Có một nhà ngoại giao Phạm Ngọc Thạch
Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), sinh tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1935, về quê mở bệnh viện tư. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 5.1945, có nhiều đóng góp cho phong trào Thanh niên Tiền phong. Tại Đại hội đại biểu Quốc dân Việt Nam họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được cử vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Khi Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời, ông là một trong 15 thành viên của Nội các thống nhất, được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế (28.8.1945), sinh hoạt đảng tại Chi bộ Văn phòng Chủ tịch Chính phủ. Trong biên bản các kỳ họp Hội đồng Chính phủ, nhiều ý kiến của ông được ghi nhận. Đáng chú ý nhất là đề nghị của ông tại phiên họp diễn ra vào chiều ngày 14.11.1945 về việc thành lập Ban Cố vấn tìm nhân tài cho đất nước để hưởng ứng bài báo Nhân tài và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa công bố trên tờ Cứu quốc phát hành buổi sáng. Căn cứ đề nghị của ông, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và các cụ Bùi Bằng Đoàn, Lê Hữu Từ, Ngô Tử Hạ, Lê Đại, Bùi Kỷ vào Ban Cố vấn.
Đầu năm 1946, Phạm Ngọc Thạch nhận nhiệm vụ trở lại Nam Bộ công tác.
Sau Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946, đại diện Chính phủ Pháp là J.Sanhtơny yêu cầu với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mở cuộc thương thuyết trù bị tại Đà Lạt và được chấp nhận. Phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm 12 đại biểu và 12 cố vấn do Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn. Trong số đại biểu của đoàn, Phạm Ngọc Thạch là một thành viên.
Thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn trở để Phạm Ngọc Thạch không thể đến được Đà Lạt vì không muốn hội nghị có đại diện kháng chiến Nam Bộ. Khi ấy, Phạm Ngọc Thạch đang ở Chiến khu ngoài bưng biền đã bí mật về Sài Gòn, nhờ A.Canác – nhân viên Câu lạc bộ Nghiên cứu chủ nghĩa Mác gửi quá giang một đoàn xe quân sự Pháp đang trên đường tới Đà Lạt. Ngày 22.4.1946, ông tới khách sạn Lang Bian, kịp dự hội nghị. Sự có mặt của đại diện kháng chiến Nam Bộ khiến cho phía Pháp hết sức lúng túng. Trưa ngày 24.4.1946, khi ông đang ở khách sạn Đuypắc thì bị sĩ quan quân đội và mật thám Pháp bắt giữ, đưa về Sài Gòn, tìm mọi cách thuyết phục ông theo chúng, nhưng thất bại. Chúng còn cho tay chân đập phá phòng khám bệnh của ông.
Ngày 24.4.1946, Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao phản kháng về việc người Pháp bắt ông Phạm Ngọc Thạch. Ngày 25.4.1946, nhà đương cục Pháp phải đưa ông ra Hà Nội trả lại tự do.
Ngày 19.11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cử với Hội đồng Chính phủ để ông giữ chức Thứ trưởng Chủ tịch Phủ và được chấp nhận. Ngày 21.11.1946, Người ký sắc lệnh số 216-SL thi hành sự chấp thuận trên và ông Phạm Ngọc Thạch chính thức điều khiển mọi công việc của văn phòng kể từ thời điểm này.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ nhiệm ông vào công tác tại chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, do nhiều công việc bộn bề, ông vẫn phải tiếp tục cương vị Thứ trưởng Chủ tịch Phủ trong suốt một thời gian dài sau đó.
Tháng 5.1947, Thứ trưởng Chủ tịch phủ Phạm Ngọc Thạch được cử đi bang giao với Nam Dương quần đảo. Đối với Thái Lan, Phái viên quán Việt Nam thành lập từ tháng 8.1946 tại Băng Cốc vẫn hoạt động mạnh trong việc liên hệ Chính phủ và cơ quan đại diện nước ngoài; với Việt kiều ở Nam Mỹ, Tân Đảo, Tân Thế giới. Số người làm việc ở Phái viên quán có tới 30-40 người thường xuyên chuyển về Việt Bắc bằng điện đài các bài phỏng vấn của các nhà báo quốc tế và chuyển các câu trả lời từ trong nước bằng tiếng Anh cho các nhà báo. Băng Cốc đã trở thành đầu mối quốc tế để mở rộng hoạt động của Việt Nam ở hải ngoại. Từ Phái viên quán ở Băng Cốc, Thứ trưởng Chủ tịch phủ Phạm Ngọc Thạch đã tới Nam Dương.
Sau đó tuyên bố của đại diện Chính phủ ta tại Thái Lan nêu rõ: để gây ấn tượng đối với Pháp, Việt Nam cần có sự ủng hộ về nguyên tắc của người Nga và các cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ Liên Xô với ông Trần Văn Giầu tại Băng Cốc và Tân Đêli, cam kết sẽ có cuộc gặp kín vào mùa thu tại châu Âu, tháng 9.1947, Chính phủ cử Thứ trưởng Chủ tịch Phủ Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam bay đến Thuỵ Sĩ để hội đàm với phái viên Chính phủ Xô Viết, chuyển thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Xtalin yêu cầu viện trợ cho Việt Nam về tài chính, quân sự và đưa vấn đề xung đột Việt - Pháp ra Liên hợp quốc. Cuộc hội đàm được Bộ Ngoại giao Liên Xô đánh giá là có tác dụng giúp cho các nhà lãnh đạo Liên Xô cảm nhận được chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương bắt rễ sâu xa hơn bất cứ nước nào ở Viễn Đông(1).
Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tranh thủ quốc tế. Tháng 1.1948, Chính phủ cử Thứ trưởng Chủ tịch Phủ Phạm Ngọc Thạch làm đặc phái viên sang dự lễ tuyên bố độc lập của Diến Điện, kết hợp thăm Thái Lan và ấn Độ. Tại Niu Đêli, ông Phạm Ngọc Thạch đã chuyển tới Chính phủ ấn Độ lời chia buồn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về việc lãnh tụ Găngđi từ trần.
Đáp lại chuyến thăm của đặc phái viên Phạm Ngọc Thạch, một đoàn đại biểu của Diến Điện gồm thành viên cao cấp của Chính phủ và đại diện các đoàn thể đã sang thăm vùng tự do Liên khu IV và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng. Tháng 2.1948, Chính phủ đã cử cán bộ đến Rănggun lập cơ quan đại diện, với sự giúp đỡ về cơ sở vật chất của Chính phủ Diến Điện, được hưởng quy chế ngoại giao, lập được phòng thông tin, có điện đài liên hệ với Việt Bắc để cung cấp kịp thời tin tức quốc tế cho Chính phủ, được Chính phủ Diến Điện đài thọ mọi chi phí hoạt động và quyết định giúp Việt Nam 500 khẩu súng. Cũng trong tháng 2.1948, Đại hội thanh niên Đông Nam á họp tại Cancutta (Ấn Độ), đại diện thanh niên thế giới và Liên hiệp công đoàn thế giới mời Việt Nam cử đại diện đến Tiệp Khắc(2). Một đoàn cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế được thành lập tại Việt Bắc để ra nước ngoài hoạt động. Đoàn gồm 10 cán bộ trẻ, biết ngoại ngữ, khi tới Băng Cốc đã sáp nhập với một số thanh niên sinh viên từ Nam Bộ sang, chia ra để tăng cường cho các cơ quan ở Băng Cốc, Rănggun và làm đại diện cho tổ chức công đoàn, thanh niên và sinh viên Việt Nam ở Praha (Tiệp Khắc). Tháng 5.1948, ông Phạm Ngọc Thạch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhân sự kiện này, ngày 4.6.1948, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã chuyển tới Bộ Nội vụ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính các khu 1, 3, 4 và 10 bài viết Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã về nước để cho phát thanh và đăng báo với nội dung như sau:
“Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, sau khi đi công tác ở Nam Đông á , sau khi yết kiến Hồ Chủ tịch để báo cáo công tác xong, có tuyên bố với phóng viên Tiếng nói Việt Nam:
- Nhờ cuộc chiến đấu anh dũng của toàn thể nhân dân và nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Việt Nam đã gây được nhiều thiện cảm với các nước anh em ở Nam Đông á và nhiều nước khác trên thế giới. Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay đã được tiêu biểu tinh thần dũng cảm của một dân tộc đồng tâm nhất trí quyết giành độc lập. Nhờ sự cộng tác của các phái đoàn của Chính phủ ta ở hải ngoại, sự chiến đấu oanh liệt của Việt Nam đã được thế giới biết và hiểu, ngoại quốc và bất kỳ nước nào cũng đều thấy rõ con đường tuyệt vọng của thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngày nay ta không chiến đấu lẻ loi, trái lại được sự ủng hộ của các bạn trên thế giới, nhất là ở các nước Nam Đông á và ngay ở bên Pháp nữa. Ta đã đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm cho nên nhất định Việt Nam sẽ thống nhất và độc lập thực sự trên nền tảng dân chủ và hoà bình thế giới”(3).
Những đóng góp của Thứ trưởng Chủ tịch Phủ Phạm Ngọc Thạch đã tạo tiền đề để từ giữa năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng cử một cán bộ cao cấp làm đặc phái viên của Chính phủ và đại diện Đảng ở hải ngoại với trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại ở Đông Nam á và châu Âu.
Ngày 15.9.1948, hoàn thành những nhiệm vụ lớn về đối ngoại được giao, Phạm Ngọc Thạch lên đường vào Nam với cương vị Trưởng đoàn đại diện Chính phủ đi uý lạo đồng bào và chiến sĩ, kiểm tra công tác kháng chiến và hành chính Nam Bộ, mang theo 4 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi: Đồng bào Nam Bộ; các Uỷ viên UBKCHC Nam Bộ; các tỉnh, quận và xã ở Nam Bộ; các cháu nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ.
Cùng vào chiến trường Nam Bộ còn có phái đoàn Trung ương Đảng do ông Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn; đại diện cho Bộ Tổng chỉ huy là ông Dương Quốc Chính (Lê Hiến Mai); xuất phát từ sông Lô, xuôi sông Hồng, qua sông Đáy, tới Vân Đình (Hà Đông) thì dừng lại tại căn cứ của Khu uỷ khu 3. Sau khi nghỉ ngơi chừng 10 ngày, lấy thêm cán bộ giúp việc đoàn đã có gần 30 thành viên gồm thư ký, y sĩ, bảo vệ, cần vụ – trong đó đông nhất là cán bộ quân sự. Lúc này, phái đoàn Nam Bộ do ông Trần Bửu Kiếm cũng vừa tới Vân Đình.
Ông Lê Toàn Thư – Thư ký phái đoàn Trung ương Đảng nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi được đi chung một chặng đường dài từ Việt Bắc vào Nam Bộ với đồng chí Phạm Ngọc Thạch mà tôi vô cùng thân thương, quý mến và kính phục.
Sắp tròn 50 năm rồi, tôi còn nhớ như in hình ảnh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tươi vui, mặc quân phục, chân đi giày săng đá (giày của lính Tây, đế có đinh để bám đất nhưng đi trên suối đá lởm chởm thì trơn trượt), vai quàng cây súng cabin báng xếp, băng rừng chịu đựng gian khổ hơn ai hết… Thật là một đồng chí tuyệt vời.”
Tại căn cứ của Khu uỷ khu 4, đoàn dừng lại vài ngày để làm lễ trao quân hàm Thiếu tướng cho ông Nguyễn Sơn. “Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất phái đoàn Chính phủ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn hoạt động công khai trước công chúng. Từ sau đó, phái đoàn Trung ương Đảng cũng như Chính phủ chỉ làm việc nội bộ với các đồng chí Khu uỷ, Tỉnh uỷ và phụ trách chính quyền, quân đội dọc đường đi”(4), ông Lê Toàn Thư hồi nhớ.
Từ Bố Trạch (Quảng Bình), chặng đường bắt đầu gian khổ. Tới Bắc Khánh Hoà, đoàn chia thành hai, theo đường biển từ Hòn Hèo vào Xuyên Mộc (Bà Rịa) để tới Đồng Tháp Mười và số còn lại tiếp tục băng rừng núi để tới căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ.
Thứ trưởng Chủ tịch Phủ Phạm Ngọc Thạch đã trình bày với UBKCHC Nam Bộ chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Theo yêu cầu tha thiết của UBKCHC Nam Bộ và được sự đồng ý của các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, ông Phạm Ngọc Thạch về nhận nhiệm vụ tại Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và Đông Nam Bộ.
Mặc dù ông Phạm Ngọc Thạch nhận nhiệm vụ mới từ giữa tháng 9.1948 nhưng phải tới hai năm sau, vào ngày 1.9.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới ký Nghị định số 1/HĐCP của Hội đồng Chính phủ đồng ý để ông thôi chức Thứ trưởng Chủ tịch Phủ và cử ông giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Sài Gòn – Gia Định.
Hoà bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, trở lại cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế. Đầu năm 1962, Phạm Ngọc Thạch xuất hiện ở Pari – Thủ đô nước Pháp để dự một hội nghị quốc tế các chuyên gia có tên tuổi chuyên về bệnh lao phổi. Sự hiện diện của ông cũng đồng nghĩa với sự có mặt đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà viếng thăm nước Pháp kể từ năm 1946. Ngoài nhiệm vụ chính trên đây, ông còn được giao trách nhiệm thăm dò thái độ của Bảo Đại trước tình hình sắp có những biến cố lớn ở miền Nam Việt Nam.
Mùa hè năm 1963, Phạm Ngọc Thạch đến Pari lần thứ hai với nhiệm vụ vận động Chính phủ của Tổng thống Đờ Gôn trợ giúp Việt Nam, tuyên bố công khai việc không tán thành chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Tháng 9.1964, cùng với các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, ông xuất hiện ở Pari lần thứ ba, tiếp xúc với nhiều Việt kiều, tìm hiểu thái độ của Pháp, kiến tạo một cuộc thương thuyết trực tiếp giữa Hà Nội và Oasinhtơn.
Ngày 7.11.1968, Phạm Ngọc Thạch hy sinh trên chiến trường miền Nam. Xung quanh ông, chắc chắn còn nhiều bí mật mà trong phạm vi bài báo nhỏ này, chúng tôi chưa thể đề cập hết được. Hy vọng vào một dịp nào đó chúng ta trở lại những câu chuyện về vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
______________________________
(1) Benoit de Treglode, Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô (Đào Hùng lược dịch), Xưa Nay, số 73 (4.2000), tr.9.
(2) Phái đoàn thanh niên Việt Nam dự Đại hội điện gửi Liên đoàn thanh niên Việt Nam, cho biết dự hội nghị có đại biểu 10 nước với khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng có điểm chung là mục tiêu đấu tranh chống đế quốc để giành độc lập và dân chủ. Ký tên dưới bức điện là các đại biểu Lê Tam, Trương Văn Thu, Nguyễn Hồng Pho, Lý Văn Sinh, Nguyễn Duy Cương, Trần Văn Một tức Hoàng Thịnh và quan sát viên Nguyễn Đức Quỳ.
(3) Văn bản số 1418/m do phụ trách báo chí Văn phòng Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Vĩnh ký, ngày 4.5.1948. Tài liệu lưu tại Văn phòng Chính phủ. Trong tháng 7 và 8.1948, Thứ trưởng Chủ tịch Phủ tiếp tục cương vị của mình, ký một số Thông tư và văn bản gửi Uỷ ban Kháng chiến Hành chính các cấp, tham dự một số phiên họp Hội đồng Chính phủ, gửi mật điện cho Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, yêu cầu sửa đổi chương trình của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đề nghị giữ nguyên buổi phát thanh bằng tiếng Khơme, gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, ra thông cáo cảm ơn các ngành các cấp nhân kỷ niệm cách mạng tháng 8 và ngày Độc lập.
(4) Lê Toàn Thư, Đi theo Phái đoàn đầu tiên của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ kháng chiến. In trong Nam bộ thành đồng đi trước về sau, Nxb CTQG, H., 1999, tr.126-132.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 6 (tháng 11+12)/2005
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận