Công tác tổ chức, thực hiện kiến tập, thực tập nghề nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay - thực trạng và một vài ý kiến tham góp
Thực tập và kiến tập là một phần quan trọng và không thể thiếu trong chương trình giáo dục đại học. Các kỳ thực tập và kiến tập không chỉ là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn mà còn là bước đệm quan trọng giúp sinh viên phát triển toàn diện về mặt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, chuẩn bị tốt nhất cho hành trang nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, quá trình tổ chức các kỳ thực tập và kiến tập hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, như khó khăn về sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa nhà trường và cơ sở thực tập; thiếu nguồn lực hỗ trợ; chưa có một hệ thống đánh giá hiệu quả rõ ràng... Do đó, việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp phù hợp với mỗi nhà trường để nâng cao hiệu quả thực tập, kiến tập cho sinh viên là vô cùng cần thiết, vừa đảm bảo lợi ích của sinh viên, vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
1. Tầm quan trọng của học phần thực tập, kiến tập trong chương trình đào tạo bậc đại học
Thực tập, kiến tập là những nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trong đó, thực tập là quá trình sinh viên được tham gia làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,... để áp dụng kiến thức đã học vào thực. Trong quá trình thực tập, sinh viên được giao các công việc, nhiệm vụ cụ thể, tương tự như công việc của một nhân viên chính thức. Kiến tập là quá trình sinh viên được tham gia học tập, nghiên cứu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,... để tìm hiểu về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó. Trong quá trình kiến tập, sinh viên được tiếp xúc, quan sát với môi trường làm việc thực tế, các công việc, nhiệm vụ của ngành nghề mà mình đang theo học(1).
Xét về mặt khái niệm và các yêu cầu cụ thể thì kiến tập nghề nghiệp và thực tập nghề nghiệp là hai nhiệm vụ học tập khác nhau, được thực hiện vào các mốc thời gian khác nhau trong chương trình khóa học. Tuy nhiên, điểm chung của thực tập và kiến tập nghề nghiệp đều là giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn, liên hệ, áp dụng những kiến thức đã học vào công việc thực tế, là cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy sáng tạo và tăng cường sự tự tin cho sinh viên. Với cách tiếp cận từ vai trò, nhiệm vụ đó, bài viết sẽ bàn chung các nội dung, vấn đề của cả thực tập, kiến tập nghề nghiệp ở đại học.
Thực tập và kiến tập nghề nghiệp nghề nghiệp là bước chuẩn bị toàn diện, quan trọng, giúp sinh viên chuyển từ môi trường học tập sang môi trường làm việc một cách êm thuận và thành công. Có thể thấy rõ vai trò đó từ những lợi ích thiết thực mà thực tập, kiến tập mang lại cho sinh viên là:
Kết nối lý thuyết với thực tiễn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Hoạt động thực tập, kiến tập không chỉ là cơ hội để sinh viên liên hệ, áp dụng kiến thức học được vào các tình huống thực tiễn, mà còn giúp sinh viên viên có cái nhìn thực tế về ngành nghề mình đang theo học, hiểu rõ hơn các yêu cầu, trách nhiệm và đặc điểm công việc. Từ đó, xác định và chuẩn bị tốt hơn các điều kiện cho nó cũng như điều chỉnh kế hoạch học tập để phát triển nghề nghiệp một cách chính xác và hiệu quả.
Phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn. Qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử và giải quyết các công việc được giao tạo cơ sở thực tập, kiến tập, sinh viên được rèn luyện và hoàn thiện dần các kỹ năng mềm và các kỹ năng chuyên môn cần thiết, góp phần nâng cao năng lực hoạt động nghề nghiệp tương lai.
Phát triển bản thân người học. Từ những trải nghiệm thực tế trong quá trình hực tập, kiến tập giúp sinh viên phát triển bản thân, học cách quản trị bản thân, cách đối mặt với áp lực trong môi trường làm việc, giải quyết vấn đề, quản lý công việc và thời gian, từ đó, dần trở nên tự tin và chuyên nghiệp hơn.
Mở rộng mạng lưới quan hệ và tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên. Thực tập tạo cơ hội để sinh viên xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành, đồng nghiệp và nhà tuyển dụng tiềm năng, giúp mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp sau này.
Về phía các nhà trường, thực tập, kiến tập nghề nghiệp giúp đánh giá và cải thiện chương trình đào tạo. Bằng việc tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ sinh viên tham gia các kỳ thực tập, kiến tập, đặc biệt từ các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập, giúp các trường đại học đánh giá, rà soát và có những cải tiến phù hợp về nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
2. Thực trạng và những vấn đề tồn tại trong công tác tổ chức thực tập, kiến tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Trong các chương trình đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay, học phần kiến tập nghề nghiệp sẽ được tổ chức thực hiện cho các sinh viên năm thứ 3, học phần thực tập nghề nghiệp được tổ chức thực hiện cho sinh viên năm thứ 4 của tất cả các ngành và chuyên ngành.
Trước thời điểm diễn ra kỳ thực, kiến tập, cố vấn học tập sẽ có những tư vấn, hướng dẫn để sinh viên liên hệ và đăng ký cơ sở thực tập, kiến tập; tập hợp danh sách sinh viên và cơ sở thực tập gửi về Ban đào tạo. Ban đào tạo sẽ tổng hợp danh sách từ tất cả các lớp của các Khoa, Viện để ra quyết định thực tập, kiến tập, bao gồm thời gian thực hiện, số lượng sinh viên, giảng viên phụ trách dẫn đoàn sinh viên thực tập, kiến tập đồng thời phối kết hợp trong tổ chức, quản lý sinh.
Giảng viên được giao nhiệm vụ này cũng chính là kênh chính thức kết nối giữa Học viện và cơ sở thực tập, cùng với Ban đào tạo nắm bắt tình hình, hỗ trợ kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình sinh viên của Học viện thực tập, kiến tập tại cơ sở, đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của cả sinh viên, cơ sở thực tập và nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ thực tập và kiến tập cho sinh viên. Hết thời gian của kỳ thực tập, kiến tập, sinh viên nộp Báo cáo và phiếu nhận xét, đánh giá kết quả thực tập, kiến tập của cơ sở thực tập cho Khoa, Viện chủ quản để đánh giá tổng hợp cho toàn bộ học phần.
Với quy trình như trên cho thấy Học viện đã xây dựng được một quy trình tổ chức, triển khai công tác thực tập, kiến tập nghề nghiệp chung cho sinh viên khá hợp lý, đã có sự phối kết hợp của các bộ phận hữu quan cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm của các bên trong tổng thể vĩ mô của quá trình này. Mặc dù vậy, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện quy trình này vẫn đang tồn tại những vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của các kỳ thực tập, kiến tập:
Thứ nhất, cơ chế liên kết, hợp tác giữa nhà trường và các cơ sở thực tập, kiến tập cho sinh viên chưa chặt chẽ, bền vững.
Bên cạnh những đơn vị truyền thống là các trường chính trị tỉnh, thành phố; các trung tâm chính trị quận, huyện; các cơ quan báo, đài… những đối tác hàng năm thường xuyên tiếp nhận sinh viên, học viên của Học viện về thực tập, kiến tập, thì những năm gần đây, Học viện còn mở rộng thêm rất nhiều đối tác mới như các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các đơn vị kinh tế, hành chính thuộc các Bộ, Ban, Ngành để đáp ứng yêu cầu đào tạo liên ngành, đa ngành hiện nay.
Tuy nhiên, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chính thức, đi đến thống nhất được các nội dung hợp tác giữa Học viện và các đơn vị mới này vẫn đang là một điểm trống lớn. Do đó, cũng nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tổ chức, quản lý thực tập, kiến tập của sinh viên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, nhiều đơn vị không muốn tiếp tục tiếp nhận sinh viên đến thực tập sau một vài lần tiếp nhận, do họ thấy phải tốn nhiều thời gian, nguồn lực để hướng dẫn sinh viên làm thực tập, kiến tập, trong khi kinh phí chi trả cho cơ sở lại quá ít; một số sinh viên lại chưa thật có ý thức về vai trò, ý nghĩa của thực tập, kiến tập nên hiệu quả công việc của thực tập sinh không cao... Do vậy, nhiều đơn vị cũng không muốn có các giao kết, ràng buộc với hoạt động hướng dẫn thực tập, kiến tập cho sinh viên.
Thứ hai, nội dung, hoạt động thực tập, kiến tập chưa phù hợp với thực tiễn, còn mang tính hình thức.
Nội dung và yêu cầu cụ thể của thực tập, kiến tập đều được các Khoa, Viện chuyên ngành xây dựng rõ trong đề cương chi tiết học phần. Tuy nhiên, hiện nay kỳ thực tập, kiến tập của sinh viên Học viện thường được tổ chức chung vào một thời điểm. Do đó, nảy sinh tình trạng sinh viên đến cơ sở nhưng không có việc để thực tập, kiến tập. Bởi vì, ở nhiều đơn vị, các công việc liên quan đến chuyên môn của sinh viên thực tập, kiến tập chỉ diễn ra vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, mà thời điểm sinh viên đến thực tập, kiến tập thì những công việc đó hoặc đã hoàn thành xong rồi, hoặc chưa diễn ra.
Cụ thể như với các sinh viên khối ngành đào tạo giảng viên, họ sẽ tiến hành thực tập, kiến tập chủ yếu ở các trường đại học, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm chính trị quận, huyện, song thời điểm sinh viên đi thực tập, kiến tập là vào khoảng tháng 3, tháng 4 như hiện nay thì ở nhiều trường đã thực hiện được ½ kế hoạch của học kỳ 2 trong năm học và theo đó các học phần liên quan đến chuyên môn thực tập, kiến tập nghề nghiệp cũng đã hoàn thành xong.
Bên cạnh đó, trên quan điểm phát huy các nguồn lực xã hội hóa và tính chủ động của sinh viên trong việc đăng ký, lựa chọn nơi thực tập, kiến tập nghề nghiệp nhưng các bộ phận chức năng lại chưa kiểm tra, rà soát chặt chẽ nên tình trạng sinh viên đăng ký về các cơ sở thực tập có các hoạt động chuyên môn không đúng hoặc không phù hợp với mục tiêu đào tạo chính của ngành/chuyên ngành được học. Hoặc cũng có nhiều cơ sở thực tập sợ sai, hỏng nên chỉ cho sinh viên làm các công việc đơn giản, lặp đi lặp lại, chưa bám sát nhu cầu thực tế của ngành nghề…
Tất cả những vấn đề đó đều làm cho sinh viên không có cơ hội được trải nghiệm và thể hiện năng lực của bản thân qua công việc thực tiễn, không có cơ hội để học hỏi và rèn luyện kỹ năng chuyên môn. Vì thế mà kỳ thực tập, kiến tập của sinh viên trở nên hình thức và không hiệu quả, sinh viên cũng không thấy được ý nghĩa, giá trị của học phần quan trọng này.
Thứ ba, việc quản lý, giám sát sinh viên thực tập, kiến tập chưa chặt chẽ, đánh giá kết quả chưa chính xác, chưa phản ánh đúng thực chất cũng như năng lực và sự tiến bộ của sinh viên.
Thực tế, nhiều sinh viên có những mối quan hệ cá nhân cùng với cơ chế liên, đa ngành nghề cho phép sinh viên liên hệ và thực tập, kiến tập theo quy mô đoàn rất nhỏ. Với những đoàn sinh viên thực tập, kiến tập như vậy thì giảng viên sẽ không thể trực tiếp dẫn, giao và quản lý sinh viên mà thường để sinh viên tự thực hiện cũng như hoàn toàn ủy thác cho cơ sở mà sinh viên đến thực tập, kiến tập. Bên cạnh đó, với các đoàn thực, kiến tập có số lượng đông sinh viên thì hiện nay, đa phần cũng chỉ dừng lại ở việc các giảng viên hướng dẫn đoàn thực tập dẫn và bàn giao đoàn sinh viên thực tập cho cơ sở, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh lớn, và một số ít các giảng viên tích cực hơn thì có thêm vài trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình chung của đoàn thực tập qua các cá nhân phụ trách ở cơ sở thực tập.
Với việc đánh giá kết quả thực tập, kiến tập của sinh viên, quy chế đánh giá học phần hiện nay đã có sự tham gia đánh giá của các bên liên quan từ cơ sở thực tập, kiến tập, giảng viên hướng dẫn và khoa chủ quản, thể hiện bằng định lượng rõ ràng qua các đầu điểm gồm cả điểm đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần. Đây là một cơ chế đánh giá tối ưu.
Tuy nhiên, trong mỗi nội dung đánh giá lại chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và phù hợp đối với từng công việc, đặc biệt ở phần nhiệm vụ do các đơn vị cơ sở phụ trách. Điều này gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ sở tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập, nhất là những nơi, những công việc mà sản phẩm thực tập, kiến tập không cụ thể, mang yếu tố định tính cao. Do vậy, việc đánh giá kết quả thực tập, kiến tập còn mang nặng yếu tố định tính và cảm tính, vừa không phản ánh được đúng năng lực và sự tiến bộ của sinh viên, vừa không công bằng giữa các các sinh viên và nhóm sinh viên ở các cơ sở thực tập, kiến tập.
3. Một số ý kiến tham góp cho công tác tổ chức, thực hiện thực tập, kiến tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời gian tới
- Học viện nên tổ chức thực tập, kiến tập theo nhiều đợt linh hoạt, sát với thực tiễn hơn.
Thời gian thực hiện học phần kiến tập và thực tập vẫn trong năm học nhưng sẽ diễn ra linh hoạt ở các thời điểm, phù hợp với đặc thù của ngành/chuyên ngành đào tạo, có thể ở kỳ 1 hoặc kỳ 2, đầu kỳ hoặc giữa kỳ để đảm bảo việc sinh viên được tham gia, trải nghiệm các hoạt động thực tập, kiến tập nghề nghiệp thực tế tại cơ sở thực tập. Điều này đồng nghĩa với việc hàng năm, Nhà trường sẽ có nhiều đợt thực tập, kiến tập cho tất cả các ngành và thời điểm sinh viên các ngành, các Khoa, Viện đi thực tập, kiến tập cũng có sự khác nhau.
Theo đó, để chuẩn bị cho kỳ thực tập, kiến tập của một khóa, ngay từ cuối năm học trước, Ban Đào tạo kết hợp và tham vấn ý kiến từ phía các Khoa, Viện có lớp sinh viên sắp đi thực tập, kiến tập để xác định thời điểm phù hợp tổ chức các hoạt động thực, kiến tập cho sinh viên ngành/ chuyên ngành đó. Vì thông thường, với chức năng đào tạo chuyên môn của mình, các Khoa, Viện sẽ hiểu được thời gian mà các cơ sở tiếp nhận sinh viên sẽ có những công việc phù hợp cho hoạt động thực tập, kiến tập.
Làm được như vậy, sinh viên sẽ có được cơ hội trải nghiệm và rèn các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, giảm tình huống khách quan làm cho thực tập, kiến tập trở thành hình thức, thực hiện cho có. Đồng thời, cũng sẽ định hướng được cho sinh viên đi thực tập, kiến tập đúng các mục tiêu đào tạo chính của ngành/chuyên ngành và giảm được cả các đoàn có quy mô quá nhỏ, giảng viên khó theo dõi, quản lý, đánh giá.
- Các thủ tục hành chính cho thực tập, kiến tập cũng cần thực hiện sớm và gọn gàng hơn.
Cụ thể: tổ chức và hoàn thành việc đăng ký cơ sở thực tập, kiến tập của sinh viên sớm hơn ít nhất 01 tháng so với ngày đầu tiên của đợt. Bộ phận chức năng của Nhà trường cần có sự liên hệ trao đổi với các cơ sở để nắm bắt được khả năng và số lượng sinh viên mà cơ sở đó có thể tiếp nhận được. Điều này sẽ làm tăng cảm nhận được tôn trọng từ phía đơn vị cơ sở tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập, giúp gia tăng sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường và cơ sở. Đồng thời, với thời gian tương đối dài như vậy, Phòng, Ban chức năng của Học viện và các Khoa, Viện chủ quản có thời gian giải quyết những vấn đề phát sinh, rà soát, điều chỉnh cho hợp lý.
Quyết định danh sách các đoàn thực tập, kiến tập cũng cần phải được hoàn thành sớm, muộn nhất là trước 01 tuần tính đến ngày đầu tiên của kỳ thực tập, kiến tập. Đồng thời, chọn và ấn định luôn các sinh viên là trưởng, phó mỗi đoàn để phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên. Giảng viên phụ trách, dẫn đoàn chỉ cần xác định và ghi rõ 01 người cho mỗi đoàn, dù đoàn đó gồm sinh viên từ nhiều khoa khác nhau, danh sách không nên cứ có sinh viên của khoa nào sẽ phải đính kèm giảng viên của khoa đó theo.
Điều này rất quan trọng để đảm bảo sự rõ ràng, không chồng chéo về trách nhiệm và thống nhất trong công tác hướng dẫn, quản lý sinh viên cả đoàn thực tập. Quy định bắt buộc trước ngày đoàn thực tập đến cơ sở, giảng viên hướng dẫn đoàn phải tổ chức họp toàn đoàn để thống nhất và quán triệt chung về quy định, tinh thần, thái độ, ý thức, yêu cầu, nhiệm vụ… cũng như giải đáp và hỗ trợ sinh viên tháo gỡ vướng mắc (nếu có) nhằm chuẩn bị cho sinh viên có cả tâm thế, sự sẵn sàng tham gia kỳ thực tập, kiến tập hiệu quả hơn.
- Hoàn thiện và thống nhất các mẫu biểu trong hồ sơ thực tập, kiến tập nghề nghiệp cho sinh viên. Học viện cần chỉ đạo các phòng/ban chức năng tổ chức thực hiện, phối kết hợp và hướng dẫn các Khoa, Viện đào tạo xây dựng hoàn thiện bộ hồ sơ thực tập, kiến tập, đảm bảo sự thống nhất về thể thức, phù hợp về nội dung, tiêu chí đánh giá cho các đối tượng cụ thể. Điều này sẽ tạo ra sự đồng bộ và tăng tính chuyên nghiệp.
- Tổ chức các hoạt động kết nối thường niên với các đơn vị liên kết, hỗ trợ thực tập, kiến tập của Nhà trường.
Các hoạt động kết nối sẽ một mặt tăng cường sự hợp tác giữa Học viện và các đơn vị tiếp liên kết, hỗ trợ thực tập, kiến tập; mặt khác, để tiếp nhận ý kiến phản hồi, giúp cho việc cải tiến các chương trình đào tạo, cách thức tổ chức, thực hiện các kỳ thực tập, kiến tập hiệu quả, đáp ứng tốt hơn mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo.
Có thể lấy phản hồi bằng nhiều cách như tổ chức hội thảo, tổng hợp thông tin thông qua bảng hỏi, phỏng vấn trực tiếp, mời các đơn vị này cùng tham gia xây dựng các tiêu chí đánh giá sinh viên thực tập, kiến tập nhằm đảm bảo sự phù hợp hơn giữa thực tiễn của các đơn vị thực tập, kiến tập với mục tiêu đào tạo mỗi ngành/chuyên ngành. Nhà trường nên xem xét tăng mức chi trả thù lao hướng dẫn, quản lý sinh viên thực tập cho các cơ sở thực tập, kiến tập, đồng thời, có biện pháp cụ thể để ghi nhận, tri ân những đơn vị có sự gắn bó lâu dài và hiệu quả trong công tác này. Trao đổi để có các cam kết hợp tác chính thức giữa nhà trường và các đơn vị đối tác, dần xây dựng và thiết lập được các thỏa thuận chi tiết, cụ thể về nội dung công việc, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích của sinh viên, cơ sở thực tập và Nhà trường.
Tóm lại, chất lượng, hiệu quả của các kỳ thực tập, kiến tập nghề nghiệp của sinh viên có vai trò, vị trí quan trọng trong mỗi chương trình đào tạo chuyên ngành ở bậc đại học. Công tác tổ chức, thực hiện học phần kiến tập và thực tập nghề nghiệp cho sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm qua luôn được quan tâm và có nhiều cải tiến để khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác này, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực trong thực hiện trách nhiệm từ Nhà trường, các Phòng, Ban chức năng, các Khoa, Viện đào tạo và đặc biệt từ phía các đối tác là các cơ sở tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập của Học viện./.
_____________________________________________
(1) Hỏi đáp pháp luật: Thực tập là gì? Kiến tập và thực tập khác nhau như thế nào?, https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat, truy cập ngày 20/6/2024
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Bernd Meier- Nguyễn Văn Cường (2014), Lý luận dạy học hiện đại - cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb. Đại học Sư phạm.
(2) https://thuvienphapluat.vn/
(3) Quốc hội (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật số 34/2018/QH14, ban hành ngày 19/11/2018
(4) Mỵ Giang Sơn (2023), Một số phương pháp tiếp cận trong đổi mới thực tập nghề nghiệm của sinh viên đại học, Tạp chí Giáo dục số 15 tháng 8/2023, tr.28-31.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận