Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
1. Sự phức tạp, tinh vi của tin giả
Tin giả được hiểu là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc sử dụng một phần sự thật với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.
Ví dụ, ngày 19/7/2021, trên mạng xã hội (MXH) lan truyền thông tin “Bức xúc cách chống dịch Covid-19… Một người dân phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu” tại đường số 2, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, theo UBND phường Trường Thọ, khoảng 14 giờ 50 ngày 19/7, UBND phường nhận được tin có vụ việc một thanh niên dùng chất lỏng tự đốt thân thể giữa đường, trước địa chỉ số 56 đường số 2, khu phố 8. Khi đó có một đoàn xe tang đi qua đã hỗ trợ dập lửa trên người nam thanh niên và dập tắt lửa dưới lòng đường. Thanh niên đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua xác minh, công an xác định nạn nhân là N.M.H (46 tuổi, ngụ đường số 11, phường Trường Thọ). Gia đình cho biết anh N.M.H có giấy chứng nhận khuyết tật thần kinh - tâm thần 2, thời gian qua, anh N.M.H không có mâu thuẫn với gia đình và hàng xóm. Ví dụ trên là tin giả sử dụng một phần sự thật là nam thanh niên khuyết tật thần kinh dùng chất lỏng tự đốt thân thể để xuyên tạc công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tin giả, xấu độc còn hướng tuyên truyền những nội dung: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc lịch sử dân tộc, các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh, thân thế sự nghiệp Hồ Chí Minh; vấn đề dân chủ, nhân quyền; chính sách tôn giáo; phủ định đường lối, chính sách của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước thông qua một số sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành; kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phủ định bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống ngoại lai, nhất là về văn hóa chính trị; cổ vũ xây dựng “xã hội dân sự” ở Việt Nam…
Tin giả làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn, từ đó có những hành động gây bất lợi cho Nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận. Dần dần, những tin giả, xấu độc đó không chỉ tiêm nhiễm vào những người thiếu bản lĩnh mà còn như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cha ông đã hy sinh máu xương, trí lực để dựng xây nên.
Thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, trong và ngoài nước liên tục phát tán tin giả, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương. Các đối tượng thường nhắm vào các hoạt động như: việc thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly; công tác hỗ trợ người dân tại vùng dịch; việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều tài khoản, nhóm, Fanpage trên MXH Facebook tán phát tin giả về phát ngôn, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương nhằm thu hút lượng tương tác để thực hiện mục đích trục lợi.
Bên cạnh đó, những kẻ phản động lưu vong, những phần tử chống đối sử dụng tin giả để đổi trắng thay đen, thổi phồng những tin tức tiêu cực tạo ra sự bất mãn, từ đó kêu gọi những người trẻ dễ bị kích động tham gia các cuộc biểu tình trên không gian mạng. Cái gọi là biểu tình trên không gian mạng là hình thức kêu gọi thay đổi biểu tượng trên trang mạng cá nhân, đặt hashtag, đồng loạt nhấn like hay ký tên qua mạng để ủng hộ một nội dung chống đối được soạn sẵn, làm sao để tất cả tài khoản của người dùng MXH như đang khoác “áo đồng phục” cùng tham gia một phong trào.
Chiêu bài này được các tổ chức phản động liên tục sử dụng trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng như thời gian dịch bệnh. Phương thức trực tuyến này đã lôi kéo hàng trăm lượt người tham gia hội luận theo các chủ đề được đưa ra. Người dùng thoải mái bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nhưng thiếu đi sự kiểm chứng thông tin. Một số người còn tiếp sức trực tuyến cho các cuộc biểu tình bằng cách gắn thẻ bạn bè của họ vào những bài đăng ủng hộ. Phần lớn trong số này là những tài khoản ảo, được lập ra để có thể ẩn danh dễ dàng trên không gian mạng, khó có thể truy cứu trách nhiệm.
Bên cạnh việc kích động giới trẻ tham gia biểu tình online, điều đặc biệt nguy hiểm còn ở chỗ, thông qua ghi danh, ký tên, thay đổi biểu tượng, các thế lực thù địch sẽ thu thập thông tin cá nhân, sau đó tiếp tục mua chuộc, kích động, biến người trẻ trở thành công cụ để thực hiện mưu đồ bất chính. Mục tiêu lâu dài là tập hợp lực lượng để tổ chức các phong trào làm suy yếu, lật đổ chính quyền. Mỗi khi đến kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch lại kích động nhân dân, đặc biệt người dùng MXH lan truyền những thông điệp, quan điểm chống phá như “bầu cử hay không bầu có khác gì nhau”, “không biết không bầu”, “cơ cấu cả rồi”,… nhằm hô hào, công kích nguyên tắc tập trung dân chủ, kêu gọi phá hoại một sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của toàn dân - sự kiện có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc quyết định đường hướng hướng phát triển đất nước những năm tiếp theo.
2. Nhà báo đấu tranh ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực của thông tin giả
Đội ngũ nhà báo ở các cơ quan báo chí đã triển khai các chuyên mục nhằm đấu tranh với tin giả. Trên các báo mạng điện tử có “Bình luận - phê phán” (Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân), “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” (Tạp chí Cộng sản), “Chống diễn biến hòa bình” (Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân), “Biển đảo Việt Nam” (Vietnam plus)… Các chuyên mục này đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái.
Ở các kênh truyền hình, các nhà báo đã sản xuất nhiều chương trình chính luận nhằm chống luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc. Từ 2019, VTV1 cho ra mắt chương trình chính luận “Đối diện”, ANTV có chuyên mục “Xây dựng Đảng”, “Góc nhìn và sự thật”, “An ninh mạng”; Truyền hình Thông tấn có chuyên mục “Nhận diện”… Các chương trình đều nhằm trực diện đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những nội dung được nghiên cứu, chắt lọc kỹ càng và có sự tham gia của các chuyên gia phân tích sâu sắc, thấu đáo. Đội ngũ các nhà báo đang từng bước nắm thế chủ động trong việc đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc.
Năm 2021, khoảng thời gian trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, trong các chương trình Thời sự 19h, các nhà báo của VTV liên tục cập nhật tin, bài về các hội nghị tập huấn công tác vận động bầu cử với các ứng cử viên, đặc biệt là các luận điểm như: “Khi tiếp xúc với ứng cử viên, cử tri có thể hỏi ứng cử viên bất cứ điều gì họ quan tâm”, “Không được dùng vật chất lôi kéo cử tri”, “Vận động bầu cử - cuộc “sát hạch” trực diện với những ứng cử viên đại biểu Quốc hội”… đã gián tiếp phản bác lại luận điệu của các thế lực thù địch phát ngôn trên mạng Internet đã nhiều năm, cho người dân thấy rằng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều không “cơ cấu”, không có gian lận như một số người lầm tưởng, ứng viên phải đưa ra chương trình hành động thuyết phục, trả lời được những thắc mắc của cử tri.
Trong chuyên mục “Đối diện” của VTV, để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc từ các thế lực thù địch, các nhà báo trong ekip sản xuất chương trình không chỉ sử dụng triệt để việc lý luận sắc bén dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mà còn đưa ra những dẫn chứng thực tế để phản bác. Ví dụ, để phản bác lại những tin giả trên MXH như “Dân nghèo TP. Hồ Chí Minh kiệt quệ vì dịch bệnh mà chưa nhận được gói hỗ trợ…”, “Chỉ biết ra lệnh phong tỏa, cách ly rồi mặc dân sống chết ra sao”, “Ai sẽ giúp người nghèo không chết đói giữa phong tỏa”…, trong chương trình “Đối diện” (phát sóng tháng 8/2021), nhà báo đưa hình ảnh và trực tiếp phỏng vấn người dân nghèo về cảm nhận của họ khi đã được nhận trợ cấp thất nghiệp cùng những thông tin liên quan về các đợt hỗ trợ người yếu thế giữa mùa dịch.
3. Nhà báo định hướng nhận thức, hành vi cho công chúng MXH
Nhà báo định hướng thông tin trên MXH trước hết bằng việc kịp thời đưa ra thông tin chính xác, đính chính những thông tin sai lệch. Họ thể hiện vai trò nắm bắt dư luận xã hội và định hướng thông tin, tạo sự ổn định trên cộng đồng mạng và trong xã hội.
Đầu năm 2020, khi vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), thông tin về vụ việc rất “nóng” trên các trang MXH, trong đó rất nhiều thông tin lệch lạc, sai sự thật. Dù không có nguồn tin đáng tin cậy, không có mặt tại hiện trường nhưng không ít người vẫn đăng tải những thông tin vô căn cứ, tường thuật diễn biến vụ việc như thể đang được chứng kiến. Nhiều Facebooker dù không hiểu bản chất sự việc nhưng vẫn đăng các bài bình luận mang tính chủ quan, phiến diện, mục đích gây sự chú ý, câu like, câu view. Họ bình luận ác ý, dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa để miệt thị chính quyền, các cơ quan chức năng.
Đáng tiếc là nhiều người tham gia MXH khi tiếp nhận những thông tin sai lệch đó lại hùa theo, bình luận theo suy đoán chủ quan, chẳng khác “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến vụ việc ở Đồng Tâm bị “biến dạng”, thay đổi bản chất trên các trang MXH. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội lợi dụng cơ hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhẫn tâm hơn, không ít kẻ sử dụng hình ảnh các chiến sỹ công an đã hy sinh và gia đình, người thân của họ để đưa thông tin sai trái với ý đồ đen tối, nhằm lợi dụng, lôi kéo những người tham gia MXH chưa có ý thức cảnh giác phụ họa theo, làm lan rộng thông tin xấu độc, kích động gây rối, bạo loạn. Cụ thể, từ ngày 8/1/2020 đến ngày 14/1/2020, đã có hàng chục nghìn tin, bài, video clip đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, MXH Facebook, Youtube liên quan vụ việc, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, cổ súy và kích động chống phá.
Các đối tượng chống phá với nhiều nội dung xuyên tạc bản chất của sự việc, vu cáo chính quyền chỉ đạo lực lượng công an sử dụng vũ khí đàn áp người dân Đồng Tâm nhằm “cướp đất” phục vụ “lợi ích nhóm”, bôi nhọ, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…; tuyên truyền hoạt động chống đối chính quyền cực đoan của một số đối tượng tại Đồng Tâm là “cuộc chiến chính nghĩa”, “phòng vệ chính đáng”, sẵn sàng “xả thân, đổ máu”...; ca ngợi, suy tôn Lê Đình Kình, Lê Đình Chức, Lê Đình Công là ngọn cờ tiêu biểu chống “lợi ích nhóm”, “giặc nội xâm” để bảo vệ quê hương; kêu gọi cộng đồng mạng tán phát, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video clip phản ánh sai lệch bản chất vụ việc để yêu cầu các tổ chức nhân quyền, các hãng thông tấn báo chí, tòa án quốc tế quan tâm, theo dõi và tiến hành điều tra “toàn diện” về vụ việc Đồng Tâm; tán phát thông tin kích động, kêu gọi người dân tập trung đến Đồng Tâm tuần hành, gây rối an ninh trật tự, gây áp lực với chính quyền, hỗ trợ pháp lý cho người dân Đồng Tâm.
Tổ chức, hội nhóm phải kể đến như “Hội anh em dân chủ”, “Nhà xuất bản tự do”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Lập quyền dân”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Văn đoàn Việt Nam” và 25 đối tượng chống đối ra bản “Tuyên bố Đồng Tâm”, đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, công kích lực lượng công an “đối đầu” với dân tại Đồng Tâm. Mặc dù nêu ra những điểm phí lý, bịa đặt nhưng những thông tin trên lại được chia sẻ mạnh trên MXH, có cả nội dung và kêu gọi các đối tượng, hội nhóm chống đối khác cùng ký tên qua địa chỉ email “tuyenbo...”. và đã có hàng chục tổ chức, hàng trăm cá nhân ký tên vào bản tuyên bố với 7 yêu sách.
Trên các trang mạng phản động “Báo Tiếng dân”, “Nghiệp đoàn báo chí”, “Việt Tân”, “Việt Nam Thời báo”... đã đăng tải một loạt bài viết với nội dung xuyên tạc, rằng chính quyền chỉ đạo lực lượng vũ trang tập trung tại xã Đồng Tâm nhằm đe dọa người dân phải trao 59 ha đất nông nghiệp cho chính quyền... Tài khoản facebook “Thuy Trang Nguyen”, “Cong Ly Justice”, “Kim Long Huynh Khang”, “Chính luận Trần Trung Đạo”... đăng tin, bài kêu gọi cho phép tổ chức ASia Law Alliance hoặc cộng đồng người Việt tại New York thay mặt gia đình Lê Đình Kình gửi đơn kiện một số đồng chí lãnh đạo ra Tòa án quốc tế; vu khống lực lượng công an, phát tán kêu gọi “5 ngày quốc tang” Lê Đình Kình, kêu gọi người dân tập trung tại Đồng Tâm để viếng, tổ chức thắp nến, hương tại nhà thờ và kêu gọi mọi người quyên góp tiền để ủng hộ, cúng viếng Lê Đình Kình...
Một số kênh Youtube như “Thông tấn Việt”, “SBTNOfficial”, “Tiếng Dân TV”..., đăng tải nhiều video vu cáo chính quyền huy động lực lượng vũ trang cùng nhiều trang thiết bị hiện đại đàn áp, cướp đất của người dân Đồng Tâm; xuyên tạc vụ việc tại Đồng Tâm cho rằng thông tin số chiến sỹ hy sinh sai sự thật, gây nhiễu thông tin, là kế “gắp lửa bỏ tay người” nhằm vu cáo người dân Đồng Tâm; các cơ quan truyền thông Đảng, Nhà nước đang ra sức biện minh cho hành động “đàn áp, cướp đất” người dân Đồng Tâm.
Các đối tượng cũng tích cực sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) trên MXH tán phát rộng rãi, số lượng tiếp cận thông tin cùng lúc rất lớn, tạo các tiêu đề, bài viết, video mang tính “nóng”, giật tít liên quan vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm nhằm tạo sự tò mò, thu hút người đọc để tăng khả năng tương tác, chia sẻ, bình luận; thực hiện các tuyên bố, kiến nghị, lấy ý kiến qua mạng hòng tạo dư luận, gây áp lực đối với chính quyền.
Cùng thời điểm này, báo chí đã phát huy vai trò định hướng dư luận khi đưa tin trung thực, khách quan về sự việc, như đưa tin về việc một số đối tượng chống đối tại địa bàn xã Đồng Tâm sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, hậu quả khiến 3 cán bộ, chiến sỹ công công an hy sinh. Các trang báo đồng loạt đưa tin về vụ việc các đối tượng cản trở việc xây dựng tường rào quanh sân bay Miếu Môn, chống người thi hành công vụ. Các nhà báo thể hiện vai trò đưa tin khách quan, viện dẫn hồ sơ, căn cứ pháp lý giúp người dân hiểu đúng bản chất vụ việc. Cả đội ngũ nhà báo vào cuộc, hàng trăm cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình liên tục thông tin về vụ việc với tần suất dày đặc, với nhiều hình thức khác nhau: tin, phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, bình luận,… Trong khi kịp thời đưa các thông tin chính xác về vụ việc, vạch trần các tin tức giả mạo và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhiều nhóm nhà báo cũng đã tổ chức các tuyến bài phân tích sâu, chỉ rõ căn nguyên và bản chất vụ việc để người dân hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề.
Bên cạnh đưa thông tin chính xác để điều chỉnh nhận thức của người dân cho đúng đắn và phù hợp với tình hình, các nhà báo cũng thường thể hiện quan điểm của mình trên các trang báo. Các nhà báo cũng tận dụng MXH để đưa tin cải chính, điều chỉnh thông tin sai lệch, tránh làm cho dư luận hiểu sai về sự kiện, vấn đề thời sự trong đời sống xã hội.
Bằng đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, những nhà báo chân chính chắt lọc, lựa chọn thông tin trên MXH, điều chỉnh thông tin theo hai hướng: cổ vũ, khen ngợi và khai thác những thông tin tốt, cũng như phê phán, chấn chỉnh và định hướng lại những thông tin sai lệch.
Nhà báo chủ động đưa thông tin chính thống vào truyền thông xã hội, từ đó, định hướng cách nghĩ, cách phản ứng cho công chúng. Nhà báo còn có thể sử dụng MXH như phương tiện cổ vũ, tập hợp quần chúng hưởng ứng các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt với nhóm công chúng trẻ. Nhờ MXH, nhiều chiến dịch truyền thông đã được lan toả và thực hiện thành công. Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” năm 2021 của VTV được coi là một nỗ lực “trẻ hoá” sự kiện chính trị để tiếp cận Gen Z (người trẻ) hiệu quả hơn. Chiến dịch tập trung nhắm đến đối tượng cử tri trẻ, từ 18 - 34 tuổi và chú trọng vào Gen Z, giúp họ nhận rõ tầm quan trọng của việc bầu cử là hành động của một công dân trưởng thành, có trách nhiệm với Tổ quốc, từ đó thuyết phục họ đi đến một hành động rất tự nhiên và đáng tự hào: Tôi đi bầu cử. Chiến dịch đạt được 43 triệu lượt xem và tiếp cận trên các nền tảng MXH của VTV Digital và VTV.
Bên cạnh đó, nhà báo phát hiện, giới thiệu những cách làm hay, những mô hình tốt, những điển hình tiên tiến trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; thể hiện rõ vai trò đi đầu trong công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa cho nhân dân, qua đó nâng cao khả năng đề kháng của nhân dân trước đại dịch hoặc những thông tin sai trái, nhất là thế hệ trẻ trước những âm mưu, thủ đoạn đầu độc tư tưởng, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhà báo cũng đăng tải, lan toả những thông điệp nhân văn, những thông tin, tác phẩm ý nghĩa trên nền tảng truyền thông xã hội. Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, các phóng viên đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến công chúng. Hoạt động buôn bán, sinh hoạt có thể phải ngừng lại, nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình thì không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất. Thông qua báo chí, người dân không chỉ cập nhật kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trong nước, quốc tế mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng tránh dịch bệnh.
Mặt khác, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời gian dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, sự đồng hành của các nhà báo và ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội.
Năm 2021, trong đợt cao điểm dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện và phát sóng chương trình VTV đặc biệt - phim “Ranh giới” khiến khán giả xúc động và ám ảnh bởi sự chân thực, mô tả cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt của các nhân viên y tế trước dịch bệnh khủng khiếp. Và thông qua MXH như Facebook, Youtube, thậm chí là Tiktok - một MXH mới nổi, tác phẩm này đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ, “lấy nước mắt” của cộng đồng mạng. Riêng trên kênh Youtube của VTV Go, phim “Ranh giới” nhận được hơn 2,6 triệu lượt xem và hơn 5 nghìn bình luận.
Tóm lại, lực lượng đi đầu trên mặt trận thông tin, nhà báo luôn xác định vai trò định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay, chủ động đấu tranh ngăn chặn tin giả, góp phần bảo vệ sự ổn định của đời sống xã hội. Nhiệm vụ của nhà báo bên cạnh thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, còn là tích cực quan sát, nhận diện tin giả, chủ động bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo. Quá trình đó đòi hỏi nhà báo không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong việc tiếp nhận, xử lý, tổ chức thông tin cùng năng lực sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ chuyển tải thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
- Đảm bảo tính nhân văn trong ảnh báo chí
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận