Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay
Lịch sử phát triển của khoa học và của tiến bộ xã hội cho thấy cả về mặt lý luận và thực tiễn rằng: Có đội ngũ trí thức khoa học đông đảo, có tiềm lực trí tuệ khoa học dồi dào và những điều kiện vật chất tương đối là có thể hoạt động nghiên cứu khoa học, song hiệu quả nghiên cứu có thể không cao, thậm chí còn thấp kém nếu không đảm bảo được dân chủ tương xứng, phù hợp với yêu cầu khách quan trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, chức năng cơ bản của khoa học là nghiên cứu sáng tạo, tìm tòi chân lý và phát hiện ra những qui luật vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, dân chủ là môi trường tối cần thiết là “giá đỡ”, là nấc thang cho sự tiến bộ của khoa học. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học sẽ giúp chúng ta tìm thấy cơ sở lý luận, những định hướng cơ bản và phương châm hành động hợp lý để từ đó vận dụng vào thực tế nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học lý luận ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu, hệ thống hoá lại di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học sẽ cung cấp những cơ sở khoa học và quan điểm chỉ đạo để tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn 1600 lần đề cập đến dân chủ trong các bài nói và bài viết của mình. Một thực tế là, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có công trình chuyên bàn về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, những nội dung bàn về dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn rất cụ thể, rất sâu sắc. Những chỉ dẫn ấy vừa mang tính cụ thể đối với từng công việc cụ thể, vừa mang tính chất chung có thể vận dụng linh hoạt và hiệu quả vào những lĩnh vực khác nhau. Hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học là một trong những trường hợp như thế.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học
Một là, nâng cao dân trí là điều kiện để phát huy dân chủ nói chung và dân chủ trong hoạt động sáng tạo nói riêng.
Sau ngày độc lập, Hồ Chí Minh xác định: “Một trong những việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”(1). Người diễn đạt nội hàm dân trí một cách ngắn gọn và súc tích: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(2). Hồ Chí Minh coi “dốt nát” là một loại giặc - giặc dốt. Nó không phá phách như giặc ngoại xâm, không làm chết người ngay như giặc đói, nhưng nó làm một dân tộc chết dần, chết mòn. Người khẳng định: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. “Muốn giữ vững hoà bình phải diệt ba thứ giặc “đói, dốt, ngoại xâm”. Nâng cao dân trí là “nâng cao ý thức làm chủ và năng lực làm chủ của nhân dân”.
Trong điều kiện 95% dân mù chữ, thì “chống dốt” phải và đã được bắt đầu từ công cuộc xoá nạn mù chữ. Nhưng nội dung chống dốt không chỉ là xoá nạn mù chữ, đối tượng chống dốt không chỉ là quần chúng nhân dân. Mỗi tầng lớp xã hội, mỗi con người đều có những nội dung chống dốt cụ thể của mình, đều phải chống dốt cho chính mình. Tất cả đều là đối tượng thường xuyên của chống dốt. Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu giáo dục là nhằm nâng cao dân trí để mỗi người dân có thể làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình. Nền giáo dục dân chủ là phải phù hợp với hoàn cảnh đất nước và từng bước vươn lên theo kịp nền giáo dục của thế giới. Trong giáo dục phải chú trọng đủ các mặt: đức - tài gắn liền với lao động sản xuất… Học để vận dụng những tri thức vào thực tiễn phong phú nhưng đầy biến động của dân tộc và thời đại. Học để làm cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc và làm cho dân giàu, nước thịnh để tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ.
Chính với chủ trương nâng cao dân trí mà “dưới chế độ dân chủ, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”(3).
Hai là, dân chủ chính là điều kiện cho hoạt động sáng tạo, hơn thế nữa dân chủ là phải biết sử dụng và phát huy sáng kiến.
Quan tâm đến vấn đề dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, Người khẳng định: Có dân chủ thì mới có sáng kiến và chân lý khoa học: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”(4). Mọi người phải nâng cao và mở rộng dân chủ để từ đó khuyến khích óc sáng tạo, sự suy nghĩ độc lập, tinh thần làm việc của mọi người: “Chúng ta cần phải nâng cao và mở rộng dân chủ ra, khuyến khích cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái”(5).
Đặc biệt Hồ Chí Minh cho rằng trong một xã hội dân chủ thực sự thì phải biết sử dụng sáng kiến của quần chúng, hơn thế nữa còn phải biết phát huy những sáng kiến đó đem lại ích nước lợi nhà. Người viết: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ai có tài năng và sáng kiến… Lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”(6).
Hay “nhân dân ta phải dùng sáng kiến và nghị lực của mình để tự giải quyết khó khăn của mình, không nên hoàn toàn ỷ lại vào Chính phủ. Đồng thời ai có sáng kiến hay, có đề nghị thiết thực và hợp lý, Chính phủ rất hoan nghênh”(7).
Sở dĩ Hồ Chí Minh kêu gọi và tiến hành mở rộng dân chủ như vậy vì Người nhận thức rất rõ về mối quan hệ Dân chủ - sáng kiến - sức mạnh, đó là mối quan hệ nhân quả. Có dân chủ mới có sáng kiến, có sáng kiến thì có sức mạnh điều ấy đã được Người chỉ ra rất cụ thể: “Muốn làm tốt công việc phải thực hiện dân chủ, cán bộ phải dựa vào quần chúng để giải quyết khó khăn, 10 người không làm được thì 100 người góp ý kiến lại nhất định sẽ làm được”(8).
Ba là, dân chủ trong hoạt động sáng tạo chính là tự do tư tưởng phục tùng chân lý.
Bàn về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, có một nguyên tắc mà Hồ Chí Minh rất tôn trọng và yêu cầu Đảng và Nhà nước nghiêm túc thực hiện, đó là quyền tự do tư tưởng.
Tự do tư tưởng là quyền tự nhiên của con người. Theo Hồ Chí Minh chỉ có trong chế độ dân chủ, con người mới được tự do tư tưởng. Người nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ”(9). Điều sắc sảo hơn là Hồ Chí Minh đã nói tới một chân lý: “Quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”(10).
Với cách lý giải ngắn gọn, đơn giản, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung cơ bản của nguyên tắc tự do tư tưởng. Tính dân chủ thể hiện ở chỗ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, mọi người được trình bày ý kiến, quan điểm của mình về mọi vấn đề. Song, tự do ở đây không phải là bừa bãi, mà tự do phục tùng chân lý. Đây là cách giải thích rất mới mẻ nguyên lý mà lịch sử tư tưởng triết học thế giới đã nêu.
Nếu ở Hêghen, tự do là nhận thức và phục tùng cái tất yếu, ở Ăngghen tự do là nhận thức và phục tùng quy luật, thì ở Hồ Chí Minh tự do là nhận thức và phục tùng chân lý. Đây là cái rất mới, rất riêng, rất đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do. Bởi vậy, theo Hồ Chí Minh, con người tự do có quyền không phục tùng cái phi lý, cái ngụy lý, dù cái ngụy lý ấy được ban phát từ những quyền uy xã hội nào đó. Nêu lên cái sắc thái quyền dân chủ ấy của người hoạt động khoa học, chính là đề cao đến vô cùng bản lĩnh và nhân cách của họ, biết gắn mình với nhân dân, với sự nghiệp tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân.
Khi nguyên tắc tự do tư tưởng không được tôn trọng sẽ dẫn đến tình trạng có ý kiến không dám nói, hoặc nói sai sự thật, thấy điều sai cũng không dám phê bình. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp, dưới thì thấy vấn đề gì cũng không dám nói ra. Trên dưới không hiểu nhau, cách biệt nhau, rồi quần chúng với Đảng xa rời nhau. Để khắc phục tình trạng trên, phương pháp của Hồ Chí Minh là: “Trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái gì đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa”(11). Cứ như thế, cả lãnh đạo và bị lãnh đạo, đều được tự do tư tưởng đề ra được sáng kiến.
Bốn là, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, trong hoạt động sáng tạo phải gắn liền với tính tổ chức, tính tập trung.
Để đảm bảo dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học cần phát huy thói quen biện luận, tranh luận. Môi trường khoa học thật sự dân chủ, phải là môi trường mà ở đó biện luận và tranh luận được phát huy cao nhất. Cần phải học tập tranh luận, giáo dục thói quen tranh luận từ trong nhà trường. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hay không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh”(12).
Khi đến thăm và nói chuyện tại trường Đại học Nhân dân, Người đã dặn dò thầy và trò của trường. “Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải giúp trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”(13).
Ở đây, chúng ta thấy, Hồ Chí Minh rất coi trọng thói quen biện luận, tranh luận trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Với Hồ Chí Minh, tranh luận, biện luận không phải là nói gàn, cãi cố, mà phải trên cơ sở văn hoá tranh luận. Nghĩa là, phải tôn trọng lẫn nhau, mọi lời phát biểu tranh luận phải trên cơ sở khoa học, tránh sự giả dối, lắt léo, thói cơ hội lựa chiều, lợi dụng tranh luận vào những động cơ không lành mạnh. Để làm được điều đó, phải nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn đồng thời phải bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, tính trung thực, thật thà, trong sáng, tôn trọng chân lý khoa học.
Khuyến khích tranh luận khoa học, nhưng Người cũng nhắc nhở không nên hiểu lầm dân chủ. Ở Hồ Chí Minh, dân chủ là dân chủ tập trung, dân chủ có tổ chức: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa có quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là bàn cách để thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm những hành động tự do quá trớn ấy”(14).
Năm là, dân chủ trong hoạt động lý luận là phải gắn lý luận với thực tiễn, phải có đạo đức cách mạng.
Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo, của một trí tuệ lớn, Người thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện để tầng lớp trí thức không ngừng rèn luyện, học hỏi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, của công cuộc kiến thiết nước nhà. Trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, Người thường xuyên nhấn mạnh nghiên cứu phải đi đôi với thực hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn.
Người viết: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, làm việc dân chủ hơn nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”(15).
Việc hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học đối với mỗi trí thức phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, phải là công việc thực hiện suốt đời. Bên cạnh công việc nghiên cứu khoa học. Người trí thức phải rèn luyện, học tập cả đạo đức và phẩm chất cách mạng. Đạo đức là nền tảng cho tài năng phát huy, có tài mà không có đức thì cũng chỉ hại dân, hại nước mà thôi. Bởi vậy, để có dân chủ thật sự trong nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo, trước hết phải xây dựng cái nền tảng ấy.
2. Vận dụng của Đảng và Nhà nước ta để thực thi dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
Quán triệt và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn cho dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, tinh thần dân chủ này được nhấn mạnh, cụ thể hoá ở một loạt các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị Về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới (1991) có đưa ra biện pháp đầu tiên để phát triển khoa học và công nghệ là “Xây dựng quy chế dân chủ trong mọi sinh hoạt khoa học…” và khi nói về nội dung lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động khoa học và công nghệ ghi rõ: “Đảng lãnh đạo xây dựng các định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, phát triển đội ngũ cán bộ, các chính sách lớn đối với khoa học và kiểm tra việc thực hiện các đường lối, chủ trương, kịp thời bổ sung, tạo điều kiện cho khoa học phát triển. Đảng tôn trọng quyền dân chủ, tự do sáng tạo của các nhà khoa học, khuyến khích sự tìm tòi, tranh luận, nghiên cứu để phám phá chân lý”.
Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (1992) đã nghiêm khắc kiểm điểm rằng: “Việc chậm xây dựng quy chế đảm bảo dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động và lý luận đã hạn chế sự phát triển tiềm năng sáng tạo lý luận…”. Nghị định số 35/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng Về công tác quản lý khoa học và công nghệ (1992) nhấn mạnh rằng “Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có quyền tự do và dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo, trong việc thực hiện các vấn đề nghiên cứu…”.
Nghị quyết Trung ương bốn (khoá VII) Về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt (1993) và Nghị quyết Trung ương năm (khoá VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đều khẳng định rằng: Bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn của văn nghệ sĩ.
Tiếp đó, sau khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (1998), Nghị quyết 71 của Chính phủ “Ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan” (1998), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Quyết định số 2265/1999/QĐ-BKHCNMT Về việc ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan khoa học và công nghệ. Quy chế này gồm 38 điều cụ thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trong một Viện nghiên cứu khoa học, quy định dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức; quan hệ với cấp trên; quan hệ với đơn vị cấp dưới....
Năm 2013, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13. Luật này gồm 11 chương và 81 điều, quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Trong đó, nêu rõ nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ là phải bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước; trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, năm 2015, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quy định 285-QĐ/TW Về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước. Quy định này có 4 chương, 13 điều nói rõ vê phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nhất là xác định rõ, dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị là bảo đảm quyền của các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan đảng, nhà nước có chức năng nghiên cứu lý luận được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành.
Như vậy, nghiên cứu khoa học ở nước ta những năm vừa qua vận động theo đường hướng mang tinh thân dân chủ của tư tưởng Hồ Chí Minh và của các văn bản lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước nêu trên. Tuy vậy, đường hướng đó đến nay cho thấy còn cần được tiếp tục hoàn thiện để dân chủ và đạt được hiệu quả hơn nữa. Ở đây, có những hạn chế cần lưu ý để khắc phục:
Một là, những dự báo lớn mang tính cơ bản về nghiên cứu khoa học cần được cụ thể hoá bằng nhiều văn bản “chiến thuật” để thực hiện được thuận lợi, bởi vì chưa có được những văn bản cụ thể để hiện thực hóa;
Hai là, những văn bản, quy định để thực hiện, qua đó mở rộng dân chủ trong nghiên cứu khoa học dù mang tính khả thi, hợp lý còn bị cản trở thực hiện do chính từ phía các đối tượng điều chỉnh (tức các lực lượng phải thực thi...);
Ba là, nhiều văn bản không đi đôi với các quy định có tính chế tài để bắt buộc phải thực hiện, nên kết quả là khó thực thi, thậm chí không thực hiện được...; bốn là, đối tượng áp dụng đôi khi lại quá hạn hẹp (chỉ áp dụng trong giới hạn các tổ chức, cá nhân ở các cơ quan đảng, nhà nước có chức năng nghiên cứu lý luận chính trị).
3. Một số kiến nghị
Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng và thực thi một văn bản luật (ít nhất là quy chế) về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Đó phải là một văn bản luật mang tính pháp quy cao, vừa có tính chế tài rõ ràng, vừa đảm bảo quyền và nghĩa vụ của những tổ chức và cá nhân đang tham gia hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, vừa mang tính phổ cập cho toàn bộ hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Bởi lẽ, văn bản này sẽ thể hiện rõ và bao quát hết được tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, như chúng ta biết, trong xã hội pháp quyền, hoạt động chân chính của công dân phải gắn “dân chủ với kỷ cương, pháp luật”, nghĩa là phải có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của công dân. Phải có dân chủ cho công dân, bởi vì đó là “quyền” và cũng là điều kiện để công dân làm chủ, đồng thời nó là phương thức để huy động và phát huy mọi tiềm năng và nội lực vốn có của mỗi công dân để họ có thể phấn đấu cho xã hội. Song, nếu tuyệt đối hóa dân chủ trong xã hội, thì hệ quả sẽ dẫn đến vô trách nhiệm của công dân, làm rối loạn, thậm chí có thể dẫn đến xung đột xã hội.
Chính vì vậy, mặt đối lập biện chứng của dân chủ chính là kỷ cương, - đó chính là nghĩa vụ của công dân. Kỷ cương giúp cho hoạt động dân chủ của công dân có trách nhiệm hơn, đảm bảo cho xã hội phát triển ổn định, có trật tự, tránh dẫn đến xung đột xã hội. Tương tự như vậy, trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học chân chính, cũng phải có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của nhà khoa học, nghĩa là dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Đối với nhà khoa học, quyền được hưởng của họ đó chính là phải được đảm bảo dân chủ. Phải có dân chủ vì dân chủ là điều kiện đầu tiên và cơ bản nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học và sự phát triển khoa học; đồng thời, là phương tiện quan trọng nhất để thu hút và phát huy trí tuệ, tiềm năng của mỗi nhà khoa học. Song, động lực phát triển cho khoa học phải là hợp lực của quyền và nghĩa vụ, mà được thể hiện ra ở đây chính là phải có sự thống nhất giữa các nhân tố bên ngoài và bên trong của nhà khoa học.
Dân chủ chỉ mới thể hiện “quyền được hưởng”, mới chỉ là lực đẩy từ bên ngoài. Song, sự phát triển khoa học còn đòi hỏi cần có sự cộng hưởng về “nghĩa vụ” của nhà khoa học, tức là sự cộng hưởng của các nhân tố bên trong nhà khoa học, - đó chính là trách nhiệm và đạo đức của nhà khoa học. Trách nhiệm của nhà khoa học để đưa khoa học phát triển đúng hướng, đảm bảo cho sản phẩm khoa học thực sự phục vụ cho tiến bộ xã hội; còn đạo đức trong khoa học là điều kiện đảm bảo cho khoa học chân chính phát triển; hơn thế nữa, như lời của triết gia John Locke đã chỉ ra “khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự phá hoại tâm hồn”.
Theo chúng tôi, trong văn bản mang tính pháp quy này về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, ít nhất cần phải xem xét và xử lý hài hòa các yếu tố sau đây: xây dựng và thực thi văn hoá ứng xử dân chủ trong nghiên cứu khoa học; dân chủ trong quá trình xác định, tuyển chọn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; dân chủ trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học; dân chủ trong đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; dân chủ trong đảm bảo về lợi ích của việc nghiên cứu khoa học; phải tạo lập môi trường, cơ chế chính sách để đảm bảo dân chủ trong nghiên cứu khoa học; dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học còn phải được bảo đảm bằng xã hội hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đi liền với đó là phải xác định trách nhiệm trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, cần phải quy định về tự chịu trách nhiệm cá nhân; phải có trách nhiệm công dân của nhà khoa học; phải có quyền được phép mắc những sai lầm nhất định (sai lầm không cố ý) hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học; phải xác định trách nhiệm của đầu đàn trong trong khoa học.
Trên đây, mới chỉ là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi về văn bản pháp quy về dân chủ trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay. Vấn đề này không phải mới được nêu ra mà đã được đặt ra từ lâu trong hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học ở nước ta song, có lẽ, theo chúng tôi, cho đến bây giờ, vấn đề này vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Chúng tôi xin đề cập trở lại vấn đề này, bởi vì giải quyết tốt vấn đề này chính là góp phần tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học nước nhà phát triển; góp phần hình thành và phát triển các nhân cách hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học chân chính./.
______________________
(1), (2), (6), (8) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.4, tr.36, 36, 99, 592.
(3) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.6, tr. 592.
(4), (5), (11), (12) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.5, tr.244, 244, 244, 232.
(7), (13), (14) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.5, tr.368, 456, 32.
(9), (10), (15) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.8, tr.216, 524, 496 - 497.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 05.2021
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)” và đón nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin được gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thủ trưởng các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các đồng chí cộng tác viên và bạn đọc lời cảm ơn trân trọng. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí !
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận