Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm việc tại Cộng hòa Pháp và Vương Quốc Anh
Tham dự đoàn công tác còn có: PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS. Hà Huy Phượng, Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Hội đồng trường, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ; ThS. Trần Xuân Ban, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính; PGS, TS. Phan Minh Đức, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chiều ngày 02/12, đoàn công tác cấp cao Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chính thức đến Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Ngày 04/12, đoàn đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo trường Truyền thông ISCOM tại số 4 Cité de Londres, 75009 Paris. Bà Caroline Grassaud, Giám đốc điều hành ISCOM và bà Elena Masurova, Giám đốc Quan hệ quốc tế của trường đã tiếp đón và làm việc với Đoàn.
Tại buổi làm việc, PGS, TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã giới thiệu tổng quát về Học viện Báo chí và Tuyên truyền; đồng thời, nêu cụ thể những nội dung hai bên cần trao đổi và thỏa thuận hợp tác. Hai bên cũng đã nêu ra các vấn đề mà các bên quan tâm, trao đổi, thống nhất đi đến hợp tác trong thời gian tới.
Bà Caroline Grassaud, Giám đốc điều hành ISCOM và bà Elena Masurova, Giám đốc Quan hệ quốc tế đã giới thiệu tổng quát về Nhà trường. ISCOM Paris là một trường trong 10 cơ sở của Hệ thống giáo dục ISCOM tại Cộng hòa Pháp. Cơ sở ISCOM Paris được thành lập năm 2009. Tại ISCOM, trung bình có khoảng 44 ngàn sinh viên, học viên đang theo học các ngành, bậc đào tạo khác nhau. ISCOM có một Hội đồng giáo dục (tương đương với hội đồng quản trị). Hội đồng Trường ISCOM cơ sở tại Paris được chính phủ Pháp công nhận, cho phép độc lập đưa ra các quyết định về hoạt động về Nhà trường, trong đó có các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất 3 nội dung để tiến tới thỏa thuận hợp tác, gồm:
Một là, xem xét xây dựng chương trình, kế hoạch trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên đến học tập, thực tập sinh tại hai trường.
Hai là, xem xét xây dựng chương trình, kế hoạch liên kết theo hình thức chuyển nhượng 100% đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ISCOM cấp bằng tốt nghiệp.
Ba là, xem xét xây dựng chương trình, kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng cán bộ ngắn hạn về những nội dung hai trường quan tâm.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến làm việc với trường Kinh doanh Toulouse thuộc tổ hợp giáo dục TBS Education cơ sở Paris tại số 13 Rue Saint-Lambert, 75015 Paris. Ông Pierre Katane, Quản lý cơ sở vật chất của TBS Education Paris và bà Margot Gres, cán bộ phụ trách tuyển sinh quốc tế đã tiếp, dẫn đoàn tham quan trường.
TBS Education là một tổ hợp giáo dục của Pháp, có lịch sử 120 năm. TBS Education có 4 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở ở Pháp (cơ sở chính ở thành phố Toulouse) và 2 cơ sở ở Tây Ban Nha và Marốc. TBS Education Paris là cơ sở mới thành lập được 1 năm. Tổng số sinh viên, học viên của Nhà trường hiện nay khoảng 6.000 người. Nhà trường hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới. Thế mạnh chính của Nhà trường là đào tạo các ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh. Đây cũng là trường được 3 chứng nhận chất lượng hàng đầu thế giới cho các chương trình kinh doanh là AACSB, EQUIS và AMBA (triple crowns) trong suốt khoảng gần 20 năm trở lại đây.
Tại đây, đoàn công tác đã giới thiệu các lĩnh vực hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng thời tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của tổ hợp giáo dục TBS Education cơ sở ở Paris và mong muốn có sự hợp tác về nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng giữa hai trường. Đại diện bộ phận phụ trách tuyển sinh quốc tế đã cung cấp thông tin của Nhà trường và tiếp nhận các đề xuất của đoàn công tác để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo quyết định hợp tác với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời gian gần nhất.
Tại buổi làm việc, cán bộ phụ trách tuyển sinh quốc tế trường TBS Education cơ sở Paris đã đánh giá tích cực về các lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại tổ hợp giáo dục TBS, trong đó có học viên Nguyễn Diệp Quỳnh, cựu sinh viên lớp Kinh tế và Quản lý chất lượng cao Khóa 38, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Qua phần mềm Zoom kết nối trực tuyến giữa lưu học sinh với cán bộ phụ trách tuyển sinh quốc tế trường TBS Education Paris và đoàn công tác, lưu học sinh Nguyễn Diệp Quỳnh đã vui mừng báo cáo kết quả học tập tại đây, đồng thời cảm ơn các thầy cô giáo ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo, dìu dắt để em có cơ hội nhận học bổng Eiffel và du học tại chương trình thạc sĩ khoa học ngành Maketing quản lý truyền thông tại tổ hợp giáo dục TBS Education. Nguyễn Diệp Quỳnh hứa sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập sẽ trở về Việt Nam công tác, cống hiến cho đất nước.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Tổ hợp Đại học Leonard de Vinci, trụ sở tại số 8 - 12 Avenue Léonard de Vinci, 92400 Courbevoie, Paris. Tại đây, đoàn đã được GS, TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng thời là Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School) và TS. Thierry Delecolle, Giám đốc phát triển Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School) đón tiếp, trao đổi nhiều thông tin bổ ích.
GS, TS. Nguyễn Đức Khương sinh năm 1978, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Thương mại Hà Nội, chuyên ngành quản trị doanh nghiệp. Ông được đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ tại Đại học Grenoble Alpes. Năm 2016, GS, TS. Nguyễn Đức Khương được Dự án Nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới. Đồng thời, Ông còn là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ năm 2017.
Tại buổi làm việc, GS, TS. Nguyễn Đức Khương và TS. Thierry Delecolle đã giới thiệu chi tiết về Tổ hợp Đại học Leonard de Vinci và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci. Hai bên đã nêu ra nhiều nội dung cần thiết hợp tác, đặc biệt là các vấn đề về học thuật, đào tạo, bồi dưỡng về báo chí, truyền thông, luật pháp và một số ngành khoa học xã hội nhân văn…
Ngày 05/12, Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã kết thúc thành công tốt đẹp chuyến làm việc về các vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng với một số cơ sở giáo dục, đào tạo tại Cộng hòa Pháp. Cùng ngày, đoàn từ Cộng hòa Pháp sang Vương quốc Anh, tiếp tục chương trình chuyến công tác theo kế hoạch.
Tại Vương quốc Anh, ngày 06/12, Đoàn đã đến làm việc với Trung tâm Hợp tác học thuật và Cán bộ quản lý chất lượng học thuật, Đại học Middlesex, cơ sở Hendon ở ngoại ô thủ đô London. Ông Gurdip S.Binning, Giám đốc tuyển sinh và hợp tác học thuật của trường đã tiếp và làm việc với Đoàn. Tại đây, hai bên đã trao đổi các vấn đề tổng quát về những vấn đề học thuật hai bên quan tâm, trong đó có việc tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, xuất bản các sách, tài liệu tham khảo; đặc biệt là việc hỗ trợ công bố bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế và tạp chí của hai trường.
Cùng ngày, bà Angelique Matthews, cán bộ phụ trách quản lý đối tác quốc tế đã dẫn đoàn tham quan khuôn viên Đại học Middlesex tại Hendon. Trụ sở nhà trường khang trang, rộng rãi với hệ thống phòng học, thực hành phục vụ đào tạo rất hiện đại, tiện ích, đặc biệt là hệ thống các studio phục vụ thực hành đào tạo báo chí, truyền thông, các ngành quảng cáo, thiết kế và nghệ thuật sáng tạo…
Đoàn công tác đã dự giờ giảng tại một lớp học của Đại học Middlesex với nội dung “Xây dựng thương hiệu địa lý”. Giờ giảng do nữ TS. Giannina Warren, nguyên Chủ nhiệm chương trình Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu của Đại học Middlesex tại Việt Nam đảm nhiệm. Đây là giờ giảng lý thuyết của môn học. Phòng học đầy đủ tiện nghi, với màn hình trình chiếu chính cỡ lớn và 6 màn hình kết nối cỡ nhỏ ở hai bên, tiện ích cho những sinh viên ngồi ở xa. Lớp học chưa đầy 10 sinh viên. Giảng viên trình chiếu slide bài giảng bằng phần mềm Canva và thuyết giảng. Các sinh viên được trao đổi, thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến xây dựng thương hiệu địa lý, với tình huống thực tế của thành phố Toronto, Canada.
Buổi trưa cùng ngày, đoàn tiếp tục dự ăn trưa và trao đổi với lãnh đạo, giảng viên Khoa Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo. TS. Anna Charalambidou, Giám đốc các chương trình truyền thông đại diện làm việc với Đoàn. Hai bên trao đổi các nội dung về học thuật, phương pháp giảng dạy, học tập ở các bậc đào tạo liên quan đến ngành quảng cáo, quan hệ công chúng và thương hiệu…
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có buổi làm việc với lãnh đạo cao cấp của Đại học Middlesex. Ông Sean Wellington, Hiệu trưởng Đại học Middlesex tiếp và làm việc với Đoàn. Hai bên đã tiến hành trao đổi các vấn đề chiến lược hợp tác tiếp theo của chương trình liên kết quốc tế đào tạo bậc đại học về quảng cáo, quan hệ công chúng và thương hiệu, cơ chế hoạt động của Hội đồng trường.
Từ năm 2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chính thức ký kết hợp tác theo hình thức liên kết chuyển nhượng đào tạo bậc đại học chương trình quảng cáo, quan hệ công chúng và thương hiệu với Đại học Middlesex, Anh Quốc. Qua hơn 6 năm hợp tác đào tạo, có thể khẳng định, đây là chương trình hợp tác đào tạo quốc tế chất lượng và hiệu quả tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền; đồng thời, Học viện cũng là đối tác có uy tín của Middlesex trên thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Sean Wellington, Hiệu trưởng Đại học Middlesex đánh giá cao kết quả của sự hợp tác giữa hai bên thời gian qua và mong muốn các đơn vị trực tiếp thực hiện tiếp tục xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể để ký kết hợp tác giữa hai bên cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi.
Thay mặt Đoàn công tác, PGS, TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thiện tình của lãnh đạo và cá nhân ngài Sean Wellington, Hiệu trưởng Đại học Middlesex và chúc mừng ngài mới được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng; đồng thời mong muốn ngài Sean Wellington sớm sang Việt Nam, thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và hai bên sẽ sớm thỏa thuận, ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực báo chí, truyền thông…
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Khoa Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo cùng lãnh đạo Trung tâm Hợp tác học thuật, Đại học Middlesex. TS. James Martin Charlton, Trưởng khoa Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo đại diện khoa tiếp đoàn. Hai bên đã thảo luận, thống nhất một số nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng. Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận về việc mở rộng liên kết đào tạo trình độ đại học và sau đại học và các chuyên ngành phù hợp với thế mạnh của hai bên
Chiều tối cùng ngày, lãnh đạo Đại học Middlesex mời Đoàn dùng cơm tối tại một nhà hàng châu Á ở Hendon, London. TS. James Martin Charlton, Trưởng khoa Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo, TS. Gareth Williams, Phó Trưởng khoa Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo cùng TS. Mita Lad, Chủ nhiệm chương trình Quảng cáo, PR và Thương hiệu của Đại học Middlesex tại Việt Nam cùng dự và tiếp đoàn. Hai bên tiếp tục giao lưu, bàn thảo chi tiết về thỏa thuận hợp tác giữa hai nhà trường trong thời gian tới.
Tối cùng ngày, Đoàn công tác di chuyển đến thành phố Bournemouth, phía nam của nước Anh. Bournemouth là một thành phố ven biển, nằm cách trung tâm London khoảng gần 200 km.
Ngày 07/12, Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đến thăm và làm việc tại trường Đại học Bournemouth. Ông Michael Sunderland, Phụ trách Hợp tác quốc tế, Khoa Truyền thông và Phương tiện truyền thông; GS. Scott Wright, Phó Trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Thực tế nghề nghiệp, Khoa Truyền thông và Phương tiện truyền thông; GS. An Nguyễn, giảng viên Báo chí và Truyền thông công chúng của Đại học Bournemouth tiếp và trao đổi các vấn đề tổng quát về nhà trường với Đoàn; đồng thời, trao đổi về chiến lược, phương án hợp tác đào tạo, cơ chế hoạt động của hội đồng trường với Đại học Bournemouth. Tham dự buổi làm việc còn có TS. Alastair Morrison, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Đại học Bournemouth.
Trước đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Đại học Bournemouth đã từng bàn thảo các vấn đề về hợp tác quốc tế liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng giữa hai bên. Tuy nhiên, do dại dịch Covid-19 và các lý do khách quan khác nên hai trường chưa tiến hành triển khai được các hoạt động hợp tác. Kỳ vọng, trong chuyến làm việc này, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy để tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu học thuật về các lĩnh vực mà hai bên quan tâm.
Một số hình ảnh khuôn viên và giảng đường của Đại học Bournemouth. Ảnh: Huy Phượng.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Học viện di chuyển về thủ đô London, đoàn làm việc với Đại học SOAS tại trung tâm London cùng với lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt - Anh. Đây là trung tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến châu Á, châu Phi và Trung Đông của nước Anh và là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ngành của Việt Nam nhiều năm qua. GS. Graeme Were
Hiệu trưởng Trường Luật, Nhân chủng học và Chính trị học, cùng TS. Satoshi Miyamura, Trưởng Khoa Kinh tế học đã cùng tiếp và làm việc với Đoàn. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề chiến lược hợp tác, cơ chế hoạt động của Hội đồng trường
Ngày 08/12, Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đoàn Hội Hữu nghị Việt - Anh đã cùng nhau làm việc và tham quan Thư viện Các Mác và Trường Công nhân tại số 37 phố Clerkenwell Green, trung tâm thủ đô London.
Thư viện Các Mác được thành lập năm 1933, nhân dịp 50 năm ngày mất của lãnh tụ vô sản thế giới Các Mác. Thư viện hiện đang lưu trữ hơn 60.000 đầu sách, báo về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học và các phong trào công nhân quốc tế. Ngoài ra, nơi đây cũng có rất nhiều đầu sách về lịch sử cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, đây vẫn là nơi giáo dục, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế cho nhiều thế hệ người Anh và quốc tế.
Đến thăm đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Thư viện, đoàn công tác của Học viện đã được ông Alex Gordon, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Anh, Chủ nhiệm Thư viện và Chủ tịch Liên đoàn công nhân đường sắt, đường biển và giao thông quốc gia Anh tiếp đón thân tình và trọng thị. Ông Alex Gordon đã giới thiệu và hướng dẫn đoàn tham quan các phòng trưng bày hiện vật và tư liệu quý về lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, về phong trào công nhân quốc tế và các lãnh tụ cách mạng vô sản thế giới trong lịch sử.
Trong tinh thần đoàn kết và thân ái, đoàn đã trao đổi về tình hình Việt Nam và các thành tựu phát triển kinh tế xã hội cũng như quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam nói chung, của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng, trong đó có những vấn đề có thể cùng nhau tổ chức các hội thảo, đề án nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa Mác trong các nhà trường. Đặc biệt, đoàn đã tặng Thư viện Các Mác cuốn sách bằng tiếng Anh của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mang tên: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Những bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách đã đúc kết những thành tựu phát triển lý luận, những kết quả tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là món quà ý nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi tặng các đồng chí, bạn bè quốc tế, bổ sung vào kho tư liệu của thư viện Các Mác những kinh nghiệm về cả lý luận và thực tiễn của Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Ngoài ra, đoàn còn trao tặng thư viện cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao biên soạn để kỷ niệm 110 năm Bác Hồ đặt chân đến Anh trong hành trình tìm đường cứu nước của Người (1913 - 2023).
Chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại Thư viện Các Mác là hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh, góp phần vun đắp tình hữu nghị, tăng cường quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước cũng như củng cố tình đoàn kết giữa Đảng ta với phong trào công nhân Anh.
Ngày 09/12, Đoàn công tác cấp cao của Học viện Báo chí và Tuyên truyền rời Anh về Việt Nam, kết thúc thành công tốt đẹp chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp và Vương quốc Anh, đánh dấu một bước phát triển mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường thời gian tới./.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
- Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
- Chương trình hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc năm 2024
- Hội nghị hội viên Chi hội nhà báo Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
Chiều 20/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị. GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì buổi lễ. Buổi lễ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trung tâm Học viện đến các Học viện khu vực II, III, IV.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chiều 19/6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm, chúc mừng và tặng quà một số nhà báo lão thành tại Thủ đô Hà Nội.
Chương trình hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc năm 2024
Chương trình hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc năm 2024
Hội Báo toàn quốc năm 2024, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 17/3/2024, do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia khu trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2024 với nhiều sự kiện ý nghĩa. Ban Biên tập Tạp chí thông tin đến độc giả các Chương trình hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội báo Toàn quốc năm 2024.
Bình luận