Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đầu tiến trình hiện thực hóa con đường đã lựa chọn
1. Nguyễn Ái Quốc tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang mà Nguyễn Tất Thành mang theo là lòng yêu nước nhiệt thành và quyết tâm “làm bất cứ việc gì để sống và để đi”(1) nhằm thực hiện hoài bão tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ, Anxa Luy Xtơrông, Người nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2).
Mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc, qua nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn - con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”(4). Việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thể hiện tầm nhìn chiến lược và phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động. Đến thời điểm này, cách mạng vô sản là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để nhất. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.
Tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng:
Về tư tưởng: Dưới nhiều phương thức hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất và tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tập hợp lực lượng và tuyên truyền con đường cách mạng vô sản. Người sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người Cùng khổ) và viết nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế...
Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển của phong trào yêu nước theo lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Những bài báo, tạp chí và bài giảng, với lời văn giản dị, nội dung thiết thực, nhanh chóng được truyền bá đến đông đảo quần chúng nhân dân. Nguyễn Ái Quốc chú trọng vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa và nhân dân Việt Nam; “hướng các dân tộc bị áp bức” đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và đề ra cho dân Việt Nam con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về chính trị: Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Người đã phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Nguyễn Ái Quốc đưa ra những luận điểm quan trọng về cách mạng giải phóng dân tộc: cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở “chính quốc” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở “chính quốc” mà có thể thành công trước cách mạng vô sản ở “chính quốc”, góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng vô sản ở “chính quốc”.
Về vấn đề Đảng Cộng sản, Người khẳng định: “Cách mạng trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(5).
Về tổ chức: Nguyễn Ái Quốc dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong việc chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhờ những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hóa” đã làm chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, các tầng lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.
2. Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo quy luật ra đời Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện đặc thù của Việt Nam
Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Vận dụng sáng tạo quy luật này ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn lạc hậu như Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là sáng tạo nổi bật nhất của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình vận động thành lập Đảng. Trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật ra đời của Đảng; đồng thời, trên cơ sở phân tích sâu sắc tính chất xã hội, cơ cấu giai cấp và đặc điểm của phong trào yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra quy luật đặc thù này.
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, số lượng ít, chủ yếu là công nhân khai thác mỏ, đồn điền mà chưa phải là công nhân đại công nghiệp như ở phương Tây. Tuy vậy, giai cấp công nhân Việt Nam cũng là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, có mối liên hệ mật thiết với nông dân, là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Phong trào công nhân diễn ra nhưng quy mô còn nhỏ, tổ chức chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các giai cấp, tầng lớp tham gia. Vì vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước cần phải hỗ trợ nhau để thu hút lực lượng đông đảo trong xã hội, nhất là nông dân.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, cần phải được truyền bá, thẩm thấu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để tạo nên sự chuyển biến về chất, trở thành hành động cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chính sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về quy luật ra đời đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được lực lượng đông đảo trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, với đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, nhất là thông qua tổ chức và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chủ nghĩa Mác - Lênin đã thẩm thấu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Những năm 1927-1929, là giai đoạn chuyển biến của cách mạng Việt Nam. Phong trào công nhân Việt Nam chuyển mạnh từ tự phát đến tự giác, phong trào yêu nước phát triển với chất lượng mới; qua đó, tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929, đầu năm 1930 cho thấy, việc thành lập Đảng đã được chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, nhằm thống nhất thành một Đảng duy nhất để lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc với vai trò phái viên của Quốc tế cộng sản đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
3. Cống hiến của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong điều kiện hoạt động bí mật, sự khủng bố của kẻ thù có thể diễn ra bất cứ lúc nào, vấn đề bảo đảm an toàn cho đại biểu là hết sức quan trọng. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ địa điểm họp, định ra các nguyên tắc giữ bí mật và cách thức họp Hội nghị hợp nhất. Đến cuối tháng 1.1930, các công việc chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất cơ bản hoàn thành.
Ngày 6.1.1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hương Cảng (Trung Quốc). Nguyễn Ái Quốc, với tư cách Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị(6). Tại Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã nêu hai vấn đề chủ yếu trong chương trình nghị sự gồm: a, việc hợp nhất tất cả các nhóm cộng sản thành một tổ chức chung, tổ chức này sẽ là một Đảng Cộng sản chân chính; b, kế hoạch thành lập tổ chức đó(7).
Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu nghiêm túc tự phê bình và thống nhất, từ nay sẽ gạt bỏ mọi thành kiến, công kích lẫn nhau. Đặc biệt, Hội nghị đã chỉ ra những sai lầm khuyết điểm của An Nam Cộng sản Đảng là điều kiện công nhận đồng chí chính thức quá khắt khe; điều kiện gia nhập công hội, nông hội, học sinh hội cũng quá khắt khe. Về sai lầm khuyết điểm của Đông Dương Cộng sản Đảng, nổi lên là: Điều kiện công nhận đồng chí chính thức và điều kiện kết nạp vào công hội quá khắt khe; sai lầm về tổ chức đảng là có tính chất bè phái, xa quần chúng. Sai lầm đó có hai tác hại đối với trong và ngoài Đảng; làm tan rã Thanh niên và Tân Việt trái với đường lối Quốc tế Cộng sản. Kết quả phê bình và tự phê bình dẫn tới sự thống nhất thành lập một Đảng Cộng sản, như Nguyễn Ái Quốc viết trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18.2.1930: “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng”(8).
Nhớ lại sự kiện này, đồng chí Trịnh Đình Cửu kể lại: “Vào họp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hỏi: “Tại sao hai bên phân chia?”. Hai bên bảo nhau “hoạt đầu”, “bè phái”, mất gần một giờ. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói: Ta không bàn chuyện ấy. Tôi đến đây có nhiệm vụ thống nhất các lực lượng cộng sản. Chủ trương của cộng sản là thế này: trước làm cách mạng tư sản dân quyền sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các đồng chí có tán thành không? Bàn cãi như các đồng chí thì không có thời giờ, hoàn cảnh không cho phép. Bây giờ các đồng chí nói chủ trương của mình ra xem thế nào. Hai bên kể. Thì cũng chuyên chính vô sản, công nông liên minh phản đế phản phong, làm cách mạng vô sản... Hai bên đồng ý hợp nhất”(9).
Cùng với đó, Hội nghị thảo luận 5 nội dung lớn do Nguyễn Ái Quốc đề nghị và thống nhất, gồm:
1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương;
2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;
4. Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước;
5. Cử một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 9 người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương.
Hội nghị nhất trí với 5 điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức Cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về lý do đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hội nghị hợp nhất, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”(10).
Theo Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu) - đại diện An Nam Cộng sản Đảng tham gia Hội nghị hợp nhất, vấn đề đặt tên Đảng diễn ra hết sức phức tạp. Các đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng đề nghị giữ lại cái tên Đông Dương Cộng sản Đảng. Các đại biểu An Nam không đồng ý, cho rằng đó là cái tên của một nhóm cộng sản cũ không nên dùng lại... Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Đông Dương là cái tên chỉ những nước ở trên bán đảo giữa Ấn Độ và Trung Quốc, như thế gồm có Miến Điện, Xiêm La, Mã Lai, Miên, Lào và ba kỳ của nước chúng ta; cho nên thường người ta muốn chỉ Miên, Lào và nước chúng ta thì dùng cái tên “Đông Dương thuộc Pháp”; nhưng không ai dại gì mà dùng cái tên “Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc Pháp”. An Nam là cái tên người Trung Quốc vẫn quen dùng từ lâu để gọi nước ta; nhưng hiện tại, đối với người Pháp và thế giới, trên bản đồ, An Nam chỉ là Trung Kỳ.
Rốt lại, chỉ có cái tên Việt Nam là đúng hơn hết và thích hợp nhất. Đối với người Trung Quốc, cái tên Việt Nam cũng quen chẳng kém gì cái tên An Nam; đối với thế giới thì rồi dần dần người ta cũng quen. Nước ta đang bị bọn đế quốc chiếm cứ, nhân dân ta phải có nhiều hành động quật khởi thì rồi người ta mới biết tên biết tuổi được. Cái tên Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lẫn vào đâu được, mọi người sẽ không nghĩ đến một tổ chức cũ nào cả”(11).
Còn theo Trịnh Định Cửu, đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng: “Sang chuyện đặt tên, cũng lại thảo luận giằng co rất lâu. Bên bảo lấy tên Đông Dương, bên bảo lấy tên An Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói: “Đông Dương thì rộng quá, còn chữ An Nam là của thống trị phong kiến nước ngoài đặt cho, không dùng được. Vậy lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Hai bên đồng ý”(12).
Hội nghị thông qua Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh và Hội Cứu tế do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Đó là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về vấn đề này, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (18.2.1930), Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm bảy ủy viên chính thức và bảy ủy viên dự khuyết”(13).
Trên tinh thần đó, một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được thành lập gồm các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Lê Mao, Phạm Hữu Lầu... Trung ương cử Đỗ Ngọc Du làm Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ và Ngô Gia Tự làm Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Nguyễn Ái Quốc không tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời vì còn có những nhiệm vụ khác do Quốc tế Cộng sản giao phó. Trong Thư gửi các đồng chí đại diện Đảng Cộng sản Pháp bên cạnh Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ vấn đề này: “Tôi không tham gia Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi chưa trở về Đông Dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho tôi một cái án tử hình vắng mặt”(14).
Đến ngày 7.2.1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản kết thúc. “Người rất cảm động, ước mơ của Người đã được thực hiện sau bao nhiêu năm phấn đấu gian khổ. Trên các khuôn mặt của các đại biểu thể hiện rõ niềm hân hoan phấn khởi. Với niềm vui rạo rực, các đại biểu chia tay Người trở về nước báo tin vui cho đồng chí, đồng bào và lao vào thực hiện nhiệm vụ mà Người đã dặn dò kỹ lưỡng”(15).
Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, các đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới có mặt tại Hồng Công và yêu cầu xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước yêu cầu đó, mặc dù còn ít nhiều định kiến, nhưng ngày 24.2.1930, hai đại biểu Quốc tế, hai Ủy viên Trung ương lâm thời và Bí thư Chấp ủy lâm thời của Đảng đã họp và quyết định:
1. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tuy có nhiều điều khuyết điểm, song vì chỉ căn cứ ở tinh thần cộng sản nên đoàn thể này được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử một người dự vào Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ.
3. Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Chấp ủy Liên đoàn phải thông cáo cho các đồng chí biết vấn đề Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam(16).
Như vậy, đến ngày 24.2.1930, việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam mới được hoàn tất trên thực tế.
Thông qua những hoạt động cách mạng trong những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều cống hiến và sáng tạo đối với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, mặc dù Quốc tế Cộng sản đã có sự chỉ đạo việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương, do giao thông liên lạc khó khăn, Nguyễn Ái Quốc không nhận được chỉ thị, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, luận điểm cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc nêu ra trước đây đã thành hiện thực. Đây là thành công và là sự sáng tạo của Người trong việc sáng lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã trân trọng đánh giá cống hiến to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Đông Dương được thể hiện trong sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “... công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”(17)./.
____________________________________
(1) Trần Dân Tiên (1976), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H., tr.14.
(2) Báo Nhân Dân, số ra ngày 19.5.1965.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.12, tr.30.
(4), (5) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.2, tr.304, 289.
(6) Thành phần tham dự Hội nghị, ngoài Nguyễn Ái Quốc còn có Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu đại diện An Nam Cộng sản Đảng; Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu là đại biểu dự thính.
(7), (8), (13) ĐCSVN (1998), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.2, tr.10,19,19-20.
(9), (12) Nhớ lại ngày sinh của Đảng (Một số hồi ký về thời kỳ thành lập Đảng) (1962), Nxb. Sự thật, H., tr.37-38, 38.
(10) Chủ tịch Hồ Chí Minh (1980), Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H., tr.68.
(11) Nguyễn Nghĩa (1964), Góp thêm một ít tài liệu về công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 59, tr.7.
(14) Lê Văn Yên (2006), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị thành lập Đảng và Đại hội II, III của Đảng, Nxb. CTQG, H., tr.47.
(15) Lê Văn Yên (2006), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị thành lập Đảng và Đại hội II, III của Đảng, Nxb. CTQG, H., tr.50.
(16) Sau đó, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp Hội nghị liên tỉnh bầu Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ gồm: Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh, Thanh), Lê Mao (tức Cát), Lê Viết Thuật (tức Luyện). Giữa năm 1930, Phân cục Trung ương lâm thời họp Hội nghị bầu Ban Chấp hành chính thức với tên gọi Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Kỳ bộ Trung Kỳ trên địa phận từ Thanh Hóa đến Bình Định. Tháng 10-1930, Trung ương cử Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) bổ sung vào Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ cùng Lê Viết Thuật, Lê Mao do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Trụ sở chính của Xứ ủy Trung Kỳ đặt tại thành phố Vinh, trụ sở 2 đặt tại Đà Nẵng.
(17) ĐCSVN (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, T.4, Nxb. CTQG, H., tr.409.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 6.9.2021
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận