Cơ sở đạo đức đối với hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của báo chí
Vấn đề đạo đức báo chí
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo - “người thư ký thời đại” là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chính là đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí. Trong tiếng Anh, từ “Ethics” được các nhà báo và các hãng truyền thông trên thế giới dùng để chỉ “đạo đức” cho nhà báo. Ethics có nguồn gốc từ chữ éthkos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là phân biệt giữa đúng và sai. Đầu thế kỷ XX, Joseph Pulitzer - Chủ tờ báo New York World (người được lấy tên cho giải thưởng báo chí Pulitzer) danh giá nhất của Mỹ đưa ra 3 quy tắc rất nổi tiếng cho giới báo chí đó là: “chính xác, chính xác và chính xác”(1).
Nhà báo Peter Arnett, người từng đạt 57 giải thưởng báo chí thế giới, trong đó có giải Pulitzer năm 1966 cho những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam cho rằng: “Phải viết như sự thật vốn có”, mặc dù “một nhà báo cần có phong cách riêng và độc lập”(2). Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, báo chí giống như “chiếc gương” của xã hội. Báo chí mang trách nhiệm phản ánh xã hội trong sự tồn tại phức tạp với nhiều giác độ, quan điểm khác nhau tới mọi tầng lớp, lứa tuổi và giới tính. Trên thế giới, quan điểm của không ít tòa soạn báo thương mại cho rằng, việc tìm kiếm sự thật chỉ là một trong những mục tiêu của báo chí, nếu báo chí chỉ kiếm lợi nhuận mà không có mục đích đem lại hiệu quả cho xã hội chỉ là “công thức” cho thảm họa. Do đó, đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng trong hoạt động báo chí. Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và công chúng, mọi nền báo chí đều phải luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, truyền thông.
Trong thực thi nhiệm vụ giám sát dư luận, phản biện xã hội, báo chí khó có thể tránh khỏi việc phải đối mặt với những tình huống mà ở đó các giá trị đạo đức gây ra xung đột như việc thông tin thiếu tính định hướng, chạy theo những thị hiếu tầm thường, quá chú trọng thông tin tiêu cực gây ra những nhận thức sai lệch trong bức tranh chân thực của xã hội, gây mơ hồ, hoang mang thậm chí tạo bi quan trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Bản chất giám sát dư luận và phản biện xã hội có tính xây dựng của báo chí
Giám sát dư luận và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Vai trò và sức mạnh giám sát dư luận, phản biện xã hội của báo chí trước hết là phát hiện những việc làm tốt và các sai phạm của tổ chức, cá nhân, qua đó có thể định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải thích trước công luận và nhân dân, từ đó phát huy tính dân chủ cũng như tạo dựng niềm tin cho công chúng. Phân tích từ giác độ báo chí học, báo chí và dư luận xã hội luôn có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, tác động tương hỗ. Sau những thông tin báo chí phản ánh là sự phán xét của dư luận xã hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng. Hàng ngày, báo chí truyền thông đăng tải dư luận xã hội, và từ dư luận xã hội, lại phát sinh ra các sự kiện, ý kiến (đồng thuận, trái chiều)… của dư luận xã hội.
Do đó, báo chí vừa có thể phản ánh và biểu đạt dư luận, vừa có thể định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội. Chính lý do đó, vai trò tham gia quản lý, giám sát của báo chí đối với xã hội luôn phải đảm bảo dòng thông tin hai chiều. Một là những thông tin về các chủ trương, chính sách và quyết định trong quản lý, lãnh đạo; Hai là những thông tin chính xác, khách quan, chân thực về những gì diễn ra trước, sau chủ trương lãnh đạo, quyết định do nhà quản lý đưa ra. Nếu báo chí chỉ thông tin một chiều, sẽ rất khó có thể tham gia vào hoạt động quản lý xã hội, vì báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của đất nước, mà còn là “tai, mắt” của lịch sử.
Làm sao để duy trì việc giám sát, phản biện và phản ánh đúng, kể cả mặt tốt và những vấn đề còn bất cập, một cách công bằng, công khai và rộng rãi là bài toán mà báo chí luôn cần lời giải. Do đó, khi tham gia giám sát dư luận và phản biện xã hội, báo chí cần phải đề cao tính nhân văn, chú trọng nguyên tắc “báo chí xây dựng”. Có nghĩa không phải là “tô hồng” mọi chuyện, dù nêu những điều tốt đẹp hay phản ánh những điều bất cập thì dưới góc độ mang tính xây dựng khác với việc “hả hê” trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào đó.
Vậy, bản chất giám sát dư luận, phản biện xã hội mang tính xây dựng của báo chí là gì?
Ngay từ năm 1948, khi trình bày về chức năng của báo chí truyền thông, chuyên gia truyền thông của Mỹ H. Lasswel - một trong bốn học giả đặt nền móng cho ngành truyền thông thế giới, đã phân tích khá tỉ mỉ “chức năng giám sát, phản biện xã hội” của báo chí truyền thông(3). Trong xã hội, báo chí phải có trách nhiệm phát hiện và đưa tin kịp thời về những vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt, đồng thời công khai đưa ra lời cảnh báo cho các cấp chính quyền nhằm thay đổi và đưa ra các biện pháp đối phó với những thách thức và khủng hoảng trước mắt, từ đó bảo đảm sự ổn định của xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào, trách nhiệm của giáo viên là dạy dỗ và truyền thụ kiến thức cho học sinh; trách nhiệm của thầy thuốc là cứu chữa cho bệnh nhân; trách nhiệm của báo chí là “giám sát dư luận và phản biện xã hội”. Do vậy, hoạt động giám sát xã hội và duy trì trật tự xã hội được thể hiện chủ yếu trong chức năng giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí.
Có thể thấy, xuất phát điểm và mục đích cuối cùng của hoạt động giám sát dư luận và phản biện xã hội mang tính xây dựng là giải quyết triệt để vấn đề, cải thiện thực trạng. Đó cũng chính là bản chất của giám sát dư luận và phản biện xã hội mang tính xây dựng.
Nói cụ thể hơn, giống như nhiều sự vật khác, hoạt động giám sát xã hội như “con dao hai lưỡi”, vấn đề tiêu cực được phanh phui luôn thu hút được sự quan tâm hơn của công chúng, từ đó tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, tuy nhiên hoạt động này cũng khá nhạy cảm và mang tính “động chạm” nhất định, đối tượng bị giám sát phản ứng thậm chí công khai đối đầu, gây ra những chấn động ở một mức độ nhất định đôi khi còn là sự phá hoại. Trong thực tế, giám sát xã hội mang tính xây dựng cần phát huy hiệu ứng tích cực của hoạt động giám sát, đồng thời cần chú ý kiểm soát khả năng phá hoại của nó. Ở đây thể hiện một phương thức tư duy biện chứng, từ “phá” để “lập”, mục tiêu cuối cùng là “lập” - tức là tính xây dựng.
Tiêu chuẩn lựa chọn đề tài của báo chí trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội mang tính xây dựng là những vấn đề nóng có thể giải quyết, ít nhất là được đối tượng mà bài báo đưa tin và các cơ quan hữu quan coi trọng, quan tâm. Giám sát dư luận và phản biện xã hội mang tính xây dựng yêu cầu cơ quan báo chí truyền thông không chỉ vạch trần, lên án những bất cập trong xã hội, mà có thể chỉ ra hướng đi đúng, giúp giải quyết vấn đề, thúc đẩy phát triển, tạo hiệu quả xã hội tích cực.
Đối với những sự kiện và vấn đề xã hội cần cấp bách giải quyết, báo chí cần tích cực điều tra và giám sát, phát huy thế mạnh, tìm đúng thời cơ, hình thành hợp lực, kiên trì truy xét tới cùng sự việc. Đối với những sự kiện, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc có tranh luận, hoặc tạm thời chưa có phương án giải quyết, báo chí cần thận trọng, trên cơ sở quan sát, phân tích và phán đoán, với quan điểm nhìn nhận, đánh giá một cách tích cực, định hướng dư luận, tạo ra sự đột phá. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, không nên chỉ đưa ra vấn đề một chiều mà không quan tâm đến tính khả thi của việc giải quyết vấn đề và khả năng chịu đựng của công chúng.
Đạo đức báo chí trong giám sát và phản biện xã hội
Nói về nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức báo chí làm giảm hiệu quả giám sát dư luận, phản biện xã hội, về khách quan, là do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức báo chí trong điều kiện nguồn thu nhập của nhà báo không tăng, một số cơ quan báo và tạp chí phải “khoán trắng” cho phóng viên, khiến hiện tượng ép, đe dọa “tống tiền” doanh nghiệp ngày càng tăng. Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều nhà báo lợi dụng cụm từ “giám sát dư luận, phản biện xã hội” để điều tra “đánh đấm” cơ quan doanh nghiệp gây những hệ lụy không đáng có. Khi những người làm báo không phân biệt được ranh giới giữa đạo đức báo chí và giám sát dư luận, phản biện xã hội, chính phóng viên nhà báo đã làm giảm hiệu quả phản biện xã hội của báo chí. Ở đây “hiệu quả” chính là nói đến “báo chí giải pháp”, “báo chí xây dựng”, báo chí biết “gạn đục khơi trong” lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Đánh giá thực trạng vấn đề báo chí giám sát dư luận và phản biện xã hội thời gian qua có thể nhận thấy, hiệu quả của việc này phụ thuộc nhiều vào các chủ thể tham gia. Trong đó, nhóm chủ thể tham gia chính là đông đảo công chúng báo chí, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sở thích hay thói quen. Qua nghiên cứu, có thể rút ra một số vấn đề về đạo đức báo chí cần cân nhắc khi giám sát dư luận và phản biện xã hội như sau:
Thứ nhất, báo chí truyền thông tránh chỉ phanh phui đơn thuần. Khi nhấn mạnh nguyên tắc tính xây dựng trong giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí cần tránh khuynh hướng chỉ đưa tin tiêu cực, vạch trần và phanh phui một chiều. Thực tế, cần khu biệt rõ vấn đề khi đưa tin về những tiêu cực trong xã hội. Khi bàn về “chức năng giám sát dư luận và phản biện xã hội ” của báo chí truyền thông, chuyên gia truyền thông người Mỹ Paul Lazarsfeld đã tập trung nhấn mạnh “tính công khai” của báo chí, ông cho rằng sau khi công khai những hành vi đi ngược với đạo đức xã hội, báo chí sẽ khiến những người có liên quan cảm nhận được sức ép từ phía dư luận, từ đó thôi thúc họ quay về với quỹ đạo tuân thủ các hành vi có tính quy phạm, nguyên tắc.
Trong thực tiễn, hoạt động đưa tin công khai của báo chí rất có lợi cho việc thúc đẩy giải quyết những vấn đề đang nảy sinh, tuy nhiên không phải thông tin nào công khai mới giải quyết tốt mọi việc. Thậm chí, đôi khi mọi việc công khai hóa còn khiến vấn đề trở nên phức tạp, rối ren hơn. Một ví dụ sinh động minh chứng cho điều này là vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương cải tiến “tính công khai” của báo chí, khuyến khích báo chí vạch trần các vấn đề bất cập trong xã hội, đưa tin về rất nhiều bí mật trong lịch sử của Liên Xô.
Tuy nhiên “tính công khai” không những không thể giải quyết những bất cập trong xã hội của Liên Xô lúc đó, mà còn gây rối loạn trong giá trị và mất kiểm soát dư luận, cuối cùng làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đẩy đất nước này vào vực thẳm tan rã. Do đó, việc phanh phui các vấn đề tiêu cực một cách công khai để giám sát, phản biện xã hội cần chú ý đến những khuynh hướng giá trị, có nghĩa là phát huy tính xây dựng để giải quyết vấn đề một cách tích cực hay chỉ để vạch trần cái tiêu cực mang tính phá hoại để “câu view” “câu like” đơn thuần?
Thứ hai, khi nghiên cứu báo chí truyền thông thế giới, chúng ta không khó nhận ra ngay cả đối với quốc gia giương cao ngọn cờ dân chủ trong báo chí như Mỹ, nhiều lúc việc giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí cũng thường xuyên đi chệch quỹ đạo, đôi khi còn bị “lệch” hướng. Đầu thế kỷ XX, báo chí Mỹ từng rộ lên “phong trào” lên án và vạch trần trên phạm vi toàn xã hội, các bản tin lên án một số tập đoàn tư bản lũng đoạn ngành nghề, cản trở hoạt động cạnh tranh trong thị trường, vạch trần sự hủ bại của quan chức và sự phân hóa giàu nghèo quá lớn trong xã hội đương thời…
Nhìn chung, các tác phẩm báo chí đó hầu hết đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích chung, phù hợp với lợi ích căn bản của giai cấp tư sản thống trị Mỹ nên được coi là có những cống hiến cho hoạt động cải cách xã hội và “phong trào tiến bộ” thời ấy của Mỹ, thậm chí có người cho rằng, sự giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí truyền thông đã “cứu rỗi chế độ của chủ nghĩa tư bản”(4). Tuy nhiên, sau đó hoạt động giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí Mỹ đã xuất hiện hiện tượng “dị hóa”, tức là ngày càng trở thành hình thức đấu tranh được các đảng phái áp dụng, báo chí chuyên phanh phui các vụ scandal của đảng cầm quyền và nhà lãnh đạo đảng đó, mục đích là để họ mất mặt thậm chí mất chức, “tội” được vạch trần ngày càng xa rời lợi ích và sự quan tâm của công chúng.
Thập kỷ 1990, báo chí Mỹ rầm rộ đưa tin về vụ scandal Lewinsky, chính là một minh chứng cho hoạt động giám sát chỉ mang tính chất phanh phui đơn thuần(5). Báo chí Mỹ phanh phui chuyện tình cảm của Tổng thống đương nhiệm Bill Clinton với Lewinsky, khi đó, nhìn bề ngoài, hoạt động giám sát dư luận của báo chí là tối cao, nhưng thực chất thông tin là người của Đảng Cộng hòa hạ bệ Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân chủ, không đại diện cho lợi ích của công chúng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Bill Clinton sau đó không hề giảm sút mà lại tăng lên. Vụ rùm beng này cũng khiến hình ảnh của báo chí Mỹ bị ảnh hưởng, thời gian đó, những lời phê bình đối về đạo đức người làm báo trở thành chủ đề chung được quan tâm rộng rãi(6).
Ngoài ra, hoạt động giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí Mỹ tồn tại hiện tượng “bắt chẹt chính trị”, thậm chí có cả thủ đoạn “bắt chẹt kinh tế”. Do đó, song song với việc phát huy chức năng giám sát dư luận và phản biện xã hội mang tính xây dựng, giới báo chí truyền thông cần cảnh giác và phản đối hành vi “giám sát mang tính bắt chẹt” đó để bảo đảm hoạt động giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí luôn phát triển theo hướng mang tính xây dựng.
Thứ ba, đạo đức báo chí đề cao vai trò “người xác thực” và “người tạo cảm hứng”. Trong cuốn “Những yếu tố của báo chí”, các học giả Bill Kovach và Tom Rosenstiel(7) cho rằng, trong bối cảnh mới, một nhà báo phải đóng vai trò của “người xác thực” và “người tạo cảm hứng”. Với tư cách người xác thực, nhà báo cần phải lựa chọn giá trị thông tin qua các góc tiếp cận khác nhau của một tin tức sự kiện và giúp công chúng “biết được trong những sự việc họ đối diện thì cái gì nên tin và cái gì không cần để tâm. Còn khi ở vai trò người tạo cảm hứng, nhà báo đặt “các sự kiện vào trong ngữ cảnh phù hợp để có thể chuyển hóa thông tin thành tri thức”.
Thực tế cho thấy, con người không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với một tình huống mà ở đó các giá trị đạo đức gây ra xung đột. Do vậy, khi thực hiện việc giám sát dư luận và phản biện xã hội, nhà báo cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt coi trọng giá trị cốt lõi của báo chí đó là phản ánh chân thực, khách quan mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo, song điều tiên quyết là phát huy tính tự giác, tự rèn luyện tu dưỡng của mỗi nhà báo; tăng cường hệ miễn dịch cho các nhà báo bằng việc giáo dục truyền thống đạo đức dân tộc và ý thức công dân, nâng cao năng lực chuyên môn, giáo dục lý luận chính trị và pháp luật cho những người làm báo.
Thứ tư, thông tin cần cân bằng, công khai và nhân văn. Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, nhiều sự việc đau lòng do chính cách tác nghiệp của một số nhà báo gây ra và không ít sự việc được nhà báo dựng chuyện hoặc lèo lái sự việc theo một chiều hướng khác khiến tình hình trở nên rối ren, hậu quả là công chúng và người dân phải gánh chịu. Trong quá khứ, từng xuất hiện như vụ việc chổi quét rau, túi lạ bọc xoài đến vải thiều nhuộm lưu huỳnh hay mì tôm có đỉa… đều là những thông tin thất thiệt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và danh dự của báo chí. Do đó, trong quá trình giám sát dư luận, phản biện xã hội, điều đầu tiên đối với người làm báo là phải trung thực và tâm trong sáng, đó là cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí. Khi giám sát dư luận và phản biện xã hội cần thông tin một cách đầy đủ cả mặt thành công cũng như hạn chế của sự vật, sự kiện và phải phù hợp với lợi ích của đất nước và của dân tộc.
Trong xã hội, nghề báo là một trong những nghề đặc thù, nhà báo được quyền tự do phản ánh sự thật khách quan và trình bày quan điểm ý kiến của mình theo đúng bản chất vấn đề, từ đó định hướng dư luận, tạo diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận. Song, tự do báo chí không được trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt là không được thông tin gây hiểu lầm cho công chúng, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch phản động có cơ hội phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, báo chí khi giám sát dư luận và phản biện xã hội cũng phải đề cao tính nhân văn.
Trong đó, một nền báo chí nhân văn bao giờ cũng lấy dòng chủ đạo thông tin người tốt, việc tốt làm nền tảng để định hướng dư luận xã hội. Bởi một trong những sứ mệnh của báo chí chính là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến những thông điệp tốt, hình ảnh có ý nghĩa để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Do đó, khi giám sát dư luận và phản biện xã hội đạo đức báo chí cần cân nhắc là không nên chỉ “săm soi” vào những mặt trái, tiêu cực của xã hội, khiến công chúng khi tiếp cận thông tin trên báo chí luôn có cảm giác bất an và âu lo về xã hội. Nếu làm như vậy nhà báo đã vô hình trung “bôi đen” hình ảnh xã hội, gây ra tâm trạng hoài nghi, phân tâm lòng người, kéo theo hệ lụy khiến tâm trạng xã hội bị rạn nứt - một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.
Thứ năm, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, nhất là khi tham gia giám sát và phản biện xã hội, người đứng đầu cơ quan báo chí phải luôn là tấm gương tiêu biểu trong việc gìn giữ đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt, ban biên tập luôn phải tỉnh táo trong việc lựa chọn và thẩm định chủ đề, tư tưởng và phát hiện những sai sót trong quá trình tác nghiệp của nhà báo. Trong công tác giám sát dư luận và phản biện xã hội, các cơ quan báo chí cần quan tâm đến sự phản hồi của công chúng, từ đó lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng.
Qua đó, có thể nắm bắt thông tin về nhà báo trong quá trình tác nghiệp được công chúng phản hồi, thông qua đó có thể ngăn chặn kịp thời những hành vi xấu, tiêu cực của đội ngũ phóng viên, nhà báo khi tham gia giám sát và phản biện xã hội. Như vậy, có thể thấy, mỗi nhà báo cần phải đổi mới tư duy làm báo, kết hợp tính chính luận với phong cách tác nghiệp hiện đại, đặc biệt trong sử dụng ngôn ngữ cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng độc giả, coi trọng tính trung thực, chính xác và khách quan. Do đó, các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo khi đã xác định tham gia quá trình giám sát dư luận, phản biện xã hội cần thể hiện rõ tính Đảng, tính nhân dân, tính tư tưởng và tính chiến đấu trong mỗi tác phẩm báo chí. Điều quan trọng hơn, khi giám sát và phản biện xã hội, các nhà báo cần phải đề cao trách nhiệm xã hội khi sáng tạo tác phẩm báo chí, luôn khắc cốt ghi tâm một điều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Đó chính là giá trị cốt lõi của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Trong đó, báo chí được coi là “tai, mắt” của lịch sử, tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch… Nhiều sự kiện, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực do báo chí phanh phui đã tạo áp lực dư luận xã hội, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông hiện nay, người làm báo và các cơ quan báo chí luôn phải cẩn thận với những câu từ, hình ảnh, video clip và tít bài… làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức, đặc biệt đề cao đạo đức người làm báo khi tham gia giám sát và và phản biện xã hội.
Do đó, hơn lúc nào hết, nhà báo luôn cần phải có cái “thước dây” và “vạch cân” nghề nghiệp, đề cao lương tâm, trách nhiệm với xã hội. Hãy khắc cốt ghi tâm một điều: Khi cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không chỉ ảnh hưởng đến danh dự nhà báo mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cơ quan báo chí đó. Một nguyên tắc tối thượng trong giám sát và phản biện xã hội, lãnh đạo cơ quan báo chí phải gương mẫu đi đầu, tránh tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, như thế chúng ta mới có môi trường truyền thông trong sạch để tham gia giám sát, phản biện xã hội hiệu quả./.
__________________________________________
(1) Christ Frost, 2015. Journalism ethics and regulation (Fourth Edition)
(2) Peter Arnett, Phải viết như sự thật vốn có, Tuổi trẻ cuối tuần, 8/11/2007
(3) Lasswell, Harold (1948). Bryson, L. (ed.). The Structure and Function of Communication in Society. The Communication of Ideas. New York: Institute for Religious and Social Studies.
(4) Ron F.Smith: Ethics in Journalism, Wiley-Blackwell; 6 edition, 2008, P.292.
(5) An Affair of State: The Investigation, Impeachment, and Trial of President Clinton Paperback – November 1, 2000
(6) Michael Schudson: The Sociology of News, W. W. Norton & Company, P.22, 2011.
(7) Những yếu tố của báo chí (Nxb.Thông Tấn 2013) - Bill Kovach.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 6/ 2023
Bài liên quan
- Truyền thông về văn hoá truyền thống trên báo mạng điện tử qua chiến lược kể chuyện đa nền tảng
- Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
- Báo chí phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận
- Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
- Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam
Xem nhiều
-
1
[Video] Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
2
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030
-
3
Đồng chí GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
4
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
-
5
Đại hội Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp
-
6
Phê phán luận điệu xuyên tạc các nghị quyết “bộ tứ trụ cột”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý thông tin về văn hóa tôn giáo trên báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và đa dạng, công tác quản lý thông tin về tôn giáo trở nên quan trọng trong việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm đoàn kết dân tộc và nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo. Báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ phát động liên quan đến đời sống của đồng bào tôn giáo. Vì vậy, nghiên cứu quản lý thông tin về văn hoá tôn giáo trên báo chí của MTTQ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ sự ổn định xã hội.
Truyền thông về văn hoá truyền thống trên báo mạng điện tử qua chiến lược kể chuyện đa nền tảng
Truyền thông về văn hoá truyền thống trên báo mạng điện tử qua chiến lược kể chuyện đa nền tảng
Bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên số ngày nay đang mở ra nhiều không gian hơn bao giờ hết cho sự giao thoa và tiếp biến của các nền văn hóa trên toàn cầu. Trong điều kiện đó, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự đổi mới về tư duy, phương pháp, cách thức thực hiện. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, lan tỏa và các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho những giá trị ấy luôn có sức sống qua các thế hệ cộng đồng. Bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi những phương thức truyền thông mới, có khả năng kết nối cảm xúc và thích ứng với thói quen tiếp nhận đa dạng của công chúng hiện đại. Chiến lược kể chuyện đa nền tảng (transmedia storytelling) nổi lên như một giải pháp hiệu quả, cho phép truyền tải giá trị văn hóa thông qua hệ sinh thái nội dung phong phú, kết nối nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông khác nhau.
Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, báo chí cách mạng Việt Nam đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện, hiện đại hóa nhưng vẫn giữ vững bản chất cách mạng. Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng không chỉ là đòi hỏi mang tính thời sự, mà còn là cơ sở lý luận cho việc tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Báo chí phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận
Báo chí phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận
Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin đại chúng quan trọng mà còn là công cụ phản biện xã hội hiệu quả. Báo chí phản ánh tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo dư luận tích cực và thúc đẩy sự đồng thuận xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, vai trò của báo chí trong việc phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, góp phần tăng cường và củng cố vững chắc niềm tin giữa Đảng với nhân dân.
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
Trong bối cảnh giáo dục đại học hiện đại, các câu lạc bộ sinh viên không chỉ là môi trường thực hành kỹ năng mà còn là kênh quan trọng để xây dựng và lan tỏa thương hiệu của cơ sở đào tạo. Hoạt động truyền thông của câu lạc bộ được triển khai qua nhiều hình thức tương tác trực tuyến và trực tiếp, đóng vai trò kết nối giữa sinh viên, giảng viên và các đối tác bên ngoài. Bài viết này phân tích hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ của sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao dựa trên các lý thuyết truyền thông đại chúng, truyền thông tổ chức và quan hệ công chúng, nhằm làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể, nội dung và phương thức triển khai truyền thông. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn và phỏng vấn chuyên sâu, bài viết đề xuất giải pháp hoàn thiện quy trình truyền thông, nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường hợp tác liên tổ chức để nâng cao chất lượng thông điệp, mở rộng phạm vi tiếp cận và đảm bảo tính bền vững cho cộng đồng câu lạc bộ sinh viên.
Bình luận