Muốn cống hiến, cán bộ đảng viên phải nêu gương đạo đức dấn thân và hành động
Đạo đức dấn thân và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(1). Quan niệm này thể hiện bản chất đạo đức cách mạng, cốt lõi là sự dấn thân và hành động vì nước,vì dân.
Tích cực học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sau khi quyết định lựa chọn con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, với nhận thức “không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động”(2), Người đã tích cực học tập, nghiên cứu “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(3) là chủ nghĩa Lênin.
Để làm tròn sứ mệnh của mình, Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng phải “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên”, để định ra đường lối, phương pháp, bước đi cụ thể của cách mạng Việt Nam. Cán bộ đảng viên phải “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”; lý luận đi đôi với thực tiễn; học để “làm việc, làm người, làm cán bộ”, chứ không phải để “khoe mẽ”, “lòe thiên hạ”. Đồng thời, phải khắc phục căn bệnh “Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”(4) của bộ phận cán bộ đảng viên. Cùng với những quan điểm mang tính chỉ dẫn, Hồ Chí Minh đã thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam theo tinh thần triết học không chỉ giải thích thế giới mà chủ yếu còn cải tạo thế giới.
Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng để phục vụTổ quốc và Nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, “đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(5). Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Dù gặp bất kỳ khó khăn nào cũng phải “kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”(6).
Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp “Tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai” của cách mạng Việt Nam. Thực hiện mục đích cao cả duy nhất, phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, hạnh phúc của quốc dân và thực hiện ham muốn tột bậc, “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(7). Cho dù, có khi “phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó(8). Cuối đời, Người không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(9). Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cả đời mình cho dân tộc và cách mạng.
Có gan đổi mới và phát triển sáng tạo không ngừng. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người đã lựa chọn hướng đi mới với phương pháp tiếp cận và phương thức hành động mới - khảo nghiệm thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ áp dụng công thức chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân, mà còn phong trào yêu nước. Lực lượng cách mạng là toàn thể dân tộc Việt Nam yêu nước, chứ không phải chỉ có công nhân và nông dân. Làm cách mạng giải phóng dân tộc không được trông chờ, nhờ cậy sự giúp đỡ của vô sản chính quốc mà “cần được tiến hành chủ động sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc”(10).
Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đặc biệt, Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Có thể nói, Hồ Chí Minh là nhà cách mạng sáng tạo, linh hồn của sự nghiệp “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt” để chống lại những cái gì cũ kỹ lạc hậu, mở đường cho cái mới mẻ tốt tươi phát triển.
Đấu tranh không khoan nhượng các thế lực phản động, thù địch để bảo vệ Đảng. Cùng với xây dựng và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ Đảng trước sự phá hoại của các lực lượng đối lập, phản động. Người yêu cầu “đấu tranh một cách không điều hòa chống bọn cải lương và bọn xuyên tạc chủ nghĩa Mác” và “vạch trần bản chất bán nước, hại dân của các thế lực phản động”(11). Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, trước hết là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.
Muốn vậy, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(12). Bảo vệ Đảng còn là đấu tranh phê phán, gột rửa những biểu hiện tư tưởng “phi vô sản”, chống lại sự tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Đồng thời, “Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian bảo mật” trước âm mưu phá hoại của bọn tay sai phản động.
Báo động tình trạng cạn sức chiến đấu, không dám dấn thân và hành động của bộ phận cán bộ, đảng viên
Ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ đảng viên đã trở thành “căn bệnh” trầm kha. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo, nhiều người trong Đảng “chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập”(13). Mặc dù, Đảng ta rất coi trọng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, không ít cán bộ đảng viên ngại học, lười học, thậm chí là xem nhẹ, coi khinh việc học lý luận chính trị. Tham gia học lý luận một cách đối phó, qua loa đại khái, “thậm chí, có người còn cho rằng đó là việc làm “vô ích” gây lãng phí thời gian, công sức”(14).
Đây không chỉ là nguy cơ dẫn đến phai nhạt lý tưởng, còn là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhìn nhận vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(15).
Một trong những thủ đoạn hết sức tinh vi của các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là lợi dụng triệt để sự mơ hồ, xem nhẹ và không nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không kịp thời “bắt mạch” và có những “thang thuốc đặc trị”, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị.
Tình trạng ngại khó, cầm chừng, né tránh do sợ sai, sợ trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đến mức báo động. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình… thế là một hiện tượng rất xấu”(16) và “Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”(17). Sự dấn thân và hành động vì nước, vì dân của cán bộ đảng viên chính là thước đo cao nhất của đạo đức cách mạng.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ đảng viên có tư tưởng cầm chừng, thậm chí né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã trở nên đáng báo động. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà thừa nhận: “Có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ”(18). Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã tranh luận về tình trạng này, thậm chí đã thốt lên “Bên trong cán bộ sợ sai. Bên ngoài dân chúng thờ dài lo âu”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ biểu hiện người sợ trách nhiệm “thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn… không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ”(19). Thậm chí, tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vẫn là vấn đề đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”(20).
Tình trạng này khiến cho hoạt động của bộ máy công quyền trì trệ, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, còn làm giảm sút năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Nguy hại hơn, đây chính là “mảnh đất” màu mỡ cho các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xúi dục, kích động nhân dân nếu không kịp thời chấn chỉnh, giải quyết triệt để.
Cạn năng lượng và thiếu sinh khí đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của một số cán bộ chủ chốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”(21). Đại hội XIII của Đảng dùng nhiều cụm từ: “sức sáng tạo”, “năng lực sáng tạo”, “chủ động sáng tạo”… nhằm nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và hành động. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn hiện nay, vẫn tồn tại loại cán bộ “đập đi, hò đứng”, không có gan nói, gan phụ trách và chỉ thừa hành trong công việc. Nguồn gốc của “loại bệnh” này, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chí Minh cảnh báo “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”(22).
Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đòi hỏi phải sớm khắc phục hiện tượng này. Phải cất nhắc, lựa chọn những cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí dám “vượt rào” để có những bước phát triển đột phá. Có như vậy, công việc mới trôi chảy, cách mạng mới thành công.
Còn mơ hồ, xem nhẹ và chủ quan trước âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành thường xuyên với quá trình xây dựng và phát triển Đảng. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn bộ phận cán bộ đảng viên và tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, thực hiện thiếu quyết liệt nhiệm vụ hệ trọng này.
Cho nên, công tác “đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”(23). Nguy hại hơn, “một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thấy hết âm mưu của các thế lực thù địch, còn mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác”(24). Trong khi, các thế lực phản động, thù địch ngày càng có âm mưu, thủ đoạn và hành động xuyên tạc, chống phá điên cuồng, quyết liệt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đây là nguy cơ rất đáng lo ngại, dẫn đến “tự thất bại” từ bên trong.
Để cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân
Thứ nhất, “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên”. Để lý luận trở thành “kim chỉ nam”, chỉ rõ phương hướng trong công việc thực tế, cán bộ đảng viên phải nhận thức đúng đắn, thật sự coi trọng việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tư tưởng có vững, quyết tâm mới cao, hành động mới quyết liệt.
Muốn nâng cao trình độ lý luận chính trị, bên cạnh quan tâm đào tạo bồi dưỡng, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy thì mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự dấn thân và hành động vào học tập lý luận. Phải nâng cao ý thức tự thân, tự học ở mọi lúc, mọi nơi, tiếp cận mọi nguồn thông tin chính thống. Khi cán bộ đảng viên nắm vững lý luận chính trị, không chỉ giữ vững lập trường, phòng chống nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị mà còn tạo ra sức “đề kháng” mạnh mẽ trước các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thứ hai, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.Trí sáng, tâm trong, vững lý luận thì cán bộ đảng viên sẽ hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Đây chính là biểu hiện cao nhất của đạo đức dấn thân và hành động, cho nên, cán bộ đảng viên trước hết phải nêu gương. Để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên có biểu hiện cầm chừng, né tránh, không dám làm do sợ sai, sợ trách nhiệm, Đại hội XIII của Đảng chủ trương “khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và được cụ thể hóa trong Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, ngày 22/9/2021về chủ trương khuyến khích và cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Để chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống, Nhà nước cần sớm tạo hành lang pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật để khuyến khích và bảo vệ. Cơ chế khuyến khích cần xây dựng theo hướng “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Những việc có lợi cho dân nhưng quy định của Đảng, pháp luật chưa có thì cấp ủy, người đứng đầu cần tạo điệu kiện để khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải có cơ chế bảo vệ cán bộ có động cơ tốt, dấn thân vào cái mới, cái khó dù kết quả chưa cao, thậm chí thất bại.
Thứ ba, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Có lý luận dẫn đường thì sẽ hành động, hành động sẽ nảy sinh sáng tạo. Đó là chuỗi quan hệ nhân quả và biện chứng lẫn nhau. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, đòi hỏi phải luôn cải tiến và đổi mới sáng tạo từ tư duy, nhận thức và hành động. Công cuộc đổi mới đất nước càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi phải sáng tạo, thậm chí có những đột phá để có thay đổi mang tính bước ngoặt. Muốn vậy, cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, phải có bản lĩnh can trường, dám đương đầu với khó khăn thử thách, ngược lại, nếu ai có tư tưởng bàn lùi, ngần ngại thì “hãy đứng sang một bên để người khác làm” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ tư, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cuộc chiến đấu tranh bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng. Không chỉ dấn thân và hành động trong xây dựng Đảng, cán bộ đảng viên còn phải có gan đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân. Một điểm nổi bật, đáng chú ý trong văn kiện Đại hội XIII liên quan đến trách nhiệm cán bộ đảng viên là “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(25).
Muốn vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải xem đây là một nhiệm vụ hệ trọng, hàng đầu và trở thành chiến sĩ xung kích trong cuộc chiến không “khói súng” này. Đồng thời, phải dựa vào nhân dân, vì “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”(26). Khi ý Đảng, lòng Dân cùng chung trận tuyến thì không thế lực nào có thể ngăn cản, phá hoại khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn thẳng thực trạng đáng báo động để tìm ra giải pháp nâng cao đạo đức dấn thân và hành động của cán bộ đảng viên. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là vấn đề có tính lâu dài, phải thực hiện thường xuyên trong xây dựng Đảng và sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước./.
_________________________________________________
(1) (6) (13) (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr. 603, 607, 94, 467.
(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.279, 289.
(4) (11) (12) (16) (21) (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273, 724, 307, 319, 315, 498.
(5) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.547, 623.
(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.187, 272.
(10) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2021, tr.60.
(14) Vương Trí Trang: Khắc phục hiện tượng ngại học lý luận trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6/5/2022.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lầ̀n thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016 tr. 28
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr.340.
(19) Nguyễn Phú Trọng:Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.466.
(20) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(23) (25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.91, 183.
(24) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.34.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử ngày 13/11/2023
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị xuất bản muốn thu hút độc giả thì công tác truyền thông thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những phương tiện truyền thông mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong công tác truyền thông thương hiệu xuất bản. Bài viết tập trung phân tích hoạt động truyền thông thương hiệu của NXB Kim Đồng nhằm rút ra những bài học cho các NXB trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận