(LLCT&TT) “Hình ảnh cá nhân” của các chính trị gia là một trong những yếu tố then chốt, có sức ảnh hưởng không nhỏ tới các chính sách của quốc gia. Bên cạnh các hoạt động chính trị - ngoại giao, quan hệ đối nội, đối ngoại, báo chí chính là một kênh truyền thông hữu hiệu để hình ảnh cá nhân chính khách phủ rộng, tạo thiện cảm và sự ủng hộ từ người dân. Hình ảnh của chính trị gia trở thành hình ảnh đại diện của quốc gia, thậm chí còn có thể được coi như “thương hiệu” của một quốc gia phát triển thịnh vượng. Do đó, việc nghiên cứu quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân các chính trị gia trên truyền thông là nhiệm vụ thiết thực và cần thiết của các cơ sở đào tạo về báo chí và truyền thông trong giai đoạn hiện nay.
1. Một số vấn đề lý thuyết về hình ảnh chân dung chính trị gia và truyền thông hình ảnh quốc gia
Quốc gia, trong khoa học chính trị, là từ dùng để chỉ một cộng đồng đông đảo dân cư sinh sống tại một lãnh thổ riêng biệt được tổ chức thành nhà nước, có chủ quyền, tuân thủ một quyền lực pháp lý và chính trị chung.
Truyền thông hình ảnh (Imagine Communication) là quá trình truyền tải thông tin chủ yếu thông qua hình ảnh (bao gồm cả các ký hiệu, ký tự, bảng biểu và ảnh)
Truyền thông hình ảnh sử dụng ngôn ngữ truyền tải chính là hình ảnh, do đó quá trình này sẽ luôn nhấn mạnh vai trò cũng như đặc trưng của hình ảnh trong quá trình truyền thông, như là: hình ảnh là một sản phẩm nghệ thuật (bức tranh, ảnh), được tạo thành từ các yếu tố tạo hình là ánh sáng, màu sắc, đường nét, hình khối…, tác động trực tiếp vào cảm nhận của công chúng truyền thông; hình ảnh cũng là yếu tố đầu tiên liên kết hai chủ thể trao và nhận thông tin; hình ảnh góp phần hoàn thiện nội dung của thông điệp truyền thông; hình ảnh góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho công chúng truyền thông.
Truyền thông hình ảnh cũng chính là một quá trình trao đổi liên tục thông tin, tư tưởng, tình cảm…, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng/xã hội.
Truyền thông hình ảnh quốc gia mang các đặc điểm của cả truyền thông cá nhân và truyền thông đại chúng, bao gồm: đối tượng tác động của truyền thông đại chúng là đông đảo công chúng xã hội - những quần thể dân cư không phân biệt trình độ, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, tuổi và giới tính…; các sự kiện và vấn đề đăng tải trên truyền thông đại chúng luôn hướng tới việc ưu tiên thỏa mãn, phục vụ nhu cầu, mong đợi của nhân dân; hoạt động truyền thông mang tính mục đích rõ rệt; hoạt động truyền thông có tính phong phú, đa dạng và nhiều chiều; các thông điệp truyền thông có tính dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo; trong quá trình truyền thông, tần suất tương tác giữa chủ thể và khách thể càng nhiều, càng bình đẳng, càng nhiều người tham gia bao nhiêu, thì năng lực và hiệu quả truyền thông càng cao bấy nhiêu.
Chân dung chính trị gia: là những tác phẩm nhiếp ảnh (có thể là hội họa, điêu khắc) thể hiện đúng diện mạo, thần sắc, hình dáng của những người chuyên hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Chân dung chính trị gia mang đậm dấu ấn cá nhân của nhân vật và nếu thể hiện thành công chân dung nhân vật, người chụp ảnh có thể tái hiện lại cả những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước.
Trong cuốn sách “Truyền thông chính trị”, tác giả Arnaud Mercier (Pháp) - giáo sư chuyên ngành khoa học thông tin và truyền thông tại Đại học Paris 2-Assas, đã nhắc đến mối quan hệ giữa các phương tiện truyền thông với các chính trị gia và với công chúng/dư luận là mối quan hệ tương quan tạo thành tam giác truyền thông. Vậy người chụp ảnh chính trị - ngoại giao sẽ đứng ở đâu trong mối quan hệ này? Người chụp ảnh chính chính trị - ngoại giao là một chủ thể của hoạt động truyền thông, là nhân tố chủ động trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí/truyền thông. Người đó sẽ dụng các phương tiện truyền thông để thông tin về hoạt động của các chính trị gia/chính khách, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu của công chúng truyền thông. Họ có thể tạo nên (do vô tình/cố tình) những dư luận xã hội có lợi/có hại cho các chính trị gia/chính khách. Do minique Wolton thì nói về vai trò của chính trị gia như là một nhân tố gây ra sự khủng hoảng liên quan tới tình trạng bất cân bằng trong quan hệ giữa thông tin, truyền thông và hành động.
Dù xuất phát từ góc tiếp cận của phương Tây hay phương Đông, thì vai trò của các chính khách và các chính trị gia là hết sức quan trọng, thậm chí còn có tính chất quyết định làm thay đổi bản chất mối quan hệ giữa chính trị với chính trị, giữa chính trị với văn hóa, giữa chính trị với truyền thông, hay giữa chính trị với dư luận xã hội/công chúng truyền thông.
Truyền thông hình ảnh chân dung chính trị gia mang cả các nhân tố của truyền thông cá nhân, như là: nhân vật tham gia vào quá trình truyền thông có thể là hai hay nhiều người tham gia truyền thông trong một không gian và thời gian xác định với các mục tiêu mang tính cá nhân; mục tiêu của truyền thông cá nhân là tìm hiểu và phát hiện, là thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, là truyền đạt, giải thích, thuyết phục, là cùng nhau giải quyết vấn đề, là giải quyết các xung đột…; nội dung các thông điệp trong truyền thông cá nhân rõ ràng, cụ thể và chính xác, liên quan đến nhu cầu của đối tượng; công cụ/phương tiện truyền thông cá nhân là các yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ với sự hỗ trợ của trung gian và các công cụ kỹ thuật. Hai nhân tố không thể thiếu của truyền thông cá nhân là bối cảnh truyền thông và kênh truyền thông cá nhân.
Chúng ta thấy rằng, sự gắn kết giữa các thành tố Chính trị gia - Các kênh truyền thông - Hình ảnh truyền thông quốc gia giống như sự gắn kết hữu cơ của một quá trình truyền thông, trong đó chính trị gia vừa là chủ thể vừa là khách thể của quá trình truyền thông; các kênh truyền thông sẽ là điều kiện và phương tiện truyền thông; “hình ảnh truyền thông quốc gia” chính là sản phẩm truyền thông. Một sản phẩm truyền thông về hình ảnh quốc gia tốt sẽ có thể lan tỏa giá trị văn hóa của quốc gia và dân tộc, đồng thời định hướng sự phát triển của quốc gia đó, thậm chí quyết định cả vấn đề an ninh quốc gia.
2. Vai trò của hình ảnh chân dung chính trị gia trong truyền thông hình ảnh quốc gia
Hình ảnh chính trị gia đại diện cho hình ảnh của quốc gia, dân tộc
Các chính trị gia, chính khách chính là chủ thể của các hoạt động chính trị - ngoại giao. Mỗi chính trị gia, chính khách thường đại diện cho quyền lợi, lợi ích của một quốc gia, dân tộc, hoặc một đảng phái cụ thể. Chân dung của những chính trị gia, chính khách, do đó ngoài thể hiện đặc điểm cá nhân còn là hình ảnh đại diện cho quốc gia, dân tộc hay đảng phái của họ. Người chụp ảnh chính trị - ngoại giao không chỉ chụp một con người cụ thể, với ánh mắt nụ cười, mà còn chụp cả tâm tưởng và suy nghĩ của nhân vật, nhằm hướng tới hàng trăm, hàng triệu người mà họ đại diện. Lịch sử nhiếp ảnh báo chí sẽ nhắc mãi đến những bức ảnh chụp Bác Hồ như một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam do nhà báo Đinh Đăng Định chụp, hay bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nữ nhà báo Catherine Karnow v.v… Có thể nói, sự thành công của một phóng viên ảnh chuyên chụp ảnh chính trị - ngoại giao, chắc chắn bao gồm cả kỹ năng chụp ảnh chân dung nhân vật, và nhân vật chính của các sự kiện chính trị - ngoại giao chính là các chính trị gia, các chính khách.
Hình ảnh chính trị gia có thể định hướng dư luận xã hội
Trong số các thể loại ảnh báo chí, tính định hướng của ảnh chính trị - ngoại giao bao gồm cả ảnh chụp chân dung chính trị gia, được thể hiện nổi bật nhất. Lượng thông chứa đựng trong bức ảnh, đặc biệt là thông tin chiều sâu, thông tin định hướng vô cùng lớn. Nó đã cung cấp cho người xem những nội dung xác thực, những ý tưởng sáng chói để họ có thể tự thắp lên chính kiến của mình. Tính định hướng và nội dung tư tưởng của ảnh chính trị ngoại giao Việt Nam được thể hiện trong mỗi tác phẩm, đặc biệt nổi bật ở những cuộc gặp gỡ cấp cao mang tính lịch sử, như trong các bức ảnh: Bác Hồ và Thủ tướng Kim Nhật Thành của Triều Tiên, trong lần đầu tiên thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên, từ ngày 8 đến 12.7.1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Cliton trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, tháng 11.2000 v.v.. Mỗi bức ảnh đều chứa đựng những thông điệp mang tính định hướng với nội dung tư tưởng rõ ràng, để công chúng hiểu về những mối quan hệ chính trị ngoại giao của quốc gia, dân tộc mình với các nước khác, tại mỗi thời điểm lịch sử quan trọng.
Hình ảnh chân dung chính trị gia thể hiện cá tính của nhân vật, tạo thiện cảm của công chúng, chuyển tải giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc
Trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới, người chụp thành công ảnh chân dung chính trị gia, chính khách không nhiều, do đặc thù của lĩnh vực chính trị khiến số lượng người tiếp cận được các nhân vật quan trọng chiếm số lượng ít trong tổng số những người chuyên tác nghiệp ảnh báo chí. Thêm vào đó, để tạo được sự tin tưởng của đối tượng, để khiến đối tượng bộc lộ được những cảm xúc chân thật nhất, người chụp ảnh cần có nhiều kỹ năng, óc phán xét, sự nhạy bén… và cả sự cho phép của nhân vật.
3. Thực trạng việc sử dụng hình ảnh chân dung chính trị gia trên báo Việt Nam hiện nay
Khảo sát hai tờ Báo ảnh Việt Nam và Tạp chí điện tử ZingNews.vn trong 1 năm (từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020), chúng ta có thể đánh giá thực trạng sử dụng hình ảnh chân dung chính khách trên báo Việt Nam hiện nay ở những nội dung sau:
Về số lượng và nội dung, ảnh về chân dung chính trị gia phản ánh chủ yếu các hoạt động: tham gia các hội nghị, sự kiện quan trọng; làm việc với các cơ quan ban ngành ở các tỉnh/thành phố; thăm hỏi động viên các tổ chức/cá nhân… Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng ảnh chân dung chính trị gia được hai tờ báo sử dụng có sự chênh lệch khá rõ rệt. Các tờ báo đều tập trung phán ánh hình ảnh các chính trị gia khi tham gia vào các sự kiện của Đảng và Nhà nước (145/590 tin/bài) hoặc khi chính trị gia làm việc với các cơ quan ban ngành, tỉnh, thành phố và nhân dân (152/590 tin/bài). Một nội dung hấp dẫn và là thế mạnh của thể loại ảnh chân dung nhân vật là ảnh đời thường và chân dung đặc tả lại chiếm số lượng rất nhỏ (6/590 tin/bài)
So sánh giữa hai tờ báo có tôn chỉ mục đích khác nhau: Báo Ảnh Việt Nam với mục tiêu chuyển tải hình ảnh Việt Nam ra thế giới và tờ ZingNews.vn với mục tiêu phản ánh những thông tin, sự kiện nóng hổi, được nhiều người quan tâm, chúng ta thấy nội dung được hai tờ báo ưu tiên với mức độ khác nhau.
Về tạo hình của ảnh chân dung chính khách, các tác phẩm ảnh chụp chân dung chính trị gia trên cả hai tờ báo đều đạt yêu cầu về tạo hình: Bố cục hợp lý, ánh sáng đủ, giây phút bấm máy tốt. Tuy nhiên, cách bố cục của các bức ảnh đều nghiêng về cách chụp cẩn trọng và không phá cách, do yêu cầu chính trị và tính tư tưởng của tác phẩm ảnh chân dung chính trị ngoại giao buộc người chụp phải cân nhắc.
Có thể thấy, việc sử dụng hình ảnh chân dung chính trị gia trên các tờ báo ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phong phú về phong cách và góc độ tiếp cận. Những tờ báo ảnh lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân vẫn sử dụng hình ảnh chính trị gia theo phong cách truyền thống: nghiêm túc và ngay ngắn. Các tờ báo khác sử dụng hình ảnh chính trị gia vừa mang phong cách truyền thống vừa mang nét hiện đại, như những bức ảnh chụp chân dung đặc tả và chân dung đời thường của chính trị gia trên tờ ZingNews.vn. Thực tế khảo sát trong 1 năm cho thấy, trong khi Báo Ảnh Việt Nam không có bài nào mang tính tiêu cực về chân dung chính trị gia thì tờ ZingNews.vn có 15 tin/bài chụp về các chính trị gia vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý. Điều này cho thấy, mục tiêu tôn chỉ của tờ báo sẽ quyết định cả nội dung và hình thức của các tác phẩm, và hình ảnh chân dung chính trị gia, ở một khía cạnh tiếp cận có tính mục đích rõ ràng, cũng chính là hình ảnh quốc gia. Thực tế tờ Báo ảnh Việt Nam không đăng tải các hình ảnh chính trị gia có nội dung tiêu cực, chính là vì yêu cầu xây dựng hình ảnh một quốc gia an toàn, bình yên và hạnh phúc.
4. Sự cần thiết của việc nghiên cứu, sáng tạo lập hình ảnh chân dung chính trị gia trong giai đoạn truyền thông hiện nay
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết.
Trước thực tế đó, truyền thông về chính trị và chân dung chính trị gia là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Các hình ảnh chân dung chính trị gia được truyền tải trên các phương tiện truyền thông nhằm tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Ngày nay, “hình ảnh quốc gia” trên các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong quá trình xây dựng và quảng bá “hình ảnh quốc gia”, “hình ảnh cá nhân” của các chính trị gia là một trong những yếu tố then chốt. Dù hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào, mỗi cá nhân đều cần tạo dựng hình ảnh cá nhân cho mình, tạo được mối thiện cảm với đối tượng tiếp nhận/công chúng truyền thông. Các chính trị gia/chính khách là những người thường xuyên tham gia hoạt động chính trị, có sức ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách quốc gia, đòi hỏi phải đạt được lòng tin của đại đa số công chúng truyền thông, nên càng cần phải chú ý tới hình ảnh của cá nhân. Với mục tiêu đó, ngoài các hoạt động chính trị - ngoại giao, quan hệ đối nội, đối ngoại, báo chí chính là một kênh truyền thông hữu hiệu để hình ảnh cá nhân chính khách phủ rộng, tạo thiện cảm và sự ủng hộ từ người dân. Hình ảnh của chính trị gia được coi như một hình ảnh đại diện của quốc gia, thậm chí còn có thể được coi như ‘thương hiệu’ của quốc gia. Do đó, việc nghiên cứu quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân các chính trị gia là nhiệm vụ thiết thực và cần thiết của các cơ sở đào tạo về báo chí và truyền thông trong giai đoạn hiện nay./.
______________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Arnaud Mercier (Chủ biên)(2020), Truyền thông chính trị (La Communication Politique), Nxb. Lý luận chính trị.
2. Đào Thị Mai Anh (2021), Thực trạng sử dụng ảnh chân dung chính khách trên báo chí Việt Nam hiện nay (Khóa luận), Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
3. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng (2012), Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb. Chính trị Quốc gia.
4. Dương Xuân Ngọc, Lưu Văn An (208), Giáo trình Quan hệ chính trị quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia.
Bình luận