“Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” - Cội nguồn sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam
"Từ nhân dân mà ra"
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là kết tinh sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam; kế thừa kinh nghiệm và phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc. Ngay từ khi Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong khi xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam: Đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, Đảng ta đã chỉ rõ con đường giải phóng duy nhất là con đường bạo lực cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra từng bước được hình thành và lớn mạnh không ngừng. Từ các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh; các tổ chức vũ trang được thành lập trong những năm 1940 - 1945, như: Đội du kích Bắc Sơn, Lạng Sơn, đội du kích Pắc Bó, Cao Bằng, đội du kích Ba Tơ, Trung kỳ, du kích Nam kỳ, Cứu Quốc quân là sự phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đòi hỏi bức thiết của lịch sử phải có đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, Xích Thắng làm chính trị viên và đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách đã ra đời.
Đội quân được sinh ra từ nhân dân “Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội”(1) luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”(2). Người còn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”(3). Chính vì vậy, trong 10 lời thề, lời thề thứ chín mà các chiến sĩ Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đọc trong buổi ra mắt là: Khi tiếp xúc với dân làm đúng ba điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân, và ba điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Những lời thề, lời răn ấy luôn được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam tuân thủ, không chỉ xem đây như kỷ luật sắt của một đội quân mà hơn thế, đó là “mệnh lệnh” từ khối óc và con tim của mỗi người. Chỉ có dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì Quân đội mới giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống tốt đẹp của mình, nâng cao được sức mạnh chiến đấu tổng hợp của Quân đội và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xa rời nhân dân, không gắn bó mật thiết với nhân dân, không liên hệ chặt chẽ với nhân dân, không dựa vào dân thì Quân đội không thể có sức mạnh chiến đấu cao, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Được sinh ra từ nhân dân, nên người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được nhân dân yêu quý, đùm bọc. Các bà mế, bà bủ vùng trung du, rừng núi phía bắc, hoặc những bà má phương Nam gọi họ là con, là “máu mủ, ruột già”, là tình thương yêu của mẹ dành cho thằng hai, thằng ba,... trên mỗi chặng đường hành quân ra trận. Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 và những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân đã tự nguyện chắt chiu, xây dựng “hũ gạo kháng chiến” để có thêm lương thực nuôi quân hoặc quyên góp quần, áo, chăn, màn trong phong trào “mùa đông binh sĩ”... Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, người hậu phương thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”,... để chi viện kịp thời cho con em mình đang ngày đêm đánh giặc ngoài tiền tuyến. Ngày ấy, những người mẹ, người vợ, người chị “cắn răng”, “nuốt lệ” chịu đựng thiếu thốn, gian lao để thẳng những đường cày “ba đảm đang”, “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” trên đồng ruộng, trong xưởng máy, để yên lòng người ra trận. Và, hình ảnh mẹ Suốt chèo đò dưới bom đạn địch đưa những đoàn quân vượt sông ra trận hay hình ảnh bà má đào hầm bí mật từ lúc tuổi còn xanh đến khi đầu bạc, thức thâu đêm canh chừng giấc ngủ cho những đứa con từ mọi miền đất nước ra chiến trường đánh giặc; những người mẹ, vợ nuốt lệ lần lượt tiễn chồng, con, cháu lên đường đánh giặc… là biểu tượng ngời sáng và bền vững của tình Mẹ, tình đất nước, tình nhân dân dành cho đứa “con đẻ” của mình - những người lính, anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
“Vì nhân dân mà chiến đấu”
Được sinh ra, nuôi dưỡng, đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân, từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chăm lo, giáo dục, rèn luyện của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã không ngừng phát triển. Đội quân từ nhân dân mà ra đã lĩnh hội sứ mệnh lịch sử dân tộc giao phó “vì nhân dân mà chiến đấu”. Thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả: Độc lập dân tộc và CNXH, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ta hăng hái tham gia lao động sản xuất để vừa tự túc một phần vật chất, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân, vừa tham gia xây dựng đất nước, phục vụ “quốc kế dân sinh”. “Vì nhân dân mà chiến đấu” được thể hiện sâu sắc trong những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(4). Quân đội ta chiến đấu, hy sinh vì nhân dân được thể hiện ngay sau 3 ngày thành lập.
Từ những chiến công đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, từ khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Hà Nội mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 12.1946, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một quân đội cách mạng chính quy, lập nên kỳ tích Điện Biên Phủ, huyền thoại có thật ở thế kỷ XX “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi này không chỉ làm phá sản mưu đồ quay trở lại thống trị Việt Nam của chủ nghĩa thực dân mà còn cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên, mở đầu cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Từ những chiến công mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần hai đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một lần nữa Quân đội nhân dân Việt Nam lại lập nên những chiến công vang dội thế giới, giành độc lập tự do toàn vẹn, thu non sông liền một dải, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ cả nước ta ra sức xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là những mốc son chói lọi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, nó không chỉ thể hiện mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ “vì nhân dân mà chiến đấu” mà còn đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng và phát triển vượt bậc của Quân đội ta.
Đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào xây dựng CNXH, Quân đội ta vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm tháng hào hùng ấy, Quân đội ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, chịu nhiều hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng… Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Quân đội ta tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Toàn quân luôn gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Công tác hậu phương quân đội được chú trọng thực hiện, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và củng cố thế trận lòng dân, tạo cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” giúp dân trong thiên tai, khó khăn, vừa làm bác sĩ, vừa làm thầy giáo nơi biên giới, vùng cao, hải đảo xa xôi… góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Nhiệm vụ trong tình hình mới
Kế thừa và phát huy truyền thống, giữ vững bản chất “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, để tiếp tục xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu”, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Nhà nước và nhân dân, các cấp ủy trong Quân đội cần chú trọng làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục bản chất, truyền thống, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho bộ đội.
Để làm được điều đó, công tác giáo dục chính trị phải luôn đổi mới, bám sát nội dung, chương trình, đối tượng và thực tiễn xây dựng Quân đội; gắn giáo dục những vấn đề cơ bản với giáo dục bản chất cách mạng, truyền thống của Đảng, dân tộc, Quân đội và đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Trên cơ sở nhận thức đúng, cán bộ, chiến sĩ xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình, không ngừng trau dồi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực rèn luyện, phấn đấu, học tập, công tác, lao động, sản xuất, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hai là, nêu cao tinh thần, ý chí, truyền thống quyết chiến quyết thắng
Quân đội ta cần không ngừng được rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, mưu trí và sáng tạo trong chiến đấu, tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện vũ khí trang bị hiện đại, tổ chức chiến trường và truyền thống đánh giặc của tổ tiên lên tầm cao mới; phải biết đánh giá đúng kẻ địch, tìm cách hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch để đánh địch, luôn nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm và táo bạo, khiến địch bất ngờ, giành thế chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng, dẫn đến thất bại. Ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta còn thể hiện rõ trong lao động sản xuất và công tác. Thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ cũng luôn dũng cảm, cần cù, tận tụy, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” đem hết tinh thần, sức lực, trí tuệ, tài năng, kiên quyết hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường mối đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”
Nhận thức sâu sắc về sức mạnh đoàn kết quân - dân chính là cội nguồn sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong điều kiện thời bình, cán bộ, chiến sĩ quân đội càng phải thật sự đi sâu, đi sát, gần gũi nhân dân. “Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”(5). Đi đôi với bồi dưỡng sức dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam còn phải biết tôn trọng sức dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải nhớ rằng, tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của bộ đội đều do dân làm ra, do nhân dân dành dụm, tiết kiệm mà có và đều là mồ hôi, công sức của dân”. Đồng thời, chủ động phát hiện và kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thêm ngời sáng trong lòng nhân dân. Tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “Nâng bước em tới trường”, “Bò giống cho đồng bào biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”, “Mái ấm cho đồng bào nơi biên giới”, “Tết quân dân”, “Kết hợp quân dân y”, “Thầy giáo quân hàm xanh”... góp phần quan trọng xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Quân đội.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc bản chất, truyền thống, “phi chính trị hóa” Quân đội và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là xuyên tạc bản chất cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mối quan hệ đoàn kết quân dân; từ đó, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, cho rằng Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc chứ không có chức năng bảo vệ, trung thành với Đảng, Nhà nước và chế độ. Trước tình hình đó, cần tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh, có quan điểm, lập trường vững vàng, không bị tác động bởi những thủ đoạn chống phá, kích động. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, duy trì các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, cần xây dựng nội bộ các cơ quan, đơn vị vững mạnh, nhất là về chính trị, tư tưởng, khắc phục biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không để các thế lực thù địch tạo cớ, lợi dụng chống phá. Chỉ khi xây dựng được một quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nguồn gốc vững chắc “từ nhân dân mà ra”, có lý tưởng cao đẹp “vì nhân dân mà chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ của quân đội mới giành chiến thắng trong cuộc chiến tâm lý về “vũ khí luận” của đối phương./.
__________________
(1) Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh (2002), Nxb. QĐND, Hà Nội, tr.570.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, T.5, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.485.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.4, tr.116.
(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.7, tr.76.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử ngày 22.12.2019
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận