Chống chủ nghĩa cá nhân
1. Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân
Cần nói ngay rằng, hai từ cá nhân không có gì xấu. Có cá nhân mới thành cộng đồng xã hội. Có người cho rằng, ở phương Tây vai trò của cá nhân con người được coi trọng hơn là ở phương Đông. Nhưng không phải. Ở phương Đông cách đây hơn 2500 năm, Thích Ca Mâu Ni và Khổng Tử rất coi trọng vai trò cá nhân. Phật gia chú trọng hướng nội để tu luyện bản thân; phải từ bản ngã, từ cái tôi để ngộ, ngộ để hành, hành không những cho cá nhân mình mà còn cho đại sự. Còn trong học thuyết Khổng Tử, có cụm từ (gọi như hiện nay là từ khóa hoặc slogan): tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trước hết, phải tu thân đã, rồi sau mới đi tới tề gia, tiếp nữa là trị quốc, rồi cuối cùng mới đến bình thiên hạ. Tất cả họ đều nhấn mạnh tính hướng nội, tức là đề cập vai trò cá nhân (trước hết là tu dưỡng đạo đức) để thuận thiên nhi hành, trở về cái bản ngã thống nhất với vũ trụ.
Bản chất của con người, theo quan niệm của C.Mác, “là tổng hoà của những mối quan hệ xã hội”(1). Đảng ta do nhiều cá nhân đảng viên hợp thành. Về nguyên tắc, những cá nhân này thể hiện mình là một thực thể trong một đội ngũ có tổ chức chặt chẽ trên cơ sở sự chế định của một cương lĩnh chính trị và điều lệ hoạt động của một đảng chính trị. C.Mác và Ph.Ăngghen, trong tác phẩm Tuyên ngôn của đảng cộng sản (năm 1848), đã đề cập rất biện chứng về mối quan hệ này ở một xã hội tương lai: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2).
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới “chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn”(3); rằng “trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa… thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện được thỏa mãn”(4).
Còn chủ nghĩa cá nhân (hoặc cá nhân chủ nghĩa) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hay phê phán, cho đó là bệnh mẹ sinh ra nhiều bệnh khác, là nói về sự lệch lạc thái quá của con người cá nhân, nó đã trở thành chủ thể của cái tôi, cái tôi này đối lập với những điều chân - thiện - mỹ. Chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn với lợi ích của cộng đồng, làm tổn hại lợi ích cộng đồng và cuối cùng làm hại ngay chính bản thân cá nhân đó. Vậy, có thể khái quát rằng, chủ nghĩa cá nhân là sự biểu hiện tư duy và hành động lệch lạc của cá nhân con người, dẫn đến người đó chỉ coi trọng lợi ích cá nhân của mình, bất chấp lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
2. Nhận diện chủ nghĩa cá nhân
Chủ nghĩa cá nhân thường biểu hiện trên bốn mặt chủ yếu sau đây:
Một là, tách rời lợi ích của cá nhân với lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân. Mượn khái niệm của sinh học, có thể nói rằng, mỗi một cá nhân của bộ máy hệ thống chính trị là tế bào trong cơ thể tổ chức đó, ai mắc phải căn bệnh chủ nghĩa cá nhân thì người đó như là một tế bào lạ, tế bào xấu, hoặc đó là tế bào ký sinh trong tổ chức. Rất nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố một cách quang minh chính đại rằng, Đảng ta ra đời và phát triển không phải vì mục đích tự thân, mà là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; rằng, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(5); tất cả mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều chỉ nhằm đưa lại lợi ích cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn vừa là người lãnh đạo, vừa là người công bộc, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tự tách mình ra khỏi lợi ích của cách mạng chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa cá nhân.
Hai là, chỉ vun vén cho lợi ích của cá nhân mình. Những người mắc phải căn bệnh cá nhân chủ nghĩa thì đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(6). Biểu hiện rõ nhất là ở vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, mà ở đây thực chất cũng là lợi ích theo chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nếu là cán bộ thì đó là những con người độc đoán, chuyên quyền để mưu lợi ích cho riêng cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình, coi thường mọi nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của đoàn thể nhân dân. Họ thường tìm kẽ hở trong các quyết định của các tổ chức để hành xử, đặt lợi ích của cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình cao hơn tất cả, hoặc coi lợi ích cá nhân là duy nhất; thậm chí, họ lợi dụng chức quyền để cho ra đời những chính sách, quy định, quy hoạch có lợi cho mình.
Đối với tổ chức thì họ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của cá nhân mình; lũng đoạn, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, bao che tội lỗi, sai lầm của những người cùng cánh để hưởng lợi. Họ coi tổ chức của hệ thống chính trị chỉ là công cụ để kiếm chác lợi ích cá nhân. Trăn trở về điều này, trong bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(7).
Bốn là, phản bội chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Đây là sự biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới cá nhân đối lập với vận mệnh của chế độ chính trị, và như vậy là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những người này trước hết và chủ yếu là cũng vì lợi ích vật chất chi phối. Họ bị sa ngã khi tiền của, danh lợi khảo nghiệm về phẩm chất đạo đức cách mạng. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Ở đây nó đâm toạc cả nhân cách, đạo đức của những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… nếu những người đó sa vào chủ nghĩa cá nhân; họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích quốc gia, có những hành động chống đối hoặc đứng đằng sau cổ súy cho những hành động chống đối chế độ chính trị, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí, nhất là hệ thống mạng Internet, để xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi đen chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa hiện hành, bôi xấu lãnh tụ Đảng và Nhà nước, bôi bẩn những cán bộ cách mạng; họ sẵn sàng nhận những đồng tiền bẩn của các thế lực thù địch chống đối sự nghiệp cách mạng của nước ta.
3. Về việc chống chủ nghĩa cá nhân hiện nay
Chủ nghĩa cá nhân nếu không được đấu tranh khắc phục thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ làm tổn hại đến chế độ chính trị, đến mức như Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(8). Có nhiều cách tiếp cận về những giải pháp chống chủ nghĩa cá nhân. Ngoài việc phải tránh sa vào bốn biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như bên trên đã nêu, xin nêu lên một số nội dung sau đây:
(1) Chú trọng tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt
Sự nghiệp cách mạng của đất nước ta giai đoạn hiện nay càng nổi rõ yêu cầu cấp thiết là cần có các nguồn lực có chất lượng tốt để phát triển bền vững, trong đó nguồn nhân lực có tính chất quyết định. Nguồn nhân lực là “tài nguyên” vô giá của của quốc gia. Để có nguồn nhân lực bảo đảm đất nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì nguồn nhân lực phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản: 1. Có sức khỏe tốt (cả thể lực và tinh thần); 2. Được nâng cao về trình độ về mọi mặt; 3. Có năng lực chuyên môn tốt; 4. Có văn hóa nghề nghiệp; 5. Có khả năng sáng tạo cao; 6. Có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhất là tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và sự sụt giảm các nguồn đầu tư tài chính. Và một cách bao trùm nhất, đó là con người có đức - tài vẹn toàn, trong đó đức là gốc theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn nhân lực như thế là hoàn toàn không thể bao gồm những người mang bệnh cá nhân chủ nghĩa. Tình hình này được đặt ra một cách cấp thiết hơn trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một Đảng. Chính do như vậy mà cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân càng thêm phần quyết liệt, đầy cam go. Những biểu hiện tiêu cực đầy nhức nhối trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, và có thể còn tiếp diễn sắp tới nữa, cho chúng ta rõ hơn tính chất phức tạp và quyết liệt của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
(2) Phải quyết tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, coi đó là một mục tiêu của chiến lược phát triển
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự biểu đạt của cách mạng giải phóng: giải phóng dân tộc; giải phóng xã hội; giải phóng giai cấp; giải phóng con người, trong đó giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết, các giải phóng khác bảo đảm vững chắc cho giải phóng dân tộc và phát triển xã hội; mọi công cuộc giải phóng đều nhằm đến cái đích cuối cùng là giải phóng con người. Phải phát triển về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, năng lực đổi mới sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Báo chí cách mạng ở nước ta là một trong những lực lượng xung kích mở đường và dẫn đường cho việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Mỗi một cá nhân trong hệ thống ngành báo chí cách mạng Việt Nam phải là một chiến sĩ kiên cường, đầy bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công dân, tinh thông nghề nghiệp để khẳng định, tôn vinh, lan tỏa cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, nhân đạo với cái tâm trong sáng, tấm lòng vị tha.
Quá trình xây luôn luôn phải đi đôi với chống. Phải đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển bền vững của đất nước. Báo chí cách mạng nước ta hoàn toàn có lợi thế về vấn đề này, đặc biệt là những lợi thế về không gian tác nghiệp trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, về các phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật mà người làm báo được sử dụng, về những phẩm chất, đạo đức cách mạng và nghiệp vụ được đào tạo, v.v. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tiêu cực, tham nhũng đều do báo chí phát hiện và đấu tranh không khoan nhượng bóc trần các vụ việc, hướng cho mọi người thấy rõ nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, tiêu cực, góp phần đề ra các giải pháp xây dựng con người Việt Nam, làm lành mạnh xã hội. Những người làm báo đã xông pha nơi “mũi tên hòn đạn” ở những nơi ác liệt nhất để khui ra ánh sáng những kẻ lấm bẩn vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
Điều khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là phải tự mình vượt qua chính mình. Những người làm báo đứng đối diện với nhiều cám dỗ, dục vọng nhất, trong đó số 1 là cám dỗ, dục vọng về tiền bạc, của cải vật chất. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, do đó, lại là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân mỗi người. Con người ta có 1001 mối quan hệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khéo đúc kết; chia ra làm ba mối quan hệ: đối với tự mình; đối với người; đối với việc (điển hình và sớm nhất thể hiện trong trang đầu tiên của tác phẩm Đường cách mệnh xuất bản năm 1927 ở Mục Tư cách một người cách mệnh(9).
Trong ba mối quan hệ đó, mối quan hệ tự mình đối với bản thân mình là khó xử lý nhất. Con người có nhiều đặc tính tâm lý tình cảm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc; có nhiều dục vọng. Không phải ai cũng nhận rõ mình là ai, ở vị trí và có vai trò gì trong xã hội, bản thân mình có ưu điểm gì và những khuyết điểm gì. Tự ngộ đối với cá nhân con người là một trong những điểm rất khó của tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Phải làm chủ bản thân mình, tức là làm chủ cảm xúc tâm lý tình cảm, chế định được dục vọng; phải biết tiến, biết lui, biết dừng lại đúng lúc, phải biết nhận, biết cho, biết chối từ. Dục vọng là sự khảo nghiệm lớn nhất, nghiệt ngã nhất để thấy rõ con người ta có mắc phải căn bệnh cá nhân chủ nghĩa hay không.
Rất đáng tiếc, có một số người, kể cả cán bộ cao cấp, do không đủ bản lĩnh và do tu dưỡng đạo đức kém cho nên nhanh chóng bị quyền lợi vật chất và sắc dục đánh gục. Một trong những biện pháp phòng và chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ: không được phép nhận bất cứ một cái gì không phải của mình. Nếu thực hiện tốt điều này thì chủ nghĩa cá nhân không còn; ngòi bút phò chính trừ tà của những người làm báo sẽ sáng trong; nạn tham nhũng sẽ không có đất sống; nạn trộm cắp, hối lộ, đạo tặc sẽ không còn; nếu ai đó nhặt được của rơi sẽ tìm cách trả lại cho người mất; sẽ không mắc vào một số tệ nạn trong hoạt động báo chí: nhận hối lộ, ăn của đút lót, tống tiền, thương mại hóa báo chí.
Nếu làm tốt điều này thì con người sẽ không bị tha hóa, xã hội sẽ lành mạnh, những điều thánh thiện sẽ được lan tỏa. Để tiến hành việc này thì cần chú ý tới hai nhóm việc: 1. Xây dựng và ban hành đồng thời thực hiện một cách nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này thật đầy đủ, kể cả các chế tài và giám sát, kiểm tra, thi hành theo kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm minh; 2. Đi liền với sự giáo dục và tự tu dưỡng rèn luyện một cách kiên trì, bền bỉ.
(3) Chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên
Để chống chủ nghĩa cá nhân, phải tiến hành từ trong Đảng trước, vì Đảng cầm quyền, là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh thì đất nước mới phát triển bền vững được, nếu không thì ngược lại. Như vậy là tiến hành trong trước ngoài sau. Đồng thời, phải tiến hành với tâm thế tích cực, chủ động từ những cán bộ cấp cao xuống dưới, nghĩa là trên trước dưới sau. Phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, tiến hành một cách thực chất, không hình thức, qua loa, chiếu lệ.
Muốn thế, trước hết phải thực hiện thật tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng. Đó là: 1. Đảng phải luôn luôn “giữ chủ nghĩa cho vững”(10), tức là lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”(11), coi đó là “trí khôn”(12) của con người và là “bàn chỉ nam”(13) của con tàu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với hoàn cảnh từng lúc, từng nơi; 2. Thực hiện tốt tập trung dân chủ; 3. Thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; 4. Thực hiện tự phê bình và phê bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một quan điểm: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(14); 5. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phâỉ giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(15); 6. Chú trọng kết nạp những người ưu tú vào Đảng và luôn luôn làm trong sạch Đảng, loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi Đảng; 7. Phải hoạt động đúng pháp luật; 8. Có trách nhiệm với dân và tăng cường mối quan hệ máu thịt với dân; 9. Phải có tình đoàn kết quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới nâng cao được đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(16).
Trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, có yêu cầu cực kỳ quan trọng là hãy bắt đầu từ bản thân Đảng, từ mỗi cán bộ, đảng viên,từ những cán bộ chủ chốt. Đảng trong sạch, vững mạnh hay không đều có ảnh hưởng quyết định tới sự thành - bại của sự nghiệp đổi mới, ảnh hưởng tới sự tồn - vong của chế độ chính trị của nước ta. Đảng vững mạnh phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ đảng viên, mà một yêu cầu cao nhất của đội ngũ này là không mắc phải căn bệnh cá nhân chủ nghĩa.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm “giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ”(17) “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(18) như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc. Những cái cũ kỹ, hư hỏng đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Xem thế, công cuộc đổi mới ở nước ta chỉ giành được thắng lợi hoàn toàn khi chống được một cách có hiệu quả chủ nghĩa cá nhân./.
__________________________________________________
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen(2018), Toàn tập, Karl Marx - Friedrich Engels: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (song ngữ Việt - Anh), Nxb. Trẻ, tr.129.
(2), (3) Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.11, tr.610, 610.
(4), (13) Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.5, tr.289, 301.
(5), (6), (14), (15), (16), (17), (18) Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.15, tr.546 - 547, 547, 611, 547, 617, 617.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.15, tr.672.
(8), (9), (10), (11), (12) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.2, tr.280, 280, 289, 289, 289.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5/2022
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận