Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
1. Thực tiễn báo chí thay đổi đặt ra yêu cầu đào tạo báo chí phải thay đổi
Với cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 3 - cuộc cách mạng tin học, sự ra đời của mạng Internet cùng với các hệ thống cáp quang, hệ thống vệ tinh, điện thoại di động thông minh đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ có tính chất bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn tới việc thu hẹp không gian và thời gian thông tin trên phạm vi toàn cầu. Môi trường truyền thông số hình thành giúp con người trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm, chia sẻ kỹ năng một cách nhanh chóng, đa chiều, không giới hạn không gian, thời gian bằng các thiết bị, phương tiện công nghệ thông tin điện tử. Mạng Internet đã mở ra khả năng kết nối toàn cầu các máy tính cá nhân, tạo điều kiện cho sự xuất hiện các siêu “xa lộ thông tin”, liên kết nhanh chóng hàng trăm triệu, hàng tỷ con người trong từng quốc gia cũng như trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Nhờ đó, nguồn lực thông tin được chia sẻ, bổ sung và cập nhật theo cấp số nhân, trở nên ngày càng dồi dào, vô tận, tạo nên sự bùng nổ thông tin.
Kế thừa những thành quả của cách mạng công nghiệp 3.0 cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 đã lớn mạnh và tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống với sự phổ biến của Internet, các thiết bị di động, các cảm biến và trí tuệ nhân tạo, các công nghệ thông minh, tiên tiến được tích hợp như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy… giúp cho quy trình, phương thức sản xuất được tối ưu hóa, đáp ứng chính xác nhu cầu của từng cá nhân trong đời sống. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng công nghệ 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data).
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí.
Môi trường truyền thông số làm thay đổi nhu cầu, thói quen, điều kiện tiếp nhận của công chúng và dẫn đến sự thay đổi của báo chí, trong đó xu thế truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng đã và đang là xu hướng nổi trội. Nếu như trong cách thức truyền thống, thông tin báo chí tác động đến đơn giác quan của người tiếp nhận thì báo chí hiện đại với phương thức truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng số đã mang thông tin tác động đến đa giác quan của con người. Nội dung thông tin trên báo chí trên nền tảng số vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio), kết hợp với tính siêu liên kết, tính cập nhật tức thì, khả năng phản hồi dễ dàng và thuận tiện. Việc tận dụng các tiện ích của mạng xã hội để lan tỏa thông tin báo chí và tăng tương tác với công chúng, thể hiện vai trò thông tin chính thống cùng năng lực định hướng mạnh mẽ cũng trở nên thiết yếu.
Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
2. Các mục tiêu chủ yếu của đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Mục tiêu chung của đào tạo báo chí là đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Cần nhìn nhận chuẩn đầu ra của sinh viên ở các cơ sở đào tạo báo chí PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC chuẩn đầu vào của các cơ quan báo chí. Những gì sinh viên được trang bị phải phù hợp với các đặc trưng của báo chí đồng thời thích ứng được với các điều kiện công nghệ và tính chất của môi trường truyền thông số. Đó là, đội ngũ nhà báo có chất lượng về:
- Bản lĩnh chính trị:
Nhà báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, như Bác Hồ dã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Báo chí nước ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”(1). Do vậy, mỗi nhà báo đều cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trái tim nhiệt huyết và tinh thần phụng sự Đảng, đất nước và nhân dân.
Trong môi trường truyền thông số, công nghệ tạo các điều kiện để mọi người đều có thể làm truyền thông, nhưng cũng là môi trường để thông tin xấu độc lan truyền, gây ra nhiều tác động xã hội tiêu cực. Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. Cùng với quá trình phản biện, đấu tranh, ngăn chặn sự phát triển của thông tin xấu độc, báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ các nhân tố tích cực, gương điển hình tiên tiến, các giá trị mới, các thành tựu của quá trình phát triển, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam...
Có thể nói, khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo ra nhiều điều kiện, năng lực mới cho lĩnh vực báo chí - truyền thông, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song nhân cách, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh của người làm báo mới là nhân tố cốt lõi, là nền tảng không thể thay thế.
- Nền tảng tri thức xã hội
Trên một nền tảng tri thức xã hội đủ rộng thì nhà báo mới phát huy tốt kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Ðào tạo nguồn nhân lực báo chí trong môi trường truyền thông số cần tập trung cung cấp và hướng dẫn người học khai thác, tích lũy các nguồn kiến thức để không ngừng làm phong phú hệ tri thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề cũng như cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội. Vấn đề phương pháp tiếp cận tri thức trở nên rất quan trọng do tri thức không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Cần thiết kế các điều kiện và hướng dẫn phương pháp để người học có thể tìm kiếm và tích hợp tri thức nền tảng, kiến thức xã hội đủ rộng. Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới cũng cần chú ý định hướng tích hợp kiến thức ngành, chuyên ngành cũng như tích hợp đa kỹ năng, bảo đảm sự thích ứng cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo trong môi trường truyền thông số.
- Kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ
Dạy làm báo là dạy một nghề. Nghề báo có hệ thống cơ sở lý luận, phương pháp luận, nguyên tắc nghề nghiệp làm nền tảng cho hoạt động của nhà báo. Cùng với hệ thống kiến thức là hệ thống các kỹ năng nghiệp vụ từ căn bản đến nâng cao, từ việc viết tin bài đảm bảo các yếu tố thời sự, thiết thực, chính xác, khách quan, nhân văn, cho đến sáng tạo tác phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng số. Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới cần chú trọng trang bị cho người làm báo nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nhà báo sau khi ra trường.
Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cần nhấn mạnh, làm rõ, tô đậm hơn nữa các giá trị cốt lõi của báo chí. “Trong bối cảnh báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội, quay cuồng với trí tuệ nhân tạo thì đào tạo báo chí càng phải giữ vững giá trị cốt lõi là đào tạo con người, với nền tảng kiến thức vững chắc, có chiều sâu trí tuệ, đưa tin chính xác, nhân văn, phục vụ cộng đồng”(2).
Vấn đề đào tạo căn bản để hình thành đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp phải được chú trọng, từ đó làm nền cho đào tạo nâng cao, đào tạo bổ sung, cập nhật. “Quá trình đào tạo này cần tránh hai khuynh hướng rất dễ xảy ra: thiên về hàn lâm hoặc thiên về dạy nghề bắt tay chỉ việc. Nếu thiên về hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế, mất thời gian tích hợp kỹ năng sau thời gian ra trường. Nếu thiên về bắt tay chỉ việc, người học sẽ thiếu hệ kiến thức nền tảng, nhất là phương pháp luận và phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề để có thể vươn xa tầm nhìn, mở rộng hiểu biết và khả năng phân tích, lý giải các sự kiện, vấn đề thời sự có sức thuyết phục công chúng cả về trí tuệ và cảm xúc”(3).
- Năng lực sử dụng công nghệ
Môi trường truyền thông mới đòi hỏi các nhà báo phải giỏi về công nghệ. Công nghệ là công cụ, là trợ thủ đắc lực, và trong nhiều trường hợp còn giữ vai trò quyết định để thông tin được phát huy sức mạnh, lan tỏa sức tác động. Tăng cường ứng dụng công nghệ, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ là yêu cầu thực tiễn đạt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, công chúng có điều kiện tương tác dễ dàng và nhanh chóng hơn với các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí. Người dân được tiếp cận gần hơn với các cơ quan quản lý Nhà nước để giám sát và nêu ý kiến; và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có những công cụ mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như để tăng cường sự quản lý, lãnh đạo của mình với người dân. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu báo chí phải nâng cao vai trò vừa là cầu nối vừa là người phân tích, định hướng dòng thông tin trong đời sống xã hội, đồng thời phải là nguồn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến công chúng.
Trong môi trường truyền thông số đa nền tảng truyền thông với đa nguồn tin, cần xác định vị trí, vai trò của nguồn tin báo chí nhưng cũng chú trọng các nguồn tin từ mạng xã hội, từ các “nhà báo công dân”. Các nhà báo ý thức được mối quan hệ tác động nhiều chiều cạnh giữa báo chí và mạng xã hội, với dư luận xã hội trên mạng xã hội. Báo chí cần kết nối với mạng xã hội để làm tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, làm phong phú hóa nguồn tin, tăng cường tương tác với công chúng. Quá trình đó, nhà báo cần có phương pháp chắt lọc, thẩm định thông tin, cách thức làn tỏa thông tin và định hướng công chúng, biến môi trường mạng xã hội trở thành nơi lan tỏa, thể hiện tính chất, vai trò của thông tin báo chí.
- Đạo đức nghề nghiệp
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”(4). Đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo gắn liền với trách nhiệm xã hội, với các nguyên tắc hoạt động của nghề báo. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh thông tin sai lệch, tin giả lan tràn trên môi trường số. Sự hỗn tạp của thông tin trên mạng xã hội đã khiến cho công chúng đặc biệt chú ý đến tính chính xác, độ xác thực của thông tin báo chí gắn liền với trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Đạo đức nghề nghiệp là điểm tựa giúp cho người phóng viên phát hiện, kịp thời lên tiếng trước những cái xấu, cái sai và bênh vực lẽ phải. Lòng trung thực, tinh thần dũng cảm, vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách trở thành điểm tựa chắc chắn cho người làm báo khi đối mặt với những thế lực xấu bởi nhà báo hiểu “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” như lời dạy của Bác. Đạo đức nghề nghiệp chính là yếu tố then chốt giữ lòng tin của công chúng đối với nhà báo, có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh các dòng thông tin liên tục chảy trên không gian mạng.
3. Đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, với vị trí là cơ sở hàng đầu trong đào tạo cán bộ lý luận chính trị và báo chí, truyền thông tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BCTT) đã định vị thương hiệu là: Trường Đảng đào tạo cán bộ tuyên truyền, báo chí, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong bối cảnh mới, Học viện tiếp tục phát triển thương hiệu theo hướng: Một là, đào tạo bồi dưỡng những cán bộ tuyên truyền vững vàng trong bản lĩnh, tài năng trong các công tác tuyên truyền, định hướng, giáo dục nhân dân đúng theo định hướng của Đảng; Hai là, đào tạo bồi dưỡng những nhà báo, nhà truyền thông nhạy bén chính trị, vừa vững vàng bản lĩnh vừa đa di năng trong tác nghiệp, có thể hòa nhập một cách sôi nổi vào môi trường báo chí truyền thông số đang có nhiều biến động. Học viện nhận thức được những khó khăn và thách thức của mình nhưng đồng thời cũng quyết tâm xây dựng và giữ vững thương hiệu Học viện BCTT - cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu của cả nước.
Trong bối cảnh môi trường truyền thông số đang có nhiều thay đổi, nền báo chí - truyền thông của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đó là về nhận thức và kỹ năng làm việc của nhà báo, nhà truyền thông; về mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông; về hoạt động quản lý tòa soạn và cơ quan báo chí cũng như quản lý chiến dịch và kế hoạch truyền thông; về cách thức ứng xử với công chúng - xã hội... Trước những vấn đề đặt ra, chủ trương, mục tiêu của Học viên BCTT là: “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Chương trình đào tạo của Nhà trường đang được cải tiến sát với yêu cầu thực tế, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành gắn với sử dụng công nghệ. Những đổi mới có tính chất chiến lược này trở thành điều kiện để trang bị cho các lứa học viên, sinh viên báo chí, truyền thông học tập tại Học viện BCTT có nền tảng kiến thức và kỹ năng phù hợp với môi trường truyền thông mới.
Đào tạo báo chí tại Học viện BCTT có tính chất đặc thù như sau:
Thứ nhất, sinh viên được đào tạo báo chí, truyền thông theo hướng tích hợp vừa chuyên sâu theo các loại hình. Chương trình của Học viện BCTT hiện nay thể hiện tính tích hợp các loại hình báo chí, nghĩa là sinh viên được học để có thể tác nghiệp cơ bản ở cả 4 loại hình báo chí. Trên thực tế, trong bối cảnh tích hợp báo chí, báo chí đa phương tiện, một phóng viên làm việc tại một cơ quan báo chí có thể phải thực hiện viết tin, làm bài ở nhiều loại hình báo chí. Hướng đào tạo của Học viện thể hiện được sự thích ứng nhanh nhạy với thực tiễn đang thay đổi. Bên cạnh đó, hướng chuyên sâu theo các loại hình giúp sinh viên còn được học sâu về kiến thức và kỹ năng của một loại hình báo chí như: báo in, ảnh báo chí, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử. Xu hướng này đem lại cho người học các lựa chọn khác nhau, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường báo chí - truyền thông đa phương tiện hiện nay.
Thứ hai, sinh viên có thể học một cách có hệ thống từ cấp độ cử nhân với nền tảng kiến thức và kỹ năng cơ bản đến cao học để phát triển năng lực nghiên cứu, năng lực tư duy và khái quát về lý luận báo chí, truyền thông và tiếp đến là học tiến sĩ để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Học viện BCTT có đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng là những chuyên gia, các nhà báo có uy tín trong lĩnh vực báo chí của cả nước, nhiều giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu quốc tế.
Thứ ba, sinh viên có thể lựa chọn tham gia vào môi trường đào tạo tiên tiến. Học viện BCTT tạo ra không gian dạy gắn với thực hành sôi động với các môn học có tỷ lệ giờ thực hành cao, các câu lạc bộ chuyên môn hoạt động chuyên nghiệp, phối hợp với các cơ quan báo chí để sản xuất các sản phẩm báo chí sát theo yêu cầu thực tiễn. Học viện BCTT đã và đang triển khai, tiếp tục phát triển một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế. Có thể thấy, trong đòi hỏi của thực tiễn đang không ngừng thay đổi, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành báo chí - truyền thông đang không ngừng tăng. Học viện cũng đã và đang chuẩn bị đủ các điều kiện để có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo này.
Bên cạnh đó, sinh viên được tiếp cận với chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Học viện BCTT đã có nhiều đổi mới trong mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, Học viện BCTT hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo - Quan hệ công chúng và Thương hiệu tại Học viện theo phương thức nhượng quyền. Sinh viên được học chương trình của Anh ngay tại Học viện BCTT, theo các quy chuẩn của Đại học Middlesex, tốt nghiệp được nhận bằng cứ nhân do Đại học Middlesex cấp. Chương trình này là đòn bẩy và động lực để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Các kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí tại Học viện BCTT ra trường có tỷ lệ làm đúng nghề cao, nhiều sinh viên phát huy được năng lực, trở thành những cây bút, nhà báo có uy tín, được công chúng yêu thích và giới chuyên môn công nhận. Nhiều sinh viên đoạt giải thưởng báo chí - truyền thông ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường hoặc sau khi ra trường. Học viện BCTT đã trở thành địa chỉ đỏ về đào tạo báo chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân công nhận, tin tưởng.
Tiếp tục phát huy thành quả đào tạo của Nhà trường gắn với lịch sử 60 năm và thích ứng với yêu cầu mới của môi trường truyền thông, Học viện BCTT cần chú trọng hơn nữa đào tạo báo chí theo hướng đào sâu, duy trì, khắc đậm các giá trị cốt lõi của báo chí, trang bị kiến thức nền tảng, phương pháp tiếp cận tri thức và giải quyết vấn đề, kết hợp trang bị kỹ năng làm nghề và kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại, phát huy, mở rộng các hình thức hoạt động nghiệp vụ trong môi trường thực hành gắn với các phòng thu, trường quay, phòng máy, hệ thống các kênh thông tin và các câu lạc bộ sinh viên, tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí./.
_________________________________________________
(1) Luật Báo chí 2016.
(2) Đặng Thị Thu Hương (2020), https://tuoitre.vn/dao-tao-bao-chi-thoi-4-0-nghe-bao-la-su-menh-dua-tin-co-trach-nhiem-20201103205155303.htm.
(3) Nguyễn Văn Dững (2020), http://nguoilambao.vn/van-de-dao-tao-bao-chi-truyen-thong-ky-nguyen-so-n5801.html.
(4) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., T.10, tr.616.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 1/2022
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
- Đảm bảo tính nhân văn trong ảnh báo chí
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
- 6 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý thông điệp về liên kết đào tạo đại học trên báo mạng điện tử - Thực trạng và giải pháp
Hiện nay, liên kết đào tạo là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Với định hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu, thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí trở thành cầu nối quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về liên kết đào tạo đại học đến với công chúng.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận