Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
1. Mở đầu
Theo Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, “tương tác là sự tác động qua lại lẫn nhau”, ví dụ như quan hệ tương tác giữa hai vật hay sự tương tác giữa ánh sáng và môi trường(1). Trong cuốn “Báo chí và mạng xã hội” do PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa và PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng thực hiện, “tương tác là sự tác động qua lại, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa những sự vật, sự việc bằng nhiều hình thức”(2).
Như vậy, hiểu một cách ngắn gọn, tương tác là sự tác động qua lại lẫn nhau của hai hay nhiều chủ thể. Dưới góc độ xã hội, đây là quá trình tác động qua lại giữa các cá nhân, nhóm xã hội với tư cách là chủ thể - khách thể nhằm mang đến những kết quả mới hơn trong sự vận động của xã hội. Trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, tương tác được hiểu là sự tác động qua lại hai chiều giữa cơ quan báo chí, tác giả với công chúng.
Trên báo mạng điện tử, tính tương tác là một trong những đặc trưng cơ bản. Tính tương tác của báo mạng điện tử được hiểu là khả năng thông tin qua lại, đa chiều, nhanh chóng giữa tòa soạn và công chúng, giữa công chúng với nhà báo và giữa công chúng với nhau. Thời điểm ban đầu, theo TS Nguyễn Thị Thoa, tính tương tác của báo mạng điện tử được hiểu dưới 3 góc độ: tương tác định hướng: là sự định vị trên các văn bản, như các nút trang tiếp, trở về đầu trang...; tương tác chức năng: là sự linh hoạt của các đường dẫn cho phép người đọc khả năng tham chiếu tới các nội dung khác, các siêu liên kết (hyper link)…; tương tác tùy biến: là tính thông minh ở các công cụ cá nhân (như hộp thư điện tử) cho phép báo mạng điện tử tự thích ứng để tiếp đón công chúng(3) …
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của Internet và báo mạng điện tử, tính tương tác trên báo mạng điện tử ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và được nâng cao hơn. Ngoài các hình thức tương tác mặc định được lập trình sẵn trên tờ báo như đã nêu trên, báo mạng điện tử còn có các hình thức tương tác hấp dẫn hơn như các cuộc giao lưu trực tuyến, bàn tròn trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, các diễn đàn mở của công chúng… được gọi chung với tên gọi các chương trình tương tác.
Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, “chương trình là toàn bộ nói chung những dự kiến hoạt động theo một trình tự nhất định và trong một thời gian nhất định, nêu một cách vắn tắt”. Trong tin học, đây là dãy các mệnh lệnh, được viết theo một cú pháp nhất định, mô tả cách giải quyết một bài toán trên máy tính(4).
Như vậy, các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử có thể hiểu là một sản phẩm báo mạng điện tử hoặc một phương tiện truyền tải được tích hợp vào sản phẩm báo mạng điện tử, được thiết lập theo một trình tự và thời gian nhất định mà ở đó công chúng có thể trực tiếp tham gia vào sản phẩm báo chí.
Các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử có hai hình thức chính. Thứ nhất là tương tác trực tuyến gián tiếp. Đây là cuộc trao đổi qua lại giữa toà soạn và công chúng hoặc công chúng với công chúng được tổ chức thực hiện thông qua hình thức gửi phản hồi, bình luận, gửi bài viết về một chủ đề nóng bỏng đang nhận được nhiều quan tâm trong một khoảng thời gian ngắn. Cuộc trao đổi này được thể hiện dưới hình thức là một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh (như các bài viết tại các chuyên mục góc nhìn độc giả, ý kiến độc giả…) nhằm khởi xướng một chủ đề thảo luận, kêu gọi độc giả tham gia nêu ý kiến, trao đổi để cùng nhau thảo luận, phân tích, làm sáng tỏ vấn đề.
Thứ hai là tương tác trực tuyến trực tiếp: đây là các sản phẩm tương tác được tích hợp hoặc cao hơn là những cuộc trò chuyện, giao lưu, đối thoại được tổ chức, thực hiện và xuất bản song song, đồng thời với sự kiện đang xảy ra và công chúng được trực tiếp tham gia vào cuộc trao đổi với một, hoặc nhiều khách mời về một chủ đề trong khoảng thời gian diễn ra chương trình (như các trò chơi, các bài trả lời trắc nghiệm, thăm dò công chúng hay các hình thức phỏng vấn trực tuyến, giao lưu trực tuyến, bàn tròn trực tuyến, tọa đàm trực tuyến…).
Như vậy, mặc dù là một phần để tạo tính tương tác chung trên báo mạng điện tử, các chương trình tương tác có rất nhiều điểm khác biệt, không mang tính chất mặc định mà đòi hỏi tòa soạn phải có kế hoạch, được hoạt động theo một trình tự, một thời gian nhất định. Trên báo mạng điện tử, các chương trình tương tác là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tính đa phương tiện của loại hình báo chí này, cùng với văn bản, ảnh, audio, video và đồ họa. Trong phạm vi bài viết, đối tượng được bàn đến là các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay.
2. Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin và góp phần định hướng dư luận xã hội
Một trong những thế mạnh của báo mạng điện tử đó là tính tức thời và phi định kỳ, nhờ đó, báo mạng điện tử luôn là tờ báo cập nhật tin tức một cách nhanh chóng nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả một cách kịp thời, hiệu quả nhất... Nhờ sự phát triển bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh, công chúng có thể tiếp cận thông tin trên báo mạng điện tử mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào họ muốn.
Trên nền tảng đó, vai trò đầu tiên của các chương trình tương tác chính là cung cấp thông tin cho độc giả. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu thông tin này được thực hiện theo cách thức rất đặc biệt: công chúng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm bằng cách đóng góp câu hỏi hoặc chủ động nói lên nhu cầu thông tin của mình thông qua các góc nhìn, ý kiến… gửi về tòa soạn. Khi có một vấn đề nổi cộm, gây dư luận trái chiều trong xã hội, công chúng sẽ có những băn khoăn, ý kiến, khúc mắc khác nhau. Điều họ cần là những thông tin chính thống, uy tín, có thể giáp đáp những câu hỏi mà họ đang gặp phải. Tại thời điểm đó, một chương trình tương táp trực tiếp như giao lưu trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến với khách mời là các chuyên gia, quan chức, người chịu trách nhiệm... giải đáp cho từng vấn đề cụ thể của độc giả sẽ góp phần giải “cơn khát” thông tin này, giúp mở mang thêm các kiến thức mới cho độc giả.
Ngay cả với các chương trình tương tác gián tiếp, việc thu nhận thông tin của độc giả cũng rất dễ dàng. Tại các bài viết ở các chuyên mục như bạn đọc viết, ý kiến bạn đọc…, công chúng được nêu lên quan điểm, ý kiến của mình và ở ngay phía dưới bài viết, những ý kiến này sẽ lập tức nhận được các phản hồi của các công chúng khác thông qua phần bình luận. Lúc này, mỗi bài viết chính là một diễn đàn thu nhỏ, mỗi bình luận sẽ góp thêm một góc nhìn, giúp cho công chúng có thêm cái nhìn nhiều chiều về những vấn đề, những thắc mắc của họ… Thực tế cho thấy, trên những tờ báo mạng điện tử lớn như VnExpress, Dân trí, Tiền Phong… có những diễn đàn có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham gia thảo luận. Nhờ đó, thông tin có thể được mở rộng không giới hạn, kiến thức hay các góc nhìn mà công chúng thu nhận được trở nên rất đa dạng, nhiều chiều.
Từ đây cũng có thể thấy rõ vai trò định hướng xã hội của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử. Khi một vấn đề, câu hỏi nóng bỏng được giải quyết trong các chương trình tương tác, lượng kiến thức mới mẻ mà công chúng thu nhận được sẽ góp phần “khai sáng” cho họ. Chẳng hạn, khi việc thay đổi Căn cước công dân bình thường sang Căn cước công dân gắn chip tạo ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc và lo lắng trong công chúng, cuộc giao lưu trực tuyến “Những tiện ích của căn cước công dân gắn chip và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" do báo Tuổi trẻ Online tổ chức từ với sự tham dự của các khách mời đến từ Bộ công an đã giải tỏa được rất nhiều “nút thắt” của công chúng. Nhiều người đã bày tỏ thông qua bình luận rằng từ chỗ cảm thấy rắc rối, họ đã hiểu, thông suốt hơn chính sách này của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, với sức lan tỏa nhanh và mạnh của Internet, những thông tin này không chỉ có tác động đối với một vài công chúng đơn lẻ mà còn có thể tác động tới rất nhiều cá nhân khác có cùng vấn đề hoặc nằm trong tầm ảnh hưởng của vấn đề đó, thậm chí là với toàn xã hội.
Thứ hai, tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm, thể hiện mạnh mẽ tính dân chủ của báo chí, nâng cao vị thế của công chúng
Với cách làm báo thông thường, công chúng gần như không tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm, thay vào đó, họ sẽ gửi bài về tòa soạn dưới tư cách cộng tác viên. Tuy nhiên, trong các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử, vai trò của công chúng quan trọng hơn thế rất nhiều lần. Tại các chương trình tương tác như giao lưu trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm trực tuyến…, công chúng được trở thành người đóng góp chính cho tác phẩm, thể hiện mạnh mẽ tính dân chủ của báo chí.
S: (Source) nguồn phát M: (Message) thông điệp
C: (Channel) kênh R: (Receiver) người nhận
E: (Effect) hiệu quả N: (Noise) nhiễu
F: (Feedback) kênh phản hồi
Theo mô hình truyền thông của Claude Shannon và Harold Lasswell, công chúng không còn đơn thuần chỉ là đối tượng tiếp nhận thông tin mà thậm chí còn tác động trở lại nguồn phát, trở thành một yếu tố quyết định trong quá trình vận hành của hoạt động truyền thông đại chúng. Công chúng còn có thể xuất bản thông tin một cách dễ dàng, trở thành nguồn phát thông điệp nếu họ muốn.
Điều này hoàn toàn đúng với các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử. Đầu tiên, công chúng là đối tượng cung cấp thông tin cho các phóng viên, tòa soạn và cả các công chúng khác thông qua các chuyên mục như bạn đọc viết hay diễn đàn. Có thể lấy ví dụ chuyên mục Góc nhìn của báo mạng điện tử VnExpress, với đội ngũ người viết là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học…, những bài viết từ nhóm độc giả này đã cung cấp cho người đọc những thông tin khách quan, đa chiều về mọi vấn đề trong cuộc sống, từ các vấn đề dân sinh, các vụ việc nổi cộm trong xã hội hay những lĩnh vực đòi hỏi có kiến thức chuyên sâu như kinh tế vĩ mô, chính trị... Đó cũng là lý do chuyên mục này trở thành một trong những chuyên mục “ăn khách” bậc nhất của tờ báo này.
Cao hơn nữa, độc giả còn trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm của tòa soạn – điều chưa từng có tại bất kỳ loại hình báo chí nào từ trước đến nay. Toàn bộ các câu hỏi của các chương trình tương tác trực tiếp như giao lưu trực tuyến, tọa đàm trực tuyến, đối thoại trực tuyến… đều là của công chúng, hay nói cách khác công chúng chiếm đến 50% trong một tác phẩm báo chí. Khi không còn bị động chờ thông tin được cung cấp mà thay vào đó, được chủ động sáng tạo một tác phẩm báo chí sẽ vừa nâng cao vị thế vừa tạo ra sự hứng thú đặc biệt cho công chúng báo mạng điện tử.
Việc công chúng được phép tham gia vào quá trình sáng tạo một tác phẩm đã cho thấy tính dân chủ và tự do báo chí rất cao. Công chúng không còn là người thụ động chờ nhà báo cung cấp thông tin mà thay vào đó họ được bày tỏ chính kiến, được chất vấn, được đặt câu hỏi, được tự do tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của mình, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn. Thực tế cho thấy, được bày tỏ chính kiến trước xã hội là biểu hiện của tính dân chủ và các chương trình tương tác của BMĐT đã làm được điều đó. Mọi ý kiến đều được ghi nhận, được xem xét công bằng và trả lời một cách thấu đáo, minh bạch, tôn trọng. Điều này đã góp phần vào việc dân chủ hóa xã hội cũng như thể hiện quyền tự do báo chí một cách tích cực.
Thứ ba, gắn kết công chúng với tòa soạn và công chúng với nhau
Tiếp cận, gắn kết, gần gũi với công chúng là mục tiêu của tất cả các cơ quan báo chí. Trước đây, khi chưa có báo mạng điện tử, con đường để kết nối giữa công chúng và tòa soạn, công chúng với nhau khá hạn chế, chủ yếu là thông qua các hình thức như đường dây nóng, đơn thư, cao hơn là các chuyên mục, chương trình như “Điều tra theo thư bạn đọc”, “Điểm thư bạn đọc”, “Diễn đàn bạn đọc” ... Nhờ tính tương tác và khả năng đa phương tiện, sự kết nối giữa báo mạng điện tử và công chúng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Như trên đã đề cập, việc được trực tiếp tác động hay tham gia vào một sản phẩm báo chí đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan báo chí và độc giả. Thay vì chỉ thụ động chờ đợi thông tin mà các tòa soạn xuất bản thì thì nay độc giả đã có thể cùng chung sức sáng tạo một tác phẩm báo mạng điện tử. Bên cạnh đó, khi ý kiến cá nhân được đăng tải, độc giả luôn xuất hiện tâm lý tò mò, mong chờ, hào hứng với các bình luận, quan điểm của độc giả khác. Nhờ sự tương tác chủ động đó, họ trở nên yêu mến, gần gũi, gắn bó với tờ báo hơn.
Bên cạnh đó, các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử còn tạo ra sự kết nối mật thiết giữa công chúng với nhau. Tờ báo không cần phải mở ra bất kỳ một diễn đàn nào mà mỗi một bài viết trên báo mạng điện tử đều có thể trở thành một diễn đàn mở thu nhỏ - nơi công chúng có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, trao đổi, bình luận, trêu đùa, thậm chí tranh cãi với nhau tại ô bình luận phía dưới mỗi bài viết hoặc viết bài để phản hồi. Sự tương tác này trở nên đặc biệt sôi nổi tại những chuyên mục mà công chúng nêu ý kiến, quan điểm của mình như Góc nhìn, Ý kiến, Bạn đọc nghĩ, Tâm sự … Đây chính là tiền đề mở các cuộc hội thoại tiếp theo cũng như giúp công chúng kết nối với nhau, tạo ra một mạng lưới mối quan hệ ở ngay chính trên báo mạng điện tử.
Thứ tư, thu hút độc giả, tăng tính cạnh tranh cho báo mạng điện tử
Thu hút công chúng chính là mục đích hướng đến của các tòa soạn bởi công chúng ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu, phát hành hay quảng cáo. Với sự phát triển bùng nổ của các nền tảng truyền thông số, công chúng ngày càng kén chọn và không muốn thụ động, chờ đợi trong việc tiếp nhận thông tin. Đây cũng là lý do nhiều tòa soạn đẩy mạnh tính tương tác, các chương trình tương tác trên mọi nền tảng để thu hút công chúng. Từ các trò chơi trắc nghiệm đơn giản đến các cấp độ cao hơn như giao lưu trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến…, các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử ngày càng phong phú về nội dung và hình thức.
Có thể thấy những chương trình tương tác như giao lưu trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến là một trong những con đường hữu hiệu để thu hút công chúng, từ đó tăng tính cạnh tranh cho tờ báo, nâng cao vị thế của báo mạng điện tử. Thời điểm tranh cãi về bộ sách giáo khoa Cánh Diều diễn ra, buổi phỏng vấn trực tuyến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Chủ biên của bộ sách trên VnExpress đã thu về hơn 800 câu hỏi và hàng trăm lượt tương tác trực tiếp khác tại ô bình luận. Hay khi vụ việc CLB Tình người tạo ra những luồng dư luận trái chiều trong xã hội, cuộc tọa đàm trực tuyến của báo Đại Đoàn Kết xoay quanh vụ việc này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, các chuyên gia, nâng tên tuổi của tờ báo lên cao khi góp phần đưa loạt bài về CLB Tình người đạt giải A Giải báo chí Quốc gia. Rõ ràng, việc được trực tiếp tham gia vào một vấn đề nóng hổi đang diễn ra, được bày tỏ quan điểm của mình một cách rộng rãi và nhận về sự tán đồng hoặc sự phản biện, giao lưu khác sẽ sẽ khiến công chúng thích thú hơn rất nhiều so với việc bị động trước màn hình.
Một điều thú vị khác là có không ít độc giả trở thành độc giả trung thành của một tờ báo chỉ vì một chương trình tương tác cố định ở trên tờ báo đó. Có thể lấy mục Tâm sự của VnExpress làm ví dụ. Mặc dù không phải là một chuyên mục nổi bật, trọng điểm của tờ báo, chuyên mục này lại có một lượng lớn độc giả rất trung thành. Gần như 100% bài viết trên Tâm sự đều nhận được phản hồi, thảo luận của độc giả và trong đó có rất nhiều độc giả quen thuộc, xuất hiện trong nhiều bài viết khác nhau. Những “tư vấn viên” này hoạt động rất sôi nổi, thông qua việc phân tích, bàn luận, họ giúp người viết và các độc giả đang có cùng mối quan tâm giải quyết các vấn đề.
Như vậy, ở dưới góc độ này, các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử đã trở thành “món ăn tinh thần” đúng nghĩa của công chúng, là nơi họ có thể giao lưu, được thể hiện cái tôi, quan điểm của mình một cách thoải mái nhờ vào tính ẩn danh khi bình luận. Chính những sự trao đổi qua lại này sẽ kích thích tâm lý độc giả, thúc đẩy họ tiếp tục tham gia vào chương trình tương tác kế tiếp. Điều này tạo nên thói quen cho chính công chúng và hình thành sự gần gũi, thân thiết giữa công chúng với tờ báo và từ đó thu hút công chúng đến với tờ báo.
3. Kết luận
Các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức. Thậm chí theo thời gian, một số chương trình tương tác trên báo mạng điện tử như giao lưu trực tuyến, tọa đàm trực tuyến đã trở thành một sản phẩm mang tính chất “đặc sản” của báo mạng điện tử, thu hút một lượng công chúng đông đảo theo dõi thường xuyên cũng như nâng cao vị thế cho tờ báo. Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của công nghệ còn có thể giúp các chương trình tương tác trở nên hấp dẫn hơn, từ đó có thể chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả và tạo ra doanh thu lớn hơn./.
___________________________________
(1) GS Hoàng Phê (2021), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr.108.
(2) Đỗ Chí Nghĩa, Đinh Thị Thu Hằng (2014), Báo chí và mạng xã hội, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội. báo chí, NXB Thông tấn, Hà Nội, tr.93.
(3) Nguyễn Thị Thoa (2006), Nhập môn báo mạng điện tử, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
(4) GS Hoàng Phê (2021), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr.243.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Trường Giang (2014), Giáo trình tổ chức diễn đàn trên báo mạng điện tử, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Trường Giang (2019), Lý thuyết và kỹ năng báo mạng điện tử, Nxb. Chính trị Sự thật, Hà Nội.
3. Loic Hervouet (2009), Viết cho độc giả, Hội nhà báo Việt Nam, tháng 6/2009.
4. Phan Văn Kiền, Phan Quốc Hải, Phạm Chiến Thắng, Nguyễn Đình Hậu (2016), Một số xu hướng của báo chí truyền thông hiện đại, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
5. Nguyễn Trí Nhiệm – Nguyễn Thị Trường Giang (2014), Báo mạng điện tử: Đặc trưng và phương pháp sáng tạo, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Collen M.keough and Thora Christiansen (2009) – The case Online Newspaper and the Web (tạm dịch: Thực trạng của BMĐT và các trang web), California University, Hoa Kỳ, 7/2009.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
- (LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng Internet ở Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 3 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 4 Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- 5 Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- 6 Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên những ứng dụng siêu kết nối và sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo), những nguồn dữ liệu khổng lồ (bigdata) len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế số là một tất yếu khách quan. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất nông nghiệp phát triển, việc xây dựng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, mà rất cần sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Từ đó, bằng sức mạnh của minh, thông tin báo chí sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, thói quen mua - bán sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh tế có quy mô lớn của nước ta hiện nay.
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.
Bình luận