Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Thứ sáu, 14:55 22-03-2024
(LLCT&TT) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của nhân dân, quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay cũng như mai sau, tư tưởng đó vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mãi trường tồn cùng dân tộc.
Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chi Minh “... là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”(1).
Nằm trong dòng chảy chung đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân hàm chứa các giá trị bền vững, bởi được chắt lọc, kế thừa và phát triển từ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Kế thừa, phát triển quan điểm của các bậc tiền nhân, đặc biệt là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong quan điểm Hồ Chí Minh, nhân dân có phạm trù rất rộng: đó là tất cả mọi “con dân nước Việt”, mỗi “con Rồng cháu Tiên”, là toàn thể đồng bào, là anh em một nhà. Nhân dân không phân biệt giai cấp, tầng lớp, bộ phận trong xã hội, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo... là toàn dân Việt Nam, (trừ những phần tử phản động, bán nước, hại dân), nhân dân là tất cả các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam là hai giai cấp đông đảo nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, có tinh thần cách mạng triệt để nhất.
Với số lượng đông đảo, nhân dân trong quan điểm Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất to lớn. Người khẳng định rõ: nhân dân chính là lực lượng có sức mạnh vô địch, quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng. Người luôn tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và khẳng định: trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”(2), “Dân như nước, mình như cá”(3), “lực lượng nhiều là ở dân hết”, “Công việc đổi mới là trách nhiệm ở dân”, vì thế mà phải “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(4). Người đi tới đúc kết chân lý: Nước lấy dân làm gốc; “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(5).
Theo Hồ Chí Minh, để phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải hướng tới vì nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là yêu cầu cấp thiết luôn đặt ra đối với Đảng, chính quyền cách mạng mọi thời điểm nhằm không ngừng đem lại cuộc sống ngày càng no ấm, tốt đẹp cho nhân dân. Người khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”, Người yêu cầu Chính phủ cần thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành”(6).
Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của chính quyền cách mạng khi vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đói, dốt là giặc ngang “giặc ngoại xâm” và chủ trương diệt “giặc đói”, “giặc dốt” để nhân dân thoát khỏi cảnh bần cùng, cực khổ, lạc hậu, tối tăm, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(7); phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”(8). Đây chính là quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, đồng thời là sự tổng kết về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Để phát huy tối đa sức mạnh nhân dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, cần phát huy dân chủ. “Dân chủ” trong quan điểm Hồ Chí Minh có nghĩa là: “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Phát huy tốt dân chủ, nghĩa là để “dân làm chủ”, đó chính là cách “làm lợi cho dân”. Thực hành tốt dân chủ sẽ tập hợp và phát huy được sức mạnh của quần chúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải làm thế nào để từ lời nói đến hành động, “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(9). Phát huy dân chủ là phải: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân...”, nhưng không phải ở chỗ “chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(10).
Đặc biệt, “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”. Người cán bộ, người lãnh đạo phải đặt lợi ích nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, phải khiêm tốn học hỏi nhân dân, thành thực lắng nghe sự góp ý, phê bình của nhân dân. Hồ Chí Minh căn dặn: “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(11). Phát huy dân chủ, chăm lo cho dân về mọi mặt, làm cho dân được hạnh phúc là trách nhiệm của tổ chức đảng, các cấp chính quyền và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng phải “Sống trong lòng quần chúng; biết tâm trạng quần chúng; biết tất cả; hiểu quần chúng; biết đến với quần chúng; giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”(12), Đảng phải quan tâm đến lợi ích, tâm tư nguyện vọng của dân, biết giải quyết đúng đắn, kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân. “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà, mắm, muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”(13). Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân; gương mẫu đi đầu trong lời nói và việc làm, dám chịu trách nhiệm trước dân.
Về phía nhân dân, với vai trò là công dân của Nhà nước dân chủ, nhân dân phải làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người dân “Phải chăm lo việc nước như việc nhà”, “phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”; “Làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm”(14). Người căn dặn, trách nhiệm, bổn phận của mỗi công dân phải “tận trung với nước”, góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân còn gắn liền với hình ảnh của Người - một lãnh tụ vĩ đại, nhà lãnh đạo trí tuệ, mẫu mực, thân thiết, gắn bó với nhân dân, hết lòng thương yêu nhân dân, dựa vào dân, luôn “lấy dân làm gốc”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của dân tộc, Người luôn chăm lo trực tiếp đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy tối đa tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân.
Phát huy tài dân theo Hồ Chí Minh tức là phát huy nguồn lực trí tuệ trong nhân dân, bởi “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(15). Hồ Chí Minh luôn tìm cách để phát huy nguồn lực trí tuệ trong nhân dân. Những năm đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh viết một loạt bài, đặc biệt là bài Tìm người tài đức năm 1946, Sửa đổi lối làm việc năm 1947… với những lời lẽ rất chân thành, kính trọng để chiêu hiền đãi sĩ.
Đồng thời, Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy được tài năng của con người thì phải biết dùng người đúng và khéo. Phải hiểu đúng, đánh giá đúng con người, phải thực hành thường xuyên xem xét họ một cách toàn diện, phải biết ưu điểm và biết khuyết điểm của họ… Phải tùy tài mà dùng người, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(16); phải biết “dụng nhân như dụng mộc”; phải biết tranh thủ cả những nhân sĩ, trí thức người ngoài Đảng…
Với tinh thần đoàn kết chân thành, không thiên kiến, không biệt phái, Hồ Chí Minh đã quy tụ nhiều tài đức, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước có tên tuổi như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Anh, Vũ Đình Tụng, Phạm Bá Trực, Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước… cùng chung vai gánh vác việc nước.
Phát huy sức dân, nói cách khác chính là phát huy nguồn lực sức lao động của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân có thể dời non, lấp biển. Người cho rằng: Nguồn lực lao động trong nhân dân là vô cùng vô tận, đó là sức mạnh “xung thiên”, cải biến xã hội, do đó, Đảng phải biết động viên, phát huy sức mạnh, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên.
Phát huy nguồn lực của dân nghĩa là phát huy nguồn lực tài chính trong nhân dân. Nguồn lực của cải, tài chính trong nhân dân là rất nhiều, Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, phát huy nguồn lực của cải tài chính trong dân để làm cho dân giàu, nước mạnh. Trong quan điểm Hồ Chí Minh, từ việc to đến việc nhỏ, từ xa đến gần, dựa vào dân, huy động sức dân là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Ví dụ, trong phong trào chống hạn, lấy tiền ở đâu? Theo Người phải biết huy động tiền của trong dân; hay trong học tập, “Ban Văn hoá phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, như “gia đình học hiệu”, “tiểu giáo viên”, cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo, v.v..”(17).
Nhờ đánh giá đúng đắn về sức dân, nguồn lực trong dân, khi chính quyền cách mạng vừa được thành lập và gặp phải những khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc huy động sức dân để cứu đói, xây dựng nền kinh tế kháng chiến.
Để phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở, cán bộ, đảng viên dù ở bất kỳ cương vị nào, là người đứng đầu Đảng, Nhà nước hay cán bộ, công chức đều phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải làm tốt trách nhiệm, “thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán, đả phá những cán bộ có tư tưởng quan liêu, xa dân, “lên mặt quan cách mạng”, cơ hội, cậy quyền, cậy thế, “đè đầu, cưỡi cổ nhân dân”. Người căn dặn, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gần gũi, sâu sát với nhân dân, hiểu nguyện vọng của dân, để kịp thời “giải quyết các mắc mớ ở nơi dân”; phải “lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”(18), để thắt chặt mối quan hệ máu thịt, tạo lập niềm tin giữa Đảng với dân, đó là bí quyết thành công.
2. Giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng chính quyền cách mạng - chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), thu giang sơn về một mối, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trên cơ sở nhìn nhận rõ vai trò của nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(19).
Thực tế cho thấy, những thành tựu đạt được của đất nước ngày hôm nay không phải đi lên một cách thuận chiều, thẳng tắp mà trong quá trình phát triển đó cũng có nhiều khúc quanh, những điểm lùi tạm thời. Những khúc quanh, điểm lùi diễn ra vào những thời điểm khi một số cán bộ, đảng viên, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và một bộ phận nhân dân chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân nói riêng. Một số cán bộ đảng viên, thậm chí cán bộ, đảng viên cấp chiến lược không đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, mà đặt quyền lợi, lợi ích của cá nhân, của bộ phận cao hơn hết thảy. Họ tự cho mình cái quyền là cha mẹ của dân, là người ban phát lợi ích cho dân, ăn trên, ngồi chốc, cậy quyền, cậy thế, đè đầu, cưỡi cổ nhân dân…. Họ không thấy hết chính nhân dân mới là người làm nên lịch sử, nhân dân mới là người lập lên chính quyền cách mạng, nhân dân là người bầu họ ra đại diện tham gia chính quyền, nhân dân là người nuôi bộ máy chính quyền đó hoạt động….
Mặt khác, một bộ phận nhân dân cũng chưa thấy hết quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển đất nước. Vì không nắm rõ quyền lợi của mình, một bộ phận nhân dân chưa thực sự phát huy quyền làm chủ của mình… Đồng thời, một bộ phận nhân dân cũng chưa nhận thấy hết trách nhiệm trong xây dựng và phát triển đất nước, không nỗ lực học hỏi, vươn lên, do đó, có thể dễ bị mua chuộc bởi lợi ích trước mắt mà các thế lực thù địch đưa ra dụ dỗ dẫn tới đi vào con đường sai trái, không vì lợi ích của dân tộc, của đa số nhân dân.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để thực hiện mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra(20), hơn lúc nào hết cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển dân tộc trong nhân dân; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục những hạn chế đã và đang còn tồn tại, một trong những việc làm cần thiết là toàn Đảng, toàn dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân nói riêng; cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, sâu sắc về bản chất và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân.
Bài học về “lấy dân làm gốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện giành những thắng lợi to lớn trong lịch sử vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Bài học đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đúc rút qua nhiều kỳ đại hội. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong 5 bài học được rút ra thì “lấy dân làm gốc” chính là bài học thứ hai được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(21).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, từ các vị nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học đến bà con lao động đều yêu quý, kính trọng nhân cách của Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng ngời chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta"(22). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng của Người vẫn trường tồn cùng dân tộc, “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”, như sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa nhân loại”(23).
(19), (21) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.25, tr.27 - 28.
(20) Mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra đến năm 2025, Việt Nam: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
(22) Lê Duẩn (1980), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.36.
(23) Võ Nguyên Giáp (1993), Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.73.
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận