Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 05/6/1911, từ cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville), Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu hành trình tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường gian nan ấy, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành nhà hoạt động quốc tế Nguyễn Ái Quốc, đã tiếp cận và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó xác định con đường giải phóng cho dân tộc. Người nhận thức rõ rằng: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã xây dựng một hệ thống lý luận cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn bị mọi mặt cho sự hình thành của một chính đảng cách mạng tại Việt Nam.
Sau những năm tháng bôn ba, ngày 03/02/1930, thay mặt Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị tại Hồng Kông để hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Chương trình vắn tắt” của Đảng cũng được thông qua tại Hội nghị này.
Từ ngày 03/02/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và gần ba thập niên đầu thế kỷ XXI.
Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập. Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Người dẫn dắt đã thành công, đánh đổ chế độ thực dân, đế khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên độc lập cho dân tộc.
Thực tiễn cách mạng giai đoạn 1946 - 1954 đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ đã góp phần quyết định vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sáng 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên. Phiên họp đã thảo luận và đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quyết tâm chống lại “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Đồng thời, Hội đồng cũng xác định, cần nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, từ đó xây dựng một bản Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập.
Trong 25 năm lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1945 - tháng 9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Trung ương Đảng, đã đề ra những đường lối sáng suốt cho cách mạng Việt Nam. Người vừa lãnh đạo miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, vừa chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, nhằm tiến tới thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có những phẩm chất vô cùng cao quý gắn liền với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại mà đỉnh cao là học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã để lại cho dân tộc ta sự nghiệp vô cùng vẻ vang và cuộc đời trong sáng, cao thượng, đẹp đẽ. Những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi “soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng ta, dân tộc ta. Ghi lòng, tạc dạ công ơn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người, xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Ngay từ năm 1990, nhân dịp 100 năm Ngày sinh của Người, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết: “... Khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm cho mọi người hiểu được tầm vóc to lớn của những tư tưởng và sự nghiệp của Người”(1).
Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội - 1990), tiến sĩ M. Át -mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó"(2).
Năm nay, kỷ niệm lần thứ 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta lại càng tự hào về thân thế, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người. "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”(3).
Với hành trang là lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng độc lập, tự do, được chủ nghĩa Mác - Lênin đỉnh cao trí tuệ nhân loại soi sáng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã “vượt lớn lên, ngang tầm của con người làm nên lịch sử”. Đề cao sức mạnh của dân tộc, chủ trương phải đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc, Người luôn luôn nhấn mạnh đến đoàn kết quốc tế, đoàn kết sâu rộng với các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Và Người đã phấn đấu không mệt mỏi giữ gìn, phát triển sự đoàn kết đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thân của tinh hoa văn hoá Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, kết tinh những giá trị văn hoá vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Chính vì vậy, những năm qua, đã có hàng ngàn, hàng vạn bài viết, lời đánh giá cao về sự nghiệp cách mạng, về tư tưởng, đạo đức của Người.
Đặc biệt, từ khi khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/ 1975) đến nay, đã có hàng triệu lượt người của hầu hết các quốc gia, tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh em, bạn bè, đồng chí đã từng chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi vào Lăng viếng Bác đều như được trở về cội nguồn với sự biết ơn vô bờ bến. Từ các nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạt động chính trị, xã hội đến các thương gia, khách du lịch quốc tế, khi sang Việt Nam đều có nguyện vọng được đến Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Người.
Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon (Khamtay Siphandone), Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã trân trọng ghi cảm tưởng: " Chủ tịch Hồ Chí Minh có công to lớn trong việc đề ra và vun xới mối quan hệ vi đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt, một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước chúng ta"(4).
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân đã ghi số lưu niệm khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Tấm gương liêm khiết”(5).
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đã bày tỏ lòng kính trọng: “Những người cộng sản Pháp không bao giờ quên rằng Bác Hồ là một trong những người sáng lập ra Đảng của mình và cũng như các bạn, chúng tôi nghĩ rằng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”(6).
Từ đất nước Nam Phi xa xôi, Rô-bốt SiMon - một nhà hoạt động xã hội học, khi vào Lăng viếng Bác đã để lại dòng tình cảm của mình: "Tôi xin cám ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã mời tôi đến thăm đất nước này, thâm Lăng và nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng chói cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới với cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc xâm lược" (7).
Nói về sự khiêm tốn, giản dị chân thành của Người, cố Tổng thống Chile Xanvađo Agienđê (Salvador Allende) đã phát biểu: "Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông (8).
Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác, đã viết: "Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết…"(9). Nhà văn nữ Blaga Đimitrova của Bulgaria cũng viết trong "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh": "Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh… (10).
Ông Houari Boumediene, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa nhân dân Algeria đã viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc" (11). Tổng thống Sekou Toure của Guinea cũng viết : "Xuất sắc và dũng cảm người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á – Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới … (12).
Có thể nói, những dòng lưu niệm trên của các vị khách quốc tế với quốc tịch và màu da khác nhau đã thể hiện những tình cảm sâu sắc nhất, trân trọng nhất để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới./.
_________________________________________________
(1), (2) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 6, 22.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 516.
(4) (5) (6) Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001. tr. 18, 135.
(7) Số ghi cảm tưởng Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(8) Trích phát biểu của Tổng thống Chi Lê Xanvađo Agienđê trên báo dân tộc của Ấn Độ ngày 05/09/1969.
(9) Harrison S. Sarisbury – Nhà báo Mỹ (1967) – Nhật Khanh dịch
(10) “Hồ Chí Minh niềm hy vọng lớn nhất” – Blaga Đimitrôva – "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh", Nxb. thanh niên, H. 1985, tr. 23.
(11) “Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ Tịch”, Nxb S.T. Tập II, H. 1970, tr. 175
(12) “Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ Tịch”, Nxb S.T. Tập V, tr. 182.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
- Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
- Vấn đề động lực trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc nhìn biện chứng
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội Chi bộ khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2025 - 2027
Sáng 14/3/2025, tại phòng 1101, tầng 11 Nhà A1, Chi bộ khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng ta là một bộ phận rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị; bao trùm, chi phối mạnh mẽ những nội dung khác của công tác xây dựng Đảng về chính trị, nhằm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Để công việc này đạt hiệu quả, cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng, vận dụng tốt quan điểm ấy trong xác định giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay.
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà báo vĩ đại, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người để lại cho chúng ta khối lượng đồ sộ, nhiều thể loại các tác phẩm báo chí; hệ thống quan điểm tư tưởng, lý luận toàn diện và sâu sắc về báo chí cách mạng Việt Nam và phong cách nghề nghiệp của người làm báo. Bài viết khái quát những cống hiến chủ yếu của Người trên lĩnh vực báo chí nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, vị “cha già” của dân tộc, người dẫn lối, chỉ đường, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập. Bác đã đi xa, nhưng di sản về lý luận Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Trong kho tàng di sản quý báu đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có giá trị soi đường trong hoạt động thực tiễn xây dựng Đảng, tạo đà cho đất nước phát triển theo hướng bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả không có tham vọng sẽ hệ thống hoá được toàn bộ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ trình bày khái quát những quan điểm cơ bản của Người, qua đó làm rõ thêm giá trị khi vận dụng vào thực tiễn công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh lựa chọn độc lập dân tộc gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân theo con đường cách mạng vô sản có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là sự lựa chọn vô cùng đúng đắn, phù hợp với dân tộc và xu thế của thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nền độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta tiếp tục khẳng định và hiện thực hóa trong thực tiễn xây dựng đất nước.
Bình luận