(LLCT&TT) Nhiều năm qua, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Lợi dụng không gian mạng và những công nghệ mới, chúng ngày càng tăng cường sự chống phá trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận tư tưởng, lý luận mà trực tiếp là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, trong cuộc chiến quyết liệt, phức tạp, lâu dài và không khoan nhượng này, việc nghiên cứu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng hợp lý, thuyết phục vào việc đấu tranh nhằm phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay là một tất yếu khách quan.
1. Đặt vấn đề
Chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập vào khoảng giữa những năm 40 của thế kỷ XIX ở Tây Âu, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong điều kiện lịch sử mới đã được V.I.Lênin bổ sung, phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, thể hiện bản chất khoa học và cách mạng, trở thành vũ khí tư tưởng - lý luận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản nhằm mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa, phát triển toàn diện con người.
Hơn 170 năm qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, dù mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; dù chủ nghĩa đế quốc cùng những thế lực phản động, thù địch đã và đang dùng nhiều thủ đoạn thâm độc chống phá, xuyên tạc nhằm phủ nhận nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại, phát triển mà chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được. Điều này chứng minh giá trị trường tồn, sức sống bền vững của chủ nghĩa này, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin”(1).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức thời đại, nhận thức tình hình thế giới và trong nước, là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, cho sự thống nhất và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo đoàn kết, đồng thuận trong xã hội.
Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch nhằm ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu “chiến thắng không cần chiến tranh” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc thời kỳ đổi mới đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh này.
Trong thời gian chúng ta chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, bằng mọi âm mưu, thủ đoạn. Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhiệm vụ đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch càng phải được coi trọng, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng, việc tăng cường đấu tranh phê phán quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu để làm rõ và hiểu sâu sắc hơn tư tưởng chính trị Mác - Lênin là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn nhằm vận dụng những nội dung tư tưởng đó như một thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.
2. Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính trị
Những nội dung chủ yếu trong tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính trị có thể được khái quát ở sáu nội dung cơ bản sau đây: một là, quan niệm về chính trị; hai là, quan niệm về quyền lực chính trị; ba là, tư tưởng về xây dựng Đảng của giai cấp công nhân; bốn là, tư tưởng về cách mạng chính trị, đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân; năm là, tư tưởng về chuyên chính vô sản và nhà nước kiểu mới; sáu là, tư tưởng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, khi bàn về chính trị, trên cơ sở quan niệm duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật về sự phát triển xã hội, C.Mác, Ph.Ăngghen đưa ra quan niệm về chính trị một cách khoa học, phản ánh đúng bản chất của chính trị.
Theo đó, chính trị là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, xuất hiện từ khi xã hội loài người có giai cấp, đối kháng và xung đột giai cấp. Cốt lõi của chính trị là vấn đề quyền lực chính trị, mà biểu hiện tập trung của nó là quyền lực nhà nước. Nhà nước là hình thức tổ chức và thực thi quyền lực của giai cấp này đối với giai cấp khác. Giá trị lý luận lớn nhất của quan niệm về chính trị: chính trị là việc giải quyết các mối quan hệ giữa các giai cấp, dân tộc, quốc gia xung quanh vấn đề quyền lực chính trị, mà tập trung nhất là quyền lực nhà nước và vấn đề phân bổ lợi ích. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về chính trị, V.I.Lênin khẳng định lại: chính trị là lợi ích giai cấp, trước hết là lợi ích kinh tế; cái căn bản nhất của chính trị là vấn đề chính quyền nhà nước, là huy động đông đảo quần chúng nhân dân vào công việc nhà nước. Chính trị mang bản chất giai cấp.
Trong quan niệm về quyền lực chính trị, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”. Bản chất của quyền lực chính trị là quan hệ giữa giai cấp với giai cấp. Trong đời sống chính trị hiện thực, quyền lực chính trị có thể biểu hiện trong quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia, giữa các đảng phái chính trị, giữa các phe nhóm lợi ích…, nhưng suy đến cùng đều do quan hệ giai cấp quy định, chi phối. Quyền lực chính trị là ý chí chung của một tập đoàn xã hội (trước hết là một giai cấp, một dân tộc) thể hiện năng lực thực hiện những lợi ích của tập đoàn xã hội đó, trong khi tác động, chi phối các tập đoàn xã hội khác.
Còn theo V.I.Lênin, vấn đề trung tâm, then chốt trực tiếp nhất trong chính trị là vấn đề quyền lực nhà nước, nó là công cụ cơ bản nhất để giải quyết các quan hệ kinh tế, các quan hệ giai cấp theo hướng có lợi cho lực lượng nắm quyền. “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”(2); “Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, nó là tổ chức bạo lực dùng để trấn áp một giai cấp nào đó”(3). “Chủ nghĩa Mác thừa nhận rằng chỉ khi nào đấu tranh giai cấp không những bao trùm lĩnh vực chính trị, mà còn nắm lấy cái căn bản nhất trong chính trị; tức là việc tổ chức chính quyền nhà nước, thì khi đó nó mới là một cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đầy đủ…”(4).
Trong tư tưởng về xây dựng Đảng của giai cấp công nhân, các ông đã tập trung bàn đến những vấn đề sau: sự cần thiết thành lập Đảng Cộng sản và thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bản chất và tính tiên phong của Đảng Cộng sản; nguyên tắc và hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản; lý luận về đảng kiểu mới; nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng; lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trong tư tưởng về cách mạng chính trị, đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin tập trung bàn về ba nội dung: cách mạng chính trị; đấu tranh chính trị; nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh chính trị.
Khi bàn về chuyên chính vô sản và nhà nước kiểu mới, các ông chỉ ra năm nội dung của chuyên chính vô sản lần lượt là: (1) đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản; (2) giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo trong chuyên chính vô sản; (3) nhiệm vụ của chuyên chính vô sản; (4) đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, mở rộng dân chủ trong chuyên chính vô sản; (5) lý luận về cách mạng tư tưởng văn hóa và xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa. Các ông cũng đề cập đến ba vấn đề của nhà nước kiểu mới gồm: (1) về nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước; (2) về bản chất, nội dung và mục đích của nhà nước xã hội chủ nghĩa; (3) về chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các ông đề cập đến sáu vấn đề gồm: tính tất yếu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đặc điểm và thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; nội dung của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; yêu cầu phải tổ chức, xây dựng và quản lý đất nước theo chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và điều kiện để một nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Ngày nay, trong điều kiện phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, các cách tiếp cận về chính trị, quyền lực, quyền lực chính trị, xây dựng đảng và nhà nước, về thời đại... đã và đang có những thay đổi. Xuất hiện ngày càng nhiều những quan niệm mới về quyền lực như quyền lực tri thức, quyền lực cứng - quyền lực mềm, quyền lực thông minh, quyền lực công chúng..., đáp ứng yêu cầu của các quá trình chính trị, nhất là quá trình dân chủ hóa.
Theo đó, năng lực và phương thức quản lý của nhà nước cần được thay đổi theo hướng tạo dựng ảnh hưởng và thu hút người dân vào các quá trình chính trị, tôn trọng các quyền con người và quyền công dân, chia sẻ quyền lực giữa nhà nước và công dân. Những thay đổi trong quan niệm về các vấn đề chính trị làm phong phú thêm những mục tiêu, nguồn lực và phương thức hoạt động chính trị hiện nay. Những quan niệm về quyền lực trên có những giá trị nhất định, đánh dấu sự biến chuyển của xã hội loài người sang một giai đoạn phát triển mới, nhưng cách tiếp cận và tư tưởng Mác - Lênin về chính trị vẫn có giá trị phương pháp luận và là chìa khóa để nhận thức những biến đổi của đời sống chính trị thời kỳ toàn cầu hóa.
Việc xác định đúng nội dung và bản chất của chính trị trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ có ý nghĩa trong lý luận nhận thức, mà điều quan trọng hơn, nó vạch ra mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân là giành lấy chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng chính trị Mác - Lênin cung cấp cơ sở phương pháp luận để nhận thức đúng đắn về bản chất của chính trị thế giới hiện nay, về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công cuộc đổi mới để đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
3. Sự cần thiết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về chính trị vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay
Trước hết, sự ra đời và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, trong đó có các tư tưởng chính trị luôn phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để khẳng định giá trị và sức sống. Trong quá trình xây dựng, phát triển học thuyết khoa học của mình, C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin đã phải thường xuyên đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái như: chủ nghĩa duy tâm, siêu hình, giáo điều, xét lại. C.Mác và Ph.Ăngghen từng phê phán quan điểm của phái Hêghen trẻ, của Pru-đông, của Đuy-rinh, của Lát-xan và nhiều quan điểm tư sản khác.
Thông qua đấu tranh phê phán quan điểm phản diện, các ông đã trình bày quan điểm chính diện của mình, đã phát triển, hoàn thiện học thuyết của mình. C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khẳng định rằng, học thuyết của các ông có tính phê phán và cách mạng, nó không đội trời chung với quan điểm giáo điều, bảo thủ, với quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội và xét lại. Có thể khẳng định rằng, đấu tranh tư tưởng, lý luận để chống quan điểm sai trái nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác mang tính quy luật trong sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác. Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của E.Makhơ, A-vê-na-ri-út...; đấu tranh với những quan điểm cơ hội, xét lại của các nhà lãnh đạo Quốc tế II, như Béc-xtanh, Cau-xky...; đấu tranh với những quan điểm sai lầm của Plê-kha-nốp, Tờ-rốt-xki, Bu-kha-rin, Di-nô-vi-ép,...
Thông qua đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới - giai đoạn Lênin trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với điều kiện lịch sử mới và phù hợp với những thành tựu mới nhất trong khoa học tự nhiên ở thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. V.I.Lênin đã từng gọi chủ nghĩa duy vật mác-xít là “chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, nghĩa là nó không ngừng đấu tranh chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội, xét lại, các quan điểm muốn bảo vệ trật tự tư sản.
Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn nước Nga, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra một thời đại mới trong sự phát triển của xã hội loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của V.I.Lênin, là sự bác bỏ mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, có tính thuyết phục nhất đối với các quan điểm sai trái, thù địch lúc bấy giờ.
Thứ hai, chủ nghĩa Mác - Lênin trong đó có các tư tưởng chính trị Mác - Lênin là một trong những nội dung cơ bản mà các thế lực thù địch hướng vào xuyên tạc, công kích hiện nay. Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng đúng đắn đó là kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thế nhưng, cố tình phủ nhận tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, các thế lực thù địch rêu rao quan điểm cho rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội khoa học không có sức sống”, là “bóng ma ám ảnh châu Âu”, những thất bại của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là do “những chính sách Mác - Lênin bắt nguồn từ một nhận thức sai về lịch sử và về bản chất con người”… Do đó, nghiên cứu để khẳng định và phát triển thêm những giá trị khoa học, thực tiễn cho chủ nghĩa Mác - Lênin là cần thiết, giúp chúng ta có thêm căn cứ phản bác một cách sắc bén, thuyết phục các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Thứ ba, thủ đoạn và hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn khiến cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, củng cố và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trở nên ngày càng trực tiếp hơn, cấp thiết hơn. Muốn bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải hiểu đúng, hiểu sâu, hiểu ở tầm bản chất những nội dung cơ bản của nền tảng tư tưởng đó. Vì phục vụ mục đích xuyên tạc nên các thế lực thù địch thường trích dẫn theo kiểu thêm bớt, cắt xén chính những quan điểm, lập luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để phục vụ cho mục đích xấu xa của chúng. Do đó, nếu không thực sự nắm chắc và hiểu sâu lý luận nền tảng này, chúng ta không đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác lại một cách sâu sắc, thuyết phục. Nói cách khác, dùng chính lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin như vũ khí để chống lại các luận điệu của các thế lực thù địch là một yêu cầu, cũng là một giải pháp đúng đắn, hữu hiệu trong cuộc chiến phức tạp này.
4. Kết luận
Từ khi ra đời cho đến nay, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, khi các thế lực thù địch ngày càng tinh vi hơn trong việc sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá cách mạng nước ta, chống phá sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tăng cường công tác đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trong quá trình đấu tranh đó, chúng ta cần không ngừng nghiên cứu để hiểu sâu sắc hơn những nội dung, giá trị tư tưởng chính trị Mác - Lênin, để có thể vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp và hiệu quả vào cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, phức tạp và lâu dài này. Có làm được điều đó, chúng ta mới thực sự chủ động trong việc chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay./.
__________________________________________________
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập. Nxb. CTQG, Hà Nội, T.4, tr.628.
(2), (3) V.I.Lênin (1980), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T.33, tr.30.
(4) V.I.Lênin (1980), Sđd, T.23, tr.301 - 302.
Bình luận