Lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người
Lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện gắn với thực hành dân chủ, pháp quyền
Từ khóa: C.Mác, quyền con người, phát triển con người.
1. Tư tưởng của C.Mác về con người, quyền con người và phát triển con người toàn diện
Với việc xác lập phạm trù con người hiện thực là điểm xuất phát cho các quan điểm, học thuyết của mình, C. Mác đã thấy rõ vị trí chủ thể xã hội của con người trong đời sống xã hội. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm, học thuyết về con người trong lịch sử tư tưởng, C.Mác đã đi tới một tư tưởng thống nhất về con người, quyền con người và phát triển con người toàn diện gắn với thực hành dân chủ - giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội ở những khía cạnh chính như sau:
Một là, xuất phát từ những cá nhân hiện thực để tìm hiểu về con người và sự tha hóa của nó
Theo C.Mác, trước tiên phải có cách tiếp cận hiện thực về con người. Ông khẳng định không thể hiểu được con người bằng những quan niệm duy tâm tư biện và trừu tượng theo kiểu “ý niệm tuyệt đối” của G.W.F.Hêghen (1770-1831); hay xem con người là “cái phát sinh của Thượng đế” của L.Phoiơbắc (1804-1872). C.Mác đã nhận thấy khuyết điểm chủ yếu của chủ nghĩa duy tâm và duy vật trước đó là không thấy đời sống con người có tính chất thực tiễn. Theo ông, “chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là phải chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình. Sự tranh cãi về hiện thực của tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy”(1). Hoạt động thực tiễn “không phải là tiền đề tùy tiện, không phải là những giáo điều;... những tiền đề ấy có thể kiểm nghiệm được...”(2). Nó có thể tạo lập được sự phù hợp giữa những thay đổi của hoàn cảnh với biến đổi ý thức con người và là yếu tố cần thiết để con người “làm cho hoàn cảnh có tình người”.
C.Mác cho rằng, con người là một tồn tại sinh động, đa diện; vừa là con người nhục thể, vừa là con người tinh thần. Con người hiện thực hay con người xã hội, trước tiên là con người đang lao động sản xuất ra của cải vật chất. Bản chất con người, kể cả mặt tự nhiên và xã hội của nó, được biểu hiện rõ nhất trong quá trình lao động, đặc biệt là lao động công nghiệp. Theo ông, cần xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của con người mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy(3). Con đường thật sự dẫn đến “con người hiện thực” là phải xuất phát từ cái “tôi” cá nhân mang tính kinh nghiệm, nhưng không phải để dẫm chân ở cái tôi thể xác bằng xương bằng thịt ấy, mà phải rút ra cái phổ biến; và chỉ trên cơ sở đó, các cá nhân mới không đơn giản là các cá nhân cá thể, mà trở thành cá nhân con người hiện thực với đúng nghĩa của nó(4).
Theo C.Mác, những vấn đề thực tế về quyền con người chỉ xuất hiện khi hình thành chủ nghĩa tư bản; “... giai cấp tư sản đã bắt đầu nền thống trị của nó. Nhân quyền không chỉ tồn tại trên lý luận nữa”(5). Quyền con người “droits de L’homme, khác với droits du citroyen (quyền công dân) chẳng qua chỉ là những quyền của thành viên xã hội công dân, nghĩa là của con người vị kỷ tách khỏi bản chất cộng đồng người”(6). Dưới chủ nghĩa tư bản (CNTB), quyền sở hữu tư nhân được phát triển thành nhân quyền(7). CNTB đã “quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân”(8).
Từ đó, C.Mác phê phán quan điểm của G.F.Hêghen về mô hình cá nhân - nhà nước trong xem xét quyền công dân. Bởi lẽ, về nguyên tắc, quyền của cá nhân và quyền của xã hội phải thống nhất với nhau. Muốn xem xét và đánh giá quyền của cá nhân cần phải thông qua quyền của xã hội. C.Mác viết: “Hiển nhiên khi những cá nhân là những người mang chức năng về quyền lực nhà nước thì những cá nhân đó phải được xem xét căn cứ theo phẩm chất xã hội của họ, chứ không phải căn cứ theo phẩm chất tư nhân của họ”(9). Như vậy, phương thức hợp lý để thực hiện nhân quyền ở đây là phương thức hay mô hình nhân quyền cá nhân - xã hội. Có thể nói đây là mô hình nhân quyền tổng quát, khả thi để triển khai và đánh giá các quyền cụ thể của cá nhân cũng như của xã hội trong thực tế cuộc sống. Cho nên, theo C.Mác, trước tiên phải thực hiện sự giải phóng chính trị, để con người không chỉ không chỉ quan hệ với nhà nước, mà hướng đến “xã hội công dân” hay xã hội loài người.
Hai là, bản chất con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội và trong hoàn cảnh nào cũng không thể tách khỏi cộng đồng, xã hội
Với quan điểm đó, C.Mác khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(10). Bởi vì, bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người khác đối với người đó, mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người; chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra như là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người(11).
Phương diện tự nhiên của con người không chỉ giới hạn ở việc xem xét nguồn gốc của loài người, mà nó thẩm thấu vào tính cá thể và cả tính loài người trong thể thống nhất hữu cơ tự nhiên - xã hội - con người. Như vậy, hai phương diện tự nhiên và xã hội tồn tại trong tính thống nhất với nhau, quy định lẫn nhau tạo thành cơ sở hiện thực cho sự tồn tại của mỗi con người. Nhưng với tư cách là người, con người xác lập phương diện xã hội của mình ngày càng rõ hơn và bền vững hơn. Bởi lẽ, trong quá trình lao động, con người phải cải biến giới tự nhiên và sáng tạo ra những điều kiện đảm bảo cho sự sinh tồn của bản thân mình và thể hiện sự thống nhất giữa xã hội và tự nhiên. Con người tiến hành lao động sản xuất không phải với tư cách những cá nhân riêng lẻ, mà với tư cách là những thành viên của cộng đồng và xã hội. Con người dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể tách khỏi cộng đồng và xã hội, vì “con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”(12).
Ba là, con người vừa là sản phẩm của quan hệ xã hội, vừa là chủ thể sáng tạo ra lịch sử trong quá trình giải phóng, phát triển con người toàn diện
Con người là sản phẩm của những hoàn cảnh, nhưng con người cũng làm thay đổi hoàn cảnh. C.Mác khẳng định: “Toàn bộ cái gọi là lịch sử toàn thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo của con người, kinh qua lao động của con người, sự sinh thành tự nhiên cho con người”(13). “Hoạt động sống của họ như thế nào thì họ như thế ấy”(14).
Tính tích cực của con người, theo quan điểm duy vật lịch sử, nhìn chung không thoát ly khỏi tính quy định của tồn tại hiện thực của con người. Tính tích cực của con người đối với tồn tại xã hội chỉ được phát huy khi con người được giải phóng và phát triển. Giải phóng, phát triển con người, như C.Mác nhấn mạnh, là giải phóng người lao động thoát khỏi lao động bị tha hóa(15); là “bất kỳ sự giải phóng nào cũng bao hàm ở chỗ nó trả thế giới con người, những quan hệ của con người về với bản chất con người, những quan hệ của con người về với bản thân con người”(16).
Bốn là, quyền con người không phải là bẩm sinh mà được sản sinh ra trong lịch sử và “giành lấy dân chủ” để từng bước bảo đảm quyền con người cho đại đa số thành viên xã hội nhằm phát triển con người toàn diện
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quyền con người tư sản và phê phán các tư tưởng về quyền con người trong xã hội tư sản, như thuyết nhân quyền tự nhiên, thuyết nhân quyền thực chứng và tư tưởng của CNXH không tưởng về quyền con người, C.Mác đã xây dựng thế giới quan khoa học mới về quyền con người là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhằm xem xét một cách thống nhất giữa thuộc tính tự nhiên và xã hội của bản chất con người cũng như giữa lý luận và thực tiễn của quyền con người và phát triển con người toàn diện.
C.Mác khẳng định: phương thức sản xuất tạo thành cơ sở hạ tầng kinh tế và làm phát sinh, phát triển các mối quan hệ xã hội của con người, như đạo đức, chính trị, nhà nước, pháp luật và quyền con người. Từ đó, ông đánh giá cao quan điểm của Hê-ghen cho rằng, “nhân quyền không phải là bẩm sinh mà được sản sinh ra trong lịch sử”(17). Theo C.Mác, quyền con người chẳng qua chỉ là những quyền của thành viên xã hội công dân, nghĩa là của con người vị kỷ tách khỏi bản chất cộng đồng người(18). Quyền con người được luật pháp hóa thì thành quyền công dân theo nguyên tắc: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”(19). “Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ kinh tế đó quyết định”(20); tương ứng với những thời đại khác nhau và những cơ sở kinh tế - xã hội khác nhau thì có quyền khác nhau. Nghĩa là, quan niệm về quyền con người không bất biến, mà có tính lịch sử và biến đổi trong lịch sử.
Nhưng dưới CNTB, quyền sở hữu tư nhân được phát triển thành nhân quyền(21); và tính giai cấp của quyền con người được bộc lộ ra một cách sâu sắc. Quyền con người trước tiên là “ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật pháp”. Đồng thời, quyền con người cũng là kết quả phát triển trong xã hội và thành tựu đấu tranh của con người được nhà nước và xã hội thừa nhận dưới hình thức pháp luật, được pháp luật bảo vệ. Quyền con người dưới CNTB là một tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng mới chỉ là các quyền vị kỷ gắn với cá nhân con người, là sự giải phóng con người về chính trị, nhưng chưa toàn diện và chưa triệt để. Do sự hạn hẹp của “pháp quyền tư sản”, nên quyền con người chỉ là đặc quyền của một thiểu số thành viên xã hội.
Để bảo đảm một cách thực tế và toàn diện quyền con người, C.Mác khẳng định phải lấy con người làm trung tâm theo quan điểm: “Xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho một cá nhân riêng biệt”(22), do đó phải đấu tranh cho dân chủ nhằm bảo đảm quyền cho mỗi cá nhân; và coi việc “giành lấy dân chủ”, đặc biệt quyền lực nhà nước, là mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng XHCN. Khi giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trở thành giai cấp thống trị, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các quan hệ sản xuất và thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ, để từng bước bảo đảm các quyền con người cho đại đa số thành viên xã hội. Đây là tiền đề bắt buộc để từng bước thực hiện mục tiêu cao nhất của xã hội loài người là phát triển con người toàn diện nhằm bảo đảm “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(23).
2. Về thực hiện mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện gắn với thực hành dân chủ, pháp quyền ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn phát triển của thế giới và đất nước, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội giữ vai trò trực tiếp thúc đẩy sự kết nối giữa việc “lấy con người làm trung tâm”, bảo đảm quyền con người với phát triển con người toàn diện.
Sở dĩ như vậy là vì phát triển kinh tế - văn hóa dựa trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng xã hội đòi hỏi phải có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững, có khả năng huy động các nguồn lực vật chất, tinh thần cho việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, mối quan hệ này liên quan chặt chẽ với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ trương “giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” mà Đảng xác định là tương thích nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm cũng như định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Vì thế việc thực hiện tốt mối quan hệ này cũng tức là hoàn thành nhiều mục tiêu cơ bản và quan trọng được đặt ra trong Cương lĩnh 2011, như(24): (i) “...Kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; (ii) “Kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”; (iii) “Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững”; (iv) “hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”.
Thực tế trong thời gian qua, việc giải quyết mối quan hệ này đã được tích cực triển khai trên thực tế thông qua việc ban hành và thực hiện các luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình và chính sách phát triển về kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường tạo việc làm mới, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, trên cơ sở trao nhiều quyền sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới - sáng tạo,... cho doanh nhân, người lao động, nhất là thanh niên, phụ nữ ở cả nông thôn và đô thị, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với phát triển con người dựa trên quyền con người. Văn hóa truyền thống, văn hóa của các dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn và đầu tư phát triển, góp phần tích cực vào khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam. Quyền sáng tạo và tham gia vào đời sống văn hóa, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được tôn trọng và bảo vệ trên thực tế. Một số mô hình, thiết chế, phong trào văn hóa, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với mô hình làm giàu, khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững,... đã được hình thành, triển khai khá sâu rộng.
Kinh tế tăng trưởng liên tục trong hơn 30 năm qua giúp Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp và đang phấn đấu đến năm 2030 thành nước có thu nhập trung bình cao với tầm nhìn đến năm 2045 thành một quốc gia phát triển hiện đại theo định hướng XHCN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo chung cả nước còn 5,23%; cận nghèo là 4,59%; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Mức độ bất bình đẳng tính theo hệ số Gini dựa trên chi tiêu có xu hướng giảm, đồng thời với việc tạo nhiều việc làm mới. Tiến bộ của bình đẳng giới được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực với tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, các cấp chính quyền và doanh nghiệp khá cao. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ tốt trong phát triển con người, với tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 - 2018. Hiện Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước về chỉ số HDI (0,63); chỉ cần thêm 0,007 điểm để ra nhập nhóm nước có HDI ở mức cao. Chỉ số đổi mới - sáng tạo liên tục tăng trong những năm vừa qua. Năm 2018 tăng 3 bậc lên vị trí 42, đứng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Tuy vậy, việc giải quyết mối quan hệ này còn một số hạn chế, bất cập, như: tỷ lệ tăng trưởng chưa ổn định và chưa cao để có thể tạo ra sự đột phá trong phát triển của nền kinh tế; hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trước hết là nguồn lực nhà nước chưa cao. Bất bình đẳng thu nhập vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng giữa nhóm người giàu nhất với thấp nhất cũng như giữa đô thị với nông thôn. Tỷ lệ nghèo tính theo cách tiếp cận đa chiều vẫn ở mức cao, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; hiện còn chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ đối với cùng một loại công việc. Lao động nữ chiếm phần lớn trong các ngành nghề thuộc khu vực phi chính thức, nên có thu nhập thấp, môi trường làm việc chưa đảm bảo và thiếu ổn định. Từ đó dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa lao động nam và nữ trong tiếp cận đào tạo nghề, đặc biệt là ở nhóm dân tộc thiểu số. Khả năng tiếp cận giáo dục đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế...
Muốn thực hiện được mục tiêu phát triển con người toàn diện phải “dựa vào dân” hay “lấy con người làm trung tâm”. Nhưng nếu không có sự tham gia chủ động, tích cực của người dân thì không thể đạt được mục tiêu đó. Nói cách khác, việc bảo đảm quyền tham gia nói riêng và quyền con người nói chung của người dân là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa khâu “lấy con người làm trung tâm” với mục tiêu phát triển toàn diện của mỗi con người. Từ đó có thể khái quát quy trình giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải là: Lấy con người làm trung tâm - Bảo đảm quyền con người - Phát triển con người toàn diện.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, việc “lấy con người làm trung tâm” gắn với bảo đảm quyền con người và việc thực hành dân chủ XHCN gắn với nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước pháp quyền XHCN đang được xây dựng, hoàn thiện vẫn còn có những hạn chế, yếu kém. Hệ quả là thực thi dân chủ có biểu hiện chưa rõ về nội dung, thể chế và cách thức tổ chức thực hiện nên có nơi, có lúc trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội chưa nghiêm; cùng với những hiện tượng phức tạp, bức xúc trong xã hội và những thái độ, hành vi, thậm chí không có nhân tính ở một số người, kể cả với người thân của mình.
Từ thực tiễn thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011 trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước 10 năm qua, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần bổ sung mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm - bảo đảm quyền con người - phát triển con người toàn diện gắn bó khăng khít với mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, pháp quyền nhằm giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là hai mối quan hệ lớn cần phải giải quyết hiện nay và trong thời gian tới.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020
(1), (2), (3), (10), (12), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9-10, 28-29, 22, 11, 54-55, 30.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.27, tr.22.
(5), (6), (7), (17), (18), (21) Sđd, t.2, tr.187, 176, 187, 172-173, 176, 187.
(8), (9), (15), (16) Sđd, t.1, tr.557, 553, 557, 557.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.170.
(13), (23) Sđd, t.42, tr.182, 168.
(19) Sđd, t.16, tr.25.
(20) Sđd, t.19, tr.36.
(22) Sđd, t.20, tr.406.
(24) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn
Viện Quyền con người,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài liên quan
- Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận