Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các bức thư gửi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành muôn vàn tình yêu thương cho quê hương Nghệ An, từ khi nước nhà giành được độc lập cho đến khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Ngoài hai lần về thăm quê và những lá thư gửi chung cho nhân dân Liên khu IV, Bắc Trung Bộ; gửi đoàn viên và thanh niên công trường đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An; Thư khen các lực lượng vũ trang và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An…, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 23 bức thư cho Đảng bộ, chính quyền, cùng quân và dân Nghệ An(1).
Qua các thư trên, Người đã gửi gắm những tình cảm sâu nặng đối với quê hương, đặc biệt là đã toát lên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều đó có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân, quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2). Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”(3).
Vấn đề phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh và bằng những tiếp cận khác nhau. Trong thư ngày 17.9.1945, Người khẳng định vai trò, sức mạnh vô địch của sự đoàn kết toàn dân và chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám: “Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc”(4).
Từ đó, Người kết luận: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(5). Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, ngày 21.7.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện dân chủ với nhân dân và chăm lo bồi dưỡng, nâng cao sức dân, qua việc chỉ ra hai trong bốn nhiệm vụ trước mắt mà Đảng bộ, chính quyền Nghệ An cần triển khai là: “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa” và “hết sức chăm lo đời sống nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của dân chủ, coi dân chủ là động lực của sự phát triển, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Người nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong thư, Người chỉ ra những biện pháp, như: “mọi việc sản xuất, phân phối, quản lý kinh tế, bầu cử các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ … Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”(6); khuyến khích nhân dân tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng; bàn bạc dân chủ trong việc cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến lề lối làm việc.
Đối với các hợp tác xã, “nên chọn thời gian thích hợp để cho các xã viên hợp tác xã nông nghiệp thảo luận bản Điều lệ của hợp tác xã, cùng nhau bàn bạc nhằm thực hiện tốt bản Điều lệ đó”(7), còn ở các nhà máy, các cơ quan cũng “cần phát động cán bộ, công nhân bàn bạc dân chủ việc cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến lề lối làm việc của đơn vị mình”(8) để nhằm mục đích làm cho sản xuất và công tác mau tiến bộ.
Người luôn yêu cầu phải hết sức chăm lo đời sống nhân dân, bồi dưỡng và nâng cao sức dân. Vừa lo cho dân có đời sống vật chất no đủ, vừa phải vun bồi đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; hun đúc nhiệt huyết cách mạng của nhân dân ngày càng lớn, tình yêu Tổ quốc ngày một cao, lòng nhiệt tình với chế độ ngày một dày.
Người căn dặn những vấn đề cụ thể mà các cấp ủy đảng, chính quyền của Nghệ An cần quan tâm: “Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sĩ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong. Trên miền Bắc nước ta, rất nhiều xã và hợp tác xã đã có thành tích khá về mặt này, như xã Nhân Trạch (tỉnh Quảng Bình), xã Đình Cao (tỉnh Hải Hưng). Tỉnh ủy nên phái cán bộ đến những nơi ấy học kinh nghiệm về làm cho tốt”(9).
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua những bức thư gửi cho Nghệ An còn thể hiện rõ quyết tâm giữ vững nền độc lập. Đó là ý chí quyết tâm “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” khi phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự hàng đầu thế giới.
Giữa biết bao khó khăn, thách thức của công cuộc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trong bức thư ngày 22.9.1945 gửi Nghệ An, Người vẫn luôn tin tưởng vào quyết tâm, đồng lòng của nhân dân với Chính phủ: “Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm; chúng ta vừa làm vừa học, nhất là chúng ta cố mà theo cho đúng chính sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó”(10).
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, viết Thư cảm ơn đồng bào trại sản xuất Nghệ An, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi mong đồng bào hăng hái xung phong Thi đua ái quốc, làm cho đủ tự cấp tự túc và tiến bộ về mọi mặt. Mỗi người thi đua với nhau, các trại thi đua với nhau. Như thế nhất định tiến bộ và thành công”(11).
Tháng 4.1949, trong thư gửi ông Hoàng Phan Kính (là Cậu) và Trần Lê Hữu (là Dượng) ở xã Nam Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), Người viết: “Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, nhân dân ta có những thành công to lớn, vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được, vì chúng ta quyết tâm sửa chữa”(12).
Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954-1975, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Phải giành thắng lợi quyết định trong một thời gian, ta không nói mấy năm, mấy tháng, mấy ngày, nhưng trong một thời gian càng ngắn càng tốt”(13). Trong giai đoạn này, ngoài hai lần về thăm quê, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều bức thư cho tỉnh Nghệ An nhắn nhủ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 10.3.1966, Người gửi thư khen quân và dân Nghệ An và nhắc nhở: “Bác nhắc đồng bào và cán bộ chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, phải chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, kiên quyết đập tan mọi thủ đoạn man rợ của giặc Mỹ và cố gắng giành nhiều thắng lợi vẻ vang hơn nữa”(14). Ngày 16.9.1966, Người đã gửi thư khen quân và dân thành phố Vinh, thể hiện quyết tâm sắt đá - quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, xâm lược: “Quân và dân thành phố Vinh cần luôn luôn phát huy truyền thống Xôviết Nghệ - Tĩnh anh hùng, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hăng hái thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa”(15).
Quyết tâm đó lại được Người đề cập trong Thư gửi cán bộ và nhân viên nhà thương Nghệ An ngày 16.3.1967: “Bác rất vui lòng khen các cô, các cháu và mong tất cả mọi người đoàn kết tốt và tiến bộ nhiều, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước thắng lợi”(16). Trong Thư khen quân và dân Nghệ An ngày 22.7.1968, ngoài gửi lời khen ngợi, Người chỉ rõ: “Giặc Mỹ đã thua to nhưng chúng còn nhiều âm mưu độc ác. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn khó khăn gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”(17).
Trong Thư gửi đội thanh niên xung phong số 333, Người nhắc nhở: “Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”(18). Trong bức thư cuối cùng gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, Người viết: “Một điều phải luôn luôn nhớ là: Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở vào thời kỳ quyết liệt. Đế quốc Mỹ đã bị thua đau, nhưng còn rất ngoan cố. Quân và dân ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững công tác phòng không sơ tán, củng cố hầm hào. Cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”(19).
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ nền độc lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực chiến đấu, xây dựng quê hương, chi viện miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ hai, khát vọng xây dựng, phát triển Nghệ An giàu mạnh, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đường lối kiến thiết đất nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách cụ thể, phù hợp, sáng tạo và quyết liệt.
Khát vọng xây dựng, phát triển Nghệ An giàu mạnh, hạnh phúc cho nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập trong các bức thư gửi Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân Nghệ An. Qua thư gửi ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu, tháng 4.1949, Người đã thể hiện những tình cảm họ tộc, gia đình đằm thắm và khát vọng: “làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”(20).
Bốn tháng sau, trong Thư gửi đồng bào Nghệ An, Người viết: “Tỉnh ta đã có đà khá vững để tiến bộ mọi mặt. Mong đồng bào tiếp tục thi đua và giúp nhau thi đua làm cho Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”(21). Trong thư ngày 21.7.1969, Người nêu một khát vọng, một di huấn cho quê nhà trước lúc đi xa: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”(22).
Mong muốn xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh kiểu mẫu, nhân dân hạnh phúc, Người luôn dành sự quan tâm động viên đồng bào Nghệ An cố gắng vươn lên về mọi mặt.
Được tin cụ bà Nguyễn Thị Xuyên 100 tuổi ở xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, dù tuổi cao sức yếu, song vẫn hăng hái xung phong đi học, để làm gương mẫu cho con cháu noi theo, tháng 4.1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen, qua đó nhằm động viên khích lệ nhân dân Nghệ An: “Tôi mong rằng đồng bào tỉnh ta đều noi gương ham học của bà cụ, đều hăng hái tham gia bình dân học vụ, để sớm thanh toán nạn mù chữ trong cả tỉnh”(23).
Khi Người được báo cáo về cụ Vi Văn Đảng ở xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An đã 120 tuổi mà vẫn hăng hái đi học chữ quốc ngữ, ngày 11.3.1957 Người đã gửi thư khen và mong muốn: “Tôi mong rằng đồng bào trong xã, trong huyện đều noi gương Cụ, cố gắng đi học để thanh toán nạn mù chữ trong cả địa phương”(24).
Trong bức thư ngày 21.7.1969, Người nhấn mạnh yêu cầu Đảng bộ Nghệ An cần ra sức lãnh đạo thực hiện khôi phục và phát triển kinh tế một cách toàn diện, xem đây là một nhiệm vụ cấp thiết và phải làm cho tốt, bởi “Nghệ An có rừng, có biển”. Người đã chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển kinh tế của Nghệ An. Đối với nông nghiệp, phải đẩy mạnh chăn nuôi và trồng các cây công nghiệp để có nhiều nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa cho xuất khẩu, trước mắt, phải ra sức chống hạn, cố gắng cấy mùa đúng thời vụ, nhằm “làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước”(25).
Cần làm tốt hơn nữa việc khai thác gỗ và các loại lâm sản; có kế hoạch trồng cây và bảo vệ rừng, nhanh chóng khôi phục và phát triển nghề đánh cá, phát triển nghề muối. Về phát triển kinh tế miền núi, phải làm tốt việc định canh, định cư cho đồng bào miền núi, cần chỉ đạo chặt chẽ và có cán bộ tốt người dân tộc để vận động nhân dân. Về công nghiệp và thủ công nghiệp: phải sản xuất nhiều công cụ làm đất, tưới tát, vận chuyển... nhằm “cung cấp nhiều hàng tiêu dùng tốt và rẻ cho nhân dân”(26). Có như vậy mới thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Qua các bức thư gửi tỉnh Nghệ An, trong muôn vàn tình yêu thương của Người dành cho “quê hương nghĩa trọng tình cao”, còn có trách nhiệm của người đứng đầu đất nước đối với một địa phương. Đồng thời, hơn ai hết, Người hiểu rõ những khó khăn về địa thế, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên... mà chính sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên ấy đã hun đúc con người xứ Nghệ chịu thương, chịu khó, ý chí bền bỉ, kiên cường, bất khuất, vượt lên trong khó khăn, trong đấu tranh giải phóng dân tộc và giàu tình yêu thương, lạc quan và kiên định.
Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh kiểu mẫu, nhân dân hạnh phúc trở thành tài sản vô giá, là “kim chỉ nam” cho Đảng bộ, chính quyền quân và dân Nghệ An giành được những thành tựu to lớn qua các thời kỳ cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay./.
___________________________________
(1) Trong giai đoạn 1945-1954, Người gửi 6 bức thư: Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà ngày 17.9.1945; Thư cảm ơn đồng bào trại sản xuất Nghệ An ngày 15.9.1948; Thư gửi đội lão quân Nam Đàn ngày 17.2.1949; Thư gửi ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu - xã Nam Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tháng 4.1949; Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An tháng 8.1949; Thư gửi cụ Hồ Văn Quân ngày 01.12.1953. Trong những năm 1954 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 17 thư: Thư gửi cụ bà Nguyễn Thị Xuyên, xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An tháng 4.1956; Thư gửi cụ Vi Văn Đảng, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày 11.3.1957; Thư gửi ông Nguyễn Sinh Thoán ngày 13.1.1958; Thư gửi các cụ “phụ lão diệt dốt” xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 19.12.1958; Thư gửi đồng bào thị xã Vinh ngày 4.8.1961; Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên ngày 13.2.1962; Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 12.8.1965; Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Nghệ An ngày 10.3.1966; Thư khen đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong (Nghệ An) ngày 12.4.1966; Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An ngày 29.7.1966; Thư khen quân và dân thành phố Vinh ngày 16.9.1966; Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên (Nghệ An) ngày 15.3.1967; Thư gửi cán bộ và nhân viên nhà thương Nghệ An ngày 16.3.1967; Thư khen quân và dân Nghệ An ngày 05.11.1967; Thư khen quân và dân Nghệ An ngày 22.7.1968; Thư gửi đội thanh niên xung phong số 333 ngày 29.01.1969; Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An ngày 21.7.1969.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.10, tr.453.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.492.
(4), (5), (10) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.18,19, 19.
(6), (7), (8), (9), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (22), (25), (26) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.595, 595, 595, 596, 17, 53, 159, 316, 399, 541, 596, 597, 595, 596.
(11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.609.
(12), (20), (21) Hồ Chí Minh (2001), Sđd, T.6, tr.65, 66, 187.
(23), (24) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.321, 521.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 13.12.2021
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận