẩn hóa quy trình sản xuất ảnh chuyên đề theo mô hình khép kín từ đề xuất đề tài đến phát hành, gắn với phân công nhiệm vụ rõ ràng và tiêu chí chuyên môn cụ thể. Đồng thời, nên tổ chức tác nghiệp theo nhóm liên ngành gồm phóng viên, biên tập viên, thiết kế và người điều phối trung tâm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình phối hợp. Song song, cần tăng cường giám sát chất lượng ảnh thông qua bộ phận kiểm định chuyên trách, kết hợp kiểm tra định kỳ và phản hồi sau sai sót. Việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình, đặc biệt là hệ thống CMS tích hợp tự động phân luồng, truy xuất thông tin và lưu vết thao tác, sẽ giúp nâng cao hiệu suất quản lý và khả năng phản ứng trong môi trường truyền thông hiện đại. Tóm lại, khi quy trình quản lý được tổ chức khoa học, trách nhiệm rõ ràng và công nghệ được tích hợp, thì các giải pháp nội dung, nhân lực và hình thức mới có thể phát huy toàn diện, đưa TTXVN trở thành cơ quan đi đầu trong thực hành báo ảnh hiện đại về phụ nữ DTTS.
Bốn là, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và phát triển mạng lưới cộng tác viên
Đội ngũ phóng viên và biên tập viên ảnh đóng vai trò trung tâm trong việc quyết định chất lượng nội dung, tính nhân văn, thông điệp xã hội và chiều sâu văn hóa của các sản phẩm báo ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn và bồi dưỡng kiến thức liên ngành cho lực lượng này không chỉ là giải pháp nghiệp vụ, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng tầm chất lượng truyền thông của Thông tấn xã Việt Nam. Trong bối cảnh báo chí tích hợp đa phương tiện, người làm báo ảnh cần được trang bị toàn diện từ kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh đến khả năng phân tích nhân vật và chuyển tải thông điệp xã hội. Đặc biệt, việc tổ chức các khóa học chuyên sâu về truyền thông thị giác, ảnh kể chuyện (visual storytelling) và truyền thông đa văn hóa, kết hợp với đào tạo kiến thức nền về giới, nhân học, văn hóa dân tộc là hướng đi cần thiết để giúp đội ngũ phóng viên và biên tập viên thể hiện được chiều sâu và sự chính xác văn hóa trong các tác phẩm về phụ nữ DTTS.
Song song với đào tạo chính thức, cần phát triển không gian học hỏi nội bộ thông qua các nhóm chia sẻ tác phẩm định kỳ, cơ chế mentor – mentee giữa phóng viên kỳ cựu và thế hệ trẻ, qua đó tạo ra môi trường học tập thực hành giàu tương tác và phản hồi. Đồng thời, TTXVN nên chủ động thu hút nguồn nhân lực trẻ giàu đam mê với đề tài dân tộc – giới, đặc biệt là sinh viên người DTTS, thông qua các chương trình học bổng, thực tập sinh hoặc thi tuyển cộng tác viên. Việc xây dựng đội ngũ đa dạng về xuất thân văn hóa và thế hệ sẽ giúp hình ảnh phụ nữ DTTS trên báo ảnh trở nên đa chiều, gần gũi và chân thực hơn.
Bên cạnh lực lượng chính quy, phát triển mạng lưới cộng tác viên (CTV) ảnh tại các vùng DTTS là giải pháp quan trọng để mở rộng nguồn dữ liệu thực tế và tăng cường tính bản địa trong phản ánh thông tin. CTV không chỉ là “tai mắt” tại địa phương, mà còn là cầu nối văn hóa giúp phóng viên chính thức nắm bắt chính xác bối cảnh xã hội, tín ngưỡng, phong tục. Do đó, cần có kế hoạch rà soát, đánh giá và đào tạo lại mạng lưới CTV hiện có, đồng thời thiết lập quy trình làm việc chuyên nghiệp từ phân công đề tài, hướng dẫn kỹ thuật đến cơ chế nhận xét, phản hồi và khen thưởng. Việc ban hành các chủ đề ảnh theo quý, tổ chức tập huấn kỹ năng báo ảnh cơ bản và tạo điều kiện công bố tên tác giả trong sản phẩm chính thức là những bước cần thiết để xây dựng một hệ thống CTV ổn định, hiệu quả và có khả năng phát triển thành đội ngũ bán chuyên trong tương lai.
Tóm lại, việc nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ làm báo ảnh và chuyên nghiệp hóa mạng lưới cộng tác viên không chỉ là đầu tư cho chất lượng sản phẩm, mà còn là giải pháp bền vững để hình ảnh phụ nữ DTTS được thể hiện một cách đa dạng, chân thực và mang lại tác động xã hội tích cực trong truyền thông đại chúng hiện nay.
Năm là, áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đội ngũ sản xuất hình ảnh
Trong bối cảnh báo chí số phát triển nhanh chóng, việc quản lý và sản xuất hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số không thể chỉ dựa vào kỹ năng cá nhân hay quy trình thủ công mà cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Việc đầu tư thiết bị tác nghiệp chất lượng cao như máy ảnh chuyên dụng, flycam, GPS và công cụ hậu kỳ chuẩn màu sẽ giúp nâng cao chất lượng hình ảnh, tăng tính linh hoạt trong điều kiện địa lý phức tạp và hỗ trợ phóng viên phát huy tối đa năng lực sáng tạo. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu ảnh số (DAMS) hiện đại, cho phép truy xuất, phân quyền và xử lý ảnh từ xa sẽ góp phần chuẩn hóa quy trình biên tập, tăng tốc độ sản xuất và đảm bảo tính bảo mật. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được tích hợp để hỗ trợ phân loại ảnh, kiểm tra chất lượng và phục dựng tư liệu, giúp giảm tải công việc thủ công và tăng tính chính xác trong khâu biên tập. Để các giải pháp này phát huy hiệu quả bền vững, TTXVN cần chủ động huy động nguồn lực tài chính từ các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế hoặc hợp tác liên ngành, qua đó xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, đồng bộ. Có thể nói, công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, mà còn là điều kiện quyết định để hiện thực hóa các định hướng nội dung và tổ chức quản lý một cách toàn diện trong môi trường báo chí hiện nay.
KẾT LUẬN
Quản lý hình ảnh về phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh tại TTXVN không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là hành động mang tính chính trị - văn hóa - xã hội sâu sắc. TTXVN đã có nhiều nỗ lực trong việc thể hiện hình ảnh phụ nữ DTTS đa dạng, chân thực, vừa tôn vinh giá trị truyền thống, vừa phản ánh vai trò mới trong tiến trình phát triển hiện đại. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông, cần có sự đổi mới toàn diện cả về nhận thức, năng lực, nội dung, hình thức và quy trình quản lý. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ, kết nối liên ngành và đầu tư chiến lược dài hạn sẽ là yếu tố then chốt giúp lan tỏa hình ảnh người phụ nữ DTTS một cách tích cực, nhân văn và giàu sức thuyết phục trong không gian báo chí hiện đại, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc./.
______________________________
(1) Tổng cục thống kê (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019, truy cập tại link https://thongkedantoc.vn/static/media/files/file/2021_05_31/940162245370443060b4adc 806b5f.pdf
(2) Hiến pháp 2013, truy cập tại link https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
(3) Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.1069
(4) Luật Báo chí 2016, truy cập tại link https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Bao-chi-2016-280645.aspx.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lưu Văn An (2019), Giải pháp đẩy mạnh truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số, Tạp chí Lý luận chính trị.
2. Hoàng Thu Hằng (2023), Thông điệp ảnh báo chí trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
3. Vũ Huyền Nga (2016), Ảnh tin, Nxb. Thông tin và truyền thông
4. Vũ Huyền Nga (2022), Phóng sự ảnh, Nxb. Thông tấn
5. Tạ Ngọc Tấn (2001), Truyền thông đại chúng, Nxb. Chính trị Quốc gia.
6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt chương trình Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội.
7. Thủ tướng Chính phủ (2021) Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030
8. Trung tâm từ điển học (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
9. UN WOMEN Việt Nam (2022), Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- Giải pháp đổi mới hoạt động truyền thông phòng, chống tin giả tại các trường trung học phổ thông hiện nay
- Đặc điểm hành vi tiêu thụ tin tức trên mạng xã hội của thế hệ Z tại Việt Nam
Xem nhiều
-
1
Thực hành tiết kiệm
-
2
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
-
3
[Video] Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
4
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát chất lượng báo chí
-
5
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân
-
6
Phát huy tư tưởng nhân văn trong hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh ở thời đại 4.0
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thái độ tiếp nhận của sinh viên đối với các sản phẩm truyền thông tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo trên nền tảng Tiktok
Năm 2025, nhân loại đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI). Trên các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm truyền thông ứng dụng AI được sử dụng và phát tán ngày càng đa dạng. Từ video ngắn được cá nhân hóa đến từng người dùng, bộ lọc và hiệu ứng sáng tạo, âm nhạc và giọng nói AI, đến các nội dung tin tức, giáo dục, giải trí được sản xuất tự động, AI đang dần trở thành một "nhà biên tập" đắc lực, một "người kể chuyện" tài ba trên nền tảng TikTok. Bài viết này của chúng tôi nhằm khám phá mức độ tiếp xúc và nhận diện của sinh viên đối với các sản phẩm truyền thông do AI tạo ra trên nền tảng TikTok; đánh giá thái độ của sinh viên (về sự tin tưởng, mức độ yêu thích, ý định chia sẻ...) đối với các nội dung này; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ tiếp nhận như: hiểu biết về AI, nhận thức rủi ro, độ minh bạch nội dung, hình thức thể hiện và đề xuất các định hướng sản xuất nội dung truyền thông sử dụng AI phù hợp với đặc điểm tiếp nhận của người trẻ.
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Trong bức tranh truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang dần được tái hiện với nhiều sắc thái mới, giàu tính biểu cảm và phản ánh đa dạng vai trò của họ trong đời sống đương đại. Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), việc quản lý, thể hiện và lan tỏa hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu nội dung lẫn chất lượng hình thức. Không chỉ đơn thuần là những khuôn hình đặc tả trang phục truyền thống hay lao động thường nhật, các sản phẩm báo ảnh tại đây còn hướng tới việc khắc họa chân dung người phụ nữ dân tộc với vai trò chủ thể phát triển – là cán bộ, trí thức, doanh nhân, nghệ nhân... Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm quản lý tốt hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay.
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển đổi số, việc truyền thông hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở thành một yêu cầu cấp thiết. Báo mạng điện tử với ưu thế về tốc độ, khả năng cập nhật và tính tương tác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành vi của cộng đồng doanh nghiệp. Bài viết này phân tích thực trạng quản trị thông tin về chính sách hỗ trợ DNNVV trên một số báo mạng điện tử chuyên ngành tài chính - đầu tư ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế và đề xuất giải pháp quản trị thông tin, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách kinh tế - cụ thể là chính sách hỗ trợ DNNVV trên báo mạng điện tử, trong thời gian tới.
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Báo mạng điện tử Việt Nam, với lợi thế về tính tích hợp đa phương tiện, tốc độ cập nhật và khả năng tương tác tức thời, đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc kết nối và chuyển tải thông tin hai chiều đến với khu vực nông thôn. Nhiều báo lớn đã mở các chuyên mục về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, cùng với đó là số lượng các bài viết về kinh tế nông thôn ngày càng nhiều, nội dung ngày càng đa dạng, tích cực ứng dụng đa phương tiện để thông tin hấp dẫn hơn, tăng cường tương tác với độc giả. Trên cơ sở khảo sát ba tờ báo điện tử là Dân Việt, Vietnamnet và Nhân Dân điện tử trong năm 2024, bài viết phân tích vai trò, hiệu quả thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, con người luôn được xác định là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của mọi chiến lược phát triển. Trong các nhóm xã hội, thanh niên – với tư cách là một bộ phận dân số có quy mô lớn, có trí tuệ, khát vọng cống hiến và khả năng thích ứng cao – giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển con người toàn diện, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó thanh niên là lực lượng xung kích, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng chịu nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, những tác động hậu COVID-19, và chủ trương tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay. Là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đặc biệt về mảng du lịch – dịch vụ, để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lao động trẻ có chất lượng, năng động, chuyên nghiệp và có ý thức chính trị – xã hội vững vàng.
Bình luận