Phương tiện truyền thông mới - một thế giới thu nhỏ
Phương tiện truyền thông mới là gì?
Phương tiện truyền thông mới, theo từ điển Cambridge giải thích là các sản phẩm và dịch vụ cung cấp thông tin hoặc giải trí bằng máy tính hoặc Internet, không phải bằng các phương pháp truyền thống như truyền hình và báo chí(1).
Học giả Lievrouw và Livingstone giải thích phương tiện truyền thông mới tập trung vào ba khía cạnh chính: thông điệp truyền thông, công nghệ truyền thông và bối cảnh xã hội mà nó được ứng dụng. Trong đó nêu rõ: Một là, các thiết bị do con người sáng chế cho phép và mở rộng khả năng giao tiếp của con người; Hai là, con người tham gia phát triển và sử dụng các thiết bị này để thực hành các hoạt động giao tiếp; Ba là, các thiết bị này góp phần hình thành các cộng đồng hoặc tổ chức xã hội vì cùng một mục tiêu chung nào đó(2).
Học giả Manovich cắt nghĩa phương tiện truyền thông mới bằng cách liệt kê các danh mục bao gồm: Internet, các trang Web, máy tính đa phương tiện, trò chơi máy tính, CD-ROM và DVD, thực tế ảo,… và việc ứng dụng Internet trong các khía cạnh của đời sống xã hội (Hình 1). Manovich cũng đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là tất cả những gì có đối với phương tiện truyền thông mới? Điều gì về các chương trình truyền hình được quay trên video kỹ thuật số và được chỉnh sửa trên các trạm máy tính? Hay phim truyện sử dụng hoạt hình 3-D và kết hợp kỹ thuật số? Còn hình ảnh và bố cục văn bản - ảnh, ảnh minh họa, quảng cáo - được tạo trên máy tính và sau đó in ra giấy thì sao? Tương tự như vậy với việc ảnh và video được đưa vào đĩa CD-ROM và cần có máy tính để xem được coi là phương tiện mới, trong khi những bức ảnh tương tự được in trong một cuốn sách thì không?(3).
Mối liên hệ giữa phương tiện truyền thông mới và phương tiện truyền thông truyền thống (phương tiện truyền thông cũ)
Khi so sánh phương tiện truyền thông mới với phương tiện được gọi là “cũ” - báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình - chúng ta rất có thể đặt câu hỏi: Phương tiện truyền thông mới có làm cho phương tiện truyền thông cũ lỗi thời không? Đây có phải là một “thế giới mới” trong cuộc cách mạng công nghiệp - có phạm vi chuyển đổi xã hội rộng lớn không? Thực vậy, sự so sánh này có đôi phần khập khiễng, bởi vì ngày nay, phương tiện truyền thông cũ hầu như luôn đi đôi với phương tiện truyền thông mới, gắn liền với cuộc cách mạng truyền thông máy tính và Internet. Các loại hình truyền thông cũ ngày nay phát triển và “biến hoá” để phù hợp với xu thế công nghệ 4.0 của thời đại, khi thị hiếu của khán giả bị “bao vây” bởi những phương tiện kỹ thuật số, cụ thể như: Sách -> Sách điện tử, wiki (khái niệm biểu thị cho quyền sử dụng thông tin và sự tự do ngôn luận); Báo chí -> Trang blog; Âm nhạc -> Ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify, Pandora; Báo in, tạp chí in -> Báo, tạp chí điện tử; Đài radio -> Podcasts (các tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên Internet và người dùng có thể tải về để nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,...); Vô tuyến điện, phim truyền hình -> Vô tuyến kết nối Internet, kỹ thuật số; phim trọn bộ trên các trang web, mạng xã hội; phim, clip ngắn tự sản xuất bằng các thiết bị thông minh; Điện thoại -> VOIP(5); Nhiếp ảnh -> Ứng dụng chia sẻ ảnh và video; tổ chức hình ảnh; bình luận và tương tác Flickr, Picasa; ...
Như vậy, cuộc cách mạng truyền thông máy tính, Internet, số hoá không những ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn của truyền thông, bao gồm từ nguồn phát, những thao tác mã hoá thông điệp, lưu trữ và phân phối đến việc hạn chế và điều phối yếu tố nhiễu…; mà còn ảnh hưởng đến sự vận động và phát triển của tất cả các loại phương tiện truyền thống khác như: văn bản, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, âm thanh và cấu trúc không gian.
Phương tiện truyền thông mới - Một thế giới thu nhỏ.
Thứ nhất, với đặc tính lan truyền, biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt và thế giới ngày càng phẳng. Với sự phát triển của Internet, các dịch vụ mạng xã hội có thể được sử dụng để trau dồi kỹ năng tranh luận và thảo luận trong bối cảnh địa phương, quốc gia hoặc quốc tế. Mọi người từ đó có thể kết nối với những người có cùng sở thích từ khắp nơi trên thế giới; học cách cùng “chung sống”; hay cùng hoạt động thành công trong cộng đồng, điều hướng không gian xã hội công cộng và phát triển các chuẩn mực và kỹ năng xã hội với tư cách là người tham gia vào các nhóm đồng đẳng. Điều này đã dẫn đến sự trỗi dậy của vô số nền văn hóa nhỏ trên Internet, một kết nối đáng tin cậy trong một mạng lưới - nơi mọi người tụ tập trên các diễn đàn và thành lập nên “bộ tộc” của họ.
Trong bối cảnh tin tức là tức thời như hiện nay, nhờ các ứng dụng tin tức, mạng xã hội,…mà tin tức lan truyền nhanh và hiệu quả hơn bao giờ hết. Con người hiện đại giờ đây không còn cần phải đợi đến giờ phát sóng, đợi từng ngày để truy cập tin tức truyền hình và báo in, mà có thể tiếp cận “chu kỳ tin tức 24 giờ”, thậm chí được nghe và xem tin trực tiếp từ hiện trường. Làn sóng tin tức lan truyền “chóng mặt” từng giờ, từng phút, gây nên phản ứng dây chuyền, đôi khi vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của giới cầm quyền.
Năm 2010, tại Tunisia, một thanh niên bán bánh mì tên là Mohammed Bouazizi đã tự thiêu giữa phố để phản đối chính quyền vì cuộc sống của anh ta quá khổ sở, phải chịu sự bất công nặng nề trong xã hội. Sự kiện của anh đã châm ngòi cho tức giận bùng nổ, với hàng vạn người dân Tunisia thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ đã làm nên cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có trong lịch sử Tunisia. Chỉ trong vòng 18 ngày tiếp theo, sự kiện trên đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia Tunisia, lan nhanh ra các phong trào biểu tình phản đối, lật đổ chính phủ ở khắp các quốc gia trong khu vực, được phương Tây đặt tên là “Mùa xuân Ả rập”. Các quốc gia như Ai Cập, Bahrain, Yemen, Libya vốn được lãnh đạo bởi chính thể được coi là “độc tài” - lâu nay được xem là bất khả xâm phạm - đã bất ngờ bộc lộ ra như những thực thể dễ bị tổn thương. Giới phân tích đã chỉ rõ rằng các cuộc biểu tình lật đổ chính quyền “Mùa xuân Ả rập” sở dĩ được triển khai, lan truyền nhanh chóng và huy động được số lượng người tham gia đông đảo đặc biệt là giới trẻ chính là nhờ sự giúp sức hiệu quả của mạng xã hội, với phương tiện rất thông dụng là chiếc điện thoại di động thông minh và các ứng dụng web dễ truy cập, dễ dàng đánh bại các cấu trúc bảo mật của nhà nước.
Thứ hai, phương tiện truyền thông mới tạo nên sự hội tụ, góp phần làm thay đổi cách thức tổ chức công việc và cuộc sống của con người. Cuối năm 2019, thế giới chao đảo trước đại dịch Covid 19. Bỗng chốc cuộc sống và công việc của con người hoàn toàn thay đổi. Giãn cách xã hội, cách ly con người diễn ra ở khắp nơi; sự gặp gỡ, giao lưu, di chuyển vốn là tiền đề xoá mờ ranh giới nay lại tạo nên sự nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng. Để thích nghi với điều kiện dịch bệnh, các ứng dụng họp, làm việc, trao đổi trực tuyến như: Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Hangout Meet,… phát triển mạnh mẽ. Con người giờ đây giao tiếp và cộng tác qua trung gian máy tính - email, trực tuyến, diễn đàn thảo luận, hội nghị từ xa, thế giới ảo dựa trên hình đại diện, VOIP, điện thoại di động, blog, wiki,…
Họp, làm việc trực tuyến hay còn gọi là hội nghị truyền hình là một bước phát triển đột phá, kết hợp của công nghệ thông tin và thiết kế nội thất ứng dụng cho phép những người tham dự tại nhiều địa điểm, nhiều quốc gia khác nhau. Khoảng cách địa lý cũng như múi giờ bị xoá mờ, những người tham dự có thể nhìn thấy và trao đổi trực tiếp với nhau qua màn hình tivi/máy tính/điện thoại thông minh như đang ở trong cùng một văn phòng. Đây thực sự là một giải pháp hiệu quả góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển, mà vẫn đạt hiệu suất công việc cao với những tính năng của ứng dụng như ghi âm, lưu trữ, và tương tác dễ dàng với sự hỗ trợ đa nền tảng từ công nghệ và Web 2.0.
Trên lĩnh vực giáo dục, học giả Peter Drucker trong một cuộc phỏng vấn có một phát biểu nổi tiếng: “Ba mươi năm nữa các khuôn viên trường đại học lớn sẽ là di tích. Các trường đại học sẽ không tồn tại”. Rõ ràng là hiện nay, các nhà giáo dục không còn chỉ sử dụng “phấn và nói chuyện”, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, việc đến trường của học sinh, sinh viên là bất khả kháng. Ngay cả những hệ thống quản lý nội dung như “Bảng đen” cũng là phương tiện tương đối “cũ” - nhưng đang phát triển theo hướng của phương tiện mới. Do đó, nhiều nhà giáo dục đã và đang sử dụng các tính năng của phương tiện truyền thông mới như ứng dụng họp trực tuyến, blog, wiki, podcast và phát trực tuyến video trong tài liệu khóa học. Học tập dựa trên web có thể sẽ không thay thế ngay cách học trực tiếp truyền thống. Tuy nhiên, trong tương lai nó sẽ trở thành một công cụ mới kết hợp với những cách thức cũ để nâng cao phương pháp học tập thông thường.
Trong bối cảnh hiện tại khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sự nguy hiểm của những biến chủng mới, làm việc, học tập trực tuyến và lợi ích của nó trở thành một xu hướng thu nhỏ thế giới. Với yếu tố thời đại như vậy, con người giờ đây hội tụ với nhau trong một hoàn cảnh của sự hội tụ công nghệ.
Thứ ba, các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra một “loại báo chí công dân”, một thế giới tương tác hình thành trong những tính năng bình luận. Trong thời đại của blog, mạng xã hội và truyền thông tức thì, độc quyền không còn tồn tại trong việc phổ biến thông tin đại chúng nữa. Giờ đây, bất kỳ ai có kết nối Internet đều có thể truyền đi niềm tin và ý kiến của mình cho bất kỳ ai trên khắp thế giới muốn lắng nghe; họ không chỉ trở thành người tiêu thụ thông tin mà còn trở thành nhà sản xuất thông tin. Trong quá khứ, nhiều khán giả khi tiếp nhận thông tin từ phương tiện truyền thông cũ đều thụ động kiểu “khoai tây đi văng”(6).
Với tính năng chính của phương tiện mới là nội dung do người dùng tạo, ngày nay, các nhà báo công dân với máy ảnh, điện thoại, ipad của họ đã nâng cao tính năng báo cáo chuyên nghiệp bằng cách cung cấp những hình ảnh sống động cho tất cả mọi người quan tâm trên Internet. Một số người đã tạo video, blog, trang web, âm nhạc và các loại hình giải trí khác cho người khác, họ cũng có thể đăng bài đánh giá sản phẩm và đóng góp nội dung theo nhiều cách. Do đó, phương tiện truyền thông mới thúc đẩy sự sáng tạo, con người không còn bị bó hẹp bởi các giới hạn của phương tiện cũ. Với số hóa và phần mềm phù hợp, khả năng sáng tạo và thích ứng của chúng ta chỉ bị giới hạn bởi khả năng suy nghĩ của chính chúng ta.
Xét theo chiều ngược lại, các nhà sản xuất tin tức, những báo chí công dân sau khi công bố tác phẩm trên internet, họ sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức. Năm 1949, Claude Shannon đã phát triển mô hình truyền thông một chiều áp đặt của Laswell thành mô hình truyền thông hai chiều mềm dẻo. Theo mô hình của Shannon, yếu tố phản hồi của đối tượng tiếp nhận rất quan trọng. Nó thể hiện sự tương tác, bình đẳng của quá trình truyền thông, đồng thời giúp ghi nhận hiệu quả truyền thông - điều mong muốn của bất kỳ người làm truyền thông nào. Hơn 70 năm sau, với sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và các công cụ kỹ thuật số mới khác, phương tiện truyền thông mới không chỉ ghi nhận phản hồi của độc giả một cách dễ dàng mà còn giúp đánh giá hiệu quả thông tin.
Nhờ vậy, ngay sau khi một mẩu tin tức được tung ra, các tweet(7) sẽ quay trở lại và các bình luận được cung cấp để thể hiện phản hồi. Phần mềm phân tích kỹ thuật số xác định dòng tiêu đề nào nhận được nhiều nhấp chuột nhất và có thể cho biết mọi người dành bao lâu để đọc mỗi bài báo. Dữ liệu lớn định tính và định lượng này kết hợp với nhau để giúp các nhà sản xuất tin tức tạo ra nội dung phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng của họ. Như vậy, ngày nay con người trở nên đa nhân cách, đa vai trò trên Internet, tạo thành một thế giới của sự tương tác đa chiều. Thế giới ấy nằm trong tính năng bình luận, chia sẻ ý kiến của những phương tiện truyền thông mới.
Tóm lại, sự xuất hiện của phương tiện truyền thông mới tạo nên một cuộc cách mạng của thế giới hiện đại, với mỗi click chuột, thế giới bao la trở nên nhỏ bé ngay trước mắt. Cuộc cách mạng mới này được cho là sâu sắc hơn những cuộc cách mạng trước, và mỗi chúng ta chỉ mới bắt đầu ghi nhận những tác động ban đầu rất nhỏ bé, đơn lẻ của nó./.
_________________________________________________
(1) https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/new-media.
(2) Lievrouw và Livingstone (2002), Handbook of new media: Student edition, tr.23.
(3) Manovich (2003), The new media theory reader, tr.5.
(4) https://www.slideshare.net/ismailpolat/what-is-new-media-9514161.
(5) https://www.slideshare.net/AileenYe/the-arab-spring-and-social-revolution.
(6) Khoai tây đi văng: Cough Potato: cụm từ ám chỉ những người lười biếng, nằm dài trên ghế sofa xem tivi một cách thụ động.
(7) Các dòng chia sẻ trạng thái, dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, tweet là từ được sử dụng mô phỏng lại từ âm thanh của loài chim.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 12/2021
Bài liên quan
- Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
- Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Trần Huy Liệu: Nhà báo - người lữ hành không biết mệt mỏi
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chi bộ Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Sáng 5/03/2025, tại phòng họp số 9, tầng 10, Nhà A1, Chi bộ Khoa Quan hệ quốc tế tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, dân chủ và thẳng thắn, mang tính xây dựng cao; thể hiện quyết tâm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác lãnh đạo.
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong thời đại số, báo mạng điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những bài viết trên các nền tảng báo chí trực tuyến không chỉ phản ánh thực trạng cung - cầu lao động mà còn góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động về tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về tính hấp dẫn, tính định hướng và khả năng lan tỏa của thông điệp. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết, cần được cơ quan báo chí quan tâm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Các chương trình thiện nguyện trên sóng truyền hình không chỉ là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông. Là kênh thời sự - chính luận chủ lực của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV1 đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ người yếu thế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, các chương trình này cần được đầu tư hơn về nội dung, phương thức triển khai cũng như cách thức kết nối với khán giả. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của VTV1, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lan tỏa, góp phần phát huy tốt hơn nữa vai trò của truyền hình trong công tác thiện nguyện.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, việc quản lý và truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, có trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận về các vấn đề quy hoạch đô thị. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý thông điệp về “quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay”, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần vào sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, “báo chí đã thực sự là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế sinh động của xã hội”(1). Báo chí cũng là kênh đi đầu trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Bình luận