(LLCT&TT) Trên cơ sở hiểu biết về đặc trưng thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hiểu biết về vai trò, nhiệm vụ, đặc điểm của báo chí cách mạng Việt Nam, bài viết đưa ra những giải pháp cơ bản để xây dựng giá trị chân - thiện - mỹ trong xã hội hiện nay.
1. Báo chí - diễn đàn đối thoại văn hóa trong xã hội hiện đại
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra thời đại của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy. Con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những thành quả văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối diện với những thử thách ghê gớm: nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh... Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn thì con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ. Thêm vào đó, do sự can thiệp lạnh lùng của máy móc, công nghệ, của văn minh phi truyền thống, con người buộc phải đối mặt với trạng thái stress, sự vô cảm, chai lỳ cảm xúc..., dễ phát sinh những hành động khó kiểm soát. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đạo đức suy thoái nghiêm trọng, và sẽ ngày thêm nghiêm trọng hơn nếu không có sự chung tay ngăn chặn của toàn xã hội.
Dù cho nền tảng kỹ thuật, công nghệ nào thì nền móng tinh thần xã hội vẫn là đạo đức! Câu nói bất hủ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác Hồ mang tính phổ quát cho muôn đời. Ở thời nay càng rõ, cái “bất biến” là “đạo đức cách mạng” để ứng với cái “vạn biến” là sự thay đổi rất khó lường!
Triết học văn hóa hiện đại đang được đánh giá cao trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thế giới bởi nó đẩy vấn đề nghiên cứu đi về phía bản chất, tìm hiểu, cắt nghĩa vấn đề từ cội nguồn, phân tích giá trị sinh thái nhân văn, vùng ảnh hưởng, tiếp biến giao thoa… Người ta càng thấy rõ hơn trong thời đại toàn cầu hóa thì đối thoại văn hóa là đặc điểm cơ bản cũng là nhu cầu thiết yếu, cấp bách, thường trực của các cá nhân, các cộng đồng. Thực ra quan niệm đối thoại là bản chất cuộc sống đã có tiền đề từ triết học Mác với chân lý: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Để xây dựng “những mối quan hệ xã hội” lại chính là đối thoại. Cho nên có thể suy ra đối thoại góp phần làm nên bản chất người. Không ngẫu nhiên nhân loại coi thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa bởi cả thế giới đang cần đến đối thoại, và chỉ có đối thoại mới làm con người xích lại gần nhau, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị… Khái niệm “đối thoại văn hóa” trở thành khái niệm trung tâm của văn hóa học đương đại là như vậy.
Trong bối cảnh ấy báo chí được đánh giá rất cao, được coi là một “quyền lực” bởi đây là phương tiện đối thoại, là diễn đàn đối thoại, tổ chức đối thoại, là cầu nối… Tức không có báo chí thì không có xã hội hiện đại, không thể hình thành một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Có thể ví xã hội hiện đại như một cơ thể sống thì báo chí là những mạch máu thông tin nuôi dưỡng cơ thể ấy.
2. Những phẩm chất cần thiết của nhà báo nhằm đáp ứng tinh thần đối thoại văn hóa
Một xã hội tốt đẹp, nhân văn là xã hội hướng con người đến với giá trị vĩnh cửu chân - thiện - mỹ. Ngôi nhà xã hội ở bất kỳ thời đại nào có vững vàng, chắc chắn cũng đều nhờ ba cái cột chính cường tráng là chân, thiện, mỹ. Và xét đến cùng bất kỳ một cây nhân cách người nào có xanh tốt tươi mới được cũng là nhờ có ba cái rễ khỏe khoắn chân, thiện, mỹ. Với thế mạnh của mình thì báo chí hôm nay là một trong những lực lượng nòng cốt làm tốt nhiệm vụ định hướng, điều chỉnh xã hội đi về phía ánh sáng của cái thật, cái tốt, cái đẹp.
Nhưng để có đối thoại cần phải đáp ứng được các điều kiện (nguyên tắc): hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Trong đó “hiểu biết” luôn được nhấn mạnh, đề cao. Nhà báo là người hạnh phúc vì có cơ hội được đối thoại nhiều nhất, với xã hội, với những vấn đề quan tâm, với độc giả… Để tạo ra cuộc đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Vì thế mà nhà báo phải miệt mài học hỏi, phải cắm rễ rất sâu vào hai mạch nguồn văn hóa của dân tộc và nhân loại để hút lấy dưỡng chất văn hóa, để hiểu, để vận dụng, để cắt nghĩa.
Độc giả hôm nay rất thông minh, đọc rộng, hiểu sâu nên dị ứng với những bài báo có kiến thức văn hóa mỏng hẹp, có khi biểu hiện ngay từ cái tít bài. Ví dụ tên một bài báo “khập khiễng”: Bảo vệ khóa luận - Kiếm củi ba năm thiêu một giờ; hay dùng từ sai, lẽ ra phải viết “bàng quan” lại viết “bàng quang”; đúng ra là “đơn thương độc mã” lại viết “đơn phương độc mã”… Nhà báo hôm nay phải giỏi ngoại ngữ, giỏi một tiếng Anh chưa đủ mà còn phải giỏi cả thứ tiếng gần với môi trường, với lĩnh vực, đề tài mình quan tâm theo đuổi. Khó hình dung một phóng viên quốc tế, ngoài tiếng Anh lại không thể đối thoại bằng thứ ngôn ngữ bản địa nơi mình tác nghiệp. Phải sống trong nhiều môi trường văn hóa, để so sánh, để học hỏi thì bài viết mới sâu, vì ngoài lượng thông tin bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau.
Phải suốt đời rèn luyện vốn sống, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”(1). Đây là chân lý sáng tạo cũng là bài học tu dưỡng về lẽ sống của nhà báo.
Là những người đi tìm sự thật, nói lên sự thật nên nhà báo phải có phẩm chất dũng cảm. Khi tự mình “bẻ cong” ngòi bút cũng tức là đã tự “bẻ cong” lương tâm mình. Hết lòng yêu cuộc đời mà phanh phui mặt trái, vạch ra cái xấu, cái thấp hèn để mọi người nhìn thấy cùng lên án mà xa lánh, rời bỏ. Đấy cũng là cách xây dựng cho cuộc đời thêm tốt đẹp hơn. Như thế mới có thể có những bài viết để đời như trường hợp Cái đêm hôm ấy… đêm gì của Phùng Gia Lộc…
Phải có tư tưởng vững, tâm hồn trong sáng, yêu đến tận cùng sự thật và cái đẹp kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới viết được bài báo tác động trực tiếp đến dư luận xã hội. Về vấn đề này, nhà báo thiên tài Hồ Chí Minh có một diễn tả tuyệt vời: “Tri thức như con dao mổ, trong tay thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, trong tay kẻ cướp thì hại người. Nên trí thức phải có chính trị”(2). Mà nhà báo là lớp người trí thức rất tiêu biểu, do vậy phải luôn ý thức là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng cầm bút vì mục tiêu chân thiện mỹ, vì sứ mệnh phục vụ nhân dân.
Vấn đề chống xâm lăng văn hóa, chống “diễn biến hòa bình” là mặt trận rất quan trọng, nóng bỏng của báo chí hôm nay. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc đương đại, cá biệt có tình trạng mượn nhạc đệm (beat) nước ngoài làm khuôn nền để tạo ra bài hát mới. Đây là sự vay mượn sống sượng, coi rẻ sự sáng tạo chân chính, đích thực. Tuy rằng, các nhà chuyên môn sẽ có ý kiến nhưng báo chí phải lên tiếng trước, để tập hợp các ý kiến tranh luận làm rõ đúng sai, phê phán, phủ định… Phải cổ vũ khuynh hướng sáng tạo đúng đắn trên tinh thần kế thừa, tiếp thu truyền thống, kết hợp làm mới những giá trị cổ điển nhưng phù hợp với thị hiếu con người thời hiện đại. Muốn vậy nhà báo cần mài sắc hơn nữa tính chính luận, để phản biện, để khẳng định… Cho nên phải hiểu sâu vấn đề, hiểu rộng các lĩnh vực liên quan rồi lập luận bằng phân tích, giải thích, tranh biện có lý có tình mới có thể chinh phục được người đọc. Một bài báo hay là một bài chính luận thuyết phục. Một nhà báo giỏi là một nhà chính luận sắc sảo!
Vấn đề “lợi ích nhóm” trong xã hội hôm nay cũng là vấn đề mà báo chí không thể làm ngơ. Hơn ai hết, nhà báo cần phải tỉnh táo phân biệt rõ ràng giữa lợi ích nhóm chân chính và lợi ích nhóm bất chính, để có thái độ ứng xử phù hợp. Đồng tình, ủng hộ hay đấu tranh, phê phán là tùy thuộc vào bản chất của từng nhóm lợi ích. Thực ra lợi ích nhóm thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Bởi, quan tâm đến lợi ích là thuộc tính của con người, là bản năng sinh tồn. Loài vật cô kết thành bầy để săn mồi tốt hơn. Con người cô kết thành nhóm cộng đồng để sống văn minh hơn. Rồi “buôn có bạn bán có phường”... Lợi ích nhóm mà làm tốt cho sự nghiệp chung, cho nhân dân, cho đất nước thì đáng hoan nghênh. Báo chí cần bảo vệ, nêu gương, nhân rộng tạo cơ hội cho nó phát triển.
Ngược lại, những nhóm lợi ích bất chính, không từ một mánh khóe, thủ đoạn nào để làm lợi cho một số ít người mà làm hại cho tập thể, báo chí cần phanh phui, mổ xẻ, lôi ra ánh sáng, loại trừ nó ra khỏi cộng đồng và xã hội. Nhà báo rất cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo trước sự mua chuộc tinh vi của những nhóm lợi ích bất chính này, đừng để tiền tài, lợi ích xô lệch lương tâm, tha hóa nhân cách.
Báo chí phải hướng dư luận hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện đại của thế giới, nhất là ở các nước có nền giáo dục tiên tiến với khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người có ích trong xã hội. Phải góp phần tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì mỗi cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ gia đình. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn ngừa những hành vi phi đạo đức, vi phạm pháp luật của các thành viên.
Sống và làm việc trong kỷ nguyên của thông tin và kinh tế tri thức thì làm báo là nghề vất vả nhưng vẻ vang. Chúng ta có tấm gương lớn là nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, học theo Người, làm theo Người, mỗi nhà báo sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng giá trị tinh thần chân, thiện, mỹ cho xã hội hôm nay và mai sau.
3. Những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng báo chí
Một là, giáo dục tư tưởng chính trị. Đây là nguyên tắc bao trùm, quyết định, cũng là biện pháp cơ bản, vì mấy lẽ. Từ góc nhìn lý thuyết đối thoại thì nhà báo là người làm công tác tuyên truyền đường lối, là cầu nối ý Đảng lòng dân. Họ là một tiếng nói có vị thế trong xã hội. Từ góc độ chủ thể thì có thể ví nhà báo như cái cần ăngten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một sức đề kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực.
Nhìn từ góc độ tác phẩm thì một bài báo thuyết phục luôn là sự kết tinh của một tâm hồn trong sáng, trách nhiệm xã hội cao, một tình yêu nhân dân, một thái độ đúng đắn, một trí tuệ sáng suốt... Thế nên phải coi việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho các phóng viên là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục. Nhiều sách mới nhất về báo chí của thế giới có lý khi coi ngôi nhà nhân cách của nhà báo thời nay phải được xây dựng trên 4 cột chống vững chãi: Tâm (tình yêu), Tín (trung thực), Tài (kỹ thuật viết), Tầm (thích ứng thời 4.0, xứng tầm với độc giả). Họ vẫn nhấn mạnh chữ “Tâm” đầu tiên, thứ nhất. Là người đi tìm và nói lên sự thật nên nhà báo phải có phẩm chất dũng cảm, bản lĩnh vững vàng, trung thực đến tận cùng kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới có thể viết được bài báo hay tác động tức thời đến dư luận xã hội. Muốn vậy họ phải được trang bị chắc chắn về tư tưởng cách mạng.
Hai là, với tư cách chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, nhà báo cần thấm nhuần sâu sắc việc “nâng cao đạo đức cách mạng” để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong nghề nghiệp. “Lợi ích nhóm” không chân chính có gốc rễ là những sự ích kỷ cá nhân đáng ghét mà biểu hiện là lòng tham vật chất, là thích thể hiện, tự huyễn hoặc mình, là “quen biết”, “cánh hẩu”... Ở phương Tây, cuối thế kỷ trước xuất hiện quan niệm báo chí có vai trò như “quyền lực thứ tư” (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Khi bước vào thời 4.0 khủng hoảng (nhất là báo in) thì người ta mới nhận thấy “quyền lực” đích thực của báo chí là độc giả. Nhưng ở ta vẫn thấy một số phóng viên kém tài, thiếu tâm lại cứ tưởng mình “quyền lực” có quyền “hành hạ”, “đe nẹt” rồi “vòi vĩnh” người khác. Chúng ta lại càng thấy tư tưởng Bác Hồ về báo chí đi trước thời đại khi Bác quan niệm đề cao người đọc là nhân dân (viết cho ai), coi trọng mục đích phục vụ dân (viết để làm gì).
Truyền thống nhân ái, yêu người, trọng người, quý người cùng với đạo đức cách mạng của thời đại mới và tư tưởng Hồ Chí Minh quan hệ hữu cơ, thống nhất, hài hòa chuyển hóa, xuyên thấm, nâng đỡ nhau trong cơ thể xã hội. Nhà báo Việt Nam phải triệt để học và làm theo tư tưởng Bác Hồ để là “công bộc” của dân, vì dân mà viết!
Ba là, chú ý việc bồi dưỡng học tập nghiệp vụ thường xuyên cho phóng viên. Nghề làm báo phải suốt đời học hỏi, phải chăm chỉ cần cù như người nông dân bám lấy ruộng đồng, biết tính nết từng chân ruộng (lão nông tri điền), biết từng giống lúa dây khoai gieo trồng chỗ nào mới hiệu quả cao. Ở vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhà báo phải có vốn hiểu biết, vốn sống sâu rộng, vốn ngoại ngữ phong phú, nhất là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh vi và cẩn trọng, để có thể phản ánh sự việc chân xác nhất. Người Việt Nam ta rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Lời nói cho ta ánh sáng, niềm tin, hướng đi “Lời nói gói vàng”. Nhưng cũng có “Lời nói đọi máu”. Máu là quý giá, thiêng liêng gắn liền với danh dự. “Lời” cũng như “máu” vậy nên “lựa lời mà nói”. Máu còn là sự trả giá. Lời nói có khi dẫn đến đổ máu... Nên ai cũng phải hết sức thận trọng khi cất lời “uốn lưỡi ba lần mới nói”, huống chi là nhà báo. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bắt vào mạch nguồn dân tộc khi Bác dạy: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(3).
Bốn là, bên cạnh việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền được coi là một trong những giải pháp cơ bản xóa bỏ lợi ích nhóm, là việc siết chặt hơn nữa kỷ cương, luật pháp. Cùng với những quy định của pháp luật, sự tăng cường quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, việc thực hiện “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” hay “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” phải được thực hiện triệt để, nghiêm túc hơn. Việc thi hành kỷ luật và chế tài xử phạt phải mang tính răn đe cao hơn. Không thể chấp nhận việc số ít cơ quan báo chí dung túng cho sai phạm của phóng viên.
Năm là, nâng cao mức lương cho phóng viên. Nghề báo là một nghề vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập lại chưa tương xứng, trong khi đó lại không có điều kiện làm thêm như nhiều ngành khác. Lương của phóng viên qua tập sự chỉ đủ nuôi sống chính họ. Còn gia đình? Còn tương lai? Rất nên có cơ chế lương ổn định hơn cho nghề đặc thù này!
Văn hóa nhà báo cách mạng hôm nay như một chân lý là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, lấy đó làm điểm tựa, làm kim chỉ nam vì mục đích ấm no,hạnh phúc của nhân dân để viết những “bài hịch” cách mạng. Bác Hồ dạy chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý. Lời dạy ấy còn là nguyên lý, đạo lý. Là nguyên lý vì nhân dân là nền móng của xã hội làm ra của cải vật chất, sáng tạo ra văn hoá. Là đạo lý vì phụng sự nhân dân là đúng với ứng xử văn hoá Việt “ăn quả nhớ người trồng cây”. Nhà báo càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đề cao người đọc là nhân dân, vì nhân dân mà viết.
Khổng Tử nói lời không đẹp không đi được xa. Tức rất đề cao cái đẹp cái hay của lời nói. Một bài báo cũng vậy, ngoài đảm bảo cái thật của sự kiện, chi tiết, còn phải hay mới dễ đi vào lòng người. Bác Hồ dạy phải viết cho văn chương. Đó chính là phẩm chất thẩm mỹ của báo chí. Nhà báo cần có lối viết đẹp của văn chương. Phải có cảm hứng và cảm xúc. Phải thấu hiểu đời để thấu cảm người. Phải giàu có vốn từ và đa dạng lối viết, dung dị mà thấm thía. Hơn mọi ngành nghề khác, nghề báo là nghề đồng hành, hướng về chân - thiện - mỹ!
____________________________________________
(1) Nhiều tác giả (2005), Hồ Chí Minh - Chân dung đời thường, Nxb. Lao động, H., tr. 101.
(2) Nhiều tác giả (1985), Bác của chúng ta, Nxb. Quân đội nhân dân, H., tr. 118.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., tr. 346.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nhiều tác giả (2010), Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ,văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (15 tập), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
(3) PGS,TS Phạm Văn Đức, PGS,TS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên) (2007), Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu, Nxb. Khoa học xã hội.
(4) J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.
(5) Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm.
Bình luận