Báo chí - truyền thông góp phần nâng cao trình độ, năng lực người nông dân trong bối cảnh mới
Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng”. Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay đã đề ra các yêu cầu trong việc nâng cao trình độ nhận thức, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.Vì vậy, cần nâng cao năng lực, trình độ, học vấn cho người nông dân có tri thức để làm chủ hoạt động sản xuất nông nghiệp; có sự năng động, có bản lĩnh tiếp nhận sự đổi mới và tiếp thu cái mới; tư duy, lối sống văn minh hiện đại. Thông qua các sản phẩm truyền thông như: báo chí, sách, cẩm nang, phim tài liệu, phóng sự, hội thi, hội thảo, tọa đàm,… với các nội dung phong phú và đa dạng về tìm hiểu kiến thức, chính sách, những cách làm hay, những điển hình tiêu biểu cũng như phản ánh những bất cập, khó khăn của người nông dân trong tình hình mới, báo chí - truyền thông đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức và kỹ năng của người nông dân Việt Nam hiện đại.
1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao trình độ, năng lực của người nông dân
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao trình độ, năng lực của người nông dân. Tiêu biểu như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết cũng đã đề xuất các giải pháp nâng cao tri thức, sự hiểu biết của người nông dân về những vấn đề liên quan tới chủ đề sản xuất nông nghiệp như các cơ chế, chính sách cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết nhu cầu thị trường lao động, hàng hóa tại địa phương để chuyển đổi cách thức làm ăn phù hợp. Khi đó, người nông dân không phải phụ thuộc quá nhiều vào những yếu tố khách quan như thời tiết, biến đổi khí hậu, từ đó chủ động thích ứng với các vấn đề thiên tai bão lũ, thay đổi thị trường tiêu dùng,…
Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nhấn mạnh: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này sẽ nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người nông dân, đồng thời quyết định sự thành công của nghị quyết.
Yêu cầu nâng cao nhận thức của người nông dân cũng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm nổi bật lên trong tham luận về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được trình bày tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4-10/5/2022. “Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Có tri thức, người nông dân biết tối ưu hoá quy trình sản xuất, tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận”(1).
Tuy đã đề ra những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, nhưng việc nâng cao nhận thức, trình độ kiến thức cho người nông dân trong bối cảnh hiện nay còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Do nước ta còn nghèo, việc tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ còn hạn chế, hoàn cảnh sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Tại một số nơi, người nông dân không đáp ứng nổi những tiêu chuẩn sống cơ bản, đặc biệt những người nông dân là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Nhận thức của người nông dân một số vùng còn chưa cao, dẫn đến việc nâng cao trình độ của người nông dân cũng bị chậm lại.
2. Vai trò của báo chí - truyền thông đối với việc nâng cao trình độ, năng lực của người nông dân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và tiêu chuẩn hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo chí - truyền thông góp phần đẩy nhanh quá trình chia sẻ thông tin, tăng cường kiến thức cho người nông dân Việt Nam, điều này được thể hiện qua những nội dung sau:
Một là, báo chí truyền thông tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến người nông dân thông qua việc truyền tải đầy đủ, chính xác, đồng thời, có sự phân tích chuyên sâu những chủ trương đó giúp người nông dân có sự lĩnh hội rõ ràng. Các chủ trương, chính sách về nông nghiệp nông thôn, nông dân được tiếp nhận thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, với những thể loại hay hình thức khác nhau, từ các tin, bài phản ánh, đăng tải toàn văn nghị quyết, đến các chương trình, chuyên đề phân tích chuyên sâu, các cuốn sách chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của những nhà quản lý, nhà khoa học.
Có thể kể đến như: cuốn sách “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1980/QĐ-TTg (Nxb. Nông nghiệp, năm 2016) được phát hành nhằm tuyên truyền và phổ biến những chính sách và những quy định pháp luật mới nhất trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cuốn “Đổi Mới Chính Sách Nông Nghiệp Việt Nam – Bối Cảnh, Nhu Cầu Và Triển Vọng” (Nxb. Chính Trị Quốc Gia, năm 2014); cuốn sách chuyên khảo “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” của (Nxb. Nông nghiệp, năm 2019) chỉ ra cơ hội và thách thức của người nông dân và đưa ra các định hướng chính sách để phát triển sinh kế hộ nông dân bền vững nhằm bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống người nông dân.
Nhiều chương trình truyền hình thu hút được sự quan tâm của đông đảo người nông dân như “Chuyện Nhà nông với nông nghiệp”, “Bạn của Nhà nông”, “Nông nghiệp xanh”, “Nông nghiệp mới” (Đài Truyền hình Việt Nam), “Câu chuyện nông thôn” (Truyền hình Quốc hội); “Nông thôn đổi mới” (Truyền hình Nhân dân), “Nông thôn mới”, “Nông thôn chuyển động”, “Cuộc sống nhà nông” (kênh truyền hình VTC16)… Trên cổng thông tin điện tử các cơ quan phụ trách về nông nghiệp của trung ương cũng như địa phương (như cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Sở Nông nghiệp các địa phương,…) đều có chuyên mục Hệ thống văn bản, trong đó đăng tải, cập nhật các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến nông nghiệp giúp cho người nông dân dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Hai là, báo chí truyền thông cung cấp kiến thức, cập nhật thông tin cho người nông dân. Nhiều chương trình báo chí, ấn phẩm truyền thông với thông tin đa chiều, chuyên sâu, chuyên biệt, mang tính định hướng, lan tỏa và hiệu quả về nông nghiệp, nông thôn. Có thể kể đến một số ấn phẩm như: Cuốn sách “Hỏi đáp về Nông nghiệp (kiến thức mọi nông dân nên biết)” (Nxb. Dân trí, năm 2021) của GS, TS. NGND Nguyễn Lân Dũng, được xem như cầu nối tri thức giúp bà con nông dân có cơ hội tiếp cận với những thông tin hữu ích để có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất,… Bên cạnh đó, có nhiều tờ báo, chương trình truyền hình chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân như: Kênh truyền hình chuyên biệt về nông nghiệp nông thôn VTC16, báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) và báo Nông thôn ngày nay (NTNN), các cơ quan này luôn có sự thay đổi phương thức truyền tải thông tin, với mục đích xây dựng những nội dung dễ hiểu nhưng vẫn mang hàm lượng thông tin cao cho người nông dân.
“Kênh truyền hình chuyên biệt về nông nghiệp nông thôn VTC16 ra đời năm 2010, hướng tới phục vụ 4 nhóm đối tượng chính là: nông dân khu vực nông thôn - miền núi, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, nông dân là đối tượng quan trọng nhất. Kênh sản xuất chương trình theo 3 nhóm nội dung chính bao gồm: Nhóm các chương trình cung cấp thông tin chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thông tin thị trường - chất lượng nông sản; Nhóm các chương trình cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật, tư vấn đào tạo và khuyến nông, hướng nghiệp cho người dân nông thôn; Nhóm các chương trình phản ánh đa chiều đời sống văn hoá-xã hội khu vực nông thôn cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức văn hoá, giải trí của người nông dân”(2).
Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho tới thời điểm này. Kênh tập trung phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và việc thực hiện các chủ trương đó liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhiều chương trình đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống văn hóa xã hội ở nông thôn, đặc biệt là những chương trình mang tính chất định hướng, tương tác để truyền tải thông tin tư vấn.
Báo Nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng đa phương tiện, áp dụng các ứng dụng công nghệ mới nhất để đáp ứng nhu cầu thông tin cộng đồng, xã hội trong nước, đồng thời giúp hội nhập quốc tế sâu rộng. Cuối năm 2020, Báo Nông nghiệp Việt Nam ra mắt hệ sinh thái bao gồm: Báo in Nông nghiệp Việt Nam, Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam (tên miền: nongnghiep.vn); các chuyên trang điện tử: Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếng Anh (vietnamagriculture .nongnghiep.vn) góp phần giới thiệu quảng bá đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, Nông sản Việt, Lâm nghiệp, Thủy sản, Nông nghiệp số, Nông nghiệp tuần hoàn; kênh truyền hình NongnghiepTV với những sản phẩm truyền hình có chất lượng nhằm mang tới cho người xem những góc nhìn đa chiều và chân thật về nền nông nghiệp, về hình ảnh người nông dân Việt Nam trong tiến trình trau dồi tri thức hội nhập quốc tế; Tuần san Kiến thức Gia đình. Sự ra đời hệ sinh thái này giúp mở rộng thông tin, tăng tính tương tác với công chúng. Báo cũng thường xuyên tổ chức các chương trình Tọa đàm thông tin với sự tham gia góp mặt của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, chia sẻ, trao đổi về những vấn đề nóng trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó, giúp người nông dân có cái nhìn đúng đắn hơn.
Còn đối với báo Nông thôn ngày nay (tờ báo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) được chú trọng phát triển theo hướng đa phương tiện, với slogan là Sát cánh cùng nông dân Việt và mục đích chính là phục vụ bà con nông dân. Ngoài ấn phẩm chính là báo giấy Nông thôn ngày nay, báo còn có các ấn phẩm khác như Trang trại Việt, Làng Cười, Thế giới tiếp thị, Nông thôn ngày nay Dân tộc và Miền núi. Đặc biệt, với sự ra đời và phát triển của báo Điện tử Dân Việt cùng một hệ thống rất nhiều các chuyên trang của Dân Việt như thegioitiepthi.online, trangtraiviet.online, langcuoi.vn, taichinhnongnghiep.vn (tức Etime) và mới nhất là media.danviet.vn, các thông tin được trình bày dễ hiểu, sinh động, giúp việc truyền tải các thông tin đến gần và nhanh hơn nữa với công chúng.
Nhờ đó, tin tức thời sự được cập nhật liên tục, cung cấp thường xuyên đến bạn đọc những thông tin tin cậy, có hệ thống về giống cây trồng, vật nuôi, chuyên gia tư vấn, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Nông thôn - Nông nghiệp - Nông dân. Bên cạnh đó, báo cũng chú trọng đến việc xuất bản những đặc san với đề tài tam nông như: “Nông nghiệp 4.0”, “10 năm chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới”, “Nâng cao hiệu quả đầu tư nông nghiệp”… Qua đó, góp phần định hướng giúp nông dân có thể tìm ra con đường làm giàu trên quê hương, bằng chính bàn tay và khối óc của mình.
Ba là, thông tin trên báo chí - truyền thông giúp cho người nông dân biết rõ sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp trên thế giới, từ đó có thể nắm bắt được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, không bị lạc hậu trước sự phát triển của thời cuộc. Các thông tin được đăng tải nhanh chóng, hợp thời, giúp người nông dân cập nhật hàng ngày mà không mất quá nhiều thời gian. Thông tin nóng được đặt ở vị trí nổi bật nhất trên báo mạng điện tử hoặc các cổng thông tin điện tử hoặc trên trang nhất báo in. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của mạng internet, thông tin được truyền tải đa chiều đa kênh, người nông dân cũng có thể tham gia tương tác.
Các nội dung viết cho người nông dân vẫn liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tuy nhiên đã được hệ thống hóa lại, không còn đơn điệu như trước. Không chỉ xoay quanh câu chuyện quanh lũy tre làng, các thông tin dần mở rộng ra như câu chuyện học tập kinh nghiệm làm nông ở các quốc gia khác trên thế giới có nền nông nghiệp tiêu biểu như Isarel, Trung Quốc,…. Các thông tin được truyền tải trên các loại hình truyền thông đại chúng khác nhau như báo chí, sách, các sản phẩm truyền thông trên internet (cụ thể là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube),… Điều này giúp cho người nông dân chủ động tiếp nhận thông tin, không nhất thiết phụ thuộc vào một kênh thông tin cụ thể nào. Thông tin truyền tải trên nhiều kênh cũng tạo hiệu ứng đồng loạt, tạo tác động lớn, giúp người nông dân tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn.
Trên các trang báo mạng điện tử chuyên về lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyên trang chuyên mục khác nhau, tăng sự đa dạng về thông tin. Ví dụ, Báo điện tử Dân Việt có khoảng 30 chuyên mục, Nhà Nông là chuyên mục lớn và tỉ lệ bạn đọc cao nhất (chiếm khoảng 15-20% lượng bạn đọc). Trong chuyên mục Nhà Nông lại có rất nhiều tiểu mục nhỏ như: Muôn cách làm giàu, Ngon - Sạch - Lạ, Thị trường nông sản, Thịt lợn an toàn, Khuyến nông, Địa chỉ xanh, Nông thôn mới, Nông dân phố… Chuyên mục này có sự hỗ trợ tư vấn nội dung các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước… Đây có thể coi là thư viện kiến thức, cuốn bách khoa toàn thư về tam nông cho bạn đọc không chỉ ở nông thôn mà cả thành thị.
Bốn là , báo chí - truyền thông tham gia vào quá trình tuyên truyền các chương trình xây dựng nông thôn, giúp đổi mới góc nhìn của người nông dân với các sự kiện cụ thể. Ví dụ hoạt động truyền thông về Chương trình Nông thôn mới, hay chương trình Mỗi xã một sản phẩm (còn gọi là Chương trình OCOP). Thông qua hàng nghìn tin bài, phóng sự, chuyên đề và thông qua các pano, áp phích, tờ rơi, các cơ quan báo đài, các trang thông tin điện tử OCOP quốc gia (ocop.gov.vn), hoặc trên các nền tảng mạng xã hội,… nhiều địa phương đã đạt được những hiệu quả truyền thông nhất trong việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về chương trình OCOP.
Như tại Gia Lai, tuy là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất nhưng đã rất nỗ lực xây dựng các kế hoạch truyền thông cho chương trình này “Sở Thông tin và truyền thông Gia Lai đã hường dẫn các cơ quan báo chí, trang/cổng thông tin điện tử về nội dung tuyên truyền Chương trình OCOP; lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn triển khai hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thông tin, tuyên truyền các nội dung liên quan đến mô hình hợp tác xã; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến các chính sách, dịch vụ hỗ trợ cho các hợp tác xã… tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong các văn bản hướng dẫn tuyên truyền định kỳ… Tổ chức biên tập, in ấn, phát hành 1.155 cuốn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai”(3).
Năm là, báo chí truyền thông nâng cao nhận thức, cổ vũ hành động cho người nông dân. Thông qua những tin, bài, chương trình, chiến dịch truyền thông giúp người nông dân tiếp nhận những tri thức mới, đồng thời cổ vũ hành động cho người nông dân. Báo chí truyền thông cũng góp phần đưa tiếng nói của người nông dân đến các cơ quan chức năng, liên kết nông dân trên cả nước lại với nhau, góp phần nâng cao dân trí của người nông dân. Từ những câu chuyện của người dân khắp vùng miền giúp kết nối họ với nhau, chia sẻ kinh nghiệm kiến thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các bài viết này được đăng tải trên nhiều kênh thông tin khác nhau, tạo hiệu quả truyền thông đồng loạt.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các bài viết chia sẻ những tấm gương làm nông xuất sắc, biểu dương điển hình tiêu biểu, giúp cổ vũ hành động cho người nông dân có động lực hơn trong quá trình làm việc, từ đó nâng cao năng suất, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên phạm vi cả nước. Ví dụ như trong chuyên mục Dân Việt Trò Chuyện của báo điện tử Dân Việt, bên cạnh các bài phỏng vấn với những chính trị gia, văn nghệ sĩ, anh hùng, doanh nhân… nổi tiếng, có rất nhiều câu chuyện được thực hiện cùng những người nông dân thuần phác, những người trồng chanh, trồng chuối, những người nuôi tôm, nuôi bò…, chia sẻ và lan tỏa những hình ảnh đẹp về người nông dân.
Nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp, trực tuyến được tổ chức trên phạm vi cả nước giúp người nông dân có cơ hội tiếp nhận thông tin, hiểu đúng, vận dụng và hình thành các ý tưởng, dự án trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Một số tờ báo tích cực mở thêm các chuyên trang, chuyên mục xoay quanh cuộc sống của người nông dân. Nhiều cuộc thi được tổ chức như “Làng Việt thời hội nhập” phản ánh những thay đổi trong đời sống nông thôn hiện nay, bảo vệ các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của làng xã, “Làm nông nghiệp thông minh” giới thiệu những dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn … góp phần kết nối người nông dân lại với nhau…
Bên cạnh đó, sự ra đời các phương tiện truyền thông mới trong quá trình thông tin như mạng xã hội không chỉ nâng cao hiệu quả truyền thông, mà còn góp phần xây dựng những kiến thức ban đầu cho người nông dân về việc xây dựng sàn thương mại điện tử: tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc đăng tải bài viết trên mạng xã hội, kết nối giao thương giữa nhiều vùng miền trên cả nước. Ví dụ: các cơ quan phụ trách lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương đều đã xây dựng nội dung truyền thông trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube (VD: Fanpage Hội nông dân Việt Nam, Fanpage Hội nông dân các tỉnh,…), tại đây người nông dân có thể nắm bắt các thông tin quan trọng, đồng thời là diễn đàn để giao lưu chia sẻ với người nông dân trên cả nước.
Còn với các cơ quan báo chí, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân bằng hình ảnh, tin, bài viết,… thì báo còn trực tiếp tham gia giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa, tìm thị trường cho nông dân. Tiêu biểu như “Trung tâm tiêu thụ kết nối nông sản báo NTNN” do Báo Nông thôn ngày nay từng mở và báo cũng cho ra mắt một trang thương mại điện tử mang tên “Chợ nông sản Dân Việt”, được coi như nơi trao đổi mua bán các mặt hàng nông sản mà báo là cơ quan trung gian đứng ra tổ chức.
Tuy rằng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền thông như: trình độ người dân nông thôn, nhất là ở những địa phương miền núi vùng sâu vùng xa còn chưa cao, điều kiện sống thiếu thốn, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin còn hạn chế. Các hoạt động truyền thông chủ yếu tập trung tại các cơ quan trung ương, còn tại một số địa phương lại chưa thực sự được chú trọng, chất lượng các sản phẩm truyền thông tại địa phương nhiều lúc còn mang tính hình thức, đối phó nên nội dung chưa hay, chưa đa dạng và chưa hấp dẫn người xem. Việc sử dụng các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội mới chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin, chưa có sự điều phối trong quá trình đăng tải nên nội dung còn đơn giản rời rạc, chưa khai thác tốt ưu thế tương tác và lan tỏa của mạng xã hội,...
Nhưng nhìn chung, báo chí truyền thông đã phát huy có hiệu quả vai trò chức năng của mình trong việc chủ động thông tin về các chủ trương chính sách mới, cập nhật phổ biến tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động cho nông dân. Từ đó thúc đẩy chuyển đổi tư duy, phát huy sự sáng tạo của người nông dân trong tình hình mới, góp phần xây dựng hình ảnh: “Người nông dân buổi sáng có thể mặc chiếc áo màu nâu của đất, buổi chiều mặc chiếc áo màu xanh của nhà máy chế biến và buổi tối có thể mặc chiếc áo màu trắng của trí thức, thương nhân, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió thị trường” (4)./.
__________________________________________
(1) Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 , Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội.
(2) Lan Hương (2010), Lần đầu tiên tại Việt Nam có kênh truyền hình nông nghiệp, nông thôn http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Doi-song/317058/lan-dau-tien-tai-vn-co-kenh-truyen-hinh-nong-nghiep-nong-thon-vtc16, truy cập ngày 02 tháng 02 năm 2023.
(3) Hải Chi (2021), Kết quả thông tin, tuyên truyền chương trình Ocop giai đoạn 2018-2020 https://stttt.gialai.gov.vn/Tin-tuc/chuyede/Ket-qua-thong-tin,-tuyen-truyen-Chuong-trinh-OCOP.aspx, truy cập ngày 02 tháng 02 năm 2023.
(4) Lê Minh Hoan (2022), Tham luận về Trí thức hoá nông dân, https://vietnamnet.vn/toan-van-tham-luan-cua-bo-truong-le-minh-hoan-ve-tri-thuc-hoa-nong-dan-2018930.html, truy cập ngày 02 tháng 02 năm 2023.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 4/2023
Bài liên quan
- Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
- 2 Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Tiền Giang trong tình hình mới
- 3 Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- 4 Phương thức kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
- 5 Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
- 6 Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức
Chiều ngày 29/11/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có buổi tiếp và làm việc với đoàn đối tác Cộng hòa Liên bang Đức, do ông Manfred Pentz, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Liên bang và châu Âu về hợp tác quốc tế và chống quan liêu dẫn đầu.
Báo chí - truyền thông góp phần nâng cao trình độ, năng lực người nông dân trong bối cảnh mới
Báo chí - truyền thông góp phần nâng cao trình độ, năng lực người nông dân trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, người nông dân là chủ thể của tiến trình này. Vì vậy, cần phát triển con người ở nông thôn có trình độ năng lực để làm chủ hoạt động sản xuất nông nghiệp; có sự năng động, có bản lĩnh tiếp nhận sự đổi mới và tiếp thu cái mới; tư duy, lối sống văn minh hiện đại. Quá trình nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh mới, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của báo chí - truyền thông.
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị xuất bản muốn thu hút độc giả thì công tác truyền thông thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những phương tiện truyền thông mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong công tác truyền thông thương hiệu xuất bản. Bài viết tập trung phân tích hoạt động truyền thông thương hiệu của NXB Kim Đồng nhằm rút ra những bài học cho các NXB trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Bình luận