Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ Việt Nam hiện nay
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, trì hoãn kết hôn đang dần trở thành một trào lưu phổ biến ở Việt Nam. Các quan niệm về hôn nhân ở giới trẻ hoàn toàn đối lập với các quan niệm truyền thống trước đây về việc lập gia đình, sinh con nối dõi tông đường. Thay vì vội vàng tiến vào cuộc sống gia đình, nhiều người trẻ ngày nay ưu tiên phát triển bản thân, sự nghiệp và xây dựng tài chính hơn là sớm bước vào cuộc sống hôn (Kelly Musick, Jennie E. Brand và Dwight Davis, 2012)(2). Tại Việt Nam theo Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục thống kê(3), độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình tại trong 3 năm gần đây có sự gia tăng với con số 26,2 năm 2021, 26,9 năm 2022 và 27,2 năm 2023. Đặc biệt, khu vực thành thị có độ tuổi kết hôn rất muộn điển hình như Hà Nội năm 2023 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 27,88 và thành phố Hồ Chí Minh đỉnh điểm năm 2023 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,41 tuổi – con số này đã vượt mức 30 tuổi và có thể còn tiếp tục tăng lên.
Trì hoãn kết hôn dù mang lại nhiều cơ hội tích cực cho người trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đáng kể đến cá nhân. Khi quyết định có con, những thách thức về sức khỏe sinh sản lại trở thành một nỗi lo lớn do khả năng sinh sản giảm dần theo tuổi tác, khiến nhiều người phụ nữ phải đối mặt với những lo lắng liên quan đến việc sinh con. Bên cạnh đó, kết hôn sớm hay muộn không chỉ là câu chuyện của cá nhân mà xét về vĩ mô, điều này gây nhiều hệ lụy liên quan cho xã hội như giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số. Từ đó, kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.
Cho đến hiện tại, nhìn chung, tuy sử dụng mô hình và phương pháp nghiên cứu khác nhau, song các bài nghiên cứu trước đó cả trong này ngoài nước đều chỉ ra những nhân tố then chốt gây ra ảnh hưởng đến quyết định về hành vi trì hoãn kết hôn như trình độ học vấn (Joshua R. Goldstein & Catherine T. Kenney, 2001)(4), (Mastur H. Rehim, Khawlah M. AL-Tkhayneh & Tamim A Jabarah, 2023)(5); việc làm (Martin Piotrowski và các cộng sự, 2015)(6); những vấn đề liên quan đến tài chính (Bun Song Lee, Jennifer Klein, Mark Wohar & Sangsin Kim, 2020)(7); vùng địa lý (Nguyễn Hữu Minh, 1997)(8), (Molalign Gualu Gobena & Yihenew Mitiku Alemu, 2022)(9)... Vậy lý do những năm gần đây giới trẻ Việt Nam có xu hướng trì hoãn kết hôn là gì? Những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi trên? Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đó tới hành vi này như thế nào? Để trả lời các câu hỏi này đòi hỏi phải xác định các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đó đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ.
2. Phương pháp nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong độ tuổi 18 đến 35 tuổi với mọi giới tính. Sau quá trình thu thập và chọn lọc, số mẫu nghiên cứu cuối cùng là 736 người. Nhóm này được lựa chọn vì họ đang trong giai đoạn có xu hướng hình thành và ra quyết định về hôn nhân.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi cả nước, bao gồm cả khu vực nông thôn và thành thị, nhằm đảm bảo tính đại diện và phản ánh khách quan tình hình thức tế. Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 6 tháng (từ tháng 09/2024 đến 03/2025).
2.3. Phương pháp thu thập số liệu
Thu thập thông tin thứ cấp dựa vào số liệu từ Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình cùng số liệu nhân khẩu học của Tổng cục thống kê. Thu thập thông tin sơ cấp thông qua phương pháp điều tra bảng hỏi.
2.4. Phương pháp xử lý thông tin
Dữ liệu được thu thập chủ yếu thông qua bảng hỏi khảo sát, được phân phối trực tuyến và trực tiếp. Bảng khảo sát được thực hiện trên nền tảng Google Form. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được nhập và làm sạch để loại bỏ các phản hồi không hợp lệ. Phân tích số liệu được thực hiện bằng phần mềm SPSS 27 với các phương pháp thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích tương quan Pearson, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy đa biến tuyến tính. Mức ý nghĩa thống kê được chọn là 0,05 đảm bảo độ tin cậy cao cho kết quả phân tích.
2.5. Giả thuyết nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng hai nhóm biến chính: biến phụ thuộc và biến độc lập. Biến phụ thuộc là hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ và biến độc lập gồm những nhân tố trình độ học vấn, nền tảng gia đình, địa lý, chi phí sinh hoạt, thu nhập, nghề nghiệp và truyền thông.
Bộ câu hỏi khảo sát sử dụng thang đo Likert 5 (Ankur Joshi, Saket Kale, Satish Chandel & D. P. Kal, 2015)(10) mức độ để đo lường thái độ và quan điểm của người tham gia về các nhân tố trên. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được tổng hợp và xử lý để đảm bảo tính chính xác trong phân tích.
Hình 1: Mô hình đề xuất nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn

Mô hình nghiên cứu trên nhằm kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ tại Việt Nam với biến phụ thuộc “Trì hoãn kết hôn ở giới trẻ tại Việt Nam” cùng 7 biến độc lập: địa lý, trình độ học vấn, chi phí sinh hoạt, thu nhập, nghề nghiệp, nền tảng gia đình và truyền thông. Các biến độc lập được đo lường bằng thang đo likert 5 mức độ. Các cặp giả thuyết được nghiên cứu như sau:
Giả thuyết 1:
H0: Trình độ học vấn không có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Trình độ học vấn có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 2:
H0: Nền tảng gia đình không tốt không có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Nền tảng gia đình không tốt có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 3:
H0: Yếu tố địa lý không có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Yếu tố địa lý có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 4:
H0: Chi phí sinh hoạt không có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Chi phí sinh hoạt có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 5:
H0: Thu nhập không có tác động ngược chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Thu nhập có tác động ngược chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 6:
H0: Nghề nghiệp ổn định không có tác động ngược chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Nghề nghiệp ổn định có tác động ngược chiều với hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Giả thuyết 7:
H0: Tần suất tiếp xúc với truyền thông không có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
H1: Tần suất tiếp xúc với truyền thông có tác động thuận chiều đến hành vi trì hoãn kết hôn ở giới trẻ Việt Nam
Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp định lượng với mô hình phân tích thống kê nhằm đánh giá mối quan hệ giữa hành vi trì hoãn kết hôn và các yếu tố liên quan. Cỡ mẫu được xác định theo hai phương pháp: theo phân tích nhân tố khám phá (EFA), cỡ mẫu tối thiểu là 205 (n=5*số biến, với 41 biến quan sát); theo phương pháp hồi quy đa biến tuyến tính, cỡ mẫu tối thiểu là 378 (n = 50 + 8*số biến). Sau quá trình thu thập thực tế, số mẫu cuối cùng đạt 736, đảm bảo tính đại diện và độ tin cậy của dữ liệu.
Phương pháp chọn mẫu sử dụng kỹ thuật chọn mẫu ngẫu nhiên. Đối tượng tham gia được chọn ngẫu nhiên từ các nền tảng khảo sát trực tuyến và khảo sát trực tiếp tại một số địa điểm công cộng. Việc chọn mẫu ngẫu nhiên giúp đảm bảo tính khách quan trong thu thập dữ liệu và phản ánh đa dạng quan điểm của người trẻ ở nhiều khu vực khác nhau.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Nhóm tác giả đã kiểm định độ tin cậy của những nhân tố này bằng cách dùng phân tích Cronbach’s Alpha. Theo mô hình nghiên cứu, có 7 thang đo biến độc lập gồm 37 biến quan sát và 1 thang đo biến phụ thuộc gồm 4 biến quan sát thể hiện sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ ngày nay. Nhóm tác giả đã kiểm định độ tin cậy của những nhân tố này bằng cách dùng phân tích Cronbach’s Alpha.
Kết quả ở bảng cho thấy, các thang đo đều có hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6. Hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều đạt độ tin cậy.
Bảng 1: Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha

(Nguồn: Tác giả tổng hợp khảo sát trên phần mềm SPSS)
3.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Trước khi đi sâu vào các mối liên hệ cụ thể, nghiên cứu đã thực hiện một bước quan trọng gọi là Phân tích nhân tố khám phá (EFA). Mục đích của phân tích này là để sàng lọc hàng loạt các thông tin thu thập được, sau đó nhóm chúng lại thành những "nhóm yếu tố" chính, có ý nghĩa và liên hệ chặt chẽ với nhau.
3.2.1. Kiểm định đối với biến độc lập
Để hiểu rõ hơn về những yếu tố có thể tác động đến quyết định trì hoãn kết hôn, nhóm đã tiến hành kiểm tra dữ liệu khảo sát nhằm tìm ra các nhóm yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Kết quả cho thấy rằng các nhóm yếu tố được xác định là rất phù hợp và có ý nghĩa rõ ràng. Qua đó, quá trình tổng hợp cho thấy có 7 nhóm yếu tố chính ảnh hưởng tới hành vi trì hoãn kết hôn, và 7 nhóm này đã giải thích được hơn 70% sự khác biệt trong toàn bộ dữ liệu khảo sát. Đây là một tỷ lệ rất đáng tin cậy, chứng tỏ rằng những nhóm yếu tố này bao quát tốt các lý do khác nhau khiến một người có xu hướng trì hoãn việc kết hôn.
3.2.2. Kiểm định đối với biến phụ thuộc
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra mức độ phù hợp của dữ liệu để đảm bảo rằng các câu hỏi trong khảo sát thực sự đo lường được yếu tố cần tìm. Kết quả cho thấy rằng các câu hỏi có liên kết khá chặt chẽ với nhau. Thêm vào đó, một nhóm câu hỏi chính được xác định có thể giải thích đến gần 76% sự thay đổi trong câu trả lời của người tham gia khảo sát. Đây là một tỷ lệ rất đáng tin cậy, cho thấy rằng nhóm yếu tố này phản ánh đúng và rõ ràng những điều người trả lời đang suy nghĩ hay trải nghiệm.
Cuối cùng, các câu hỏi trong nhóm đều thể hiện sự thống nhất, có xu hướng đo lường cùng một khía cạnh cụ thể – điều này giúp đảm bảo rằng dữ liệu thu được có độ tin cậy và có thể sử dụng cho phân tích sau đó.
3.3. Phân tích tương quan Pearson
Phân tích tương quan là cách nhóm tác giả tìm hiểu xem các nhân tố có mối liên hệ như thế nào tới việc trì hoãn kết hôn và mức độ mạnh yếu của mối liên hệ đó ra sao. Bằng việc dùng dữ liệu quan sát để suy ra chỉ số mối liên hệ r, chỉ số này nằm trong khoảng [-1;1].
Kết quả kiểm định cho thấy tất cả bảy nhân tố đều có ảnh hưởng tới hành vi trì hoãn và nhóm nhận thấy rằng không phải mọi nhân tố đều có sức ảnh hưởng như nhau. Theo đó, mối liên hệ giữa việc trì hoãn kết hôn và các yếu tố như Trình độ học vấn, Thu nhập, Nghề nghiệp và truyền thông nằm ở mức trung bình, với |r| từ 0,3 đến dưới 0,5. Điều này có nghĩa là chúng có ảnh hưởng nhất định, nhưng không phải các nhân tố chi phối hoàn toàn việc thay đổi trong hành vi trì hoãn. Tuy nhiên, ba nhân tố còn lại cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ và rõ ràng hơn đáng kể. Đó là Nền tảng gia đình, Địa lý và Chi phí sinh hoạt. Các chỉ số mối liên hệ |r| của nhóm này đạt từ 0,5 trở lên, cho thấy sức ảnh hưởng đáng kể của chúng tới xu hướng kết hôn muộn.
Đáng chú ý, 5/7 các nhân tố bao gồm: Trình độ học vấn, Nền tảng gia đình, Địa lý, Chi phí sinh hoạt và Truyền thông đều có tác động “cùng chiều” với việc trì hoãn kết hôn với r > 0. Điều này có nghĩa là, khi những yếu tố này có xu hướng tăng lên hoặc tốt hơn, khả năng giới trẻ trì hoãn việc lập gia đình cũng sẽ tăng theo và ngược lại.
Tuy nhiên, 2 nhân tố là Thu nhập và Nghề nghiệp lại cho thấy xu hướng ngược lại. Chúng tác động “ngược chiều” với r < 0, tức là khi thu nhập tăng hoặc nghề nghiệp ổn phát triển, hành vi trì hoãn kết hôn có thể có xu hướng giảm đi và ngược lại. Điều này ngụ ý rằng sự ổn định về tài chính và công việc có thể khuyến khích người trẻ sớm tính đến chuyện lập gia đình hơn.
3.4. Phân tích hồi quy
Mô hình hồi quy được ước lượng nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi trì hoãn kết hôn.
Bảng 2: Kết quả ước lượng mô hình hồi quy

Hàm hồi quy mẫu:

Có 5/7 nhân tố trong mô hình hồi quy có tác động tích cực đến hành vi trì hoãn hôn nhân của giới trẻ Việt Nam, trong đó địa lý (+0,261) và nền tảng gia đình (+0,259) là hai yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất. Chi phí sinh hoạt (+0,167) và trình độ học vấn (+0,121) có tác động trung bình, trong khi truyền thông (+0,082) có ảnh hưởng yếu. Ngược lại, thu nhập (-0,110) và nghề nghiệp (-0,058) có tác động tiêu cực, cho thấy thu nhập cao và công việc ổn định làm giảm xu hướng trì hoãn hôn nhân. Dù tác động này không quá mạnh, nhưng vẫn đáng chú ý.
Bảng 3: Kết quả hồi quy tuyến tính đa biến

(Nguồn: Tác giả tổng hợp khảo sát trên phần mềm SPSS)
Bảng 4: Bảng kết quả phân tích phương sai (ANOVA)

Kết quả cho thấy mức độ liên kết giữa các yếu tố trong mô hình khá chặt chẽ (R = 0,740). Các nhân tố có thể giải thích khoảng 54,8% sự thay đổi trong hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ (R² = 0,548).
Bảng 5: Bảng kết quả thống kê phần dư (Residuals Statistics)

Kết quả cho thấy các giá trị dự báo của mô hình nằm trong khoảng từ 1,51 đến 4,49, với mức trung bình là khoảng 3,60. Nhìn chung, mô hình không có sai lệch lớn, cho thấy kết quả đáng tin cậy.
3.5. Kiểm định Chi bình phương (Chi-square)
Phép kiểm định Chi bình phương được dùng để xem xét mối liên hệ giữa công việc hiện tại của người trẻ và quan điểm của họ về việc kết hôn với người chưa có công việc ổn định.
Kết quả cho thấy, những người có công việc rất ổn định thường suy nghĩ thoáng hơn: 46,8% trong nhóm này sẵn sàng kết hôn nếu đối phương có định hướng phát triển rõ ràng, dù công việc chưa ổn định. Trong khi đó, những người có việc làm ổn định ở mức trung bình hoặc không chắc chắn lại cẩn trọng hơn: khoảng 42% trong số họ muốn đối phương có công việc vững vàng trước khi cưới. Đặc biệt, nhóm có công việc không ổn định tỏ ra lo ngại hơn, với 43,9% cho rằng đối phương nên có công việc ổn định. Nhóm đang thất nghiệp hoặc làm việc thời vụ cũng khá dè dặt, chỉ 41,7% sẵn sàng chấp nhận đối phương chưa ổn định, tuy nhiên vẫn có tới 58,3% coi trọng phẩm chất và định hướng tương lai hơn là công việc hiện tại.
Bảng 6: Kết quả kiểm định Chi-square về mối tương quan giữa các nhóm mức độ ổn định công việc với ý kiến chấp nhận kết hôn với người không có công việc ổn định

Kết quả kiểm định cho thấy mức độ ổn định trong công việc hiện tại của mỗi người có ảnh hưởng rõ rệt đến cách họ nhìn nhận việc kết hôn với người chưa ổn định về công việc.
3.6. Phân tích phương sai một yếu tố (Oneway)
3.6.1. Trì hoãn và vùng miền
Bảng 7: Kết quả kiểm định mạnh về sự bằng nhau của trung bình cho trì hoãn kết hôn theo vùng miền

Kết quả kiểm định cho thấy sự khác biệt rõ rệt về hành vi trì hoãn kết hôn giữa các vùng miền, với giá trị Sig. = 0,000 < 0,05. Điều này có nghĩa là vùng miền có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định kết hôn của giới trẻ.
3.6.2. Chi phí sinh hoạt với Giới tính
Để tìm hiểu ảnh hưởng của chi phí sinh hoạt đến hành vi trì hoãn kết hôn giữa các nhóm giới có khác nhau hay không, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm định sự khác biệt trung bình. Kết quả kiểm định cho thấy Sig kiểm định Welch bằng 0,026<0,05. Điều này cho thấy có sự khác biệt về ảnh hưởng của chi phí sinh hoạt đến hành vi trì hoãn kết hôn giữa nam và nữ.
Bảng 8: Thống kê mô tả chi phí sinh hoạt theo giới tính

Từ bảng thống kê mô tả có thể thấy, giá trị trung bình ở nữ cao hơn nam. Cụ thể, giá trị trung bình của nữ là 3,3714, trong khi đó giá trị trung bình của nam là 3,2876. Điều này phản ánh rằng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của nữ nhiều hơn của nam. Chi phí sinh hoạt cao hơn có thể là một trong những yếu tố khiến phụ nữ cân nhắc nhiều hơn trước khi tiến tới hôn nhân.
3.6.3. Mức độ ổn định của nghề nghiệp và biến nghề nghiệp
Bảng 9: Thống kê mô tả cho nhân tố nghề nghiệp theo mức độ ổn định của công việc

Kết quả thống kê mô tả cho thấy mức độ ổn định nghề nghiệp có ảnh hưởng đến quyết định kết hôn. Cụ thể, nhóm “Rất ổn định” có điểm trung bình thấp nhất (1,91), trong khi nhóm “Hoàn toàn không ổn định” có điểm trung bình cao nhất (4,64). Điều này cho thấy những người có nghề nghiệp không ổn định đánh giá cao hơn sự ảnh hưởng của mức độ ổn định nghề nghiệp đến quyết định kết hôn của họ.
Bảng 10: Phân tích phương sai một chiều (One-way ANOVA) cho nhân tố nghề nghiệp theo mức độ ổn định của nghề nghiệp

Kết quả Welch Test cho thấy giá trị Sig=0,000<0,05, khẳng định rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm. Nghề nghiệp càng kém ổn định, xu hướng trì hoãn kết hôn càng cao.
4. Thảo luận
Đề tài xác định, phân tích và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến việc trì hoãn kết hôn của giới trẻ Việt Nam. Kết quả cho thấy địa lý có tác động mạnh nhất, tiếp theo là nền tảng gia đình, chi phí sinh hoạt, trình độ học vấn và thu nhập ở mức trung bình, trong khi truyền thông và nghề nghiệp có ảnh hưởng thấp nhất. Đặc biệt, thu nhập và nghề nghiệp tác động ngược chiều, phản ánh xu hướng giới trẻ ưu tiên sự nghiệp trước hôn nhân. Mặc dù truyền thông được đưa vào phân tích, nhưng ảnh hưởng của nó không đáng kể so với yếu tố gia đình và chi phí sinh hoạt.
Đầu tiên, đối với biến địa lý, là biến có hệ số hồi quy cao nhất, chứng tỏ rằng địa lý là một trong những biến có tác động mạnh tới hành vi trì hoãn hôn nhân của giới trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt giữa các vùng miền và loại hình cư trú (thành thị – nông thôn). Nguyễn Thanh Bình (2012)(11) cũng chỉ ra rằng áp lực công việc, thu nhập và cuộc sống bận rộn ở thành phố khiến giới trẻ ít ưu tiên hôn nhân hơn.
Thứ hai, nền tảng gia đình có tác động mạnh đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ, với mối quan hệ tình cảm của bố mẹ ảnh hưởng lớn đến quan điểm và quyết định kết hôn của con cái. Nghiên cứu của Oderinde Olatundun A. (2013)(12), Nguyễn Hữu Minh (2022)(13) và Molalign Gualu Gobena & Yihenew Mitiku Alemu (2022)(14) cũng chỉ ra trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn thường mất niềm tin vào hôn nhân và lo ngại đổ vỡ. Ngoài ra, áp lực tài chính gia đình khiến nhiều người trẻ ưu tiên sự nghiệp trước khi lập gia đình. Đồng thời, nền tảng gia đình của đối phương cũng ảnh hưởng đến quyết định kết hôn, đặc biệt là lo ngại sống chung với gia đình nhiều thế hệ và quan niệm "môn đăng hộ đối".
Thứ ba, nhân tố trình độ học vấn với hệ số hồi quy cao chỉ sau địa lý và nền tảng gia đình. Trình độ học vấn cao góp phần làm tăng xu hướng trì hoãn kết hôn, đặc biệt ở những người có bằng đại học và sau đại học. Nghiên cứu của Molalign Gualu Gobena and Yihenew Mitiku Alemu (2022)(15), Mastur H. Rehim, Khawlah M. AL-Tkhayneh & Tamim A Jabarah (2023)(16) cũng đồng tình với kết quả trên. Trình độ học vấn càng cao thì trì hoãn kết hôn càng nhiều vì giới trẻ ưu tiên trau dồi kiến thức, phát triển sự nghiệp và tài chính hơn là kết hôn sớm, đồng thời ít chịu áp lực kết hôn từ gia đình hơn so với những người có trình độ học vấn thấp hơn. Ngoài ra, học vấn cao giúp họ có quan điểm hiện đại, tư duy cởi mở và khả năng giải quyết mâu thuẫn hợp lý thay vì hành động theo cảm xúc tiêu cực.
Thứ tư, chi phí sinh hoạt có tác động trung bình khá đến hành vi trì hoãn kết hôn, với hệ số hồi quy dương (+0,167) và mối tương quan mạnh |r| = 0,513, cho thấy chi phí tăng cao khiến xu hướng trì hoãn kết hôn gia tăng. Nghiên cứu của Bun Song Lee et al. (2020)(17) cũng khẳng định áp lực tài chính, đặc biệt ở đô thị lớn, khiến nhiều người trẻ chưa sẵn sàng kết hôn. Phân tích Oneway ANOVA cũng cho thấy nữ giới chịu ảnh hưởng nhiều hơn nam giới, và điều kiện kinh tế vùng miền cũng tác động đến quyết định kết hôn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không khác biệt đáng kể giữa các nhóm trình độ học vấn, cho thấy áp lực tài chính là mối lo chung. Nhìn chung, chi phí sinh hoạt không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn phản ánh sự thay đổi quan niệm hôn nhân, khi giới trẻ ưu tiên sự nghiệp và tài chính trước khi lập gia đình.
Thứ năm, nhân tố thu nhập có hệ số hồi quy thấp, tuy nhiên vẫn ít nhiều có tác động đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ. Người trẻ ít lo ngại chênh lệch thu nhập với bạn đời nhưng thường tìm kiếm người có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn. Một số chấp nhận kết hôn với người chưa có thu nhập ổn định, nhất là trong bối cảnh công việc tự do phát triển. Dù không phải yếu tố quyết định, tài chính vẫn là mối quan tâm quan trọng. Nếu thu nhập không đảm bảo cuộc sống sau hôn nhân, họ sẽ có xu hướng trì hoãn việc kết hôn. Nghiên cứu của Mastur H. Rehim, Khawlah M. AL-Tkhayneh & Tamim A Jabarah (2023)(18) cũng chỉ ra ảnh hưởng của thu nhập đến việc trì hoãn kết hôn, đặc biệt do nam giới lo ngại trách nhiệm tài chính và mong muốn vợ cùng chia sẻ kinh tế.
Thứ sáu, nhân tố truyền thông có hệ số hồi quy trong nhóm thấp, tuy nhiên vẫn có tác động ít nhiều tới hành vi trì hoãn của giới trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy quan điểm hôn nhân của giới trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ truyền thông và thời sự hơn là giá trị truyền thống. Đặc biệt, chuyện tình yêu của người nổi tiếng định hình suy nghĩ về tình yêu, trong khi xu hướng độc thân hoặc kết hôn muộn thúc đẩy họ ưu tiên sự nghiệp. Nghiên cứu của Molalign Gualu Gobena & Yihenew Mitiku Alemu (2022)(19) cũng có kết luận tương tự. Ngoài ra, quan niệm về vai trò vợ/chồng ảnh hưởng đáng kể, nhưng bình đẳng giới và hình mẫu gia đình trên phim ảnh ít tác động, cho thấy quan điểm hôn nhân ngày càng thực tế hơn.
Cuối cùng, nhân tố nghề nghiệp là nhân tố có hệ số hồi quy thấp nhất. Tuy nhiên, điều này có thể do sự phân hoá trong câu trả lời của người khảo sát. Từ kết quả khảo sát, có thể kết luận rằng mức độ ổn định công việc vẫn ảnh hưởng đến quan điểm kết hôn, đặc biệt với người chưa có việc làm ổn định. Trong bài nghiên cứu của Bun Song Lee, Jennifer Klein, Mark Wohar & Sangsin Kim (2020)(20) cũng đề cập đến sự mức độ ổn định nghề nghiệp của nam và nữ có ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của họ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này ngược chiều đối với nam và nữ: nữ giới có công việc không ổn định kết hôn sớm hơn, trong khi nam giới lại trì hoãn hôn nhân khi nghề nghiệp chưa vững chắc.
Những phát hiện này cũng gợi mở một số giả thuyết mới. Ví dụ, ngoài yếu tố địa lý, có thể còn các yếu tố khác như sự thay đổi về giá trị và kỳ vọng xã hội đối với hôn nhân chưa được nghiên cứu sâu trong khuôn khổ này. Ngoài ra, mối quan hệ giữa mức độ ổn định nghề nghiệp và quan điểm về hôn nhân có thể thay đổi theo thời gian khi nền kinh tế và thị trường lao động biến động.
Về mặt tổng quát hóa, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho các nhóm giới trẻ trong môi trường đô thị và nông thôn ở Việt Nam, nhưng có thể không hoàn toàn phản ánh thực tế ở các quốc gia khác do sự khác biệt về văn hóa, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về động lực và rào cản trong quyết định kết hôn của giới trẻ.
5. Kết luận
Nghiên cứu đã làm rõ các yếu tố chính ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ Việt Nam, trong đó địa lý, nền tảng gia đình và trình độ học vấn là những nhân tố có tác động mạnh nhất. Kết quả cho thấy rằng áp lực kinh tế cũng như môi trường sống đóng vai trò quyết định trong việc giới trẻ lựa chọn trì hoãn kết hôn. Những phát hiện này mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn, tạo nền tảng cho các chính sách hỗ trợ và định hướng phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế. Rào cản ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc tham khảo tài liệu quốc tế, nguồn lực hạn chế khiến phạm vi thu thập dữ liệu chưa rộng, và thời gian nghiên cứu ngắn chưa cho phép đánh giá xu hướng dài hạn. Một số yếu tố quan trọng như xu hướng sống độc thân hay quan điểm về hôn nhân hiện đại chưa được xem xét đầy đủ. Do đó, các nghiên cứu tương lai nên mở rộng phạm vi tài liệu, thực hiện nghiên cứu theo chiều dọc để theo dõi sự thay đổi quan điểm theo thời gian, và kết hợp phương pháp định tính để có cái nhìn toàn diện hơn.
*
Bài viết trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2025, của nhóm sinh viên: Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Lan Anh, Nguyễn Thị Mai Anh, Trương Ngọc Linh, Phạm Mai Trang.
___________________________________
(1), (3) Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình thời điểm 01/4/2023, Nhà xuất bản Thống kê, 2024.
(2) Kelly Musick, Jennie E. Brand & Dwight Davis: Variation in the Relationship Between Education and Marriage: Marriage Market Mismatch?, Journal of Marriage and Family, 2012, tập 74, số 1, tr. 53 - 69.(4) Joshua R. GoldStein & Catherine T. Kenny: Marriage delayed or marriage forgone? New cohort forecasts of first marriage for U.S women, American Sociological Review, 2001, tập 66, số 4, tr. 506 - 519.
(5), (16), (18) Mastur H. Rehim, Khawlah M. AL-Tkhayneh & Tamim A Jabarah: The Causes of Delayed Marriage among Young Men: An Analytical Descriptive Study of a Sample of Al Ain University Students, Academic Journal of Interdisciplinary Studies, 2023, tập 12, số 2, tr. 212 - 227.
(6) Martin Piotrowski, Arne Kalleberg & Ronald R Rindfuss: Contingent Work Rising: Implications for the Timing of Marriage in Japan, Journal of Marriage and Family, 2015, tập 77, số 5, tr. 1039 - 1056.(7), (17), (20) Bun Song Lee, Jennifer Klein, Mark Wohar & Sangsin Kim: Factors delaying marriage in Korea: an analysis of the Korean population census data for 1990–2010, Asian Population Studies, 2020, tập 17, số 1, tr. 71 - 93.
(8) Nguyễn Hữu Minh: Age at first marriage in Viet Nam: Patterns and determinants, Asia-Pacific Population Journal, 1997, tập 12, số 2, tr. 49 - 74.
(9), (14), (15), (19) Molalign Gualu Gobena & Yihenew Mitiku Alemu: Analyzing factors associated with time to age at first marriage among women in Ethiopia: log logistic-gamma shared frailty model, BMC Women's Health, 2022, tập 22, số 191.
(10) Ankur Joshi, Saket Kale, Satish Chandel & D. P. Kal: Likert Scale: Explore and Explained, British Journal of Applied Science & Technology, 2015, tập 7, số 4, tr. 396 - 403.
(11) Nguyễn Thanh Bình: Age at First Marriage in Recent Years Vietnam, Mediterranean Journal of Social Sciences, 2012, tập 3, số 1, tr. 491 - 496.
(12) Oderinde Olatundun A.: A Socio- Religious Perspective of Late Marriage and Stigmatization of Single Adults and its Impact on the Church in Nigeria, Review of European Studies, 2013, tập 5, số 4, tr. 165 - 171.
(13) Nguyễn Hữu Minh: Một số xu hướng biến đổi hôn nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2022, số 1.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Ứng dụng truyền thông số trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện: Thực trạng và xu hướng
- Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
- Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (từ thực tiễn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Xem nhiều
-
1
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
-
2
Truyền thông về văn hoá truyền thống trên báo mạng điện tử qua chiến lược kể chuyện đa nền tảng
-
3
Thông tin về hoạt động kinh tế của người dân khu vực nông thôn trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
-
4
Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
-
5
Báo chí phải trở thành lực lượng kiến tạo niềm tin, cổ vũ khát vọng phát triển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trường tồn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
-
6
Quản lý thông tin về phòng, chống mua bán người trên truyền hình Việt Nam hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông hình ảnh về Tổng Bí thư Tô Lâm trên báo Nhân Dân điện tử
Truyền thông hình ảnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, góp phần thể hiện sinh động uy tín, phong cách và hoạt động lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân, củng cố sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2024, hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm được thể hiện trên báo Nhân Dân điện tử một cách trang trọng, nhất quán, phù hợp với định hướng chính trị – tư tưởng, phản ánh đầy đủ các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong nước và đối ngoại. Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng truyền thông hình ảnh về lãnh đạo cấp cao cần tiếp tục được quan tâm toàn diện cả về nội dung, hình thức, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc lan tỏa hình ảnh lãnh đạo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới.
Ứng dụng truyền thông số trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện: Thực trạng và xu hướng
Ứng dụng truyền thông số trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện: Thực trạng và xu hướng
Trong bối cảnh chuyển đổi số y tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, một số bệnh viện tuyến trung ương đã bước đầu ứng dụng truyền thông số hiệu quả trong tư vấn tâm lý – xã hội, kết nối cộng đồng và vận động nguồn lực, tuy nhiên, phần lớn bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chưa có điều kiện triển khai đầy đủ. Bài viết đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tích hợp truyền thông số vào hoạt động công tác xã hội (CTXH) tại bệnh viện, góp phần định hướng phát triển CTXH bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, công bằng và thích ứng với bối cảnh số hóa y tế đến năm 2030.
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ Việt Nam hiện nay
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ Việt Nam hiện nay
Theo thống kê trong giai đoạn từ 2013 – 2023 cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình của người dân đang có xu hướng tăng(1). Vì vậy, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu nhằm làm rõ những nhân tố ảnh hưởng tới hành vi này tại Việt Nam. Bài nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi trong độ tuổi kết hôn của người dân Việt Nam, đồng thời phân tích rõ ảnh hưởng của những nhân tố như trình độ học vấn, nền tảng gia đình, địa lý, chi phí sinh hoạt, thu nhập, nghề nghiệp và truyền thông tới việc trì hoãn kết hôn, thông qua dữ liệu từ cuộc khảo sát gồm 736 người trong độ tuổi từ 18 – 35, trải rộng khắp các vùng miền của Việt Nam. Qua đó, nhóm tác giả nêu lên một số đánh giá về tác động của hành vi trì hoãn kết hôn của giới trẻ tới sự phát triển của kinh tế - xã hội. Sau cùng, nhóm tác giả đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề trì hoãn kết hôn của người trẻ Việt Nam hiện nay.
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Quản lý hình ảnh về phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam trên các sản phẩm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam hiện nay
Trong bức tranh truyền thông hiện đại, hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang dần được tái hiện với nhiều sắc thái mới, giàu tính biểu cảm và phản ánh đa dạng vai trò của họ trong đời sống đương đại. Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), việc quản lý, thể hiện và lan tỏa hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu nội dung lẫn chất lượng hình thức. Không chỉ đơn thuần là những khuôn hình đặc tả trang phục truyền thống hay lao động thường nhật, các sản phẩm báo ảnh tại đây còn hướng tới việc khắc họa chân dung người phụ nữ dân tộc với vai trò chủ thể phát triển – là cán bộ, trí thức, doanh nhân, nghệ nhân... Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm quản lý tốt hình ảnh phụ nữ DTTS trên các sản phẩm báo ảnh của TTXVN hiện nay.
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Quản trị thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển đổi số, việc truyền thông hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trở thành một yêu cầu cấp thiết. Báo mạng điện tử với ưu thế về tốc độ, khả năng cập nhật và tính tương tác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành vi của cộng đồng doanh nghiệp. Bài viết này phân tích thực trạng quản trị thông tin về chính sách hỗ trợ DNNVV trên một số báo mạng điện tử chuyên ngành tài chính - đầu tư ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế và đề xuất giải pháp quản trị thông tin, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách kinh tế - cụ thể là chính sách hỗ trợ DNNVV trên báo mạng điện tử, trong thời gian tới.
Bình luận