Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
1. Trước khi đến với báo chí vào năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã có những tích lũy về kiến thức văn hóa trung học tại trường Quốc học Huế, biết chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ. Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước, Người sớm tiếp thu những truyền thống quý báu của dân tộc, của quê hương và gia đình. Tuổi thanh niên của Người trải qua những biến cố lớn của gia đình, thấu hiểu cảnh khổ nhục của người dân mất nước. Mặc dù rất khâm phục các phong trào yêu nước Việt Nam thời đó nhưng Người đã sớm có những suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của nó và tìm cách ra nước ngoài.
Những năm ở nước ngoài (từ 1911), Người đi nhiều nước, làm nhiều nghề, có thêm những hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa thế giới và hình thành tình cảm thương yêu những người lao động nghèo khổ nhiều màu da, tiếng nói ở các thuộc địa. Từ yêu nước và tình cảm thương yêu giai cấp đó, cuối năm 1917 về nước Pháp, Người đã tham gia vào nhóm “Những người yêu nước Việt Nam” và gia nhập Đảng xã hội Pháp. Năm 1919, Người viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Vécxây (Pháp) và bắt đầu tập viết báo. Bước ngoặt thay đổi lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc khi Người đọc và tiếp thu bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp (1920), trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Năm 1922, với tư cách là Trưởng tiểu ban Đông Dương, thuộc Ban nghiên cứu thuộc địa của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Người thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa”; sáng lập tờ báo “Le paria” (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ báo “Le paria” lên án mạnh mẽ tội ác của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi các dân tộc thuộc địa đoàn kết đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ lòng yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc đến với báo chí một cách tự nhiên và trở thành người cộng sản. Con đường sử dụng báo chí làm cách mạng của Người từ đây ngày càng rõ hơn.
2. Di sản báo chí Hồ Chí Minh, trước hết ở vai trò sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam và số lượng đồ sộ các tác phẩm báo chí của Người. Thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc không chỉ sáng lập còn là chủ nhiệm, chủ bút tờ báo “Le paria”. Khi sang Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc thành lập tờ báo Quốc tế nông dân (1924) và viết nhiều báo tiếng Nga. Năm 1925, tập hợp các tư liệu từ các bài báo đã viết, Người viết bằng tiếng Pháp tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Pháp (1925). Về Quảng Châu, Trung Quốc, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và ra tờ báo Thanh niên của Hội (số đầu tiên 21/6/1925). Báo Thanh niên in bằng chữ Quốc ngữ, ra tất cả khoảng 200 số, mỗi số khoảng 400- 500 bản. Báo tuy in ấn thô sơ, trình bày đơn giản nhưng tư tưởng rất cách mạng, phong cách rất mới, trở thành tờ báo mở đầu dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Sau đó Nguyễn Ái Quốc còn lập thêm tờ báo Công nông, Lính cách mệnh, xuất bản tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927).
Với sự chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời (2/1930). Từ đây, con đường cứu nước Việt Nam, dòng báo chí Việt Nam theo cách mạng vô sản được khẳng định và phát triển. Để mở rộng ảnh hưởng của Đảng, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Đảng “phải xuất bản ngay một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”. Những năm 1937-1938, là Nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các dân tộc thuộc địa (Liên Xô), Người đã đề nghị Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản xuất bản những quyển sách nhỏ trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin(1). Năm 1941 về nước, Nguyễn Ái Quốc thành lập tờ báo Việt Nam độc lập, năm 1942 ra tờ Cứu quốc (1942).
Từ năm 1945 đến năm 1969, với cương vị là Chủ tịch nước, lãnh tụ Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hồ Chí Minh giành tâm trí, công sức chủ yếu cho hoạt động lãnh đạo, thường xuyên sử dụng báo chí để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc đời, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều tác phẩm báo chí bằng tiếng nước ngoài, nhiều nhất là báo tiếng Pháp, báo tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Về báo tiếng Việt, chỉ riêng trên báo Nhân dân (1950-1969), Người đã có 1.200 tiểu phẩm với nhiều thể loại, nhiều chủ đề. Thống kê trong Hồ Chí Minh, Toàn tập 15 tập, xuất bản lần thứ 3 năm 2011, có khoảng 4.188 lần Người dùng danh từ báo, 348 lần dùng danh từ báo chí và 202 lần dùng danh từ nhà báo. Trong 50 năm làm báo, Hồ Chí Minh để lại hơn 2.000 bài báo, bình quân mỗi năm người viết 40 bài, thể hiện sức nghĩ, sức viết của một nhà báo quốc tế thiên tài. Nói chuyện với đoàn nhà báo Nga năm 1957, Người tự nhận: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”(2).
Kể từ khi sáng lập báo Thanh niên cho đến quá trình cách mạng sau này, Hồ Chí Minh luôn quan tâm dìu dắt, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng và hai lần vào năm 1947, năm 1949 gửi thư đến lớp học, chỉ rõ những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ công tác báo chí. Hai lần vào năm 1959, năm 1963, Người trực tiếp đến dự và nói chuyện với Đại hội nhà báo Việt Nam. Cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đều gắn với công tác báo chí, viết số lượng đồ sộ các tác phẩm báo chí, là nhà tổ chức hoạt động và định hướng tư tưởng lý luận báo chí cách mạng Việt Nam.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí là hệ thống những quan điểm tư tưởng lý luận toàn diện và sâu sắc về vai trò, tính chất, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Người, báo chí có vai trò quan trọng như một mặt trận, là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung; “báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. “Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”(3). Cán bộ không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Báo chí “để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(4).
Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, thước đo hiệu quả của nó là tác động vào nhận thức của nhân dân, nhân dân cũng là người cung cấp thông tin, tự do bày tỏ ý kiến của mình, tham gia xây dựng, ủng hộ, phát hành báo chí, tự do phê bình, đánh giá hiệu quả của báo chí. Bởi vậy, báo chí phải là diễn đàn thông tin của nhân dân. “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”(5). Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tính chiến đấu và cách mạng của báo chí thể hiện ở định hướng dư luận, tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục chính trị, nghiệp vụ, đạo đức và tổ chức dân chúng tham gia phong trào cách mạng. Báo chí lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau, để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. “Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân là một trong những khuyết điểm của báo chí”.
Báo chí là vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, chống sự xuyên tạc của kẻ thù, tác động mạnh mẽ vào dư luận thế giới, góp phần tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho cách mạng trong nước. Vì công chúng không phải như nhau, mỗi bạn đọc báo có đặc thù riêng, nhu cầu, trình độ và sở thích riêng, muốn làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi tờ báo phải xác định được đối tượng chính để có nội dung, hình thức phục vụ thích hợp. “Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo phụ nữ, v.v.. nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng khô khan, làm cho người xem dễ chán”(6). Tổ chức báo chí cần tinh, gọn, hiệu quả. “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm hẳn hoi. Không hợp lý hóa thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc và tốn kém một trăm thứ”(7).
4. Theo Hồ Chí Minh, người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) cần có đạo đức cách mạng, nói gọn là có lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân, có tình thương yêu con người, sống Cần, Kiệm, Liêm Chính, Chí công, vô tư và có tinh thần quốc tế. Phẩm chất của người làm báo, trước hết là có bản lĩnh chính trị. Mỗi bài báo là tờ hịch cách mạng, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”(8).
Muốn vững về tư tưởng chính trị, người làm báo cần nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, cần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống toàn diện, có trách nhiệm với công việc, có phương pháp làm việc sáng tạo và có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tình chiến đấu, tinh thần cách mạng của người làm báo thể hiện ở sự kiên quyết phê bình và tự phê bình cái sai, cái xấu; đây là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, giúp nhà báo sửa chữa sai lầm và tiến bộ. Báo chí khi “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”(9).
Những người bất kỳ ở địa vị nào và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; phê bình sai thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình. Ngòi bút của nhà báo “là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, nên cần coi trọng thông tin chân thực, viết đúng sự thật, chính xác, “không được bịa ra”, cẩn thận về nội dung và hình thức; phải có nghị lực đấu tranh với chính mình để loại bỏ được yếu tố cá nhân, nói một chiều, thổi phồng thành tích hoặc chỉ nói một chiều khuyết điểm…
Thực tế trong nghề báo, không ai có thể không học hỏi, rèn luyện mà tự nhiên trở thành nhà báo. Theo Hồ Chí Minh, nghề nào cũng khó, nghề báo đòi hỏi phải rất sáng tạo và có tư duy luôn đổi mới. Muốn làm báo tốt, người làm báo cần đi sâu vào nghiệp vụ báo chí, có ý chí tự cường, tự lập, khổ luyện trong thực tiễn, “gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn”. Cần phải luôn luôn khiêm tốn, chịu khó học hỏi mới thành công. “Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ”(10).
Để học thêm kinh nghiệm của các nước anh em, “người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài”. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của sự khiêm tốn. Dù đã viết nhiều báo tiếng Pháp, nhưng đã lâu không viết, Người vẫn nhờ ban biên tập “chữa hộ những lỗi” cần thiết, “có thể viết lại hoàn toàn bài báo”. Nhà báo muốn tiến bộ cần khiêm tốn, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và nhân dân, hoà mình vào đời sống của nhân dân, khiêm tốn học hỏi cách nói của quần chúng; phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, đúng tâm tư, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân có nhiều ý kiến thông minh giúp cho báo chí tốt hơn. “Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Người làm báo chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt rồi”. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”(11). Không chịu học hỏi người làm báo tự bị đào thải khỏi nghề báo.
Theo Hồ Chí Minh, người làm báo cần có tính nhân văn, thương yêu và có niềm tin vào bản chất tốt đẹp con người. Mỗi bài báo cần có tính chất xây dựng, kết hợp xây và chống, xây là chính, là tích cực, cần làm sao cho “phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”, cần chống quyết liệt, thẳng thắn với điều xấu, tiêu cực, “phải gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức...”. Người làm báo có trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp nên phải sinh hoạt trong tổ chức Hội Nhà báo. “Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”(12).
5. Về phong cách báo chí Hồ Chí Minh đậm nét, đặc sắc và nổi bật ở sự ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao. Theo Người, muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì “Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”. Mở đầu tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết, “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, may mắn, chắc chắn như hai lần hai là bốn, không tô vẽ, trang hoàng gì cả”. Trong Tuyên ngôn độc lập, Người viết ngắn có 9 từ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” mà khái quát cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Người thường dùng những câu rất ngắn, ý nghĩa cô đúc như châm ngôn, dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào lòng người như “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”…, v.v.
Về cách viết báo, theo Hồ Chí Minh, cần rèn luyện cách viết cẩn thận từng dòng, từng con chữ, viết cho thiết thực. “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Viết để nêu những cái hay, cái tốt, đồng thời để phê bình những khuyết điểm. Không nên chỉ viết cái tốt mà dấu cái xấu, còn phải biết giữ bí mật, không để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Để viết tốt phải có tài liệu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Muốn có tài liệu thì phải tìm, phải nghe, phải hỏi, phải thấy, phải xem, phải ghi. Muốn viết bài báo khá thì cần: “1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”(13).
Theo Hồ Chí Minh, khi đặt đầu đề bài báo cần chú ý sao cho toát ra được tinh thần chính trong bài nhưng ngắn gọn; không dùng câu đủ vị ngữ, chủ ngữ mà nêu yếu tố chính, linh hoạt, sắc sảo, hấp dẫn người đọc nhưng không cầu kỳ, lắt léo, lố bịch. “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Phong cách báo chí Hồ Chí Minh nổi bật ở cẩn thận về nội dung, về hình thức, sự kết hợp nhuần nhuyễn báo chí với văn học, sử dụng nhiều tư liệu lịch sử tin cậy, những câu trích kinh điển, những số liệu, bảng thống kê, các tranh vẽ minh họa. Văn phong báo chí của Người vừa lôgic, bút pháp sôi nổi, biến hóa, phong phú, đa dạng, rất đanh thép khi tố cáo, phê phán, hài hước khi châm biếm; chắc chắn trong tranh luận, sáng sủa trong thuyết phục, tình cảm trong kêu gọi, chân thành trong giảng giải....
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh có sự hài hòa mục đích “chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” với nội dung và hình thức thể hiện. Người thường kết hợp với những câu thơ, ca dao, thành ngữ, sử dụng linh hoạt những mẩu chuyện, từ ngữ giàu hình ảnh, có cả các thủ pháp chơi chữ…làm cho tác phẩm báo chí trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi với quần chúng. Người dùng hình ảnh gắn với ví von, so sánh cụ thể, làm nổi bản sắc dân tộc Việt Nam. Người ví, bản chất của chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi”, ví “Lý luận như cái tên (hoặc viên đạn), thực hành như cái đích để bắn”; “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”…
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh vừa mang tính hiện đại, vừa giàu bản sắc dân tộc, thể hiện nhiệt huyết cách mạng khi nói về con người, đất nước, dân tộc Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí lên báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí”(14). Người là nhà báo vĩ đại, có tầm vóc quốc tế, mang đến cho báo chí Việt Nam phương pháp hoạt động mới mẻ, hiện đại và cách mạng chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
6. Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh thực sự là cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng xây dựng và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay và mãi sau này. Hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể:
1. Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Xây dựng mô hình báo chí đa phương tiện, hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ xuất bản số làm trung tâm, phối hợp tốt giữa các bộ phận trong sản xuất tác phẩm báo chí hiện đại, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và mạng xã hội bằng thông tin chủ đạo của báo chí chính thống, quan trọng, tin cậy nhất trong xã hội hiện nay.
3. Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ báo chí, xây dựng đội ngũ người làm báo có Tâm (có bản lĩnh chính trị, say mê, có đạo đức nghề nghiệp), có Tầm (nhạy bén, có kiến thức chuyên môn, có năng lực làm báo chuyển đổi số, thích ứng cách mạng 4.0), có Tín (trung thực, liêm chính), có Tài (trí tuệ sáng tạo, kỹ năng, công nghệ tác nghiệp báo chí đa phương tiện). Tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí nhanh nhạy, có bản lĩnh chính trị và trình độ hiểu biết công nghệ báo chí hiện đại.
4. Hội Nhà báo tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo thực hiện tốt “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo”; có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, dũng cảm, tỉnh táo, tâm huyết, dám có mặt ở những lĩnh vực nóng bỏng của cuộc sống để khám phá sự thật, chuyển tải kịp thời, có định hướng cho công chúng.
5. Báo chí cần đi tiên phong, “kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(15); tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đó là cách tốt nhất để báo chí xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng./.
________________________________________________
(1) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập: xuất bản lần thứ 3, tập 3, Nxb. CTQG, H., tr. 112.
(2) Ruf Bersatxki (Liên Xô): Một lần gặp Hồ Chí Minh, Báo văn nghệ, 1980.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 8, tr.514.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 12, tr.167.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.6, tr.102.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.12, tr.167.
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, T.6, tr.363.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 12, tr.166.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 13, tr.464.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 6, tr.163.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 13, tr. 466.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 12, tr.166.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T. 6, tr. 103
(14) Trường Chinh (1970): Hồ Chí Minh lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Nxb. Sự thật, H., tr. 68.
(15) Đảng CSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQG. ST, H., tr.146.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 7/2023
Bài liên quan
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
- Vấn đề động lực trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc nhìn biện chứng
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
- Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xem nhiều
-
1
Rạng rỡ Việt Nam
-
2
Thư chúc mừng năm mới của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
-
3
Mười sự kiện, hoạt động nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2024
-
4
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
-
5
Đảng Cộng sản Việt Nam: 95 năm tiên phong vì Tổ quốc và nhân dân
-
6
Hội thảo khoa học quốc gia “Đảng Cộng sản Việt Nam – 95 năm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng
Trên cơ sở nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bài viết phân tích, nhận diện và đấu tranh với những luận điểm sai trái và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó, đề xuất giải pháp mang tính kiến nghị, góp phần đấu tranh chống quan điểm sai trái, tư tưởng thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà báo vĩ đại, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người để lại cho chúng ta khối lượng đồ sộ, nhiều thể loại các tác phẩm báo chí; hệ thống quan điểm tư tưởng, lý luận toàn diện và sâu sắc về báo chí cách mạng Việt Nam và phong cách nghề nghiệp của người làm báo. Bài viết khái quát những cống hiến chủ yếu của Người trên lĩnh vực báo chí nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, vị “cha già” của dân tộc, người dẫn lối, chỉ đường, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập. Bác đã đi xa, nhưng di sản về lý luận Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Trong kho tàng di sản quý báu đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có giá trị soi đường trong hoạt động thực tiễn xây dựng Đảng, tạo đà cho đất nước phát triển theo hướng bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả không có tham vọng sẽ hệ thống hoá được toàn bộ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ trình bày khái quát những quan điểm cơ bản của Người, qua đó làm rõ thêm giá trị khi vận dụng vào thực tiễn công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh lựa chọn độc lập dân tộc gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân theo con đường cách mạng vô sản có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là sự lựa chọn vô cùng đúng đắn, phù hợp với dân tộc và xu thế của thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nền độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta tiếp tục khẳng định và hiện thực hóa trong thực tiễn xây dựng đất nước.
Vấn đề động lực trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc nhìn biện chứng
Vấn đề động lực trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc nhìn biện chứng
Nhắc tới Hồ Chí Minh, ai cũng nghĩ ngay tới danh hiệu kép rất quen thuộc, đã được thế giới thừa nhận và tôn vinh - vừa là anh hùng giải phóng dân tộc vừa là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Bên cạnh đó, từ góc độ triết học, Hồ Chí Minh còn là một nhà biện chứng duy vật sắc sảo, luôn có sự thống nhất cao độ giữa lý luận và thực hành, giữa vai trò một nhà tư tưởng và một người lãnh đạo. Người luôn nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng trong trạng thái động, trong mối quan hệ tác động qua lại và sự tác động ấy còn dẫn tới sự thẩm thấu vào nhau, nằm trong nhau, chuyển hóa lẫn nhau tới mức khó có thể phân biệt rạch ròi giữa các sự vật, hiện tượng. Tư duy biện chứng này được thể hiện rõ nét khi Hồ Chí Minh đề cập tới vấn đề động lực trong triết lý phát triển đất nước, thể hiện qua bốn nội dung cơ bản.
Bình luận