Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân
Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh tầm nhìn bao quát, sâu rộng về giá trị phổ quát này, mà còn là tư tưởng để thực hành trong thực tiễn nhằm xây dựng chế độ dân chủ trên một đất nước vừa được giải phóng khỏi sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc cách đây 75 năm. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ được phản ánh một cách chắt lọc, cô đọng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hành, biểu hiện ở ba vấn đề cốt lõi sau:
Thứ nhất, khẳng định vai trò, địa vị của nhân dân trong chế độ chính trị dân chủ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Nó được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, nó phản ánh mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị - xã hội nhất định. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng một Nhà nước Việt Nam kiểu mới, đó là nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(2). Theo Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều là của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Người nhấn mạnh rằng: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). Như vậy, nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là: Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị - xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân là người có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia - dân tộc; nhân dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng, củng cố và thực hành quyền lực của mình thông qua hệ thống chính trị và thể chế chính trị dân chủ, xây dựng và củng cố bộ máy quản lý nhà nước nhằm hướng tới phục vụ lợi ích của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(5).
Thứ hai, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(6). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng được thành lập, Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đây là điểm khác biệt về bản chất giữa nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột từng tồn tại trong lịch sử.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân là nhà nước mà ở đó tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân là gốc, là chủ của quyền lực nhà nước, bao nhiêu quyền hạn của Nhà nước đều là của nhân dân. Do đó, đội ngũ cán bộ của chính quyền các cấp là đầy tớ trung thành của nhân dân, là công bộc của nhân dân, chứ không phải là cha mẹ dân, cai trị dân như nhà nước của chế độ bóc lột trước đây. Nhân dân là người có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Ngay trong Điều 32 Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ: “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra cho nhân dân phúc quyết”. Thực chất ở đây là trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp được đề ra ở nước ta khá sớm. Nhân dân bầu ra Quốc hội và chính quyền các cấp, có quyền kiểm soát nhà nước, giám sát và có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước cho nên nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước.
Nhà nước do dân là nhà nước do nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình, những đại biểu này thay mặt nhân dân tổ chức, điều hành các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua chế độ tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Đồng thời, Nhà nước do dân cũng là nhà nước mà nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nghĩa vụ và quyền hạn đối với Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Mặt khác, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Nhà nước, kiểm soát và giám sát quyền lực của Nhà nước. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, nghĩa là Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân thì nhân dân có quyền bãi miễn Chính phủ.
Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Nhà nước không có đặc quyền, đặc lợi, đứng trên nhân dân mà phải thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng cố gắng làm. Việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Nhà nước vì dân là Nhà nước luôn đề cao ý thức trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Người cho rằng: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi.
Thứ ba, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trên tinh thần dân chủ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhân dân cần Nhà nước để lãnh đạo và tổ chức lực lượng xây dựng, phát triển đất nước. Mặt khác, Nhà nước phải dựa vào mọi nguồn lực của nhân dân để phục vụ nhân dân. Trong tư tưởng của Người, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Nhà nước là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước phát huy dân chủ đến cao độ mới động viên được tất cả các lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời, phải tập trung cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh việc đề cao dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ vai trò của chuyên chính: Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là chuyên chính với ai? Dân chủ là của quý báu của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại... Có dân chủ thì cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn dân chủ. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của Chính phủ lâm thời. Sau đó, Người tiến hành xây dựng Hiến pháp dân chủ, tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên và bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Cũng vào năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến việc xây dựng luật pháp, quản lý đất nước bằng luật pháp và làm cho luật pháp có hiệu lực trong thực tế. Theo Người, trong Nhà nước dân chủ nhân dân, dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau, bảo đảm cho chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Một nội dung rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là tập trung xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân. Để xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải được đào tạo chính quy, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ quản lý hành chính ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197 thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam; năm 1950, ký Sắc lệnh số 76 ban hành “Quy chế công chức” để bảo đảm công bằng trong thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch bậc hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nền móng cho pháp quyền Việt Nam.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng thể chế quản lý đất nước thông qua pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ giác ngộ và chấp hành pháp luật của nhân dân, nhấn mạnh sự nêu gương của đội ngũ thực thi pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc (tháng 1 -1946), Người căn dặn: Các bạn là những người thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư!”.
THỰC TIỄN VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ TRONG VIỆC CỦNG CỐ MỐI QUAN HỆ NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN Ở VIỆT NAM
Trong gần 35 năm đổi mới, tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng sáng tạo để củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vấn đề thực hành dân chủ, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, thể chế hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa Nhà nước với nhân dân từng bước được tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện.
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”(7). Theo đó, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã chế định hóa đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời chế định thêm một số quyền mới như: Quyền sống (Điều 19); các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 2, Điều 17). Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên bộ máy quyền lực nhà nước, Quốc hội, đại biểu Quốc hội trở thành cầu nối gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Do đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước” (Khoản 1, Điều 79)(8). Bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào công việc quản lý của Nhà nước không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong các luật(9).
Chính phủ với tư cách là cơ quan “thực hiện quyền hành pháp”, cơ quan hành chính cao nhất và là cơ quan chấp hành của Quốc hội đã chú trọng đề cao tính dân chủ và tính pháp quyền trong điều hành, hướng đến xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả. Trong gần 35 năm đổi mới, Chính phủ tập trung đổi mới, cải cách thể chế, bộ máy, công chức và tài chính công theo hướng dân chủ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2020 đã được tiến hành nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh. Theo đó, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành(10); đồng thời, Chính phủ từng bước đổi mới phương thức hoạt động, chuyển từ cơ chế quản lý bằng mệnh lệnh, cơ chế xin - cho sang quản lý bằng pháp luật, đề cao trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Thứ hai, sự tham gia của nhân dân vào đời sống chính trị và quản lý nhà nước ngày càng gia tăng.
Trên cơ sở triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức, nội dung giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Các luật về tổ chức chính trị - xã hội, như Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... đã cụ thể hóa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp đối với công việc quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thông qua Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, của Chính phủ “Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 08-9-1998, của Chính phủ, về “Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”, Chính phủ đã bổ sung thêm cơ sở pháp lý để phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi vào cuộc sống. Như vậy, thông qua các thể chế pháp luật và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia vào công việc của Nhà nước, đóng góp trí tuệ, nhân tài, vật lực để xây dựng Nhà nước vững mạnh, bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa Nhà nước với nhân dân.
Thứ ba, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự phát triển đồng bộ cả về năng lực và phẩm chất, góp phần quan trọng vào xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực và phẩm chất tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước trong thời kỳ đổi mới đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997, về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 khóa X ban hành Kết luận “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị quyết “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gần đây đã bổ sung, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức và viên chức trong việc thực hành công vụ, đưa ra những quy định tăng cường kỷ luật đối với công chức, viên chức, xóa bỏ quan niệm “hạ cánh an toàn” của cán bộ, công chức về hưu mắc sai lầm, khuyết điểm trước đó, cán bộ, công chức tham nhũng bị buộc thôi việc; xóa bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức; công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức tại nơi làm việc...
Những vấn đề đặt ra:
Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta có thể nhận thấy một số vấn đề đặt ra cần được tiếp tục giải quyết như:
Một là, nhận thức về vai trò, địa vị của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn chưa đầy đủ và toàn diện. Quyền tiếp cận thông tin của nhân dân được luật hóa; tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực hoạt động cũng như ở một số cơ quan nhà nước, kể cả ở Trung ương và địa phương, vấn đề minh bạch hóa thông tin, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, công khai hóa các dự án để đấu thầu, minh bạch hóa tài sản và thu nhập cá nhân, quản lý tài nguyên, môi trường, quản lý tài chính công vẫn còn hạn chế. Trách nhiệm giải trình và xử lý sau giải trình thông qua các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đồng bộ. Vai trò kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và vai trò phản biện, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Các phương thức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp còn hạn chế. Vấn đề “bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân” còn bất cập. Hơn nữa, vấn đề quan tâm đến việc hưởng thụ các thành quả lao động sáng tạo của nhân dân còn bộc lộ nhiều thiếu sót, dẫn đến tình trạng phân hóa xã hội, lợi ích nhóm gia tăng, nguy cơ nghèo và tái nghèo tiềm ẩn cao.
Hai là, khoảng cách giữa việc ban hành luật pháp và thực hiện luật pháp chưa được rút ngắn. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa qua, độ chênh giữa việc ban hành và thực hiện pháp luật còn có khoảng cách khá rõ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa nhận thức rõ được vai trò của từng văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Ba là, thực hành dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật còn nhiều bất cập. Trên thực tế, tình trạng “vừa thiếu dân chủ”, “vừa thiếu kỷ cương” chậm được khắc phục. Trong hoạt động của cơ quan nhà nước, còn không ít các biểu hiện mất dân chủ hoặc dân chủ cực đoan; việc thực hành dân chủ ở nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính hình thức, thực hiện pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền chưa được quy định rõ ràng, thực hiện chưa nghiêm. Còn thiếu các chế tài bảo đảm thực thi dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.
TIẾP TỤC VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ TRONG VIỆC CỦNG CỐ MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN TRONG THỜI GIAN TỚI
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là một tài sản có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn cần được học tập, vận dụng và triển khai nghiêm túc trong toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước và xã hội, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để xây dựng, phát triển bền vững đất nước.
Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Quán triệt quan điểm của Đảng trong xử lý các vi phạm pháp luật theo nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Thực hiện nhất quán chủ trương thực hành dân chủ một cách đồng bộ và toàn diện; phát huy tinh thần tích cực, chủ động của nhân dân trong việc tham gia thực hành dân chủ, tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tăng cường sự gắn kết của các hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát trong các hoạt động của Chính phủ. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, khắc phục tối đa các khoảng trống dẫn đến tham nhũng, hối lộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, hoạt động luật sư và hỗ trợ tư pháp.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao, sức khỏe tốt, tận tụy phục vụ nhân dân. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phát huy dân chủ gắn liền với siết chặt kỷ cương, kỷ luật, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, có khát vọng vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước. Cải thiện môi trường làm việc, chính sách tiền lương, nhà ở, công vụ. Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
_________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr.83.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.434.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232.
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 64-65, 64.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.292.
(7) (8) Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Lao động, H, 2014, tr.34, 42.
(9) Như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng...
(10) Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 2/8/2007, của Thủ tướng Chính phủ, về “Ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”; Chỉ thị số 26/2016/CT-TTg, ngày 5/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước”; Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Đề án văn hóa công vụ”.
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Đúc kết giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng trong tình hình hiện nay
Đúc kết giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng trong tình hình hiện nay
Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khẳng định nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị, vạch đường đổi mới, soi sáng tương lai. Bài viết đúc kết, khẳng định những giá trị trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tiếp tục học tập và làm theo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong những di sản tư tưởng bao trùm và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Hồ Chí Minh với việc xây dựng lực lượng cách mạng và sự vận dụng của Đảng
Hồ Chí Minh với việc xây dựng lực lượng cách mạng và sự vận dụng của Đảng
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và sự thành công của cách mạng chủ yếu phụ thuộc vào việc tập hợp được quần chúng, xây dựng được lực lượng cách mạng trong quần chúng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng cách mạng là cơ sở lý luận và bài học t
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận!
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đản
Bình luận