Bảo vệ môi trường - từ Hồ Chí Minh đến đường lối Đại hội XIII của Đảng hiện nay
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức của môi trường, biến đổi khí hậu như nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, bụi mịn, ô nhiễm không khí… Sự biến đổi đó đã và đang ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của con người, tiêu tốn ngân sách và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hồ Chí Minh là một trong số ít những lãnh tụ đã dành nhiều sự quan tâm cho môi trường, sống gần gũi với thiên nhiên, nâng cao ý thức cho mọi người để xây dựng môi trường tốt đẹp. Những chỉ dẫn của Người vẫn luôn là phương cách tốt nhất để mỗi người, mỗi dân tộc soi rọi, nhận thức đúng về môi trường để từ đó hành động vì môi trường, vì cuộc sống của mỗi người và vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh sớm thấy được vai trò của môi trường, của thiên nhiên đối với con người và đối với mỗi đất nước. Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường định nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo liên quan đến nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”. Như vậy, môi trường là tất cả những gì tồn tại xung quanh chúng ta, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội của con người và đất nước. Theo đó, nếu con người có thái độ ứng xử tốt với môi trường sẽ là điều kiện tốt để phát triển, ngược lại, nếu ứng xử không tốt sẽ bị tự nhiên (môi trường) “trả thù”.
Ngay từ những ngày đầu về nước sau gần 30 năm tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng là nơi dừng chân với địa hình núi non, rừng rậm, sông suối sẽ là vị trí chiến lược ở Việt Bắc không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà cả về chính trị, quân sự, nơi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để hoạt động cách mạng, “Sáng ra bờ suối tối vào hang”. Trong kháng chiến, núi rừng dang rộng cánh tay chở che bom đạn, “Núi giăng thành lũy sắt dày/Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” (Tố Hữu). Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn có thái độ đúng đắn để bảo vệ rừng, dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Sau này, khi về lại Thủ đô, Hồ Chí Minh không chọn cho mình nơi ở là Phủ toàn quyền Đông Dương (cũ), mà chọn ngôi nhà cấp bốn của người thợ điện (1954), nhà sàn (1958) cũng là để được trồng cây, cho cá ăn, gần hơn với thiên nhiên, với môi trường. Dù ở vị trí cao của quyền lực, Người vẫn chọn cho mình lối sống gần gũi với môi trường, “nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi” (1). Có thể thấy, cuộc sống gắn với môi trường, hòa mình vào thiên nhiên còn quan trọng hơn rất nhiều so với sự đủ đầy về vật chất mà đánh đổi thiên nhiên, đánh đổi môi trường.
Thứ hai, thấy được vai trò của môi trường đối với sự tồn tại của con người, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp. Người căn dặn: “muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”(2). Sớm nhận thấy môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chất lượng cuộc sống của con người, sau khi nước nhà giành được độc lập, với bút danh Tân Sinh trong tác phẩm Đời sống mới, Hồ Chí Minh đã nêu lên sự cần thiết phải quan tâm đến việc xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Theo Người, cần “vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi” (3). Người luôn xem việc chăm sóc sức khỏe cho mỗi người dân là yêu cầu quan trọng và “vệ sinh phòng bệnh” là phong trào thi đua yêu nước. Một trong 5 điều Người dạy thiếu niên, nhi đồng là “Giữ gìn vệ sinh thật tốt” cũng là nhằm để xây dựng môi trường tốt cho các thế hệ tiếp nối.
Để có môi trường tốt, cần phải có ý thức bảo vệ, bởi “Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(4). Theo Người, bên cạnh việc chăm lo bảo vệ môi trường thì việc cần được quan tâm nữa đó là trồng cây và bảo vệ rừng. Người chỉ rõ lợi ích của việc trồng cây vừa đảm bảo yếu tố kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài, “vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”(5).
Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, Người thường viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng nhân dân. Trong bài viết cuối cùng về Tết trồng cây, Người chỉ rõ lợi ích to lớn và giá trị lâu dài của nó: “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”(6). Muốn “xây dựng nông thôn mới… thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn. Cũng nên ra sức trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn”(7).
Người kêu gọi nhân dân trồng cây ven biển để bảo vệ đê, làm rừng phòng hộ. Theo Người, phong trào đó phải trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam, phải thường xuyên, liên tục để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Người gọi việc trồng cây là “Tết” như muốn gửi thêm vào đó sự náo nức, tưng bừng, vui tươi của việc trồng cây như lễ hội mùa xuân, tạo nên sức sống, sự phát triển cho một đất nước. Không chỉ nhắc nhở việc trồng cây mà bản thân Hồ Chí Minh luôn nêu gương trong việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên, trồng cây gây rừng. Tự tay Người đã trồng nhiều cây đa mà nhân dân vẫn thường gọi bằng cái tên trìu mến “Cây đa Bác Hồ”. Khi đi thăm nước bạn hoặc đón tiếp nguyên thủ quốc tế đến thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Đó không chỉ thể hiện tình hữu nghị - “cây hữu nghị” mà còn thể hiện tinh thần, ý thức bảo vệ môi trường.
Thứ ba, các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự biến đổi của môi trường là do nhận thức và tác động của con người. Do đó, muốn cải tạo môi trường, làm giảm sự biến đổi của môi trường, tất yếu con người phải thay đổi cách sống, thái độ sống của mình. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, để việc bảo vệ môi trường có hiệu quả, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân. Phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, thì sức mới khỏe; sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốt”(8). Người cũng dành nhiều tâm sức viết bài đăng trên báo Nhân dân kêu gọi trồng cây, bảo vệ môi trường và tôn vinh những tấm gương xuất sắc trong phong trào trồng cây. “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây”(9). Sau này, khi sức khỏe đã giảm sút, Người không quên nhắc nhở việc trồng cây, gửi tặng Huy hiệu cho các cụ già có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, gây rừng.
Với Hồ Chí Minh, bảo vệ môi trường còn phải đi đôi với việc khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, môi trường, bởi đó là tài sản quốc gia, là nguồn lực quan trọng của đất nước. “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại”(10). Người khuyên: “Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(11), “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây, gây rừng ở bờ biển”, “phải chú ý bảo vệ rừng… Tục ngữ nói: “Rừng vàng, biển bạc”. Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”.
Không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, nêu cao tinh thần, ý thức cho người dân mà bằng tấm gương của chính mình, Hồ Chí Minh đã góp phần tôn tạo cho thiên nhiên, môi trường đẹp hơn. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hoả táng”.
Tôi mong rằng cách “hoả táng” dần dần sẽ được phổ biến” (12). Với tầm nhìn xa, trông rộng, nhìn thấy được giá trị mang lại trong tương lai dù tại thời điểm đó “điện táng”, “hỏa táng” chưa phổ biến, nhưng theo Người, như thế “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất”. “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn… Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(13). Điều đặc biệt chúng ta thấy trong quan niệm của Người, cái chết không phải là mất đi một cách vô ích mà là sự tái sinh một giá trị cho tương lai. Đúng như lãnh tụ Cu-ba Phi-đen-Cat-xtơ-rô khẳng định, Hồ Chí Minh “thuộc lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”(14).
2. Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ môi trường tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Hiện nay, môi trường đang là vấn đề nóng cần được đặt ra trên bàn hội nghị, thực tế cho thấy sự biến đổi của môi trường mà tác nhân chính là do con người đã gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ. Biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều thảm họa, đe dọa nghiêm trọng đến các yếu tố an ninh phi truyền thống như an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, y tế. Hiện nay, ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động mà hệ quả là con người đang trở thành nạn nhân của nhiều căn bệnh truyền nhiễm (trong đó đại dịch Covid-19) đã minh chứng thêm cho sự ô nhiễm đó. Ô nhiễm môi trường đã dẫn tới những thảm họa như động động đất, thiên tai, lũ lụt xảy ra với tần suất ngày càng lớn. Lũ lụt miền Trung vào cuối năm 2020 là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp chúng ta nhận thức lại vấn đề bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng và sự nóng lên của trái đất sẽ làm gia tăng nguy cơ đói nghèo do mất an ninh lương thực... Tất cả những hệ lụy đó có thể làm gia tăng sự xáo trộn, đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, đến cuộc sống của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của con người và nhân loại. Vậy, chúng ta phải làm gì trước sự biến đổi mạnh mẽ của môi trường, của những rủi ro, thiệt hại mà môi trường mang lại? Nếu chúng ta không nhận thức đúng và hành động kịp thời thì đó sẽ là những “trở lực” lớn trên con đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) trở đi, vấn đề môi trường được đề cập trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, Đảng ta đã có các chỉ thị, nghị quyết bàn chuyên sâu về bảo vệ môi trường, trong đó phải đề cập đến là Chỉ thị 36/1998/CT-TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường với bốn quan điểm cơ bản. Tiếp đó, Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15.11.2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI (2019) về “Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường”… cho thấy môi trường đang từng bước được quan tâm. Tuy nhiên, phải đến Đại hội XIII của Đảng (2021), vấn đề môi trường mới được đề cập một cách rõ nét, có thể thấy rõ ở những điểm sau:
Một là, môi trường là vấn đề được đề cập xuyên suốt toàn bộ các văn kiện Đại hội XIII. Từ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đến đánh giá thành tựu và hạn chế qua 35 năm đổi mới đất nước(15), từ xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm cho đến xác định nhiệm các vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong thực hiện đường lối của nhiệm kỳ của Đại hội, Đảng đều dành nhiều dung lượng bàn về môi trường(16). Trong 5 bài học kinh nghiệm để đưa đất nước phát triển toàn diện, bài toán giải quyết vấn đề môi trường được được đặt trong mối tương quan với các vấn đề khác: “giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường”(17). Bài học đó tiếp tục được Đảng quán triệt trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”(18), Điều đó cho thấy, vấn đề môi trường liên quan chặt chẽ đến phát triển bền vững của quốc gia, bảo vệ môi trường hiện nay là một trong những mệnh lệnh tối quan trọng, bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường còn quan trọng hơn nhu cầu phát triển. Nếu chỉ chú trọng đến phát triển, phát triển trước, bảo vệ môi trường sau thì tất yếu chúng ta phải trả giá. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải song hành với chú trọng bảo vệ môi trường.
Hai là, cùng với nhận thức đúng về môi trường, Nghị quyết Đại hội XIII còn xác định nhiệm vụ phải bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên;... kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(19). Điểm mới của Nghị quyết Đại hội XIII là gắn phát triển bền vững với giải quyết vấn đề môi trường, là chuyển từ “bị động”, “ứng phó” sang “chủ động thích ứng có hiệu quả”(20). Những khái niệm “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” được bàn đến nhiều, cho thấy việc quan tâm phát triển kinh tế vì con người, nhằm đảm bảo phúc lợi cao nhất cho con người và phát triển phải đi liền với hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái.
Cùng với đó, Đảng đã chú trọng hơn trong việc chuyển đổi phát triển kinh tế tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức “tiết kiệm” và bảo vệ môi trường nhằm hướng tới nền kinh tế sạch, gắn môi trường với “sức khỏe của nhân dân”, môi trường với văn hóa và xã hội. Giải quyết bài toán này là vấn đề cho nhiều thế hệ tương lai bởi Việt Nam đang là quốc gia chịu nhiều tác động do quá trình sử dụng môi trường cũng như biến đổi khí hậu mang lại. Có thể nói, bất cứ một quốc gia nào, muốn phát triển bền vững cần quan tâm và nhận thức đúng đắn vấn đề môi trường, coi trọng vai trò của môi trường đối với đời sống của con người và tiền đồ của dân tộc. Điều mà từ thế kỷ trước Hồ Chí Minh đã đề cập đến.
Một trong những điều kiện để bảo vệ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, môi trường cũng được Đảng ta dành nhiều dung lượng đề cập, những cụm từ, thuật ngữ được sử dụng trong Nghị quyết đã thể hiện sự quyết liệt của Đảng trong giải quyết vấn đề môi trường: “giải quyết hài hòa”, “phòng ngừa, kiểm soát”, “bảo vệ, phát triển”, “Tăng cường và thực thi”, “kiên quyết loại bỏ”, “xử lý nghiêm” các hành vi vi phạm về môi trường, “chủ động giám sát, ứng phó”, ai gây ô nhiễm môi trường thì phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả… Tất cả những điều đó cho thấy Đảng đã có quyết tâm chính trị cao để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thực tiễn vấn đề môi trường. Bảo vệ môi trường trở thành một trong ba trụ cột trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của nước ta - phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng có hiệu quả bền vững với biến đổi khí hậu. Phát triển hôm nay nhưng không làm tổn thương đến phát triển tương lai, mang lại lợi ích tối ưu cho con người, vì con người.
Có thể thấy, môi trường là vấn đề không riêng của bất cứ quốc gia nào, nhận thức và bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, sự chung sức của cộng đồng. Cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức để từ đó thay đổi hành vi, lối sống văn hóa, sự ứng xử của con người đối với môi trường. Song hành với nhận thức còn cần phải có chính sách khai thác và sử dụng có hiệu quả các yếu tố môi trường. Chuyển phương thức phát triển kinh tế từ mô hình cũ sang mô hình mới - mô hình “kinh tế xanh”, phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho con người mà cùng với đó là cân bằng hệ sinh thái và môi trường. Phát triển nhưng không làm tổn hại đến môi trường. Hơn thế nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng cộng nghiệp lần thứ tư, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, quan trắc, giám sát, điều tra liên quan đến vấn đề môi trường. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường, cần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chế tài để đủ sức răn đe đối với mọi hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường, gắn môi trường với trách nhiệm của người đứng đầu, của các tổ chức và cá nhân. Đi cùng với đó cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi chỉ khi nhận thức được đầy đủ, đời sống được đảm bảo, nhân dân mới ý thức trách nhiệm cũng như là lực lượng để bảo vệ môi trường tốt nhất./.
________________________________________________
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.4, tr.187.
(2), (8), (9) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.13, tr.105 - 106, 82, 541.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.119.
(4), (7), (10), (11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.14, tr.165, tr.446, 165, 165.
(5), (6) Hồ Chí Minh (2011), Sđd T.12, tr.337 - 338, 336 - 337.
(12), (13) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.613.
(14) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chí Minh (1970), Nxb. Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.27.
(15), (16), (17), (20) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.I, tr.66 - 86, 116, 152, 202, 273, 29.
(18), (19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.II, tr.337, 330 - 331.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 12/2021
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Sách tinh gọn, hay sách tóm tắt, là một sản phẩm tuy không mới nhưng do sự phát triển của các nền tảng số cũng như mạng xã hội mà đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này còn có nhiều vấn đề, như chưa tạo ra được lợi nhuận trực tiếp, dễ bị vi phạm bản quyền, các chế tài và quy định pháp luật tuy đã có nhưng chưa được cập nhật với tình hình thực tế, các đơn vị xuất bản vẫn còn e dè chưa phát triển mạnh. Do vậy, cần nâng cao vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành - trung gian kết nối các yếu tố trong hoạt động khai thác sách tinh gọn cũng như những sản phẩm phái sinh. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng cần đi đầu trong khai thác bản quyền, xây dựng hệ thống nhân sự chuyên nghiệp, giáo dục và tuyên truyền đến các tác giả nhằm phát triển hoạt động khai sách tinh gọn cho thị trường xuất bản Việt Nam.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận