Quyết tâm chính trị của Đại hội XIII trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
1. Quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo đang diễn ra rất quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến cán bộ, đảng viên được phát hiện và đưa ra xét xử, thể hiện rõ quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(1) trong xử lý tham nhũng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị rất cao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chính vì vậy, Đại hội XIII tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Nhận định về kết quả công tác phòng chống tham nhũng, Văn kiện Đại hội XIII đã viết: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”(2).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định khi “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(3). Từ đó, Đại hội XIII tiếp tục nhận định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(4).
Chính vì vậy, trong các văn kiện của Đại hội XIII, Đảng tiếp tục xác định “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí”(5), coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, những vấn đề liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập nhiều lần với nhiều nội dung và ở nhiều phần khác nhau. Trong đó, tập trung nhất ở mục 9. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của phần XIV - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều điểm mới so với Đại hội XII và các Đại hội trước, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cụ thể:
Về vị trí, vai trò của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Đại hội XIII đã xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ then chốt, với quan điểm: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(6). Như vậy, ở các nhiệm kỳ trước, Đảng đã xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt thì tại Đại hội XIII, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ then chốt hay đặc biệt của then chốt (tác giả nhấn mạnh), công tác này không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn đặc biệt cả trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta hiện nay. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Về quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Để khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”(7). Quan điểm trên thể hiện rất rõ tư duy biện chứng của Đảng trong cuộc đấu tranh được đánh giá là rất gian nan và phức tạp này, nên dù đặt quyết tâm chính trị rất cao khi kiên quyết hành động mạnh mẽ, triệt để hơn và hiệu quả hơn, song Đảng cũng xác định phải kiên trì, bền bỉ.
Về giải pháp chung: Trên cơ sở xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong công tác xây dựng Đảng và quyết tâm chính trị của Đảng đối với cuộc đấu tranh này, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các giải pháp chung, xuyên suốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới là phải: “Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”(8).
Như vậy, giải pháp chung xuyên suốt được xác định là thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính và kinh tế để tích cực phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng; đồng thời kết hợp với biện pháp hình sự để xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kể cả những hành động bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc phòng, chống tham nhũng trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, toàn xã hội.
Từ các giải pháp chung xuyên suốt đó, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng, cụ thể:
Một là, giải pháp để không muốn tham nhũng.
Đây là điểm mới trong công tác xây dựng Đảng và là giải pháp mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lần đầu tiên được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, Đại hội XIII đã đưa ra giải pháp: “Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(9).
Như vậy, để tiến tới làm cho cán bộ đảng viên không muốn tham nhũng, giải pháp được đề ra là phải thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự tự giác, đặc biệt là đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng ý thức không muốn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta. Giải pháp này rất phù hợp và cần thiết ở nước ta hiện nay vì trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, không phải chỉ có những cán bộ có mức tiền lương thấp, đời sống thiếu thốn, khó khăn mới thực hiện hành vi tham nhũng mà trong thực tế có những cán bộ khá giả, thậm chí là rất giàu vẫn thực hiện các hành vi tham nhũng. Do vậy, việc thực hiện các giải pháp để cán bộ có ý thức không muốn tham nhũng là cần thiết và là điều kiện quan trọng để thực hiện không thể, không dám và không cần tham nhũng ở nước ta.
Hai là, giải pháp để không thể tham nhũng.
Nhằm tiếp tục tạo ra các điều kiện để cán bộ không thể thực hiện được các hành vi tham nhũng, các giải pháp được đưa ra là: “Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”(10). Như vậy, nội dung trọng tâm của giải pháp để không thể tham nhũng là sự nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để không có kẽ hở cho bất kỳ ai có thể lợi dụng thực hiện các hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định cần phải có “cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ”(11). Đây là một giải pháp rất phù hợp và thiết thực để phát huy vai trò tích cực của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Đặc biệt, để cán bộ không thể tham nhũng thì việc “kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt”(12) là hết sức cần thiết, bởi lẽ xét đến cùng việc quản lý chặt chẽ thu nhập, tiêu dùng và thực hiện truy xét đến cùng nguồn gốc các tài sản có giá trị của cán bộ là giải pháp căn cơ nhất để thực hiện mục tiêu không thể tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Ba là, giải pháp để không dám tham nhũng.
Nội dung trọng tâm của giải pháp này là: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí”(13). Như vậy, cùng với công tác giáo dục tuyên truyền để cán bộ không muốn tham nhũng và xây dựng thể chế, kiểm soát tài sản để không thể tham nhũng thì công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các hoạt động tư pháp sẽ là những “giải pháp cứng” góp phần quan trọng để cán bộ không dám tham nhũng. Đặc biệt, giải pháp “kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng”(14) sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe đối với những cán bộ khác, từng bước hình thành ý thức không dám tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, Đại hội XIII chủ trương: “xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(15). Thiết nghĩ, dù là tham nhũng ở mức độ nào thì cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xã hội, các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, do đó cũng cần được đấu tranh, bài trừ.
Hơn nữa, để cán bộ không dám tham nhũng, Đại hội XIII rất coi trọng công tác xây dựng bộ máy nhà nước, nhất là các cơ quan phòng chống tham nhũng các cấp với chủ trương: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng... Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí”(16).
Bốn là, giải pháp để không cần tham nhũng.
Xét đến cùng, để hạn chế và khắc phục tình trạng tham nhũng thì cùng với các biện pháp trên, cần thực hiện tốt việc trả thù lao và đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được từ tiền lương và có tích lũy từ tiền lương. Do vậy, để cán bộ, công chức, viên chức không cần tham nhũng, Đại hội XIII chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác”(17).
Như vậy, trên cơ sở xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt của then chốt ở nước ta hiện nay, Đại hội đã đưa ra các giải pháp chung thể hiện quyết tâm chính trị kiên quyết, kiên trì trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cùng với các giải pháp cụ thể để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng.
2. Một số đề xuất để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Sự nhất quán và bổ sung thêm nhiều nội dung mới trong nhiệm vụ, giải pháp đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đại hội XIII đã cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác này. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để các chủ trương, giải pháp đó đi vào cuộc sống để tiếp tục tạo thêm những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là thực hiện được không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng.
Trên cơ sở nhận thức về tính tất yếu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Để đưa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đại hội XIII vào cuộc sống, đề xuất một số biện pháp:
Một là, nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về tác hại của tham nhũng đối với xã hội và về quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng .
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về tác hại của tham nhũng đối với xã hội. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục để tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý thấy rõ và thấu hiểu tác hại của tham nhũng không chỉ đối với sự phát triển xã hội mà còn làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ... Muốn vậy, cần tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành năm 2018 để mỗi người nhận thức đầy đủ về các hành vi tham nhũng và hiểu biết sâu sắc về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng..., từ đó chủ động nhận diện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh và thực hiện thực chất, có hiệu quả Quy định nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cũng như người đứng đầu các cấp, các ngành.
Thực hiện công khai các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; nhất là những thông tin về các vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm để giúp định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Từ đó, hình thành ý thức không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Để nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tập trung nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của then chốt ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tuyên truyền về quyết tâm chính trị theo hướng kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về các chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hai là, thiết lập “quỹ dưỡng liêm” để cán bộ không dám tham nhũng.
Để cán bộ không dám tham nhũng, chúng ta có thể học tập cách làm của Xinhgapo(18). Theo đó, cần sớm nghiên cứu để đề xuất thực hiện chủ trương khi một người được tuyển dụng trở thành cán bộ nhà nước, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì hàng tháng thực hiện trích nộp lại một phần tiền lương để xây dựng quỹ (tác giả tạm gọi đó là “quỹ dưỡng liêm”) và tỷ lệ trích nộp sẽ tăng dần theo thâm niên công tác. Số tiền trích nộp lần đầu là bao nhiêu cần được xem xét cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn (ở Xinhgapo trích lần đầu là 5%).
Việc trích nộp này cũng tương tự như trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc như hiện nay. Tuy nhiên, khác với bảo hiểm xã hội là để bảo đảm cho người tham gia được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng sau khi nghỉ hưu; bảo hiểm y tế dùng để chia sẻ với người tham gia khi khám chữa bệnh; bảo hiểm thất nghiệp dùng để trợ giúp cho người lao động trong thời gian thất nghiệp chờ tìm việc làm mới, thì số tiền đóng góp vào “quỹ dưỡng liêm” như là một quỹ tiết kiệm cá nhân khi số tiền đó được ghi nhận cụ thể cho từng người và được tính lãi theo mức lãi suất do ngân hàng Nhà nước quy định và cán bộ sẽ được nhận số lãi đó vào cuối mỗi năm. Theo nguyên lý đó, những người có chức vụ càng cao, thâm niên công tác càng nhiều thì số tiền đóng góp vào quỹ càng lớn. Toàn bộ số tiền của quỹ sẽ do Nhà nước quản lý và được Nhà nước sử dụng để tạo ra giá trị tăng thêm cho quỹ. Trong quá trình công tác, nếu cán bộ có hành vi tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, toàn bộ số tiền đã đóng góp cho quỹ sẽ bị trưng thu. Còn khi cán bộ nghỉ hưu hoặc nghỉ công tác mà không có bất kỳ hành vi tham nhũng nào bị xử lý thì cơ quan nhà nước sẽ thực hiện “chốt sổ”, khi đó cá nhân có quyền rút toàn bộ số tiền đã đóng góp hoặc có thể tiếp tục tham gia để nhận tiền lãi hàng tháng. Việc trích lập quỹ như vậy không chỉ giúp cho cán bộ có được một khoản tích lũy, giúp cho Nhà nước có thêm một khoản tiền để tái đầu tư phục vụ công tác quản lý và phát triển xã hội mà còn là biện pháp hữu hiệu để xây dựng ý thức không dám tham nhũng.
Ba là, thực hiện truy xét nguồn gốc đối với các tài sản phát sinh của cán bộ.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vụ án tham nhũng khi được phát hiện và xử lý thì số tài sản mà cá nhân có được do tham nhũng đã bị tẩu tán, gây khó khăn cho cơ quan pháp luật trong việc điều tra và thu hồi tài sản của Nhà nước. Do vậy, để cán bộ không thể tham nhũng cần thực hiện nghiêm túc Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xét nguồn gốc của những tài sản phát sinh; cụ thể, nếu cá nhân thuộc diện phải kê khai nhưng kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp pháp về nguồn gốc của số tài sản phát sinh của họ và những người thân (bao gồm vợ/chồng, con cái, cha mẹ...) thì có thể coi đó là tài sản do tham nhũng mà có. Khi đó sẽ tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 20 của Nghị định trên (Quy định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai) và Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng (Quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực), cũng như theo các quy định khác của Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng... Thiết nghĩ, trong điều kiện quản lý thanh toán bằng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc quản lý tài sản phát sinh như vậy sẽ góp phần làm cho cán bộ không thể tham nhũng.
Để các chủ trương, giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đi vào cuộc sống, quan trọng nhất là cần thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao đạo đức công vụ, liêm chính trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời với việc trích lập “quỹ dưỡng liêm” cần phải quản lý được thu nhập và truy xét đến cùng nguồn gốc tài sản phát sinh của cán bộ lãnh đạo, quản lý thì mới sớm xây dựng được ý thức không muốn, không thể, không dám và không cần tham nhũng ở nước ta.
__________________
(1), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.1, tr.76, 92-93, 93, 288, 193, 193-194, 193, 194, 194-195, 195, 195, 195, 195, 195, 195-196, 196.
(2) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.2, tr.54.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 17.6.2022
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận