(LLCT&TT) Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cũng là một bộ phận cấu thành của lĩnh vực truyền thông. Xuất bản sách dịch có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá tri thức nhân loại, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, mà một kênh thông tin hiệu quả giữa các quốc gia. Sách dịch là mảng sách đang phát triển mạnh mẽ trong cơ cấu xuất bản sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc thực hiện mảng sách này. Một trong những vấn đề đó là sự mất cân đối giữa cơ cấu xuất bản sách dịch xuôi và sách dịch ngược. Cần chú trọng đưa tinh hoa nhân loại về với bạn đọc trong nước cũng như đầu tư vào việc giới thiệu với thế giới những tác phẩm của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước, con người trong suốt chiều dài lịch sử.
1. Thực trạng xuất bản sách dịch ngược
Xuất bản là một ngành văn hóa mang tính đặc thù cao, có liên quan mật thiết tới vấn đề nhận thức về quốc gia, văn hóa dân tộc, do đó, chính phủ các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và giao thoa văn hóa, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tăng cường hội nhập và giao lưu văn hóa để nền văn hóa dân tộc nói chung và bản sắc dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay có vấn đề mất cân đối giữa sách dịch xuôi với sách dịch ngược.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 415.000 bản sách, nhập khẩu 35,3 triệu bản sách. Năm 2020 xuất khẩu 300.000 bản sách, nhập khẩu 21,1 triệu bản sách. Như vậy, ngành xuất bản Việt Nam đang hoàn toàn nhập siêu. Khảo sát từ Thư mục quốc gia trong ba năm 2017, 2018, 2019 cũng nhận thấy rất rõ số lượng sách dịch ngược là quá ít ỏi so với số lượng sách dịch xuôi. Nhà xuất bản (NXB) Thế giới là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ xuất bản sách ngoại văn, với bề dày kinh nghiệm và đội ngũ dịch giả, biên tập viên sách dịch ngược nhiều kinh nghiệm cũng chỉ xuất bản được trên dưới 10 đầu sách dịch ngược mỗi năm.
Hội nhập quốc tế là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả lĩnh vực, kể cả đối với lĩnh vực văn hóa, nhất là khi chúng ta đang thực hiện chính sách hợp tác sâu rộng đối với tất cả các nước trên thế giới. Lĩnh vực xuất bản không phải là một ngoại lệ khi ngoài vai trò văn hóa, tư tưởng, nhà nước ta còn coi đây là một ngành “kinh tế - kỹ thuật”. Báo cáo kết quả giám sát tình hình thi hành Luật xuất bản của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa XIII nêu rõ: “Theo quy định của Luật xuất bản hiện hành, đối tác nước ngoài đang được tham gia vào việc phát hành xuất bản phẩm (trừ sách), được nhập khẩu xuất bản phẩm thông qua các đầu mối nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, theo quy định, được thực hiện việc xuất khẩu xuất bản phẩm, nhập khẩu xuất bản phẩm và in gia công cho nước ngoài. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn, hợp tác quốc tế về xuất bản còn khiêm tốn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hoạt động xuất nhập khẩu xuất bản phẩm còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ yếu là nhập khẩu. Xuất bản phẩm Việt Nam xuất khẩu đi các nước còn thiếu các tác phẩm có giá trị cả về nội dung và hình thức. Việc quảng bá, giới thiệu sách Việt Nam ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do nguồn lực của các cơ sở phát hành sách còn hạn hẹp trong khi chính sách trợ cước của Nhà nước đối với việc đưa xuất bản phẩm ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Việc giao dịch, mua bán bản quyền các tác phẩm có giá trị với các đối tác nước ngoài, sách của Việt Nam được dịch và giới thiệu ra nước ngoài còn rất ít. Việc trao đổi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành xuất bản của Việt Nam ở nước ngoài còn rất hạn chế.
Một số văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng xúc tiến chưa hiệu quả. Việc quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản ở Luật hiện hành còn thiếu căn cứ pháp lý để xử lý các tình huống thực tiễn, cụ thể: về việc hạn chế hay giới hạn số lượng cổ phiếu nắm giữ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi gián tiếp đầu tư mua cổ phiếu của các doanh nghiệp in, phát hành xuất bản phẩm Việt Nam. Mặt khác, trong tiến trình đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại song phương và đa phương gần đây, các đối tác đều yêu cầu chúng ta phải có sự hội nhập sâu hơn về hoạt động xuất bản khi những quốc gia này thường xếp hoạt động xuất bản vào phân ngành dịch vụ, phân phối thương mại”.
Việt Nam cũng đã tổ chức được 4 hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới nhưng cũng chỉ quảng bá, gặp gỡ, giới thiệu sơ lược tác giả, tác phẩm mà chúng ta chưa cụ thể hoá bằng cách chuyển dịch, do vậy hiệu quả để hợp tác xuất bản sách Việt Nam ra thế giới cũng chưa cao. Vốn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản sách dịch ngược, NXB Thế giới khá chuyên nghiệp trong việc xây dựng những đầu sách tiêu biểu.
NXB Thế giới từng xuất bản sách của 11 ngôn ngữ bao gồm cả những cuốn có đối tượng rất hẹp như tiếng Ba Lan, tiếng Tây Ban Nha. NXB Thế giới được giao nhiệm vụ làm sách ngoại văn nhưng mỗi năm cũng chỉ thực hiện được khoảng trên dưới 10 đầu sách dịch ngược, thời gian thực hiện mỗi cuốn kéo dài trong khoảng 3-5 năm rất công phu. Bên cạnh trông chờ vào ngân sách thì Nhà xuất bản cũng phải có dự án, ví dụ bộ sách về quan hệ quốc tế cho Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội do Đại sứ quán Ai len đầu tư.
Với sách văn học dịch, những tác phẩm lớn của dân tộc như: Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Dế mèn phiêu lưu ký… được xuất bản nhiều nhưng đó là những hào quang của quá khứ. Hiện tại, văn học đương đại của Việt Nam như thế nào, chúng ta có những tác phẩm giá trị gì khác ngoài những tác phẩm thế giới đã biết, kể cả sách được các giải thưởng uy tín trong nước nhưng cũng chỉ có số lượng rất ít sách có thể ra được nước ngoài. Hiện nay xuất khẩu sang nước ngoài từ hoạt động nhỏ lẻ của các nhà xuất bản xuất phát từ chức năng nhiệm vụ được giao. NXB Phụ nữ có 3-5 cuốn sách dịch ngược 1 năm, trong những năm có tham gia hội chợ sách quốc tế cố gắng lên đến 10 đầu sách thì cũng chỉ là một số lượng sách rất nhỏ giới thiệu và trưng bày ở một hội chợ sách quốc tế. Các đơn vị xuất bản có giới thiệu sách nhưng để thuyết phục đối tác nước ngoài mua sách là một điều rất khó khăn.
Tuy không có thế mạnh về dịch thuật như NXB Thế giới, nhưng các NXB hiện cũng đang thăm dò và nỗ lực tìm kiếm đối tác nước ngoài. Năm 2011, NXB Trẻ mạnh dạn thử nghiệm dịch sang tiếng Anh và xuất bản tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Open the window, eyes closed) của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần và giới thiệu ra thị trường quốc tế qua các trang mạng chuyên về bán sách, tại hội chợ sách hoặc quảng bá theo hình thức “chuyền tay” giới thiệu cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhờ đó, năm 2007, tác phẩm này đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển. NXB Trẻ tiếp tục dịch sách của một số tác giả trong nước được độc giả yêu chuộng, đồng thời tổ chức xuất bản song ngữ một số sách về lịch sử Việt Nam, truyện cổ tích Việt Nam, như: Cây tre trăm đốt, Dế mèn phiêu lưu ký, Tấm Cám, Trầu cau, Sự tích hồ Gươm... để giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, với hy vọng vừa phục vụ độc giả là người Việt Nam sống ở nước ngoài và độc giả nước ngoài, vừa tác động để họ quan tâm đến Việt Nam.
Các đơn vị xuất bản tư nhân cũng tham gia vào hoạt động này. Vào tháng 10.2021, Alpha Books đã xuất khẩu container sách với 500 đầu sách và số lượng 20.000 cuốn sang Mỹ và thành lập Công ty Alpha America tại đây để xuất khẩu sách Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu bước đi đầu tiên của Alpha Books thay vì những hoạt động xuất khẩu sách manh mún trước đây, là đơn vị đầu tiên trong ngành xuất bản Việt Nam xuất bản số lượng lớn sách dịch ngược sang nước ngoài. Chủ đề sách ban đầu nhắm đến đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, sau đó sẽ là những chủ đề mà người nước ngoài quan tâm, cùng với vị thế của đất nước ngày càng nâng cao hơn so với trước thì nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Trước đó, năm 2012 Chibooks, một đơn vị xuất bản tư nhân còn khá mới mẻ trên thị trường sách Việt Nam đã mạnh dạn ký hợp đồng với gần 20 nhà văn Việt Nam đương đại, với gần 100 tác phẩm văn học, theo đó Chibooks trở thành đại diện chính thức của các tác giả trong thời hạn từ 8-10 năm để thực hiện hoạt động chào bán bản quyền sách văn học Việt Nam ra quốc tế. Để thuận tiện cho việc quảng bá, đơn vị này đã tổ chức in các bản giới thiệu sách, tiểu sử các nhà văn, đồng thời dịch ra nhiều thứ tiếng cùng hình ảnh và các bài báo minh họa, kết hợp với việc phối hợp đơn vị xuất bản sách ở các nước để có thể đưa nhà văn Việt Nam đến tham gia giao lưu với độc giả và ký tặng sách... Cách làm chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa này là điều hết sức cần thiết trong việc giao dịch bản quyền với các đối tác nước ngoài trong xu thế mở cửa và hội nhập hiện nay.
Nguyên nhân của việc mất cân đối nặng nề về cơ cấu sách dịch xuôi và dịch ngược như trên là do việc tiến hành xuất bản sách dịch ngược quá khó khăn. Bên cạnh khó khăn về kinh tế còn có nhiều tồn tại khác khiến cho sách dịch ngược Việt Nam ít được biết đến trên thế giới.
Thứ nhất, yêu cầu của nhiều đối tác nước ngoài đòi hỏi tác phẩm mua bản quyền phải đạt mức xuất bản từ hàng chục nghìn bản trở lên, trong khi sách trong nước thường chỉ ở con số từ 1.500 đến 2.000 bản/cuốn. Chính vì không đáp ứng được yêu cầu này cho nên nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ. Mặt khác, công tác quảng bá còn thiếu sức hấp dẫn, chưa thuyết phục các nhà xuất bản nước ngoài… Như NXB Thế giới một cuốn dịch ngược cũng chỉ in 1000 bản lần đầu để thăm dò.
Thứ hai, dịch ngược vô cùng phức tạp do trở ngại tự thân của công việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Các dịch giả trên thế giới cho rằng thơ, văn cổ điển của Việt Nam rất khó dịch, như là thơ Hồ Xuân Hương. Người ta có thể dịch được những từ đồng âm khác nghĩa, dịch được những ẩn ý trong từng câu chữ nhưng không thể dịch được những từ “nói lái” được bà sử dụng rất nhiều trong các bài thơ của mình. Các tác phẩm cổ điển vẫn còn ở dạng chữ Hán và chữ Nôm, mà ngày nay thì số người hiểu về chữ Nôm và chữ Hán rất ít. Với văn học Việt Nam hiện đại thì thiếu chất riêng có của Việt Nam.
Các NXB nước ngoài thường in những sách về đề tài chiến tranh, tức là in những sách mà độc giả họ muốn đọc. Còn các nhà phê bình, các nhà văn Việt Nam hiện đại lại muốn chạy theo sự cách tân, như những điều nữ nhà văn Thuận làm thì Michel Butor đã làm cách đây cả thế kỷ nên khó thu hút. Các tác phẩm hay, đặc sắc của Việt Nam khó để dịch, như bộ sách tiểu thuyết văn học lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đạt rất nhiều giải thưởng nhưng bộ sách như thế viết rất sâu về văn hóa thuần Việt như đạo mẫu, sự giao thoa của các tôn giáo như Nho giáo, Phật giáo thì việc dịch ra tiếng nước ngoài là một thách thức, cần đầu tư nguồn lực lớn về dịch giả.
Biên tập sách dịch ngược cũng rất khó. Khâu cuối là cần phải có người bản ngữ đọc và kiểm tra lại. Cộng tác viên là người bản ngữ phải yêu thích văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ làm việc hiệu đính, hoàn thiện lại cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận ở quốc gia đó.
Thứ ba, việc kết nối giữa các đơn vị xuất bản các nước chưa thật sự hiệu quả. Các đơn vị xuất bản nước ngoài chưa được hỗ trợ để có thể liên hệ dễ dàng hơn với các tác giả do chưa có hệ thống thông tin các tác giả, tác phẩm, các đối tác phía Việt Nam đầy đủ. Những năm gần đây, rất nhiều đại sứ quán nước ngoài kết hợp với các tổ chức Việt Nam đưa tác giả, tác phẩm của họ sang giao lưu ở Việt Nam, nhưng rất hiếm khi một sứ quán Việt Nam ở nước ngoài làm được điều tương tự cho các tác giả trong nước. Các NXB trong nước cũng đã làm rất tốt việc đưa tri thức thế giới vào Việt Nam, nhưng dường như lại chưa thật ý thức trong việc đưa sách Việt Nam ra thế giới.
Có thể nói hoạt động xuất khẩu sách dịch ngược của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ nhiều phía. Để tránh làm lệch cán cân xuất nhập khẩu sách dịch thì có rất nhiều việc phải làm. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng để thế giới biết đến tri thức Việt và văn hóa Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản là một động lực thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển để hội nhập với quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền an ninh quốc gia. Song, đây cũng là thách thức lớn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động xuất bản.
2. Tích cực đưa sách Việt Nam ra thế giới
Việc xuất bản sách ra nước ngoài cần được quan tâm và thực hiện bài bản. Ví dụ, trong mảng sách văn học, những tác phẩm đã được giải thưởng Nhà nước, những tác phẩm được định danh trong lòng công chúng được hỗ trợ xuất bản là cần thiết. Song cũng cần khuyến khích đưa các tác phẩm đương đại, các tác giả trẻ, các xu hướng cách tân của văn học Việt ra nước ngoài để bạn bè hiểu sâu sắc thêm về đời sống tinh thần người Việt hôm nay, xóa bỏ ấn tượng với các cuộc chiến tranh trong quá khứ.
Để làm được điều này, Việt Nam cần xác định rõ đối tượng sẽ làm cho hoạt động xuất bản sách dịch ngược phát triển hơn. Bên cạnh việc dành ngân sách cho các NXB, các dịch giả thực hiện tổ chức dịch, xuất bản các cuốn sách Việt ra tiếng nước ngoài cần tận dụng các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài giúp cho việc phát hành sách ở hải ngoại được thuận lợi hơn. Đó là các tuỳ viên văn hoá, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Họ chính là cầu nối đưa các ấn phẩm Việt tới tay bạn đọc nước ngoài nhanh nhất, mang lại hiệu quả tích cực nhất qua các buổi giao lưu văn hoá, các hoạt động của đại sứ quán. Ngoài ra phải kể đến đội ngũ trí thức Việt, các nhà văn, dịch giả hiện sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Họ có những mối quan hệ sẽ giúp sách Việt được biết đến nhiều hơn. Song song với họ còn có đông đảo kiều bào, lực lượng sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài sẽ là những “đại sứ văn hoá” đưa các xuất bản phẩm chứa đựng tinh hoa tri thức nước nhà đến với bạn bè quốc tế.
Chúng ta cũng cần chú trọng đặc biệt tới công tác xuất khẩu sách dịch. Sách Việt đang ngày càng in ấn bắt mắt mà giá cả lại rẻ hơn so với sách nước ngoài. Các đề tài văn hóa, lịch sử, phong cảnh, con người, chiến tranh Việt Nam... được người đọc nước ngoài chú ý. Thị trường có cầu, nhưng tại sao chúng ta lại không xuất khẩu được sách? Ngành sách của chúng ta thiếu hàng hóa để xuất khẩu bởi thiếu một chính sách đối ngoại mang tầm cỡ quốc gia, thiếu chủ động đầu tư, chọn lọc, dịch sách để xuất khẩu. Dự thảo Luật xuất bản quy định chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được xuất nhập khẩu sách báo, các doanh nghiệp muốn xuất nhập sách đều phải ủy thác, như vậy là không bình đẳng. Bởi vậy mới có trường hợp cuốn “Ẩm thực Việt Nam” của Triệu Thị Chơi do một NXB Singapore xuất bản bằng tiếng Anh lại được nhập khẩu ngược lại Việt Nam.
Để xuất khẩu sách đi vào chuyên nghiệp, chúng ta nên có cơ chế giá cho sách xuất khẩu. Chi phí dịch thuật rất cao, đặc biệt là dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài, còn chi phí cho hiệu đính, in ấn… Nếu như không có chính sách đãi ngộ của Nhà nước thì rất khó khăn cho các đơn vị làm xuất bản sách dịch ngược và xuất khẩu ra nước ngoài. Là một cơ quan trực tiếp xuất nhập khẩu sách báo, Xunhasaba cũng gặp nhiều khó khăn. Bạn đọc của sách Việt Nam ở nước ngoài phần lớn là các đơn hàng nhỏ lẻ. Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích giới thiệu sách Việt Nam ở nước ngoài. Các đơn vị xuất bản khẳng định muốn vươn tới thị trường nước ngoài thì phải tham gia các hội chợ sách quốc tế, nơi diễn ra những “phiên” trao đổi bản quyền lớn cùng cơ hội gặt hái những hợp đồng mà nếu so sánh, thì mua, bán trực tuyến không thể đạt được.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã có đại diện đầu tiên tại một hội chợ sách quốc tế, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (Xunhasaba) đã thu về không ít hợp đồng giá trị. Nhờ đó, một lượng sách đáng kể của ta, sau khi được chính các NXB nước ngoài chuyển ngữ, đã có dịp chu du tới nhiều nơi trên thế giới và kể với bạn đọc quốc tế những câu chuyện về đất nước hình chữ S. Điều đáng tiếc, nỗ lực tham dự các hội chợ sách quốc tế trong nguồn kinh phí hạn hẹp vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài hoặc một số trường đại học có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nhưng lại để vuột mất một đối tượng vô cùng quan trọng khác là các bạn hàng nước ngoài, đương nhiên, sẽ không ghé thăm những gian hàng chỉ toàn sách tiếng Việt.
Cho đến nay, chúng ta chưa hề có một chiến lược, một định hướng nào về xuất bản sách dịch ngược, sách song ngữ. Vậy đến bao giờ, thông qua hội chợ sách quốc tế, sách Việt Nam mới có cơ hội tiếp tục cuộc chu du năm châu bốn bể, để kể tiếp những câu chuyện về một đất nước hình chữ S thời hiện đại? Bởi vậy cần tích cực đầu tư để các đơn vị xuất bản và phát hành trong nước có cơ hội tiếp cận với các đối tác, bạn đọc nước ngoài thông qua các hội chợ sách nhiều hơn cả về chất và lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thêm nhiều đại diện ở các nước để tiếp thị, giao dịch xuất khẩu sách thì công tác xuất khẩu sách dịch ngược sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Cần xây dựng trung tâm thông tin về xuất bản. Các nước thành viên Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) trong các phiên họp thường niên đều mong muốn xây dựng nên một mạng thông tin số cho toàn khu vực. Hiện tại, các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã thành lập nên một thiết chế là East Asia Library (Thư viện Đông Á) - thực chất là lưu giữ thông tin về các đầu sách hay, có thể trao đổi giữa các nước với nhau để dịch và xuất bản ra các thứ tiếng bản ngữ.
Để hội nhập quốc tế cần xây dựng trung tâm thông tin về xuất bản toàn diện, hiện đại. Trung tâm này cần có đầy đủ thông tin về các sách, các tác giả, các đơn vị xuất bản tại Việt Nam nhằm cung cấp dữ liệu cho những đối tác xuất bản ở nước ngoài để nâng cao hợp tác quốc tế. Trung tâm dữ liệu này cũng cần đảm bảo đủ năng lực về mặt công nghệ để phục vụ việc tra cứu được dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu để các NXB nước ngoài nắm bắt được thông tin để xây dựng kế hoạch đề tài và liên hệ với tác giả, đơn vị xuất bản trong nước, từ đó đẩy mạnh xuất bản sách dịch ngược. Điều này thể hiện sự chủ động hội nhập với các nước, thúc đẩy đưa văn hóa Việt ra với thế giới.
Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cần tìm kiếm và khai thác những mảng sách mới để xuất bản và chủ động hội nhập. Việc này đòi hỏi phải có kinh phí, đội ngũ nhân sự với trình độ ngoại ngữ giỏi và cả sự nhạy cảm của người làm sách. Bởi thực tế, các tác phẩm sách giới thiệu đến đối tác quốc tế hầu hết đều bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là hạn chế rất lớn, vì khi chưa được chuyển ngữ, những tác phẩm gây tiếng vang tại Việt Nam ít có cơ hội giới thiệu rộng rãi ra thế giới và rất khó bán bản quyền sách. Với các tác giả, yêu cầu đặt ra là phải hình thành tư duy viết sách trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đó là phải chú trọng nghiên cứu đề tài, cách thể hiện ấn bản phẩm nhằm đáp ứng được xu thế thưởng thức sách của độc giả nước ngoài. Trong đó, bên cạnh lựa chọn các đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc, cần phản ánh cuộc sống xã hội, con người Việt Nam đương thời. Người viết phải ở tâm thế, ngoài “xuất ngoại” được sách, cần thông qua sách để mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới./.
Bình luận