Báo mạng điện tử thực hiện sứ mệnh “phò chính, trừ tà” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch
1. Giải nghĩa một số thuật ngữ
Quan điểm: “(1) Điểm xuất phát quy định phương hướng suy nghĩ, cách xem xét và hiểu các hiện tượng, các vấn đề; (2) Cách nhìn, cách suy nghĩ; ý kiến”(1); Sai trái: “Không đúng, không phù hợp với lẽ phải, lẽ ra không nên làm, không nên có”(2); Thù địch: “Kẻ ở phía đối lập, có hành động, tư tưởng chống đối lại một cách quyết liệt”(3).
Quan điểm sai trái, thù địch: Từ liên kết nội hàm của các thuật ngữ: “quan điểm”, “sai trái”, “thù địch”, có thể đưa ra khái niệm về “quan điểm sai trái, thù địch” như sau: Quan điểm sai trái, thù địch” là cách hiểu, cách xem xét, đưa ra ý kiến không đúng theo tinh thần khoa học và quy định của pháp luật, không phù hợp với lẽ phải và chính nghĩa về các hiện tượng, vấn đề diễn ra trong một quốc gia, một dân tộc, với mục đích chống đối lại chế độ chính trị đang hiện hành của quốc gia, dân tộc đó để hưởng lợi.
Nếu trong dòng chảy thông tin ở một quốc gia, một dân tộc mà có tồn tại dòng thông tin chứa đựng quan điểm sai trái, thù địch nhằm mục đích chống đối lại chế độ chính trị hiện hành của quốc gia, dân tộc, thì quốc gia, dân tộc đó phải tổ chức dòng thông tin mang quan điểm chính thống đủ mạnh để đấu tranh chống lại dòng thông tin sai trái, thù địch này, để bảo vệ sự ổn định chính trị, tư tưởng của quốc gia, dân tộc, để công dân nhận thức đúng về đường lối chính trị, chính sách, pháp luật của quốc gia, dân tộc và hành động đúng, không bị thế lực thù địch lôi kéo vào con đường sai trái, thù địch với quốc gia, dân tộc mình.
Có thể áp dụng nội hàm của khái niệm này để nhận diện “quan điểm sai trái, thù địch” trong thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay: đó chính là những thông tin không đúng với bản chất sự việc; không đúng với tính chất khoa học và quy định của pháp luật; không đúng với quan điểm chính trị chính thống của một quốc gia; không đúng với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; hoặc tin giả. Ví dụ: câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thông tin sai về bản chất vụ án Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Cụ thể: ngày 9/01/2020, một số đối tượng quá khích dùng bom xăng tấn công, làm 3 chiến sĩ công an hy sinh. Ngày 07/9/2020, bắt đầu phiên tòa sơ thẩm. Đây là vụ án hình sự (chống người thi hành công vụ) nhưng Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng lại thông tin là vụ án chính trị, gây hoang mang dư luận. Hoặc Học viện công dân dưới danh nghĩa “truyền bá kiến thức” để bôi đen lịch sử; phủ nhận công lao của Hồ Chủ tịch; bóp méo bản chất cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ cứu nước, nhằm chống phá nước CHXHCN Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh “phò chính, trừ tà”: “Chính: rất ngay thẳng, rất đúng đắn về mặt đạo đức”(4). “Tà: không ngay thẳng, không đúng đắn về mặt đạo đức”(5). “Phò chính, trừ tà” có nghĩa là giúp người ngay thẳng, chân chính, diệt trừ kẻ gian ác.
Trong thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Nhân dân ta sẵn sàng thân thiện với nhân dân Pháp, nhưng quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân phản động(6). Vào thời điểm cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, tư tưởng “phò chính, trừ tà” của Bác có nghĩa cụ thể là: nhân dân ta làm bạn với nhân dân Pháp, nhưng đối với bọn thực dân Pháp phản động, xâm chiếm nước ta, nhân dân ta quyết không đội trời chung, “kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà, để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”.
Báo mạng điện tử (BMĐT): nhờ phát minh của thế kỷ XX về công nghệ web (world wide web - w.w.w.), năm 1992, BMĐT ra đời (sau báo in, phát thanh, truyền hình). Từ đó đến nay, đã có rất nhiều quan niệm về BMĐT. Trong công trình này, tác giả đưa ra quan niệm về BMĐT như sau: “Báo mạng điện tử là loại hình báo chí số phi định kỳ, truyền tải thông tin có mục đích dưới dạng siêu văn bản và tích hợp đa phương tiện, giao tiếp hai chiều trực tuyến, được nhà nước cấp phép sản xuất và phát hành trên mạng Internet toàn cầu”(7).
Với những đặc trưng ưu việt của mình (siêu văn bản, đa phương tiện, phi định kỳ, tương tác hai chiều trực tuyến), BMĐT có khả năng tốt nhất (so với các loại hình báo chí khác) trong việc thực hiện sứ mệnh “phò chính, trừ tà” bằng phương thức: đưa nhiều thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII (tháng 7/1998) của Đảng.
2. Nhận diện “quan điểm sai trái, thù địch” trong thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay
Từ năm 1975, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, ở trong nước và ở nước ngoài vẫn còn tồn tại những thế lực thù địch đã và đang hoạt động chống phá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, như: tổ chức Việt Tân; mạng lưới nhân quyền của Nguyễn Thanh Trang; hoặc Hội nhà báo độc lập Việt Nam thành lập ngày 4/7/2014 với 42 hội viên, do Phạm Chí Dũng làm Chủ tịch (ba người trong Hội này đã bị ra tòa vì đã làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước).
Lợi dụng sức mạnh của truyền thông số, như: weblog, mạng xã hội (MXH),... các thế lực thù địch đăng tải nhiều bài bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khai thác thông tin về những vụ án tiêu cực, tham nhũng để tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nói xấu Chính phủ và các nhà lãnh đạo Việt Nam, thậm chí, đòi thay đổi Điều 4 của Luật Hiến pháp, đòi thay đổi chế độ chính trị từ dân chủ XHCN sang dân chủ tư sản, kêu gọi biểu tình lật đổ chính quyền(8),... Trên MXH tràn lan tin giả, tin xấu, độc, hàng ngày, hàng giờ đầu độc nhân dân. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, lượng tin xấu độc đã lên tới 2.000 bài viết, 5.300 video, 400 trang web mạo danh Đảng, Nhà nước(9). Những luận điệu thù địch này được phát tán dưới danh nghĩa “yêu nước”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, ở mức độ đậm đặc, lan tỏa rất nhanh trên Internet, nhằm gây phân tâm, suy giảm lòng tin của một bộ phận công dân vào chế độ hiện hành, thậm chí, có một số cán bộ bị mất phương hướng, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, như: B.T.L, nguyên thượng tá, nguyên Chủ nhiệm khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học của Trường Sĩ quan công binh là một ví dụ.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển hiện nay, mỗi người được tương tác với toàn thế giới, được kết bạn trên môi trường ảo khi chưa hề biết người đó thực chất là ai. Chính vì vậy, con người rất dễ bị rơi vào “bẫy” của một thế lực thù địch nào đó: mua chuộc dưới dạng “kết bạn”, mời gọi hợp tác, hoặc “tài trợ học bổng”,... Đã có những nhà báo rơi vào “bẫy truyền thông đen”, trở thành “nhà báo hai mặt”, như: T.D.N hay P.T.Đ.T,... Đặc biệt, thế lực thù địch thường nhắm vào tầng lớp thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước, những người đang khao khát được học tập, được làm việc với mức lương cao để được sống một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc - dẫn đến tình trạng có một số bạn trẻ viết bài trên MXH chống lại chế độ, quay lưng lại với đất nước. Có những thanh niên nhẹ dạ, cả tin, nhận tiền để viết bài tuyên truyền chống phá nhà nước, đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng là độc lập, tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, những người làm báo cách mạng Việt Nam luôn phải cảnh giác, kiên quyết, dũng cảm đấu tranh chống lại quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch ở trong nước và ở nước ngoài, sao cho đúng với tinh thần “phò chính, trừ tà” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy.
3. Báo mạng điện tử thực hiện sứ mệnh “phò chính, trừ tà”
BMĐT làm người đại diện cho quyền lực của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân theo đúng tinh thần yêu độc lập, tự do, bình đẳng trong chế độ dân chủ pháp quyền XHCN Việt Nam. Thông qua các tác phẩm báo chí, BMĐT đại diện cho tiếng nói của nhân dân, thể hiện rõ lập trường, quan điểm chính trị của tờ báo là chống “thông tin sai trái, thù địch” theo tư tưởng Hồ Chí Minh “phò chính, trừ tà”, hoàn toàn không phải là chống lại sự “bất đồng chính kiến” như các thế lực thù địch đã xảo biện. Cụ thể những việc BMĐT đã thực hiện:
Thứ nhất, báo mạng điện tử cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, có chiều sâu và khách quan về tình hình đất nước và quốc tế, “thiết lập chương trình” để khơi nguồn cho công dân ngôn luận đúng với bản chất sự việc đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, đúng quy định của pháp luật, tránh việc ngôn luận hùa theo đám đông, hoặc theo sự dẫn dắt của thế lực thù địch.
Ví dụ: sự kiện Formosa ở Hà Tĩnh xả thải ra môi trường làm cá chết hàng loạt ở vùng biển Miền Trung từ tháng 4/2016 đến tháng 02/2017, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của đất nước. Trong khi đó, Formosa còn chối cãi, biện hộ cho mình, thậm chí, lãnh đạo Formosa có thái độ “trâng tráo” khi phát biểu gây “sốc”: “đã hỗ trợ ngư dân chuyển nghề rồi sao vẫn còn đánh bắt ở vùng biển này? ”càng làm “nóng” dư luận. Nhân sự kiện này, một số người tụ tập, gây náo loạn, làm mất an ninh và trật tự xã hội.
Theo sát sự kiện này, BMĐT liên tục cập nhật thông tin trong trang Thời sự. Tuy số lượng tin - bài không quá nhiều (vnexpress.net: 65 tin - bài; vnn.vn: 77 tin - bài; nhandan.com.vn: 12 tin - bài; dantri.com.vn: 71 tin - bài; tuoitre.vn: 48 tin - bài) nhưng có chiều sâu, mọi diễn biến sự việc được phản ánh minh bạch và khách quan dưới góc nhìn đa chiều: từ người dân địa phương, đại diện công ty Formosa, cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn khoa học, các cá nhân có thẩm quyền,... giúp cho người dân hiểu rõ bản chất thực của sự việc, có hành vi ứng xử đúng luật pháp, không còn gây ra những vụ tụ tập đông người không đáng có. Sự kiện này đã khơi nguồn cho hàng ngàn bình luận tích cực của công dân cả nước, trong đó có những bình luận rất trăn trở: “Cá tôm chết thế này thì ai dám ăn cá biển? Nước nào dám nhập hải sản của ta? Ai dám du lịch, đi bơi, lặn ở biển miền Trung? Những đứa trẻ quê vô tư tắm mỗi ngày có sao không?”(10).
Thứ hai, BMĐT tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - mà người đại diện chính là Đảng Cộng sản Việt Nam, để công dân nhận thức rõ những quan điểm này, từ đó có tiếng nói đồng tình, ủng hộ.
Mặc dù lượng tin - bài không nhiều, thường chỉ xuất hiện vào các dịp ngày sinh, ngày mất của C. Mác, V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc ngày chiến thắng phát xít, ngày Quốc khánh và một số dịp lễ hội khác, hoặc tổ chức chuyên trang về chủ đề: học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc tổ chức diễn đàn theo các chủ đề: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chống diễn biến hòa bình; bình luận và phê phán, hoặc đưa tin - bài ở trang Thời sự - Chính trị, nhưng những tin bài đó đã góp phần khẳng định và bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng cách mạng đã dẫn dắt Đảng và đất nước ta vượt qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử để có được độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ,... như ngày hôm nay, giúp công dân nhận thức đúng về con đường cách mạng mà dân tộc ta đã lựa chọn, từ đó, công chúng góp thêm tiếng nói ủng hộ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ví dụ: GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời(11); Hà Đăng, Đòi từ bỏ CNXH là một sai lầm lớn(12); Nhị Lê, Đảng dẫn dắt dân tộc hùng mạnh và trường tồn(13),...
Bám sát Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) BMĐT phản ánh trung thực tiến trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, phản ánh công khai những vụ việc nằm trong 27 biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên (tham nhũng, lợi ích nhóm, tự diễn biến, tự chuyển hóa, phát ngôn sai trái), từ đó, giúp từng cán bộ, đảng viên tự “soi” và “sửa” mình. Trong bài viết "Những bài học kinh nghiệm trước Đại hội Đảng XIII”, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ ra rằng, bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chưa được làm đúng và đây là khuyết điểm lớn(14).
Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII cần phải “Chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, tầm nhìn”(15) và “Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức, kém tài”(16) như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trăn trở. Công chúng đón nhận chủ trương này với tình yêu và trách nhiệm với đất nước, thể hiện qua 1.052 bình luận/378 tác phẩm của 5 tờ BMĐT trong 2 năm 2019-2020 (vnexpress.net: 42 bài; vnn.vn: 163 bài; nhandan.com.vn: 77 bài; dantri.com.vn: 55 bài; tuoitre.vn: 41 bài), mong đợi những đổi mới đất nước tiếp theo sẽ thành hiện thực.
Thứ ba, BMĐT bóc trần bộ mặt thật của thế lực thù địch trong nước và nước ngoài đang núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, nhân quyền, để công chúng nhận diện và có tiếng nói phản bác các thế lực thù địch.
Bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(17), BMĐT đã tổ chức các tuyến bài theo các chủ đề của từng tháng, hoặc theo từng sự kiện, tuy số lượng tin - bài không nhiều (chỉ từ 2-7 bài mỗi đợt) nhưng có tác dụng rất lớn, vừa phản bác thông tin sai trái, thù địch, vừa “xây” quan điểm đúng đắn, nuôi dưỡng trong lòng mỗi người dân niềm tin vững chắc vào Đảng, vào chế độ dân chủ XHCN. Ví dụ: Họ vì nhân quyền hay vì mục tiêu nào khác?(18); Kêu gọi “bỏ Đảng” sau phán quyết vụ Đồng Tâm - chiêu trò lố bịch và lạc lõng(19); Đội lốt học thuật, nghiên cứu để chống phá chế độ(20),...
Từ những bài viết này, công chúng đồng tình, chia sẻ, góp nhiều ý kiến có giá trị. Ví dụ: trước nguy cơ giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước - bị các thế lực thù địch “ngầm mua chuộc” bằng vật chất, dẫn đến “tự chuyển hóa” chống lại chế độ bằng những bài viết trên MXH, công chúng đã có ý kiến mang tính chất cảnh báo: “... đẩy mạnh tăng học bổng, hỗ trợ kinh phí từ các NGO, liên kết đào tạo, thẩm thấu những “giá trị” xã hội tư bản một cách tự nhiên, nhưng rất thâm độc, nhằm nuôi dưỡng đội ngũ này với âm mưu làm thay đổi chế độ ở Việt Nam trong tương lai. Họ gieo rắc vào giới trẻ khái niệm “cấp tiến”, “tự do”, “dân chủ” vô tổ chức, bất chấp luật pháp, tung hô những ý kiến “phản biện” ảo tưởng, xa rời thực tiễn. Hậu quả là một số bạn trẻ đã “sập bẫy”, hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tự đề cao cái tôi cá nhân, lối sống vị kỷ, cá biệt có trường hợp tha hóa về nhân cách, trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch. Với những thay đổi tinh vi cả về thủ đoạn và sách lược của các thế lực thù địch nhằm “tẩy não” làm chuyển hóa tư tưởng, dẫn tới quá trình “tự diễn biến” ở lớp người đang là rường cột, tương lai của đất nước, nếu thanh niên không được trang bị lý luận, nhận thức đúng để đủ sức “đề kháng” sẽ gây hậu quả khó lường”(21).
Thứ tư, BMĐT phản bác thông tin sai trái, thù địch bằng việc cung cấp nhiều hơn thông tin mang tính tích cực “lấy cái tích cực để đẩy lùi cái tiêu cực”, để dẫn dắt công dân ngôn luận theo chiều hướng tích cực.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (tháng 7/1998): “Lấy cái tích cực để đẩy lùi cái tiêu cực”, BMĐT không chỉ phân tích, bình luận, chỉ ra những đúng - sai, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, thuyết minh, làm rõ mọi vấn đề mà mỗi cá nhân công dân và Nhà nước đều quan tâm, đều bức xúc, đều cần làm và phải làm, để chống lại thế lực thù địch, mà còn cung cấp nhiều hơn thông tin mang tính tích cực, như: tình cảm “đồng bào”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những “tấm gương” người tốt, việc tốt, những việc tử tế trong cuộc sống hàng ngày, những đổi thay to lớn của đất nước, những danh lam thắng cảnh, những nơi đáng sống,... để truyền cảm hứng cho xã hội, “lôi kéo” con người tham gia chia sẻ nhiều hơn về cái tốt, tạo lập những “dòng chảy comment” mang tính tích cực để dẹp bỏ những tin xấu, độc, tin đồn thất thiệt.
Mỗi tờ BMĐT có cách đấu tranh chống lại luận điệu sai trái, thù địch bằng cách truyền cảm hứng của riêng mình. Ví dụ: tuoitre.vn có những chiến dịch truyền thông “Góp đá xây Trường Sa”, “Chào cờ vào sáng Thứ Hai”,... Theo số liệu của Trung tâm lưu giữ truyền thông số Quốc gia thuộc Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng năm 2019, trong tổng số 15.832.700 tin - bài của BMĐT trong cả nước, có 24,80% là thông tin tích cực; 9,87% là thông tin tiêu cực, thông tin trung tính là 65,33%; so với năm 2018, thông tin tiêu cực giảm 6,2%, thông tin tích cực tăng 8,5%. Đây là bằng chứng xác thực để có thể khẳng định rằng, BMĐT đã cố gắng cung cấp ngày càng nhiều hơn thông tin mang tính tích cực, với mục đích đẩy lùi tin giả, tin xấu - độc khỏi cuộc sống tinh thần của nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với thông tin sai trái, thù địch.
Theo PGS, TS. Mai Quỳnh Nam, lợi ích của nhân dân là được công khai thông tin, “báo cho dân biết” - đấy là điều kiện hàng đầu để nuôi dưỡng các cuộc tranh luận, hình thành dư luận xã hội(22). BMĐT cung cấp thông tin trung thực về tình hình trong nước và quốc tế để người dân “biết” và nhận thức, lấy đó làm “hệ quy chiếu” để nhận diện những thông tin có quan điểm sai trái, thù địch, từ đó lựa chọn được những thông tin tích cực, có ích cho cuộc sống, đúng pháp luật. Biết thông tin, nhận thức đúng, thì sẽ ngôn luận có trách nhiệm với đất nước theo đúng nghĩa vụ của một công dân. Ông Nguyễn Đức Hiền (Trưởng Ban Dân nguyện) đã trao đổi với nhà báo tại phiên thảo luận của Quốc hội trong kỳ họp tháng 9./2015: “ Tôi đọc báo điện tử thấy các phản hồi của người dân rất có giá trị, tiếng nói lạc lõng thì ít thôi, còn lại đều là tiếng nói đóng góp thiết thực, chân tình”.
4. Cần có “một đội quân tinh nhuệ”
Nhìn chung, để khơi nguồn và dẫn dắt ngôn luận của công dân trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, BMĐT đã thực hiện khá tốt sứ mệnh của mình theo tư tưởng “phò chính, trừ tà” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh này, BMĐT vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được khắc phục trong thời gian tới.
Vào đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin cũng đã từng phê bình báo chí vô sản: “Chúng ta không biết dùng báo chí để tiến hành đấu tranh giai cấp. Chúng ta cứ nhớ lại xem trên báo chí của nó, giai cấp tư sản đã hoàn toàn biết công kích những kẻ thù giai cấp của nó như thế nào, đã chế giễu, đã bôi nhọ họ như thế nào, đã khiến cho họ không sống nổi như thế nào”(23). So với những năm đầu thế kỷ XX, để chống lại quan điểm sai trái, thù địch, thậm chí, kẻ thù trực diện của dân tộc, thì “độ khó và độ phức tạp” tăng lên gấp nhiều lần ở những năm đầu của thế kỷ XXI này, khi mà công nghệ số đã phát triển quá cao, cho phép con người làm mọi điều mình muốn một cách tinh vi, mà pháp luật đôi khi cũng không thể đối phó kịp thời.
Khi nghiên cứu thực trạng các tác phẩm chống quan điểm sai trái, thù địch trên BMĐT, tác giả nhận thấy 3 điểm chung rất rõ là: (i) BMĐT “phản ứng” còn khá chậm so với mức độ phát tán thông tin sai trái, thù địch trên Internet. Khi thế lực thù địch đã có bài chống phá đất nước và lan tỏa rất nhanh trên MXH, thì BMĐT mới có bài đáp trả (cũng không nhiều); (ii) Bài thường rất dài, cho nên sẽ có nhiều người không “đủ kiên nhẫn” để đọc hết bài, dẫn đến việc chỉ đọc được phần đầu bài báo kể về “thành tích” đã và đang làm của thế lực thù địch thôi (vô hình trung như là đang “khen ngợi” việc làm của họ), mà chưa thể nắm được mình “tấn công” vào “gót Asin” nào của họ?; (iii) Bài viết dài lại mang “tính hàn lâm”, thiếu đi sự châm biếm, hài hước, khiến cho việc có dùng một số từ “mạnh” cũng bị giảm đi phần nào mức độ sắc bén, sâu cay.
Các cơ quan BMĐT có thể vẫn chưa thật sự chủ động phối hợp với nhau, hình thành một ekip “nhà báo chất lượng cao” để tạo ra những vệt bài thật đặc sắc, lôi cuốn người đọc, lan tỏa được rộng và sâu trong lòng công chúng xã hội, để từ đó có nhiều hơn những luận bàn chất lượng của công chúng. Kết quả điều tra của tác giả về ý kiến công chúng năm 2018 (821 người = 100%), cũng có ý kiến cho rằng: “Các báo cần có nhiều bài chống lại quan điểm phản động có chất lượng hơn. Tôi thấy việc này các báo còn yếu”(24).
Để thường xuyên chủ động đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, tác giả cho rằng, cả hệ thống báo chí cần liên kết, hợp sức với nhau thành một “đội quân tinh nhuệ”, chọn ra và xây dựng ekip những người vừa giỏi nghề báo, vừa giỏi kỹ thuật, vừa giỏi nhiều thứ tiếng, để cùng nhau thường xuyên thực hiện các bài - cũng không cần quá dài như hiện nay nhưng chất lượng phải rất cao, nên “tỉa tót” ở các góc độ hẹp để có nhiều bài sắc sảo, “điểm trúng gót Asin” của thế lực thù địch mà không bị lặp lại nhau. Kinh nghiệm rất giá trị và quí báu của ông cha ta (như: Báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà chúng ta nên học tập: bài không cần dài, chỉ 200-500 chữ mà vẫn có thể vừa phê phán kẻ thù một cách gay gắt, quyết liệt, vừa hào sảng, vừa châm biếm, hài hước nhưng cũng rất đau đớn, sâu cay.
Tuy nhiên, trong những người “tự chuyển hóa” tham gia ngôn luận trái chiều, hoặc chống phá dân tộc hiện nay, cũng có những người trình độ văn hóa chưa thật cao, thiếu hiểu biết về luật pháp, hoặc có lòng tham về vật chất, vinh hoa, do có người hứa hẹn cho tiền, cho chức vụ, hoặc họ bị ép buộc vì đã lỡ tham gia vào một tổ chức “núp bóng nhân quyền” nào đó,... cho nên, BMĐT cần có những tuyến bài mang tính thuyết phục hoặc cảm hóa nhằm tới các đối tượng này, để họ hồi tâm chuyển tính, trở về với chính nghĩa. Trong tác phẩm Về công tác văn hóa văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy báo chí về cách thu phục lòng dân: “Một con người đều có Thiện và Ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó mới là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu (trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân), ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần Thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần Ác, chứ không phải đập cho tơi bời”(25)./.
_____________________________________________________________
(1), (2), (3), (4), (5) Viện Ngôn ngữ học (1995), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.771, 814, 925, 156, 850.
(6) Hồ Chí Minh(1994), Toàn tập, T.4 (1945 - 1947), Nxb. Sự thật, H.,
(7) Nguyễn Thị Hằng Thu (2022), Báo mạng điện tử thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, H.,
(8) Ngọc Hà, Âm mưu lật đổ chính quyền, 3 đối tượng lãnh 19 năm tù, Công an Tp.HCM, ngày 6/7/2020.
(9) VTV1, Bản tin Thời sự 19 giờ, các ngày: 8/10/2020 và 21/11/2020.
(10) Vnexpress.net, ngày 26/4/2016.
(11) Nhandan.com.vn, các ngày 13-17/01/2017.
(12) Nhandan.com.vn, các ngày 16/01/2017.
(13) Tuổi trẻ Tp.HCM, ngày 03/02/2020.
(14) Tuổi trẻ Tp.HCM, ngày 17/02/2020.
(15) Tuổi trẻ Tp.HCM, ngày 27/4/2020.
(16) Tuổi trẻ Tp.HCM, ngày 11/5/2020.
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG ST, tr.201.
(18) Ngọc Chiến, Họ vì nhân quyền hay mục tiêu nào khác, nhandan.com.vn, ngày 7/10/2016.
(19) Đào Minh Khoa, Kêu gọi “bỏ Đảng” sau phán quyết vụ Đồng Tâm - chiêu trò lố bịch và lạc lõng, CAND điện tử, ngày 21/9/2020.
(20) Việt Quang, Đội lốt học thuật, nghiên cứu để chống phá chế độ, nhandan.com.vn, ngày 20/10/2020.
(21) Phạm Văn Sơn, Hoàng Anh Tuấn, Lật tẩy những chiêu trò chống phá Đảng của các thế lực thù địch, QĐND điện tử, ngày 20/11/2020.
(22) Mai Quỳnh Nam (2010), Công khai để thực hiện quyền làm chủ của người dân - Trách nhiệm chính trị của báo chí (Trong sách: Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, T.7, Nxb. ĐHQG HN, tr. 71-79.
(23) C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin (1977), Về văn học và nghệ thuật, Nxb. Sự thật, H., tr.435.
(24) Kết quả điều tra ý kiến công dân của tác giả, từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018.
(25) Hồ Chí Minh (1971), Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. CTQG, HN., tr.78-93.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 6/2022
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận