Phê phán một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin
Đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay
Chủ nghĩa Mác do C. Mác và Ph. Ăng-ghen sáng lập vào khoảng giữa những năm 40 của thế kỷ XIX ở Tây Âu, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong điều kiện lịch sử mới đã được V.I. Lênin bổ sung, phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác ra đời là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, mang bản chất khoa học và cách mạng, trở thành vũ khí tư tưởng - lý luận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản nhằm mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa, phát triển toàn diện con người.
Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác đã tồn tại trên 170 năm và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Mặc dù mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; mặc dù chủ nghĩa đế quốc cùng những thế lực phản động, thù địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc chống phá, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại, phát triển mà chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được, nó có giá trị trường tồn, sức sống bền vững. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của hàng triệu triệu người trên trái đất. Đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(1).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức thời đại, nhận thức tình hình thế giới và trong nước, là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, cho sự thống nhất và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo đoàn kết, đồng thuận trong xã hội.
Trong quá trình xây dựng, phát triển học thuyết khoa học của mình, C. Mác, Ph. Ăng-ghen và sau này là V.I. Lênin đã phải thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm sai trái, như chủ nghĩa duy tâm, siêu hình, giáo điều, xét lại. C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng phê phán quan điểm của phái Hê-ghen trẻ, của Pru-đông, của Đuy-rinh, của Lát-xan và nhiều quan điểm tư sản khác. Thông qua đấu tranh phê phán quan điểm phản diện, các ông đã trình bày quan điểm chính diện của mình, đã phát triển, hoàn thiện học thuyết của mình. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã từng khẳng định rằng, học thuyết của các ông có tính phê phán và cách mạng, nó không đội trời chung với quan điểm giáo điều, bảo thủ, với quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội và xét lại. Có thể khẳng định rằng, đấu tranh tư tưởng, lý luận để chống quan điểm sai trái nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác mang tính quy luật trong sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác.
Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V.I. Lênin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của E. Ma-khơ, A-vê-na-ri-út,...; đấu tranh với những quan điểm cơ hội, xét lại của các nhà lãnh đạo Quốc tế II, như Béc-xtanh, Cau-xky,...; đấu tranh với những quan điểm sai lầm của Plê-kha-nốp, Tờ-rốt-xki, Bu-kha-rin, Di-nô-vi-ép,... Thông qua đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới - giai đoạn Lênin trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với điều kiện lịch sử mới và phù hợp với những thành tựu mới nhất trong khoa học tự nhiên ở thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. V.I. Lênin đã từng gọi chủ nghĩa duy vật mác-xít là “chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, nghĩa là nó không ngừng đấu tranh chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội, xét lại, các quan điểm muốn bảo vệ trật tự tư sản. Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn nước Nga, V.I. Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra một thời đại mới trong sự phát triển của xã hội loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Lênin, là sự bác bỏ mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, có tính thuyết phục nhất đối với các quan điểm sai trái, thù địch lúc bấy giờ.
Từ khi ra đời cho đến nay, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch nhằm ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu “chiến thắng không cần chiến tranh” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện các kỳ đại hội Đảng toàn quốc thời kỳ đổi mới đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh này. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng yêu cầu tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”...), Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, trước hết trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao.
Về một số quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay
Để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra rất nhiều quan điểm, luận điệu khác nhau, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Sau đây xin nêu lên một số quan điểm đó:
Một là, có quan điểm vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Quan điểm đó cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX, nó chỉ thích hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, chỉ thích hợp với văn minh cơ khí, còn bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI - là thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn minh tin học, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên không còn thích hợp nữa, chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị lỗi thời (!).
Đúng là thời đại mà chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại của Mác - Ăngghen - Lênin, đã có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc về kinh tế, xã hội, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Không nhận thức được những biến đổi to lớn của thời đại sẽ không hiểu đúng bản chất của thời đại. Tuy nhiên, những biến đổi đó không vượt ra ngoài những quy luật, những nguyên lý chung nhất mà C. Mác đã khám phá ra. Chẳng hạn, đó là những quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật, những quy luật phổ biến của sự phát triển xã hội loài người, như quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, kinh tế xét đến cùng quyết định chính trị, quy luật đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, quy luật giá trị thặng dư, những nguyên lý khoa học về nhà nước, cách mạng xã hội, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân...
Đứng trên quan điểm khách quan, có một số luận điểm cụ thể của Mác, Ăngghen, Lênin không còn phù hợp với điều kiện lịch sử mới, đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua, song những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, bản chất khoa học và cách mạng vẫn giữ nguyên giá trị cần phải bảo vệ. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên là không thay đổi, có giá trị trường tồn. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà không một học thuyết nào có thể thực hiện được vai trò đó.
Hai là, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là “ngoại lai”, “ngoại nhập” từ phương Tây, không phù hợp với Việt Nam là một xã hội phương Đông, kinh tế lạc hậu; thậm chí có ý kiến nói “du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”, do đó “cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin”(?).
Quan điểm trên đây là sai lầm vì không hiểu được sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa của lý luận Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận khoa học nên cũng giống như các khoa học khác (kể cả khoa học tự nhiên) có giá trị phổ quát, vượt biên giới quốc gia - dân tộc, còn khi áp dụng nó đương nhiên phải chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia - dân tộc để tránh giáo điều, máy móc. Mặc dù chủ nghĩa Mác có nguồn gốc lý luận trực tiếp từ các nước phương Tây, như Đức (về triết học), Anh (về kinh tế chính trị), Pháp (về lý luận chủ nghĩa xã hội), nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, không thể cấm bổ sung chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông. Nhưng khi nói vậy, Người vẫn khẳng định “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(2) - tức ở phương Đông. Những quy luật của chủ nghĩa Mác vạch ra không chỉ đúng với các nước phát triển mà còn đúng cả với các nước kém phát triển. Vì, về mặt phương pháp luận như C. Mác đã từng chỉ ra, trong cái phát triển cao chứa đựng cái phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.
Mặt khác, nếu thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý thì những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam - một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, lạc hậu, kém phát triển nhưng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới về tư duy lý luận, đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lênin theo tinh thần khẳng định sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới trên một loạt vấn đề, như mục tiêu, đặc trưng và phương hướng cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,... đó là những vấn đề không có sẵn trong di sản kinh điển mác-xít. Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đó thì không có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được trong gần 35 năm đổi mới.
Ba là, có quan điểm sai lầm đem đối lập chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lênin, đối lập C. Mác với V.I. Lênin để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác lẫn chủ nghĩa Lê-nin, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung. Họ viện dẫn ra sự “đối lập” là C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, cách mạng vô sản phải nổ ra đồng thời trong các nước tư bản, ít ra là trong các nước tư bản phát triển, còn V.I. Lênin lại cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và thành công ở một số nước, thậm chí ở một nước riêng lẻ, còn lạc hậu, còn nhiều tàn tích của chế độ nông nô như nước Nga.
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm và phương pháp của V.I. Lênin. Sự đối lập giữa C. Mác với V.I. Lênin mà họ dựng lên là giả tạo, bịa đặt. V.I. Lênin là người mác-xít, ông đã tự nhận mình là học trò của Mác: Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin thống nhất với nhau về bản chất. Chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản. C. Mác và V.I. Lênin sống ở hai thời đại khác nhau, C. Mác sống ở thời kỳ chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn tự do cạnh tranh, còn đến V.I. Lênin chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, khi đó cách mạng vô sản, phong trào giải phóng dân tộc nổi lên, mỗi ông phải giải quyết những nhiệm vụ do thời đại của mình đặt ra. V.I. Lênin không thể máy móc, giáo điều ngồi chờ cho cách mạng vô sản nổ ra đồng thời ở các nước tư bản phát triển được, mà phải chủ động nhận thức thời cơ, tình thế cách mạng và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. V.I. Lênin trung thành với chủ nghĩa Mác trong bản chất cách mạng, khoa học, biện chứng, chứ không phải trung thành một cách máy móc bởi vì học thuyết của các ông không phải giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động.
Bốn là, có quan điểm đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lênin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quan điểm trên đây là sai lầm cả về lịch sử và lô-gic. Về mặt lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có cội nguồn và được hình thành từ việc tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là nguồn gốc lý luận quan trọng nhất, là cơ sở chủ yếu nhất để hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu thực tiễn và tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, khắc phục được sự khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Như vậy, về mặt lô-gic, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không có sự đối lập như một số người tưởng tượng ra. Và do đó cũng không có cái gọi là “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin” từ năm 1930 đến nay ở Việt Nam như có người nhận định. Một số người nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ nói tư tưởng Hồ Chí Minh mới là sản phẩm của Việt Nam, có nguồn gốc Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác - Lênin là “ngoại lai”, “ngoại nhập”, không phù hợp với Việt Nam, thậm chí có người muốn đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh (!). Quan điểm đó nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, song thực chất, trực tiếp và gián tiếp chính là nhằm phủ nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta xác định nền tảng tư tưởng của Đảng gồm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rất đúng đắn, phù hợp, thể hiện mối quan hệ biện chứng, thống nhất, gắn bó giữa hai bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, có quan điểm đem quy sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin, “sai lầm từ gốc, từ bản chất của học thuyết” (!).
Chúng ta thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội - mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh lệnh, xa rời quần chúng nhân dân với nhiều khuyết tật, chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung. Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, sâu xa và trực tiếp. Chính những khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội đó không được phát hiện và khắc phục kịp thời, tồn tại kéo dài, tích tụ lại đã đẩy xã hội Xô-viết đến sự sụp đổ. Sự sai lầm về đường lối cải tổ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây - cả đường lối kinh tế, chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đối ngoại, sự phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số lãnh đạo cao nhất trong Đảng cùng với âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, sự chống phá của các thế lực thù địch là những nguyên nhân trực tiếp. Không thể quy sự sụp đổ của Liên Xô vào chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính sự nhận thức sai, vận dụng sai, sự phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin của một số người cao nhất trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, quyết không được đồng nhất những sai lầm đó với bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại sao công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam lại đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng? Cải tổ sẽ không thất bại nếu Đảng Cộng sản Liên Xô có đường lối cải tổ đúng đắn, trung thành và sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, cảnh giác với âm mưu và hoạt động chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực đế quốc thù địch, nếu xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh, trong sạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, chống được quan liêu, tham nhũng... Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô nay đã trải qua gần 30 năm song vẫn là lời cảnh báo thường xuyên đối với các đảng cộng sản đang cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa để tránh đi vào “vết xe đổ” của Liên Xô./.
_________________________
Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 07.09.2020
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, T2, tr289
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.1, tr. 509
GS, TS Lê Hữu Nghĩa
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận