Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
1. Về quản lý phát triển xã hội trong xã hội chủ nghĩa
Trong nhiều tác phẩm của mình, C.Mác đã tập trung phân tích ba mối quan hệ cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là quan hệ trao đổi hàng hóa, quan hệ làm thuê và các hình thức tổ chức lao động của chủ nghĩa tư bản. C.Mác cho rằng, đối với chủ nghĩa tư bản, vấn đề quản lý xã hội phụ thuộc vào địa vị kinh tế và địa vị thống trị của giới chủ. C.Mác đã chỉ ra sự kết hợp chặt chẽ mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị, xã hội, trong đó ẩn giấu các quan hệ quản lý.
Trong bộ Tư bản luận, C.Mác đã phân tích sự quản lý của tư bản là cần thiết khách quan và là điều kiện thực sự của sản xuất có sự hợp tác và quy mô tương đối lớn, giống như vai trò của nhạc trưởng trong dàn nhạc. C.Mác viết: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng”(1).
C.Mác đã phân tích quá trình phân công lao động trong quản lý dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, lúc đầu nhà tư bản trực tiếp giám sát, điều hành sản xuất, khi tư bản đạt đến một đại lượng nhất định thì nó bàn giao công việc quản lý cho những sĩ quan công nghiệp và những hạ sĩ quan, là những người quản lý chuyên nghiệp, nhân danh nhà tư bản để chỉ huy quá trình lao động. Như vậy, lao động quản lý đã trở thành một nghề chuyên môn và là lao động làm thuê cho tư bản(2).
Phân tích quản lý trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã nêu luận điểm, công việc quản lý của nhà tư bản không chỉ là chức năng đặc biệt bắt nguồn từ bản chất của quá trình lao động xã hội và có quan hệ với quá trình đó, mà đồng thời còn là chức năng bóc lột quá trình lao động xã hội và với chức năng như thế, việc quản lý được quyết định bởi sự đối kháng tất yếu. Ở đây mâu thuẫn giữa những người sản xuất trục tiếp và những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất càng gay gắt thì thực chất bóc lột của quản lý (tư bản) càng bộc lộ rõ ràng hơn.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội là “… sự cai quản nhân dân do chính nhân dân đảm nhiệm”(3), là một xu hướng tất yếu dưới chủ nghĩa xã hội. Theo C.Mác, quản lý xã hội theo chương trình cụ thể đã được kế hoạch hóa phục vụ lợi ích toàn dân và tập thể, nên có sự công bằng tương đối giữa người quản lý và nhân dân. Họ chỉ khác nhau ở trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn. C.Mác đã xem xét, giải thích các hiện tượng xã hội như là các sự kiện và cũng xây dựng các khoa học xã hội dựa theo mô hình của khoa học tự nhiên thông qua việc giải thích có tính nhân quả về các sự kiện và phương pháp quy nạp.
C.Mác luận giải sự phát triển xã hội có tính lịch sử - tự nhiên: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(4). Học thuyết Mác - Lênin về quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên, mở ra bước ngoặt có tính cách mạng trong nhận thức của con người về sự phân chia các giai đoạn lịch sử. C.Mác đã thay thế quan niệm duy tâm về lịch sử xã hội, nhấn mạnh vai trò của tôn giáo bằng quan niệm duy vật về lịch sử phát triển các hình thái kinh tế - xã hội theo quy luật lịch sử - tự nhiên.
Ông đã đưa ra những phân tích về sự thống nhất giữa các cứ liệu thu được với kết luận có tính lý thuyết trong các trường hợp nghiên cứu lịch sử xã hội. Trong quản lý phát triển xã hội, đây là nguyên tắc rất quan trọng, giúp chủ thể quản lý có thể đi đúng hướng, thực hiện thành công mục tiêu quản lý của mình, nếu quyết định quản lý không dựa trên các căn cứ khoa học. C.Mác đã chỉ ra tính chất quản lý có tính kế hoạch của nhà nước xã hội chủ nghĩa và việc phân công lao động hợp lý theo năng lực của các thành viên. Đây là cơ sở để xóa bỏ dần những bất bình đẳng xã hội. Khi xã hội phát triển đến một trình độ cao hơn thì giai cấp không còn, nhà nước tự tiêu vong, lúc đó xã hội được tổ chức theo phương thức tự quản. Khi đó ranh giới giữa người quản lý và bị quản lý chỉ có ý nghĩa về mặt chức năng chứ không có ý nghĩa về mặt lợi ích và quyền lực.
Ph.Ăngghen đã có nhiều nghiên cứu về phương diện xã hội, đặc biệt là khi nghiên cứu về xã hội tiền nhà nước cho thấy, các cấu trúc quản lý khi chưa xuất hiện giai cấp, nhà nước và các con đường thoát khỏi xã hội nguyên thủy tiến đến xã hội có nhà nước với những phương thức quản lý xã hội khác với trước đó, đặc biệt là vai trò của nhà nước và chức năng của gia đình trong quản lý xã hội. Ông đã nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của R.Owen về xây dựng chủ nghĩa xã hội không tưởng để xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học theo quan điểm duy vật lịch sử.
Từ nghiên cứu quản lý một chu kỳ sản xuất và tài chính đến vai trò quản lý của nhà nước trong xã hội tương lai, Ph.Ăngghen đã phân tích tính tất yếu khách quan của quyền uy trong tự nhiên, kỹ thuật và trong xã hội. Ông viết: “Như thế, chúng ta vừa thấy được rằng một mặt, một quyền uy nhất định, không kể quyền uy đó đã được tạo ra bằng cách nào, và mặt khác, một sự phục tùng nhất định, đều là những điều mà trong bất cứ tổ chức xã hội nào, cũng đều do những điều kiện vật chất trong đó tiến hành sản xuất và lưu thông sản phẩm, làm cho trở thành tất yếu đối với chúng ta”(5). Phải chăng đó là một nguyên tắc cơ bản của quản lý phát triển xã hội.
V.I.Lênin không những là người kế tục sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen mà còn là một nhà lý luận và nhà tổ chức thực tiễn về quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), V.I.Lênin đề xuất luận điểm nổi tiếng coi nhiệm vụ tổ chức quản lý là nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lênin viết: “Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Chúng ta, đảng bônsêvích, chúng ta đã thuyết phục được nước Nga. Chúng ta giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động. Bây giờ, chúng ta phải quản lý nước Nga”(6). V.I.Lênin còn phân tích tính chất khó khăn, phức tạp của quản lý trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,… và đề ra yêu cầu phải học tập quản lý, kể cả học tập những nhà tổ chức lớn nhất của chủ nghĩa tư bản(7).
Năm 1921, V.I.Lênin chủ trương chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP), đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy về kinh tế, chính trị và quản lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước Nga lúc bấy giờ. Trong rất nhiều tác phẩm, Người nhấn mạnh đến vai trò của kiểm kê, kiểm soát trong quản lý phát triển xã hội, nếu không quyền lực sẽ bị tha hóa và những người vô sản tiếp tục bị nô dịch, mất đi quyền làm chủ của mình. Đồng thời V.I.Lênin còn lưu ý đến các nhà quản lý xã hội Liên Xô (cũ) là, để tổ chức sản xuất và quản lý toàn xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động cần phải có sự chỉ đạo, tham gia của các chuyên gia am hiểu về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức, quản lý điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ hàng chục triệu người dân.
Có thể khẳng định, những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội là cơ sở lý luận, khoa học để Đảng vận dụng trong quản lý xã hội, quản lý phát triển xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
2. Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội đã chỉ ra mục tiêu, con đường, biện pháp, cơ chế, điều kiện và các lực lượng thực hiện hoạt động sáng tạo có ý nghĩa lịch sử to lớn trong xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo đó, phát triển xã hội là do sự vận động, biến đổi của những quy luật nội tại trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội. Để quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và thực hiện đồng bộ các thể chế, thiết chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội hài hòa, bền vững. Thể chế, thiết chế, chính sách phát triển xã hội là những công cụ rất quan trọng để quản lý phát triển xã hội, bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa, bền vững, thông qua những tác động của cơ chế hành chính và cơ chế xã hội. Theo đó, phải thường xuyên theo dõi xu hướng biến đổi các phân hệ cơ cấu xã hội, mà cốt lõi là cơ cấu xã hội - tầng, kịp thời nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các giai cấp, tầng lớp dân cư để có chính sách phát triển phù hợp.
Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, miền núi; vấn đề bình đẳng giới; khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) nhấn mạnh: “xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”8).
Thứ hai, quản lý phát triển xã hội cần gắn với xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc. Tôn trọng quy luật xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ cơ bản, quyết định các quan hệ khác trong xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) chỉ rõ: “Hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa”(9). Theo đó, chỉ trên cơ sở quan hệ sản xuất mới thì con người mới được giải phóng, thoát khỏi tha hóa trong lao động, thực hiện tiến bộ và công bằng trong xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ nhằm mục đích khắc phục những lạc hậu, tiêu cực của quan hệ sản xuất cũ đã từng tồn tại ở nước ta; quan hệ sản xuất tiến bộ chứa đựng ngày càng nhiều giá trị nhân văn, nhân ái, dân chủ, công bằng xã hội. Quan hệ sản xuất đi trước một bước, định hướng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và chủ động đảm bảo cơ sở vật chất - kinh tế cho quản lý phát triển xã hội.
Thứ ba, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, chưa toàn diện và đồng bộ, cùng với phát triển kinh tế thì cũng phát sinh vấn đề xã hội mới, do mặt trái kinh tế thị trường. Do đó, cần xây dựng mô hình quản lý xã hội theo hướng gắn mục tiêu phát triển xã hội với mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển kinh tế nhằm mục đích giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển xã hội bền vững.
Để quản lý phát triển xã hội đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước đã chủ trương: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm sự trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”(10). Đây được coi là công cụ quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay.
Thực hiện các giải pháp, chính sách và quản lý để khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng, bảo đảm sự hài hoà trong phát triển và hưởng thụ; bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý. Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thực hiện có hiệu quả quản lý phát triển xã hội cần gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(11). Thực hiện tốt quản lý phát triển xã hội làm cho mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện, tạo sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, thực hiện quản lý phát triển xã hội đảm bảo theo đúng quy luật, khách quan, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Quản lý phát triển xã hội, cần hướng tới lợi ích chung của nhân dân, phải gắn với yêu cầu bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Nói cách khác, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam là những hoạt động bảo đảm cho xã hội phát triển theo đúng quy luật khách quan, đó là: Một mặt, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, để xã hội hoạt động có kỷ cương. Mặt khác, các tổ chức xã hội thực hiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật. Mục tiêu và bản chất của quản lý phát triển xã hội là phải nâng cao được chất lượng cuộc sống của nhân dân; coi nhân dân là chủ thể phát triển của xã hội và quyền làm chủ đó phải được tôn trọng, bảo vệ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, thì không thể nói “dân chủ thuần túy” một chiều, mà phải thực hiện dân chủ - pháp luật. Đồng thời, các thế lực thù địch còn lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, do đó xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cần phải gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh mối quan hệ chủ yếu cần giải quyết là: “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(12), đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết ở Việt Nam hiện nay. Như vậy, quản lý phát triển xã hội cũng cần dựa trên nguyên tắc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Thứ năm, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Đổi mới chính sách lao động hướng đến việc làm bền vững. Xác lập những nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”(13).
Cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả thị trường, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương…”(14). Huy động tốt nhất mọi nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.
Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả, bền vững. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xã hội cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu, xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa. Phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.
Xây dựng chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm “… nâng cao sức khỏe tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe”(15). Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, người già, người không nơi nương tựa; chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, bình đẳng giới. Nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ y tế hiện đại; khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới công tác y tế ở cơ sở.
Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khỏe của nhân dân, đồng thời làm cơ sở phát triển thể dục, thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông.
Thứ bảy, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên.
Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Trong đó đặc biệt chú trọng “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”(16).
Để thực hiện tốt việc quản lý phát triển xã hội, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, phát huy vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhân tố giữ vai trò “trụ cột” trong quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay./.
________________________________________________________
(1), (2) C.Mác - Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.23, tr.480, 482.
(3) C.Mác - Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, T.17, tr.461.
(4) C.Mác - Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H., T.23, tr.21.
(5) C.Mác - Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H., tr.421.
(6), (7) V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, tr.36, tr.209, 167-170.
(8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.I, tr.148, 39, 150, 116, 39, 149, 268, 151, 155.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 2/2023
Bài liên quan
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
- Ý nghĩa tác phẩm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin đối với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 4 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 5 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
- 6 Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
75 năm truyền thống vẻ vang trường Đảng mang tên Bác
Trong không khí của những ngày mùa thu lịch sử, chiều ngày 17/9/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống (1949-2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Học viện và các Học viện trực thuộc. Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông điện tử trân trọng giới thiệu phim tài liệu 75 năm truyền thống vẻ vang trường Đảng mang tên Bác
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận