Ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến việc xây dựng lối sống ở nước
Lối sống bao gồm toàn bộ hoạt động của các dân tộc, giai cấp, nhóm xã hội và cá nhân, trong điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, biểu hiện trong các lĩnh vực: lao động và hưởng thụ, quan hệ giữa người với người, sinh hoạt tinh thần và văn hoá. Còn kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hoá phát triển đến trình độ cao và đầu vào và ra đều thông qua cơ chế thị trường. Nền kinh tế này bao gồm những quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu cơ sở hạ tầng của một hình thái kinh tế - xã hội. Như vậy, lối sống và kinh tế thị trường, có quan hệ biện chứng với nhau, vì đấy là hai bộ phận trong một hình thái kinh tế - xã hội.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, nền kinh tế nước ta chuyển sang mô hình, cơ chế mới, đó là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đấy là cơ sở kinh tế tạo tiền đề cho các quan hệ chính trị, đạo đức, pháp luật, văn hoá... hình thành phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta. Từ đó, chúng ta xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh trong toàn xã hội.
Nhưng phải thấy rằng, kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực, đồng thời cũng có không ít mặt tiêu cực ảnh hưởng tới đời sống xã hội nói chung và lối sống nói riêng.
Ảnh hưởng tích cực
Thứ nhất, kinh tế thị trường đã góp phần giải phóng các tiềm năng kinh tế; tài nguyên vốn, nguồn lực con người, khoa học, công nghệ tạo ra sản phẩm lao động với số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, mẫu mã, hình thức đẹp hơn cho toàn xã hội. Với thể chế dân chủ của nền kinh tế mở, ngoài sự ổn định, đóng vai trò chủ đạo, chính yếu của kinh tế nhà nước, sự tồn tại đa dạng của các quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu, các thành phần kinh tế khác đã đóng góp một cách tích cực, lớn lao vào sự phát triển nền kinh tế chung của đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể cho việc giải quyết việc làm cho người lao động và ngân sách của Nhà nước. Từ đầu năm 2000 đến tháng 9.2003, có 72.601 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn trên 9,5 tỷ USD, gấp 1,7 lần số doanh nghiệp và gấp hơn 4 lần so với giai đoạn 1991 - 1999. Năm 2003, có khoảng 6 triệu người (bằng 16% lực lượng lao động xã hội) làm việc cho khu vực kinh tế tư nhân. Nền kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng công nghệp, xây dựng trong GDP năm 2000 là 36,7%; năm 2003: 40,5% và tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP năm 2000: 24,5%; năm 2003: 21,7%. Trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội, tỷ trọng vốn huy động trong nước gia tăng (chiếm 70% tổng số vốn đầu tư), nguồn vốn huy động trong dân tăng mạnh. Điều này góp phần quan trọng cho việc tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo điều kiện cho lối sống xã hội ổn định về mặt vật chất.
Thứ hai, kinh tế thị trường đã góp phần đa dạng và năng động hoá nền sản xuất, tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hoá các thành phần kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế. Khai thác mặt tích cực này, trong những năm gần đây, để thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho lực lượng sản xuất đa dạng, phong phú và nhanh hơn, để tăng năng suất lao động, có đủ sức mạnh cạnh tranh và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục tình trạng lạc hậu của lực lượng sản xuất, của lao động thủ công, lao động nông nghiệp, manh mún...Với sự nỗ lực phát huy sức mạnh trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Chúng ta đang bắt đầu giảm thuế nhập khẩu trong AFTA; thực hiện hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; xúc tiến hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - EU; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh lộ trình đàm phán gia nhập WTO; tham gia tích cực việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Có thể nói nền kinh tế nước ta từng bước chuyển mình theo hướng tích cực. Thực tế cho thấy, từ khi thực hiện nền kinh tế thị trường ở nước ta, thu nhập của các cá nhân và cộng đồng tăng lên, có người thu nhập cao; GDP tăng bình quân hàng năm là 7% (đây là mức tăng khá), mức sống của người dân từng bước được nâng lên, tạo điều kiện cho dân trí phát triển, góp phần hình thành nếp sống của xã hội công nghiệp, tạo điều kiện xây dựng lối sống văn minh, tiên tiến, hiện đại.
Thứ ba, kinh tế thị trường tác động đến việc hình thành thói quen suy nghĩ về tính hiệu quả, tính thiết thực của công việc. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác, cá nhân, gia đình đã phát huy được tính năng động tích cực, sáng tạo của mình trong lao động sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn vươn lên và thành đạt trong cuộc sống, lấy năng suất, kết quả lao động làm tiêu chuẩn bình xét, đánh giá con người và công việc. Từ đây, hình thành từng bước thói quen trong suy nghĩ, hình thành lối sống công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong thời kỳ bùng nổ thông tin ngày nay và nền kinh tế thị trường cũng làm ảnh hưởng to lớn đến đời sống của nhân dân. Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trên thế giới và trong nước đã làm tăng năng suất lao động, giảm thời gian lao động, tăng thời gian nhàn rỗi, nghỉ ngơi, giải trí. Những tiến bộ khoa học và công nghệ thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, tạo nên sự thu hút và hấp dẫn các tầng lớp công chúng khác nhau. Các dịch vụ viễn thông, các phương tiện truyền thông hiện đại, các hãng điện ảnh nổi tiếng, các trung tâm và các loại hình vui chơi giải trí gắn với cạnh tranh trong kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều... Nhân dân không chỉ là người tiếp nhận thụ động mà trở thành người chủ động trong các sinh hoạt văn hoá tinh thần. Có điều kiện thực hiện thoả mãn nhu cầu tinh thần ngày càng cao trong nền kinh tế thị trường như vậy, con người đã từng bước xây dựng lối sống văn minh, hiện đại.
Ảnh hưởng tiêu cực
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang được thực hiện ở nước ta có nhiều tác dụng tích cực song nó cũng có những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến việc xây dựng lối sống mới hiện đại của con người Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hoá xã hội sâu sắc. Đó là sự cách biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các ngành nghề khác nhau trong xã hội, giữa người có thu nhập quá thấp với người có thu nhập quá cao. Điều này đã dẫn đến chỗ các chủ thể trong cộng đồng có sự mất bình đẳng, "cá lớn nuốt cá bé" và do vậy, nhiều mâu thuẫn về lợi ích xuất hiện trong xã hội. Tất cả những hiện tượng đó đều tác động đến lối sống của người dân với mức độ khác nhau. Thực tế nước ta hiện nay cho thấy nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi điều kiện cuộc sống còn quá khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, trong khi đó ở các thành phố, đô thị thì điều kiện cuộc sống của đông đảo người dân có đầy đủ tiện nghi, thậm chí dư thừa.
Nhiều người đơn vị sản xuất, kinh doanh có thu nhập cao trở nên giàu có, nhưng cũng có không phải là cá biệt những người, đơn vị sản xuất phải phá sản, thất bại, thua lỗ. Cả hai thái cực này đều là những điều kiện, cơ sở nảy sinh những quan niệm suy nghĩ, hành vi, lối sống tiêu cực.
Thứ hai, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Biểu hiện của hiện tượng này là lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, cá nhân vị kỷ, tham nhũng, tệ nạn xã hội mỗi ngày một phát triển; nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, sinh thái, bệnh tật hiểm nghèo, tệ nạn xã hội tràn lan... Một số không ít người xem thường luân lý và các giá trị tinh thần, giá trị nhân văn, đề cao lợi ích vật chất. Có thể nói, chính nền kinh tế thị trường đã tạo ra bệnh sùng bái đồng tiền. Nhiều người chạy theo lợi nhuận, kiếm tiền bằng mọi cách, bất chấp dư luận xã hội, chuẩn mực đạo đức hay pháp luật. Đồng tiền đã chi phối nhiều mối quan hệ giữa người với người, trong đó có những quan hệ xưa nay được cha ông ta đề cao và không thể đổi lấy bằng tiền. Vì tiền họ bán rẻ nhân phẩm, che đậy cái xấu, thờ ơ với tệ nạn xã hội, tiếp tay cho tội phạm; phá vỡ quan hệ tình cảm tốt đẹp của cha con, anh em, chồng vợ và con cái gây nên sự bất bình trong xã hội. Không ít thanh niên có lối sống buông thả, thiếu hoài bão, lý tưởng, không quan tâm đến cộng đồng, họ chỉ lo cho cá nhân, vị kỷ không quan tâm đến chính trị, quay lưng với truyền thống, tham gia vào các tệ nạn xã hội, đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nghiêm trọng hơn là hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một số bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền khá cao.
Sự suy thoái đạo đức, lối sống hiện nay còn biểu hiện có tính cơ hội, diễn ra dưới nhiều hình thức mà điển hình là các kiểu chạy chức trước khi bầu cử, chạy quyền trước khi bổ nhiệm; chấp nhận "chức nhỏ" miễn là được "quyền lớn"; chấp nhận "chức bé" ở cơ quan nhà nước hơn là "quan to" ở cơ quan Đảng; chạy "chỗ" trước khi bổ nhiệm, phân công công tác; tìm chỗ "ngon", chỗ kiếm được nhiều "lợi"; chạy "lợi" khi phân chia ngân sách, xét duyệt dự án; chạy "tội" khi vi phạm pháp luật, thậm chí chạy cho cả tội phạm. Điều đáng lo ngại về sự suy thoái đạo đức, lối sống hiện nay nữa là nó đã lan tràn sang cả lĩnh vực vốn dĩ trước đây chưa từng xảy ra, đó là lĩnh vực khoa học, văn hoá nghệ thuật và xâm nhập cả trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Có thể thấy điều này ở việc gian dối trong làm đề tài khoa học, hội thảo khoa học, dự án, mua bán bằng cấp... Vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cao cấp như Bùi Quốc Huy, Phạm Sĩ Chiến... là những người mang danh hiệu và trọng trách đại diện cho dân có trách nhiệm bảo vệ pháp luật.
Nhận định về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 10 khoá IX Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh: những biểu hiện của lối sống không lành mạnh, thoái hoá về đạo đức xã hội chưa được đấu tranh quyết liệt nên có xu hướng gia tăng(2).
Thứ ba, kinh tế thị trường làm biến dạng nhiều giá trị tinh thần dẫn đến đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.
Ngày nay, cùng với việc phát triển kinh tế thị trường là sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hoá truyền thống có những biến đổi nhất định và nó đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội. Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII Đảng ta đã nhận định: "Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma tuý mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng"(3). Đây điều đáng lo ngại. Trong khi đất nước còn khó khăn, lạc hậu, nhiều người được đưa đi nước ngoài đào tạo, học tập, nghiên cứu, nhưng khi học xong, họ không muốn về phục vụ mà ở nước ngoài để tìm một cuộc sống sung sướng cho riêng bản thân mình. Đã có nhiều người bị lôi cuốn vào phục vụ âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Lối sống hưởng thụ, thờ ơ với những vấn đề chung của dân tộc, né tránh trách nhiệm hoặc không dám chịu trách nhiệm trước công việc, không muốn cống hiến cho xã hội có xu hướng ngày một phát triển.
Ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng - nước là một giá trị nổi bật trong xây dựng lối sống của dân tộc Việt Nam, nhưng dưới tác động của nền kinh tế thị trường giá trị này cũng bị thay đổi. Mối quan hệ cộng đồng - làng xã - quốc gia có phần lỏng ra, không gắn chặt như trước đây. ở nhiều nơi, ngay cả nông thôn, nơi mà cộng đồng làng xã được tổ chức bền chặt nhất, từng là "bước rào chắn" vững vàng nhất đối với mọi thứ xâm lược văn hoá, nơi mà "tình làng, nghĩa xóm" sâu đậm nhất, cũng không còn gần gũi, thắt chặt như xưa. Hiện tượng "đèn nhà ai nấy rạng", "ai chết mặc ai" có chiều hướng gia tăng. Phẩm chất lo cho việc chung của dân tộc, của đất nước cũng bắt đầu suy giảm. Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật và Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ Văn hoá - Thông tin điều tra về các phẩm chất đáng quý của con người với câu hỏi: "Xin ông (bà) cho biết, phẩm chất nào (trong 10 phẩm chất được nêu) ở con người là đáng quý?". Với 3.062 người được gửi phiếu điều tra, kết quả thu được, có 757 người chọn phẩm chất "Lo việc chung là quý nhất", chiếm 26,45%. Giống như cách điều tra này, người ta điều tra riêng ở 1.120 công nhân và 498 nông dân, kết quả thu được: đối với công nhân, có 264 người chọn phẩm chất "Lo việc chung là quý nhất", chiếm tỷ lệ 23,57%; đối với nông dân, có 122 người chọn phẩm chất "Lo việc chung là quý nhất", chiếm tỷ lệ 24,49%(4). Rõ ràng, với kết quả này, chúng ta thấy, phẩm chất quan tâm đến việc chung của cộng đồng thể hiện trong lối sống là thấp.
Lòng thương người, khoan dung sẵn sàng cưu mang những ai gặp hoạn nạn, khó khăn, bất hạnh vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc giờ đây cũng bị biến dạng.
Tình làng, nghĩa xóm, quan hệ với người, lòng bao dung bị mờ nhạt dần đi. Trong bài “Lối sống của người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hoá” của Nguyễn Văn Huyên cũng nhận định: "quan hệ mật thiết của truyền thông xã hội nông nghiệp xưa kia không còn đậm nét. Có thể nói, nếp sống công nghiệp và hiện đại đã làm xơ cứng lối sống tình cảm, mất đi những cảnh sinh hoạt thanh bình của làng quê, tình cảm gắn con người với thiên nhiên. Thế giới tinh thần, tình cảm không những ít được quan tâm mà ngày càng bị nghèo đi, thậm chí còn bị què quặt. Đây là sự mất mát to lớn đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay"(6)
Tinh thần "vì nghĩa" mà thực chất là đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, vì cái chung, không vì lợi ích nhỏ mọn của bản thân cũng bị sa sút nhiều. Xu hướng chạy theo lối sống hưởng thụ, chỉ lo thoả mãn nhu cầu cá nhân, không còn nghĩ đến lợi ích chung có chiều hướng phát triển. Trong đời sống gia đình truyền thống Việt Nam, "nghĩa" là tình cảm hết sức sâu nặng gắn kết giữa vợ với chồng. Có khi, tình không còn sâu đậm, nhưng vì nghĩa, vợ chồng vẫn chung sống với nhau. Có lẽ, đây là nét văn hoá đặc sắc và rất đáng quý đang có xu hướng biến đổi không được kế thừa trong xây dựng lối sống. Nhiều cuộc hôn nhân không dựa trên cơ sở vững chắc nhất là tình yêu chân chính mà là danh vị hay tiền bạc, thậm chí cả những thủ đoạn tồi tệ, xấu xa. Do vậy, hậu quả là, tỷ lệ cặp vợ chồng ly hôn trong những năm gần đây ngày càng tăng cao.
Một điều cần lưu ý nữa là, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, tính năng động của con người dần dần được phát huy, thu nhập tăng lên, nhiều cá nhân và cả 1 số cơ quan nhà nước bắt đầu tập nhiễm lối sống xa hoa, lãng phí, thực dụng, đua đòi vật chất, tiêu xài phung phí. Tinh thần cần cù lao động, tiết kiệm không được phát huy, chú ý, trong xây dựng lối sống. Họ không thấy rằng, ngày nay, chính các nước phát triển cũng lên án lối sống này. Hội nghị Trung ương 9 khoá IX đã chỉ rõ: "Điều làm cho nhân dân bất bình lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng, chính trị và phẩm chất, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn nghiêm trọng..."(7).
Trên đây mới chỉ là sơ bộ đề cập những tác dụng tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường trong xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phát huy cao nhất tác dụng tích cực và hạn chế thấp nhất những ảnh tiêu cực của nó để xây dựng lối sống mới tốt đẹp phù hợp bản sắc dân tộc Việt Nam./.
______________________
(1) Đào Duy Quát (2004): Về giáo dục đạo đức cách mạnh trong cán bộ đảng viên hiện nay - thực trạng và giải pháp, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.92.
(2) Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (2004): Tài liệu nghiên cứu kết luận Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.31.
(3) Đảng cộng sản Việt Nam (1998): Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, NxB. CTQG, Hà Nội, tr.46.
(4) Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên) (2001): Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.81- 82.
(5) Tạp chí Cộng sản, số 715, tr.10.
(6) Tạp chí Triết học, số 12.2003, tr.29-34
(7) Đảng cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, CTQG, Hà Nội, tr.178 - 19.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 4 (tháng 7+8)/2005
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận