Phỏng vấn truyền hình hiện đại: những kỹ năng cơ bản
1. Kỹ năng tác nghiệp bằng điện thoại thông minh
Tại nhiều kênh tin tức trên thế giới và cả Việt Nam, mô hình cặp đôi tác nghiệp: phóng viên - quay phim(1) vẫn rất phổ biến. Ở hiện trường, phóng viên thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, liên hệ nhân vật phỏng vấn, còn quay phim viên luôn sẵn sàng “bấm máy” và đảm bảo mọi yêu cầu về kỹ thuật hình ảnh - âm thanh cho đoạn video được ghi lại. Mỗi người đều có nhiệm vụ rõ ràng và phối hợp tốt với nhau để cho ra đời các tác phẩm báo chí truyền hình, từ đưa tin tại hiện trường cho đến phóng sự, phỏng vấn…
Bối cảnh mới đặt các phóng viên truyền hình vào một tình thế luôn cần phải phản ứng nhanh trước các diễn biến mới của tin tức, thậm chí ngay cả khi người quay phim chưa kịp có mặt. Vì thế, một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho các phóng viên báo chí nói chung và phóng viên truyền hình hiện đại nói riêng chính là điện thoại thông minh.
Công nghệ phát triển đã giúp các hãng sản xuất điện thoại thông minh đột phá trong tính năng và kiểu dáng sản phẩm. Mỗi chiếc điện thoại thông minh (smart phone)… giờ đây có thể đóng vai trò như một studio(2) thu nhỏ đối với mọi phóng viên thông qua các ứng dụng vô cùng hữu ích. Phóng viên có thể thực hiện mọi công việc của một người làm báo trên chiếc điện thoại thông minh, từ ghi chép, ghi âm, ghi hình cho đến hậu kì âm thanh, hình ảnh v.v. Việc lưu trữ tư liệu cũng rất dễ dàng nhờ bộ nhớ trong máy lớn cũng như lưu trữ đám mây(3) không giới hạn. Có thể nói, chưa bao giờ việc thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện lại dễ dàng như bây giờ, và phỏng vấn truyền hình cũng không nằm ngoài khả năng của những chiếc điện thoại thông minh.
Phóng viên truyền hình, giờ đây khi cần thực hiện phỏng vấn bằng điện thoại thông minh, có thể thực hiện độc lập mà không cần đến sự hỗ trợ của người quay phim. Họ chỉ cần sử dụng một bộ chân máy gọn nhẹ để cố định điện thoại, và một bộ tai nghe có micro (loại đi kèm điện thoại) là hoàn toàn có thể thực hiện một phỏng vấn truyền hình đạt chất lượng phát sóng.
Trước khi tiến hành phỏng vấn bằng điện thoại thông minh, phóng viên cần thực hiện một số thao tác sau:
Đối với nhân vật, phóng viên cần giải thích với nhân vật về việc phỏng vấn bằng điện thoại thông minh hoàn toàn đạt chất lượng phát sóng, tránh trường hợp nhân vật không hiểu và cảm thấy việc phỏng vấn bằng điện thoại không đảm bảo chất lượng và trang trọng như bằng máy quay chuyên nghiệp. Phóng viên cũng cần quan sát, lựa chọn bối cảnh mà nhân vật sẽ đứng sao cho phù hợp, đủ ánh sáng, không nhiều tạp âm từ hiện trường. Sau đó, khi mọi việc đã sẵn sàng, đề nghị họ nhìn vào điểm cụ thể nào để trả lời phỏng vấn (nhìn phóng viên hoặc máy quay tùy vào ý đồ thực hiện tác phẩm của phóng viên).
Đối với thiết bị, phóng viên cần cài đặt điện thoại ở chế độ máy bay và tắt kết nối mạng wifi, để đảm bảo cuộc phỏng vấn không bị gián đoạn bởi các cuộc gọi, tin nhắn, thông báo mới trên điện thoại. Phóng viên cũng cần chuẩn bị sạc dự phòng để đảm bảo điện thoại không sụt pin, hết pin trong quá trình ghi hình. Sau cùng, phóng viên cần kiểm tra thử chất lượng hình ảnh và âm thanh của thiết bị trước khi chính thức ghi hình.
Khi ghi hình, phóng viên cần đảm bảo micro luôn giữ gần nhân vật và không bị lọt vào hình. Nếu nhân vật thoải mái, phóng viên có thể nhờ họ tự cầm micro và dặn họ về việc giữ micro thấp không lọt vào hình và tránh tiếng sột soạt tại tay cầm micro.
Sau khi ghi hình, phóng viên xin phép nhân vật chờ vài phút để kiểm tra chất lượng hình ảnh, âm thanh. Nếu không đạt vì lý do kỹ thuật hoặc bất ngờ có tiếng động hiện trường gây ảnh hưởng tới chất lượng, phóng viên cần xin nhân vật phỏng vấn lại hoặc trả lời lại một nội dung cụ thể nào đó. Tuy nhiên, việc này là hết sức hạn chế. Nếu chất lượng đảm bảo, phóng viên có thể chuyển ngay nội dung lên kho lưu trữ trên đám mây của mình, hoặc gửi qua các kênh giữ nguyên dung lượng để đảm bảo lưu trữ nhiều nơi, đề phòng điện thoại bị trục trặc khi chưa kịp xử lý thì vẫn giữ được video phỏng vấn.
Điện thoại thông minh cũng có đủ các phần mềm ứng dụng tiện lợi giúp phóng viên xử lý các thao tác kỹ thuật và nghệ thuật ở khâu hậu kỳ một cách đơn giản như: capcut, imovie, kinemaster, vivavideo v.v.. Vì vậy nếu đó là phỏng vấn được dùng như một trích đoạn trong tin tức, phóng viên có thể hậu kỳ tại chỗ và gửi tác phẩm hoàn chỉnh về cho ban biên tập.
Điện thoại thông minh cũng có tính năng camera trước giúp phóng viên thuận lợi trong việc dẫn hiện trường. Kết hợp với chân máy, tai nghe kèm micro, phóng viên có thể dễ dàng thực hiện dẫn hiện trường và thậm chí kết nối nó với phần phỏng vấn nhân vật tại hiện trường.
Với một sản phẩm phỏng vấn truyền hình được thực hiện trên điện thoại thông minh, bên cạnh việc sử dụng để phát sóng truyền hình, phóng viên cũng có thể chuyển đổi định dạng thành các video xem trên điện thoại. Với thực tế là có một tỉ lệ vô cùng lớn người dùng mạng xã hội chú ý tới các thông tin có định dạng video như hiện nay(4), thì công cụ này càng trở nên đắc lực đối với tác nghiệp của phóng viên truyền hình nói riêng và phóng viên báo chí nói chung. Một lưu ý cuối cùng khi sử dụng điện thoại thông minh để ghi hình là cần phải linh hoạt khi quyết định quay ngang hoặc quay dọc màn hình điện thoại. Nếu phục vụ việc phát sóng truyền hình thì phải quay ngang màn hình để hình ảnh khi chiếu trên truyền hình không khuyết hình ở hai bên, bởi vì tất cả các máy thu hình đều được thiết kế theo chiều ngang (tỉ lệ 16X9 hoặc 3X4 trước đây). Việc này cũng không ảnh hưởng khi chiếu cho công chúng xem bằng điện thoại trên các nền tảng mạng xã hội. Ngược lại, nếu quay dọc màn hình thì tốt cho việc phát trên mạng xã hội nhưng khi phát trên truyền hình thường phải thêm khâu xử lý kỹ thuật hậu kỳ cho khoảng thiếu hụt hình ảnh hai bên, (hoặc khi sử dụng sẽ có hai mảng màu đen ở hai bên của hình ảnh được chiếu trên truyền hình).
2. Kỹ năng sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến
Khi đại dịch xảy ra, cả thế giới phải thích ứng với hình thức làm việc trực tuyến. Báo chí cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng cũng đồng thời là lực lượng vẫn phải hoạt động hết công suất trong đại dịch để phục vụ nhu cầu tin tức không ngừng của công chúng vốn càng trở nên cấp thiết khi họ bị hạn chế đi lại, tiếp xúc. Cũng như mọi ngành nghề khác, nhà báo cũng tác nghiệp thông qua việc sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến (như: Zoom, Skype, Facebook, Zalo, Whatsapp v.v.) một cách hiệu quả. Và một trong những hoạt động tác nghiệp có thể được thực hiện trên công cụ này chính là phỏng vấn trực tuyến.
Chính nhờ sự phổ biến của hình thức làm việc trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh mà đã rất nhiều người quen với các thao tác sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến, dù ở vai trò người chủ trì hay người tham gia. Cũng vì thế, phóng viên gặp thuận lợi trong việc liên hệ và làm việc với các nhân vật cần phỏng vấn trên các ứng dụng này. Nhờ tính năng ghi hình của bản thân các ứng dụng, hoặc tính năng ghi lại hình ảnh màn hình của điện thoại, phóng viên có thể dễ dàng lưu trữ lại nội dung cuộc phỏng vấn trực tuyến. Thậm chí nếu các phương án trên không khả thi, phóng viên có thể sử dụng điện thoại để tự ghi lại bên ngoài cuộc phỏng vấn diễn ra trên máy tính v.v.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhân vật đã quen thuộc với các thao tác sử dụng ứng dụng họp trực tuyến, phóng viên vẫn cần làm việc với họ để đảm bảo mọi điều kiện của cuộc phỏng vấn online được thuận lợi.
Đối với nhân vật, phóng viên cần trao đổi để đảm bảo camera của thiết bị mà nhân vật sử dụng rõ ràng và đạt chất lượng ghi hình. Đồng thời, cần đảm bảo các nguyên tắc sử dụng thiết bị thông minh đã nêu ở phần trên.
Phóng viên cũng cần đảm bảo nhân vật ngồi tại một bối cảnh có nền phù hợp, lịch sự, không rườm rà, không quay lưng ra cửa đề phòng có người ra vào. Điều quan trọng là vị trí ngồi đủ ánh sáng. Nhân vật có thể ngồi trước đèn hoặc hướng mặt về phía cửa sổ.
Đối với thiết bị, phóng viên cần yêu cầu nhân vật sử dụng tai nghe có gắn micro nếu có thể, để đảm bảo chất lượng âm thanh của phỏng vấn. Nhân vật không nên dùng loa trực tiếp của thiết bị để tránh bị vang, vọng tiếng, dù là máy tính để bàn, máy tính bảng hay điện thoại.
Máy tính của phóng viên cũng cần sử dụng tai nghe, nếu cuộc phỏng vấn được ghi lại bằng chính ứng dụng họp trực tuyến. Còn nếu ghi bằng điện thoại bên ngoài, phóng viên cần bật loa ngoài để ghi được âm thanh. Hai bên cần ghi hình thử để kiểm tra hình ảnh, âm thanh, đường truyền… trước khi tiến hành chính thức cuộc phỏng vấn.
Các ứng dụng họp trực tuyến cũng cho phép phóng viên có thể thực hiện phỏng vấn với nhiều người một lúc. Trong trường hợp này, từng nhân vật cần được trao đổi như nhau về việc phải lưu ý, chuẩn bị những gì. Đặc biệt, cần chú ý việc bật micro và tắt micro của mỗi người sao cho đúng lúc đúng chỗ để đảm bảo chất lượng âm thanh và tránh lọt vào những âm thanh không mong muốn trong quá trình phỏng vấn.
Nếu biết tận dụng ưu thế này của các ứng dụng họp trực tuyến, một phóng viên có thể ngồi tại nhà mình và kết nối các nhân vật tại nhiều nơi khác nhau và không mất công di chuyển, sắp xếp quá nhiều mà vẫn có thể có được những ý kiến chuyên môn, thông tin chuyên sâu, chất lượng cao từ các nhân vật. Đây là một cách tác nghiệp rất hợp lý và hiệu quả trong đại dịch Covid-19 mà nhiều cơ quan báo chí và phóng viên trên thế giới và Việt Nam đã và đang thực hiện.
