Các yếu tố tác động đến sự hình thành dư luận xã hội
Thứ năm, 09:26 04-04-2024
(LLCT&TT) Dư luận xã hội (DLXH) là một hiện tượng xã hội đặc biệt thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội và do tồn tại xã hội, tức khách thể của DLXH quy định. Tuy nhiên, các đặc điểm về mặt xã hội - nhân khẩu học và văn hóa, tâm lý,… của chủ thể DLXH cũng như môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi DLXH diễn ra, đều tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của DLXH. Do đó, những nhân tố tác động đến quá trình hình thành DLXH có thể khái quát thành ba nhóm: nhóm yếu tố thuộc về khách thể của DLXH; nhóm yếu tố thuộc về chủ thể của DLXH và nhóm yếu tố thuộc về môi trường xã hội.
1. Nhóm yếu tố thuộc về khách thể của DLXH
Những yếu tố thuộc về khách thể tức là thuộc về sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội mà DLXH phản ánh tác động vừa trực tiếp, vừa sâu xa đến quá trình hình thành DLXH. Trong số những yếu tố thuộc về khách thể của DLXH trước hết phải kể đến đó là lợi ích mà khách thể có thể mang lại cho chủ thể. DLXH hình thành nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, rộng hay hẹp, theo khuynh hướng này hay khuynh hướng khác phụ thuộc vào ý nghĩa thực tế và mối quan hệ của sự kiện, hiện tượng đối với lợi ích của chủ thể dư luận. Công chúng/ chủ thể dư luận thể hiện quan điểm tán thành, ủng hộ những sự kiện, hiện tượng phù hợp với lợi ích của họ và phản đối, lên án những sự kiện, hiện tượng trái ngược với lợi ích của bản thân.
Cả về lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong nhiều sự kiện, hiện tượng cùng diễn ra, công chúng thể hiện sự quan tâm, đưa ra sự phán xét đánh giá trước hết đối với những sự kiện, hiện tượng liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân hàng ngày của họ. Chẳng hạn, theo dõi các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì thấy rằng, cử tri rất quan tâm đến việc ai sẽ là chủ tịch xã, phường, ai sẽ trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường. Bởi lẽ, cấp xã, phường quan hệ trực tiếp, thường xuyên đến lợi ích thiết thân, hàng ngày của người dân. Hiện tượng trên đây có cơ sở từ và được giải thích bằng quy luật gần gũi của thông tin. Quy luật này có thể diễn đạt bằng sơ đồ như trên.
Sơ đồ cho thấy mối quan hệ gần gũi về thời gian, không gian, hoàn cảnh, tâm lý của đối tượng thông tin với người tiếp nhận thông tin. Những sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội nào xảy ra trong thời gian gần nhất, không gian gần nhất, hoàn cảnh giống đối tượng tiếp nhận nhất và phù hợp với tâm lý con người nhất thì sự kiện, hiện tượng đó thu hút nhiều nhất sự chú ý của công chúng, khiến công chúng thể hiện quan điểm, thái độ, đưa ra sự phán xét đánh giá của mình trước(1).
Có thể nói, trong số những yếu tố thuộc về khách thể có tác động đến quá trình hình thành, biến đổi của DLXH thì lợi ích và quan hệ lợi ích của chủ thể có tác động mạnh mẽ nhất, trực tiếp nhất đến quy mô, cường độ, khuynh hướng của DLXH. Cho nên, để DLXH đối với sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội được hình thành mang tính tư tưởng, tính khách quan, chân thực, tính giáo dục cao thì trong quá trình hình thành dư luận, các chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội, ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, cần thông tin, giải thích, phân tích sâu sắc về lợi ích và các mối quan hệ về lợi ích sao cho công chúng hiểu và thể hiện khuynh hướng đánh giá phù hợp.
Tính chất khách thể của DLXH, tức là tính chất của sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội mà dư luận phản ánh cũng có tác động đến quy mô, tốc độ hình thành DLXH và khuynh hướng,chiều hướng, cường độ của DLXH. DLXH đối với những sự kiện, hiện tượng quan trọng, liên quan đến lợi ích cơ bản, lâu dài của đại đa số quần chúng thường hình thành rất nhanh chóng và có hiệu lực lớn trong việc huy động đông đảo công chúng đi tới những quyết định thực tiễn. Ngược lại, đối với những sự kiện, hiện tượng xã hội quy mô nhỏ, liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau, đa chiều thì dư luận thường hình thành chậm hơn vì phải thông qua quá trình bàn bạc lâu dài để đi đến thống nhất quan điểm.
