Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
1. Quan niệm về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam
Giáo dục được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam“Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” là một nguyên tắc hiến định. Để bảo đảm tính chất đa mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì cần phải huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội thông qua chủ trương: xã hội hoá giáo dục.
Trên thế giới, xã hội hóa giáo dục được thực hiện rộng rãi ở cả quốc gia giàu hoặc nghèo, phát triển hoặc kém phát triển. Tuy nhiên, mỗi quốc gia qua từng giai đoạn thì lại định nghĩa khác nhau về xã hội hóa giáo dục. Ở Việt Nam, quan niệm chung nhất về xã hội hóa giáo dục là: phát huy trách nhiệm của toàn xã hội đối với phát triển giáo dục; mở rộng các nguồn lực đầu tư, các tiềm năng về trí lực, nhân lực, vật lực, tài lực của toàn xã hội cho giáo dục.
Chúng tôi cho rằng: xã hội hóa giáo dục là huy động toàn xã hội tham gia sự nghiệp giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của nhà nước. Định nghĩa này rất rõ ràng, cơ bản, nói rõ cơ chế hoạt động và đối tượng, nội dung. Toàn xã hội nghĩa là mọi cá nhân, tổ chức, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo... Các tầng lớp nhân dân bao gồm mọi lứa tuổi, giới tính, cộng đồng xã hội, cá nhân có quốc tịch Việt Nam, kể cả người nước ngoài và người không quốc tịch. Tất cả hoạt động diễn ra dưới sự điều hành, quản lý của nhà nước, trong từng trách nhiệm, kể cả sự đầu tư ngân sách. Làm như vậy nghĩa là xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục. Chủ trương xã hội hóa giáo dục là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên để xã hội hóa giáo dục đi đúng hướng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
1) Nhà nước chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc phát triển các hoạt động sự nghiệp, trước hết là giáo dục đồng thời cần xác định lĩnh vực nào tập thể hoặc tư nhân có thể thực hiện tốt thì khuyến khích tập thể, tư nhân làm, nhà nước thống nhất quản lý bằng pháp luật và thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra.
2) Bảo đảm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi được hưởng sự chăm sóc về giáo dục ngày càng tốt hơn.
3) Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục ngày càng được cải thiện phù hợp với chất lượng phục vụ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
4) Thực hiện xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa mà phải có sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của nhà nước.
Như vậy, phải tuân thủ 4 nguyên tắc nêu trên thì xã hội hóa giáo dục mới đi đúng hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục quốc gia.
2. Vụ việc Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc thực hiện xã hội hóa giáo dục
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Trường AISVN được thành lập từ năm 2006, về cơ sở vật chất, hầu hết các phụ huynh có con đã, đang theo học và quan tâm đến trường đều thừa nhận: Trường sạch sẽ, tiện nghi và to đẹp nhất Việt Nam. Chương trình đào tạo: International Baccalaureate (Tú tài quốc tế) - IB toàn phần –là chương trình giáo dục phi lợi nhuận của Tổ chức Tú tài Quốc tế thành lập năm 1968 tại Thụy Sĩ; Chất lượng đào tạo: chú trọng phát triển 4 yếu tố: cảm xúc, trí tuệ, cá nhân và các kỹ năng mềm. Bốn yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho học sinh làm trong môi trường hội nhập quốc tế như hiện nay. Chương trình học chất lượng cao, nhưng không quá sức với người học. Bằng chứng là học sinh AISVN thi ngang sang bất cứ trường nào hầu như đỗ, được đánh giá cao. Học sinh tốt nghiệp đều xin được học bổng tại các trường tốt ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Úc…
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đến giai đoạn này, AISVN đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nguy cơ đóng cửa. Khủng hoảng này đến từ việc hết tiền vận hành mà nguyên nhân sâu xa từ sai lầm của Chủ tịch Hội đồng trường trong phương án tài chính.
Vào cuối tháng 9/2023, một số phụ huynh đã tụ tập căng băng rôn đòi nợ trước cổng AISVN. Sự việc xuất phát từ mâu thuẫn trong giải quyết các khoản nợ có liên quan đến hợp đồng vay tiền để đầu tư giáo dục(1). Cụ thể, nhiều phụ huynh khi cho con theo học tại trường được tư vấn nếu phụ huynh cho nhà trường vay một số tiền thì học sinh sẽ được miễn học phí trong suốt quá trình theo học tại trường. Nhiều phụ huynh sau đó đã ký hợp đồng (có hợp đồng trị giá nhiều tỉ đồng và không tính lãi suất trong suốt thời gian học sinh theo học tại trường). Thời hạn hợp đồng được tính từ ngày hai bên ký hợp đồng cho đến khi học sinh hoàn thành khóa học hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường. Sau khi hợp đồng chấm dứt, trường sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà các phụ huynh đã cho trường vay.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp, học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 và hoàn thành chương trình học tại AISVN, đến thời hạn hoàn trả tiền theo hợp đồng nhưng trường chưa thực hiện.
Về chế độ lương của giáo viên tại AISVN chưa được đảm bảo. Trường chưa trả lương (tháng 2 và tháng 3/2024) cho giáo viên. Ngày 18/3/2024 đã xảy ra sự việc: nhiều giáo viên lãng công do không được trả lương nên AISVN phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học do phải giải quyết vấn đề tài chính và nhân sự, của trường(2). Sự gián đoạn hoạt động dạy học đã ảnh hưởng đến quyền lợi học tập chính đáng của học sinh.
Hơn 1.200 học sinh của Trường AISVN đã nghỉ học từ hôm 18/3, những ngày sau đến trường nhưng không có giáo viên. Trường sau đó cho học sinh nghỉ Xuân (từ 23 đến 31/3/2024), hẹn mở lại từ 1/4/2024. Tuy nhiên cho đến ngày 3/4/2024, học sinh toàn trường mới được đi học trở lại(3).
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các cơ quan chức năng
Ngay sau sự việc của Trường AISVN, ngày 28/3/2024, bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch Hội đồng trường) do nợ thuế thu nhập cá nhân, đã bị cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh(4). Trong nội dung trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2024 , UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo về hoạt động của Trường quốc tế Mỹ (Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Mỹ)(5).
Trong báo cáo nêu rõ: UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ các quy định thực hiện việc đình chỉ tuyển sinh trong năm 2024 - 2025 đối với Trường AISVN đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục. Đồng thời đình chỉ hoạt động Trường AISVN nếu không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự theo quy định.
Ngày 29/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 28, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh(6). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học tập của các em bị gián đoạn. Đồng thời có giải pháp để ổn định tâm lý của học sinh và phụ huynh; Bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực để học sinh Trường Quốc tế Mỹ được đến trường bằng một loạt các biện pháp tích cực như: Thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm: UBND huyện Nhà Bè, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an TP. Hồ Chí Minh; Tổ chức làm việc với Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ; Gặp gỡ, trao đổi với các bậc phụ huynh có con đang theo học ở Trường để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn trước mắt.
Chiều 9/4/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh gửi thư ngỏ đến toàn thể phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ về phương án duy trì hoạt động của trường đến hết năm học(7). Theo nội dung thư ngỏ, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đã nỗ lực cùng Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường AISVN giải quyết các vấn đề liên quan tình hình tài chính và nhân sự của trường, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với đại diện của 748 phụ huynh đóng góp, tiếp nhận đề xuất tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh đã hỗ trợ và giảng dạy trực tuyến cho học sinh chưa đóng góp(8). Đồng thời, Sở đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường AISVN và nhà đầu tư thực hiện xác nhận kinh phí do phụ huynh đóng góp hỗ trợ duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường cho đến cuối năm học 2023 - 2024, cam kết hoàn trả sau khi thực hiện tái cấu trúc Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Mỹ. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đang cùng Trường AISVN tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực, uy tín để thực hiện tái cấu trúc và tổ chức hoạt động giáo dục của Trường trong những năm học tới.
Khi xảy ra vụ việc của Trường AISVN, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương cũng như ở Trung ương đã quyết liệt vào cuộc để bảo đảm quyền lợi được học tập của học sinh tại Trường AISVN. Tuy nhiên, khả năng tài chính của Trường AISVN chỉ duy trì hoạt động giáo dục đến hết năm học 2023-2024.
Thực hiện tái cấu trúc thành công hay không thành công? Nếu không thành công thì việc đóng cửa trường hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là một hậu quả thật đáng tiếc cho học sinh, phụ huynh của Trường AISVN cũng như ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh. Hậu quả này là do chúng ta đã không tuân thủ những nguyên tắc trong xã hội hóa giáo dục như đã đề cập ở phần 1, đặc biệt đã buông lỏng sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của nhà nước.
Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế và Trường AISVN đã rất thành công khi huy động được nhiều phụ huynh và xã hội tham gia sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên sự vận hành và phương án tài chính của Trường đã có những sai sót nhất định đó là: vi phạm hợp đồng đã kí kết với phụ huynh về huy động vốn(9); Thu tiền học phí vi phạm Điều 12, Nghị định số 81/2021 của Chính phủ chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học, không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn bộ cấp học(10).
Thời gian hoạt động của Trường AISVN tính từ năm 2006 đến cuối năm 2023 là 17 năm. Qua sự phản ánh của báo chí về những sự việc xảy ra tại Trường AISVN, có thể nhận thấy công tác truyền thông giáo dục pháp luật về giáo dục và xã hội hóa giáo dục chưa được làm tốt ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Sự việc xảy ra ở AISVN không còn là câu chuyện giáo dục mà còn là câu chuyện pháp lý. Tương tự là việc sụp đổ của hệ thống Anh ngữ Apax Leaders tại TP. Hồ Chí Minh: "Dù phụ huynh đóng số tiền nhỏ hơn nhưng khi trung tâm tư vấn đóng học phí trọn khóa sẽ được giảm giá thì phụ huynh cũng vì phần giảm giá đó mà chấp nhận đóng phí. Đến khi rủi ro xảy ra thì không lấy được tiền"(11). Từ đó, quy tắc hoạt động của những trường này cần phải rõ ràng, cụ thể hơn.
3. Một số giải pháp khắc phục
Xã hội hóa giáo dục và quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu. Theo quy định của các văn bản pháp luật, Việt Nam luôn đẩy mạnh đầu tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước trong xã hội hóa giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập (đặc biệt là các chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong các cơ sở giáo dục) làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học và nguy cơ rủi ro cao.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với xã hội hóa giáo dục, công tác hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Đối với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phải hoàn thiện các dự thảo sửa đổi, bổ sung các nghị định. Đó là: Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó tăng cường quản lý các loại hình trường ngoài đang thực hiện việc liên danh, liên kết với nước ngoài. Hoặc trường có yếu tố nước ngoài hoặc đang triển khai các chương trình tích hợp, chương trình quốc tế.
Về điều kiện đầu tư của Trường Quốc tế Mỹ. Hiện tại, trường đang được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Tri Thức. Vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh có báo cáo quá trình chia tách doanh nghiệp của nhà đầu tư chưa đúng quy định; So với Giấy chứng nhận đầu tư được cấp thì Dự án đầu tư đã bổ sung nhiều mục hơn nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu văn bản đề nghị nhà đầu tư báo cáo để xác định các hành vi vi phạm, để xử lý theo quy định của pháp luật (12).
Về đất xây dựng trường, lô đất xây Trường AISVN đang thuộc quyền sử dụng của Công ty Tri Thức. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan đang xây dựng phương án khả thi để yêu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất sang cho Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ. Việc pháp nhân sở hữu trường mà không sở hữu quyền sử dụng đất gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư, thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ (13).
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh: Khi tham mưu, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ về thành lập, cho phép hoạt động của các cơ sở giáo dục; các chương trình giáo dục tích hợp; liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, pháp nhân và các yếu tố liên quan khác theo quy định. Rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục tích hợp; liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp thực hiện không đúng quy định, phải xử lý kịp thời. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có).
Sở Giáo dục và Đào tạo phải thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.
Đối với các cơ sở giáo dục: Yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Đối với công tác truyền thông: Các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ quan báo chí, truyền thông phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục pháp luật về giáo dục và xã hội hóa giáo dục để nhân dân nhất là phụ huynh định cho con học các trường tư, các trường liên kết, chương trình quốc tế… hiểu rõ các khía cạnh pháp lý và những vấn đề rủi ro có thể xảy ra. Truyền thông pháp luật về giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và các cơ quan báo chí truyền thông.
Xã hội hóa và hợp tác quốc tế về giáo dục được phát triển khá tốt ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên việc quản lý nhà nước đối với chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài còn nhiều vấn đề bất cập. Vụ việc Trường AISVN và một số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài cho thấy công tác quản lý nhà nước chưa được quán triệt thường xuyên. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với xã hội hóa giáo dục, công tác hợp tác, đầu tư của nước ngoài/ có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thiết nghĩ các cơ quan chức năng một mặt phải sửa đổi các văn bản pháp luật về giáo dục, mặt khác phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở giáo dục để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra./.
_____________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), (9) https://giaoduc.net.vn/phu-huynh-cang-bang-ron-doi-no-truong-quoc-te-my-viet-nam-post238134.gd
(2) https://vnexpress.net/yeu-cau-truong-quoc-te-my-cham-dut-viec-giao-vien-nghi-dong-loat-4724150.html
(3) https://vnexpress.net/hoc-sinh-truong-quoc-te-my-chua-the-di-hoc-lai-4728818.html
(4), (5), (12), (13) https://tuoitre.vn/tp-hcm-bao-cao-thu-tuong-vu-viec-truong-quoc-te-my-aisvn-2024032820091112.htm
(6) Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 29/3/2024 chấn chỉnh hoạt động của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
(7) https://nld.com.vn/vu-truong-quoc-te-my-viet-nam-giam-doc-so-gd-dt-tp-hcm-gui-thu-ngo-cho-phu-huynh-196240409204032825.htm
(8) https://giaoducthoidai.vn/so-gddt-tphcm-no-luc-de-hoc-sinh-truong-quoc-te-my-duoc-den-truong-post678745.html
(10) Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
(11) https://nld.com.vn/rui-ro-hop-dong-truong-quoc-te196240319211547841.htm
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- Công tác tổ chức, thực hiện kiến tập, thực tập nghề nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay - thực trạng và một vài ý kiến tham góp
- Lễ Khai giảng các lớp Cao học và Nghiên cứu sinh khóa 30 đợt 1 năm 2024
- Lễ Bế giảng trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ đợt 1 năm 2024
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 27/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và thông tin những nội dung căn bản.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Thực tế thời gian qua, nhờ chú trọng giáo dục văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển nhất định, thích ứng với những thay đổi lớn của tình hình trong và ngoài nước. Nhờ đẩy mạnh giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng được đội ngũ nhân viên có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, có tư duy sáng tạo, tác phong linh hoạt, cơ bản phù hợp với yêu cầu của thời đại 4.0.
Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện xã hội hóa giáo dục. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có thêm nguồn lực của các chủ thể khác đầu tư cho giáo dục. Người học có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn mô hình trường dân lập, tư thục, chương trình quốc tế, chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài… Tuy nhiên, thực hiện xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa mà phải có sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Bài viết này đề cập quan niệm về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam; Vụ việc Trường quốc tế Mỹ Việt Nam và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các cơ quan chức năng.
Công tác tổ chức, thực hiện kiến tập, thực tập nghề nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay - thực trạng và một vài ý kiến tham góp
Công tác tổ chức, thực hiện kiến tập, thực tập nghề nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay - thực trạng và một vài ý kiến tham góp
Thực tập và kiến tập nghề nghiệp là những học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành của các chương trình đào tạo, được Học viện Báo chí Tuyên truyền đặc biệt quan tâm. Bài viết sẽ tập trung làm rõ vai trò, tầm quan trọng của thực tập, kiến tập nghề nghiệp; thực trạng và những vấn đề đang tồn tại, nảy sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác này tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ đó, đề xuất một vài ý kiến nhằm góp phần cải tiến, nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả thực tập, kiến tập nghề nghiệp trong thời gian tới.
Bình luận