3. Kỹ năng đặt câu hỏi và giao tiếp
Nếu như hai nhóm kỹ năng đầu tiên dường như nhấn mạnh vào khả năng thích ứng với những thành tựu của khoa học công nghệ của phóng viên, thì ở nhóm kỹ năng thứ ba này, thế mạnh thực sự của một người làm báo mới được bộc lộ. Làm phỏng vấn giỏi thì không thể chỉ dựa vào công nghệ và thiết bị. Phóng viên chỉ thực hiện được những cuộc phỏng vấn tốt nếu thực sự có kỹ năng đặt câu hỏi và giao tiếp. Điều tưởng như “truyền thống” này vẫn là căn cốt của nghề báo và là yếu tố làm nên thành công của phỏng vấn báo chí nói chung, phỏng vấn truyền hình nói riêng.
Dù là phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến hay qua điện thoại, phóng viên luôn luôn cần đặt được đúng câu hỏi với đúng người vào đúng thời điểm. Tạm bỏ qua việc lựa chọn đề tài, lựa chọn nhân vật, hay các bước để tiến hành một cuộc phỏng vấn, ở đây nhấn mạnh vào năng lực đặt câu hỏi và khả năng giao tiếp của phóng viên để có được thông tin mà công chúng cần.
Một trong những kỹ năng quan trọng là phóng viên cần xác định cần phải hỏi những thông tin căn bản gì để làm rõ vấn đề cần làm rõ. Thông thường, phóng viên sẽ nghiên cứu vấn đề, tìm hiểu về nhân vật, chuẩn bị câu hỏi, rồi mới thực hiện phỏng vấn. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đó thường dành cho những tác phẩm phỏng vấn chuyên đề. Còn đối với tác nghiệp nhanh tại hiện trường, khi cần phỏng vấn nhanh một nhân vật về vấn đề, sự kiện thời sự, thì phóng viên cần đánh giá nhanh sự liên quan của nhân vật đối với vấn đề, sự kiện đó, và giá trị thông tin mà nhân vật có thể cung cấp, để từ đó hình thành hệ thống câu hỏi phù hợp.
Để có được thông tin mình mong muốn một cách nhanh chóng, phóng viên cần hỏi thẳng vào điều cần biết, tránh những diễn đạt vòng vo, dài dòng, vừa gây mất thời gian, vừa khiến nhân vật khó nắm bắt được trọng tâm câu hỏi. Đối với một chương trình hoặc một tác phẩm phỏng vấn, phóng viên có thể sử dụng những câu hỏi đệm, mang tính chất nhẹ nhàng ban đầu, rồi sau đó mới đi vào câu hỏi chính. Nhưng với phỏng vấn tại hiện trường, phóng viên cần tận dụng thời gian và cần sử dụng ngay những câu hỏi chính.
Một điều quan trọng nữa khi hỏi nhân vật, đó là phóng viên cần tập trung vào câu trả lời mà nhân vật cung cấp, đánh giá mức độ quan trọng và rõ ràng của thông tin, để từ đó có thể hỏi thêm những câu hỏi xoáy hơn nữa vào điều cần biết, hoặc làm rõ một nội dung mới xuất hiện. Việc này sẽ tạo thêm sự chặt chẽ, logic cho quá trình phỏng vấn và khiến thông tin sáng rõ hơn.
Trong một số trường hợp, với những nội dung cụ thể và với nhân vật cụ thể, phóng viên có thể sử dụng các loại câu hỏi khác nhau để khơi gợi thêm thông tin sâu như câu hỏi xác minh, kiểm tra, câu hỏi khiêu khích hoặc câu hỏi đóng, câu hỏi mở, v.v..
Trong quá trình nhân vật trả lời, phóng viên luôn cần tương tác với nhân vật thông quan ngôn ngữ phi lời nói. Cụ thể, họ cần nhìn vào nhân vật để thể hiện sự chú ý, tập trung của mình vào những gì nhân vật đang nói. Đồng thời, phóng viên cũng có thể gật đầu, mỉm cười để tương tác, thể hiện sự đồng tình với câu trả lời của nhân vật. Điều này khiến nhân vật cảm thấy mình đang được lắng nghe, được tôn trọng, sẵn lòng chia sẻ nhiều hơn. Phóng viên không nên trả lời những câu như “vâng”, “dạ” thành tiếng trong quá trình nhân vật đang trả lời, để không lọt lẫn vào tiếng của nhân vật, giúp phần trả lời của nhân vật được trọn vẹn, không bị nhiễu.
Khi nhân vật trả lời xa trọng tâm câu hỏi hoặc dài dòng, lan man, phóng viên cần lựa chọn thời điểm thích hợp để nhanh chóng ngắt lời nhân vật, lái họ trở về đúng trọng tâm câu hỏi bằng việc lặp lại câu hỏi, hoặc cụ thể hoá câu hỏi hơn, đồng thời cũng có thể dùng ngôn ngữ phi lời nói (như ra dấu bằng tay hoặc miệng mấp máy như muốn nói điều gì đó) để nhân vật hiểu ý và dừng lại. Dù chọn cách làm nào để ngắt lời nhân vật, phóng viên cũng cần thể hiện một thái độ tôn trọng để nhân vật cảm thấy tuy bị ngắt lời nhưng vẫn thoải mái.
Sau khi nhân vật trả lời, phóng viên cần nhìn lại xem còn điều gì bỏ sót không để đảm bảo mình đã có mọi thông tin cần thiết từ nhân vật. Phóng viên cũng cần ghi lại tên tuổi và chức danh chính xác cũng như số điện thoại, email của nhân vật để có thể liên lạc lại ngay khi cần. Thường thì phóng viên sẽ ghi hình luôn thông tin đó bằng việc đề nghị nhân vật trả lời luôn họ tên đầy đủ, chức danh sau khi kết thúc phỏng vấn và vẫn để máy quay ghi hình nội dung đó.
Có thể nói, cả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đều mang lại những thách thức và cơ hội cho mọi ngành nghề. Ai nhận thức được thực tiễn càng sớm, thích nghi được với khó khăn càng nhanh, thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để tồn tại. Nghề phóng viên chưa bao giờ là một nghề nghiệp đơn giản và ít gian khó. Phóng viên truyền hình là những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19, đồng thời họ cũng là lực lượng hàng đầu phải làm quen với công nghệ để phục vụ tác nghiệp. Nếu coi kỹ năng sử dụng công nghệ là yếu tố đủ, thì kỹ năng phỏng vấn báo chí là yếu tố cần đối với mọi phóng viên dù làm việc cho loại hình báo chí nào trong thời đại ngày nay./.
__________________________________________
(1) Tiếng Anh: cameraman
(2) Dịch sang tiếng Việt: phòng thu, trường quay, xưởng nghề, v.v..
(3) Tiếng Anh là Cloud storage: là một thuật ngữ dùng để chỉ các hành động lưu giữ, sắp xếp, quản lý, chia sẻ và sao lưu dữ liệu của cá thể sở hữu nó trên một hệ thống lưu trữ bên ngoài ổ cứng được duy trì bởi các nhà cung cấp (hay bên thứ ba). Dịch vụ này cho phép khách hàng hay người dùng có thể truy cập được tất cả các tệp tin của họ từ xa tại bất kỳ vị trí địa lý nào.
(4) Báo cáo Vietnam Digital 2021 do We are Social và Hootsuite thực hiện cho thấy có gần 69 triệu người dùng Internet tại Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 64 và 97,6% trong số này ưa thích xem các video online trên mạng xã hội.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5.2022
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư gửi lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của PGS, TS. Tô Huy Rứa
Nhân dịp Kỷ niệm và Hội thảo khoa học 30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, PGS, TS. Tô Huy Rứa, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã gửi thư chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Ban Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn Thư Chúc mừng của đồng chí PGS, TS. Tô Huy Rứa.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận