Không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Quan hệ Việt Nam - Lào: Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện
Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào từ năm 1930 đến nay là một bước tiến dài và đạt được nhiều thành quả to lớn, từ thời kỳ nhân dân hai nước sát cánh bên nhau trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thời kỳ liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cho đến thời kỳ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước(1).
Về chính trị - đối ngoại, hai bên luôn hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc trao đổi về lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới, kinh nghiệm xây dựng Đảng và phát triển đất nước, phát huy hợp tác giữa các địa phương, các tổ chức quần chúng. Hầu hết lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hai nước đều có các chuyến thăm lẫn nhau. Qua các chuyến thăm và buổi làm việc, hai bên luôn khẳng định sẽ tiếp tục, củng cố và phát triển nâng tầm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới, phù hợp với tình hình mỗi nước nói riêng và tình hình khu vực, thế giới nói chung. Với đường biên giới chung dài hơn 2.300km, Chính phủ hai nước luôn khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp, toàn diện giữa các địa phương có chung đường biên giới, tổ chức các hoạt động đối ngoại chính thức và đối ngoại nhân dân, đưa ra các mô hình hợp tác, kết nghĩa từ cấp tỉnh đến cấp huyện, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và mang lại hiệu quả ngày càng thiết thực. Trong quá trình hội nhập và phát triển, hai nước thường xuyên trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến của nhau, điều này khẳng định trách nhiệm và quyết tâm coi trọng, gìn giữ và tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam và Lào là hai nước hiếm hoi vẫn có thể duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc trực tiếp ở cấp cao nhất (Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith có các chuyến thăm chính thức Việt Nam vào các tháng 7, 8 và 12.2020; Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm Lào vào tháng 5.2020). Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên, hai kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lần thứ 42 và 43 diễn ra trong cùng một năm cho thấy sự khẩn trương của hai chính phủ trong việc rà soát, thúc đẩy quan hệ song phương trước sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội Đảng của hai nước. Đặc biệt, từ ngày 28 đến 29.6.2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa rất đặc biệt, tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó tin cậy, thủy chung, trong sáng, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh giữa hai nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của mỗi nước. Sau khi hoàn thành phân giới, cắm mốc trên thực địa trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào vào ngày 24.01.1986, hai nước tiếp tục phối hợp triển khai, thực hiện tốt theo các thỏa thuận đã ký kết về biên giới, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới, phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, thúc đẩy ký kết các hiệp định trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Thực hiện thỏa thuận giữa hai nước, Bộ Công an Việt Nam cung cấp tài liệu, cử cán bộ, chuyên gia và giảng viên sang Lào để hỗ trợ biên soạn giáo trình, giáo án và mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho lãnh đạo an ninh các cấp tại Lào. Bên cạnh đó, Lào cũng gửi cán bộ công an sang đào tạo chính quy tại các trường an ninh, cảnh sát ở Việt Nam. Hằng năm, Việt Nam đều tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị an ninh, quân đội của Lào.
Về hợp tác kinh tế, quan hệ giữa hai nước trong những năm qua có những bước phát triển quan trọng. Giá trị thương mại hai chiều tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2010, thương mại song phương Việt Nam - Lào mới ở mức 263,81 triệu USD thì con số này đã tăng lên 824,24 triệu USD năm 2015 và đạt mức 1,51 tỷ USD năm 2019. Nếu như năm 2010, thương mại Việt Nam - Lào mới chỉ chiếm 5,96% tổng thương mại của Lào thì đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên mức 12,97%(2). Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt trên 10 tỷ USD. Về đầu tư, theo số liệu thống kê của Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, đầu tư của Việt Nam vào Lào tính lũy tiến trong giai đoạn 2011 - 2020 đạt trị giá trên 4 tỷ USD với 414 dự án, đứng thứ 3 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư, kinh doanh tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan)(3). Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam tại Lào bao gồm mạng viễn thông Unitel của Viettel Global, các dự án trồng cao su và dầu cọ, xây sân bay Nong Khang ở tỉnh Houaphanh, các dự án thủy điện Sekaman 1, Sekaman 3,… Đặc biệt là công trình Nhà Quốc hội Lào - một trong những biểu tượng cho mối quan hệ thủy chung, trong sáng và trước sau như một giữa Việt Nam và Lào.
Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt được nhiều thành quả quan trọng. Việt Nam đã giúp Lào đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực với hàng chục nghìn người, ngày càng đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới của Lào. Trong giai đoạn 2011 - 2020, đã có trên 30.000 du học sinh Lào theo học tại Việt Nam và hiện nay, con số này là 16.644 người. Hợp tác tuyên truyền, văn hóa, giao lưu nhân dân được mở rộng; hai bên phối hợp tổ chức tốt các sự kiện quan trọng và các lễ kỷ niệm lớn của hai nước, gần đây nhất là Lễ kỷ niệm 45 năm Quốc khánh Lào và 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam và Lào còn thể hiện rõ nét tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Hai nước thường xuyên ủng hộ lập trường của nhau trong nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại các diễn đàn khu vực, nhất là trong các vấn đề liên quan đến kết nối, phát triển kinh tế, an ninh nguồn nước, thu hẹp khoảng cách phát triển...; phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc tổ chức thành công các hội nghị trong các năm Việt Nam hoặc Lào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Trong buổi tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Việt Nam dành cho Lào, nhất là trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2016; khẳng định thành công của Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN có đóng góp quan trọng của Việt Nam. Lào thể hiện lập trường đoàn kết với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông khi trong Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 2019, hai nước “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”(4).
Những thành quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua là kết quả của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, nhất là trong bối cảnh hai Đảng của hai nước đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội Đảng vào đầu năm 2021.
Triển vọng quan hệ hai nước
Thuận lợi và thách thức
Ngoài cơ sở vững chắc của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Lào trong những năm tới gặp nhiều thuận lợi. Trước hết, hai nước đã tổ chức thành công Đại hội Đảng, chuyển giao thành công nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong Đảng và Chính phủ hai nước. Hai nước cũng đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (Lào, tháng 02.2021 và Việt Nam, tháng 5.2021). Những sự kiện chính trị quan trọng này là yếu tố mang tính quyết định để bảo đảm sự ổn định chính trị, tạo nền tảng quan trọng cho việc chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại… của mỗi nước.
Thứ hai, các văn kiện đại hội của hai Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam và Lào trong chính sách đối ngoại của mình. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định sự coi trọng mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Đây chính là định hướng chính trị - đối ngoại quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào trong thời gian tới, cụ thể như Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 2019 đã chỉ rõ: “Hai bên nhất trí tăng cường và không ngừng đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, định hướng cho tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các ban của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước; đi sâu trao đổi lý luận - thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển kinh tế - xã hội và công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước”(5).
Thứ ba, cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng của hai Đảng, hai nước Việt Nam và Lào xây dựng kế hoạch hợp tác trong thời gian tới. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (ngày 28 đến 29.6.2021), hai nước đã ký kết Hiệp định Hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025; Thỏa thuận Hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch hợp tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực thông tin giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước giai đoạn 2021 - 2025… Đặc biệt, lãnh đạo hai nước đã ký kết Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030. Với thỏa thuận này, kỳ vọng quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu; hiệu quả của các cơ chế hợp tác được nâng cao, kết quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát triển; trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh được tăng cường; việc phối hợp chặt chẽ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước, nhất là bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới được bảo đảm;…(6).
Bên cạnh những thuận lợi căn bản đó, quan hệ Việt Nam - Lào trong thời gian tới cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 trong thời gian qua khiến tình hình kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Lào gặp không ít khó khăn, dù hai nước nằm trong nhóm nước ứng phó thành công với đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 khiến việc hiện thực hóa các thỏa thuận, nhất là các dự án hợp tác đầu tư, hợp tác giáo dục - đào tạo, du lịch… giữa hai nước có khả năng bị chậm lại do việc hạn chế tiếp xúc, đi lại nhằm phòng, tránh sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Lào. Mặc dù các nước lớn đều đánh giá cao việc ASEAN xây dựng cộng đồng và thiết lập các cơ chế hợp tác đa phương, đóng vai trò trung tâm trong các diễn đàn khu vực, nhưng vì mục tiêu và lợi ích chiến lược lâu dài, các nước lớn có xu hướng tìm cách phân hóa và gây sức ép với ASEAN và các nước thành viên trên một số vấn đề có lợi ích chiến lược, nhằm phục vụ chính sách khu vực của mình, tăng cường tranh giành ảnh hưởng. Điều này tạo ra những thách thức nhất định đối với quan hệ Việt Nam - Lào.
Triển vọng hợp tác trên một số lĩnh vực
Hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Lào trong trao đổi về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát triển hợp tác giữa các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội của hai nước có vai trò quan trọng, thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Lào vào tháng 3.2021, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã trình dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch ngân sách nhà nước 2021 - 2025, nhấn mạnh 7 vấn đề mà Lào phải tập trung giải quyết đến năm 2025, bao gồm: 1- Nợ công và thất thoát tài chính; 2- Tham nhũng, an toàn đường bộ và buôn bán ma túy; 3- Phục hồi kinh tế; 4- Những hạn chế trong sản xuất và dịch vụ; 5- Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; 6- Phát triển nguồn nhân lực; 7- Sự suy yếu của đồng Kip Lào(7). Theo đó, Việt Nam có thể hợp tác với Lào giải quyết một số vấn đề, thách thức đặt ra.
Một là, vấn đề nợ công. Theo ước tính, nợ công của Lào năm 2020 vào khoảng từ 65% đến 68% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do nguồn thu ngân sách giảm và gia tăng các khoản vay do tác động của đại dịch COVID-19(8), so với mức 59% của năm 2019. Việt Nam đã có những thành công và bài học quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nợ công nói riêng. Kinh nghiệm của Việt Nam trong cơ cấu lại ngành kinh tế, trong đó có tái cơ cấu nợ công có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với Lào trong vấn đề này.
Hai là, hợp tác đấu tranh, phòng, chống các hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy sẽ là một trong những trọng điểm về đối ngoại quốc phòng - an ninh hai nước trong thời gian tới. Trong những năm qua, Việt Nam và Lào đã phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm sản xuất và buôn bán ma túy. Quyết tâm và cam kết hợp tác giữa hai chính phủ, giữa các địa phương của hai nước trong hợp tác quốc phòng - an ninh hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực này.
Ba là, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn. Là một tấm gương điển hình không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới về xóa đói, giảm nghèo, cũng như có nhiều thành công trong thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, ngoài việc đầu tư vào các dự án xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn của Lào, Việt Nam tiếp tục chia sẻ với Lào những bài học kinh nghiệm, nhất là các mô hình tốt về phát triển nông thôn mà Việt Nam đã đạt được sau 35 năm đổi mới.
Bốn là, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng sản xuất và dịch vụ. Trên thực tế, trong khoảng 10 năm qua, du học sinh Lào theo học tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, sư phạm, kinh tế…, trong đó có hơn 51% theo học ngành sư phạm bậc cử nhân trở lên(9). Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, Lào đang thiếu lao động có tay nghề làm việc trong các khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều ở Lào, Việt Nam sẽ chú trọng và ưu tiên đào tạo tại chỗ nguồn lao động chất lượng cao cho Lào với sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, nhân lực thay vì trước đây vốn thực hiện chủ yếu ở Việt Nam.
Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết (NAM) và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công, trong đó có Ủy hội sông Mê Công…
Năm 2021 là năm bản lề quan trọng đối với Việt Nam, Lào và quan hệ hai nước. Đây là năm đầu tiên hai nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như các chiến lược, hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều điểm mới về nội dung và biện pháp triển khai. Dù phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, song dựa trên nền tảng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của hai Đảng, đặc biệt là sau thành công của Đại hội Đảng của hai nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sẽ tiếp tục sánh bước bên nhau dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của mỗi nước củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đó là xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
__________________________
(1) Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (1930 - 2017), Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.135 - 136.
(2) Báo điện tử Chính phủ, “Hợp tác Việt - Lào: Vượt mục tiêu trong nhiều lĩnh vực”,http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Hop-tac-Viet-Lao-Vuot-muc-tieu-trong-nhieu-linh-vuc/416215 .vgp.
(3) Ngô Minh Châu, “Việt Nam - Lào sánh bước trên con đường phát triển phồn vinh”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 02.12.2020.
(4), (5), (6) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Tuyên bố chung Việt Nam - Lào”, https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam--lao-537823. html
(7) Latsamy Phonevilay: “New Prime Minister To Address Seven Urgent Issues in Laos”, Laotian Times, https://laotiantimes.com/2021/03/24/new-prime-minister-to-address-seven-urgent-issues/.
(8) Jasmina Yap, “Laos Sees Rising Public Debt Following Covid-19 Economic Effects”, Laotian Times, https://laotiantimes.com/2020/08/10/laos-sees-rising-public-debt-following-covid-19-economic -effects/.
(9) Tạp chí Lào - Việt, “Việt Nam cung cấp 1.100 suất học bổng cho Lào”, https://tapchilaoviet.org/ tin-bai-noi-bat/viet-nam-cung-cap-1-100-suat-hoc-bong-cho-lao-22354.html.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 29.6.2021
Bài liên quan
- Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
- Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
- Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
- Chương trình hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc năm 2024
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”.
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị.
Chiều 20/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) và Lễ ra mắt giao diện mới Tạp chí điện tử Lý luận chính trị. GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì buổi lễ. Buổi lễ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trung tâm Học viện đến các Học viện khu vực II, III, IV.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và chúc mừng các nhà báo lão thành
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chiều 19/6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm, chúc mừng và tặng quà một số nhà báo lão thành tại Thủ đô Hà Nội.
Bình luận