Đối với những sự kiện, hiện tượng phức tạp, lại xảy ra trong khoảng thời gian dài thường đưa đến những đánh giá, nhận định khác nhau, sự thống nhất ý kiến chung khó khăn, do đó dư luận hình thành chậm.
Nếu sự kiện, hiện tượng xuất hiện bất ngờ, trong điều kiện công chúng chưa được chuẩn bị kỹ thường gây ra tâm lý hoảng loạn, sự đánh giá thường thiếu chính xác, đôi khi rất cực đoan hoặc có khi thiên về sự đánh giá quá lạc quan, thiếu cơ sở khoa học hoặc cũng có thể thiên về sự đánh giá mang tính chất bi quan, xuôi chiều. Đối với những sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội diễn ra từ từ, theo trình tự thông thường thì tác động thường không mạnh mẽ, nhưng dư luận lại được hình thành trong trật tự.
2. Nhóm yếu tố thuộc về chủ thể DLXH
Chủ thể DLXH có thể là một cộng đồng xã hội, một nhóm xã hội hay một cá nhân. Những cá nhân trong nhóm, trong cộng đồng bao giờ cũng mang những đặc điểm xã hội - nhân khẩu học khác nhau như thành phần xã hội, nghề nghiệp, học vấn, độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo… Những đặc điểm này có ảnh hưởng nhất định đến quan điểm và sự phán xét đánh giá của DLXH.
Thực tiễn cho thấy, những người sinh sống ở đô thị, nhất là những đô thị lớn, trung tâm, do có cơ hội hơn trong việc tiếp nhận, tương tác với nhiều loại thông tin, lại có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, sàng lọc, phân tích thông tin, cho nên họ thường chủ động, mạnh dạn đưa ra những phán xét đánh giá sớm đối với sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ. Những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, do khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và không gian giao tiếp xã hội, tương tác liên cá nhân bị hạn chế nên quá trình hình thành quan điểm, cách đánh giá diễn ra thường chậm hơn, dè dặt hơn.
Giới tính cũng là một yếu tố có tác động đến sự phán xét đánh giá trong DLXH. Nữ giới thường hay bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, tình cảm khi phán xét đánh giá hơn so với nam giới. Còn sự phán xét đánh giá của nam giới đối với sự kiện, hiện tượng thường thiên về mặt lý trí hơn. Đặc biệt, yếu tố thành phần xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến sự quan tâm đối với những khách thể, những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội khác nhau mà họ đưa ra sự phán xét đánh giá. Giới trí thức thường quan tâm nhiều hơn đến chính trị, đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đến cơ chế, chính sách, pháp luật. Còn nông dân thường quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong nông nghiệp, chính sách đất đai, giá cả nông sản, phân bón. Trong khi công nhân lao động lại quan tâm nhiều đến vấn đề việc làm, thị trường lao động, thu nhập và tiền lương, giá cả thực phẩm, giá cả nhà ở, giá thuê nhà…
Những yếu tố thuộc về chủ thể DLXH như: trình độ văn hoá, nhất là trình độ văn hóa chính trị, trình độ lý luận chính trị, tâm lý cá nhân, các yếu tố thuộc về tâm lý đám đông, tâm lý xã hội của cộng đồng… có vai trò quyết định trực tiếp đến sự phán xét đánh giá các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội. Chúng quyết định khuynh hướng, nội dung của sự phán xét đánh giá. Tuy nhiên, mỗi yếu tố trên tác động, ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.
DLXH là quá trình mang tính trí tuệ, nên tri thức, trình độ học vấn, trình độ văn hóa của chủ thể có ảnh hưởng lớn đến sự phán xét đánh giá. Ý nghĩa của trình độ văn hoá, học vấn của chủ thể đối với sự hình thành DLXH là ở chỗ trình độ văn hoá, học vấn là cơ sở để nắm chắc quy luật vận động của sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội, nhờ đó chủ thể xem xét, phân tích, đánh giá đúng đắn bản chất của sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội, tạo khả năng nắm bắt thông tin nhanh và xử lý thông tin kịp thời, dự đoán được chiều hướng phát triển của sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội.
Văn hoá chính trị là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự phán xét đánh giá của chủ thể. Nó quyết định khuynh hướng, tính chất các phán xét đánh giá của chủ thể. Nếu cộng đồng công chúng có trình độ lý luận, có hiểu biết nhất định về chính trị, có kinh nghiệm hoạt động chính trị thì họ sẽ có sự nhạy cảm, sắc bén trong việc phát hiện, nhận diện, phân tích, đánh giá, xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề chính trị thực tiễn bức thiết. Trước những biến cố của đời sống chính trị trong nước và quốc tế, họ thường bình tĩnh, sáng suốt khi thể hiện quan điểm, thái độ của mình. Những đánh giá của nhóm công chúng này cũng thường có tính đúng đắn, có độ chính xác cao hơn, sâu sắc hơn.
Hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể ảnh hưởng đến sự đúng sai của DLXH. Con người am hiểu pháp luật sẽ đánh giá các sự kiện, hiện tượng theo những chuẩn mực của pháp luật, do đó dễ đi đến thống nhất ý kiến chung, tạo nên dư luận đúng đắn, hợp lý. Thực tế ở một số “điểm nóng” cho thấy rằng, khi công chúng thiếu kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật kém thì dẫn đến thái độ, hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, chuẩn mực pháp luật. Chẳng hạn như bắt giam, đánh đập, thậm chí giết hại người thi hành công vụ, gây sức ép, mua chuộc, lôi kéo những phần tử cực đoan để chống đối chính quyền, phá phách, hủy hoại tài sản của tập thể và của công dân, gây rối làm mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia…
Khi nghiên cứu quá trình hình thành DLXH, cần chú ý đến thái độ, tâm thế của công chúng đối với thông tin DLXH. Vấn đề này được phản ánh trong lý thuyết “phán xét” mà nội dung của nó như sau: Thái độ của chủ thể DLXH trong việc tiếp thu thông tin được quy định bởi 3 tầng tâm thế: tầng thụ cảm, tầng bàng quan, tầng cự tuyệt. Tầng thụ cảm là những thông tin không khác biệt lắm với thái độ phán xét đánh giá tích cực vốn có của chủ thể. Loại thông tin này rất dễ được công chúng công nhận vì nó gần gũi với quan điểm vốn có của họ.
Tầng bàng quan là những thông tin không giống nhưng cũng không khác xa lắm với những quan điểm vốn có của công chúng. Thông thường công chúng tỏ thái độ trung lập (không phản bác nhưng cũng không chấp nhận) đối với những thông tin này. Còn tầng cự tuyệt là những thông tin bao gồm trong đó những quan điểm đối lập, hoàn toàn khác biệt với quan điểm hiện có của công chúng. Đối với những thông tin này công chúng hoàn toàn phản bác và không chấp nhận.
Những trạng thái tâm thế của chủ thể trên đây quyết định trực tiếp sự phán xét đánh giá của họ đối với các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội, tạo nên những khuynh hướng khác nhau trong DLXH.
Các quá trình tâm lý xã hội như bắt chước, lây lan tâm lý… cũng tác động đến sự hình thành DLXH ở các mức độ khác nhau.
Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm người. Trong đời sống xã hội, chúng ta thường thấy có những hiện tượng bắt chước như: bắt chước mốt ăn mặc, bắt chước cách tổ chức công việc, tổ chức nơi ăn ở, trang trí nội thất, bắt chước phong cách các siêu sao điện ảnh, âm nhạc hoặc các hiện tượng bắt chước của đám đông như: các thành viên của đám đông bắt chước thủ lĩnh của họ hay một số kẻ đầu trò.
Trong đám đông lúc đầu có một vài người hung hăng, sau đó mọi người bắt chước dẫn đến hiện tượng phá phách có tính tập thể (hiện tượng này dễ thấy những hành động tự phát của các khối quần chúng, nơi diễn ra các điểm nóng). Trong các phán xét đánh giá của DLXH, ta cũng thấy những hiện tượng bắt chước tương tự: người ta đánh giá, nhận xét về sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội theo ý kiến của những người khác, mọi người đánh giá thế nào thì họ cũng đánh giá như vậy. Họ đánh giá kiểu “theo thời”, theo xu hướng chung chứ không phải theo suy nghĩ từ chính cái đầu của mình.
Lây lan tâm lý là sự lan truyền cảm xúc từ người này sang người khác, từ nhóm này sang nhóm khác trước một sự việc, hiện tượng nảy sinh trong đời sống. Lây lan tâm lý xảy ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, nằm ngoài sự tác động của ý thức. Về bản chất của lây lan tâm lý còn nhiều tranh luận, nhưng một số nhà tâm lý học cho rằng: cá nhân kích thích người khác bằng hành vi của mình. Do nhìn thấy hoặc nghe thấy phản ứng của người khác mà cá nhân tăng thêm độ hứng khởi.
Bằng cách đó, cảm hứng của đám đông phát triển không ngừng. Lây lan tâm lý có thể gây ra ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến trạng thái tâm lý và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của nhóm. Lây lan tâm lý có thể tạo nên cao trào cảm xúc, tâm trạng hoảng loạn hoặc sự cuồng nhiệt, điên rồ của một đám đông, gây ra những hậu quả to lớn, bởi vì trong cơ chế lây lan tâm lý, các yếu tố tính bẩm sinh, vô thức, không chủ định chiếm ưu thế. Bởi vậy, trong công tác nắm bắt, định hướng DLXH cần nhận thức rõ và có phương án điều khiển, hướng dẫn, xử lý một cách hợp lý và thận trọng.
Yếu tố tâm trạng, nếp nghĩ, thói quen của cộng đồng cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành DLXH. Khi tâm trạng phấn khởi, yêu đời, thì sự đánh giá có khía cạnh khác với lúc tâm trạng buồn bã, chán nản, bi quan, bất bình. Trong lúc tâm trạng phấn chấn, yêu đời thì sự đánh giá hay thiên về khuynh hướng lạc quan, ảo tưởng, chỉ thấy thuận lợi, thời cơ. Ngược lại, khi tâm trạng buồn chán, bất bình, sự đánh giá thiên về chiều hướng tiêu cực, thất vọng, thụ động.
Những định hình tâm lý (nếp nghĩ), những “khuôn mẫu tư duy” hình thành nên ở chủ thể DLXH những cách nhìn nhận, những tiêu chuẩn nhất định và trên cơ sở những tiêu chuẩn đó, chủ thể đưa ra sự đánh giá phù hợp. Cho nên cần khắc phục, ngăn chặn những “khuôn mẫu tư duy” lỗi thời, lạc hậu, cực đoan, hình thành nên các “khuôn mẫu tư duy” tiến bộ, phù hợp, tạo điều kiện cho DLXH hình thành theo hướng tích cực.
Mức độ trưởng thành của nhóm, tập thể - với tư cách là chủ thể của dư luận - cũng ảnh hưởng tới sự hình thành DLXH. Ở những nhóm mới thành lập khó hình thành sự phán xét đánh giá chung, ý kiến, quan điểm chung hơn so với những nhóm tồn tại lâu vì các thành viên trong nhóm mới chưa hoặc ít hiểu biết lẫn nhau.
3. Nhóm yếu tố thuộc về môi trường xã hội
Môi trường xã hội, nơi DLXH diễn ra là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành DLXH. Môi trường xã hội tác động đến DLXH bao gồm: điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bầu không khí tâm lý - xã hội…
Điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng rất sâu xa đến sự hình thành DLXH thông qua việc tác động lên lợi ích và do đó, đến tư tưởng, quan điểm, thái độ của các tầng lớp nhân dân. Trong số các vấn đề kinh tế, trước hết phải kể đến vai trò làm chủ của người lao động đối với tư liệu sản xuất, đối với việc quản lý kinh tế, quản lý sản xuất. Việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân đối với tổ chức và quản lý sản xuất sẽ tạo điều kiện để kết hợp đúng đắn lợi ích kinh tế giữa cá nhân, tập thể và xã hội, tạo ra khả năng để người lao động thể hiện sáng kiến và năng động trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế của xã hội. Trong những điều kiện như vậy, DLXH sẽ biểu hiện đúng đắn tư tưởng, tâm lý của những người làm chủ xã hội.
Sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đến DLXH còn thể hiện ở chỗ: nếu nền kinh tế phát triển, đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện, lợi ích kinh tế đảm bảo, nhân dân sẽ phấn khởi, niềm tin vào đường lối kinh tế, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước sẽ được tăng cường. Thái độ đánh giá đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội sẽ tích cực, thuận chiều và thường có sự thống nhất.
Cơ chế kinh tế cũng tác động đến DLXH. Cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước đây tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại, sự phán xét đánh giá thường mang tính một chiều. Còn cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay với mặt tích cực của nó tạo ra tư duy năng động, sáng tạo, coi trọng chất lượng, hiệu quả khi đánh giá. Nhưng kinh tế thị trường với mặt tiêu cực của nó sẽ tạo ra tâm lý sùng bái đồng tiền, coi tiền là tất cả, bất chấp mọi giá trị đạo đức, đồng thời cũng tạo ra sự lệch chuẩn giá trị, lấy đồng tiền làm thước đo để đánh giá mọi quan hệ giữa người với người.
Một đảm bảo then chốt cho việc tạo lập và phát huy hiệu lực của DLXH là dân chủ hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu nhân dân lao động có quyền làm chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và được tự do trao đổi, tranh luận trên tinh thần vì lợi ích chung thì DLXH hình thành nhanh chóng, khách quan và thuận lợi. Ý nghĩa của việc thảo luận, tranh luận công khai, dân chủ đối với sự hình thành DLXH là ở chỗ chúng mang lại cho DLXH những yếu tố chất lượng. Nhờ thảo luận, tranh luận công khai, bình đẳng, quá trình hình thành các quan điểm, nhận định, đánh giá sẽ được cân nhắc kỹ, được suy xét về mọi mặt nên DLXH thể hiện khách quan và đúng đắn, sâu sắc hơn.
Ngược lại, nếu trong sinh hoạt xã hội thiếu dân chủ, quyền trao đổi, thảo luận của nhân dân bị vi phạm, quyền được cung cấp thông tin bị hạn chế thì DLXH hình thành không thuận, trái chiều, phiến diện, méo mó, thậm chí có thể dẫn đến phản ứng chống đối của một bộ phận dưới nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Cho nên dễ nhận thấy rằng, dưới chế độ độc tài, khi quyền dân chủ bị vi phạm, thậm chí bị chà đạp, nhân dân không được công khai bày tỏ quan điểm, thái độ của mình thì DLXH tìm những hình thức biểu hiện khác: trong thơ ca, hò vè, tiếu lâm châm biếm…
Sự hình thành có định hướng và sự hoạt động có hiệu lực của DLXH đòi hỏi phải có môi trường pháp lý thuận lợi. Trước hết, đó là sự đảm bảo về mặt pháp luật để nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra những công việc, những vấn đề có liên quan đến nhu cầu, lợi ích, có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Cần xác định thật rõ những vấn đề nào trong số các vấn đề của đất nước, của tập thể cần đưa ra để dư luận phán xét đánh giá. Đồng thời phải có những đảm bảo về mặt pháp lý cho sự an toàn của chủ thể dư luận khi thể hiện thái độ đối với các hành vi tham nhũng, hối lộ, tệ quan liêu, mất dân chủ, xa rời quần chúng… của những người lãnh đạo và quản lý xã hội cũng như đối với các tệ nạn xã hội khác.
Cuối cùng, một môi trường văn hóa lành mạnh, từ gia đình đến tập thể và xã hội, ở đâu con người cũng ứng xử với nhau theo nguyên tắc của chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn sẽ là mảnh đất nuôi dưỡng những quan điểm, thái độ tích cực, nâng đỡ con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Nắm vững sự tác động của các yếu tố trên đây đối với quá trình hình thành, biến đổi của DLXH giúp nhà nghiên cứu nhận diện, phân tích thực trạng, đánh giá nguyên nhân, dự báo xu hướng vận động, biến đổi của hiện tượng xã hội đặc biệt này. Đồng thời xác lập các căn cứ khoa học, thực tiễn cho việc định hướng DLXH tích cực, tiến bộ, phục vụ lợi ích chung và chính đáng của con người, xã hội. Hiểu rõ mối quan hệ, sự ảnh hưởng của các yếu tố trên đến quá trình hình thành dư luận còn giúp người làm công tác DLXH suy nghĩ về cách thức tác động hợp lý, hợp quy luật vào các yếu tố đó sao cho DLXH hình thành thuận lợi, mang ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng và sự tiến bộ xã hội./.
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Thời gian qua, đội ngũ trí thức tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, có vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, tỉnh cần có những giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong giai đoạn mới.
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Công tác tuyên giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, thông qua định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng bộ quận Nam Từ Liêm đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác tuyên giáo trên địa bàn, qua đó đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Bài viết phân tích thực trạng công tác tuyên giáo của Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng bộ quận trong thời gian tới.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Bình luận