Không thể phủ nhận thành quả của Nhà nước trong việc bảo đảm bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Thứ tư, 09:52 10-04-2024
(LLCT&TT) Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá lại Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là âm mưu của các thế lực thù địch. Hiến pháp năm 2013, tại điều 26 khẳng định: công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Thời gian qua, việc thực hiện bình đẳng giới trên cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được những thành tựu nổi bật, chúng ta không thể phủ nhận thành quả của Nhà nước trong việc bảo đảm bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.
Ảnh sưu tầm_nguồn internet
Mở đầu
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số chiếm 86,2%, còn lại 53 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 13,8% dân số của cả nước(1).
Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đang đi vào cuộc sống, mang lại sự bình đẳng, đoàn kết trong từng dân tộc và giữa các dân tộc với nhau. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhằm bôi nhọ, bóp méo sự thật, chia rẽ đoàn kết, để kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc tham gia biểu tình, gây rối trật tự, tạo mâu thuẫn, gây xung đột dân tộc...
Trên thực tế, thời gian qua, bình đẳng giới ngày càng được đảm bảo thực hiện đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, những kết quả, thành tựu mà Nhà nước đạt được trong đảm bảo bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số là không thể phủ nhận, cụ thể:
1. Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong việc thực hiện bình đẳng giới, Nhà nước có vai trò quan trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới nói chung, chính sách về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Ngày 03.3.2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một trong những điểm nổi bật trong việc bảo đảm bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi nhận rõ ràng trong Hiến pháp đầu tiên của chế độ mới - Hiến pháp 1946 và trong các 4 các bản Hiến pháp được sửa đổi sau này. Trên cơ sở Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 được triển khai thực hiện. Các bộ luật khác như Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013,... đều được lồng ghép vấn đề giới.
Nhiều nghị định và văn bản dưới luật được ban hành để cụ thể hóa các nội dung của các Luật nêu trên, như: Nghị định số 70/2008/NĐ-CP, ngày 4.6.2008, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới do Chính phủ ban hành ngày 19.5.2009; Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới do Chính phủ ban hành ngày 10.6.2009. Hiến pháp năm 2013 quy định, “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (khoản 1 và khoản 3 Điều 26)…
Nhằm thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.
Bên cạnh đó, thời gian qua, có nhiều văn bản về bình đẳng giới nói chung trong đó có bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số được ban hành như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025; Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Ngày 03.3.2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; ngày 23.10.2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030...
2. Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, ưu tiên xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số
Các hoạt động truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của nam và nữ giới trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hoạt động truyền thông, vận động được các bộ, ngành và địa phương linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, tranh thủ lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác đang triển khai tại vùng dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.
Trong những năm qua, ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt các tỉnh, thành có đồng bào dân tộc thiểu số đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới, lãnh đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo viên pháp luật của tỉnh, huyện, cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên phạm vi cả nước, thời gian qua công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong các cơ quan dân cử, tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), có 78/500 đại biểu Quốc hội (15,6%) người dân tộc thiểu số thuộc 29 dân tộc khác nhau, đến từ 26 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ này đã tăng lên ở khóa XIV (2016 - 2021) của Quốc hội, có 86/496 đại biểu trúng cử, tương ứng 17,3% tổng số đại biểu trúng cử là người dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), tổng số đại biểu Quốc hội là 499 người có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, trong đó số nữ đại biểu trên tổng số đại biểu người dân tộc thiểu số là 44/89 người chiếm 49,43%(2).
Theo thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ là người dân tộc thiểu số trong số các cán bộ, công chức nữ tham gia trong khu vực công ngày càng tăng: ở một số địa phương tiêu biểu như tỉnh Lào Cai, tỷ lệ cán bộ, công chức trong khu vực công chiếm 62,2% và 15%; tỉnh Điện Biên tỷ lệ này là 36%, trong đó, cán bộ, công chức nữ dân tộc thiểu số chiếm 18,7%; tỉnh Kon Tum tỷ lệ này là 56,84% và 12,5%. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.
Tỷ lệ nữ giới là người dân tộc thiểu số tham gia lĩnh vực chính trị tăng từ 4 - 6% (riêng vùng Đông Bắc đạt tỷ lệ 16 - 22%). Tỷ lệ phụ nữ vùng sâu, vùng xa có việc làm được nâng lên đáng kể, điển hình như: tại huyện Đức Cơ, Gia Lai đạt 47%. Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ được hưởng thụ các dịch vụ y tế cũng tăng dần qua từng năm. Tỷ lệ chị em khám thai từ 3 lần trở lên vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đạt 60 - 70%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 95%. Nhiều nơi đã triển khai công tác tuyên truyền bình đẳng giới lồng ghép với một số chương trình phổ biến pháp luật như: Câu lạc bộ phụ nữ - pháp luật, phụ nữ không sinh con thứ 3, phụ nữ không có tệ nạn xã hội(3).
3. Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
Để tạo tiền đề để thực thi bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Nhà nước luôn chú trọng lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách, dự án, đề án lớn do Ủy ban Dân tộc đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg); hoặc Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) dựa trên thực trạng đời sống của hộ gia đình người dân tộc thiểu số, trong đó có cả chủ hộ gia đình là nam và nữ đều được bình đẳng như nhau; Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện các chính sách trên đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong việc thực hiện quyền bình đẳng nam, nữ trong hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Trong tổng số hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích cán bộ, công chức nữ học tập, nâng cao trình độ, trong đó hỗ trợ vật chất, nơi ở, hỗ trợ tiền gửi trẻ khi cán bộ nữ mang theo con khi tham gia các khóa học. Các tỉnh, thành phố đều có các chế độ riêng cho cán bộ nữ khi tham gia các lớp học tập, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ. Đặc biệt trong đó có 20 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ có con dưới 36 tháng tuổi khi đi đào tạo, bồi dưỡng.
Có thể khẳng định, việc phối hợp triển khai mục tiêu bình đẳng giới và các biện pháp thực hiện hoạt động bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số bước đầu đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực: đời sống, văn hóa, kinh tế, xã hội... Tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%; tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số có kết nối Internet tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người dân tộc thiểu số năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam. Trong giai đoạn 2015 và 2019, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số tăng đáng kể lên tới 15,2%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế không phân biệt nam, nữ đạt 93,5%(4).
Qua thực hiện lồng ghép xây dựng chính sách dân tộc và công tác bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới đề ra. Các chương trình, chính sách, đề án, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực thay đổi nhận thức và hành động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.
4. Nhà nước đảm bảo bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng thực hiện theo quy định của Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật hiện hành. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới có nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về bình đẳng giới trong việc: thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới theo quy định; kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về bình đẳng giới; đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính...
Hàng năm, hoạt động tư vấn pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tích cực với hơn 3.500 cuộc cho gần 96.000 lượt người, đã có hơn 1.800 mô hình, mô hình điểm về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới ở cả cấp trung ương và địa phương được xây dựng, hoạt động hiệu quả(5)... để người dân hiểu rõ và thực hiện tốt hơn bình đẳng giới.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tiến hành khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng, quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; việc giải quyết khiếu nại về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; việc tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới là những hành vi xâm hại đến bình đẳng giới theo quy định của pháp luật bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế. Bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của con người cũng như sự phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội. Vì vậy, các hành vi xâm hại đến bình đẳng giới phải được phát hiện và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời; việc xử lý vi phạm phải tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để bảo đảm việc thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả tốt nhất.
Kết luận
Như vậy, thời gian qua, Nhà nước đã phát huy vai trò trong việc đảm bảo bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số với việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, ưu tiên xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số. Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, là minh chứng đập tan âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá lại cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước./.
(1) Tổng cục thống kê (2019), Tổng điều tra dân số và nhà ở, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong ke/2019/10/ thong-cao-bao-chi-ket-qua-so-bo-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/
Trong bối cảnh truyền hình đa nền tảng phát triển nhanh chóng, việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong các sản phẩm báo truyền hình tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Anh, Đức, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu đã xây dựng hệ thống quy định pháp lý và đạo đức báo chí chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời cân bằng với quyền được thông tin của công chúng.
Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là cần thiết để giúp Việt Nam nhận diện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình và cơ chế giám sát hiệu quả nhằm phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trên truyền hình. Từ đó, có thể rút ra những bài học thiết thực, phù hợp với điều kiện pháp lý và văn hóa truyền thông trong nước, góp phần hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tăng cường quyền con người trong lĩnh vực báo chí truyền hình.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng ta về việc đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cần nhận diện rõ các luận điệu sai trái, thù địch đó; đồng thời, làm rõ nội dung liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sáng ngày 30-4-2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn lễ kỷ niệm. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn:
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của niềm tin, ý chí kiên cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó cần tiếp tục được phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, sánh vai các cường quốc năm châu.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế. Thắng lợi này đã củng cố thành quả của kỷ nguyên độc lập, tự do và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam do Đảng lãnh đạo; tiếp tục khẳng định hệ giá trị cho nhân loại về tính chính nghĩa của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và vươn mình phát triển.
Bình luận