Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1. Khái niệm và phạm vi quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình
Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 (UDHR) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR). Điều 12 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ: “Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự và uy tín” (1) Theo Điều 17 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, quyền riêng tư được hiểu bao gồm cả quyền được bảo vệ khỏi sự can thiệp trái pháp luật vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, cũng như sự xâm phạm đến danh dự và uy tín.(2)
Trong lĩnh vực truyền hình, quyền riêng tư ngày càng trở nên quan trọng bởi tính phổ biến, lan truyền nhanh chóng và khả năng lưu giữ lâu dài của các sản phẩm truyền thông hình ảnh, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay. Sản phẩm truyền hình có thể bao gồm tin tức, chương trình giải trí, truyền hình thực tế... trong đó chứa đựng nhiều thông tin cá nhân, hình ảnh và dữ liệu có khả năng tác động đến đời sống riêng tư của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức. Sự lan tỏa cảm xúc qua truyền thông hình ảnh khiến quyền riêng tư không chỉ bị xâm phạm ở tầng thể lý, mà còn cả ở tầng cảm xúc, danh tính và sự thân mật của chủ thể (3).
Tại Việt Nam, quyền riêng tư được quy định trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật khám chữa bệnh, Luật trẻ em…. Điều 21 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Đồng thời, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định việc thu thập, công bố hình ảnh, thông tin đời tư cá nhân phải có sự đồng ý của người đó.
Nội dung có thể vi phạm quyền riêng tư trong sản phẩm báo truyền hình bao gồm: thông tin cá nhân, đời sống riêng tư cá nhân, gia đình và hình ảnh. Theo phân tích của George Brock, sự phát triển của công nghệ số đã khiến ranh giới giữa không gian riêng tư và công cộng ngày càng mờ nhạt, đặc biệt trong chương trình truyền hình thực tế hoặc các chương trình tương tác.(4) Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Việc xử lý thông tin cá nhân trong sản phẩm truyền hình có thể được cho phép trong một số trường hợp đặc biệt như phục vụ lợi ích công cộng, trong những trường hợp luật cho phép. Song, theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế, những can thiệp này phải hợp pháp, cần thiết và tương xứng(5).
Thực tiễn truyền hình tại Việt Nam cho thấy, vẫn tồn tại nhiều trường hợp xâm phạm quyền riêng tư như trong các bản tin thời sự, chương trình truyền hình thực tế hoặc trong các chương trình giải trí. Điều này đòi hỏi truyền hình Việt Nam không chỉ tuân thủ pháp luật hiện hành, mà còn phải xây dựng chuẩn mực đạo đức báo chí rõ ràng, đào tạo nhà báo và biên tập viên có nhận thức đúng về giới hạn và trách nhiệm trong xử lý thông tin cá nhân.
2. Các nguyên tắc cơ bản bảo vệ quyền riêng tư trong truyền hình
Trong quá trình sản xuất và phát sóng các sản phẩm truyền hình, việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân cần được tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính hợp pháp, chính đáng và nhân văn của hoạt động báo chí – truyền thông. Hai trong số những nhóm nguyên tắc cốt lõi cần được ưu tiên là: (1) tự nguyện, minh bạch và không gây tổn thương; (2) tôn trọng nhân phẩm, sự tự chủ và danh dự cá nhân(6).
2.1. Tự nguyện, minh bạch và không gây tổn thương
Nguyên tắc tự nguyện yêu cầu mọi hành vi thu thập, ghi hình, phát sóng hình ảnh hoặc thông tin đời tư của nhân vật phải dựa trên sự đồng thuận rõ ràng và có hiểu biết của người đó. Theo Điều 7 của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), sự đồng thuận phải “tự do, cụ thể, có hiểu biết và được biểu đạt rõ ràng”(7). Trong lĩnh vực truyền hình, điều này đòi hỏi các phóng viên, đạo diễn và biên tập viên phải cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, cách sử dụng và khả năng lan tỏa của nội dung trước khi ghi hình hoặc phát sóng, đặc biệt đối với những nội dung có yếu tố nhạy cảm.
Tính minh bạch là cơ sở để đảm bảo rằng người tham gia chương trình hiểu rõ họ đang chia sẻ điều gì, với ai, và thông tin đó sẽ được xử lý ra sao. Trong truyền thông hiện đại, quyền riêng tư không chỉ là một khái niệm pháp lý mà còn là một hình thức tương tác cảm xúc, trong đó việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến những tổn thương tinh thần sâu sắc.
Không gây tổn thương là nguyên tắc đạo đức nền tảng trong báo chí và truyền hình, đặc biệt quan trọng trong các chương trình. Nếu sự trình bày nội dung gây ra sự xấu hổ, kỳ thị, hoặc tổn thương danh dự và tinh thần của nhân vật, thì ngay cả khi có sự đồng thuận ban đầu, phóng viên tác nghiệp đúng với pháp luật thì vẫn có thể bị xem là vi phạm quyền riêng tư.
2.2. Tôn trọng nhân phẩm, sự tự chủ và danh dự cá nhân
Trong truyền hình hiện đại, việc bảo vệ quyền riêng tư không thể tách rời khỏi nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, sự tự chủ và danh dự cá nhân. Đây là những giá trị nền tảng của quyền con người, được khẳng định trong các văn kiện quốc tế cũng như pháp luật quốc gia, đóng vai trò định hướng đạo đức trong hoạt động báo chí và sản xuất truyền hình.
Nhân phẩm là giá trị nền tảng của quyền con người, được ghi nhận trong Điều 1 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Trong sản phẩm truyền hình, nhân phẩm thể hiện qua cách nhân vật được mô tả: hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, bối cảnh. Các cảnh quay xúc phạm, dàn dựng gây xấu hổ hoặc phiến diện đều có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá cá nhân. Trong sản phẩm truyền hình, nhân phẩm thể hiện qua cách nhân vật được mô tả: hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, bối cảnh. Các cảnh quay xúc phạm, gây xấu hổ hoặc phiến diện đều có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá cá nhân. Theo báo cáo của Ofcom một số chương trình truyền hình đã gây tổn hại tâm lý cho người tham gia, làm dấy lên lo ngại về nghĩa vụ bảo vệ nhân phẩm và quyền cá nhân của họ ngay cả khi họ đã đồng ý tham gia phát sóng(8).
Sự tự chủ của cá nhân thể hiện ở quyền quyết định tham gia hay không tham gia ghi hình, được tôn trọng khi từ chối cung cấp thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu chỉnh sửa nội dung liên quan đến mình. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam yêu cầu việc công bố thông tin cá nhân phải có sự đồng ý, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Danh dự cá nhân, nếu bị tổn hại bởi nội dung truyền hình, không chỉ ảnh hưởng đến nhân thân mà còn gây ra thiệt hại pháp lý. Điều 584 Bộ luật Dân sự cho phép cá nhân yêu cầu bồi thường khi bị xúc phạm danh dự, uy tín. Việc truyền thông hóa đời tư nếu thiếu kiểm soát dễ làm lệch chuẩn đạo đức và giảm giá trị con người trong môi trường truyền hình(9).
Qua đó thấy rằng, việc bảo vệ quyền riêng tư trong truyền hình phải được thực hiện đồng bộ với việc bảo vệ nhân phẩm, tự chủ và danh dự – nhằm xây dựng một nền báo chí nhân văn, trách nhiệm và đáng tin cậy.
Mặc dù quyền riêng tư đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và một số đạo luật chuyên ngành, nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn thiếu một khung quy định thống nhất, cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể áp dụng cho lĩnh vực báo truyền hình. Các quy định liên quan còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau và chưa điều chỉnh đầy đủ các tình huống đặc thù phát sinh trong các sản phẩm truyền hình hiện đại như truyền hình thực tế, tác phẩm điều tra hoặc bản tin đề cập đến các vấn đề trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, văn hóa Việt Nam vốn đề cao tập thể, gia đình và các mối quan hệ xã hội, cùng tâm lý trọng tình cảm, ngại va chạm và coi nhẹ cái tôi cá nhân, khiến việc xác lập và thực thi quyền riêng tư trong thực tế gặp nhiều rào cản. Việc tự bảo vệ đời tư vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống pháp luật và truyền thông phát triển là cần thiết để giúp Việt Nam nhận diện các mô hình bảo vệ quyền riêng tư hiệu quả, từ đó từng bước xây dựng một khung pháp lý và đạo đức báo chí phù hợp với điều kiện và đặc thù văn hóa trong nước.
3. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới
3.1. Kinh nghiệm từ châu Âu (EU)
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực đi đầu trong việc xây dựng và thực thi các quy định pháp lý nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và truyền hình. Khác với nhiều quốc gia áp dụng cách tiếp cận phân mảnh theo ngành, EU lựa chọn một hệ thống pháp lý tập trung, đồng bộ và có hiệu lực cao, trong đó quyền riêng tư được xác lập như một quyền cơ bản của con người.
Hiến chương Liên minh châu Âu về các quyền cơ bản là văn kiện có giá trị pháp lý hiến định, xác định rõ tại Điều 7 và Điều 8 rằng mọi cá nhân đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hai quyền này được công nhận là độc lập và có hiệu lực song song, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các quy định chuyên biệt về bảo vệ đời tư trong hoạt động báo chí và truyền hình.Trên cơ sở đó, EU ban hành Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) năm 2016, có hiệu lực từ tháng 5/2018. Đây là bộ quy định mang tính bước ngoặt, áp dụng trên toàn EU và cả các tổ chức ngoài EU nếu xử lý dữ liệu công dân EU. GDPR quy định rõ nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, bao gồm: minh bạch, hợp pháp, thu thập có giới hạn mục đích, chỉ thu thập dữ liệu cần thiết, lưu giữ trong thời gian phù hợp, đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, GDPR cũng trao cho người dân các quyền cụ thể như quyền được thông báo, quyền truy cập, quyền phản đối, quyền sửa đổi, quyền được lãng quên (right to erasure).(10)
Đặc biệt, GDPR thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả. Tại mỗi quốc gia thành viên EU, một cơ quan bảo vệ dữ liệu độc lập được thành lập, có quyền kiểm tra, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm và xử phạt hành chính nghiêm khắc – lên tới 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu của tổ chức vi phạm.(11) Đây là công cụ hữu hiệu nhằm đảm bảo tính cưỡng chế và khả năng thực thi thực chất của pháp luật. Bên cạnh hệ thống quy phạm, các án lệ tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập ranh giới giữa quyền tự do báo chí và quyền riêng tư. Vụ án Caroline von Hannover v. Germany là một án lệ tiêu biểu của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) trong việc xác định ranh giới giữa quyền tự do báo chí và quyền được bảo vệ đời sống riêng tư theo Điều 8 của Công ước Nhân quyền châu Âu (ECHR). Nguyên đơn, Công chúa Caroline xứ Monaco, khởi kiện truyền thông Đức vì đăng tải hàng loạt bức ảnh đời tư của bà, bao gồm các khoảnh khắc nghỉ dưỡng, đi mua sắm, dạo phố cùng con cái, dù không liên quan đến bất kỳ hoạt động chính thức hay công vụ nào. Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức trước đó cho rằng bà là nhân vật công chúng nên truyền thông có quyền đưa tin hình ảnh.
Tuy nhiên, ECtHR cho rằng những bức ảnh này không đóng góp vào lợi ích công cộng và chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò của công chúng về đời tư người nổi tiếng. Việc công bố như vậy, nếu không có sự đồng thuận, là hành vi xâm phạm quyền riêng tư và danh dự cá nhân, đặc biệt khi nhân vật không ở vị trí quyền lực hoặc liên quan đến vấn đề chính trị – xã hội. Do đó, ECtHR kết luận rằng Đức đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư theo Điều 8 ECHR. Phán quyết này trở thành cơ sở để định hình tiêu chuẩn “lợi ích công cộng chính đáng” trong đưa tin về nhân vật nổi tiếng và củng cố nguyên tắc: tự do báo chí không được dùng để biện minh cho hành vi xâm phạm đời tư không cần thiết và không có giá trị thông tin thật sự.(12)
Đối với truyền hình, châu Âu còn thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu truyền thông tuân thủ nguyên tắc không gây tổn hại, tôn trọng nhân phẩm và sự tự chủ của nhân vật được phản ánh. McStay đã cảnh báo rằng trong môi trường truyền thông thiếu kiểm soát đạo đức, các chương trình có thể đi quá xa trong việc khai thác cảm xúc, đời tư, hình ảnh cá nhân nhằm phục vụ mục đích giải trí hoặc thương mại. Nhân vật trên truyền hình – đặc biệt trong các chương trình thực tế – có thể bị biến thành đối tượng tiêu thụ, bị bóc tách khỏi ngữ cảnh con người thực sự của họ (nỗi đau, sự tổn thương, danh dự cá nhân...) và trở thành đối tượng để thu hút khán giả, bất chấp tác động tiêu cực lên chính họ(13).
3.2. Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có truyền thống lâu đời về tự do báo chí, đồng thời cũng là nơi phát triển mạnh mẽ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư, đặc biệt trong bối cảnh truyền hình phát triển. Kinh nghiệm của Anh cho thấy một mô hình tiếp cận cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và nghĩa vụ tôn trọng đời tư cá nhân, thông qua hệ thống quy phạm pháp luật, án lệ và cơ chế tự điều chỉnh của báo chí. Một trong những nền tảng pháp lý quan trọng là Đạo luật Nhân quyền năm 1998 (Human Rights Act 1998), trong đó nội luật hóa Điều 8 của Công ước Nhân quyền châu Âu (ECHR) – khẳng định quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nhà ở và thư tín. Bên cạnh đó, án lệ đóng vai trò thiết yếu trong việc xác định giới hạn hợp lý của quyền riêng tư. Điển hình là vụ Campbell v. MGN Ltd (2004), nơi Tòa án tối cao Anh phán quyết rằng việc một tờ báo đăng tải chi tiết điều trị cai nghiện của người mẫu Naomi Campbell là xâm phạm quyền riêng tư, dù cô là người nổi tiếng(14).
Ngoài hệ thống tòa án, Anh có một cơ chế tự điều chỉnh nổi bật là Tổ chức Tiêu chuẩn Báo chí Độc lập – IPSO (Independent Press Standards Organisation), hoạt động dựa trên Bộ Quy tắc Biên tập của các biên tập viên. Bộ quy tắc này yêu cầu báo chí, bao gồm cả truyền hình, phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân; không được ghi hình, phỏng vấn hay công bố thông tin trong không gian riêng tư mà không có sự đồng ý; đồng thời tránh đưa tin gây tổn thương cho người bị hại hoặc trẻ vị thành niên. Những nguyên tắc này đặc biệt quan trọng trong các chương trình truyền hình điều tra, thời sự hoặc tái hiện hiện trường, vốn dễ xâm phạm đến danh dự và sự an toàn tinh thần của nhân vật.
Cơ chế xử lý vi phạm trong truyền hình tại Anh không chỉ dừng ở khía cạnh đạo đức. Cơ quan Quản lý Truyền thông Ofcom – cơ quan quản lý độc lập – có quyền xử phạt vi phạm trong phát sóng truyền hình, bao gồm hành vi khai thác quá mức hình ảnh cá nhân, gây tổn thương hoặc xâm phạm quyền riêng tư của đối tượng. Điểm đáng lưu ý là Anh không chỉ chú trọng xử lý vi phạm sau khi phát sóng mà còn đề cao quy trình rà soát đạo đức trong tiền kỳ và hậu kỳ sản xuất, một yếu tố giúp hạn chế nguy cơ xâm phạm ngay từ khâu kịch bản và biên tập.
3.3. Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
Khác với mô hình tập trung và đồng bộ của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ áp dụng một phương thức phân mảnh và theo ngành trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Quyền này không được ghi nhận như một quyền hiến định độc lập, mà được phát triển chủ yếu thông qua án lệ và các đạo luật chuyên biệt trong từng lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe (HIPAA), giáo dục (FERPA), trẻ em trên môi trường số (COPPA), hoặc truyền thông điện tử (ECPA). Tuy nhiên, dù không có đạo luật thống nhất như GDPR, Hoa Kỳ vẫn được xem là quốc gia có thực tiễn phong phú và đi đầu trong việc giải quyết các tình huống xâm phạm quyền riêng tư trong truyền hình. Nhiều vụ kiện đã định hình giới hạn giữa quyền tự do báo chí và quyền riêng tư cá nhân. Một ví dụ điển hình là vụ Shulman, trong đó Tòa án tối cao bang California phán quyết rằng một chương trình truyền hình thực tế ghi lại hình ảnh và âm thanh của nạn nhân tai nạn khi chưa có sự đồng ý đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư, dù mục đích đưa tin là hợp pháp.
Cùng với án lệ, các tổ chức truyền thông lớn tại Mỹ, như NBC, CBS hay ABC, đều xây dựng bộ quy tắc đạo đức riêng, đặc biệt yêu cầu sự đồng thuận trước khi phát sóng hình ảnh cá nhân, hạn chế đưa tin gây sốc, xâm phạm đời tư hoặc dễ khiến nhân vật bị kỳ thị. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ như Electronic Frontier Foundation (EFF) và American Civil Liberties Union (ACLU) đóng vai trò giám sát xã hội và thúc đẩy chính sách minh bạch hóa quy trình sản xuất truyền hình gắn với quyền cá nhân. Ưu điểm của mô hình Mỹ là phản ứng nhanh với các tình huống cụ thể, linh hoạt trong xử lý tranh chấp và đề cao vai trò của cơ chế tư pháp. Tuy nhiên, hạn chế lớn là thiếu một khung pháp lý thống nhất và đồng bộ như châu Âu, dẫn đến tính bảo vệ không đều giữa các lĩnh vực. Trong truyền hình, điều này dễ tạo ra khoảng trống pháp lý, đặc biệt trong môi trường số hóa và đa nền tảng.
3.4. Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia châu Á có hệ thống pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền riêng tư tương đối phát triển, đặc biệt từ sau khi ban hành và sửa đổi Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (APPI). Luật này lần đầu có hiệu lực vào năm 2005 và được sửa đổi nhiều lần, gần nhất vào năm 2021, nhằm tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có Quy định GDPR của châu Âu. APPI điều chỉnh hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân, áp dụng cho cả cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân, bao gồm các tổ chức truyền thông, báo chí, truyền hình.
Một điểm đáng chú ý là trong hệ thống pháp luật Nhật Bản, thông tin định danh cá nhân – bao gồm hình ảnh, giọng nói, địa chỉ, số điện thoại và thông tin nhạy cảm như tình trạng sức khỏe, thành phần gia đình – đều được coi là dữ liệu cá nhân và chịu sự bảo vệ nghiêm ngặt theo APPI.(15) Tại các đài truyền hình lớn như NHK, TBS hay Fuji TV, việc ghi hình nhân vật trong không gian công cộng hoặc riêng tư đều phải được cân nhắc về mức độ xâm phạm quyền cá nhân, đi kèm với quy trình xin phép, làm mờ khuôn mặt hoặc thay đổi giọng nói trong trường hợp không có sự đồng thuận. Bên cạnh khung pháp lý, Nhật Bản cũng nổi bật bởi cách tiếp cận dựa trên sự tôn trọng cá nhân trong văn hóa truyền thông. Truyền hình Nhật thường tránh mô tả chi tiết hình ảnh người bị hại, trẻ vị thành niên, người khuyết tật hay nhân vật trong các vụ việc nhạy cảm, đặc biệt khi chưa có bản án chính thức từ tòa. Theo quy tắc đạo đức phát sóng của Hiệp hội Truyền hình Nhật Bản (JBA), các đài truyền hình phải bảo vệ danh dự và nhân phẩm của nhân vật, tránh gây tổn thương hoặc phơi bày đời tư quá mức (16). Tuy nhiên, Nhật Bản cũng từng đối mặt với nhiều vụ việc gây tranh cãi về xâm phạm quyền riêng tư trong truyền hình. Việc thông qua Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân năm 2003 là một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh đó, nhằm phản ứng lại trước những lo ngại xã hội ngày càng tăng về việc thu thập, sử dụng và phát tán thông tin cá nhân không kiểm soát trên truyền thông và internet. Chính từ đó, xã hội Nhật ngày càng nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ thông tin cá nhân, với các chiến dịch truyền thông và sự tham gia mạnh mẽ của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, nhà giáo dục và tổ chức xã hội dân sự.
3.5. Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia Châu Á có bối cảnh văn hóa – xã hội tương đồng với Việt Nam, trong đó hệ giá trị truyền thống Nho giáo đóng vai trò định hình cách thức tổ chức đời sống cá nhân và cộng đồng. Dưới ảnh hưởng của nền văn hóa tập thể, đề cao tính trật tự và sự kiểm soát xã hội, khái niệm “quyền riêng tư” không được xác lập như một quyền độc lập trong lịch sử pháp lý Trung Quốc, mà chỉ mới xuất hiện rõ nét trong hai thập niên gần đây dưới tác động của hiện đại hóa và truyền thông số.(17) Cấu trúc xã hội truyền thống, trong đó cá nhân được xem là thành viên của gia đình và cộng đồng hơn là một chủ thể có quyền độc lập, khiến đời tư không được nhìn nhận như một không gian cần bảo vệ khỏi sự can thiệp. Ngay cả những tư liệu mang tính riêng tư sâu sắc như thư tình giữa nhà văn Lỗ Tấn và người bạn đời Hứa Quảng Bình – vốn được viết trong không gian cá nhân và chỉ dành riêng cho hai người – vẫn có thể bị công bố công khai và được phân tích, bình luận rộng rãi. Việc công khai này không nhằm mục đích văn học thuần túy, mà còn phục vụ cho các mục tiêu xã hội như giáo dục tư tưởng, duy trì kỷ cương hay định hướng đạo đức.(18)
Điều này minh chứng cho một thực tế: ranh giới giữa cái riêng và cái chung trong văn hóa Trung Quốc thường mờ nhạt, và quyền cá nhân thường được đặt dưới sự chi phối của lợi ích cộng đồng, đạo đức xã hội và yêu cầu kiểm soát nhà nước. Thực tiễn truyền hình tại Trung Quốc cũng thể hiện rõ quan điểm này. Thông tin cá nhân của nhân vật – bao gồm tên thật, hình ảnh, địa chỉ, lời khai – thường xuyên được công bố trên các chương trình, bản tin, phóng sự liên quan đến pháp luật hoặc có nội dung phản ánh lối sống lệch chuẩn. Cách tiếp cận này xuất phát từ đặc điểm văn hóa – chính trị đặc thù của Trung Quốc, nơi truyền thông đại chúng không chỉ là kênh thông tin, mà còn là công cụ định hướng đạo đức và ổn định xã hội. Trong bối cảnh đó, thông tin cá nhân của người vi phạm hoặc có hành vi bị xem là “không chuẩn mực” thường được sử dụng như phương tiện để cảnh báo cộng đồng hoặc giáo dục công chúng, thay vì được xem là đối tượng cần được bảo vệ dưới góc độ quyền riêng tư cá nhân.(19)
Chẳng hạn, nhiều chương trình truyền hình khai thác danh sách các đối tượng vi phạm luật hoặc nghĩa vụ tài chính từ hệ thống tín nhiệm xã hội quốc gia, công bố tên, ảnh, nơi cư trú và hành vi vi phạm. Mặc dù mục đích được nêu là vì lợi ích công cộng, song hình thức phơi bày đời tư trên truyền hình và mạng xã hội này đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong giới học giả về ranh giới giữa quyền quản lý của nhà nước và quyền được tôn trọng nhân phẩm cá nhân.(20) Điều này cho thấy, tại Trung Quốc, quyền riêng tư vẫn thường bị đặt dưới các mục tiêu lớn hơn như trật tự xã hội, đạo đức công và an ninh quốc gia.
Trước áp lực hội nhập quốc tế và yêu cầu nội bộ về minh bạch thông tin, Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) vào năm 2021 – đạo luật toàn diện đầu tiên điều chỉnh việc thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu cá nhân. Trước đó, các quy định liên quan đến dữ liệu cá nhân chỉ nằm rải rác trong một số luật và văn bản dưới luật, chưa tạo thành một khung pháp lý thống nhất. Sự xuất hiện của PIPL đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách bảo vệ quyền riêng tư tại Trung Quốc, phản ánh cả nhu cầu nội tại (trước các vụ rò rỉ, lạm dụng dữ liệu trong truyền thông và công nghệ) lẫn sức ép từ chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu. PIPL xác lập nhiều nguyên tắc quan trọng: nguyên tắc đồng thuận rõ ràng từ chủ thể dữ liệu (điều 13), giới hạn mục đích sử dụng (điều 6), thu thập tối thiểu và bảo mật nghiêm ngặt (điều 4, 9) và đặc biệt là cơ chế xử lý thông tin nhạy cảm – gồm dữ liệu sinh trắc học, thông tin sức khỏe, vị trí địa lý, thông tin trẻ em dưới 14 tuổi – với yêu cầu đồng thuận riêng biệt và quy trình bảo vệ chặt chẽ hơn (điều 28). Luật cũng quy định cơ chế trách nhiệm giải trình và hiệu lực ngoài lãnh thổ, yêu cầu cả các tổ chức quốc tế xử lý dữ liệu công dân Trung Quốc phải tuân thủ PIPL (điều 3).
Những nội dung này cho thấy Trung Quốc đang từng bước xây dựng hệ thống pháp lý về quyền riêng tư có tính hệ thống, đồng thời phản ánh sự chuyển dịch nhận thức trong xã hội – từ việc xem dữ liệu cá nhân là phương tiện phục vụ kiểm soát sang việc công nhận chúng như một quyền cần bảo vệ trong xã hội hiện đại. Trong lĩnh vực truyền hình, PIPL tạo nền tảng pháp lý buộc các đài truyền hình và đơn vị sản xuất nội dung tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thực tế, một số thay đổi tích cực đã xuất hiện: khuôn mặt nhân vật được làm mờ, tên thật được thay thế bằng ký hiệu, và các đoạn phỏng vấn có nội dung nhạy cảm được cắt bỏ hoặc chỉnh sửa. Tuy vậy, quyền riêng tư trong truyền hình vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hệ thống chính trị – hành chính, nơi “lợi ích công” và “ổn định xã hội” thường được đặt ở vị trí ưu tiên, dẫn đến khả năng quyền cá nhân bị hạn chế trong thực thi.
4. Quyền riêng tư tại Việt Nam
Việt Nam nằm trong văn hóa phương Đông, với đặc trưng văn hóa nông nghiệp nên người Việt Nam thường coi trọng các mối quan hệ xã hội và sống theo nguyên tắc tình cảm.(21) Lối sống trọng tình cảm và cách ứng xử dân chủ dẫn đến tâm lý coi trọng cộng đồng, tập thể. Gia đình được xem là đơn vị cơ bản trong xã hội và đến giờ người Việt vẫn sống theo mô hình đại gia đình. Quyền riêng tư của cá nhân vì vậy thường bị hạn chế, gắn liền với danh dự và uy tín của gia đình, dòng họ. Với lối sống trọng tình cảm nên người Việt Nam có tâm lý ưa hòa thuận và thường nhường nhịn, giải quyết dựa trên đạo đức để duy trì sự đoàn kết trong cộng đồng. Đạo đức Nho giáo yêu cầu cá nhân hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích của vua và dòng họ, phải sống theo “nghĩa”. Lợi ích cá nhân bị coi nhẹ trong khi coi trọng lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc và cộng đồng.(22)
Và cũng bởi tính cộng đồng cao ở Việt Nam dẫn đến tâm lý e ngại về dư luận và tiếng xấu. Người dân có xu hướng “tốt khoe, xấu che,” nơi cửa nhà trở thành không gian để giấu kín những bí mật cá nhân. Những giá trị này không chỉ phản ánh trong cách cư xử hàng ngày mà còn trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, nơi mà ý thức về cái tôi cá nhân thường phải lùi bước trước những lợi ích lớn lao hơn của tập thể.(23) Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, lợi ích cá nhân chính đáng được tôn trọng với nguyên tắc “một người vì mọi người, mọi người vì một người.” Khi lợi ích chung được bảo đảm, lợi ích riêng mới có thể được thỏa mãn nhưng khi có sự xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, cá nhân có thể hy sinh lợi ích riêng vì nghĩa vụ và lợi ích chung.(24) Là một quốc gia thành viên của các công ước quốc tế và là một nước chú trọng xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền, Việt Nam đã và đang dành nhiều công sức trong việc nội luật hóa các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền riêng tư.(25)
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc nền tảng trong mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự cam kết với các khuôn khổ pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, mà còn được thực hiện thông qua các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Điều này được thể hiện trong các chính sách, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Ở Việt Nam, quyền riêng tư không được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật mà được đề cập là quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình(26) và được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau. Mỗi văn bản pháp luật điều chỉnh những khía cạnh khác nhau về quyền bí mật đời tư.
5. Những bài học kinh nghiệm cho việt Nam
Từ việc khảo sát kinh nghiệm bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình tại một số quốc gia và khu vực điển hình như Liên minh châu Âu, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, có thể rút ra nhiều bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam – đặc biệt trong bối cảnh truyền hình đang chịu tác động mạnh mẽ từ truyền thông đa nền tảng, dữ liệu số và nhu cầu minh bạch thông tin. Dưới đây là một số bài học quan trọng mang tính định hướng chính sách và tổ chức thực tiễn.
Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý thống nhất về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, trong đó có nội dung điều chỉnh riêng đối với lĩnh vực báo chí truyền hình. Thực tiễn hiện nay cho thấy các quy định liên quan đến quyền riêng tư vẫn nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau, chưa có cơ chế áp dụng thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu với GDPR và Trung Quốc với PIPL đã thiết lập được hệ thống quy phạm có tính bao quát cao, tạo nền tảng vững chắc để kiểm soát việc xử lý thông tin cá nhân trong truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình. Hệ thống này không chỉ đảm bảo nguyên tắc pháp lý (đồng thuận, giới hạn mục đích, bảo mật dữ liệu...) mà còn gắn chặt với cơ chế trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm.
Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường cơ chế kiểm soát đạo đức và tự điều chỉnh trong hoạt động báo chí truyền hình. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Anh cho thấy, ngoài luật pháp, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bộ quy chuẩn phát sóng và vai trò của các hội đồng truyền thông độc lập (như Ofcom ở Anh hay BPO ở Nhật Bản) đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm quyền riêng tư. Các cơ quan báo chí Việt Nam cần phát triển bộ quy trình nội bộ rõ ràng về xử lý thông tin cá nhân, áp dụng cơ chế đánh giá rủi ro đạo đức trước phát sóng, nhất là với các chương trình liên quan đến trẻ em, người yếu thế hoặc nhân vật trong các vụ việc pháp lý chưa được xét xử.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực và nhận thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn truyền hình. Như trường hợp Hoa Kỳ cho thấy, dù thiếu một khung luật đồng bộ như châu Âu, nhưng hệ thống án lệ và đạo đức báo chí giúp duy trì giới hạn giữa tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Đội ngũ làm báo ở Việt Nam cần được đào tạo bài bản về các khái niệm như "ranh giới thông tin cá nhân", "sự đồng thuận thông tin", hay "cân bằng lợi ích công – cá nhân" trong sản phẩm truyền hình. Đồng thời, cơ sở đào tạo báo chí cũng cần tích hợp nội dung này vào chương trình giảng dạy.
Thứ tư, Việt Nam cần xây dựng cơ chế bảo vệ cụ thể đối với các đối tượng dễ bị tổn thương… như cách Nhật Bản và châu Âu đã làm. Việc công bố thông tin hình ảnh, danh tính, hoặc hoàn cảnh riêng tư của những đối tượng này phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, trong đó ưu tiên nguyên tắc “không gây tổn thương” và tôn trọng nhân phẩm, danh dự nhân vật. Điều này không chỉ giúp hạn chế hệ quả pháp lý mà còn nâng cao giá trị nhân văn của truyền hình.
Thứ năm, cần xác lập vai trò chủ động của xã hội dân sự và công chúng trong giám sát truyền thông, như bài học từ Trung Quốc và Anh. Tại Trung Quốc, dù truyền hình chịu kiểm soát nhà nước, nhưng sức ép từ dư luận xã hội ngày càng gia tăng khiến các cơ quan truyền thông buộc phải điều chỉnh hành vi sản xuất. Tại Anh, vai trò của công chúng thể hiện rõ qua cơ chế phản hồi – khiếu nại công khai và sự tham gia của cộng đồng trong xác lập chuẩn mực đạo đức trong đưa tin trên truyền hình. Việt Nam cũng cần thiết lập cơ chế tương tự để công chúng có thể đóng vai trò kiểm tra, phản biện, qua đó hình thành văn hóa tiếp nhận truyền thông có trách nhiệm và nhân văn.
Thứ sáu, cần nhìn nhận bảo vệ quyền riêng tư không đơn thuần là nhiệm vụ pháp lý mà là một phần trong chiến lược xây dựng xã hội thông tin có đạo đức. Việt Nam, với nền văn hóa phương Đông đề cao tập thể, gia đình và mối quan hệ xã hội, có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc và Nhật Bản. Việc xác lập quyền riêng tư trong truyền hình không thể tách rời khỏi quá trình điều chỉnh văn hóa – nhận thức xã hội. Cần có chiến lược truyền thông dài hạn để nâng cao hiểu biết của người dân về quyền được bảo vệ đời tư, cũng như trách nhiệm của báo chí trong việc tôn trọng quyền này, thay vì khai thác vì mục đích giật gân hay thương mại hóa cảm xúc.
Kết luận
Việc bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh truyền thông đa nền tảng phát triển nhanh và sâu rộng. Qua phân tích kinh nghiệm từ các quốc gia và khu vực như Liên minh châu Âu, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, có thể nhận thấy rằng một hệ thống pháp lý chặt chẽ, cơ chế tự điều chỉnh đạo đức nghề nghiệp cùng sự tham gia của công chúng là ba yếu tố cốt lõi đảm bảo quyền riêng tư được thực thi hiệu quả. Đối với Việt Nam, việc tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế cần gắn với đặc thù văn hóa – xã hội trong nước, từ đó xây dựng khung pháp lý phù hợp, nâng cao đạo đức nghề báo và thiết lập chuẩn mực tiếp nhận truyền thông nhân văn, góp phần phát triển một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và tôn trọng quyền con người./.
_________________________
(1) United Nations. (1948). Universal Declaration of Human Rights.
(2) United Nations. (1966). International Covenant on Civil and Political Rights.
(3) McStay, A. (2014). Privacy and philosophy: New media and affective protocol. Peter Lang.
(4) Brock, G. (2016). The right to be forgotten: Privacy and the media in the digital age. Bloomsbury Publishing.
(5) United Nations Human Rights Committee. (1988). General Comment No. 16 on Article 17 of the ICCPR.
(6) Dörr, D., & Weaver, R. L. (2012). The Right to Privacy in the Light of Media Convergence: Perspectives from Three Continents.
(7) European Union. (2016). General Data Protection Regulation (GDPR). Official Journal of the European Union, L119.
(8) Ofcom. (2019). Protecting participants in programmes: Consultation document. Office of Communications (UK). Retrieved from https://www.ofcom.org.uk
(9) McStay, A. (2014). Privacy and philosophy: New media and affective protocol. Peter Lang
(9) Charter of Fundamental Rights of the European Union. (2000). Official Journal of the European Union, C 364/1.
(11) European Union. (2016). General Data Protection Regulation (GDPR). Regulation (EU) 2016/679
(12) European Court of Human Rights. (2004). Caroline von Hannover v. Germany (Application no. 59320/00). Judgment of 24 June 2004. Retrieved from https://hudoc.echr.coe.int
(13) McStay, A. (2014). Privacy and Philosophy: New Media and Affective Protocol. Peter Lang Publishing, trang 104.
(14) House of Lords. (2004). Campbell v. Mirror Group Newspapers Ltd UKHL 22.
(15) Ministry of Internal Affairs and Communications Japan. (2020). Overview of the Act on the Protection of Personal Information (APPI). Retrieved from https://www.soumu.go.jp
(16) Dörr, D., & Weaver, R. L. (2012). The Right to Privacy in the Light of Media Convergence: Perspectives from Three Continents.
(17) Wang, H. (2011). Protecting Privacy in China. Springer, trang 12-18.
(18) McDougall, B. S. (2002). Love-Letters and Privacy in Modern China: The Intimate Lives of Lu Xun and Xu Guangping. Oxford University Press.
(19) Wang, H. (2011). Protecting Privacy in China. Springer, trang 23-25
(20) Watt, E. (2021). State Sponsored Cyber Surveillance: The Right to Privacy of Communications and International Law. Edward Elgar Publishing.
(21) Trần Ngọc Thêm 2000, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB giáo dục, trang 21
(22) Phạm Huy Kỳ 2010 Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giải quyết mối quan hệ xã nhân- xã hội trong đạo đức của người cán bộ cách mạng, NXB Chính trị - Hành chính trang 32.
(23) Huỳnh Thiên Tứ(2024), Quyền riêng tư và văn hóa Việt, Tạp chí tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/quyen-rieng-tu-va-van-hoa-viet10414.html
(24) Phạm Huy Kỳ 2010 Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giải quyết mối quan hệ xã nhân- xã hội trong đạo đức của người cán bộ cách mạng, NXB Chính trị - Hành chính, trang 43.
(25)Trần Thị Diệu Hà 2022, Bàn về khái niệm quyền riêng tư trong pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí pháp luật và thực tiễn, số 51, trang 53-64.
(26) Bộ luật Dân sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015, Điều 38
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
- Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
-
1
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
2
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong tình hình mới
-
3
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
-
4
Chi bộ Ban Kế hoạch – Tài chính tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
-
5
Chi bộ Văn phòng Đảng – Hội đồng trường – Đoàn thể tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
-
6
Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Khen thưởng công tác thi đua công đoàn năm 2024
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội
Trong tiến trình đổi mới, lãnh đạo chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện quan điểm về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Quá trình này đồng thời cũng là quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong bối cảnh truyền hình đa nền tảng phát triển nhanh chóng, việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong các sản phẩm báo truyền hình tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Anh, Đức, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu đã xây dựng hệ thống quy định pháp lý và đạo đức báo chí chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời cân bằng với quyền được thông tin của công chúng. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là cần thiết để giúp Việt Nam nhận diện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình và cơ chế giám sát hiệu quả nhằm phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trên truyền hình. Từ đó, có thể rút ra những bài học thiết thực, phù hợp với điều kiện pháp lý và văn hóa truyền thông trong nước, góp phần hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tăng cường quyền con người trong lĩnh vực báo chí truyền hình.
Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
Tại Việt Nam, công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói (Text-to-Speech, viết tắt - TTS) được nhiều báo điện tử sử dụng để tạo thêm kênh (channel) tiếp nhận cho độc giả. Như một “trợ lý ảo” (tên gọi khác của các phần mềm được phát triển dựa trên trí thông minh nhân tạo có thể hỗ trợ con người thực hiện các nhu cầu cá nhân), việc “đọc báo thay” công chúng - trong đó bao gồm các nhóm đặc thù, sẽ giúp họ dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Bình luận