Hoạt động báo chí trong quá trình định hình Võ Nguyên Giáp như một nhà chỉ huy quân sự: tiếp cận từ lý thuyết trường của Pierre Bourdieu
1. Đặt vấn đề
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là một trong những nhân vật đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, không chỉ bởi vai trò là Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy những chiến thắng quân sự có tầm vóc thời đại như Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) hay Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), mà còn bởi sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của ông đã khởi đầu gắn liền với hoạt động báo chí. Từ cuối thập niên 1920, khi còn là một học sinh Trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp viết và phụ trách nhiều bài báo chính luận bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp trên các tờ báo tiến bộ như L’Annam, Tiếng Dân, Le Travail, Notre Voix,… qua đó, sớm thể hiện tầm cao trí tuệ với tư duy lý luận sắc sảo, kỹ năng tranh luận chính trị vững vàng và khả năng định hướng dư luận qua ngôn ngữ. Đặc biệt, những năm 1936 – 1939 được đánh giá là thời kỳ làm báo sôi nổi nhất của nhà báo Võ Nguyên Giáp, mà những kinh nghiệm đó – theo ông – giúp ích bản thân rất nhiều sau này, kể cả khi ông chính thức chuyển qua lĩnh vực quân sự từ cuối năm 1944 (1).
Năm 2015, khi Thư viện Quốc gia Việt Nam bước đầu hệ thống lại số lượng công trình, tác phẩm của ông đã thống kê được, riêng về báo chí là hơn 600 bài với các bút danh: Trác Anh, Hải Thanh, Vân Đình, Hồng Nam, Chính Nghĩa, Hoài Vân, Chí Công, Hồng Thao, Chính Yên, Bút chì đỏ,… Các nghiên cứu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và hoạt động báo chí của Võ Nguyên Giáp nói riêng cũng nhận định nếu không phải đảm đương trọng trách cầm quân vệ quốc và trở thành một nhà quân sự tài ba tầm thế giới thì có lẽ ông sẽ là một trong những gương mặt nổi bật nhất của nền báo chí cách mạng Việt Nam (2).
Tuy nhiên, cho tới nay, trong các nghiên cứu về con người và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mối liên hệ giữa hai giai đoạn – làm báo và làm tướng – vẫn chưa thực sự được khám phá như một vấn đề nghiên cứu độc lập. Trong phần lớn các tác phẩm hồi ký, tiểu sử hoặc công trình nghiên cứu về tư tưởng quân sự của Võ Nguyên Giáp, hoạt động báo chí thường được xét đến như một giai đoạn chuẩn bị, mang tính chất tiểu sử, hơn là được xem xét và nghiên cứu như một yếu tố có đóng góp thực chất vào việc định hình tư duy chiến lược quân sự sau này của ông. Các nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp ở góc độ một nhà chỉ huy quân sự thường tập trung phân tích tài thao lược điều binh khiển tướng, năng lực tác chiến và khả năng chỉ huy chiến dịch quy mô lớn mà hiếm khi tiếp cận và nghiên cứu một cách hệ thống về quá trình hình thành tư duy chiến lược của ông – đặc biệt trong giai đoạn ông chưa trực tiếp phụ trách quân sự, chưa có trải nghiệm chiến trường.
Bài viết này, tiếp cận thông qua khung lý thuyết “trường” của Pierre Bourdieu (1930 – 2002), đặt ra giả thuyết: chính hoạt động báo chí – như một “trường” (field) xã hội đặc thù – đã góp phần then chốt trong việc hình thành tập tính (habitus) tư duy chiến lược, góp phần định hình nên Võ Nguyên Giáp như một nhà chỉ huy quân sự. Mục tiêu của bài viết là phân tích để khẳng định: sự hình thành năng lực tổ chức, tư duy phân tích tình thế, tổ chức luận điểm và thuyết phục công luận – những yếu tố có vai trò tiền đề trong việc hình thành tư duy chiến lược quân sự của ông – đã được rèn luyện ngay từ khi Võ Nguyên Giáp hoạt động trong “trường” báo chí trước năm 1945. Nói cách khác, hoạt động làm báo đã góp phần tạo nên một kiểu tư duy hành động được Võ Nguyên Giáp chuyển hóa sang lĩnh vực quân sự sau này.
Thông qua việc phân tích các hình thái hoạt động (action) của Võ Nguyên Giáp trong “trường” báo chí giai đoạn trước năm 1945 (trước khi ông chính thức chuyển hẳn sang hoạt động quân sự chuyên nghiệp) với quá trình tích lũy vốn, luyện rèn tập tính tư duy chiến lược và chuyển hóa ngôn ngữ thành năng lực tác chiến trong “trường” quân sự qua hoạt động cầm quân đánh trận đầu tiên là chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần (1944), bài viết không nhằm nghiên cứu tư tưởng quân sự thuần túy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tập trung làm rõ tác động định hình của hoạt động báo chí đối với tư duy chỉ huy quân sự của ông, từ đó gợi mở một cách tiếp cận có tính liên ngành giữa báo chí học, xã hội học và lịch sử tư tưởng quân sự.
2. Lý thuyết trường của Pierre Bourdieu
2.1. Trường, tập tính và vốn trong lý thuyết của Pierre Bourdieu
Pierre Bourdieu (1930-2002), được coi là một trong những gương mặt lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học xã hội Pháp, và có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX. Các nghiên cứu của ông xuất phát từ nhân học đã nhanh chóng chuyển sang xã hội học và được triển khai trên một quy mô rất rộng bao trùm nhiều ngành và nhiều lĩnh vực của khoa học nhân văn. Ông xây dựng hệ thống triết lý về hành động cá nhân và cấu trúc xã hội với những khái niệm trung tâm, cô đọng như trường (field), vốn (capital), tập tính (habitus)…, trong đó, “trường” là khái niệm nổi bật nhất (3).
Bourdieu hình dung các lĩnh vực trong xã hội giống như các trường vật lí gồm cực âm và cực dương, chứa đựng các tác nhân (agents) mang lực hút và lực đẩy, tạo nên một trường tranh đấu và cạnh tranh. Mỗi trường có quy tắc (logic) vận hành riêng, xác định giá trị khác nhau về các loại vốn (capital): ví dụ, trong trường học thuật, vốn trí tuệ và học vấn được đánh giá cao; trong trường chính trị, vốn biểu tượng và vốn mạng lưới quyền lực có trọng lượng. Các tác nhân trong một trường thường xuyên di chuyển vị trí trong trường do hệ quả của hợp lực tác động. Và Bourdieu cũng nhấn mạnh rằng các trường không tách biệt tuyệt đối mà có thể tương tác, xung đột hoặc chuyển hóa vốn lẫn nhau, chẳng hạn như trường quân sự có thể chịu tác động của trường chính trị, trường văn hóa, trường kinh tế...
Khi tham gia vào trường, các cá nhân đều mang theo nhiều loại vốn khác nhau và vẫn tiếp tục huy động các vốn đó trong quá trình tương tác, hoạt động trong trường. Vốn mà cá nhân tích lũy từ trường này có thể trở thành lợi thế trong trường khác, với điều kiện phải biết dịch chuyển vốn đó theo quy tắc của trường mới. Một tướng lĩnh trong trường quân sự ngoài sở hữu vốn tài năng thao lược, khả năng điều binh khiển tướng thì họ còn có nhiều vốn khác như vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội… và họ sử dụng các loại vốn này thông qua việc thực thi chiến thuật (strategy) để cố gắng di chuyển từ vị trí thấp đến vị trí cao trong trường. Khi thực thi bất cứ một hoạt động (action) nào, họ sẽ phóng ra các lực hút và lực đẩy đến những tác nhân khác trong trường, khiến không chỉ bản thân họ di chuyển mà những tác nhân xung quanh họ cũng di chuyển vị trí và thường không dễ thấy như kết quả của luật nhân - quả trực tiếp.
Như vậy, theo Bourdieu, xã hội vận hành như một tập hợp các “trường” – không gian tranh đấu và cạnh tranh được cấu trúc theo quy tắc riêng biệt. Lý thuyết hành động của Bourdieu được xác định bởi mối quan hệ hai chiều giữa các cấu trúc khách quan (các cấu trúc của các trường xã hội) và các cấu trúc được sáp nhập vào (các cấu trúc của tập tính). Bourdieu không đơn giản chỉ tìm hiểu các tác động xã hội đến đối tượng nghiên cứu như thể các tác động này là tất yếu, một chiều. Nghiên cứu lịch sử tư tưởng quân sự truyền thống lâu nay vẫn xem tướng lĩnh là sản phẩm tất yếu của lịch sử xã hội và của tiểu sử chính bản thân nhân vật đó. Các phân tích cố gắng giải thích xem những biến cố của thời đại và sự kiện trong đời tư đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy, nhận thức, tình cảm của đối tượng nghiên cứu, xem hoạt động của họ là sản phẩm của luật nhân - quả trực tiếp từ những tác động xã hội chứ không nhìn thấy sự chủ động của họ trong không gian cấu trúc xã hội này.
Theo lý thuyết trường của Bourdieu, trong mỗi trường, các tác nhân tương tác để tích lũy và sử dụng các loại vốn: văn hóa, kinh tế, xã hội, biểu tượng. Hành động cá nhân không được hiểu như sản phẩm thuần lý trí, mà là kết quả của tập tính – những khuynh hướng hành động, cảm nhận và suy nghĩ được hình thành qua trải nghiệm sống và xã hội hóa. “Tập tính vừa là sản phẩm của trường, vừa là nguyên nhân tái sản sinh trường” (4). Và lý thuyết này là một hướng tiếp cận hữu ích để nghiên cứu quá trình hình thành tư duy chiến lược – một loại năng lực không thể rút gọn thành kiến thức quân sự đơn thuần, mà là sản phẩm của kinh nghiệm tích lũy vốn, tập tính xuyên trường, xuyên lĩnh vực nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2.2. Trường báo chí và trường quân sự ở Việt Nam giai đoạn trước năm 1945
Trong bối cảnh Việt Nam thời Pháp thuộc giai đoạn trước 1945, “trường” báo chí là một trường xã hội mới nổi chưa đựng nhiều mâu thuẫn. Một mặt, sự trỗi dậy của tầng lớp trí thức mới bản xứ cùng phong trào yêu nước đặt ra yêu cầu về một nền báo chí dân tộc, độc lập. Mặt khác, chính quyền thực dân Pháp siết chặt kiểm duyệt và sử dụng luật báo chí 1881 như công cụ đàn áp. Dù bị giới hạn ngôn luận, báo chí vẫn là nơi tranh luận công khai về chính trị, xã hội, dân quyền, quyền công nhân và độc lập dân tộc (5). “Trường” báo chí là một không gian xã hội bán hợp pháp, một không gian tranh đấu mới mẻ, nơi các tác nhân như nhà trí thức, nhà cách mạng, nhà văn hóa thông qua hoạt động báo chí mà tương tác, cạnh tranh và thảo luận công khai về các vấn đề thời cuộc trên bằng các vốn chủ yếu là vốn văn hóa (trình độ học vấn, khả năng viết lách), vốn chính trị (liên kết tổ chức, lập trường cách mạng), vốn biểu tượng (tên tuổi, khả năng định hướng dư luận).
Giá trị trong trường báo chí thời kỳ này không nằm ở lợi nhuận kinh tế hay số lượng phát hành, mà ở khả năng gây ảnh hưởng chính trị – tư tưởng, tạo dựng uy tín cá nhân, và định hình dư luận. Các nhà báo phải thích nghi với kiểm duyệt, phát triển chiến thuật ngôn ngữ “nói tránh”, ám chỉ, viết xen kẽ chính trị – văn hóa. Họ buộc phải sáng tạo trong chiến lược truyền thông, thiết lập mạng lưới in ấn – phát hành chui, giữ quan hệ với trí thức trong và ngoài nước. Đặc điểm này khiến báo chí không đơn thuần là kênh truyền thông mà còn là “mặt trận đấu tranh tư tưởng”, là “trường thực hành chính trị” đầy cam go, là nơi thử thách năng lực tổ chức, linh hoạt, và xử lý rủi ro.
Năm 1927, đúng 16 tuổi, khi đang là học sinh Trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bằng tiếng Pháp: “Hue, Quel singuller régime dans un college?” (Huế - Chế độ lạ kỳ gì thế trong một trường quốc học?) đăng trên tờ L’Annam xuất bản tại Sài Gòn tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị (6). Bài báo ra đời trong phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh khởi nguồn từ chính ngôi trường Quốc học Huế. Chính vì bài báo này cùng với hành động biểu tình ủng hộ nhà yêu nước Nguyễn Chí Diểu, ông bị đuổi khỏi trường (7). Có thể nói, Võ Nguyên Giáp bước vào trường báo chí từ vị thế nhà trí thức mới (tân học) đồng thời là một nhà cách mạng.
Trong khi đó, “trường” quân sự cách mạng Việt Nam giai đoạn trước năm 1945 chưa có cấu trúc ổn định, và theo lý thuyết trường của Bourdieu, trường quân sự không hoàn toàn biệt lập, được kiến tạo bởi chính các tác nhân đến từ trường báo chí – chính trị – trí thức. Đây cũng là một không gian xã hội đặc biệt, nơi tác nhân hành động không chỉ dựa vào khả năng điều binh khiển tướng mà còn dựa trên uy tín chính trị, khả năng tổ chức và sự nhạy cảm chiến lược. Trong trường này, vốn quân sự (kinh nghiệm trận mạc, năng lực chiến đấu), vốn tổ chức (khả năng huy động lực lượng, xây dựng cơ sở), và vốn biểu tượng (sự tin cậy trong mắt đồng đội và quần chúng) là những yếu tố có giá trị. Vì vậy, nhìn theo lý thuyết trường của Bourdieu, trong trường hợp của Võ Nguyên Giáp, có cơ sở để đặt giả thuyết rằng: khi được giao trọng trách tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chính thức chuyển dịch hoạt động sang “trường” quân sự, ông đã “tái cấu trúc” các vốn (capital) đã tích lũy từ “trường” báo chí, đồng thời phát triển tập tính (habitus) tư duy chiến lược từ nền tảng tư duy ngôn ngữ, tổ chức và tranh luận của nhà báo - nhà chính trị - nhà tư tưởng như là đặc điểm các tác nhân của “trường” báo chí Việt Nam lúc bấy giờ. Việc khảo sát hành trình dịch chuyển giữa hai trường này giúp soi sáng cách nhà báo Võ Nguyên Giáp “trở thành” nhà chỉ huy quân sự.
3. Sự dịch chuyển liên trường báo chí và quân sự của Võ Nguyên Giáp
3.1. Chủ thể Võ Nguyên Giáp và hoạt động trong trường báo chí
Từ bài báo viết bằng tiếng Pháp xuất hiện đầu tiên trên tờ L’Annam năm 1927 mà như nhận xét của chủ bút khi đó là Luật sư Phan Văn Trường rằng “Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris” (8), cũng giống như lãnh tụ Hồ Chí Minh và các vị lão thành cách mạng tiền bối khác, Võ Nguyên Giáp sớm cho thấy hoạt động làm báo là để làm cách mạng. Ông sử dụng báo chí làm phương tiện để truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ, định hướng dư luận và phục vụ những nhiệm vụ cách mạng của nhân dân Việt Nam. Sự nghiệp báo chí của Võ Nguyên Giáp không kéo dài nhiều năm, nhưng lại dày đặc về mật độ hoạt động và tầm ảnh hưởng. Ngoài vai trò biên tập, ông còn tham gia tổ chức in ấn bí mật, phát hành tài liệu nội bộ, vận động học sinh – sinh viên tham gia mạng lưới cách mạng. Các nguồn hồi ký như của Tạ Quang Bửu, Trường Chinh, và Đặng Thai Mai đều nhấn mạnh rằng chính trong hoạt động báo chí, ông thể hiện sớm năng lực tổ chức, tinh thần đấu tranh và khả năng lý luận vượt trội (9). Những kỹ năng này được thử thách trong môi trường gắt gao – nơi sai sót có thể dẫn đến bắt bớ, tù đày – đã tạo ra một lớp nền “chiến lược” cho tư duy và hành động của ông sau này.
3.2. Vốn tích lũy của Võ Nguyên Giáp trong trường báo chí
Thực hành hoạt động báo chí, Võ Nguyên Giáp sớm thể hiện khả năng tích lũy vốn văn hóa (qua học vấn Pháp - Việt), vốn biểu tượng (qua lập trường dân tộc cấp tiến) và vốn xã hội (liên kết với các nhóm lập trường chính trị tiến bộ) của mình. Những bài báo ông viết, đặc biệt sôi nổi trong giai đoạn 1936 – 1939, trên các tờ Tiếng Dân, Le Travail, Notre Voix… cho thấy quá trình rèn luyện ngôn ngữ luận chiến, tính khái quát chính trị và tổ chức thông tin nhằm phục vụ hành động tập thể (10).
+ Vốn văn hóa: Võ Nguyên Giáp bước vào “trường” báo chí như một trí thức tân học bản xứ có nền tảng đào tạo kết hợp cả Nho học truyền thống và Tây học hiện đại. Nền tảng kết hợp này giúp ông sớm có khả năng tư duy và giao tiếp uyển chuyển: một mặt tiếp thu lối tư duy logic, thực chứng của triết học và luật học phương Tây, mặt khác giữ được trực giác lịch sử và cảm quan đạo đức từ Nho giáo. Những năm học tập ở Trường Quốc học Huế và sau đó là Khoa Luật Đại học Đông Dương đã giúp ông tích lũy lượng vốn văn hóa nền tảng – không chỉ là tri thức lịch sử, chính trị quốc tế, luật pháp, các lý thuyết cách mạng dân chủ, xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc phản đế… mà còn có kỹ năng viết lách, lập luận, tranh biện – vốn rất cần thiết trong hoạt động báo chí và tổ chức đoàn thể (11).
+ Vốn biểu tượng: Những hoạt động báo chí sôi nổi của Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1936 – 1939, trong trường báo chí tiến bộ, trên các tờ Tiếng Dân, Le Travail, Notre Voix… cùng với các nhân vật như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đặng Thai Mai… đã tích lũy vốn biểu tượng nơi ông là hình ảnh một trí thức dân tộc cấp tiến, có khả năng lãnh đạo tư tưởng, được kính trọng trong giới học sinh, sinh viên Việt Nam.
+ Vốn xã hội: Không chỉ viết bài, Võ Nguyên Giáp còn trực tiếp tham gia hầu như vào mọi công đoạn của tờ báo, từ biên tập, sửa morasse, tổ chức tòa soạn, kết nối nhân sự, phân công nhiệm vụ, điều phối nội dung (12). Những kỹ năng này về sau trở thành vốn tài nguyên quý giá khi Võ Nguyên Giáp chuyển sang tổ chức lực lượng vũ trang. Chính qua hoạt động báo chí và phong trào Thanh niên Dân chủ, tổ chức Việt Minh, ông hình thành một mạng lưới xã hội - những đồng chí, đồng sự, bạn đọc, các mối liên hệ với các nhà trí thức cánh tả như Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu,… - làm nền tảng cho cấu trúc “trường” quân sự về sau. Hay nói cách khác, hoạt động báo chí giai đoạn này vừa là nơi sản sinh tư duy, vừa là nơi luyện rèn năng lực vận động tập thể, tổ chức tập thể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
3.3. Từ trường báo chí đến tập tính tư duy chiến lược
Quá trình tích lũy vốn đó cũng như qua chủ đề nội dung và văn phong thể hiện của các bài báo như “Vũ trụ và tấn hóa”, “Nền học thuật bình dân”, “Những sự nhu yếu của loài người”… (ký Hải Thanh trên báo Tiếng Dân), “Báo Le Travail tại nơi những người bị lụt”, “Về cuộc đình công của 6.000 công nhân mỏ Cẩm Phả”, “Những bài học của một cuộc đình công thắng lợi”… (báo Le Travail), hay “Liên hiệp lại và tranh đấu”, “Trở lại Hiệp ước 1884”… (ký Vân Đình, Hồng Nam trên báo Notre Voix)… (13), Võ Nguyên Giáp đã cho thấy khuynh hướng hành động, tập tính (habitus) của ông trong thời kỳ này là: tư duy tổ chức mạng lưới, huy động lực lượng qua ngôn ngữ, sử dụng tri thức để định hướng thực tiễn, và kết hợp giữa lý luận với hành động cụ thể. Những yếu tố này về sau sẽ trở thành cấu phần cốt lõi trong tập tính (habitus) chiến lược của một vị tướng lĩnh cách mạng nhìn từ lý thuyết trường của Bourdieu, phân tích theo sự chuyển dịch các động lực liên trường (inter-field dynamics).
+ Tư duy tổ chức mạng lưới và năng lực chỉ huy sơ khai: Việc tổ chức các nhóm viết bài, liên lạc in ấn – phát hành trong điều kiện hoạt động báo chí bán hợp pháp yêu cầu sự phân công chặt chẽ, kỷ luật hành động và khả năng ứng phó với rủi ro (14). Mạng lưới báo chí mà Võ Nguyên Giáp thiết lập, vận hành cũng là nơi thử nghiệm khả năng phân tích tình hình và ra quyết định trong điều kiện thiếu thốn thông tin – giống như điều kiện trong chiến tranh du kích sau này. Có thể nói, đây là “bài tập đầu tiên” về chiến thuật tổ chức lực lượng mà Võ Nguyên Giáp từng thực hiện.
+ Ngôn ngữ như công cụ hành động chiến lược: Trong báo chí cách mạng Việt Nam, ngôn ngữ không đơn thuần là phương tiện miêu tả, thông tin mà còn là công cụ kêu gọi, vận động, định hướng, dẫn dắt và tổ chức quần chúng. Viết ngắn gọn, giàu biểu tượng, khơi dậy cảm xúc và ý chí hành động là nguyên tắc cốt lõi của các nhà báo cách mạng Việt Nam thời kỳ này. Và các bài báo của Võ Nguyên Giáp thời kỳ này (như liệt kê trên) cho thấy rõ điều đó: Các bài báo thường được viết dưới dạng tiểu luận chính trị – xã hội, phê bình hệ thống cai trị thực dân, đề xuất các hướng đi cách mạng cho Việt Nam (15). Các bài viết của ông thể hiện tư duy phân tích hệ thống không chỉ phản ánh thực trạng mà thường phân tích sâu nguyên nhân lịch sử, cấu trúc cai trị, tương quan lực lượng – một dạng tư duy chiến lược chính trị tiệm cận tư duy quân sự.
Đại tướng có lối viết mạch lạc, chia tầng thông tin rõ ràng theo bố cục logic – nguyên nhân, hiện trạng, giải pháp – cách tổ chức tương đồng với việc lập kế hoạch chiến dịch. Trong các bài báo, thay vì chỉ phản ánh Võ Nguyên Giáp thường lập luận đối kháng, có định hướng hành động rõ ràng phải làm gì, phản bác lại những quan điểm trái chiều, xác lập một “chiến tuyến ngôn ngữ”… Kỹ năng này về sau được Võ Nguyên Giáp phát huy trong các văn bản quân sự, nơi ông viết mệnh lệnh rõ ràng, hiệu triệu mạnh mẽ, ví dụ trong lời kêu gọi của Đại tướng trong Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 hay Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 (16). Có thể nói: khả năng biến ngôn ngữ thành động lực xã hội chính là cầu nối giữa habitus báo chí và habitus chiến lược trong trường hợp Võ Nguyên Giáp.
+ Tư duy phân tích – tổng hợp – dự báo: Việc viết báo buộc người viết phải hiểu rõ bối cảnh, tổng hợp dữ kiện, suy luận tình huống và định hướng công chúng. Những kỹ năng này tương ứng với các năng lực cần có trong chỉ huy quân sự: đọc địa bàn, đánh giá lực lượng, lựa chọn thời cơ. Trong hồi ký và các văn bản quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta thấy một lối viết phân tích – tổng hợp rất sắc bén, từ đó cho thấy sự tiếp nối rõ rệt từ tư duy báo chí sang tư duy chiến lược (17). Có thể phân tích sự kế thừa chuyển dịch tập tính báo chí và tập tính chiến lược này qua trải nghiệm chiến trường đầu tiên của Võ Nguyên Giáp: hai trận đánh mở màn của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tấn công chiếm đồn Phai Khắt và Nà Ngần vào ngày 25 và 26/12/1944, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Dù quy mô nhỏ, chiến dịch này mang tính thử lửa và có ý nghĩa chiến lược – biểu tượng rất cao (18).
Dưới góc nhìn lý thuyết "trường" của Bourdieu, hai trận đánh này có thể được giải thích như một hành vi tác chiến quân sự được cấu thành từ một habitus hình thành trong trường báo chí và chính trị. Sự chuyển hóa đó thể hiện ở một số điểm sau:
+ Chọn mục tiêu chiến lược thay vì mục tiêu dễ đánh: Phai Khắt và Nà Ngần không phải là nơi yếu nhất, nhưng là đồn có tính biểu tượng chính trị cao – cho thấy tư duy “đánh để gây ảnh hưởng”, không chỉ để tiêu diệt. Đây là tư duy tương đồng với cách Võ Nguyên Giáp viết báo: nhắm vào điểm then chốt trong hệ thống luận chiến của mình.
+ Lên kế hoạch chi tiết, tổ chức chặt chẽ: Võ Nguyên Giáp khảo sát đồn kỹ, phân tích thời điểm thay đổi phiên gác, lên phương án chia tổ đội, dự phòng tình huống… Điều này phản ánh lối tư duy cấu trúc logic đã được rèn luyện qua cách viết báo và giảng dạy chính trị trước đó của ông.
+ Tận dụng tối đa hiệu ứng tuyên truyền của trận đánh: Ngay sau trận thắng, Võ Nguyên Giáp cho ra tờ báo viết tay Tiếng súng reo, không chỉ phát hành chính thức bằng tiếng phổ thông, tờ báo còn được dịch ra tiếng Tày, tiếng Nùng để phát hành ra các tổ chức quần chúng khác. Sự ra đời của tờ báo đã kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện bộ đội, tạo niềm tin trong dân và gây hoang mang, lo sợ cho kẻ thù trước sự phát triển mạnh mẽ của đội quân cách mạng (19). Ngoài tài liệu tuyên truyền được in, truyền tai, đội quân di chuyển theo hướng có thể gặp dân để truyền tin. Rõ ràng, Võ Nguyên Giáp không đánh hai đồn đơn thuần vì ý nghĩa quân sự mà hướng đến hiệu quả biểu tượng – một tư duy mang đậm dấu ấn báo chí.
Theo Bourdieu, con người hành động không hoàn toàn tự do hay bị chi phối tuyệt đối bởi cấu trúc; thay vào đó, hành vi là kết quả của sự tương tác giữa vốn (capital), tập tính (habitus), và trường (field). Trong phân tích trường hợp Võ Nguyên Giáp, có thể hình dung ông như một chủ thể “liên trường” (inter-field) – một tác nhân chuyển hóa năng lực giữa hai môi trường xã hội khác nhau: báo chí – tư tưởng và quân sự – chiến đấu.
Vốn ngôn ngữ, lý luận, chính trị mà Võ Nguyên Giáp tích lũy trong trường báo chí, qua việc viết báo, giảng dạy lịch sử, hoạt động tuyên truyền, đã không bị mất đi khi ông chuyển sang trường quân sự, mà ngược lại, được “tái cấu trúc” thành vốn chiến lược, năng lực tổ chức, khả năng truyền cảm hứng và thuyết phục. Tập tính tư duy chiến lược của ông – tức những thiên hướng tư duy về mục tiêu, lựa chọn phương tiện, xử lý tình huống – đã được định hình một phần đáng kể từ chính quá trình thực hành trong trường báo chí. Việc ông chính thức chuyển sang hoạt động quân sự chuyên nghiệp từ cuối năm 1944 không phải là quá trình “thay vai” đột ngột mà là một sự chuyển dịch tự nhiên của tư duy hành động từ lời nói sang vũ lực. Hay việc Đại tướng lập kế hoạch chiến dịch, chọn thời điểm, định hướng mục tiêu, kết hợp hiệu quả quân sự với hiệu ứng tuyên truyền (trong trận đánh Phai Khắt – Nà Ngần) cho thấy cách thức ông đọc và tổ chức thực tại như một “bản tin hành động”, chứ không chỉ là chiến thuật quân sự đơn thuần.
Tóm lại, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một mối liên hệ bên trong gắn kết đặc biệt giữa nghệ thuật tổ chức thông tin trong hoạt động làm báo với nghệ thuật bày binh bố trận trong đánh giặc, trong lãnh đạo quân sự của ông. Như chính tâm sự của Đại tướng nhân dịp ông được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam: “Có thể nói, suốt quá trình trên sáu mươi năm hoạt động cách mạng, tôi không bao giờ xa rời công tác báo chí… Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng như tổ chức một trận đánh hiệp đồng.” (20)
4. Kết luận
Tiếp cận từ lý thuyết trường của Pierre Bourdieu cho phép ta nhìn nhận hoạt động làm báo của Võ Nguyên Giáp không chỉ như một giai đoạn tiền chính trị, mà như một quá trình tích lũy vốn và hình thành tập tính mang tính chiến lược trong một không gian xã hội cụ thể: trường báo chí Việt Nam giai đoạn thuộc Pháp trước năm 1945. Trong trường này, thực hành báo chí không đơn thuần là viết lách, mà là hành động xã hội có tổ chức, có định hướng, đòi hỏi năng lực tư duy tổng thể, phản xạ chiến lược và khả năng huy động vốn biểu tượng. Chính trong môi trường ngôn luận bị kiểm soát khắt khe ấy, Võ Nguyên Giáp đã phát triển một hệ thống khuynh hướng hành động – tập tính (habitus) – dựa trên khả năng tổ chức, dự báo và truyền thông chiến lược.
Khi bước sang trường quân sự, những khuynh hướng này không bị triệt tiêu mà được tái cấu trúc và phát huy trong điều kiện mới, cho thấy tính di động của vốn và habitus giữa các trường xã hội. Thực hành báo chí, vì vậy, không phải là một chương khép lại trong tiểu sử chính trị của Võ Nguyên Giáp, mà là lớp nền quyết định cho sự định hình tư duy chỉ huy về sau.
Phân tích từ lý thuyết “trường” của Bourdieu giúp hạn chế được hai quan điểm sơ sài, cực đoan: Một là quan niệm thiên tài bẩm sinh – như thể tư duy chiến lược của Võ Nguyên Giáp tự nhiên mà có, không cần tích lũy. Hai là quan niệm duy kinh nghiệm quân sự – như thể chỉ có thực chiến mới làm nên một nhà quân sự. Có thể khẳng định tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không sinh ra một cách ngẫu nhiên khi ông được trao quyền Tổng tư lệnh. Ngược lại, với cách tiếp cận xã hội học, có thể nói rằng: tư duy chiến lược là kết quả của một tiến trình tích lũy vốn và tái tổ chức tập tính. Kết quả của tiến trình đó đã giúp nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp nhanh chóng nắm bắt và làm chủ “trường” quân sự dù không được đào tạo chính quy, biến chiến trường thành nơi thực thi một loại tư duy đã được hình thành từ trước trong không gian công luận – hoạt động báo chí cách mạng.
Tham luận này không nhằm tuyệt đối hóa vai trò của báo chí trong tư duy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà gợi mở một hướng tiếp cận liên ngành giữa báo chí học, xã hội học và lịch sử tư tưởng quân sự để có thể góp thêm một cách hiểu, cách nhìn khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng, đa dạng với dấu ấn trên rất nhiều phương diện, lĩnh vực của con người kiệt xuất này./.
_________________________________
(1), (20) Trần Bá Dung (2021). Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Một nhà báo lớn https://nguoilambao.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-mot-nha-bao-lon
(2), (6) Dương Phước Thu (2021). Về một bài báo đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c107/n30583/Ve-mot-bai-bao-dau-tien-cua-Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap.html
(3), (4) Bourdieu, P. (2021). Raisons Pratiques – Sur la théorie de l’action. Bản dịch: Lý do thực tiễn: về lý thuyết hành động. Nguyễn Tùng dịch và chú giải. NXB Tri thức, tr.13-
(5) Phan, Đăng Thanh & Trương, Thị Hòa (2017). Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam. NXB Tổng hợp TP.HCM, tr. 33-34
(7), (8), (12), (14), (19) Hồ Quang Lợi (2021). Võ Nguyên Giáp: Nhà báo chính luận xuất sắc https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/vo-nguyen-giap-nha-bao-chinh-luan-xuat-sac-p25429.html
(9), (10), (11), (13), (15) Nguyễn, Thành (2005). Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB Lý luận chính trị, tr. 17-32, tr. 41-58, tr. 70-120, tr. 135, tr. 606-607.
(16), (17) Nguyễn Bội Giong (2021). Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp https://media.qdnd.vn/long-form/tu-duy-chien-luoc-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-55287
(18) Đăng Anh (2024). Chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần: Biểu tượng cho trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh https://www.bienphong.com.vn/chien-thang-phai-khat-na-ngan-bieu-tuong-cho-tri-tue-va-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-thoi-dai-ho-chi-minh-post482408.html
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Quản lý thông tin về văn hóa tôn giáo trên báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Thông điệp về thích ứng với biến đổi khí hậu trên báo mạng điện tử khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2024
- Quản lý thông tin về phòng, chống mua bán người trên truyền hình Việt Nam hiện nay
- Doanh nghiệp đặc sản vùng miền với truyền thông trách nhiệm xã hội
- Thái độ tiếp nhận của sinh viên đối với các sản phẩm truyền thông tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo trên nền tảng Tiktok
Xem nhiều
-
1
[Video] Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
2
Hoạt động truyền thông của các câu lạc bộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Ngoại giao
-
3
Phê phán luận điệu xuyên tạc các nghị quyết “bộ tứ trụ cột”
-
4
Thái độ tiếp nhận của sinh viên đối với các sản phẩm truyền thông tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo trên nền tảng Tiktok
-
5
[Ảnh] Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2025
-
6
Bóc mẽ thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử Đảng trên không gian mạng của các thế lực thù địch
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Trong bức tranh truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang dần được tái hiện với nhiều sắc thái mới, giàu tính biểu cảm và phản ánh đa dạng vai trò của họ trong đời sống đương đại. Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), việc quản lý, thể hiện và lan tỏa hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu nội dung lẫn chất lượng hình thức. Không chỉ đơn thuần là những khuôn hình đặc tả trang phục truyền thống hay lao động thường nhật, các sản phẩm báo ảnh tại đây còn hướng tới việc khắc họa chân dung người phụ nữ dân tộc với vai trò chủ thể phát triển – là cán bộ, trí thức, doanh nhân, nghệ nhân... Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm quản lý tốt hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay.
Hoạt động báo chí trong quá trình định hình Võ Nguyên Giáp như một nhà chỉ huy quân sự: tiếp cận từ lý thuyết trường của Pierre Bourdieu
Hoạt động báo chí trong quá trình định hình Võ Nguyên Giáp như một nhà chỉ huy quân sự: tiếp cận từ lý thuyết trường của Pierre Bourdieu
Tiếp cận từ lý thuyết "trường" (field) của Pierre Bourdieu, bài viết đặt giả thuyết rằng việc hình thành tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không đơn thuần như một sản phẩm của “trường” quân sự, mà là kết quả của một quá trình dịch chuyển vốn và tập tính từ trường báo chí sang trường quân sự. Bài viết hướng đến làm rõ hoạt động báo chí của Võ Nguyên Giáp giai đoạn 1927 – 1944 không chỉ là hình thức tuyên truyền, đấu tranh chính trị, mà còn là một không gian rèn luyện tư duy tổ chức, năng lực huy động và năng lực tổng hợp – những yếu tố nền tảng cấu thành tư duy chiến lược quân sự sau này của ông. Trong điều kiện chưa tiếp cận đầy đủ các văn bản báo chí gốc, bài viết chọn hướng phân tích theo lối cấu trúc xã hội (social structure), sử dụng các khái niệm như vốn (capital), tập tính (habitus), và động lực liên trường (inter-field dynamics) để phân tích quá trình hình thành năng lực chiến lược quân sự ở Võ Nguyên Giáp, từ đó, mở ra hướng tiếp cận liên ngành giữa báo chí học, xã hội học và lịch sử tư tưởng quân sự.
Quản lý thông tin về văn hóa tôn giáo trên báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Quản lý thông tin về văn hóa tôn giáo trên báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và đa dạng, công tác quản lý thông tin về tôn giáo trở nên quan trọng trong việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm đoàn kết dân tộc và nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo. Báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ phát động liên quan đến đời sống của đồng bào tôn giáo. Vì vậy, nghiên cứu quản lý thông tin về văn hoá tôn giáo trên báo chí của MTTQ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ sự ổn định xã hội.
Thông điệp về thích ứng với biến đổi khí hậu trên báo mạng điện tử khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2024
Thông điệp về thích ứng với biến đổi khí hậu trên báo mạng điện tử khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2024
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày càng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực được xem là trọng điểm nông nghiệp và sinh kế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, truyền thông, đặc biệt là báo mạng điện tử (BMĐT) địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp và nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và công cụ thu thập dữ liệu tự động, với tổng cộng 561 bài viết được mã hóa, phân tích từ ba tờ BMĐT (Báo Hậu Giang, Báo Cà Mau và Báo Cần Thơ) trong năm 2024. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất những khuyến nghị định hướng nâng cao chất lượng thông điệp về thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay
Quản lý thông tin về phòng, chống mua bán người trên truyền hình Việt Nam hiện nay
Quản lý thông tin về phòng, chống mua bán người trên truyền hình Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nạn mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, truyền hình Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ phòng ngừa loại tội phạm này. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin về phòng, chống mua bán người trên truyền hình hiện vẫn tồn tại những bất cập cả về nội dung, hình thức lẫn quy trình sản xuất và phối hợp giữa các bên liên quan. Bài viết khảo sát thực trạng tại ba kênh truyền hình tiêu biểu VTV1, QPVN và ANTV để đánh giá chất lượng quản lý thông tin và đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về phòng, chống mua bán người và bảo vệ quyền con người trong giai đoạn mới.
Bình luận