Công nhân trí thức và chủ trương trí thức hóa công nhân của Đảng
1. Sự hình thành và phát triển của công nhân trí thức - từ dự báo khoa học đến hiện thực
Năm 1848, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguồn gốc kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân (GCCN). Theo các ông, về nguồn gốc kinh tế “Giai cấp công nhân ra đời gắn với nền đại công nghiệp và phát triển cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại”(1); về nguồn gốc xã hội “Giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư”(2).
Nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi GCCN phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp... Đồng thời, tạo cơ chế sàng lọc khắc nghiệt đối với GCCN, ai đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của nền công nghiệp hiện đại thì mới trụ được trong guồng máy của nó, nếu không sẽ bị loại bỏ. Với ý nghĩa đó, GCCN hiện đại phải là những người thực sự có trình độ chuyên môn và năng lực trí tuệ cao, bộ phận ưu tú và là lực lượng tiên phong nhất so với các giai cấp và các tầng lớp khác của xã hội. Điều này đã được Ph.Ănghen khẳng định từ thế kỷ XIX, ngay khi nền công nghiệp còn ở trình độ cơ khí. Ông cho rằng, những người lao động trong nền sản xuất hiện đại thì cần phải có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất. Đến lượt mình, nền sản xuất đó sẽ tạo nên những con người mới, làm cho những thành viên trong xã hội có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển của mình. Vì vậy, Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân không chỉ cần sự khéo léo của đôi bàn tay vàng, mà còn cần sự sáng tạo của khối óc. Chính giai cấp công nhân bằng bàn tay, khối óc mà quá trình lao động của họ đã tạo ra sự vĩ đại của nước Anh”(3).
Đặc trưng cơ bản của nền sản xuất công nghiệp hiện đại là một nền sản xuất bằng máy móc với kỹ thuật cao thường xuyên được cách mạng hóa bởi sự phát triển của cách mạng khoa học và sự vận dụng ngày càng nhanh những thành tựu khoa học vào sản xuất. Tương ứng với nền sản xuất công nghiệp ngày càng hiện đại là một GCCN hiện đại ngày càng có trình độ cao. Do đó, GCCN hiện đại từng bước hình thành với đặc trưng cơ bản là lao động trí óc được tuyển chọn chủ yếu từ hàng ngũ sinh viên, đúng như Ph.Ăngghen đã viết trong Thư gửi Đại hội Quốc tế các sinh viên Xã hội chủ nghĩa: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên, giai cấp đó có sứ mệnh phải kề vai sát cánh và cùng đứng trong một đội ngũ những người anh em của họ, những người công nhân lao động chân tay, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới đây”(4).
Quá trình công nghiệp hóa có bước phát triển tuần tự từ cơ khí hóa (biểu tượng máy hơi nước) vào giữa thế kỷ XVIII, điện khí hóa vào giữa thế kỷ XIX đến điện tử hóa (biểu tượng máy tính điện tử) vào giữa thế kỷ XX, hợp thành chỉnh thể của nền sản xuất tự động hóa (biểu tượng người máy). Sự phát triển này là do tác động của khoa học kỹ thuật và công nghệ, do đó, khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và kinh tế tri thức đã ra đời. Đó là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống (định nghĩa do các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra năm 1996 và được sử dụng khá phổ biến hiện nay). Cùng với quá trình phát triển của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, GCCN hiện đại từng bước phát triển thành “giai cấp vô sản lao động trí óc”, mà C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo trước đây, ngày nay gọi với cái tên mới là công nhân trí thức. Công nhân trí thức vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của kinh tế tri thức.
Thật vậy, trong kinh tế tri thức, tri thức là yếu tố chủ yếu để tạo ra sự phát triển nhanh chóng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, bản thân người công nhân và GCCN hiện đại không ngừng tự đào tạo, được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ khoa học - công nghệ, tạo thành xu hướng trí thức hóa công nhân trong nền công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức. Cùng với đó, việc rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học vào sản xuất trong nền công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức đã dẫn đến một thực tế là, các nhà nghiên cứu, sáng chế, các kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp... gia nhập vào hàng ngũ GCCN hiện đại ngày càng đông, tạo thành xu hướng công nhân hóa trí thức. Hai xu hướng này cùng đồng thời diễn ra trong kinh tế tri thức, nhất là xu hướng trí thức hóa công nhân, đã dẫn đến sự hình thành và phát triển công nhân trí thức.
Dĩ nhiên, trong GCCN hiện đại vẫn có cả đội ngũ công nhân truyền thống (những công nhân lao động giản đơn, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thấp) song tỷ lệ ngày càng giảm và xuất hiện ngày càng nhiều công nhân trí thức. Công nhân trí thức sẽ là bộ phận chủ đạo, nòng cốt trong GCCN hiện đại. Điều này không nằm ngoài dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen. Sự phát triển từ công nhân lao động giản đơn sang công nhân trí thức đã trở thành xu thế chung của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Trong điều kiện cách mạng thông tin, khoa học công nghệ đã chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất, công nhân trí thức trở thành bộ phận tiên tiến nhất của GCCN hiện đại. Chiến lược phát triển kinh tế tri thức cùng với phát triển đội ngũ công nhân trí thức đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay.
Ở nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu quá độ lên CNXH, cho nên ngay từ những năm đầu của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”(5). Do đó, Người luôn quan tâm tới việc nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, ý thức giai cấp... đối với GCCN, để sao cho trong GCCN xuất hiện ngày càng đông đảo bộ phận công nhân có trình độ tri thức cao, xứng đáng với vai trò lịch sử của mình. Nói chuyện với công nhân nhà máy Cơ khí Vinh, Người xác định, GCCN là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là giai cấp lãnh đạo để người ta tin cậy. Công nhân là người lao động làm chủ nước nhà, muốn làm chủ tốt, phải có năng lực làm chủ. Vì vậy, công nhân phải cố gắng học tập để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức đời sống mới, trước hết là tổ chức nền sản xuất mới. Người yêu cầu: “Cần phải có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ và công nhân có trình độ văn hóa và kỹ thuật khá”, thậm chí “phải có trình độ không kém gì kỹ sư”(6).
Chính vì vậy, Người chủ trương “Công nông hóa trí thức, trí thức hóa công nông. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa và nâng cao trình độ trí thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao trình độ của công nhân, hoàn thiện người trí thức là hai mặt của một quá trình thống nhất biện chứng. Người viết: “Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, công tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hóa, và trí thức thì lao động hóa”(8).
2. Chủ trương trí thức hóa công nhân của Đảng
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Đảng ta đã chú ý đến việc thực hiện trí thức hóa công nhân. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 1991), đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lưu ý rằng, muốn xây dựng GCCN vững mạnh “Phải coi trọng việc trí thức hóa đội ngũ công nhân. Trong khung cảnh thế giới đã bước vào thời kỳ mới, việc trí thức hóa giai cấp công nhân là một đòi hỏi khách quan. Phải đầu tư chiều sâu, tạo ra đội ngũ công nhân vững mạnh cả về lý thuyết lẫn tay nghề, nắm vững công nghệ hiện đại”(9).
Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 25.7.1994, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đưa ra dự báo về xu hướng vận động, phát triển của GCCN Việt Nam trong giai đoạn mới: “Ngày nay, đội ngũ công nhân không chỉ là những người lao động sản xuất và dịch vụ công nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã, mà còn bao gồm những công nhân thuộc khu vực tư nhân, cá thể, hợp tác liên doanh với nước ngoài (...); đã, đang và sẽ xuất hiện những ngành nghề, lĩnh vực mới do tiến bộ khoa học - công nghệ và đòi hỏi khách quan của xã hội, của việc quốc tế hóa sản xuất và đời sống. Xu hướng trí thức hóa công nhân, giảm bớt lao động chân tay nặng nhọc, tăng cường yếu tố trí tuệ và lao động trí óc ngay trong dây chuyền công nghiệp đang tăng lên”(10).
Chủ trương thực hiện trí thức hóa công nhân được định hình ngày càng rõ nét trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) bắt đầu từ Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), Đảng ta đã chỉ ra cần phải xây dựng GCCN lớn mạnh về mọi mặt, phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, có năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật, lao động đạt năng suất chất lượng và hiệu quả ngày càng cao(11)... Đây chính là tinh thần về nội dung trí thức hóa công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Chủ trương trí thức hóa công nhân được chính thức đặt ra tại Đại hội IX của Đảng (năm 2001). Lần đầu tiên Đảng ta sử dụng khái niệm kinh tế tri thức và nêu rõ: “Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều bước biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”(12). Vì vậy, con đường CNH, HĐH ở Việt Nam cần và có thể “rút ngắn” đồng thời với “từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Như vậy, mặc dù Việt Nam vẫn chưa giải quyết xong bước chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp nhưng bối cảnh trong nước và quốc tế đã tạo ra những điều kiện, cơ hội để Việt Nam có thể thực hiện một bước chuyển kép từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Điều kiện kinh tế đó đã tạo tiền đề, môi trường và động lực thúc đẩy xu hướng công nhân hóa người lao động cùng với xu hướng trí thức hóa công nhân, hình thành và phát triển đội ngũ công nhân trí thức ở nước ta. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH cùng với phát triển kinh tế tri thức, đối với GCCN, Đảng ta khẳng định cần phải: “Coi trọng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân”(13).
Chủ trương phát triển kinh tế tri thức cùng với thực hiện trí thức hóa công nhân được Đảng ta thể hiện nhất quán trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Đại hội X (năm 2006) xác định một trong những phương hướng lớn để phát triển đất nước là: Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại. Từ phương hướng này, đối với GCCN, Đảng ta yêu cầu phải “phát triển về số lượng, chất lượng và tổ chức; nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(14).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X (năm 2008), lần đầu tiên Đảng ta sử dụng khái niệm công nhân trí thức, đánh dấu một xu hướng phát triển mới, trình độ mới của GCCN Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức;...”(15).
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định: “Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức”(16). Do đó, nước ta cần phải: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức”(17). Muốn vậy, đối với GCCN, Đảng ta yêu cầu cần phải: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(18).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu thế phát triển chủ đạo hiện nay, để tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu cần phải dựa vào khoa học công nghệ, vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chủ trương nhất quán về trí thức hóa công nhân của Đảng được nêu trong các kỳ Đại hội trước tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XII(19).
Những dự báo khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh và của Đảng ta về sự hình thành và phát triển của bộ phận công nhân có trình độ cao (công nhân trí thức) cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại mà ở đó khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp (kinh tế tri thức) đã được hiện thực hóa. Ngày nay, kinh tế tri thức đã phát triển mạnh mẽ ở các nước công nghiệp phát triển (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada...), kể cả các nước công nghiệp mới (Hàn Quốc, Singapore...) và bắt đầu định hình ngày càng rõ nét ở các nước đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...). Theo tiêu chí về nền kinh tế tri thức mà nhiều nước chấp nhận, được gói gọn trong con số 70%. Đó là: trên 70% GDP là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại (mà công nghệ cao là do công nhân trí thức đảm nhiệm); trên 70% trong cơ cấu giá trị gia tăng là kết quả của lao động trí óc; trên 70% là công nhân lao động trí óc (công nhân trí thức); trên 70% vốn là vốn con người(20). Ở Bắc Mỹ và một số nước Tây Âu hiện nay, kinh tế tri thức đã chiếm đến 45% - 70% GDP(21).
Cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức, của hai xu hướng trí thức hóa công nhân và công nhân hóa trí thức, thực tiễn các nước trên thế giới ngày nay cho thấy đã xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều công nhân trí thức, trong khi lực lượng công nhân truyền thống ngày càng giảm dần. Tính đến năm 2000, không còn một nước TBCN phát triển nào có lượng công nhân truyền thống làm việc trong lĩnh vực sản xuất và vận chuyển sản phẩm chiếm đến hơn 1/6 hoặc 1/8 tổng số công nhân lao động của nước đó.
Ở nước ta, chủ trương thực hiện trí thức hóa công nhân và công nhân hóa trí thức của Đảng thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức đã tạo điều kiện, tiền đề, động lực để GCCN Việt Nam không ngừng lớn mạnh. GCCN nước ta hiện nay chiếm khoảng 13% dân số và 24% lao động xã hội(22). Trình độ học vấn và chuyên môn không ngừng được nâng cao. Kết quả thống kê cho thấy: về trình độ học vấn, 70,2% tổng số công nhân có trình độ trung học phổ thông, 26,8% có trình độ trung học cơ sở, 3,1% có trình độ tiểu học, 17,9% có trình độ trung cấp, 6,6% có trình độ cao đẳng, 17,4% có trình độ đại học; về trình độ chuyên môn, hiện có 48% công nhân được đào tạo tại doanh nghiệp(23). Nếu phân theo ngành nghề, tỷ lệ công nhân được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực khai khoáng là 50,4%; lĩnh vực công nghiệp chế biến là 18,5% năm 2016; lĩnh vực xây dựng tăng là 14,0%; lĩnh vực dịch vụ vận tải là 55,2% năm; lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 83,1%(24).
Hiện nay, nước ta đang cố gắng “đi tắt, đón đầu”, tiến vào giai đoạn công nghiệp hiện đại và tiếp cận công nghệ thông tin, bước đầu xây dựng và phát triển kinh tế tri thức. Những thành tựu của cách mạng tin học hiện đang xâm nhập ngày càng sâu rộng vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế, nhất là các lĩnh vực bưu chính - viễn thông, ngân hàng, hàng không, nông nghiệp, dịch vụ. Công nghệ thông tin đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng hàng năm vào loại cao nhất và đóng góp ngày càng nhiều vào GDP cả nước. Năm 2019, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã nộp ngân sách nhà nước trên 53.000 tỷ đồng. Hai mặt hàng công nghiệp công nghệ thông tin (máy vi tính và linh kiện điện tử) giữ vị trí thứ 3 trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong giai đoạn 2014-2019, tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin đạt 110 tỷ USD, với mức độ tăng trưởng trung bình 31,1% năm, hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn 1 triệu người(25). Điều đó cho thấy xu hướng trí thức hóa công nhân ở nước ta đang ngày càng rõ hơn.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Đại hội XI của Đảng thông qua cũng đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(26). Khi đó, “tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp”(27). Muốn vậy, Đảng ta xác định cần phải: “Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao”(28), “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”(29), “Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn”(30), tạo tiền đề và môi trường để công nhân trí thức nước ta tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tóm lại, chủ trương của Đảng về trí thức hóa công nhân gắn liền với phát triển kinh tế tri thức đã khẳng định tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng thời, điều đó còn thể hiện sự nhận thức và vận dụng một cách sáng tạo của Đảng ta về những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại mới.
____________________________________
(1), (2), (3) C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., 1995, T.4, tr.610, 604, 604.
(4) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, sđd, T.22, tr.613.
(5) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T.10, tr.306.
(6) Hồ Chí Minh (2000), Sđd, T.8, tr.224.
(7), (8) Hồ Chí Minh (2000) Sđd, T.6, tr.204, 475.
(9) Đỗ Mười, Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 23.8.1991, Hà Nội.
(10), (11) ĐCSVN (1994), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. CTQG, H., tr.31, 67-68.
(12), (13) ĐCSVN (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H., tr.13, 64, 91.
(14) ĐCSVN (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H., tr.118.
(15) ĐCSVN (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, H., 2008, tr.44.
(16), (17), (18) ĐCSVN (2011), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. CTQG, H., tr.183, 98, 22.
(19) ĐCSVN (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H., tr.160.
(20) Phạm Ngọc Dũng (2006), Trí thức hóa công nhân Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội, số 12, tr.13-20.
(21) Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Hoàng Giáp (2010), Giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển từ sau chiến tranh lạnh đến nay - Thực trạng và triển vọng, Nxb. CTQG, H., 2010, tr.195.
(22) Lê Ngân, Giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, http://vungtau.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/tin-tuc//brvt/extAssetPublisher/content/7527450/giai-cap-cong-nhan-viet-nam-thuc-su-la-luc-luong-tien-phong-trong-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc.
(23) Vũ Quang Thọ (2015), Xây dựng lối sống văn hóa của công nhân Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lao động, H., tr.61-62.
(24) Phạm Văn Giang, Sự biến đổi giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế, http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/su-bien-doi-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-duoi-tac-dong-cua-hoi-nhap-quoc-te-112378.
(25) Ngọc Bích, Công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tăng trưởng hơn 30% doanh thu, https://bnews.vn/cong-nghiep-cong-nghe-thong-tin-viet-nam-tang-truong-hon-30-doanh-thu/142925.html.
(26), (27), (28), (29), (30) ĐCSVN (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H., tr.103, 103-104, 30, 106, 130.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 8.7.2021
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận