Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền sống của con người
Tục ngữ Việt Nam có câu “Người sống, đống vàng”. Trong tất cả các quyền thuộc về con người thì quyền sống là quan trọng nhất, thiêng liêng nhất bởi nếu không có quyền sống thì mọi quyền khác đều trở nên vô nghĩa. Vì lẽ đó, Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa kỳ năm 1776 khi khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” thì quyền sống đã được đặt lên đầu tiên. Quyền sống của con người chính là quyền được bảo vệ sinh mạng, không bị giết hại bởi một chủ thể khác. Kế thừa truyền thống nhân văn của dân tộc, của nhân loại và chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, với lòng yêu thương, tôn trọng con người, với việc chứng kiến sự thực thi quyền con người ở các chế độ xã hội khác nhau, Hồ Chí Minh đã hình thành lên tư tưởng về quyền sống của con người với những kiến giải đầy tính nhân văn.
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh công khai tố cáo chủ nghĩa thực dân đã chà đạp, tước đoạt quyền sống của nhân dân các nước thuộc địa.
Cho dù các nước đế quốc luôn giương cao khẩu hiệu “khai hóa văn minh” để che đậy hành động xâm lược và cai trị thuộc địa nhưng Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân: “Chủ nghĩa tư bản phương Tây như con rắn nhiều đầu, thấy châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ dồi dào để thoả mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất”(1). Đau nỗi đau của đồng bào, đồng loại, Nguyễn Ái Quốc đã lên án: Những kẻ thực dân tàn bạo đã tước đoạt mọi quyền chân chính của người dân thuộc địa nhưng dã man nhất là chúng đã chà đạp lên quyền sống của họ, trong đó có quyền sống của nhân dân Đông Dương, bằng nhiều hình thức dã man.
Trước hết, chúng cưỡng bức người dân Đông Dương đi lính để làm “bia đỡ đạn” và phục vụ cho các cuộc chiến tranh phi nghĩa do chúng gây ra. Để bắt lính - những người bị chúng coi là “vật liệu biết nói”, chúng đã tiến hành những cuộc bắt bớ, săn lùng rộng khắp dưới chiêu bài “chế độ lính tình nguyện”. Những người bị bắt đều bị nhốt vào trại lính, phải xa lìa vợ con, rời bỏ quê hương để phơi thây trên các chiến trường châu Âu. Kết quả là “tổng cộng có 700.000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80.000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa”(2).
Trong quá trình xâm lược và cai trị Đông Dương, thực dân Pháp còn đánh đập, giết hại vô số dân lành vô tội, không có vũ khí tự vệ. Với đội quân “gồm toàn những tên lưu manh, những bọn lười biếng, những tên lọt lưới pháp luật, những tên giết người, nói tóm lại, gồm những tinh hoa của những cặn bã, lượm lặt ở tất cả các nước châu Âu” thì “mạng một con người An Nam bị rẻ rúng không đáng giá một trinh”(3). Chúng coi việc giết người như trò tiêu khiển khi “đánh cuộc với nhau, xem ai ngồi dưới tàu bắn 10 phát súng trường mà “hạ” được nhiều người An Nam nhất ở trên bờ” hay cùng nhau quan sát quá trình thiêu sống người trên ngọn lửa. Không biết bao con người vô tội đã phải chết do sự khát máu đến bệnh hoạn của những tên “đồ tể” thực dân.
Thực dân Pháp còn tiến hành đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Trước một chế độ đã hạ con người xuống hàng con vật, tất yếu những người Việt Nam yêu nước phải vùng lên đấu tranh nhưng chính phủ thuộc địa đã “coi những người An Nam yêu nước là những tên cướp”(4). Súng liên thanh, tàu chiến và máy chém sẽ được điều đến để đàn áp họ. Những con người yêu nước nổi tiếng như Đội Văn, Tống Duy Tân, Trần Quý Cáp… đều bị thực dân Pháp giết hại không qua điều tra, xét xử. Văn hóa tâm linh của người Việt rất coi trọng thi thể, mồ mả nhưng với sự phi nhân tính tột độ, thực dân Pháp đã giày xéo thi thể của những người yêu nước để đe dọa dân chúng và làm đau lòng gia đình họ. Chúng đã hèn hạ báo thù Phan Đình Phùng bằng cách “vào rừng quật mộ ông lên, ném thi hài ông mỗi nơi một mảnh”(5).
Khi không khuất phục được Đề Thám thì chúng đã “đào mả cha mẹ ông lên, đem hài cốt đổ xuống sông”(6). Sự giết người của chúng còn vô cớ tới mức, khi không tìm thấy người cần bắt thì chúng “chém giết người vô tội để khỏi trở về tay không”(7). Khi những con người cùng khổ tiến hành cuộc biểu tình ôn hòa để đòi giảm sưu cao, thuế nặng thì thực dân Pháp đã dội bom xuống họ. Từ những bằng chứng sống động, Nguyễn Ái Quốc gọi đó “là một cách khai hóa kỳ khôi: để dạy mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã”(8).
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi vòng quanh châu Phi. Người nhận thấy, “tâm địa thực dân” ở đâu cũng như nhau nên tất cả các thuộc địa đều giống nhau ở sự cùng khổ. Cũng như ở Đông Dương, những kẻ thực dân đã tiến hành “công cuộc khai hóa giết người”. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Lịch sử việc người Âu xâm chiếm châu Phi - cũng như bất cứ lịch sử xâm chiếm thuộc địa nào - thì từ đầu đến cuối đều được viết bằng máu những người bản xứ”(9).
Dưới chế độ thuộc địa dù là của Pháp hay Anh, Ý hay Tây Ban Nha và Bỉ thì số lượng người dân bản xứ đều giảm sút nhanh chóng. Những kẻ thực dân còn lạnh lùng tuyên bố: “Nếu người bản xứ mà đi vào con đường không tuân lệnh và nổi loạn, thì họ sẽ bị thẳng tay quét sạch khỏi nước họ, và sẽ có những dân tộc khác đến thay thế họ”(10). Trước hiện trạng giết người phổ biến của những tên thực dân độc ác, Nguyễn Ái Quốc đã quy kết: “Không thể đổ tại bản tính dã man của một vài cá nhân nào cả, nhưng là những tội ác mà toàn bộ chế độ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử”(11). Chủ nghĩa thực dân đã gây ra tội ác “tày trời” là tội diệt chủng.
Đi từ tình yêu đồng bào tới tình yêu đồng loại, Nguyễn Ái Quốc đã đứng về phía nhân dân các nước thuộc địa để lên án sự vi phạm quyền sống của chủ nghĩa thực dân. Việc kết án những kẻ giết người, sự căm thù tột độ cái ác đã thể hiện tình yêu con người rộng lớn theo tinh thần “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn biển đều là anh em” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định và kiên quyết đấu tranh cho quyền sống trong độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Một sắc thái nổi bật trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là đặc biệt đề cao, kính trọng nhân dân - những con người làm nên lịch sử, những con người chứa đựng trong mình đầy sức mạnh quả cảm, lòng yêu nước và minh triết dân gian. Trọng dân và thương dân nên Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, quyền sống của nhân dân Việt Nam không bao giờ chỉ là sự tồn tại trong kiếp “trâu ngựa”, trong thân phận nô lệ cho thực dân, đế quốc mà phải là quyền sống trong độc lập, tự do, sống một cách xứng đáng với phẩm giá cao quý của con người và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Người đã lý giải sức mạnh của dân tộc Việt Nam như sau: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ”(12).
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, quyền sống trong độc lập, tự do chính là quyền chính trị cao nhất mà con người cần được hưởng và đó cũng là điều kiện để thực hiện tất cả các quyền khác thuộc về họ. Tuy nhiên, quyền đó chỉ được đảm bảo khi dân tộc được độc lập. Ngược lại, nếu nền độc lập của dân tộc bị tước đoạt thì người dân trở thành nô lệ. Theo Hồ Chí Minh, mất tự do là bi kịch lớn nhất bởi “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đặt nhân dân Việt Nam trước hai con đường: Một là trở lại kiếp nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Với dũng khí của người anh hùng, của một dân tộc anh hùng, đây là sự lựa chọn của Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Con người có phẩm giá là con người có tinh thần tự tôn dân tộc, không bao giờ hèn hạ cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù ngoại bang. Vì thế, nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược và sự phản kháng đó là hoàn toàn chính đáng.
Hồ Chí Minh cũng rất biện chứng khi cho rằng, để giành quyền sống trong danh dự, nhân phẩm và bảo toàn lâu dài quyền thiêng liêng đó thì tất yếu phải chấp nhận sự hy sinh. Buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh hiểu rằng, “mỗi khi có một người Pháp chết thì ít nhất cũng có 10 người Việt Nam phải bỏ mạng, chỉ vì một lẽ đơn giản là người Pháp có máy bay, tàu bò và các thứ vũ khí tinh xảo khác, còn người Việt Nam thì không có những thứ đó”(13).
Khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Người cũng nhận thức rõ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá”. Cho dù “sợ chết” là bản năng sinh tồn con người nhưng tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc và cao hơn là phẩm giá con người đã làm nhân dân Việt Nam vượt qua những điều thuộc về bản năng, chấp nhận mọi sự hy sinh để bảo vệ quyền sống trong tư thế của con người tự do. Những kẻ xâm lược không thể hiểu triết lý sống của dân tộc anh hùng: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”; “Ta sinh ra là để LÀM NGƯỜI/ Vì muốn sống, ta không hề sợ chết”. Với một dân tộc có lòng tự trọng như vậy, kẻ thù có kéo dài chiến tranh đến đâu hay sử dụng bất cứ hình thức bạo ngược nào, cũng đều vô nghĩa. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam không đơn thuần là bảo vệ quyền được sống trong độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn là cuộc đấu tranh vì công lý, vì quyền sống của tất cả các dân tộc bị áp bức.
Luôn coi trọng quyền sống của con người, khi lãnh đạo hai cuộc kháng chiến gian khổ, Hồ Chí Minh, một mặt, ra sức động viên nhân dân chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; mặt khác, Người tìm cách hạn chế thấp nhất sự thương vong. Người luôn nhấn mạnh, phải hết sức “giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”(14). Để bảo vệ tối đa sinh mệnh của người lính ngoài mặt trận, Người yêu cầu các nhà chỉ huy quân sự phải có “trí”, tức biết mình - biết người, tìm ra cách đánh sáng tạo nhất để đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất, đánh thắng kẻ thù với sự tổn thất nhỏ nhất. Để bảo vệ mạng sống cho nhân dân, Người chỉ đạo công tác tản cư với khẩu hiệu “Tản cư cũng là tham gia kháng chiến”. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại để đưa miền Bắc Việt Nam trở về “thời đồ đá”, Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền phải “sơ tán bớt nhân dân các thành thị, trước hết là sơ tán các cháu nhỏ”(15).
Để bảo vệ mạng sống của người dân Việt Nam trong vùng địch tạm chiếm, Hồ Chí Minh đã trực tiếp thuyết phục viên tướng chỉ huy của đối phương: “Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ”(16). Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng đàm phán với đối phương và ký kết hiệp định hòa bình với những điều kiện không làm tổn hại đến nền độc lập dân tộc để đẩy lùi hoặc nhanh chóng kết thúc chiến tranh nhằm tiết kiệm xương máu của nhân dân. Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946 và hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã được ký kết với mục đích nhân đạo đó.
Thứ ba, Hồ Chí Minh tuyên bố bảo đảm quyền sống cho những người Việt nhất thời “lầm đường, lạc lối”.
Các lực lượng đế quốc khi xâm lược Việt Nam đều thi hành chính sách thâm độc là “dùng người Việt đánh người Việt”. Sau cách mạng Tháng Tám, với tinh thần khoan dung, độ lượng - một biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, Người đã căn dặn cán bộ và nhân dân: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ. Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe. Tuyệt đối không được dùng cách kịch liệt”(17).
Với quan điểm, ngụy binh cũng là con dân nước Việt nhưng bị lầm đường, lạc lối, Người tha thiết kêu gọi ngụy binh theo Pháp, theo Mỹ hãy mau tỉnh ngộ, trở về với chính nghĩa, với Tổ quốc. Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Người cam kết rằng, Chính phủ và đồng bào chẳng những thi hành chính sách khoan hồng mà còn “trọng thưởng những ai biết đái tội lập công”; những người biết “cải tà quy chính” sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Chí Minh luôn đề cao phương pháp “binh vận, ngụy vận” vì cho rằng, dùng phương pháp này “ta sẽ không tốn đạn hao binh, mà được cả người lẫn súng”(18).
Tinh thần đại hòa hợp dân tộc, chính sách khoan hồng, đại độ của Hồ Chí Minh đối với ngụy binh đã thể hiện rõ quan điểm của Người về quyền sống của mọi con người, kể cả của những kẻ nhất thời lầm lạc.
Thứ tư, Hồ Chí Minh nhất quán bảo vệ quyền sống cho ngoại kiều.
Là một nhà nhân văn chủ nghĩa đích thực, Hồ Chí Minh không chỉ bảo vệ quyền sống cho nhân dân Việt Nam mà còn bảo vệ quyền sống của tất cả mọi con người thuộc các dân tộc khác. Ngoại kiều là những người nước ngoài đang sinh sống trên đất Việt Nam và quyền sống của họ đương nhiên phải được bảo vệ. Thực hiện chủ trương đó, Người đã căn dặn nhân dân Việt Nam: Đối với kiều dân hữu bang thì phải ứng xử tử tế, ôn hòa. Người còn hướng tới cộng đồng ngoại kiều với những lời thân ái: “Các bạn sống chung chạ với nhân dân Việt Nam, ra vào gặp nhau, no đói có nhau. Vậy nên nhân dân Việt Nam là bằng hữu của các bạn. Đất nước Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của các bạn. Các bạn cùng nhân dân Việt Nam phải tương kính tương thân, thành thật hợp tác, êm ấm thuận hoà, thực hiện chữ “Tứ hải giai huynh đệ”. Nước Việt Nam được thịnh vượng thì các bạn cũng được hạnh phúc”(19).
Đề cao tinh thần cùng nhau chung sống hòa bình nhưng với từng cộng đồng ngoại kiều, Hồ Chí Minh lại có cách nói, cách quan tâm khác nhau. Do yếu tố lịch sử - địa lý, số lượng Hoa kiều ở Việt Nam đông nhất nên ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã có Thư gửi anh em Hoa Kiều, trong đó khẳng định: Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam đã lập tức xóa bỏ mọi luật pháp hà khắc của Pháp trước đây áp đặt lên Hoa Kiều, xác định chính sách cơ bản là nhằm đảm bảo tự do, an toàn tính mạng và tài sản của Hoa Kiều, hoan nghênh Hoa Kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng nước Việt Nam mới. Khi kháng chiến bùng nổ, Người viết tiếp Thư gửi anh em Hoa Kiều để tái khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã hạ nghiêm lệnh, đối với Hoa kiều, tính mệnh, tài sản đều được bảo vệ”(20).
Số phận của Pháp kiều ở Việt Nam là vấn đề hết sức nhạy cảm khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ và từng bước mở rộng chiến tranh trên phạm vi cả nước. Hồ Chí Minh luôn có quan điểm rõ ràng, nhân dân Việt Nam chỉ chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp mà không chống nước Pháp, không chống nhân dân Pháp, không chống Pháp kiều ở Việt Nam và những người Pháp lương thiện. Vì thế, đối với người Pháp ở Việt Nam thì cần tường minh chia họ ra làm hai loại: Pháp thực dân và Pháp kiều. Thực hiện chủ trương đó, ngay khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương.
Người khẳng định: “Trên khắp đất nước Việt Nam, sinh mệnh và tài sản của người Pháp vẫn được che chở và tiếp tục được che chở miễn là các người ấy chịu sống yên ổn và không tìm cách gây chuyện. Tôi trịnh trọng cam đoan rằng những người Pháp làm ăn lương thiện và sống yên ổn sẽ mãi mãi được chúng tôi trọng đãi như bè bạn, như anh em. Chúng tôi là một dân tộc ưa hoà bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác”(21). Khi máy bay của Pháp tàn sát đồng bào Nam Bộ, để ngăn chặn hành động tức giận của nhân dân hướng tới Pháp kiều, Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào: Đối với người Pháp ở đây, chúng ta phải tỏ rằng, chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, nhân đạo; chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã bùng nổ trên phạm vi cả nước, trong Thư gửi các kiều dân Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi không hề coi các bạn là tù nhân. Các bạn hãy yên tâm ở dưới sự che chở của chúng tôi cho đến hết chiến tranh. Khi đó các bạn sẽ được tự do”(22).
Để có căn cứ pháp lý bảo vệ sinh mạng của ngoại kiều, đầu năm 1946, Hồ Chí Minh đã công bố Quốc lệnh, trong đó, điều phạt thứ 7 quy định rõ: Vô cớ sát hại kiều dân ngoại quốc sẽ bị xử tử.
Thứ năm, Hồ Chí Minh tôn trọng và bảo vệ quyền sống của tù binh đối phương.
Với truyền thống khoan dung của dân tộc, ngay khi thực dân Pháp gây hấn ở miền Nam, Người đã có thư nhắn nhủ đồng bào Nam Bộ: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”(23). Coi những người lính đối phương cũng như cả dân tộc Việt Nam, đều là nạn nhân của các thế lực hiếu chiến, vào lễ Noen, Người đã viết thư Gửi các tù binh Pháp (24.12.1946), trong đó, có đoạn: “Tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình thế này. Tôi coi các người như là bạn của tôi… Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do”(24).
Để bảo vệ mạng sống cho tù binh, Người không chỉ nhắc nhở các tướng lĩnh của ta rằng, “đối với địch hàng, ta phải khoan dung” mà còn căn dặn bộ đội là “với lính Pháp và ngụy binh ta bắt được, đối đãi họ tử tế và thuyết phục họ”(25). Thực hiện chính sách nhân đạo của Hồ Chí Minh, cho dù điều kiện vật chất của phía Việt Nam hết sức khó khăn nhưng tù binh Pháp đã “được đối xử tốt hơn nhiều so với những người Việt Nam nằm trong tay Pháp”. Vào các dịp lễ tết, mức sinh hoạt của tù binh cũng được cải thiện. Tôn trọng và bảo vệ quyền sống cho tù binh, Chính phủ Hồ Chí Minh còn chấp nhận đề nghị của nhân dân Pháp là tạo điều kiện và tổ chức cho tù binh Pháp lần lượt hồi hương. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi làm hết sức mình để những người con của công nhân và nông dân, cũng là nạn nhân của bọn gây chiến tranh đế quốc, được trở về với gia đình. Chúng tôi thực hiện điều đó mỗi khi điều kiện an ninh về quân sự và tổ chức vật chất cho phép”(26). Tiễn tù binh Âu - Phi về nước, người đứng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã dành cho họ những lời nhân ái: “Vĩnh biệt các bạn thân mến, các con của tôi!”(27). Chỉ đánh kẻ thù trên chiến trường, không đánh người không còn “tấc sắt” trong tay, luôn bảo vệ quyền sống cho tù binh, hàng binh, cứu chữa cho thương, bệnh binh đối phương là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Với tinh thần nhân đạo hiếm có, Hồ Chí Minh còn dành cho tử sỹ đối phương sự thương xót thực sự. Người bày tỏ: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(28). Người còn quy kết, chỉ vì tham vọng của những kẻ thực dân mà nhiều thanh niên Việt - Pháp phải “gục ngã giữa tuổi xanh”. Tuy nhiên, nếu thanh niên Việt Nam hy sinh là để bảo vệ Tổ quốc thì thanh niên Pháp đã phải hy sinh vô ích trên một mảnh đất xa lạ chỉ để bảo vệ những cuồng vọng làm ô nhục truyền thống của nước Pháp kiêu hùng. Nếu mọi cái chết đều gợi lên sự thương xót thì cái chết vô nghĩa của những tráng niên càng đáng thương xót.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, gây thiệt hại mọi mặt cho nhân dân hai nước Việt - Mỹ nhưng trước hết là tước đi quyền sống của cả người Việt và người Mỹ. Hồ Chí Minh chất vấn tổng thống Kennơđi: “Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội, rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?”(29). Đối lập với chính sách “giết sạch, đốt sạch” của kẻ thù, Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Việt Nam “đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng làm cho đế quốc Mỹ phải rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam và mang cả gia đình Diệm đi với chúng”(30). Không chủ trương “tận diệt” đối phương, lời kêu gọi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Người thể hiện rõ đạo lý của ông cha mà Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”.
Chủ nghĩa nhân văn của Hồ Chí Minh lớn tới mức, giữa vô vàn các công việc trọng yếu phải giải quyết trong chiến tranh, Người vẫn quan tâm đến việc bảo vệ hài cốt cho những tử sỹ đối phương. Người tố cáo, dù lượng binh sỹ Pháp chết trận là không ít nhưng bọn thực dân Pháp chỉ chở một số rất ít thi hài tử sỹ về cho gia đình họ; thậm chí, chúng còn san phẳng mồ mả của những người tử trận để che giấu những thất bại của chúng. Để làm dịu nỗi đau của những người mẹ, người vợ Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Còn những nấm mồ nào thoát khỏi hành vi tàn bạo ấy, chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng con mình về quê cha đất tổ”(31). Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, Nhà nước Việt Nam cũng luôn hợp tác với chính phủ Mỹ để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ theo đúng tinh thần nhân đạo của Hồ Chí Minh.
Sự sống là cao cả, quyền sống là thiêng liêng đối với bất cứ ai nên trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh đòi quyền sống trong độc lập, tự do cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có dân tộc Việt Nam và những con người lương thiện mà Người còn vị tha, khoan dung mở ra con đường sống cho những người Việt lầm lạc, cho tù binh đối phương. Tư tưởng và hành động cao thượng của Người đã xuất phát từ suy tư của Người về đức khoan dung: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ”(32). Những quan điểm sâu sắc, độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền sống của con người đã thể hiện rõ tầm vóc của nhà nhân văn chủ nghĩa Hồ Chí Minh.
Đặc tính văn minh, trình độ văn hóa của một dân tộc không chỉ thể hiện ở đời sống vật chất do con người sáng tạo ra mà sâu xa hơn, nó thể hiện rõ nhất ở tình yêu con người, ở mức độ quan tâm đến con người, trước hết là quan tâm đến sự sống của họ. Với tư tưởng về quyền sống của con người, Hồ Chí Minh đã nâng truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Kế thừa tư duy khoa học và tinh thần nhân văn Hồ Chí Minh, nếu trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2001, quyền sống của con người nằm trong quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân thì Hiến pháp năm 2013 đã chính thức hiến định một cách độc lập, cụ thể quyền sống với tư cách là quyền cơ bản nhất của con người: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (điều 19). Tinh thần nhân văn sâu sắc không chỉ làm nên sức sống lâu bền trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và quảng bá chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam trước toàn thể thế giới./.
________________________________________________________
(1), (7), (9), (10), (11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.1, tr.31, 379, 352, 351, 350.
(2), (3), (4), (5), (6) (8) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.2, tr.26, 74, 66, 66, 104, 36.
(12) Hồ Chí Minh(2011), Sđd, T.13, tr.190.
(13), (14), (17), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (28) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.348, 229, 471, 273, 550, 77, 543, 29-30, 542, 510.
(15) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.101.
(16) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.170.
(18), (25), (26), (27) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.7, tr.338, 245, 117, 7.
(29), (30) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.80, 177.
(31), (32) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.6, tr.469, 130.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 6/2022
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận